Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

QUÂN TỬ QUẦN NHI BẤT ĐẢNG (2)

Chào các bạn,
Con người chúng ta nếu có liên hệ gì đó thành một nhóm là bắt đầu có tinh thần đảng phái, băng đảng.
Hai nhóm khán giả xem bóng, mỗi nhóm ủng hộ một đội, và đánh nhau trong trận bóng hay sau trận bóng là chuyện thường. Thế có ngu dốt không?
Nếu nhóm đó lại có nhiều thủ tục để bạn được vào, như một đảng chính trị hay một tôn giáo, thì ngu dốt đó có thể tăng lên một triệu lần. Chỉ cần liếc qua lịch sử chiến tranh của các tôn giáo và các đảng phái chính trị là đủ hiểu.
Nhưng “đảng” là gì? Tiếng Hán Việt, chữ đảng có nhiều nghĩa. Một số nghĩa liên hệ đến đề tài chúng ta đang nói chuyện là:
– Họ (tên họ)
– Họ hàng. Phụ đảng: họ hàng bên cha. Mẫu đảng: họ hàng bên mẹ.
– Tổ chức hành chánh ngày xưa, 100 nhà là một đảng. Hương đảng là làng xóm.
– Đảng chính trị.
– Phe nhóm: băng đảng. “Kết đảng doanh tư” là cấu kết với nhau cầu lợi riêng. “Hồ quần cẩu đảng” là bè nhóm lang sói (chuyên làm bậy).
– Bè bạn. “Ta tai ngô đảng nhị tam tử, An đắc chí lão bất canh quy” – Hỡi ơi, bạn bè ta hai ba người, Làm sao tới già lại không về?
– Hùa theo, a dua, thiên vị. “Ngô văn quân tử bất đảng, quân tử diệc đảng hồ?” – Tôi nghe quân tử không thiên vị, hóa ra quân tử cũng thiên vị sao? (Luận Ngữ)
Đại khái “đảng” nghĩa là như thế: tụm lại và có khuynh hướng thiên vị cho phe nhóm mình.
Khổng tử nói: “Quân tử quần nhi bất đảng.” Tức là, quân tử tụ lại nhưng không đảng. Quân tử tụ lại nhưng không thiên vị, vẫn công bình và khách quan với tất cả mọi người – người phe ta hay người ngoài.
Nếu quân tử quần nhi bất đảng thì thế giới hòa bình, phải không các bạn? Ngồi cùng đảng ta mà ta không thiên vị đối với người ngoài. Ngồi cùng đạo ta mà ta không thiên vị nội đạo ngoại đạo. Ngồi cùng họ hàng ta mà ta không thiên vị với họ hàng chống người ngoài một cách bất công.
Nói vậy, không có nghĩa là ta không thấy giá trị những người gần ta. Giang hồ hiểm ác. Chỉ người thân ta, ta mới hiểu nhiều – bố mẹ, anh chị em, bè bạn, người cùng trường, cùng nhà thờ, cùng chùa, cùng đảng… thì thân cận nhau thường hơn và hiểu nhau hơn. Cho nên làm việc với những người đã thân cận với mình rồi vẫn chắc ăn hơn là đọc quảng cáo trên báo để tìm người ở chốn giang hồ hiểm ác, phải không?
Thiên hạ làm chính trị, kinh tế, thường chọn các bạn họ đã biết lâu để làm việc với họ. Người ta nói đó là băng đảng. Nhưng nếu bạn không chọn người mình đã biết, mà lại chọn người mình chẳng biết, chọn xong rồi tối ngày cãi nhau thì làm việc thế nào được? Làm càng lớn càng cần người rất thân và rất tín cẩn với mình, và người như thế thì không đăng quảng cáo mà tìm được, nhưng nằm trong iPhone của mình.
Thế thì làm sao làm việc với băng đảng mà “bất đảng” (không đảng) như Khổng Tử nói. “Bất đảng” này có nghĩa là “không thiên vị.” Suy nghĩ công minh, đúng thì làm, không phải cứ người của mình là mình nghe theo.
Làm kinh doanh, thì khách hàng nói, phê phán, chỉ trích, ta phải chịu khó nghe, nếu không thì sập tiệm lớn. Nói về kinh doanh, chỉ trích của khách hàng quan trọng bằng 100 lần chỉ trích của nhân viên (vì nhân viên thường chẳng dám chỉ trích phe ta).
Chính trị cũng vậy, dân ta thán, dân kêu oan, thì rất quan trọng để nghe, vì người đảng ta cũng như ta, nghĩa là không hiểu được dân như người dân hiểu chính họ.
Cho nên ngồi cái thân trong đảng, mà bất đảng về tư duy là như thế. Ngồi cùng đảng mà không thiên vị với ai, ngoài hay trong đảng.
Các bạn có làm được điều đó không? Không dễ như bạn nghĩ đâu. Ngồi trong đảng chính trị, nói gì mà các bạn đồng đảng không đồng ý, thì rất có thể bạn bị phê bình thiếu trung thành với đảng, dù bạn đúng hay sai. Ngồi trong đạo mà phê phán đạo mình hay/và biện hộ cho đạo khác thì có thể được mọi người gán cho nhãn “lạc đạo” hay “phản đạo”.
Con người khi ngồi một nhóm thì dữ dằn lắm các bạn. Những người cực kỳ dễ thương khi nói chuyện riêng với mình, ngồi với băng nhóm của họ, họ có thể thành dữ dằn như là một người khác hoàn toàn. Rất là sửng sốt! (Mình đã thấy tận mắt nhiều người như thế. Cực kỳ dễ thương khi giao tiếp bình thường, đến khi quý vị nói chuyện chính trị, nhất là đọc diễn văn chính trị, quý vị thành dữ dằn như sói. Kinh khủng. Mình là dân sống đánh nhau chuyên nghiệp – trong tòa án và trong võ đường, nhưng đến khi thấy các vị hiền lành hóa phép thành hổ chính trị, mình sợ luôn, cảm thấy mình hiền như bụt, đáng được Phật xoa đầu. Vì thế mình rất không ưa chính trị, một loại thuốc độc giết người trong một giây, biến tiên bà thành hổ già tức thì).
Cho nên các bạn đừng nghĩ rằng bạn có thể ngồi với đảng mà bất đảng. Muốn ngồi với đảng mà bất đảng, bạn cần trí tuệ để biết đúng sai, cần can đảm để nói sự thật, và cần thông minh để nói nhẹ nhàng mà không ăn đòn (hay là thông minh đủ để nín thinh nếu cảm thấy nói ra thì không ổn).
Vậy đó, bạn cần trí tuệ, can đảm, và thông minh để có thể “quần” mà “bất đảng”.
Chúc các bạn luôn công minh dù ngồi với ai, đối với ai.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use

Quân Tử Quần Nhi Bất Đảng

Chào các bạn,

Hồi nhỏ mình học câu này của Khổng tử “Quân tử quần nhi bất đảng” (“Quân tử tụ lại nhưng không phe đảng”), nhưng không nắm được sự quan trọng của nó, cho đến những năm về sau này. Tại sao quân tử tụ lại thì không phe đảng? Và tụ lại mà phe đảng thì không là quân tử?
Bởi vì, khi một nhóm người tập hợp lại thành một tổ chức, dù tổ chức đó là gì, mục đích tốt thế nào, thì trong đại đa số các trường hợp, tổ chức đó trở thành đầu mối của chia rẽ và mâu thuẫn.
Lấy các tôn giáo làm ví dụ là rõ nhất. Tôn giáo nào cũng nói là nhằm tạo hòa bình và an lạc cho toàn thể loài người. Nhưng mỗi tôn giáo có một triết lý‎ khác nhau. Khác nhau không phải là cái tội. Cái tội là các qu‎ý vị tôn giáo luôn luôn cho rằng chỉ có tôn giáo mình là đường chính, gây gổ nhau nếu chỉ một từ nói ra không hạp với triết lý của họ. Thế giới đã và đang có nhiều trận thánh chiến đổ máu của các nhóm người đánh nhau nhân danh tôn giáo, đôi khi là toàn thể mọi người trong một tôn giáo tham dự vào cuộc chiến, như ta đã thấy trong lịch sử. Và các vị đánh nhau hay cãi nhau toàn là vì những chuyện chẳng ai chứng minh được, mà cũng chẳng quan trọng gì cho ai cả (ngoại trừ cho chính các vị) như là, có thượng đế hay không, thượng đế có 3 ngôi hay chỉ 1 ngôi, Jesus là Thượng đế hay chỉ là tiên tri của Thượng đế… Tôn giáo, dù là muốn tạo hòa bình, thực ra là lý do của chia rẽ, mâu thuẫn và chiến tranh đẫm máu số một trong lịch sử con người.
Có một điều mình biết rất chắc chắn là, Thượng đế, Phật, Allah và chư thánh chư thần không cần chúng ta biết các chuyện trên trời dưới đất, thiên đàng hỏa ngục, kiếp trước, kiếp sau… Các vị lại càng không muốn thiên hạ cãi nhau hoặc đánh nhau vì chân l‎ý, thần lý, triết lý gi cả. Các vị chỉ cần một chuyện “Tất cả mọi người trên thế giới yêu nhau, ngay tại đây , lúc này”. Tất cả những người mẹ có mấy đứa con đều biết được trái tim của thánh nhân đối với loài người. Nhưng chân lý rất dễ hiểu này—mọi người yêu nhau, ngay tại đây, lúc này–hầu như chẳng mấy ai hiểu và nắm giữ.
Chính trị là l‎ý do chia rẽ số hai. Cứ người theo chủ nghĩa này thì cho chủ nghĩa khác là sai, và rất thường khi người ta khởi chiến để giết nhau vì chủ nghĩa. Đảng phái củng thế, đảng nào cũng nói là yêu nước, nhưng ngay tại các quốc gia dân chủ tiền tiến, các đảng tốn nhiều thời gian và năng lực để đấu đá tranh ghế hơn là lo cho quốc gia dân tộc. Và tại các quốc gia chậm tiến thì rất thường xuyên là các đảng thực sự đánh nhau trên đường phố, và đôi khi trên chiến trường. Tại các quốc gia chỉ có một đảng, thì dân làm chủ, đảng quản lý mọi sự, quản lý luôn dân.
Con người thường là như thế. Tụ lại là thường trở thành tôn thờ tổ chức của mình, tổ chức của mình là độc tôn, chống lại người ngoài tổ chức. Đó chính là tâm lý phe đảng mà Khổng từ nói người quân tử không nên có.
Tụ lại không phải là cái tội. Nếu người công giáo tụ lại để thờ phượng và hỗ trợ nhau trong một giáo hội thì có gì sai? Nhưng đừng cãi nhau nếu có người nói Giêsu cũng chỉ là một thánh nhân như Khổng tử, không hơn không kém. Phật giáo tụ lại thì có sao? Nhưng đừng bắt người ta nếu đã nói đến Bát chánh đạo thì đừng nói đến Thượng đế. Làm việc với công ty A là rất tốt, nhưng đừng vì thế mà phải badmouth công ty B.
Đó gọi là tinh thần “vô tranh”, không tranh cãi, không tranh chấp.
Tinh thần vô tranh đến từ khiêm tốn —- xem người khác và ‎ý kiến của người khác cũng có giá trị đối với họ như là ý kiến của mình có giá trị đối với mình.
Đó là trí tuệ — biết được tính cách đúng mà sai sai mà đúng, rất tương đối và giả tạm, của mọi kiến thức, mọi giáo pháp, mọi chủ nghĩa…
Đó là vô ngã —- không còn chấp vào cái tôi, của tôi, thuộc về tôi.
Đó là yêu người.
Và yêu người là điều duy nhất các thánh nhân kim cổ cần chúng ta làm. Tất cả các triết lý của tất cả các thánh nhân cũng chỉ nhằm kêu gọi con người làm MỘT điều đó —- Yêu tất cả mọi người, vô điều kiện.
Đừng chấp vào triết lý (tức là vác bè) mà bỏ yêu người (tức là bỏ qua sông). Hãy bỏ triết lý, mà nắm yêu người.
Chúng ta hãy kết thúc bài này với câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Thiện Nhân Bất Biện, Biện Nhân Bất Thiện” — người hiền không cãi, người cãi không hiền.
Chúc các bạn một ngày quân tử.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành


Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Cõi Thu



Lá vàng thấp thoáng ngoài hiên
Thì ra Thu đã về bên ta rồi
Một năm ừ nhỉ ... đã trôi
Thu đi Thu đến đất trời vòng xoay
Mấy mươi năm vẫn loay hoay
Mấy mươi năm vẫn hết ngày lại đêm
Dòng thời gian vẫn êm đềm
Dòng đời thác lũ đá mềm cứng chân
Làm sao định nghĩa phong trần?
Làm sao biết được ai phần thanh cao? (*)
Ngoài kia muôn vạn vì sao
Ba ngàn thế giới cõi nào là ta? (**)
Cõi nhỏ nhoi giữa hằng hà
Phận nhỏ nhoi giữa ta bà trần gian ...




LÀNG NAM
05-2020



(*) Truyện Kiều - Nguyễn Du
(**) Thuyết Tam Thiên đại Thiên thế giới của Phật Giáo


Giai Thoại Về Nhạc Phẩm Làng Tôi

Phan Văn Thanh
Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!
Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

Nhạc sĩ Chung Quân và tác phẩm Làng Tôi
Trình chơi Âm thanh

Giai Thoại Về Nhạc Phẩm Làng Tôi

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.
Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.
Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.


Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc “Làng Tôi” xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.
Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương.
Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.
Hành trình về phương Nam
Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.
Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.
Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân
– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?
– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.
Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.
Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.


Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.
Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.
Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.
Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ…
Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.
Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.
Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:
– Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
– Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

Phan Văn Thanh
CHS Văn Đức
Lớp 12C Niên Khóa 1972 – 1975
Source: https://giadinhhoangtrong.wordpress.com/2016/09/12/giai-thoai-ve-nhac-pham-lang-toi/


Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020