Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Đức, Tàu, Đệ nhất và Đệ tam Thế chiến



Lễ tưởng niệm 100 năm ngày thực sự bùng nổ Đệ Nhất Thế Chiến (WWI) đã được long trọng tổ chức tại Bỉ vào đầu tuần tháng 8 năm 2014. Đầu tiên là vụ ám sát Hoàng thái tử Fanz Ferdinand tại Sarajevo, Ferdinand, kẻ sắp kế vị ngai vàng của Đế chế Áo – Hung vào ngày 28.6.1914 do Gavrilo Princi thực hiện. Princi thành viên tổ chức dân tộc chủ nghĩa người Serb mang tên “Mlada Bosna" (Thanh niên Bosnia) chủ trương giành lại những vùng đất đã bị Áo Hung chiếm giữ để xây dựng đế quốc Nam Tư. Ngày 28.7. 1914 Áo-Hung tuyên chiến và bắt đầu tấn công Serbia và sau đó các đồng minh của hai bên cũng nhảy vào để bùng phát thành cuộc đại chiến với quy mô ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên trên thực tế thì lúc đó Âu châu đã như một thùng thuốc súng và vụ ám sát trên chỉ là ngọn lửa châm mồi.

Ngày 3.8.1914 Đức tuyên chiến với Pháp và ngay hôm sau quân Đức sang tấn công Bỉ. Ngày 04.08.1914, một ngày sau khi tuyên chiến với Pháp, Đức đưa quân đội tràn vào Bỉ với ý đồ siết chặt vòng vây quanh Pháp và quân đội Bỉ đã cầm cự được hơn một chục ngày tại thành phố Liège. Ngày 16.08.1914 Liège thất thủ sau khi mỗi bên có trên một ngàn binh lính thiệt mạng và quân Đức đã trả thù bằng cách đã tàn sát khoảng 6,500 thường dân.

Ngay trong ngày này, Anh đã tuyên chiến với Đức, kéo theo sự tham gia của các nước thuộc ảnh hưởng của Anh như Úc, New Zealand. Pháp lâm chiến cũng lôi kéo các thuộc địa vào vòng chiến, trong đó có cả Việt Nam. Bây giờ, chính tại thành phố khởi phát trận chiến đầu tiên của WWI, Đức vua và Hoàng hậu Bỉ tiếp đón long trọng 12 vị nguyên thủ quốc gia và đại diện của hơn 80 nước tham gia Đệ Nhất Thế Chiến nhân kỷ niệm 100 năm Đức tuyên chiến với vương quốc Bỉ. Tại đây Quốc vương Bỉ, kêu gọi thế giới cần thể hiện “trách nhiệm vì nền hòa bình chung” của châu Âu. Thủ tướng Bỉ, Elio di Rupo thì nhấn mạnh rằng "không có sự tôn trọng lẫn nhau hay tinh thần bao dung, thì không thể có hòa bình". Tại buổi lễ Tổng thống Pháp François Hollande đề cập đến xung đột tại Ukraine Syria, Iraq và dải Gaza trong khi Tổng thống Đức Joachim Gauk nhắc nhở mọi người “cần rút ra những bài học từ kinh nghiệm đắng cay và đau thương”. WWI với chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới. Khác với các cuộc chiến tranh trước đó, người Âu châu phải chiến đấu cả trên chiến trường lẫn ở hậu phương khi nữ giới phải làm việc vì chiến tranh diễn ra với một quy mô hoàn toàn chưa hề có trong lịch sử.

WWI khiến trên mười triệu người chết và hàng chục triệu người bị tàn phế. Ngoài tổn thất nhân mạng và vật chất, WWI còn đã làm thay đổi tận nền tảng hệ thống chính trị tại Âu châu. WWI đã khiến bốn đế quốc sụp đổ là Nga vào năm 1917, Đức vào năm 1918, Áo - Hung vào năm 1918 và Ottoman vào năm 1923. Các triều đại quân chủ trị vì hàng trăm năm bị suy đổ và sự hình thành các nước nhỏ theo phân chia đầy chủ quan của phe thắng trận đã dẫn đến các mâu thuẫn lộn xộn gây mất ổn định thế giới sau này... WWI đã giúp cộng sản nổi lên cầm quyền tại Nga và phát xít lên nắm quyền tại Đức, đẩy thế giới vào một cuộc đại chiến khác. WWI đã làm Âu châu mất đà phát triển và bị tụt hậu, mất đi vai trò lãnh đạo văn minh nhân loại đã đảm đương trong hơn 300 năm qua và dần dần vai trò đó chuyển vai trò này cho Mỹ.

Bây giờ, sau kinh nghiệm trên mà cả kinh nghiệm của Đệ Nhị Thế chiến (WWII), nước Đức chắn chắn đã rút ra bài học của mình nhưng từ phương Đông, có một quốc gia trong tình cảnh giống hệt nước Đức hiện tại, dường như chưa thấm được bài học ấy. Đó là Trung Quốc. Tuy nhiên trước khi bàn đến việc này, chúng ta hãy ôn lại WWI.

Phe gây chiến
Phe gây chiến gọi là phe “Trung tâm” (Central Powers), hình thành từ ngày 20.5.1882 với Đức, Áo-Hung và Ý bắt. Tuy nhiên ngày 23.5.1915 – sau khi chiến tranh bùng nổ - Ý tuyên bố rút khỏi phe này và gia nhập phe Đồng minh đối nghịch.
Dẫu sao thì khi WWI xảy ra thì phe Trung Tâm có thể hút thêm nhiều thành viên mới: tháng 10.1914 có thêm Đế quốc Ottoman, tháng 10 năm 1915 thì có thêm Bulgaria. Đức phát triển mạnh về kỹ nghệ nhưng thiếu thị trường và nguồn nguyên liệu, do đó một mặt muốn vùng vẫy khỏi sự kiềm chế của Anh-Pháp để bung ra Đại Tây Dương, hướng có một thị trường và hệ thống thuộc địa tương xứng với tiềm năng kỹ nghệ của mình. Mặt khác Đức cũng muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình về phía Đông tại Ba Lan, Ukraina, Baltic, và là Phần Lan.

Phần Áo – Hung thì cố giữ vị thế đế quốc của mình trước sự nhòm ngó của hai địch thủ trực tiếp là Nga và Ý. Ottoman thì lại là một đế chế lâu đời và lạc hậu, đang bị Anh và Pháp chèn ép ở Trung Cận Đông để tranh giành dầu lửa, bị Nga tranh giành ảnh hưởng tại Kavkaz (giữa Hắc Hải và biển Caspien) và Balkans (Đông Nam Âu châu). Muốn duy trì vị trí của mình thì Ottoman phải theo phe Trung Tâm để chống lại Anh - Pháp - Nga.

Mặt khác, đối phó với các phong trào cấp tiến, muốn cải cách xã hội, các vương triều Nga, Đức, Ottoman, Áo-Hung đều muốn dùng chiến tranh để vừa kích động với tinh thần dân tộc chủ nghĩa, vừa mở rộng thuộc địa nhằm mở rộng lợi ích kinh tế, do đó có thể dễ dàng trấn áp các phong trào cách mạng. Còn Ý thì là một cường quốc đang lên, đang muống khẳng định vị trí cường quốc bằng cách tạo nên ảnh hưởng lớn hơn ở châu Âu và đặc biệt tại Balkans. Đầu tiên Ý xem Anh – Pháp là trở ngại của mình nhưng sau đó thì thấy Áo – Hung mới là kẻ cản đường. Còn Bulgaria thì tham chiến do hậm hực với đồng minh cũ là Serbia trong việc phân chia ảnh hưởng vùng Balkan. Trong cuộc chiến Balkan lần thứ nhất (10.1912 –3.1913) Liên minh Balkan gồm Serbia, Hy Lạp, Montenegro và Bulgaria đã thắng Ottoman, chiếm hầu như toàn bộ lãnh thổ của đế quốc này ở Châu Âu. Tuy nhiên sau đó Bulgaria lấy làm bất mãn vì đuợc chia phần rất ít nên đòi Serbia phải nhượng bớt cho mình. Nhưng vì bị các cường quốc Anh – Pháp ép phải rút khỏi Albania nên Serbia không chịu và tháng Sáu năm 1913 Bulgaria tuyên chiến với Serbia. Việc này khiến Ottoman cũng đã lợi dụng tình hình để giành lại lãnh thổ bị mất.

Phe chiến thắng
Phe này là Triple Entente, tức Liên minh ba nước, sau thu hút thêm nhiều quốc gia khác nên gọi là phe Đồng minh (Entente trong tiếng Pháp có nghĩa "đồng minh"). Phe này hình thành với sự bắt tay giữa Anh và Pháp vào ngày 8.4.1904 với tên “Entente Cordiale" (hay "Đồng minh hữu nghị"), đồng ý giữ nguyên trạng thuộc địa mà nước nào cũng sở hữu thật nhiều. Ba năm sau, ngày 31.8.1907 Nga xin tham gia phe này sau khi chiến tranh xảy ra, phe này thu hút sự tham gia của Ý, Mỹ và Brazil. Tuỳ theo vị trí của mình, nước nào cũng lâm chiến vì quyền lợi của mình.
Ngược lại, Anh muốn chặn đứng tham vọng tranh giành thuộc địa của Đức. Ý đồ của Anh là giới hạn ảnh hưởng của Đức trong phạm vi Âu châu để nước này không trở thành cường quốc hải dương và do đó có thể đe dọa quyền lợi thương mại trong hệ thống thuộc địa của mình trên toàn cầu. Đồng thời Anh cũng muốn triệt hạ ảnh hưởng của Đế quốc Ottoman để tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Trung Cận Đông rất nhiều dầu mỏ.

Pháp thì ngoài ý đồ như Anh còn là mối thù truyền kiếp trong xung đột triền miên với Đức, đặc biệt là thất bại ê chề trong Chiến tranh Pháp – Phổ (1871), bị mất hai tỉnh Alsace và Lorraine. Chính vì vậy nên trong Hội nghị Versailles 1919. Pháp đòi hỏi Đức phải bồi thường chiến phí khủng khiếp với ý đồ buộc nước này không bao giờ ngóc đầu dậy được.
Trong khi đó thì Nga muốn loại bỏ ảnh hưởng của Đức tại Ba Lan, Ukraine và vùng Baltic, tiêu trừ ảnh hưởng của Ottoman và Áo – Hung khỏi các vùng Kavkaz và Balkans. Còn Serbia lại là nước mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Balkan, muốn giải phóng toàn bộ Balkan, chủ yếu là Bosnia, Croatia và Slovenia mà người Serbian sống khỏi tay đế quốc Áo-Hung: để chống lại thế lực này thì Serbia phải tham gia một liên minh đối khán.

Là một cường quốc đang nổi lên, Mỹ muốn có vai trò lớn hơn trên thế giới và buộc các nước khác phải tôn trọng quyền lợi của mình và cuộc chiến này đã khiến Anh phải quy phục Mỹ. Trên thực tế Mỹ chỉ chính thức tham gia phe này từ 1917 đến 1918. Lý do là trong ý đồ bao vây nước Anh, tàu ngầm Đức đã lên tiếp đánh chiếm các thương thuyền Mỹ khiến Mỹ nhảy vào vòng chiến cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Đặc điểm chiến trường của WWI
WWI đã làm thay đổi hẳn cái nhìn của con người vế chiến tranh: sự áp dụng của khoa học kỹ thuật trên tầm mức kỹ nghệ và sức hủy diệt cũng ở tầm mức kỹ nghệ. Đó là sự xuất hiện của các vũ khí mới với sức huỷ diệt rất mạnh.
Đầu tiên là súng đại liên. Do trình độ kỹ thuật lúc đó nên súng liên thanh chỉ có thể áp dụng như một vũ khí cộng đồng, có kích thước cồng kềnh và nặng nên được bố trí cố định trong các công sự phòng thủ, chưa thể phát triển cho vũ khí cá nhân. Vì bộ binh vẫn tấn công vẫn bằng súng trường phải lên đạn từng phát một, do đó các loại súng liên thanh này đã vô hiệu hoá chiến thuật biển người hay các đợt xung phong của kỵ binh. Súng liên thanh đã làm thay đổi hẳn chiến thuật bộ binh và dẫn đến vũ khí khắc chế mới. Bên cạnh đó pháo binh đã được trang bị với đạn pháo có mảnh, khi nổ bắn mảnh ra tung toé gây độ sát thương cao. Pháo binh có thể bắn nhanh, có sức huỷ diệt lớn hơn cộng với hoả lực súng liên thanh đã khai tử hẳn dứt chiến thuật đội hình ô vuông và làm phát sinh đội hình tản mát của bộ binh và kéo theo các thay đổi khác của kỹ thuật tác chiến bộ binh. Đặc biệc, các vũ khí này đã khai tử binh chủng số một thời đó là kỵ binh. Khi chiến thuật kỵ binh và biển người bị khai tử thì xe tăng ra đời để giải quyết sự chênh lệch giữa hoả lực tấn công và hoả lực phòng thủ. Hai năm sau ngày chiến tranh bùng nổ thì xe tăng mới tham chiến trận đầu vào tháng 9 năm 1916 tại trận sông Somme và dĩ nhiên lúc này xe tăng hãy còn thô sơ và thiếu độ tin cậy nhưng đã chứng minh được khả năng của mình trong việc yểm trợ bộ binh. Từ đó hai phe bên đã đua nhau chế tạo xe tăng. Trong trận Cambraie năm 1917, phe Đồng minh đã sử dụng đến 400 xe tăng để tấn công. Đây là lần đầu tiên con nguời dùng vũ khí hoá học với quy mô kỹ nghệ, từ các loại bình thường như hơi cay, làm chảy nước mắt, gây ngất, làm lở loét da cho đến hơi ngạt gây tử vong. Tuy nhiên càng về sau, hai phe đã tự chế vì sợ tình trạng leo thang cực kỳ nguy hiểm và có khi lại phản tác dụng khi gió đổi chiều.

WWI cũng là cuộc chiến mà con người sử dụng các vũ khí hoàn toàn mới khác là máy bay và tàu ngầm. Dù máy bay giai đoạn này còn thô sơ nhưng do khả năng phòng không dưới đất yếu nên vẫn thể hiện hiệu quả hiến trường. Trong WWI máy bay đảm nhiệm các sứ mạng như không chiến (đánh nhau với máy bay đối thủ), tấn công các mục tiêu trên bộ, thám sát và liên lạc. Nhưng tàu ngầm mới là vũ khí hiệu quả và “kinh tế” nhất của WWI. Với tàu ngầm thì một hạm đội yếu có thể chống lại một hạm đội mạnh: thay vì đầu tư số tiền khổng lồ để xây dựng các hạm đội nổi, chỉ cần một sự đầu tư không lớn vào tàu ngầm. Chính vì vậy mà Đức đã đầu tư rất nhiều vào lực lượng tàu ngầm của mình, đã đánh chìm rất lớn số tải trọng tàu vận tải của Anh và làm kinh tế Anh lao đao, nhưng đồng thời nó cũng bị thiệt hại rất nặng nề.
Đặc điểm chính trị của WWI
Nguyên nhân trực tiếp của WWI là một vụ ám sát có của tổ chức dân tộc chủ nghĩa mang tinh thần “Đại Slav” của một tổ chức thanh niên gốc người Serbia tại Bosnia. Thực chất, có thể thấy ở trên, các quốc gia tham chiến đều nhập cuộc với tinh thần dân tộc chủ nghĩa: bảo vệ quyền lợi của mình, hay chủng tộc của mình bằng cách chà đạp và bài xích dân tộc khác!

Nhưng chỉ có tinh thần dân tộc chủ nghĩa không thôi vẫn chưa đủ mà phải có quân đội và vũ khí, nghĩa là phải chạy đua vũ trang. Việc này chỉ có thể xảy ra với sự lên ngôi của chủ nghĩa quân phiệt! Ảnh hưởng của giới quân nhân tại các chế độ quân chủ chuyên chế như Nga, Đức, Áo – Hung và Ottoman rất lớn. Giới tướng lãnh rất thân cận và dễ dàng tác động đến với hoàng đế để đưa ra những đường lối ngoại giao hiếu chiến. Mặt khác, chính các hoàng đế cũng nhìn vào giới quân nhân như là công cụ để đạt đến ý đồ bảo vệ quyền lực: kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc để cản trở cải cách xã hội! Như có thể thấy ở trên đó là lúc mà không khí chính trị Âu châu vô cùng nặng nề với các liên minh chính trị - quân sự. Để bảo vệ lợi ích của mình, các nước đã sát cánh nhau để để tăng cường thế lực, để bảo vệ hay bành trướng ảnh hưởng. Việc này khiến Âu châu trở thành thùng thuốc súng: bất cứ một xung đột quốc gia riêng lẻ nào cũng có thể trở thành xung đột quốc tế.

WWI đã bùng phát trong không khí nóng bỏng của các liên minh quân sự, các cuộc chạy đua vũ trang, sự hình thành của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa dân tộc.

Đức năm 1914
Vai trò gây hấn chủ chốt trong WWI là Đức Đến cuối thế kỷ 19 thì nước Đức trỗi dậy về mặt kỹ nghệ nhưng thiếu thốn thuộc địa giữa lúc Đế quốc Anh đã mở mang thuộc địa ra khắp thế giới nhờ vào sức mạnh của hải quân. Đức thách thức hạm đội tàu nổi Anh bằng các hạm đội tàu ngầm của mình. Nhưng sự hiếu thắng của Đức khiến cả Pháp và Nga lo ngại, do đó để bảo vệ “tình trạng hiện hữu”, Liên minh Anh – Pháp – Nga hình hành, bao vây nước Đức ở giữa. Chính Đức đã tự đưa mình vào thế kẹt và tình trạng này đã dẫn đến Đệ nhất thế chiến, kết thúc bằng thất bại nhục nhã và đau đớn cho Đức. Đức có thể tránh khỏi thế kẹt này nếu tiếp tục đuờng lối ngoại giao mềm mỏng của Thủ tướng Thép Otto von Bismark, người có công đã thống nhất nước Đức và duy trì hòa bình tại Âu châu từ năm 1871 cho đến năm 1914. Sau các chiến thắng giòn giã của Phổ trong các cuộc chiến tranh với Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870 – 1871), năm 1871 Bismark đã thống nhất các bang quốc Phổ thành một Đế quốc Đức hùng mạnh. Tuy nhiên Bismark không lấy đó làm kiêu ngạo mà hiểu rõ cái thế dễ bị bao vây của Đức nên tìm cách giải tỏa sự lo âu của các nước láng giềng để tạo nên một cục diện cân bằng quyền lực, gìn giữ hòa bình.

Nhưng năm 1888 thì Kaiser Wilhelm lên ngôi hoàng đế của Đức và ông vua non háu đá này tỏ ra hiếu chiến. Không tin tưởng vào đường lối ngoại giao thận trọng, vị vua này muốn mở rộng nhanh chóng lãnh thổ để bảo vệ vị trí của nước Đức. Mâu thuẫn giữa Wilhelm II và thủ tướng trong các chính sách đối nội và đối ngoại trở nên căng thẳng dần và năm 1890 Bismark tuyên bố từ chức. Hoàng đế Wilhelm cử Albrecht von Roon thay thế và chiến lược “tạo thế thăng bằng” để kiến tạo hòa bình bị vứt vào sọt rác. Từ đây nước Đức đi theo con đường bá quyền và dẫn đến sự hủy diệt bằng cuộc đại chiến khơi mào năm 1914.

Đó cũng là những gì chúng ta đang chứng kiến tại Trung Quốc, đặc biệt từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền!

Trung Quốc 2014
Cái gì đang xảy ra tại Trung Quốc ngày hôm nay?
Thứ nhất, cũng là chạy đua vũ trang, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.
Thứ hai là tinh thần dân tộc chủ nghĩa kiểu Đại Hán, khi các tờ báo chính thức như Hoàn Cầu Thời Báo không ngớt cổ xuý tinh thần Đại Hán khi bài xích dân tộc Việt Nam, dân tộc Phlipiines hay dân tộc Nhật. Một mặt khác, việc cổ xuý tinh thần này cũng nhắm đến việc đánh lạc hướng những thúc đẩy đòi hỏi phải cải cách chính trị.
Thứ ba là chủ nghĩa quân phiệt. Tiếng nói của giới quân nhân rất có trọng lượng torng chính trường Trung Quốc và một trong những mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến “đả hổ” mà họ Tập theo đuổi bấy lâu nay là đưa người của y vào thao túng Quân ủy trung ương.

Bằng hành động gây hấn tại Biển Đông, Trung Quốc đang dẫm lên vết xe đổ của nước Đức cách đây trên 100 năm.
Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, giới lãnh đạo Trung Quốc thường tỏ ra khiêm cung, hành xử khéo léo, bảo đảm với các nước láng giềng là Trung Quốc vẫn đang là một nước đang phát triển và được gắn liền với một sự “vươn mình, trỗi dậy trong hoà bình.”. Nhưng bây giờ thì Tập Cận Bình không cần giữ sự khôn khéo này nữa. Họ Tập đang nằm mơ, tưởng rằng Trung Quốc đang ở vị trí của nuớc Mỹ vào giữa đầu thế kỷ 20, khi đó siêu cường Anh phải lặng lẽ nhường ngôi số một. Trung Quốc không nghĩ rằng họ cần học bài học của nước Đức và của Wilhem và dần đưa Trung Quốc vào thế bị cả thế giới bao vây.

Liệu họ Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc có thấy được bài học của WWI hay nhắm mắt để xảy ra WWIII? Việc này còn phụ thuộc vào ý chí của cộng đồng quốc tế trong đó đặc biệt là Mỹ, phải cứng rắn cảnh cáo và chặn đứng tham vọng này từ đầu trước khi quá trễ!

Phạm Đức Đồng Hùng

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.