Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Chính Trị và Kỹ Nghệ Bán Súng tại Hoa Kỳ


QUÁN RƯỢU ở khu Old City của Philadelphia được phép mở cửa đến 2 giờ sáng. Sáng sớm ngày 17 tháng Giêng năm 2010, hai nhóm thanh niên từ quán rượu đi ra đường để đón taxi về nhà. Tại góc đường Third Street và Market, hai nhóm thanh niên la hét chửi nhau. Đứng ở lề đường bên này là cậu Edward DiDonato. Cậu ta vừa được mướn vào làm việc cho một công ty bảo hiểm, sau khi tốt nghiệp trường đại học Villanova University. Hồi còn sinh viên, cậu từng là đội trưởng đội banh lacrosse. Bên lề đường bên kia có cậu Gerald Ung (có lẽ là người Mỹ gốc Tầu), sinh viên năm thứ ba trường Luật ở đại học Temple. Cậu sinh viên luật này rất tài hoa, làm thơ trong lúc rảnh, và từng làm cố vấn kỹ thuật cho công Freddie Mac. Cả hai cậu đều lớn lên trong khu ngoại ô, con nhà giầu. DiDonato ở vùng Blue Bell, Pennsylvania, ngoại ô Philadelphia, còn Ung thì ở tỉnh Reston, tiểu bang Virginia, gần Hoa Thịnh Đốn.
Lúc ở trong quán rượu, cậu nào cũng say mềm môi, và không ai nhớ rõ việc đôi bên xích mích bắt đầu như thế nào. Có lẽ một người trong nhóm bạn của DiDonato đã đá về phía bạn của cậu Ung, và một người trong nhóm bạn của Ung đã chế diễu mái tóc của người phe kia. Cậu Joy Keh, một người nhiếp ảnh gia trong nhóm của cậu Ung kể lại: “Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết vì sao lại xảy ra sự xích mích.”.
Đôi bên kình nhau kéo dài suốt một quãng đường ở bên ngoài quán rượu, và một người trong nhóm bạn của DiDonato là anh Thomas V. Kelly IV xông qua phía bên kia. Anh ta bị đẩy lui, trước khi kịp tung ra một quả đấm vào người bên kia. Anh ta vội vàng xông vào một lần nữa, lần này, cậu Ung rút trong túi quần khẩu súng ngắn bán tự động loại.380, hiệu Kel-Tec P-3AT. Khẩu súng thật nhỏ, chỉ dài có 5 inches, và nặng nửa pound. Đây là loại súng rất được ưa chuộng để mang theo trong người, theo đúng luật “concealed carry” (vũ khí được che dấu kỹ). Nhiều người mua loại súng này, dấu trong người để phòng thân. Các đây hai thập niên, khi ra khỏi nhà mang,ai theo vũ khí dấu trong người bị coi là bất hợp pháp, và bị luật pháp kiểm soát chặt chẽ. Hơn 20 tiểu bang coi hành vi dấu vũ khí trong người là bất hợp pháp, chỉ có khoảng chưa đầy 5 triệu người Mỹ có giấy phép mang súng dấu trong người. Bây giờ thì việc mang vũ khí dấu trong người được coi là hợp pháp tại hầu hết các tiểu bang, và số người có giấy phép mang vũ khí dấu trong người lên đến khoảng 12.8 triệu người.
Cậu Ung xin giấy phép mang súng dấu trong người vì cậu sợ gặp phải bọn lưu manh trên đường phố. Lúc đầu, cậu mua khẩu súng ngắn loại cổ điển .45 li, về sau, cậu đổi sang loại Kel-Tec, và luôn luôn mang theo trong người được một năm rưỡi nay. Cậu dấu khẩu súng trong túi quần, hay trong túi đeo trên lưng. Chưa bao giờ cậu phải dùng đến khẩu súng này. Bây giờ, trên lề đường, cậu cầm khẩu súng Kel Tec bằng hai tay đưa thẳng về phía trước, cậu đang nhắm bắn người đối diện. Một người đi bộ ngang qua, nghe thấy cậu hét lớn: “Tụi ban đừng có dồn tao vào chân tường.”, Cậu Ung nói tiếp: “Lui ngay, thằng khốn kiếp, nếu không tao sẽ bắn.”. Cậu DiDonato nghĩ rằng khẩu súng đó là súng giả, chỉ dùng để bắn đạn cao su, loại BB gun. Cậu dang hai tay ra, tiến lên, và nói: “Mày tính bắn ai đây?”. Cậu Ung liền bóp cò súng. Cậu không nhớ rõ đã lẩy cò bao nhiêu lần. Cậu kể lại là nó giống trong phim xi nê, lóe lửa lên, và nổ lốp bốp giống như bắp rang.
Ung bắn DiDonato sáu phát đạn, trúng vào gan, phổi, vai, ruột, và sống lưng. Khi DiDonato gục ngã, Ung gọi điện thoại số 911, và nói rằng cậu đã bắn ngã một người. Khi gọi vào tổng đài, cậu lên tiếng rên rỉ: “Tại sao mày lại làm như vậy, để khiến tao phải bắn mày?.” Trong lúc đó, tiếng của DiDonato thều thào, yếu ớt: “Làm ơn cứu tôi với, đừng để tôi phải chết.”. Khi cảnh sát đến nơi, câu đầu tiên cậu Ung nói với cảnh sát là: “Tôi có giấy phép mang súng.”.
TRONG MƯỜI NĂM QUA, số người Mỹ dân sự chết vì súng đạn nhiều hơn tổng số người Mỹ chết trong Thế Chiến Thứ Hai. Khi tên bảo vệ an ninh – security guard- Omar Mateen giết chết 49 người ở quán rượu của người đồng tính ở Orlando hôm 12 tháng Sáu, nó đã dùng loại súng trường bán tự động sig Sauer, và một khẩu súng ngắn Glock 17. Theo một số người, đây là một sự kiện lịch sử vì số người bị giết lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó có người nhìn đó là chuyện xảy ra thường tình, vì trong năm nay có 113 vụ bắn người hàng loạt xảy ra. Những vụ tàn sát tập thể khiến cho nhiều người muốn cùng nhau đòi hỏi phải thay đổi. Trong năm 2015, số người chết vì tàn sát tập thể chỉ chiếm 2% tổng số người chết vì súng đạn. Người Mỹ bắn nhau đa số chỉ vì bốc đồng, hay vì những lý do phi chính trị.
Tất cả những vụ giết người như trên không hề làm thiệt hại cho ngành buôn bán súng. Trong những năm gần đây, phản ứng đối với các vụ mass shooting- bắn loạn xạ- xảy ra, chẳng hạn như bắn giết bừa bãi, khủng bố tấn công, và tranh luận về việc kiểm soát súng, chỉ làm cho số súng bán ra tăng thêm, lên đến mức kỷ lục. Ông Paul Jannuzzo, cựu giám đốc nghiệp vụ của công ty chế tạo súng Glock tại Hoa Kỳ, nói với chúng tôi: “Bạn biết không mỗi khi xảy ra vụ bắn súng, bom nổ, hay đánh khủng bố là số súng của hãng chúng tôi bán ra tăng vọt lên, tăng một cách điên khùng.”. Glock là hãng chế tạo súng ở nước Áo.
Thỉnh thoảng có trường hợp cả ba yếu tố giúp nghề bán súng thịnh vượng cùng xảy ra một lúc. Ngày 13 tháng 11 năm ngoái, bọn khủng bố ở Paris mở cuộc tấn công khiến cho 130 người chết, và hàng trăm người khác bị thương. Ngày 2 tháng 12, một cặp vợ chồng, bị tổ chức ISIS xúi dục đã xả súng giết chết 14 người ở San Bernardino, California. Đầu năm nay, vào ngày 5 tháng Giêng, Tổng thống Obama ký sắc lệnh hành pháp nhằm mở rộng thẩm quyền xét hỏi lý lịch người mua súng. Vào cuối ngày, cổ phần của công ty chế tạo súng lớn nhất Hoa Kỳ Smith & Wesson tăng vọt lên $25.86 một cổ phiếu, mức tăng lớn nhất trong lịch sử của công ty. Sau vụ giết người xảy ra ở Orlando, cổ phiếu của Wesson & Smith tăng thêm 9.8%. Hồi tuần trước, công ty công bố: trong tài khóa năm ngoái, lợi tức của họ tăng 31%, trị giá $733 triệu đô la. Chủ tịch công ty Smith & Wesson là ông James Debney nói với các nhà đầu tư vào công ty như sau: “Tôi rất lấy làm hài lòng về những kết quả công ty đạt được.”. Ông nói thêm rằng công ty phát triển mạnh nhờ những phiếu đặt hàng mua súng cá nhân để tự vệ, tăng lên rất nhiều.
Câu chuyện về sự kiện hàng triệu người Mỹ cảm thấy họ cần có súng trong người để phòng thân, giống như những lực lượng bán quân sự, tự phòng, trang bị vũ khí cùng mình bắt nguồn không phải từ thời đi chinh phục Miền Tây, mà mới từ thời 1970’s gần đây. Trong gần hết quá trình lịch sử Mỹ, đa số những người sở hữu chủ súng thường dè bỉu, chê bai việc mang súng. Năm 1934, chủ tịch Hiệp Hội Súng Trường- National Rifle Association- Karl Frederick khai trước Quốc Hội Hoa Kỳ: “Tôi không tin vào việc cho phép mang súng bừa bãi. Tôi nghĩ chúng ta cần phải giới hạn chặt chẽ, chỉ cho người nào có giấy phép mới được mang súng.”. Năm 1967, sau khi bị tổ chức Black Panthers mang vũ khí đến Sacramento biểu tình phản đối, Thống đốc Ronald Reagan nói với các ký giả ông “không thấy có lý do gì để người dân đi trên đường phố phải mang vũ khí trong người.”.
Nhưng rồi tình hình chính trị về súng, và những sợ hãi về khủng bố giết người lại thay đổi. Năm 1972, ông Jeff Cooper, cựu quân nhân binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, kiêm huấn luyện viên về vũ khí, viết cuốn sách, tựa đề: “Những Nguyên Tắc Về Tự Vệ Cá Nhân.”. Cuốn sách này trở thành tác phẩm kinh điển về quyền của người mang súng, và dấy động lên một luồng không khí lo âu, sợ hãi. Ông Cooper viết: “Hồi trước Thế Chiến Thứ Hai, người ta có thể thả bộ dạo mát trong công viên, hay trên đường phố mà không lo sợ gặp rắc rối, phiền hà. Nhưng ngày nay thế giới có quá nhiều chuyện tàn bạo xảy ra.”. Đã đến lúc chúng ta cần phải xét lại phản ứng của mình đối với đồng loại quanh ta. Jeff Cooper kể ra một loạt danh sách những vụ giết người tàn nhẫn, như tên Charles Manson, và ông viết về những nạn nhân của những vụ giết người này như sau: “Họ tỏ ra bất lực một cách ngu dại, e dè quá đáng, gần như là tiếp tay cho tên sát nhân làm chuyện tàn ác.”. Tiếp thu thái độ can trường trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến dạy, Jeff Cooper khuyên mọi người cần phải có súng, và phải cảnh giác trước tình trạng ông gọi là Condition Yellow- Hiểm Nguy Mức Độ Cao. Trong đó, con người phải biết đánh trả lại kẻ tấn công mình để giữ nhân cách, và tự trọng.
Ít lâu sau, người dân mang vũ khí có thêm tiếng nói: Năm 1977, trong kỳ đại hội thường niên của tổ chức N.R.A, do ông Harlon Carter chủ tọa, chú trọng nhiều vào việc huấn luyện sử dụng súng trường, và các hoạt động săn bắn để giải trí. Ông Carter trước kia là cấp chỉ huy trong Cơ quan Tuần Tra Biên Giới Hoa Kỳ. Chính ông đã đưa ra một phong trào mới cho những người chủ trương có quyền mang vũ khí. Năm 1987, tổ chức NRA thành công trong việc vận động các nhà lập pháp Florida nới lỏng qui tắc về việc mang vũ khí được cất dấu, dành cho những người cần dùng vũ khí vì công việc, ví dụ phải chuyên chở số tiền mặt quá lớn.
Theo luật mới “quyền mang vũ khí”, được hơn hai chục tiểu bang công nhận, các viên chức chính quyền không có chọn lựa nào khác, phải cấp giấy phép cho bất cứ ai làm đơn xin giấy phép, miễn là người đó có đầu óc sáng suốt, không có hồ sơ tiền án về những tội hình. Sau đó, tổ chức NRA nới rộng quyền mang vũ khí cất dấu sang những địa hạt khác, như ở quán rượu, ở trường đại học, hay trong nhà thờ. Bắt đầu từ mùa thu năm nay, Texas sẽ là tiểu bang thứ 8 cho phép sinh viên, hay nhân viên trường đại học được mang vũ khí vào trong trường.
Đối với các nhà sản xuất súng, phong trào cho phép mang vũ khí được dấu kín đem lại lợi lạc lớn cho họ. Năm 1996, người làm công tác vận động hành lang cho tổ chức NRA, bà Tanya Metaksa, phải tuyên bố: “Các nhà sản xuất súng lẽ ra phải biếu tôi cả thùng trái cây để thưởng công cho tôi.”. Những khẩu súng nhỏ như khẩu .380 li mà cậu Gerald Ung dùng được gọi đùa là “loại súng chuột con.”. Ông Jannuzzo nói: “Mọi người coi thường giá trị của nó.”. Nhưng khi tiểu bang nới lỏng luật, lập tức các nhà sản xuất súng quảng cáo đây là loại súng “bỏ túi”, “hoàn toàn được dấu kín”. Công ty chế đạn làm loại đạn nhỏ hơn một chút, điều chỉnh sức tấn công của viên đạn để khiến nó có khả năng giết người mạnh hơn. Năm 2014, nhà sản xuất súng làm ra gần chín trăm ngàn khẩu súng .380 li, nhiều hơn năm trước, và tăng gấp 20 lần so với năm 2001. Năm 1999, khoảng 20% người đi mua súng nói họ mua súng để phòng thân là ưu tiên hàng đầu đối với họ. Đến năm 2013, yếu tố phòng thân tự vệ là yếu tố chính để người ta đi mua súng. Ông Jannuzzo trình bầy: “Tôi trông thấy nhiều người đàn ông lớn tuổi lấy những khẩu .380 li ra khỏi xe truck, và bỏ vào túi quần. Đó là chuyện thường xảy ra.Thế giới ngoài kia đang cần mua súng để phòng thân.”.
Vụ thảm sát ở Orlando lại khiến người ta phải kêu gọi cấm bán loại vũ khí tấn công. Luật liên bang cấm bán loại vũ khí này đã hết hiệu lực hồi năm 2004. Luật cấm không cho bán vũ khí tấn công chỉ dùng trong quân đội. Chính những kẻ giết người ở Orlando, San Bernardino, trường tiểu học Sandy Hook, và ở Aurora, Colorado đã dùng loại súng trường tự động này. Nhưng trong năm 2014, FBI ghi nhận rằng những vụ giết người bằng súng trường chỉ chiếm 3% trong số hơn tám ngàn người bị chết vì súng đạn. Việc cấm bán súng trường tự động chỉ khiến cho lợi nhuận của kỹ nghệ bán súng bị giới hạn đôi chút mà thôi. Phong trào duy trì quyền mang vũ khí, quyền tự do mang vũ khí được che dấu, cũng như những cố gắng chính trị nhằm ngăn chặn việc bán vũ khí đã làm thay đổi văn hóa của ngành buôn súng.
Những câu hỏi lớn nhất về pháp lý và chính trị liên quan đến súng hiện nay không chỉ liên quan đến loại súng nào được phép bán, mà còn liên quan đến ai có quyền dùng súng, và khi nào được phép dùng súng. Ngày 9 tháng Sáu, Tòa Phúc Thẩm Liên Bang ở California đứng về phía những người chủ trương kiểm soát súng, qui định rằng chính quyền địa phương có quyền đặt ra những điều kiện có thể dùng vũ khí che dấu. Ông Adam Winkler, chuyên gia về luật súng ở trường đại học UCLA nhận định: “Quyết định của Tòa Phúc Thẩm mở ra một trận đấu mới. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã từng qui định rằng người Mỹ có quyền tự vệ “trong khuôn khổ tư gia của họ.”, nhưng Tòa án lại không nói gì về việc người Mỹ có thể mang gì trong người khi ra nơi công cộng. Theo ông Winkler: “Đây là chân trời mới rất lớn cho việc áp dụng Tu Chính Án thứ Hai của Hiên Pháp Hoa Kỳ.”.
Những người dùng vũ khí được cất dấu mô tả kinh nghiệm của họ thường là vượt khỏi phạm vi tự vệ, phòng thân. Bà Laurie Lee Dovey, một cây viết của kỹ nghệ bán súng nhắc lại một câu nói của ông Barack Obama với các cử tri một tỉnh nhỏ hồi ông ra tranh cử năm 2008. Nguyên văn như sau: “Bà con ở đây thường bám chặt đến hai điều, đó là súng và tôn giáo.”. Bà văn sĩ của kỹ nghệ bán súng nói rằng tám năm sau, cử tri lật ngược tình hình chính trị Mỹ với số người ủng hộ quyền mang súng tăng vọt ở cả hai đảng. Họ coi lời nói của ông Obama không còn là lời chê trách, mà là một lời khích lệ: “Vâng tôi gắn liền với súng và tôn giáo đấy. Có gì phiền không khi tôi mặc áo T-Shirt ủng hộ việc mang súng với dòng chữ “Proud Bitter Clinger.” Hãnh Diện Là Người Cay Đắng Ủng Hộ Quyền Mang Súng.
CẬU SINH VIÊN GERALD UNG xin được giấy phép mang súng dấu trong người ở tiểu bang Virginia. Để có đủ điều kiện xin được giấy phép này, cậu phải theo học một lớp huấn luyện cơ bản về cách sử dụng súng ngắn do tổ chức NRA thực hiện. Tôi (người viết phóng sự này) tò mò muốn biết lớp học này dạy cái gì trong đó, nên một buổi sáng thứ Bảy mới đây, tôi lái xe hơn nửa giờ đồng hồ, từ nhà ở Washington D.C đến trụ sở của NRA trong vùng Fairfax, Virginia. Đây là một bin đinh tráng lệ, gắn kính soi gương bao quanh. Có người đã từng khuyên tôi nên xin giấy phép mang súng dấu trong người của tiểu bang Utah tốt hơn. Vì giấy phép này được 30 tiểu bang công nhận.
Trong lớp học của tôi có năm học viên nam và một học viên nữ. Chúng tôi ngồi trong phòng học được trang hoàng bằng rất nhiều “cúp” giải thưởng về săn bắn, và một TV lớn loại màn hình mỏng. Vị giảng viên dậy lớp này là ông Mark Briley Jr. Ngay từ phút đầu, ông tuyên bố thẳng là các học viên sẽ không sờ vào cây súng trong lớp học này. “Vào cuối giờ học, các bạn sẽ được cấp giấy phép giống như giấy phép được qui định ở Utah. Ở đó, người ta không đòi hỏi phải thực sự bắn súng.”. (Nhóm vận động hành lang của NRA tìm cách bỏ tiêu chuẩn huấn luyện này. Họ cho rằng không cần thiết, và một số tiểu bang đã bỏ hẳn, không bắt đi học.).
Thầy Mark Briley Jr là một thầy giáo Mỹ Đen. Ông có ba đứa con, ông để râu dưới cằm, mặc quần ka ki mầu đen, áo T-shirt cũng mầu đen. Thầy Briley hội đủ ba đức tính của một giảng viên giỏi: Nhiệt tình khi giảng bài, kiên nhẫn, và biết pha trò rất khéo. Ông kể: “Tôi là người Da Đen, nhưng tôi lại đi nhà thờ toàn giáo dân Da Trắng ở Farmville- dân số cả tỉnh chỉ có 8,169 người. Người ta nói đùa với tôi rằng nếu tôi cứ tiếp tục đi nhà thờ với người Da Trắng, sẽ có ngày người ta trông thấy tôi bắn súng pằng pằng, và cưỡi xe mô tô Harley.”.
Thầy Briley giảng bài rất nhanh. Thầy đi từ việc so sánh các trường hợp trở ngại của nòng súng (như bắn ra 5 viên cùng một lúc, hay bị kẹt đạn), những biện pháp phòng thủ (điểm nông không làm chết người, và ích lợi của áo giáp bằng sắt để chống đạn), sang đến kiểu nhắm bắn (bắn thẳng, hay bắn xéo). Thỉnh thoảng Thầy Briley ngưng giảng để hỏi thăm học viên có câu hỏi gì cần giải thích thêm hay không, như các thành tố trong khẩu súng ngắn bán tự động? Không có ai đặt câu hỏi, hay thắc mắc gì cả.
Chúng tôi duyệt xét lại tất cả những loại đe dọa có thể xảy ra, như gặp kẻ trộm, hay kẻ cướp xông vào nhà, bị chặn đường đánh bất ngờ, đối phó với bọn xì ke ma túy. Thầy Briley khuyên chúng tôi phải suy nghĩ xa hơn, vượt ra khỏi phạm vi bị kẻ khác đánh. Ông muốn đi xa hơn phạm vi tự vệ, phòng thân. Ông muốn ám chỉ đến trường hợp “mass shooting”, hay bắn loạn. Ông nói: “Chúng ta đang sống ở nước Mỹ trong thời đại mà chuyện che dấu vũ khí không quan trọng bằng sự sống, và cái chết. Che dấu vũ khí có ích gì khi xảy ra vụ bắn người hàng loạt ở trung tâm thương mại, ở rạp hát? Không có nơi nào còn được coi là an toàn cả.”. Ông khuyên chúng tôi nên xem xét tất cả các ngõ ngách, coi có chỗ nào có thể dùng làm nơi ẩn náu. Tại đây có trồng cây trong nhà hay không? Đó là cây giả hay cây thật? Có dùng đất trong chậu cây kiểng hay không? Lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
Ông cảnh cáo chúng tôi chớ bao giờ đóng vai anh hùng, hay nổi nóng ẩu. Chúng ta đều nghe nói đến vụ đánh nhau ở rạp hát bên Florida hồi năm 2014 chỉ vì gửi text chọc tức nhau. Một người vô tình hay cố ý ném bắp rang lên đầu người khác đang nồi xem xi nê. Người đó lôi khẩu súng .380 li ra và bắn chết người ném bắp rang. (Người bắn súng tên là Curtis Reeves Jr. không nhận lỗi, và đang chờ tòa án xét xử về tội sát nhân cấp hai). Ông Briley khuyên chúng ta chớ nên đưa nhau ra tòa kiện tụng, không khí ngoài tòa đa số là chống lại quyền mang súng. Ông nhắc lại lời khuyên của bà nội ông: “Mark à, cháu phải nhớ rằng vì sao mà người ta gọi tòa án là một hệ thống công lý cho bọn tội phạm? Bởi vì ở đó, bọn tội phạm nhận công lý, và cháu sẽ ăn đòn.”.
Chúng tôi chuyển đề tài sang lãnh vực luật pháp, thầy Briley dặn trước với chúng tôi rằng ông không có tư cách gì đưa ra lời khuyên về luật pháp cả. Ông lật ra trang giấy về luật Utah Code 76-2-402 và đọc thật nhanh như dân chuyên nghiệp đang rao bán hàng đấu giá. Ông tóm tắt ý của luật này như sau: “Stand Your Ground” tức là Đứng Nguyên Tại Chỗ, không cần phải bỏ chạy, phải đánh trả lại. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có quyền tự do sử dụng vũ khí của mình. Nó chỉ có nghĩa rằng “Tôi không phải bỏ chạy, thối lui.”. Ông kể ra trường hợp của tên George Zimmerman, một người tình nguyện làm việc bảo vệ an ninh khu xóm ở Florida, bắn chết một thiếu niên Da Đen 17 tuổi tên là Trayvon Martin, không có vũ khí trong tay. Gần ba năm sau khi Zimmerman được miễn truy tố, hắn nhận được rất nhiều lời bình phẩm của cả phe ủng hộ súng lẫn phe chống. Hồi tháng Năm, hắn đem cây súng bắn chết Martin đem đi bán đấu giá. Lúc đầu cuộc bán đấu giá bị phá đám, vì có một người ghi danh xin mua, lấy biệt hiệu là “Racist McShootface”. “Bắn vào Mặt tên kỳ thị.”. Nhưng sau đó vài ngày, cuộc bán đấu giá lại được tổ chức. Nghe nói khẩu súng nổi tiếng đó bán được với giá $250,000 đô la.
Thầy Briley khuyên chúng tôi nên xem câu chuyện về Zimmerman như một lời cảnh báo. Ông đặt câu hỏi: “Có ai trong lớp này muốn làm Zimmerman không? Và không một ai dám dơ tay lên. Theo ông: “Điều quan ngại lớn nhất của tôi là quí vị những ai có vũ khí được dấu kín là chúng ta chỉ nên xem khẩu súng đó là chọn lựa chết người để trong hộp đựng đồ dụng cụ.”.
Chúng tôi kết thúc lớp học đúng thời khóa biểu. Tôi đã hoàn tất đủ 4 giờ học, và những yêu cầu cần thiết về huấn luyện để nhận được giấy phép mang vũ khí che dấu. Tôi trở về nhà kịp giờ ăn trưa.
NGƯỜI MỸ TÍCH LŨY ba trăm mười triệu khẩu súng, và để hiểu vì sao con số súng có trong tay của người Mỹ lại nhiều đến thế, chúng ta nên đi thăm tỉnh nhỏ thủy tổ của ngành đúc súng ở Mỹ. Đa số người Mỹ làm chủ cây súng ngày nay đều ở miền Nam và miền Tây nước Mỹ, nhưng những người làm ra súng lại ở vùng New England – Đông bắc Hoa Kỳ, bởi vì hồi năm 1794, chính ông George Washington đã chọn tỉnh Springfield, tiểu bang Massachusetts là nơi chế tạo vũ khí quân sự. Xưởng đúc súng Springfield Armory là nơi huấn luyện những người thợ đúc súng đầu tiên, chẳng hạn như ông Horace Smith. Cũng từ ngày đó, mới mọc lên nhiều cơ xưởng dọc theo con sông Connecticut River. Vùng này về sau nổi tiếng là Thung Lũng Đúc Súng: Gun Valley.
Là một ngành kinh doanh để kiếm tiền, súng làm ra phải tuân theo luật cung cầu. Điều này có nghĩa là kỹ nghệ đúc súng muốn tồn tại phải biết tìm ra khách hàng mới, càng nhiều càng tốt, hay phải chế ra súng mới để bán cho khách hàng cũ. (Chính ông Samuel Colt là người đẻ ra câu quảng cáo: New and Improved- sản phẩm mới, được cải iến.). Ngày nay, kỹ nghệ bán súng lệ thuộc nhiều vào số khách hàng cũ. Vào năm 1977, hơn phân nửa gia đình Mỹ đều có súng để ở trong nhà. Đến năm 2014, số người có súng chỉ còn không đầy một phần ba. Theo sự ước tính của giới buôn bán súng, mỗi chủ nhân đều có trung bình khoảng tám cây súng.
Ông Mike Weisser bước vào nghề buôn bán súng từ năm 1965. Ông làm đủ thứ từ bán sỉ, đến bán lẻ, nhập cảng súng, có khi làm giảng viên dạy về cách dùng súng cho trong tổ chức NRA. Bây giờ ở tuổi 71, trông ông vẫn mạnh giỏi, ăn nói hoạt bát, quyến rũ, đang sống với bà Carolyn, một bác sĩ nhi khoa, vợ của ông, ở ngoai ô thành phố Springfield. Ông Weisser từng có văn bằng tiến sĩ lịch sử kinh tế ở đại học Northwestern, sau đó ông dạy tại đại học University of South Carolina và nhiều trường khác. Theo lời ông kể: “Lần đầu tiên ông được xem xi nê là lúc ông năm tuổi, trên tay cầm khẩu súng giả bằng plastic.”. Đến năm 2001, ông mua căn nhà bên bờ hồ ở thành phố Ware, Massachusetts, và trong thời gian 13 năm, ông đã bán được 12,000 cây súng, cùng lúc đó, viết sáu cuốn sách. Ông làm chủ một blogger trên mạng, và lấy tên là Mike the Gun Guy. Một buổi sáng mới đây, ông lái chiếc xe của ông đến thăm căn xưởng đúc súng to lớn bằng gạch đỏ, trước đây là tụ sở chính của hãng đúc súng Smith & Wesson. Hồi thập niên 1970’s, ông Weisser là một đại lý phân phối cho công ty Wesson & Smith, và lúc đó thương vụ khá ổn định, vững chắc. Ông kể cho tôi nghe: “Chúng tôi được chia một phần khá lớn nhờ thị trường bán súng cho cảnh sát. Năm nào họ cũng mua đủ số súng nhất định. Hoạt động đều đều vững chắc trong âm thầm, yên lặng.”.
Qua đến cuối thập niên 1980’s các nhà sản xuất súng Mỹ gặp hai vấn đề nan giải: người ta thích mua súng nhập cảng từ Âu châu sang, chẳng hạn như súng của hãng Glock. Vì vậy, súng Âu châu lôi cuốn khách hàng bên quân đội và cảnh sát mua súng của họ. Trong lúc đó, hoạt động săn bắn suy giảm. Trước kia, bán súng cho người đi săn cũng là một thị trường khá tốt. Nhưng nay thôn quê Mỹ thu hẹp lại, nên săn bắn cũng giảm đi rất nhiều. Năm 1977, một phần ba gia đình Mỹ đều tham gia vào hoạt động săn bắn, theo cuộc thăm dò của General Social Survey, số người đi săn chỉ còn một nửa vào năm 2014. Ông Weisser nói: “Kỹ nghệ làm súng dựa vào văn hóa chinh phục miền Tây của người Mỹ, và sở thích săn bắn làm nền tảng. Bây giờ cả hai thứ đó đều không còn nữa. Chưa kể là súng từ Âu châu nhập cảng sang quá tốt đến nỗi quân đội Hoa Kỳ cũng dùng súng của Âu châu. Lạy Chúa! bọn buôn súng chúng tôi hết đường kiếm ăn.”. Năm 1998, người ta trông thấy một mảnh tin quảng cáo trên tạp chí Shooting Sports Retailer cảnh báo rằng: “trong năm năm nữa bạn sẽ không còn đặt câu hỏi khách hàng của bạn là ai, mà bạn sẽ hỏi còn lại bao nhiêu khách hàng mua súng.”. Ông Richard Feldman, một chuyên viên vận động hành lang cao cấp của tổ chức N.R.A, giữ vai trò liên lạc viên giữa kỹ nghệ bán súng nói với tôi rằng vào thập niên 1980’s các công ty chế tạo súng đang tìm con đường khác để sống còn, vì nhu cầu mua súng để săn bắn sụt giảm quá nhiều. Ông nhấn mạnh: “bạn phải tìm mọi cách để bán súng, bất kể súng bán ra để làm gì, không cần biết đến chuyện đó.”.
Thế rồi tình cờ, một giải pháp, có thể tạm gọi như vậy, xảy ra vào năm 1992 khi Bồi Thẩm Đoàn ở Los Angeles miễn truy tố bốn cảnh sát viên dùng vũ lực qúa đáng đánh anh chàng Da Đen Rodney King. Bạo loạn nổ bùng trên khắp thành phố. Ông Weisser mô tả: “Lần đầu tiên, người ta trông thấy phim video thu hình vụ nổi loạn trực tiếp đang xảy ra, và chiếu trên truyền hình. Thiên hạ trông thấy máy bay trực thăng đang quần thảo trên đầu một anh Mỹ Trắng bị đánh đập tàn nhẫn tại một ngã tư đường. Những gã Da Đen lôi người đàn ông Da Trắng ra khỏi chiếc xe truck, và đánh đập anh ta thật tàn bạo, trong lúc chiếc trực thăng đang bay vòng vòng trên trời.”.Thế là thị trường mới xuất hiện: Mua súng để tự vệ. Theo ông Weisser kỳ này thị trường có thêm sức vì những lo âu về xung đột chủng tộc. Đó là thời điểm khi người ta nói về “tội phạm” là mọi người hiểu ngay đó là xung đột mầu da. Bán súng cho người mua để tự vệ dễ dàng hơn là bán cho người mua súng đi săn bắn, hay mua súng mà không có lý do rõ ràng. Trở ngại duy nhất là tình hình ở nước Mỹ ngày càng an ninh hơn trước, không còn là nơi nguy hiểm nữa. Tỉ lệ tội phạm sút giảm rõ rệt. Tội phạm về bạo hành, đánh đấm, chém giết lên đến cao độ vào năm 1991. Khi đó nước Mỹ đang bị tai họa do buôn bán bạch phiến, sau đó, tội phạm giảm hẳn đi phân nửa. Những tội phạm loại khác như hiếp dâm giảm 60% so với lúc cao điểm. (Lý do của sự sụt giảm này vẫn còn trong vòng tranh luận. Tuy nhiên, theo nhiều học giả, tình hình an ninh cải thiện là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như tình hình kinh tế tốt, có nhiều cảnh sát đi tuần, kỹ thuật truy tìm tội phạm cải tiến, và nhất là số người uống rượu giảm đi rất nhiều.). Tuy nhiên vào năm 1997, một bài viết đăng trên tạp chí Shooting Industry của tác giả Massad Ayoob, một cây bút chuyên nghiệp về súng đạn, kiêm huấn luyện viên về vũ khí, thôi thúc các đại lý bán súng nên chụp lấy cơ hội mới về “vũ khí được dấu kín”. Luật này viết như sau: “Vũ khí phòng thủ, bán cho người được giải thích, được khuyên bảo cặn kẽ, cùng với những phụ tùng đúng, sẽ là cơ hộ rất tốt về thương mại để các đại lý bán súng tồn tại trong thời buổi hiện nay.”.
VÀO CUỐI THẬP NIÊN 1990’s, kỹ nghệ bán súng lại suy yếu. Lấy kinh nghiệm về những vụ kiện các công ty sản xuất thuốc lá, hơn 30 chính quyền địa phương, và cấp tiểu bang, rủ nhau đưa đơn kiện những nhà sản xuất súng. Tổ chức N.R.A từ chối không chịu dàn xếp vụ kiện. Tuy nhiên, vụ kiện này gây thiệt hại rất lớn cho kỹ nghệ bán súng. Một cựu nhân viên của công ty Smith & Wesson đã đứng ra tố cáo: “Theo như tôi biết, công ty biết khá rõ về những tên lưu manh mua súng của họ, nhưng họ tảng lờ đi, không làm gì để ngăn cản những thằng lưu manh này.”.
Vào đúng thời điểm khó khăn này, có một tay lái súng rất thông mình, tìm ra giải pháp để cứu nguy cho ngành kỹ nghệ súng. Tay lái súng đó là ông Ed Shultz, Tổng Giám Đốc công ty Smith & Wesson. Hồi nhỏ, Ed Shultz theo học một trường làng nhỏ, là con trai của một nông dân nuôi heo ở tiểu bang Iowa. Ông ta chẳng biết gì về súng cả, nhưng tự nhận là một người rất yêu súng. Nhưng đặc biệt ông là người rất thực tế, có tài quảng giao, cười lấy lòng tất cả mọi người. Ông ta nghĩ ra cách bí mật thương lượng với chính quyền của ông Clinton. Sau sáu tuần lễ thương thảo, Ed Schultz đạt được thỏa thuận với ông Andrew Cuomo,do Clinton ủy quyền ra thương lượng.
Cuomo lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Phát Triển Gia Cư trong chính phủ Clinton. Bây giờ ông là Thống đốc tiểu bang New York. Ngồi trước mặt Ed Shultz, Cuomo nói: “trước đây tôi từng làm chủ cây súng trong nhà. Bây giờ trong nhà tôi có trẻ con. Ông bảo tôi ông có thể bán cho tôi loại súng mà trẻ con không thể táy máy nghịch được. Dù cho khẩu súng có lắp đạn, và để ngay trước mặt đứa nhỏ. Ý kiến đó đối với tôi nghe rất hấp dẫn.”. Vào cuối thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20 công ty Smith & Wesson chế tạo hơn nửa triệu khẩu súng với bộ phận an toàn gồm hai phần, và công ty tự hào rằng khẩu súng này “bảo đảm an toàn khi lọt vào tay trẻ em.”. Nhưng sau đó, công ty ngưng không làm loại súng này nữa trong thời Thế Chiến Thứ hai. Lúc đó, công ty chỉ chú trọng vào việc chế tạo súng dùng cho quân đội. Bây giờ ông Shultz giới thiệu loại súng an toàn này, và gọi tên nó là “smart gun”, súng thông minh. Chỉ riêng chủ nhân khẩu súng mới có thể bắn nó được. Ông Cuomo nhớ lại Ed Shultz đã nói với ông: “Tôi không để ý đến khía cạnh chính trị, tôi chỉ muốn đưa ra một chiến lược để cứu nguy kỹ nghệ chế tạo súng mà thôi.”.
Ngày 17 tháng Ba năm 2000, ông Clinton và Cuomo công bố kết quả cuộc thương lượng với kỹ nghệ làm súng: ngoài những việc khác, công ty Smith & Wesson đồng ý sẽ sáng chế ra loại súng thông minh, và từng bước áp dụng những biện pháp để lái súng không bán súng cho bọn tội phạm. Ông Cuomo tuyên bố: “Cuối cùng chúng ta đang trên đường đi đến việc xây dựng một nước Mỹ an toàn hơn, và thanh bình hơn.”. Nhưng đúng vào ngày công bố thỏa ước này, tổ chức NRA lên tiếng khai trừ công ty Smith & Wesson, và nói rằng công ty này “là công ty chế tạo súng đầu tiên treo cờ trắng, đầu hàng”. Tổ chức này nói cho mọi người biết số điện thoại của ông Shultz, và khuyên các hội viên gọi điện thoại đến chỉ trích, sỉ vả cái tên phản bội. Trong cuốn sách tựa đề là “Out-gunned” viết về lịch sử của việc kiểm soát súng, hai tác giả Peter Harry Brown và Danniel G. Abel kể lại rằng một giám đốc công ty bán súng gọi điện thoại trách mắng ông Schultz, và ông ta bắt đầu mang áo chống đạn khi đi ra đường. Rất nhiều lời chỉ trích, tẩy chay công ty Smith & Wesson xuất hiện trên mạng, số thương vụ bán súng của Smith & Wesson xuống thê thảm. Công ty phải đóng cửa hai phân xưởng. Trong vòng 10 tháng, cổ phiếu của công ty mất giá 95%. Qua năm sau, công ty bị bán cho một công ty khác với giá rẻ như bèo.
Ed Shultz rời khỏi công ty Smith & Wesson và không bao giờ tiếp xúc với báo chí nữa. Tôi tình cờ có dịp gọi điện thoại nói chuyện với ông ta, nhưng ông từ chối nói về việc buôn bán súng.
Với sự giúp đỡ của Quốc Hội, kỹ nghệ bán súng tránh được các vụ kiện xảy ra tiếp theo. Năm 2005, Đạo luật Protection of Lawful Commerce in Arms Act giúp cho các nhà sản xuất súng, đại lý phân phối, và đại lý bán súng được miễn không lo sợ bị kiện tụng bồi thường dân sự, về những tổn hại gây ra do sản phẩm của họ. Trong kỳ hội nghị của tổ chức NRA năm 2011, Chủ tịch công ty chế tạo súng Sturm, Ruger là ông Mike Fifer nói trước đại hội: “Có lẽ nhờ đạo luật trên mà kỹ nghệ làm súng của Hoa Kỳ vẫn còn tồn tại.”.
Công ty Smith & Wesson tìm cách hàn gắn quan hệ của công ty với tổ chức NRA. Năm 2012, chủ tịch đương nhiệm của công ty là Debney bị dụ dỗ vào nhóm Ring of Freedom của tổ chức NRA. Muốn được vào nhóm này phải tặng cho tổ chức số tiền ít nhất là $ 1 triệu đô la. Ông được tặng lại một áo choàng thể thao mầu vàng, và được đăng hình trên trang bìa của tạp chí do NRA phát hành. Trong đó ông mặc jacket và tay cầm khẩu súng của Smith & Wesson, loại có thể dấu trong người, cùng với dòng chữ “The Armed Citizen” “Người Công Dân Mang Vũ Khí.”. Một cột báo viết để khen ngợi, ăn mừng những người dân sự biết rút súng ra để tự vệ. Ông Debney nói với người phỏng vấn: “Giới yêu súng chưa quên cái tội tầy trời của ông Ed Shultz, đi tìm sự thỏa hiệp, đầu hàng. Suýt nữa làm công ty phải xập tiệm, chúng tôi sẽ không bao giờ phạm lỗi lầm này một lần nữa.”..
THÁNG NĂM MỚI ĐÂY, BẢY CHỤC NGÀN HỘI VIÊN của tổ chức NRA đi dự hội nghị thường niên ở Louisville. Hội nghị kỳ này kết hợp ba bộ phận: triển lãm thương mại, thảo luận chính trị, và trình diễn tranh hí họa. Khi vừa đến nơi, tôi đụng đầu phải một hình nhân mang y phục con chim khổng lồ. Đây là phù hiệu của tổ chức NRA, họ thực hiện chương trình Eddie Eagle GunSafe, nhằm dạy trẻ em dưới lớp 4 không rờ tay vào súng. Sau khi học qua những biện pháp an ninh, kỹ nghệ bán súng hy vọng các em sẽ trở thành người biết sử dụng súng. Một phúc trình do hiệp hội mậu dịch làm vào năm 2011 khuyến khích nên lập ra chương trình tuyển mộ các em học sinh tập săn bắn kể từ lớp sáu trở lên, hay sớm hơn càng tốt.
Sân khấu được dựng ở một bên hội trường, trên đó có hai nhạc sĩ chơi đàn guitar dưới tấm biểu ngữ lớn: “N.R.A Country”. Đây là chương trình bảo trợ cho các nhạc sĩ để lôi cuốn những thành viên trẻ, ưu tiên hàng đầu hiện nay của kỹ nghệ bán súng. Theo Trung Tâm Phòng Ngừa Bạo Động, của nhóm cổ vũ cho vấn đề an toàn súng đạn thì chương trình thu hút hội viên mới đang gặp thử thách lớn: “dân số hội viên đang suy giảm từ từ, có nguy cơ suy sụp.”. Năm ngoái, tạp chí Shooting Sports Retailers lên tiếng cảnh báo rằng số hội viên ngày càng sụt giảm, do đó sức mạnh chính trị của tổ chức cũng giảm theo.
Tại hội nghị Louisville, một biểu ngữ lớn được treo lên: “11 Acres of Guns and Gear” hay “Dành ra khu đất rộng 11 mẩu để Bắn Súng và Cưỡi Ngựa.”. Bên khu dành cho trẻ em xem, người ta trưng bầy loại súng .22 li trông giống như súng của quân đội đeo ở cánh tay. (Hồi năm 2013, tạp chí Junior Shooters tặng cho một em 13 tuổi cây súng này khi em xem qua cây súng và khen súng đẹp quá, trông oai hùng như khẩu Beretta. Để lôi cuốn khán giả bắn súng giỏi, hay người sử dụng súng để tự vệ, đề tài thào luận là TEOTWAWKI, viết tắt của câu Ngày Tận Thế Như Chúng Tôi Biết, và trưng bầy khầu súng trường AR-15, còn gọi là “khẩu súng trường mầu đen.” Bên dân sự hay dùng, nó chính là khẩu M-16 của bên quân đội. Kỹ nghệ bán súng gọi khẩu súng trường này bằng cái tên yêu qúi: “Barbie doll of guns”, đẹp như con búp bê Barbie bởi vì rất nhiều người mua súng này, cùng với những phụ tùng của cây súng.
Kỹ nghệ bán súng chú trọng nhiều đến nguy cơ xảy ra tạo loạn, như ở Los Angeles, và họ đã thành công trong việc thổi phồng vụ này để bán súng. Ông Feldman, trước đây chuyên làm công tác vận động hành lang cho NRA nói với tôi rằng mức độ sợ hãi sau biến cố 9/11 không khác trước bao nhiêu. Ông muốn ám chỉ sự lo sợ về nạn khủng bố không khác với lo sợ về nổi loạn, nói về khía cạnh mua bán súng. Ông Feldman giải thích thêm: Người dân không sợ chuyện nhân viên chính phủ theo dõi mình, mà sợ trường hợp bọn khủng bố làm tê liệt toàn bộ hệ thống điện.
Trong ít năm gần đây, sản phẩm của kỹ nghệ bán súng chú trọng vào khía cạnh tự vệ, và những dụng cụ chiến thuật mà nhiều người dùng súng đi săn hay quên, không để ý. Sau lần trưng bầy sản phẩm hồi tháng Giêng, cây bút David E. Petzal viết bài báo trên tờ Field & Stream khuyên những người đi săn bắn phải quan sát thật kỹ tất cả thú vật họ muốn nhắm bắn, hãy dùng kinh nghiệm của các binh sĩ trong biệt đội SEAL của Hải Quân Hoa Kỳ.
Hiệp hội những người sử dụng vũ khí được che dấu làm cuộc triển lãm khá lớn. Hiệp hội này đặt trụ sở ở Wisconsin, khuyên hội viên nên đọc kỹ sách chỉ dẫn về cách sử dụng vũ khí được che dấu, từ kiểu cách dùng súng, đến vấn đề bảo hiểm nếu như lỡ bắn người khác. Sáng lập viên của hiệp hội này là ông Tim Schmidt, nói với tôi như sau: “Khi tôi có con nhỏ, tôi sẽ chỉ dẫn chúng về cách tự vệ.”. Ông đứng ra chủ trương tạp chí Concealed Carry hay Mang vũ khí che dấu, và phổ biến rộng rãi. Độc giả của ông gửi e mail đóng góp ý kiến và thảo luận với ông về nhiều đề tài khác nhau. Một độc giả viết cho ông như sau: “Xin Chúa tha lỗi, nếu rủi một ngày đẹp trời nào đó, bạn bị một thằng cà chớn uy hiếp, bạn phải biết cách bóp cò súng để sinh tồn.”.
Trong vài năm qua, ông Schmidt còn đứng ra tổ chức nhiều cuộc meeting, nói chuyện, hội thảo để phổ biến những ý kiến của ông. Ông mời nhiều diễn giả đến nói chuyện về chủ đề đánh trả lại kẻ địch để tự vệ. Diễn giả Kyle Lamb, cựu sĩ quan biệt kích Delta Force khuyên tất cả những người đàn ông trung niên nên chuẩn bị sẵn tinh thần chiến đấu, đề kháng. Biết đâu trong vài phút nữa, vài giờ nữa, hay vài ngày nữa bạn sẽ lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, bị ức hiếp.
Diễn giả Dave Grossman được rất nhiều người hâm mộ. Ông xuất thân là giáo sư tâm lý dạy ở trường võ bị West Point. Trong cuốn sách “On Combat” xuất bản năm 2004 ông mô tả xã hội ngày nay bao gồm ba loại người giống như cừu, chó sói và chó chăn cừu. Ông viết: “Nếu bạn muốn làm con cừu, cũng được chẳng hề gì. Nhưng bạn phải hiểu cái giá bạn phải trả. Khi con chó sói đến tấn công, bạn và những người bạn yêu qúi sẽ bị chết, nếu không có con chó chăn cứu ở đó để bảo vệ cho bạn.”. Quan điểm trên được mọi người hoan nghênh và loan truyền mạnh mẽ trên mạng. Người ta làm áo T-Shirt quảng cáo về quan điểm này, và cuốn phim “American Sniper” được mọi người đón xem. Cuốn phim này dựa trên cuốn hồi ký của Chris Kyle, trong đó cha của anh ta khuyên anh hãy làm vai trò con chó chăn cừu, bởi vì trời sanh cho anh có đặc điểm anh hùng, can trường.
Ông David Grossman là một người vui vẻ, dễ mến, song cũng hết sức hăng say, giảo hoạt. Ông tiết lộ cho tôi biết ông được Tim Schmidt trả tiền để đi nói chuyện, diễn thuyết. Trong các bài diễn thuyết ông vẽ ra một bức tranh vô cùng đáng sợ. Ông tiên đoán rằng sẽ có ngày bọn khủng bố cho nổ vũ khí nguyên tử trên một chiếc tầu ngoài khơi Hoa Kỳ, và có thể chúng gữi cả những tay khủng bố mang bệnh trong người xâm nhập vào Hoa Kỳ để lây bệnh theo lối chiến tranh sinh hóa. Chúng se lẻn qua biên giới theo ngả Mễ Tây Cơ. Rồi ông nói với các khán nghe: “Giai đoạn kế tiếp chúng sẽ tàn sát những học sinh trên xe buýt, và những cơ sở chăm sóc người già yếu, bệnh tật.”. Trong tình huống nguy hiểm như vậy, chỉ có khoảng năm đến mưới phút để những người có vũ khí cất dấu, được huấn luyện,ra tay trừ khủ bọn khủng bố. Ông Grossman nói với tôi: Người Mỹ phải được trang bị vũ khí cho tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi.
Cậu sinh viên Luật Gerald Ung, người lấy súng bắn cậu Edward DiDonato vì vụ cãi nhau trên hè phố ở Philadelphia, không mua súng vì nghĩ đến trường hợp bị đánh khủng bố bằng chất hóa học. Năm 2008, khi còn là sinh viên ở trường Luật, cậu dọn đến ở một khu xóm lạ, và nghe nói xóm này nguy hiểm lắm. Một bé gái bị hãm hiếp, và một sinh viên trong trường bị cướp trên đường đi học. Cậu nhớ là đã trông thấy bản thống kê về tội phạm ở Philadelphia, trung bình ngày nào cũng có một vụ sát nhân. Cậu nói với tôi: “Tình hình rất xấu, coi như hàng ngày đều xảy ra chuyện mấy thằng nhóc nhào vô đánh người lạ bất cứ lúc nào.”. Nhận xét của cậu Ung về khu xóm trong thành phố Philadelphia mang đầy nét xáo trộn, nguy hiểm. Quả thực, điều này cũng đúng. Philadelphia từng có tỉ lệ tội phạm cao nhất nước Mỹ. Nhưng con số thống kê cậu Ung đọc không nói rõ từng địa phương. Trong ít năm gần đây, tình hình an ninh ở Philadelphia cải tiến rất nhiều. Vào năm 2008, những loại tội phạm chính như sát nhân, hãm hiếp, đánh nhau bị trọng thương đã giảm xuống mức thấp nhất như hồi năm 1978. Vào năm 2009, những vụ giết người giảm 25% trong vòng ba năm. Tâm lý lo sợ về an ninh như cậu Ung khá phổ biến trong dân cư. Khi mức tội phạm giảm nhiều vào khoảng giữa thập niên 2000’s, gần 70% người Mỹ vẫn cứ tin rằng tỉ lệ tội phạm gia tăng. Nhiều bài nghiên cứu nói rằng sở dĩ có tâm trạng sai lầm này là vì người Mỹ thay đổi lối sống: Họ lái xe nhiều hơn, hàng xóm ít tiếp xúc với nhau, và họ sợ hãi về tội phạm nhiều hơn. Có bài nghiên cứu thì nói rằng hệ thống tin tức trên đài truyền hình quá chú trọng vào tin tức tội phạm. Bao giờ họ cũng mở đầu tin buổi chiều bằng những tin tức về tội phạm. Họ triệt để khai thác những tin tức làm người xem phải sợ hãi, tin bắn súng, giết người, cá mập tấn công. Tất cả đều là những nỗi lo sợ viển vông, xa xôi. Học giả gọi hiện tượng này là “lo sợ vẩn vơ”. Chính vì cái lo sợ vẩn vơ đó mà cậu sinh viên Gerald Ung mua súng thủ sẵn trong người.
Ung bị kết tội có ý định mưu sát, và đánh người trọng thương. Ngày 8 tháng Hai 2011 cậu bị đưa ra tòa để xét xử. Cậu DiDonato sống trong tình trạng nguy kịch hết một tháng. Sau 14 cuộc giải phẫu, cậu đã có thể bước đi vài bước, nhưng chân bên trái vẫn còn yếu lắm, và ruột của cậu vĩnh viễn mang tật, không thể chữa được.
Tại tòa án, nhiều người liên can đến vụ bắn nhau đêm hôm đó đứng ra khai những gì họ thấy, họ biết. Rõ ràng là hai bên đã hiểu lầm chủ ý của nhau nên mới xảy ra vụ bắn người. Sự hiểu lầm chỉ diễn ra trong tích tắc, không đầy 72 giây. Anh Thomas Kelly người nhào sang bên phía cậu Ung tấn công đã hiểu lầm dấu hiệu bằng tay, câu chửi rủa của phe địch. Thực ra đó chỉ là câu nói diễu “Fuck you”, do cậu Joy Keh ra hiệu. Ngược lại, cậu Ung đã phán xét sai lầm, cho rằng phe cậu Thomas Kelly là một “băng đảng khát máu.”. Chính vì vậy mà tai họa xảy ra. Khi cậu Kelly kéo lưng quần lên, vì xệ quá, cậu Ung lại nghĩ rằng cậu Kelly rút súng ra. Sự hiểu làm rất dễ xảy ra: Một người rút súng trong người ra trông giống như kéo lưng quần lên.
Sau sáu ngày nghị án, bồi thẩm đoàn miễn truy tố cậu Ung về tất cả mọi tội. (Một blogger của phe gun-right viết: đây là một thắng lợi cho tất cả chúng ta.). Tại phòng xử, cậu Ung khóc nức nở, và chắp tay cầu nguyện. Cậu nói trong nước mắt: “Xin đem tôi ra khỏi nơi này.”. Những người thân của cậu đem cậu ra khỏi phòng xử, và không bao giờ cậu lên tiếng nói chuyện với công chúng.
TRỌNG TÂM CUỘC HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN của tổ chức NRA năm nay là đứng ra bảo trợ cho ông Donald Trump trong cuộc chạy d8ua vào Tòa Bạch Ốc. Ông này là ứng viên ủng hộ quyền mang súng nhiệt tình nhất trong lịch sử tranh cử tổng thống Mỹ. Ông Trump kêu gọi làm luật tôn trọng quyền mang súng được cất dấu trên toàn quốc.
Ông Trump và tổ chức NRA không phải là đồng minh muôn thuở của nhau. Trong cuốn sách của ông xuất bản năm 2000, nhan đề “The America We Deserve”. “Nước Mỹ Xứng Đáng Của Chúng Ta Phải như Thế Này”, ông Trump đã tố cáo Đảng Cộng Hòa đã đá nhẹ tổ chức NRA bằng cách đòi hạn chế một số loại súng của NRA. Ông Trump còn viết rằng ông ủng hộ việc cấm bán vũ khí tấn công, và bắt buộc người mua súng phải đợi chờ 72 giờ để nhà chức trách kiểm chứng lý lịch. Nhưng đến khi trở thành ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã từ bỏ những quan điểm trên, và ông được phe ủng hộ quyền có súng tha thứ. Tại một cuộc trưng bầy súng để bán, người ta thấy bán những chiếu áo mầu xanh quân đội mang dòng chữ: “Trump’s Army” T Shirt. Và cả áo dành cho hân viên cứu hộ mặc mang dòng chữ “Waterboarding Instructor”, bởi vì ông Trump ủng hộ việc trấn nước để tra khảo bọn khủng bố, bắt chúng cung khai.
Khi lên nói chuyện trước đại hội Louisville, ông Trump nói: “Có khoảng 13 triệu người có giấy phép mang súng dấu trong người, và tôi là một trong những người đó.”. (Ông Trump có giấy phép do tiểu bang New York cấp, không rõ ông có mang súng trong người thường xuyên hay không). Có thể nói ông Trump là phát ngôn viên tối hậu của chủ trương mang súng dấu trong người. Đây là chiến lược mở rộng thị trường bán súng theo kiểu “bộ lạc”, trông thấy kẻ thù ở khắp mọi nơi. Trên bục nói diễn thuyết, ông Trump nhắc khán giả tham dự về vụ giết chết 14 người ở San Bernardino. Ông nói: “Nếu chúng ta có súng mang trong người, kẻ địch không thể giết được nhiều người như vậy.”. Rồi ông rút một khẩu súng trong người ra, và đưa ngón tay trỏ làm hiệu bóp cò. Ông nói tôi sẽ bắn một cái “bùm”.
Trong ít năm gần đây, lợi tức của người Mỹ sai biệt nhiều quá, nên xu hướng chung bây giờ là ta thán, tả oán về sự bất công giữa người giầu và kẻ nghèo. Những nhà tỉ phú giầu có được bảo vệ, che chở kỹ càng, trong lúc giới lao động chẳng có gì. Chính vì vậy, ông Trump lớn tiếng kêu gọi nên dẹp bỏ mạng lưới mật vụ bảo vệ bà Hillary Clinton.
Trong kỳ đại hội thường niên này, tổ chức NRA cũng tìm cách nêu ra kẻ thù của tổ chức. Đó là những người chủ trương kiểm soát vũ khí, súng đạn.T5ao ra hình ảnh một kẻ thù tưởng tượng rất cần cho sự tồn tại của tổ chức NRA.
Trong hai ngày đại hội, tôi có dịp gặp vài người đi dự hội nghị, nói về cảm tưởng của họ khi đi dự hội nghị thường niên của tổ chức NRA. Ông Lowell Huckelberry, một thương gia hồi hưu, có giấy phép mang súng dấu tong người, cư dân miền nam Illinois, kể cho tôi nghe vì sao ông cần mang súng vì sợ bị tấn công bất ngờ. Ông kể ra trường hợp những vụ bắn loạn ở trung tâm thương mại, và chính phủ không đủ khả năng bảo đảm an ninh cho người dân. Bà Rachel Keith nói bà có giấy phép mang súng từ sáu năm nay, và bà đã dạy con gái ở nhà cách tìm lôi thoát ở nơi cộng cộng khi có biến. Bà cũng ghi tên cho con theo học lớp bắn súng ngắn, để con gái bà có thể tự tin khi dùng súng.
Ông Sid O’Nan, một người lịch sự, dễ mến, có hai con trong tuổi thiếu niên. Ông là chuyên gia Điện Toán cho Bộ Canh Nông Hoa Kỳ. Ông mua khẩu súng Glock 17 để phòng thân. Ông nói thời đại ngày nay đã thay đổi nhiều, ông muốn có một khẩu súng thật chiến để có thể phòng thân, và thoát khỏi nguy hiểm khi biến cố xảy ra.
TRỌNG TÂM CỦA HIỆN TƯỢNG mang vũ khí dấu trong người là câu hỏi khá tế nhị: Liệu mang súng dấu trong người có cứu mạng cho mình được không?.
Hồi tháng trước, tôi nói chuyện với anh David Jackson, một tài xế xe tải 32 tuồi ở Columbia, South Carolina. Anh có 6 đứa con. Hôm 26 tháng Giêng, anh đi hớt tóc ở tiệm Net Up Barber and Beauty, đem theo cô bạn gái và hai đứa con trai nhỏ, 2 và 4 tuổi. Bất ngờ có hai thằng chùm đầu, bịt mặt xuất hiện ngoài cửa tiệm hớt tóc. Một thằng lên tiếng nói lớn: “Tất cả mấy người đều biết tôi muốn cái gì? Biết điều thì ngoan ngoãn nghe lời.Dốc hết tiền trong túi ra”. Nó dơ khẩu súng lên cho mọi người thấy, và bắt đầu đi từng ghế ngồi, buộc mọi người đưa bóp, ví đưng tiền cho nó. Nó còn móc túi quần của người thợ hớt tóc, lấy hết tiền của anh ta.
Máy thu hình trong tiệm hớt tóc ghi lại chuyện xảy ra sau đó: Khi một trong hai thằng cướp xây lưng đi, anh Jackson móc trong bao plastic ra khầu súng .374 Magnum, anh có giấy phép mang súng trước đó 6 tháng, và nổ súng. Cùng lúc đó, người thợ hớt tóc tên là Elmurray Bookman cũng có súng, và có giấy phép mang súng. Thế là cả Bookman và Jackson cùng lấy súng ra bắn bọn cướp. Tên cướp ngã gục khi bước ra bằng cửa sau. Nó nằm dài trên lề đường, và chết vì nhiều phát đạn.
Anh Jackson quay ra phía trước cửa tiệm, tên cướp chạy ra bằng lối này. Jackson bắn thêm ba phát, nhưng không trúng, và nó chạy thoát. Khi cảnh sát đến nơi, họ xem hình ảnh thu trong máy, lấy lời khai của anh Jackson, và coi đây là trường hợp tự vệ. Nội vụ trở thành một bản tin lớn trong ngày cho đài truyền hình địa phương. Anh Jackson trở lại làm việc ngày thứ Hai tuần sau.
Khi kỹ nghệ làm súng nói về vấn đề mang súng dấu trong người, họ thường đề cao những câu chuyện như trường hợp của anh Jackson.Nhưng anh không phải là một tay súng tầm thường, anh đã ở trong Không Quân hai năm, và được huấn luyện hàng trăm giờ thao tác. Sau đó, về nhà anh còn dựng mục tiêu lên để tập bắn tiếp. (cậu Gerald Ung có đến sân tập bắn súng vài ba lần.). Khi tôi nói chuyện với anh Jackson, tôi ngồi với anh trong băng trước của chiếc xe truck anh lái. Hỏi thăm anh nghĩ sao về kinh nghiệm vụ vừa xảy ra. Anh trả lời “terrible”, “tệ lắm, không vui chút nào.”. Anh sẽ không thay đổi quyết định bắn chết thằng ăn cướp nếu lần sau xảy ra, nhưng anh cảm thấy rùng mình, áy náy trong lòng. Anh nói: “Tôi không cảm thấy thoải mái. Tôi muốn phát bịnh khi bắn chết người khác. Nhiều đêm, khi đi ngủ tôi suy nghĩ nhiều về chuyện đó. Đến khúc tôi nổ súng bắn. Tôi chợt bừng dậy, và vùng ra chạy khỏi giường.”.
Tôi hỏi Jackson vì sao anh xin giấy phép mang súng trong người. Anh nói anh nghĩ đến trường hợp bị quân khủng bố ISIS tấn công nhiều hơn là bị bọn cướp ức hiếp. “Tôi không bao giờ tưởng tượng mình phải dùng súng trong trường hợp như vậy.”. Tôi hỏi mấy đứa con của anh nghĩ sao về việc anh bắn cướp. Anh nói rằng chúng có vẻ hãnh diện, đi khoe với bạn bè Bố tao bắn cướp. Thằng bé đòi học bắn súng. Tôi hứa khi nào nó 5 tuổi tôi sẽ dạy nó bắn súng.
Trong thời kỳ đầu của phong trào mang súng dấu trong người, thiên hạ tranh luận về vấn đề liệu việc mang súng trong người có làm giảm bạo lực bằng súng đạn hay không. Ông John Lott, một kinh tế gia bảo thủ, một hội viên của tổ chức NRA cả quyết rằng: “Khi biến cố xảy ra, chúng ta chỉ có thể chặn đứng tai biến nếu một người tốt có súng nhảy vào can thiệp.”. Thống kê do FBI thu thập cho thấy điều này sai. Từ năm 2000 đến năm 2013, xảy ra 160 vụ bắn loạn, chỉ có một trường hợp người công dân đàng hoàng có vũ khí can thiệp đem lại kết quả tốt. Không kể trường hợp người có vũ khí là nhân viên bảo vệ an ninh, hay nhân viên công lực. Ngoài ra có đến 21 vụ người dân không có vũ khí đã uy hiếp, bắt được kẻ gian.
Trong những năm gần đây, các học giả lại tìm thấy rằng vũ khí dấu trong người lại là nguyên nhân làm gia tắng số tội phạm trong xã hội. Giáo sư trường Luật ở đại học Stanford, ông John J. Donohue III nghiên cứu ảnh hưởng của luật mang vũ khí dấu trong người. Ông dùng tài liệu thời gian từ 1979 đến 2010 thì thấy rằng chính luật này đã đưa đến tình trạng gia tăng các tội đánh nhau gia trọng, hiếp dâm, cướp bóc và sát nhân.
TRONG THẬP NIÊN VỪA QUA, ngành kinh doanh ở Gun Valley- Thung Lũng Chế Tạo Súng – chủ yếu là nhờ bán vũ khí dấu trong người. Nhưng gia đình Jonathan Mossberg từng đúc súng cả thế kỷ nay, nói rằng tình trạng trên sẽ phải thay đổi.
Vào một buổi sáng nắng ấm, gia đình Mossberg đưa tôi đến câu lạc bộ bắn súng tư nhân ở phía bắc Connecticut. Ông ta mặc quần ka ki, giầy không dây, áo sơ mi hai mầu xanh trắng bằng vải oxford. Công ty đúc súng O.F Mossberg & Son thành lập năm 1919 do ông cố của Jonathan khởi đầu. Đây là công ty đúc súng shotgun lớn nhất thế giới. Jonathan bắt đầu vào làm trong công ty vào lúc mới 16 tuổi, và khi ông ta rời khỏi công ty vào năm 2000, ông trở thành Phó Chủ Tịch công ty.
Ông lấy ra một cây súng shotgun 12 lỗ từ một cái giá đựng súng bằng plastic mầu đen. Mười sáu năm sau khi ông Ed Shultz muốn quảng bá loại súng “smart gun”, ông ta phải trốn tránh, không dám ló mặt đi đâu cả. Mossberg lại cho rằng thời gian đã thay đổi. Ông biểu diễn bắn súng shotgun loại mới của ông, đặt tên là iGun. Khẩu súng được khóa bằng một sợi dây ông đeo trên tay. Ông bỏ 3 viên đạn vào súng, và kê vào vai trái bắn. Ba viên đạn bay ra ngoài. Lần sau ông kê sang vai khác, và không dùng đến sợi dây. Lần này súng bắn không có đạn bay ra. Ông chứng minh rằng ông đã chế thành công súng shotgun an toàn, với sợi dây đeo ở tay được phối trí với nòng súng.
Lần đầu tiên Mossberg bắt đầu nói về súng “smart gun” của ông hồi năm ngoái. Tổ chức NRA không đưa ra lời bình luận nào. Họ cho rằng ý kiến này quá hão huyền và hơi nguy hiểm. Ông Mossberg lắng nghe xem có ai lên tiếng chỉ trích không. Nhưng ông chỉ nhận được có ba lời phê bình tiêu cực thôi. Mossberg hy vọng sẽ đem kỹ thuật mới vào súng ngắn (handgun)- và gởi loại súng mới này cho nhân viên cai tù, cho cảnh sát tư pháp, và cho các bậc cha mẹ. Một khẩu súng shotgun của Mossberg giá khoảng $350 đô la. Nếu chế loại súng smart gun có lẽ sẽ đắt thêm $200 đô la nữa.
Nhiều người ủng hộ loại smart gun cho rằng người ta chỉ có thể sản xuất thành công smart gun khi nào quân đội và cảnh sát mua nó để dùng. Chỉ khi đó, công ty mới chịu bỏ tiền đầu tư cải tiến kỹ thuật. Hồi tháng Tư năm nay, chính phủ Obama tuyên bố rằng Bộ Tư Pháp và Bộ An Ninh Nội Chính sắp ra qui định về súng smart gun. Bà Valerie Jarrett, cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama được trao trách nhiệm theo dõi dự án về smart gun. Bà tâm sự với tôi như sau: “Dự án có liên hệ đến chuyện riêng của gia đình tôi. Cha tôi là một Nha sĩ ở Hoa Thịnh Đốn, ông cụ đã bị giết chết bằng chính khẩu súng của ông. Ngày xưa ông là người thích đi săn. Ông luôn luôn giữ một khẩu súng trong phòng nha của ông. Một hôm, có hai thằng ăn trộm lẻn vào văn phòng, kéo súng gỉa ra hăm dọa. Ông cụ lấy súng thật ra để bắn chúng, nhưng bị chúng tước khí giới, và bắn chết ông cụ. Nếu như có loại súng thông minh nào có thể cứu một mạng người chúng ta cũng nên làm.”.
Súng thông minh có lẽ sẽ không ngăn chặn được hết những vụ chết vì súng đạn, nhưng ít ra nó cũng giúp tránh được khoảng 600 tai nạn về súng xảy ra hàng năm. Trong đó có tới 62 vụ xảy ra cho thiêu nhi dưới 14 tuổi. Trong một tuần lễ của tháng Tư, có bốn đứa trẻ mới chập chững biết đi bắn chết nhau vì chơi súng. Một vụ khác, đứa trẻ mới hai tuổi, nhặt được khẩu súng dưới sàn xe, và bắn vào sau lưng chiếc ghế của người lái xe, giết chết mẹ của em. Số thống kê về những vụ bạo động bằng súng nói rất ít về trường hợp chủ động dùng súng để bắn, hay dùng súng để tự vệ, che chở người khác theo kiểu “chó chăn cừu”, trái lại, toàn những chuyện tai ương của định mệnh.
Tỉ lệ bị chết vì rơi vào trường hợp bắn loạn – mass shooting- rất hiếm, giống như tỉ lệ bị sét đánh trúng, hay chết vì lao phổi. Tỉ lệ giết người trong nhà bằng súng đạn gần như tăng gấp đôi khi mất bình tĩnh, không kiềm chế nóng giận. Có khẩu súng trong tay, con người hay thay đổi nếp suy nghĩ bình thường. Chỉ cần chút nóng giận, cãi vã, tính toán sai suy nghĩ của kẻ đối diện thế là nổ súng và có người chết.
Nếu ngành buôn bán súng ở Mỹ tiếp tục theo chiều hướng hiện nay, thị trường của nó sẽ tiếp tục gửi súng đến tay những cộng đồng nhỏ hơn và tế nhị hơn. Trong trường hợp đó, sự sai biệt giữa người mang súng “với tinh thần chiến đấu, đánh trả” và những người không sẵn sàng đánh trả sẽ lớn rộng thêm, phân biệt “bạn” và “thù” rõ ràng hơn.
Nếu ông Donald Trump đắc cử vào Tòa Bạch Ốc, ông sẽ triển khai thêm ý kiến mang vũ khí được che dấu. Nếu ông thất bại, không đắc cử Tổng thống, những người ái mộ ông sẽ ghi nhận thêm bằng chứng mới trong giới thân hữu của họ.
Khi phe ủng hộ súng, và phe chống mang súng xa cách nhau nhiều hơn, họ sẽ khó mà hiểu được ý đồ của phe đối nghịch. Họ giống như hai nhóm người thù địch quần thảo trong bóng tối, và cứ tin rằng phe địch nó đang định làm hại mình.
Evan Osnos (The New Yorker )
Nguyễn Minh Tâm dịch

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.