Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Quân Tử Quần Nhi Bất Đảng

Chào các bạn,

Hồi nhỏ mình học câu này của Khổng tử “Quân tử quần nhi bất đảng” (“Quân tử tụ lại nhưng không phe đảng”), nhưng không nắm được sự quan trọng của nó, cho đến những năm về sau này. Tại sao quân tử tụ lại thì không phe đảng? Và tụ lại mà phe đảng thì không là quân tử?
Bởi vì, khi một nhóm người tập hợp lại thành một tổ chức, dù tổ chức đó là gì, mục đích tốt thế nào, thì trong đại đa số các trường hợp, tổ chức đó trở thành đầu mối của chia rẽ và mâu thuẫn.
Lấy các tôn giáo làm ví dụ là rõ nhất. Tôn giáo nào cũng nói là nhằm tạo hòa bình và an lạc cho toàn thể loài người. Nhưng mỗi tôn giáo có một triết lý‎ khác nhau. Khác nhau không phải là cái tội. Cái tội là các qu‎ý vị tôn giáo luôn luôn cho rằng chỉ có tôn giáo mình là đường chính, gây gổ nhau nếu chỉ một từ nói ra không hạp với triết lý của họ. Thế giới đã và đang có nhiều trận thánh chiến đổ máu của các nhóm người đánh nhau nhân danh tôn giáo, đôi khi là toàn thể mọi người trong một tôn giáo tham dự vào cuộc chiến, như ta đã thấy trong lịch sử. Và các vị đánh nhau hay cãi nhau toàn là vì những chuyện chẳng ai chứng minh được, mà cũng chẳng quan trọng gì cho ai cả (ngoại trừ cho chính các vị) như là, có thượng đế hay không, thượng đế có 3 ngôi hay chỉ 1 ngôi, Jesus là Thượng đế hay chỉ là tiên tri của Thượng đế… Tôn giáo, dù là muốn tạo hòa bình, thực ra là lý do của chia rẽ, mâu thuẫn và chiến tranh đẫm máu số một trong lịch sử con người.
Có một điều mình biết rất chắc chắn là, Thượng đế, Phật, Allah và chư thánh chư thần không cần chúng ta biết các chuyện trên trời dưới đất, thiên đàng hỏa ngục, kiếp trước, kiếp sau… Các vị lại càng không muốn thiên hạ cãi nhau hoặc đánh nhau vì chân l‎ý, thần lý, triết lý gi cả. Các vị chỉ cần một chuyện “Tất cả mọi người trên thế giới yêu nhau, ngay tại đây , lúc này”. Tất cả những người mẹ có mấy đứa con đều biết được trái tim của thánh nhân đối với loài người. Nhưng chân lý rất dễ hiểu này—mọi người yêu nhau, ngay tại đây, lúc này–hầu như chẳng mấy ai hiểu và nắm giữ.
Chính trị là l‎ý do chia rẽ số hai. Cứ người theo chủ nghĩa này thì cho chủ nghĩa khác là sai, và rất thường khi người ta khởi chiến để giết nhau vì chủ nghĩa. Đảng phái củng thế, đảng nào cũng nói là yêu nước, nhưng ngay tại các quốc gia dân chủ tiền tiến, các đảng tốn nhiều thời gian và năng lực để đấu đá tranh ghế hơn là lo cho quốc gia dân tộc. Và tại các quốc gia chậm tiến thì rất thường xuyên là các đảng thực sự đánh nhau trên đường phố, và đôi khi trên chiến trường. Tại các quốc gia chỉ có một đảng, thì dân làm chủ, đảng quản lý mọi sự, quản lý luôn dân.
Con người thường là như thế. Tụ lại là thường trở thành tôn thờ tổ chức của mình, tổ chức của mình là độc tôn, chống lại người ngoài tổ chức. Đó chính là tâm lý phe đảng mà Khổng từ nói người quân tử không nên có.
Tụ lại không phải là cái tội. Nếu người công giáo tụ lại để thờ phượng và hỗ trợ nhau trong một giáo hội thì có gì sai? Nhưng đừng cãi nhau nếu có người nói Giêsu cũng chỉ là một thánh nhân như Khổng tử, không hơn không kém. Phật giáo tụ lại thì có sao? Nhưng đừng bắt người ta nếu đã nói đến Bát chánh đạo thì đừng nói đến Thượng đế. Làm việc với công ty A là rất tốt, nhưng đừng vì thế mà phải badmouth công ty B.
Đó gọi là tinh thần “vô tranh”, không tranh cãi, không tranh chấp.
Tinh thần vô tranh đến từ khiêm tốn —- xem người khác và ‎ý kiến của người khác cũng có giá trị đối với họ như là ý kiến của mình có giá trị đối với mình.
Đó là trí tuệ — biết được tính cách đúng mà sai sai mà đúng, rất tương đối và giả tạm, của mọi kiến thức, mọi giáo pháp, mọi chủ nghĩa…
Đó là vô ngã —- không còn chấp vào cái tôi, của tôi, thuộc về tôi.
Đó là yêu người.
Và yêu người là điều duy nhất các thánh nhân kim cổ cần chúng ta làm. Tất cả các triết lý của tất cả các thánh nhân cũng chỉ nhằm kêu gọi con người làm MỘT điều đó —- Yêu tất cả mọi người, vô điều kiện.
Đừng chấp vào triết lý (tức là vác bè) mà bỏ yêu người (tức là bỏ qua sông). Hãy bỏ triết lý, mà nắm yêu người.
Chúng ta hãy kết thúc bài này với câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Thiện Nhân Bất Biện, Biện Nhân Bất Thiện” — người hiền không cãi, người cãi không hiền.
Chúc các bạn một ngày quân tử.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.