Thường khi học lý thuyết về nhạc nên dùng piano để dễ nhìn ra công thức (nguyên lý). Dùng guitar học lý thuyết khó hơn.
Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, được viết tắc bằng C, D, E, F, G, A, B.
Đô thăng là C thăng, tiếng Anh gọi là C sharp, ký hiệu là C#.
Rê giáng là D flat, ký hiệu là Db (b được viết nhỏ trên đầu chữ D).
Trên piano có nhóm 2 phím đen và nhóm 3 phím đen. Phím trắng trước 2 phím đen là phím nốt Đô (C). Phím trắng kế tiếp là Rê (D), Phím trắng kế tiếp là Mi (E)... kế đến phím trắng sau phím đen sau nhóm 3 phím đen là Si (B). Và sẽ lập lại nốt Đô (C) tiếp nhưng ở cung bậc khác cao hơn.
Đó là 7 nốt chính trong âm nhạc Tây phương. Mọi âm khác đều được gọi tên dựa lên 7 âm chính này.
Ví dụ phím đen giữa Đô (C) và Rê (D) thì được gọi là Đô thăng (C sharp = C#) hay Rê giáng (C flat = C#). Phím đen giữa Sol (G) và La (A) thì là Sol thăng (G sharp = G#) hoặc La giáng (A flat = Ab) v.v.
Nhạc cổ truyền Việt Nam vì chỉ dùng năm nốt chính nên gọi là ngũ cung. Ngũ cung không có Fa (F) và Si (B) trong nốt chính, chúng là phụ (Tìm hiểu thêm về Ngũ Cung).
Trên phím đàn piano khoảng cách từ một phím này đến phím kế tiếp được gọi là nửa tông, tiếng Anh là semi tone (semi = half).
Vậy từ C đến C# là 1 semi tone, viết tắt là S.
Từ C đến D là 1 tông, tiếng Anh là "1 tone", viết tắt là T.
Thường trong tiếng Việt hay dùng cung Đô trưởng hay La thứ v.v. Cung trong tiếng Anh là scale.
Cung trưởng được đặt tên bằng nốt bắt đầu và tăng theo công thức:
1 tông 1 tông nửa tông 1 tông 1 tông 1 tông nửa tông.
Hay viết tắt là T T S T T T S.
Nếu bắt đầu từ nốt Đô và theo công thức này thì là cung đô trưởng. Nếu bắt đầu từ nốt Rê và theo công thức này thì là cung Rê trưởng.
Ví dụ cung Đô trưởng theo trên sẽ có nốt C D E F G A B. Cung Đô trưởng đơn giản nhất bởi vì nó không có nốt thăng hay giáng.
Vì vậy nhạc nếu bắt đầu từ La sẽ là A B C D E F G dễ nhớ hơn nhưng khi dạy người ta thường bắt đầu từ Đô, bởi vì cung Đô trưởng đơn giản nhất.
Cung thứ được đặt tên bằng tên nốt đầu tiên và theo công thức:
T S T T S T T
Như vậy cung Đô thứ sẽ có:
C D Eb F G Ab Bb
Và những nốt trong một cung được đếm theo thứ tự từ 1 đến 7. Vậy trong cung Đô trưởng nốt 1 là Đô (C), nốt 2 là Rê (D) nốt 3 là Mi (E) v.v. cuối cùng nốt 7 là Si (B).
Nhạc Việt thường được viết ở cung thứ nhất là cung La thứ (Lưu ý: cung Đô trưởng thường được cho là cung có âm thanh vui nhộn nhất. Cung La thứ được cho là cung có âm thanh buồn nhất (trong nhạc: trưởng = vui, thứ = buồn). Cung La thứ có những nốt sau đây:
A B C D E F G
Có nhiều cách viết nhạc nhưng phần đông nhạc Việt có thể đơn giản hóa là dùng nốt 1, 4 và 5 trong cung thứ theo kiểu 1, thứ, 4 thứ và 5 bảy (bảy là tên dạng hợp âm), rồi giữa những hợp âm chính thì thỉnh thoảng thêm vào những hợp âm khác. Ví dụ, trong cung La thứ thường có hợp âm Đô trưởng, hay Fa trưởng.
Vậy nếu viết theo cung La thứ mình sẽ thường chơi La thứ (ký hiệu Am), Rê thứ (Dm) rồi Mi bảy (E7).
Nếu mình hát hợp với Đô thứ hơn và theo công thức trên thì sẽ thành Đô thứ Cm, Fa thứ Fm và Sol bảy (G7).
Thường đây là cách các nhạc công dùng để đánh đàn cho người hát. Vì đôi lúc bài hát có thể được viết bằng La thứ nhưng có người không hát được tông La thứ nên chuyển sang hát Mi thứ, hay Sol thứ v.v. Thường thì không thể nào nhớ hết, nên người ta chỉ nhớ số.. ví dụ bài này là 1 thứ , 4 thứ, 5 bảy. Ví dụ, nếu gặp người hát Mi thứ họ sẽ đánh thành Em, Am, B7.
Một người có khả năng sáng tạo cao nhiều khi tự làm ra một nhóm hợp âm khác hẳn với những người khác mà nhạc vẫn hay.
Nói vậy không phải những người không tìm ra những nhóm hợp âm mới là không có sáng tạo. Ví dụ như trong thơ, cũng là dạng "Thất ngôn tứ tuyệt" nhưng nhiều người sáng tác nhiều bài thơ rất hay.
Tuy nhiên, nhìn chung một nền âm nhạc có chiều sâu, thường có nhiều nhóm hợp âm được dùng hơn là một nền âm nhạc yếu kém hơn. Cũng như một nền thơ chỉ có Lục bát thì không phong phú bằng một nền thơ có nhiều thể loại thơ khác nhau.
Hợp âm được hình thành như sau:
Nốt 1 nốt 3 và nốt 5
Vậy trong cung Đô trưởng C E G hợp lại thành Đô trưởng, nếu nốt 3 bị giảm nửa cung thì thành hợp âm thứ. Vậy Đô thứ là C Eb G.
Hợp âm bảy là hợp âm trưởng nếu thêm nốt số 7 trong cung đó nhưng giảm xuống nửa tông (1 semi tone).
Ví dụ nốt thứ 7 trong cung Mi là D#, giảm nửa tông là D, nên E G# B là Mi trưởng, nhưng thêm D vào thì thành Mi bảy E G# B D.
Hợp âm bảy nghe rất lơ lửng như có cái gì đó ức chế không giải quyết được, nên sau bảy thường phải xuống thứ để giải bày được đoạn "chướng khí" trong khúc nhạc đó. Nó như câu hỏi, nếu đã có câu hỏi phải có câu trả lời.
Ví dụ trong bài Diễm xưa.. "Làm sao em biết bia đá không đau". Nếu không cần hiểu tiếng Việt chỉ cần nghe âm thanh cũng thấy câu "Làm sao em biết bia đá ...", câu này rơi vô đoạn hợp âm bảy, nghe rất thổn thức ... "không đau" phải xuống hợp âm thứ, nếu không lời nhạc nghe không trọn vẹn..Nếu hát ép "không đau" cho hợp với hợp âm bảy luôn thì như "lấy đá chọi đá"..chỉ nghe choan choản chứ không ra nhạc.
Melbourne 02-2022
NTAT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.