Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Phân Tích Tình Yêu

Bước qua tuổi 50, một mốc thời gian đánh dấu nửa cuộc đời - nếu quả thực ai cũng được sống lâu đến trăm tuổi - người ta không thể không nhìn lại quãng đời đã được trải qua, ôn lại những vui buồn của cuộc sống. Mà khi đã nói đến cuộc sống, ngoài những chuyện lỉnh kỉnh nhưng vẫn phải đối phó hàng ngày với - như ăn, ngủ, làm việc kiếm cơm - còn có gì đáng nói hơn là Tình Yêu?
Bài tiểu luận này gồm hai phần chính: Một vài quan sát, nhận xét, cùng kinh nghiệm có khi là bản thân, và sau đó phân tích sinh hóa học của một nhân vật được nhiều nguời coi là thông thái về nhiều thứ trên đời, kể cả về Tình Yêu.
Nửa Ðời Nhìn Lại
Ngày mới lớn, khi nghe các chị, các anh nói về cái gọi là Tình Yêu, tôi đã tốn khá nhiều hơi sức để tìm hiểu xem đích thực Tình Yêu là gì, nhưng lại càng thấy bị lú đầu hơn vì những lời dẫn giải được coi là nổi tiếng về Tình Yêu như:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
(Xuân Diệu)
Ðồng thời, tôi đã bị thảo chương (programmed), hay điều kiện hóa (conditioned) khá nặng, và bị ảnh hưởng - mà sau này tôi mới biết - tai hại về Tình Yêu, bằng những câu thơ đại loại như:
Áo xiêm, khanh tướng trong thiên hạ
Góp lại không đầy mắt mỹ nhân
Cho nên tôi đã quyết chí phải tìm ra cho được mỹ nhân. Và tôi đã coi như thuộc nằm lòng những thứ mà nhiều người coi như là tiêu chuẩn - hay hơn nữa, những nguyên tắc - cho một Tình Yêu toàn hảo như: Yêu là bổ khuyết/bổ túc cho nhau; Yêu nhau là hai người phải gạt qua một bên những dị biệt, để cùng nhìn về một hướng, v.v. Tưởng như vậy là đã ‘biết’ hết. Thế mà mới đây, một triết gia, đồng thời là thi sĩ được gán cho danh hiệu là ‘Ðấng Tài Hoa’, đã như ‘dội một gáo nước lạnh’ làm tôi thấy cái kiến thức về Tình Yêu của tôi thật giới hạn. Ðấng Tài Hoa cho rằng Tình Yêu tuyệt đối biến hai người yêu nhau thành một:
Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
(Bùi Giáng)
Sự kiện nhiều cặp vợ chồng hay gọi nhau là ‘mình ơi!’, hay ‘nhà tôi’ cho thấy nhiều người trong chúng ta coi mình và người hôn phối của mình là một.
Ngày trước ở Việt Nam, thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta đã lập gia đình ở tuổi trung bình 20 cho con trai, và 16 cho con gái. Thật là còn quá trẻ để có thể có đủ ý thức và trưởng thành trong quyết định quan trọng này. Vậy mà cũng thành những gia đình, sinh con đẻ cái đầy đàn. Và rồi con cái họ - tức là chúng ta đây - cũng coi như nên người. Tôi không rõ ông bà, cha mẹ chúng ta ngày xưa đã ‘điếc không sợ súng’, hay cuộc sống ngày nay đã trở nên quá khúc mắc trong khi những truyền thống như ‘môn đăng hộ đối’, ‘tiểu gia đình trong khuôn phép, và sự hỗ trợ của đại gia đình’ đã không còn có, giúp giảm thiểu, hay hóa giải những vấn đề của cuộc sống lứa đôi? Ngay như ngày nay, tôi vẫn thấy sự thành lập gia đình của một đôi trai gái dù trên 30 tuổi, và đã có nghề nghiệp chuyên môn, là một quyết định có nhiều rủi ro (risky) nhất trong đời. Vì khi lấy nhau, thật sự hai người đã biết gì về nhau?
Hãy thử quan sát những người mướn chung phòng như sinh viên trong cư xá đại học: Phải sau cả năm, ba tháng sống chung với nhau mới biết người mình chọn có thích hợp với mình, và có thể tiếp tục sống chung với nhau được không. Các khác biệt - khoan nói tới những tật xấu - chỉ hiện rõ ra khi hai người đã thực sự chung đụng với nhau. Hôn nhân đương nhiên nghiêm trọng, không đơn giản, và dài hạn hơn là hai người chia phòng hay ở chung nhà.
Mỗi một cá nhân tạo hóa sinh ra đều độc đáo, theo nghĩa không ai hoàn toàn giống ai về thể xác lẫn tâm tính. Ðồng thời, hiếm - nếu không muốn nói rằng chẳng - có ai toàn hảo. Nhiều người trong các bạn chắc cũng như tôi: Có khi nhìn thấy mặt mũi, vóc dáng mình trong gương tôi thấy tôi đáng chán, xấu, hay/và đáng ghét làm sao đâu. Không lẽ mình lại tự đấm, hay tát vào mặt mình cho bõ ghét! Mà nếu mình còn có khi không … ‘thương’ nổi mình, thì ai - kể cả người bạn đời của mình - có thể thấy ưa thích mình luôn mãi được?
Trong một cuộc hôn nhân, hai con người như vừa tả, được/bị sống chung dưới một mái nhà, xác xuất sẽ có tương đồng, hạnh phúc lâu dài, liệu sẽ lên được tới mấy phần ngàn? Do đó, mới có những hoạt cảnh như bát bay, đĩa bay, hay tàn hại hơn: những vụ đốt (cô Quờn) hay thiến (Bobbittization) chồng mà báo chí có tường thuật, làm tổn hại, đau lòng – có khi đến ứa nước mắt - hoặc tan vỡ luôn cuộc sống vợ chồng.
Sau nhiều năm có thể rất hạnh phúc, mọi đặc tính (như: tài, đức, trí, dũng, công, dung, ngôn, hạnh) của cả hai vợ chồng sẽ thay đổi, chắc chắn không còn y như ngày mới gặp nhau. Tất cả những yếu tố, lý do khiến ngày mới gặp nhau, thích nhau, thấy hợp nhau, yêu nhau và lấy nhau bây giờ đã trở thành không còn đúng, hay không còn có nữa. Tình Yêu, hôn nhân, và do đó gia đình, rất dễ bị lung lay.
Khi cuộc tình trở thành hôn nhân, mặt trái của bức tranh đẹp sẽ bị phơi bầy rõ rệt. Chẳng thế mà trong một cuốn video ca nhạc, người điều khiển chương trình đã ‘phóng tác’ hai câu thơ nổi tiếng của một thi sĩ ‘chuyên trị Tình Yêu’, để báo động nguy cơ khi đôi tình nhân, từ Tình Yêu bước qua hôn nhân:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Lấy nhau về, nham nhở lắm em ơi
Những người đã lấy nhau, kể từ sau tiệc đám cưới, đều biết rõ chúng ta đã ‘nham nhở’ với nhau như thế nào. Chưa kể những cạm bẫy nguy hiểm mà tôi có thấy ở một cặp vợ chồng kia, mới ngày nào:
- “Ai ơi, về ăn cơm!"
- “Cơm ai thổi?"
Nay đã thành:
- “Anh ấy đâu, thưa chị?"
- “Thưa, chúng tôi không còn sống chung với nhau nữa ạ!"
Có khi chính những yếu tố đã khiến hai người để ý đến nhau, thích nhau, yêu nhau rồi lấy nhau, mười mấy năm sau lại trở thành một trong những lý do chính làm họ phải ly dị nhau. Số là chị vợ từ nhỏ vốn chậm mồm, ít nói; Anh chồng, ngược lại, ăn to, nói lớn, mạnh mồm, bạo miệng với mọi người, về bất cứ vấn đề gì. Lúc mới gặp nhau, chàng thanh niên đã bổ khuyết cho người thiếu nữ trước mặt các bạn bè trong các buổi họp mặt. Người thiếu nữ thích thú và cảm thấy hết bị ‘lép vế’ với mọi người chung quanh nhờ lợi thế ăn nói mạnh bạo của người yêu. Khổ một nỗi là sau khi đã trở thành vợ chồng, người chồng lại vẫn tiếp tục sử dụng lối ăn nói đó với anh em và họ hàng nhà vợ. Cái ‘tài ăn nói’ ngày trước nay trở thành một thứ ‘tai họa’ cần phải được giải quyết. Cuộc hôn nhân gẫy đổ.
Thành ra khi một ông thi sĩ nổi tiếng, khơi khơi diễn tả Tình Yêu của ông kéo dài từ kiếp này qua luôn kiếp sau:
Anh vẫn còn yêu em kiếp sau
Vầng trăng về núi sẽ quay đầu
(Ðinh Hùng)
thì nên hiểu đây chỉ là mơ ước, hay tưởng tượng, để cho ra mấy câu thơ có ý tưởng mới lạ, chứ tôi không tin ông thi sĩ này đã lấy, hay sống nhiều năm với người yêu của ông ấy. Hơn nữa, trong một cuộc tình không thuộc loại ‘tình si’, đâu phải cứ một người muốn là xong, như chuyện có thật tiếp theo.
Một người bạn tôi quen lúc học đại học, chắc cũng muốn ‘giữ chỗ’ hạnh phúc của mình qua kiếp sau, đã nửa đùa, nửa thật hỏi vợ rằng liệu kiếp sau mình có lấy nhau nữa không. Người vợ trả lời ngay, không cần suy nghĩ: ‘Không!’ Anh ta lại thử ‘thương lượng’ thêm: "Thế nếu kiếp sau, mình đổi chỗ: anh sẽ làm vợ, và em sẽ là chồng anh, thì có chịu không?" Câu trả lời cũng vẫn là ‘Không!’  rất rõ ràng, và dứt khoát. Trong khi không ngạc nhiên về câu trả lời của người vợ, tôi nghĩ người bạn tôi hoặc thích đùa với vợ, hoặc là một trường hợp yêu vợ ngoại lệ, đáng để các bạn bè khác lấy làm gương. Cũng như những liên hệ có ý nghĩa và lâu dài khác, Tình Yêu phải là con đường hai chiều.
Ngay như khi không gặp phải những vấn đề, cuộc tình hình như vẫn bị phai nhạt đi.
Một người bạn trung học của tôi trong khi đang trải qua một cuộc tình dài, đã một hôm làm ra câu nhạc:
Xin cho yêu lại từ đầu
Khi vừa chớm biết thương đau
(Nam Lộc)
Tôi đoán người bạn này chắc là đã tiếc nhớ những cảm xúc ban đầu mà có lẽ anh ta không còn nữa. Tuy nhiên, tâm trạng ‘được ăn cái nhân bánh thêm một lần nữa’ dù rõ ràng là khôn lanh, nhưng sẽ chỉ là hoài vọng.
Một cô em dâu của tôi có một lần nhận xét: "Anh biết không, em thấy hầu hết những rắc rối của các cuộc tình thật ra không phải chỉ vì là "Nồi tròn có vung tròn, nồi méo có vung méo!" có xảy ra hay không, mà chỉ vì là "Cho mỗi cái nồi – dù tròn hay méo – lại có hai hay nhiều hơn cái vung đậy rất … vừa!".
Tôi có thêm rằng: Ðấy là chưa kể có khi tưởng nồi với vung vừa với nhau rồi là tốt đẹp, đâu biết rằng rắc rối vẫn có thể xảy ra khi chất liệu của nối và vung không tương xứng (compatible) với nhau: Thí dụ, nồi bằng nhựa, mà vung lại bằng sắt!
Hình như có tiên liệu trước những hiểm họa đó, các cụ ngày xưa hay nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của yếu tố ‘Nghĩa’.
Dù Sắc thường là yếu tố bắt đầu Tình, chỉ và chính cái Nghĩa - mà hai vợ chồng sau khi đã lấy nhau, tạo ra, bồi đắp, và phát triển - sẽ quyết định cuộc sống chung có thể kéo dài được bao lâu.
‘Nghĩa’ bắt đầu khi đôi tình nhân chung sống với nhau. ‘Nghĩa’ bao gồm những kỷ niệm có với nhau, cùng những ràng buộc luân lý và nhân cách phát triển ra trong liên hệ hai người (thí dụ: những ân cần, săn sóc khi ốm đau, những thông cảm, an ủi khi phải đối phó với những khó khăn trong cuộc sống), và những bổn phận làm vợ, làm chồng. Những bổn phận này tùy theo từng xã hội, có thể sẽ được minh định rõ ràng bằng luật lệ, thí dụ như luật gia sản chung, hay luật đài thọ tổn phí nuôi con ở California, Hoa Kỳ. Tôi có nhớ trong văn chương được học hồi trung học, nhiều câu chuyện, hay sự tích thường có đề cập đến yếu tố Nghĩa này.
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
(Nguyễn Du)
Trong khi nói – và làm – hơi (quá) kỹ về Tình Dục, người Âu Mỹ hình như ít ai đề cập đến Nghĩa trong hôn nhân. Tiếng Anh không có danh tự nào tương đương với chữ Nghĩa của tiếng Việt; Muốn diễn tả ý nghĩa ấy cần phải ghép hai chữ Conjugal Devotion.
Nếu đã bàn đến Nghĩa thì cũng phải nói đến Duyên Số, hay Duyên Nợ.
Tuy cùng là Duyên, nhưng Duyên Nợ hàm ý ngoài ý muốn, hay không trong sự kiểm soát của hai người. Duyên Số (/Nợ) có tính cách thân phận, do trời định, đưa đẩy hai người gặp gỡ nhau, yêu nhau, hay như mắc nợ với nhau, và cuối cùng (‘phải’) lấy nhau và chung sống với nhau. Các cụ ngày xưa cũng đã nói nhiều đến Duyên như một phần của số mệnh con người.
Người đâu găp gỡ làm chi,
Trăm năm biêt có duyên gì hay không?
(Nguyễn Du)
Hôn nhân như vậy, chẳng qua chỉ là một giai đoạn kế tiếp, hay một nhãn hiệu mới cho Tình Yêu. Ðời người cần có rượu ngon dù ở giai đoạn, hay với nhãn hiệu nào. Liệu có phương cách nào có thể giúp cho vợ chồng giữ được Tình Yêu như rượu quí – càng ngày càng ngon hơn theo thời gian - hay không? Hãy thử xem khoa học có thể giúp soi sáng vấn đề.
Phân Tích Khoa Học
Một nữ độc giả có hỏi bà Marilyn vos Savant - một trong những người có hệ số thông minh gọi là IQ cao nhất thế giới, trong "Guinness Book of World Records" - như sau:
"Phải chăng ‘rơi vào tình yêu (falling in love)’ chẳng qua cũng chỉ là một cái bẫy sập sinh hóa ác độc? Rồi thì những hóa chất gây ra cảm giác hay cảm tưởng mà ta gọi là ‘tình yêu’ sẽ bay hơi, tan biến đi sau một hai năm, khiến những người yêu nhau ‘vò đầu, gãi tai’ tự hỏi không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho họ. Thật là rắc rối, vì sau một hai năm yêu thương đậm đà ấy, nhiều người đã lấy nhau, sinh con đẻ cái, thay nghề đổi nghiệp, và coi như bị ràng buộc với người phối ngẫu mà mình hết cảm thấy yêu thương. Trong những điều kiện lý tưởng như thế nào, tình yêu có thể tồn tại sau khi những hóa chất đã tạo ra những rung động yêu đương đã cất cánh bay đi? Có những dấu hiệu gì có thể báo trước chuyện gì sắp sửa xảy ra trong cuộc tình hay không? Hay là chúng ta đã được tạo hóa họa kiểu (designed) cho lối sống có nhiều vợ, nhiều chồng - tuy không cùng một lúc (serial monogamy) - như những tiền nhân ‘ăn lông ở lỗ’ đã làm? Là một nữ khoa học gia về sinh vật học đã từng lãng mạn rất hạnh phúc, tôi đã trở nên chua cay một cách vô vọng về những biến chuyển của tình yêu. ‘Tình yêu lãng mạn (romantic love)’ thật ra là gì?"
Bài trả lời của bà Savant đăng trên Tạp chí Parade số ra ngày Feb. 8, 1998 có những điểm đáng để ý như sau:
"- Tình yêu lãng mạn có xuất xứ chính là tác động tâm lý, thí dụ như một đôi mắt, nụ cười, mái tóc, vầng trán, dáng đi, tiếng cười, bộ ngực, giọng nói, đôi chân, cái co bắt mắt. Yếu tố tâm lý này khi tác động nhiều lần, và mạnh mẽ, sẽ tạo ra những phản ứng hóa học khiến chúng ta có những cảm xúc yêu thương. Hai yếu tố đó - tâm lý và sinh vật học - tạo nên tình yêu lãng mạn. Tình yêu lãng mạn gây cảm hứng mãnh liệt trong tâm hồn con người, làm bén nhậy các giác quan, và mở rộng con đường đối thoại tinh khiết nhất giữa hai con người: cả thể xác lẫn linh hồn. Khi những cảm giác này được chia xẻ với nhau, hai người yêu nhau say mê chỉ vì được có nhau trong những giây phút hạnh phúc mà những kẻ chưa được biết thế nào là tình yêu lãng mạn không có thể nào hiểu nổi.
- Ðiều bất hạnh là khi những lợi ích tâm lý này sút giảm và tan biến đi, những phản ứng hóa học trong cơ thể con người cũng biến mất theo. Ða số những ham muốn có tính tâm lý sẽ yếu dần và suy tàn trong một hay hai năm.
- Khi tình yêu bị khô cạn về mặt tâm lý, hai người từng yêu nhau không còn thấy thích thú ở nhau. Có khi sự hết thích thú làm tắt luôn những xúc cảm sinh lý.
- Làm sao có thể duy trì được những hấp dẫn/lợi ích tâm lý đủ để vẫn có được những ngọn lửa hóa học quí báu kia làm tươi sáng đời sống của mình? Nói một cách khác: Làm sao chúng ta có thể có được một tình yêu lãng mạn không bị thời gian hủy diệt?
Nếu chúng ta tiếp tục phát triển khả năng của mình, mở rộng tầm với trí tuệ và càng ngày càng làm cho mình trở nên hấp dẫn, chúng ta có thể gây hứng khởi kích thích lợi ích của người yêu. Giống như một vũ trụ luôn nở rộng, chúng ta sẽ trở thành một thực thể không ai - kể cả chính mình - có thể biết hết được. Tất nhiên không phải ai cũng có thể tự tiếp tục phát triển được như thế. Nhưng người nào làm được chuyện đó, sẽ mãi mãi đánh thức lòng hiếu kỳ lãng mạn của người yêu mình.
Tuy nhiên - và khó khăn hơn - trong khi chúng ta có thể làm nhiều thứ để mình trở nên hấp dẫn đối với người khác, có rất ít điều chúng ta có thể làm để khiến đối tượng trở nên hấp dẫn đối với mình. Chúng ta không thể làm hỏng những phản ứng hóa học; nhưng phản ứng hóa học đánh hỏng chúng ta. Nói một cách khác, ngay như khi chúng ta đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo và đầy đủ về phía chúng ta, đối tượng của chúng ta cũng vẫn cần phải sẵn sàng thì hai người mới có thể cùng khiêu vũ một nhạc khúc Tango nóng bỏng nhất."
Câu trả lời của bà Savant tôi thấy hơi duy … vật học! có một vài lỗ hổng, và một vài điểm cần phải được bàn thêm:
- Cảm xúc tâm lý con người luôn biến hóa, và khó có thể cạn. Tâm lý là một đề tài bí hiểm, và hầu như vô tận mà chưa ai - kể cả những chuyên gia lão luyện - có thể hiểu được thấu đáo.
- Theo thời gian, tuy Tình sẽ giảm, nhưng Nghĩa dễ gia tăng. Trong khi Tình thiên về lợi ích chủ quan, Nghĩa vì là khách quan nên khi đã phát triển, dễ bền vững hơn Tình, giúp kéo dài cuộc sống lứa đôi.
- Có nhiều cặp tình nhân lấy nhau có khi không cần lý do, bất kể sự can ngăn của thân nhân và bạn thân; Do đó, khi hôn nhân rã đám, hai người cũng chẳng cần có lý do. Theo họ, “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu nổi!”
- Có những trường hợp hai người lúc yêu nhau, rồi lấy nhau mà không rõ, hay không cần, hoặc không biết lý do. Thế mà đến lúc thấy không thể sống với nhau nữa, thì lập tức hai bên lại có thể kể ra hàng tá lý do tại sao phải ly dị. Ðây là trường hợp có thể gọi là Nghĩa … âm!
- Bản năng nguyên thủy của người đàn ông là muốn truyền giống, trong khi người đàn bà sẽ tìm để có người đồng hành khỏe đẹp nhất trong đám đàn ông chung quanh. Những biến hóa và liên hệ tiềm thức của bản năng ấy với những tiêu chuẩn và lối sống mới của nhân loại cần phải được tìm hiểu và ý thức rõ, thì may ra toàn thể vấn đề Tình Nghĩa, và hôn nhân mới có thể sáng tỏ được.
- Nếu đã chấp nhận, hay tin rằng Duyên Số quyết định cuộc sống lứa đôi, tất cả những yếu tố như tâm lý, sinh hóa học, kể cả Nghĩa, xét ra trở thành không đáng, hay cần thiết để được coi như vấn đề cần được bàn cãi.
Thay Lời Kết
Căn cứ vào những phân tích và nhận định vừa trình bầy ở trên, nếu chẳng may có bị trắc trở trong hôn nhân, xin bạn chớ nên quá ngạc nhiên, hoặc quá tự trách mình, hay người phối ngẫu của mình:
Hãy khóc, hãy khóc đi em!
Giòng nước mắt sẽ bay trong trời
Làm cơn mưa rớt trên chăn gối
Lời cỏ cây hát trên da người
(Trịnh Công Sơn)
Căn nguyên của vấn đề một phần lớn là tại trời. Con người thật ra chỉ có mỗi một lỗi là chẵng biết rõ Tình Yêu thật sự là gì, mà cứ lừng lững bỏ cả những người vốn thân thiết nhất là bố mẹ và anh em mình - nhởn nhơ bước vào; Nhưng gốc rễ to lớn hơn của vấn đề là ở tạo hóa, vì chính tạo hóa đã tạo ra con người: Tác/Sản phẩm này của tạo hóa không những đã không hoàn hảo, mà còn có thể đã bị họa kiểu (designed) để - không biết vô tình hay cố ý - không thể bền bỉ được với Tình Yêu, làm lung lay cả cuộc hôn nhân, và thu ngắn hạnh phúc gia đình.
Trong khi chờ đợi tạo hóa triệu hồi (recall) để tái tạo loài người được hoàn hảo hơn, Tình Yêu nồng thắm vượt thời gian không phải không có, nhưng rất hiếm mấy ai có thể đạt được, vì đã hoặc biết phát triển Nghĩa ngay sau khi mới có Tình, hoặc là hai người xuất chúng, hay có Duyên Số tốt.
Với hầu hết nhân loại, thay vì tự làm khổ mình hay những người chung quanh, có lẽ con người nên ý thức và chấp nhận những hữu hạn của con người trong vô tận của trời đất – như tâm sự của ai kia:
“Đời như cơn gió cuốn
Ngàn năm, ngàn năm xoay
Tình trong cơn gió cuốn
Thiên thu, thiên thu sầu”
Dù có khốn khổ vì Tình Yêu, những người đã yêu nên luôn nhớ rằng họ đã có diễm phúc nếm mùi so với những người chưa một lần yêu.
Và, nghĩ cho cùng, không có ai có thể được coi là biết hết về Tình Yêu, vì trong khi mỗi người mỗi khác, tâm lý của Tình Yêu trong cuộc đời, cũng như Duyên Số là những ẩn số có lẽ chẳng bao giờ con người có thể tìm hiểu thấu đáo nổi. Ðời sống như vậy mới ly kỳ, khiến con người không bao giờ có thể hết say mê…
Nguyên Giao
San Diego, Hoa Kỳ



Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.