Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010
Lạm bàn trận Lê Cung đấu với Scott Smith 26-6-2010
Nhân xem trận Lê Cung đấu với Scott Smith vào đêm 26/6/2010, Làng Nam xin có vài dòng lạm bàn.
So sánh về kỹ thuật (võ thuật) Lê Cung hơn hẳn Scott Smith, trong khi Scott Smith dùng chủ yếu đòn tay (kiểu boxing) thì Lê Cung sử dụng đều cả tay lẫn chân, chưa kể những đòn chân của Lê Cung không chỉ đơn thuần là những đòn đá tạt (round kick) đá thẳng(front kick) mà Lê Cung sử dụng luôn cả đòn đá hậu (back kick). Đòn đá hậu rất mãnh liệt nhưng đòi hỏi một trình độ tập luyện thuần thục để có thể sử dụng thành công trên võ đài, nhất là khi đấu với một đối thủ không thể coi thường như Scott Smith.
Đầu tiên hãy thử nhìn vào thể lực. Về thể lực, Scott Smith trẻ hơn Lê Cung những 9 tuổi, trong thể thao con số này là một sự khác biệt rất lớn. Trong nhiều môn thể thao, người ta thường dùng tuổi 30 làm tiêu chuẩn, sau tuổi 30 các vận động viên thường được xem là xuống dốc. Võ thuật cũng không ngoại lệ, bởi thế Lê Cung với tuổi 38 chấp nhận đấu với một đối thủ trẻ hơn mình gần một thập niên đã là một điều chấp nhận cho đối thủ của mình ở thế thượng phong.
Scott Smith là một tay chịu đòn đáng nể, với những cú đá hậu như trời giáng của Lê Cung, nếu chỉ là một đấu thủ bình thường chắc có lẽ Scott Smith đã bị nốc ao (knock out) sau 1 hay cùng lắm là 2 cú đá . Thế mà anh này đã chịu đựng những đòn tay và đòn chân cực kỳ mãnh liệt để vùng dậy tiếp tục trận đấu. Với kinh nghiệm cá nhân đã từng bị "ăn đòn" và xem những cảnh chịu đòn này tôi không thể không bái phục sự chịu đòn thượng thừa của Scott Smith. Trong trận đấu vừa rồi, với tuổi 38 thể lực của Lê Cung không những không thua kém Scott Smith mà còn vượt trội thấy rõ . Điều này cho thấy một sự tập luyện đầy gian lao của Lê Cung, vì một thể lực sung mãn như vậy không thể tự dưng mà có nhất là ở tuổi của anh, cái tuổi cuối 30 mươi gần ngấp nghé 40.
Về kỹ thuật, Scott Smith tuy không sử dụng kỹ thuật chân trong trận đấu với Lê Cung, nhưng cứ nhìn cách anh ta lên gối để thủ đòn cũng đủ thấy chân anh ta không phải là hạng vừa . Có lẽ khi gặp cao thủ Lê Cung, Scott Smith đã không dùng kỹ thuật chân nhiều, vì một khi sử dụng đòn chân không đạt hiệu quả sẽ bị không những mất thế mà còn mất thể lực, tạo thế lợi cho đối phương & bất lợi cho chính mình.
Scott Smith có cú đấm cực kỳ nguy hiểm, Lê Cung vì một tích tắc sơ hở để nhận một cú đấm trực tiếp nên đã thất trận trong kỳ đấu trước. Nhìn cách đấm của Scott Smith cho thấy anh ta rất thuần thục quyền anh (boxing), cú đấm của anh như tên bắn, khi đấm anh vừa nghiên người, vừa nhoài thân phóng quyền với tốc độ cực kỳ nhanh vì thế cú đấm của anh đi xa hơn bình thường và rất khó cho đối phương phỏng đoán được khoảng cách. Scott Smith quả xứng đáng với danh hiệu cánh tay thép (steel hand) như đã được người điều khiển chương trình nhắc đến nhiều lần trước trận đấu. Trong khi Scott Smith có một kỹ thuật tay cao như vậy mà Lê Cung không những phòng thủ được những đòn tấn công tới tấp mà còn trả đòn tay một cách hữu hiệu khiến Scott Smith sau 1-2 phút đầu đang từ thế chủ động tấn công đã rơi vào thế bị động. Thế mới thấy Lê Cung quả xứng đáng với danh hiệu "vô địch thế giới".
Nói về kỹ thuật chân thì Scott Smith đã không thể so sánh với Lê Cung, đòn đá thẳng hay đá tạt còn dễ sử dụng nhưng đòn đá hậu đòi hỏi một sự thuần thục về tốc độ và khoảng cách. Một khi tung đòn đá thẳng hay đá tạt người đá vẫn quay mặt về đối phương, bởi thế việc điều chỉnh khoảng cách và phòng thủ nếu bị phản công dễ dàng hơn so với đòn đá hậu.
Đá hậu thường có hai cách sử dụng, một là nhử cho đối phương xông vào tấn công, người tấn công sẽ bất ngờ xoay người phản công bằng một đòn đá hậu, khi xử dụng cách này đối phương sẽ bị tấn công bằng 2 lực, một là lực của chính đối phương xông tới và hai là lực của người tấn công tung ra, nên đòn trúng thường rất nặng. Cái lợi của cách đá hậu này là đối phương tự tạo khoảng cách cho người tấn công, nhưng cái khó của cách này là người tấn công phải cực kỳ nhanh để không bị đối phương áp quá gần mình trước khi tung đòn, nếu chậm khoảng cách giữa người tấn công và đối phương quá gần khó thực hiện được đòn đá, và khi đó chỉ cần đối phương tiến gần người tấn công sẽ bị thất thế và có thể sẽ bị trúng đòn từ phía sau rất nguy hiểm.
Cách thứ hai (Lê Cung đã chủ yếu xử dụng trong trận đấu)là chủ động thu ngắn khoảng cách với đối phương trước khi tung đòn, thường với cách này người tấn công sẽ đánh một đòn hư bằng chân này (ví dụ như đá thẳng hay đá tạt, hay bằng tay (ví dụ đấm thẳng hay đấm móc)rồi nhanh như cắt xoay người thực hiện cú đá hậu bằng chân kia. Cái lợi của cách này là người tấn công chủ động thu ngắn khoảng cách nên đối phương khó có thể áp quá gần, tuy nhiên cái khó của cách này (ngược lại với cách trên) là nếu chậm đối phương kịp nhận ra để chỉ tránh một bước cũng đủ làm vô hiệu hóa đòn này, thậm chí đối phương có thể chờ khi người tấn công hạ chân rồi phản công thì người tấn công có thể bị thất thế. Cái hay của Lê Cung là anh đã xử dụng đòn này nhiều lần nhưng với tốc độ nhanh cộng thêm những "đòn giả" thật hoàn hảo làm Scott Smith không thể đoán được và tiếp tục chịu những đòn đá hậu như trời giáng .
Xin xem tiếp kỳ sau ...
Lê Cung Thắng Scott Smith
(Giải Strikeforce/ M-1 Global tại San Jose, California)
Trận thắng tối qua 26/06/2010.
Phần 1
http://www.youtube. com/watch? v=4Y-id5Kfpno
Phần 2
http://www.youtube. com/watch? v=IBcP6SLgXoU
Phần 3
http://www.youtube. com/watch? v=kcrY0RAWbfc
hoặc
http://www.youtube. com/watch? v=0jp8uNpOaaE
Trận Lê Cung thua Scott Smith dù suốt trong 2 rounds đầu anh áp đảo địch thủ
bằng những quyền cước hết sức mạnh mẽ và đẹp mắt :
Phần 1
http://www.youtube. com/watch? v=DgBBNnyyItI
Phần 2
http://www.youtube. com/watch? v=rnLb67EbzWE
Phần 3
http://www.youtube. com/watch? v=crXSYLOL7JM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.