Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Tỳ bà hành

Tác giả: Bạch Cư Dị


Tầm Dương giang đầu dạ tống khách       Bến Tầm Dương đêm khuya tiễn khách
Phong diệp dịch hoa thu sắt sắt                       Phong lau hiu hắt, thu se sắt              
Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền                    Chủ nhân xuống ngựa, khách dưới đò
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền                         Rượu chuốc muốn uống không trúc tơ

Túy bất thành hoan, thảm tương biệt               Say vẫn chẳng vui, sầu tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt            Sông nước mênh mang lồng ánh nguyệt
Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh                      Chợt nghe sóng vọng tiếng tỳ bà
Chủ nhân vong qui, khách bất phát                  Chủ nhân quên về, khách luyến tiếc

Tầm thanh ám vấn đàn giả thùy ?                     Dò nghe thầm hỏi ai nắn tơ?
Tỳ bà thanh đình dục ngữ trì                           Lời chưa cất, đàn lặng như tờ
Di thuyền tương cận yêu tương kiến               Chèo thuyền kề sát xin tương kiến
Thiêm tửu hồi đăng trùng khai yến                  Thêm rượu khêu đèn lại khai yến

Thiên hô vạn hoán thủy xuất lai                       Năn nỉ hết lời mới thấy nàng
Do bão tỳ bà bán già diện                                Ôm đàn, nửa mặt hoa che kín
Chuyển trục bát huyền tam lưỡng thanh          Vặn trục, so dây, dăm tiếng ngân
Vị thành khúc điệu, tiên hữu tình                     Chưa ra khúc điệu, tình đã sinh  

Huyền huyền yểm ức, thanh thanh tứ              Dây tơ ray rứt dường thổ lộ
Tự tố bình sinh bất đắc chí                              Hận thưở bình sinh không toại chí
Đê mi tín thủ tục tục đàn                                  Cúi mày thuận tay tiếp tục đàn
Thuyết tận tâm trung vô hạn sự                       Kể hết nỗi lòng muôn vạn sự

Khinh lung mạn nhiên mạt phục khiêu             Buông bắt vuốt xoa thảy dặt dìu
Sơ vi " Nghê thường" hậu "Lục yêu"                Thoạt Nghê Thường, sau tiếp Lục Yêu
Đại huyền tào tào như cấp vũ                          Dây to ào ào mưa đổ siết
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ                    Dây nhỏ ỏn thót niềm riêng biệt

Tào tào thiết thiết thác tạp đàn                         Ào ào, ỏn thót, nhặt xen khoan                      
Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn                       Châu rơi loảng xoảng rớt mâm vàng
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt                     Lẩn trong hoa líu lo oanh hót
U yết tuyền lưu thủy hạ than                            Đổ xuống ghềnh róc rách suối vang

Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt          Suối lạnh im lìm, dây tơ ngắt  
Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm yết               Dây tơ ngắt, tiếng đàn im bặt              
Biệt hữu u sầu ám hận sinh                              Riêng mối u sầu, nỗi hận dâng
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh                 Đàn câm ý nhị lấn đàn ngân.

Ngân bình xạ phá thủy tương bỉnh                   Bình bạc vỡ, nước tuôn tua túa                      
Thiết kỵ đột xuất đao thương minh                  Ngựa sắt xông, xô xát đao thương
Khúc chung thu bát đương tâm hoạch             Khúc cùng, thu móng phẩy mạnh giữa
Tứ huyền nhất thanh như liệt bạch                  Bốn dây một tiếng như xé lụa.                      
Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn               Thuyền bè đông tây lặng như tờ
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch                Duy giữa lòng sông trăng thu tỏ
Trầm ngâm phóng bát sáp huyền trung           Trầm ngâm cài móng giữa dây tơ
Chỉnh đốn y thường khởi liễm dung                 Chỉnh trang y phục, khép nép thưa                

Tự ngôn: " Bản thị kinh thành nữ                     Rằng: “Xưa vốn xuất thân ca nữ
Gia tại Hà mô lăng hạ trú                                  Tại kinh, Hà-mô-lăng cư trú
Thập tam học đắc tỳ bà thành                          Mười ba đã thành thạo tỳ bà
Danh thuộc giáo phường đệ nhất bộ               Ghi danh Giáo phường đệ nhất bộ

Khúc băi tằng giao Thiện tài phục                    Khúc nhạc dứt, thầy đờn thán phục
Trang thành mỗi bị Thu nương đố                   Điểm trang xong, Thu Nương ghen tức
Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu                 Trai trẻ Ngũ Lăng tranh tặng khăn
Nhất khúc hồng tiêu bất tri số                          Mỗi khúc nhiễu điều nhiều hết mức

Điền đầu ngân tì kích tiết toái                           Lược bạc trâm vàng gẫy lúc gõ
Huyết sắc la quần phiên tửu ố                         Quần hồng, rượu thưởng rây hoen ố
Kim niên hoan tiếu phục minh niên                  Năm năm cười cợt miết truy hoan                  
Thu nguyệt xuân phong đẳng nhàn độ                        Trăng gió thu xuân trôi êm ả


Đệ tẩu tùng quân, a di tử                                 Em phải tòng quân, dì quá cố
Mộ khứ triêu lai nhan sắc cố                            Đêm qua, sáng lại sắc tàn tạ
Môn tiền lănh lạc xa mã hi                                Cổng ngoài thưa thớt dấu ngựa xe
Lão đại giá tác thương nhân phụ                      Luống tuổi lấy lái buôn nương tựa

Thương nhân trọng lợi, khinh biệt ly                Lái buôn hám lợi, vắng mặt thường
Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ                Phù Lương mua trà, rông tháng trước
Khứ lại giang khẩu thủ không thuyền               Đành về bến nước giữ thuyền không
Nhiễu thuyền nguyệt minh giang thủy hàn       Quanh thuyền trăng tỏ, nước lạnh lùng

Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự                      Đêm sâu chợt mộng thời xuân sắc
Mộng đề trang lệ hồng lan can "                      Lệ rơi rơi phai lạt phấn son”.
Ngă văn tỳ bà dĩ thán tức                                 Ta đang nghe đàn sầu man mác                                
Hựu văn thử ngữ trùng tức tức                        Lại nghe nàng kể thêm chất ngất

Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân                     Cùng cảnh chân trời kẻ tha phương
Tương phùng hà tất tằng tương thức               Gặp nhau hà tất quen nhau trước                    
"Ngã tằng khứ niên từ đế kinh                                     “Ta từ năm ngoái biệt kinh thành
Trích cư ngọa bệnh Tầm Dương thành            Đất trích bệnh nằm tại Tầm Dương

Tầm dương địa tịch vô âm nhạc                       Tầm Dương heo hút tìm đâu nhạc
Chung tuế bất văn ty trúc thanh                       Năm suốt chẳng nghe tiếng sáo đàn
Trú cận Bồn giang địa đê thấp                                     Trú cạnh Bồn Giang đất ẩm thấp
Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh                  Lau vàng trúc cỗi thềm mọc quanh

Kỳ gian đán mộ văn hà vật                               Sớm tối nghe tiếng chi chi vẳng
Đỗ quyên đề huyết viên ai minh                       Cuốc kêu rướm máu, vượn hú than
Xuân giang hoa triêu thu nguyệt dạ                Ngắm trăng thu tối, hoa xuân sáng
Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh               Rượu chuốc nghiêng ly thường một thân

Khởi vô sơn ca dữ thôn địch                            Sáo thôn, ca núi từng vang vọng
Ẩu á trào triết nan vi thính                                Hiềm vì hỗn tạp tai nghe chướng
Kim dạ văn quân Tỳ bà ngữ                             Đêm nay nghe nàng đàn trầm bổng
Như thính tiên nhạc nhĩ tạm minh                    Như thể nhạc tiên rót vào tai

Mạc từ cánh tọa đàn nhất khúc                        Xin khoan ngồi lại đàn một khúc
Vị quân phiên tác tỳ bà hành"                           Vì nàng ta soạn bài hành này”
Cảm ngã thử ngôn lương cửu lập                    Cảm lời nàng tần ngần dừng bước
Khước tọa xúc huyền huyền chuyển cấp         Lại ngồi đàn gẩy, khoan sang nhặt

Thê thê bất tự hướng tiền thanh                      Điệu giờ nghe khác, chiũ thê lương
Măn tọa trùng văn giai yểm khấp                      Người người bưng mặt che mắt ướt
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa?                        Thấm chi lệ đẫm vạt áo xanh
Giang châu tư mã thanh sam thấp !                  Tư mã Giang Châu khóc sướt mướt.

Bạch Cư Dị                                                      Hoàng Xuân Thảo


Cước chú: Năm 815, Bạch Cư Dị đang nhiệm chức Đông cung Tả thiện Đại phu, dạy học thái tử
thì bị giáng chức và biếm ra làm Tư Mã Giang Châu, nay thuộc huyện Cửu Giang, Giang Tây. Tư Mã là một chức quan cấp thấp, phụ tá cho Ngự sử và lễ phục là áo xanh.

Thể thơ dịch: Bài thơ dịch giữ nguyên thể hành, một hình thức của cổ phong và cách gieo vần bằng trắc cuối câu thơ để giữ được nguyên vẹn tiết tấu của thơ và âm điệu của lời thơ.

Lời tựa của Bạch Cư Dị: “Năm thứ 10 niên hiệu Nguyên Hoà, đời Đường Hiến Tông, tôi bị biếm ra làm Tư mã ở Cửu Giang. Mùa thu năm sau, đi tiễn khách ở bến sông Bồn, nửa đêm nghe tiếng đàn tỳ bà trên một con thuyền, tiếng nghe lanh lảnh như tiếng đàn ở kinh đô. Hỏi ra mới biết là một ca nữ ở Trường An, đã từng học tỳ bà với hai thiện tài họ Mục và họ Tào. Người ấy nay tuổi đã cao, sắc đã kém, phải gửi thân vào một người lái buôn. Tôi liền bảo đặt rượu và xin nàng gảy vài khúc. Gảy xong mấy khúc người ấy buồn bã kể lại cuộc đời lúc thiếu thời, nay phiêu linh, tiều tụy ở chốn sông hồ. Tôi ra làm quan ở ngoài đã hai năm, nỗi mình vừa hơi khuây, nay cảm động vì lời nói của nàng, lại nghĩ đến sự trích giáng nên làm bài trường ca này để tặng” – Trần Trọng San dịch.

TỰA của Hoàng Xuân Thảo:

Bạch Cư Dị viết tựa cho bài thơ Tỳ bà hành, tôi cũng bắt chước ông viết tựa cho bài thơ dịch của tôi vì dịch thơ cũng khổ công nhất là những câu thơ ông miêu tả tiếng đàn tỳ bà của người ca nữ. Tôi biết ông và bài thơ của ông từ thưở tóc còn xanh, vào khoảng giữa thập niên 1940 qua lời giảng bình của thầy học Hoàng Ngọc Phách khi tôi còn mài đũng quần tại trường Trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh và thầy Trần Văn Giáp, một chuyên viên tại viện Bác Cổ Viễn Đông tại trường Chu Văn An.

Đầu thập niên 1950, tôi lại hân hạnh được biết ông lần nữa và lần này thì được các giáo sư trường Đại học Văn Khoa, Hà Nội giới thiệu ông kỹ càng với nhiều chi tiết về cuộc đời và văn thơ của ông. Ông và thơ ông đã quyến rũ tôi và tôi tưởng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu ông với các thế hệ tiếp nối nhưng vì trưởng thành trong thời kỳ nhiễu nhương khiến bao “Chàng trẻ tuổi vốn giòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung “ nên tôi bỏ văn theo võ, gia nhập binh chủng quân y, tới khi y công đã tới mức có thể giúp đời, cứu người tôi được các y sư cho phép hạ sơn đi hành hiệp với một ba-lô đựng đầy các cẩm nang.

Sau khi hành quân ngang dọc một thời gian, tôi được về đồn trú tại thủ đô. Thời đó tôi vốn là quân y hiện dịch, không được phép hành nghề tư, nên những lúc rảnh rỗi tôi lại tìm ông tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và biết rõ ông hơn qua các giáo sư như Linh mục Thanh Lãng, Nghiêm Toản, Nguyễn Đăng Thục, cùng nhiều các giảng sư đã nổi tiếng trong làng văn kết quả là tôi được cấp mảnh bằng Cử nhân Văn khoa trong đó có cả chứng chỉ Nhân Chủng học mà trưởng ban là Giáo sư BS Trần Anh, một đàn anh cũ của tôi từ hồi còn tại trường Quân Y Hà Nội. Tôi mê thơ ông hơn và trong những bài thơ tôi lãnh giáo, tôi đã cả gan dịch thơ ông, dịch thơ ông vì thấy hay, thấy khoái, thấy hứng thú chứ không dám phổ biến cho ai đọc cả nhưng số phận của tôi lúc đó không giống của ông dù tôi đã trải qua một cuộc khói lửa và một cuộc di cư từ Bắc vô Nam.

Mãi về sau này, sau 1975 thì tôi bỗng thành kẻ chân trời lận đận khiến bỗng dưng tôi nhớ tới ông. Tôi cũng chẳng khác gì kẻ bị biếm trích, một cơn gió loạn đã hất tung tôi tới xứ Lá Phong với hai bàn tay trắng, còn ba mảnh bằng của tôi – tiến sĩ y khoa, cử nhân văn khoa và cử nhân luật khoa - bỗng trở thành mảnh giấy lộn. Sau một tuần đặt chân tới xứ băng giá này mà nhiệt độ mùa đông có khi xuống tới -40C, tôi được giới thiệu đi làm gác gian cho một công ty xây cất, mỗi đêm làm từ 8 giờ tối tới 8 giờ   sáng vì thấy tôi cũng khá cao ráo và biết tôi có học Thái Cực đạo và có đai nâu do một sĩ quan Đại Hàn dậy. Tôi cũng giống ông ở chỗ cũng thích ăn nhậu và nghe ca nhạc nhưng hồi đó làm gì tìm đâu ra thức ăn đã quen miệng với hương vị nước mắm và tìm đâu ra những bản nhạc với tiếng mẹ đẻ mình đã yêu từ thưở nằm nôi. Mấy bài thơ của ông tôi dịch đâu có đem theo được, nhưng may mắn thay, sau khi về hưu, thời giờ rảnh rang và tìm cái thú cầm kỳ thi tửu thì mới gần đây một bạn đồng nghiệp, BS Nguyễn Thượng Vũ, xứ Cờ Hoa đã ưu ái gửi cho xem bài thơ dịch Tỳ bà hành của một đồng nghiệp khác là BS Nguyễn Văn Bảo, đọc lại thơ ông thấy lần này mới thật thấm thiá vì bài thơ nói lên đúng tâm trạng và hoàn cảnh của mình, có thể còn bi đát hơn của ông nữa nên đọc đi đọc lại, càng đọc càng mê tới nỗi mát dây mát dợ, nghĩ tự mình phải dịch nó ra lại thì mới tận hưởng cái cảm khoái của mình. Thế là lại thêm một lần khổ công với thơ ông nữa, nhưng lần này thì có lẽ bớt gay cấn hơn những lần trước vì bây giờ mình có thể đọc thơ của những người đã dịch, tìm hiểu xem họ rất hay, hay vưà và chưa thật hay ở chỗ nào, đoạn nào, câu nào, chữ nào để bắt chước hoặc tránh né.


Thật vậy, tôi đã nghe ý kiến cuả BS Bảo, trái với những người dịch khác, cho rằng trong buổi tiệc tiễn đưa khách ông không cần tới nhạc tiễn khách chứ không phải ông thiếu đàn sáo vì đã làm tư mã tại đây cả hai năm ông đã nghe âm nhạc của điạ phương nhưng nó chướng tai sao đó nên ông chả thiết nghe cho tới lúc tiếng tỳ bà chợt vẳng lại và nhận ra tiếng đàn này xưa đã nghe tại kinh đô thì ông mới có hứng thú xin nàng đàn cho nghe. Trước kia tôi dịch hai câu “ Chủ nhân hạ mã, khách tại thuyền/Cử tửu dục ẩm vô quản huyền” là “ Chủ nhân xuống ngựa,khách dưới đò/Rượu chuốc muốn uống thiếu trúc tơ” Tôi theo BS Bảo đổi ra là “ không trúc tơ” đúng với nguyên văn “ vô quản huyền”.Tôi cũng mượn cụm từ “ Cuốc kêu rướm máu” để dịch “ Đỗ quyên đề huyết” và cho chỗ này BS Bảo dịch hay hơn cả. Tôi cũng thấy  BS Bảo khi dịch câu “Thập tam học đắc tỳ bà thành” hay hơn Phan Huy Vịnh. Cái ý nghiã của câu“ Khúc chung thâu bát đang tâm hoạch” cũng được BS Bảo dịch nghiã rõ ràng và nhất là tả đúng ngón đàn thiện nghệ. Điều tôi rất đồng ý với BS Bảo là khi dịch thơ Đường thì nên giữ nguyên các thể thơ, âm điệu và cách gieo vần và trong bài dịch này tôi đã theo các nguyên tắc kể trên. Thế là chỉ mới đọc bài dịch của bạn đồng nghiệp tôi đã học được lắm điều hay và xin gửi lời cảm tạ tại đây.


Tôi học được gì ở bản dịch của Phan Huy Thực? Mấy câu vừa đúng nghiã vừa đẹp là “ Tay ôm đàn che nửa mặt hoa” và “ Ngựa sắt giong xô xát tiếng đao”, mấy câu không đúng với nghiã, ngược lại là khác là “ Khúc tuy chưa trọn, tình đà thoảng bay” tệ nữa là câu “ Cuốc kêu sầu, vượn hót véo von” để dịch “ Đỗ quyên đề huyết, viên ai minh” vì vượn kêu ai oán chứ đâu phải hót véo von. Còn câu “ Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh” thì BS Bảo đã phê bình rồi, vận ép mà chữ sai. Một câu khác cũng đáng bàn luận là  “ Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh” được Phan Huy Thực dịch là “ Lau vàng trúc võ âm thầm quanh hiên”. Mới đầu tôi cũng dịch như vậy vì đó là cụm từ người mình hay nói nhưng sẽ có người hỏi trúc võ là gi? Tôi lại giở Trần Trọng Kim thấy ông dịch là Lau vàng trúc cỗi có lẽ dễ hiểu hơn nên tôi đổi theo học giả họ Trần nhất là sau khi đọc lời phê của vua Càn Long về Tỳ bà hành là” ông Bạch cứ hễ thấy ai đọc lên mà không hiểu thì ông lại sửa cho tới mọi người đều hiểu mới thôi và vì lẽ đó mà thơ ông được lưu truyền trong dân gian”. Lời phê này tôi đọc trong cuốn Tỳ bà hành của Nguyễn Hữu Ái cũng do một đồng nghiệp từ Úc gửi cho là BS Hà Ngọc Thuần. Xin cảm tạ muôn vàn.Tôi nhớ tới Cao Bá Quát cũng tả cảnh tương tự như vậy trong một bài thơ nên lại tra cứu Cao Bá Quát và tìm ra hai câu thơ trong bài Sắp ĐếnQuê Nhà như sau, “Trúc đầy che lối hẻm/ Cỏ mượt mọc quanh thềm” và tôi lấy cả ý và lời của hai ông Trần và Cao để sửa lại thơ tôi. Thảng hoặc có ai chê thì tôi sẽ lấy hai cái cột trụ này ra chống đỡ, như vậy là ăn chắc rồi còn gì nưã.


Bài TỰA trên, tới đây tôi muốn đổi ra là TỰA BÊN SONG ĐÀO vì lẽ gì chắc qúy thân hữu cũng đoán ra vì trong bài thơ dịch của tôi, tôi chỉ là người dựng khung còn toàn thể bài dịch là tựa bên song đào cấu trúc bởi các tác giả đã dịch bài này trước tôi và nhất là các học giả Cao Bá Quát, Trần Trọng Kim, Trần Ngọc San, Nguyễn Văn Bảo với sự trợ giúp của Hà Ngọc Thuần, khuyến khich cuả Nguyễn Thượng Vũ, góp ý của Lai Mạnh Cường. Trân trọng,

Hoàng Xuân Thảo

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.