Nhắc tới tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, không ai lại không nhớ tới những bộ bí kíp huyền thoại như Cửu âm chân kinh và Cửu dương chân kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc của hai môn võ công này.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung , Cửu âm chân kinh là tên gọi của một bộ võ công lần đầu xuất hiện trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu (tiểu thuyết đầu tiên của bộ Xạ điêu tam khúc), qua lời kể của Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh, thì người viết nên Cửu âm chân kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.
Hoàng Thường vốn là một quan văn trong triều dưới thời đại vua Huy Tông triều Tống, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tàng (theo lời Chu Bá Thông thì việc này diễn ra vào năm Chính Hòa thứ năm, vua Huy Tông).
Nhờ trí thông minh và kiên trì, Hoàng Thường đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của Huy Tông hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo, do lính triều đình quá kém cỏi nên quân của Hoàng Thường bị đại bại, nhưng ông cũng giết được một vài cao thủ và sứ giả của Minh Giáo.
Sau đó Hoàng Thường bị người thân của các cao thủ mà ông đã giết cùng lúc kéo đến hỏi tội, Hoàng Thường giết được vài người, nhưng do kẻ thù quá đông ông không chống nổi, kết quả là cả nhà Hoàng Thường bị sát hại, chỉ một mình Hoàng Thường thoát nạn chạy lên núi ẩn náu quyết rèn luyện võ công cao cường để trả thù.
Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được nên viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển: Quyển thượng bao gồm đạo lý thâm ảo của Đạo gia từ đó đúc kết thành bí kíp rèn luyện nội công căn bản, tiêu biểu đoạn mở đầu trong quyển thượng có câu "Đạo của trời là cắt cái có thừa bù vào chỗ không đủ, cho nên hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng có thừa" lấy ý "Đạo trời lấy chỗ thừa mà đắp vào chỗ thiếu hụt" từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Quyển hạ gồm các chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể. Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này.
Nếu như Cửu âm chân kinh (mang màu sắc Đạo gia và chú trọng âm nhu) là bí kíp hướng dẫn cách tu tập nội công và các chiêu số võ công thắng địch thì Cửu dương chân kinh (Cửu dương thần công) lại là bí kíp thuần túy tu luyện nội lực.
Xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Cửu dương chân kinh hay Cửu dương thần công là bí kíp võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công, được ghi lại bên trong mép cuốn Lăng Già kinh, được Giác Viễn thiền sư - một người gác Tàng kinh các trong Thiếu Lâm tự - phát hiện. Lăng Già kinh là một quyển kinh Phật được viết bằng chữ Phạn của Đạt Ma sư tổ nên Giác Viễn cho rằng Cửu dương thần công là của Đạt Ma sư tổ để lại.
Có nhiều người học được Cửu dương thần công, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn nguyên bản. Giác Viễn là một người mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các của Thiếu lâm đã đọc hết các sách và vô tình đọc cả bộ Lăng Già kinh. Vì đọc nhiều lần nên vô tình Giác Viễn đã rèn luyện Cửu dương thần công và có trong mình nội công hùng hậu Cửu dương thần công mà không hề hay biết.
Còn Trương Vô Kỵ khi bị kẻ thù truy đuổi trên núi tuyết Côn Luân đã vô tình lạc vào thung lũng nơi ở của con vượn già có chứa kinh thư Cửu dương chân kinh trong bụng (do Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử đánh cắp từ Thiếu Lâm tự rồi dấu trong bụng con vượn). Ở đó, Vô Kỵ đã mổ bụng cứu con vượn già và đã học được toàn bộ nội công Cửu dương thần công trong bộ sách này.
Cửu âm chân kinh có trước Cửu dương chân kinh
Trong những bản sửa đổi mới nhất của cố nhà văn Kim Dung về Ỷ thiên đồ long ký thì tác giả có nêu nguồn gốc của Cửu dương thần công. Sau khi Trương Vô Kỵ tìm được bộ Cửu dương chân kinh, đọc xong quyển cuối cùng chàng thấy tác giả chân kinh tự thuật lại quá trình viết chân kinh. Y không nói tính danh, xuất thân, chỉ nói chính y không biết theo nho theo đạo hay theo tăng.
Một hôm ở Tung Sơn đấu rượu thắng tổ sư phái Toàn Chân là Vương Trùng Dương, được mượn đọc Cửu âm chân kinh, mặc dù bội phục võ công tinh diệu trong kinh thư nhưng một mặt tôn sùng Lão Tử học, lại xem kinh thư chỉ thiên về lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, không bằng âm dương hòa hợp, vì thế ở bên lề bốn cuốn Lăng Già kinh lấy chữ Hán viết nên bộ Cửu dương thần công do chính mình sáng chế, cảm thấy so với Cửu âm chân kinh thuần âm thì có âm dương điều hòa, cương nhu trung hòa, hỗ trợ nhau. Trương Vô Kỵ bội phục sát đất đạo lí võ học không thiên lệch, nghĩ thầm bộ kinh này phải gọi là Âm dương hỗ tế kinh, nếu chỉ gọi là Cửu dương chân kinh thì vẫn không khỏi thiên lệch".
Theo mô tả của Kim Dung trong Ỷ thiên đồ long ký, khi luyện thành Cửu dương thần công thì trong mình người học sẽ có được nội công Cửu dương thần công hùng hậu vào loại bậc nhất mà không môn nội công nào khác có thể vượt qua.
Cửu dương thần công được xem là môn nội công chí dương trong thiên hạ, mang tính dương (nóng) nhưng do phát triển dựa trên Cửu âm chân kinh nên có âm dương bổ trợ, cương nhu hòa hợp.
Nội lực Cửu dương thần công sinh ra gần như là liên miên bất tuyệt, có thể hóa giải được những nguồn nội công mang tính âm-hàn, đồng thời phản kích lại tỉ lệ thuận với độ mạnh của lực tấn công bên ngoài. Cửu dương thần công còn có thể giúp người luyện hoán gân chuyển cốt, khiến cơ thể bách độc bất xâm.
Source: Kiếm hiệp Kim Dung: Cửu âm chân kinh và Cửu dương chân kinh cái nào có trước? (soha.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.