Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

VỪA


Vừa sâu đậm, vừa mỏng manh
Đó là tình cảm nhân sanh ở đời
Vừa rộng rãi, vừa hẹp hòi
Là con tim của bao người, của ta.

Trông gần rồi cũng nhìn xa
Là đôi mắt lúc mặn màdửng dưng
Vừa nhỏ nhiệm, vừa bao dung
Bởi nơi ý niệm riêng, chung đổi dời,

Khi nằng nặng, lúc nhẹ hời
Ấy là thái độ giữa người với nhau.
Vừa đẹp đẽ, vừa..'' xấu đau ''
Chỗ lòng hoan hỉ, nơi câu tỵ hiềm

Vừa mạnh mẽ, vừa êm đềm
Khi lời ai nhuốm nỗi niềm giận, thương.
Vừa trân quí, vừa xem thường
Là câu nhân nghĩa thuở buồn, lúc vui.

Vừa hạnh phúc, vừa ngậm ngùi
Là tình yêu đó muôn đời biến thiên ..
Khi hữu hạnh, lúc vô duyên
Là chân vừa đến cửa Thiền, trở lui.

Thế tình là thế mà thôi
Cũng vừa, nói mãi không rồi.. cõi ni! (*___*)

Thích Tánh Tuệ 

Source: https://thuvienhoasen.org/a20699/tap-tho-thich-tanh-tue

Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc

Khi Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, được hỏi tại sao trong tủ quần anh có khoảng 20 cái áo thun xám y hệt nhau, thì Mark tự hào nói rằng: “Tôi muốn loại bỏ nhiều điều trong cuộc sống cá nhân để tập trung cho công việc, tôi cũng cố gắng đưa ra càng ít quyết định càng tốt.. Khi thức dậy mỗi ngày, tôi biết mình đang phục vụ hơn một tỷ người. Và tôi cảm thấy tôi sẽ không làm tốt công việc của mình nếu tôi chi tiêu năng lượng cho những điều ngớ ngẩn hoặc phù phiếm trong cuộc sống của tôi.”

Đây cũng là tinh thần mà chuyên gia dọn dẹp người Nhật, cô Marie Kondo cổ vũ trong cuốn sách nổi tiếng toàn cầu của về nghệ thuật dọn dẹp. Chính nhờ việc nâng tầm thứ tưởng chửng vô cùng vụn vặt trong gia đình này mà cô đưa mình chỉ đứng sau Barack Obama và giáo hoàng Francis trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. Ngoài những lời khuyên thực tế và hữu ích về việc làm sao có thể biến căn nhà của bạn trở nên ngăn nắp, gọn gàng, cuốn sách còn thấm đẫm một triết lý sống mà cô đã theo đuổi bao nhiêu năm qua: Hãy quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống.



Dọn dẹp: Phép màu thay đổi cuộc đời của các giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp

Dọn dẹp là một chuyện quan trọng. “Cuộc đời thực sự bắt đầu chỉ khi bạn đã sắp xếp nhà cửa mình ngăn nắp“, Marie Kondo nói. Cô là tác giả của cuốn sách The Life Changing Magic of Tidying Up (tên bản tiếng Việt: Nghệ thuật bài trí của người Nhật), người đã nâng tầm một công việc nhà thành một quá trình tự giải thoát và tự khám phá bản thân.


Nỗ lực xây dựng lại hình ảnh chuyện dọn dẹp đầy tham vọng của cô đã chứng tỏ sự thành công to lớn: chính việc mọi người tặng nhau cuốn sách này trong dịp Giáng sinh và việc đưa dọn dẹp là một trong những mục tiêu phải làm trong năm mới đã đẩy cuốn “Dọn dẹp” đứng đầu trong danh sách các sách bán chạy nhất của Amazon. Giờ đây tác giả người Nhật này chỉ đứng sau Barack Obama và giáo hoàng Francis trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.

Vậy làm thế nào một bản tuyên ngôn về chuyện ngăn nắp có thể thay đổi thế giới? Trước hết, cô Kondo than phiền rằng việc dọn dẹp đang bị hiểu sai đến mức không chấp nhận được. Vấn đề chính là không phải là mọi người quá lười sắp xếp nhà cửa, mà họ sở hữu quá nhiều đồ để có thể dọn dẹp một cách hợp lý, cô nói. Chúng ta nên học cách vất bớt đi chứ không phải xếp đồ ra chỗ khác, nhờ đó chúng ta có thể được bao bọc quanh mình chỉ với những thứ “tạo ra niềm vui” trong cuộc sống.

Hàng triệu người đọc đã chứng minh cho tính hiệu quả của cô Kondo. Bỏ đi đồ không cần thiết mang lại sự rõ ràng và giúp chúng ta trân trọng những đồ vật yêu quý, họ bày tỏ quan điểm. Những người vẫn trung thành với cách sống bừa bãi của mình phản bác lại rằng bàn làm việc của Einstein là một đống hỗn lộn, tuy nhiên ông vẫn giỏi giang đó thôi.

Sự ra mắt huyên náo của một cuốn sách khác của Kondo trong tháng 2/2016, cuốn sách đọc cùng với cuốn Dọn dẹp, dày 300 trang với tên gọi “Tạo ra niềm vui: Hướng dẫn có hình minh họa về nghệ thuật dọn dẹp của người Nhật”, sẽ làm nhiều người cảm thấy xấu hổ bởi sự chế giễu đến từ một kẻ thù tự xưng của sự bừa bộn.


Quan niệm cho rằng mọi người có quá nhiều đồ đạc không có gì mang tính cách mạng lắm. Cuốn Cơn sốt trưởng giả của Oliver James và Nghịch lý của sự lựa chọn của Barry Schwartz đã từng phế phán chủ nghĩa mua sắm hoành hành 10 năm trước đây. William Morris, một nhà thiết kế vải và nhà thơ, đã từng giao giảng về sự đơn giản từ 1880 (“đừng để lại thứ gì mà bạn cho rằng vô dụng trong nhà hoặc chỉ để bày cho đẹp”).

Tuy nhiên, tư tưởng này ngày càng có sức lay động hơn trong thời đại của sự thừa mứa. Một trang Web là The Minimalists (Những người tối giản), khuyến khích cách sống buông bỏ, giản dị tới 4 triệu người theo dõi trên trang Web. Hội trại kéo dài 1 tháng mang tên “100 thử thách” được thiết kế để gạt bỏ “gánh nặng của những đồ sở hữu” được cư dân mạng rất quan tâm. Các cuốn sách mang tên như Stuffocation và Unstuff cuộc sống của bạn bán được cả xe tải sách. Tuy nhiên, chính sự quyết tâm không ngừng nghỉ của cô Kondo qua những lời khuyên đơn giản, thực tế đã làm cô tách ra khỏi đám đông.

Cả hai cuốn sách của cô đều chứa đầy những mẹo vặt. Hãy dọn dẹp theo loại đồ đạc, không phải theo phòng. Đừng để người thân hay sự hoài cổ che mờ phán quyết của bạn về thứ gì cần phải cho vào thùng rác. Đối với những bộ sưu tập sách và ảnh, hãy chỉ giữ những thứ đáng giá nhất thay vì cả một thư viện. Nếu bạn định sau này mới đọc một cuốn sách nào đấy, hãy vứt nó đi ngay bây giờ. (Bạn sẽ gần như không bao giờ đọc nó đâu. Hãy để nó ra đi.)

Cuốn Tạo ra niềm vui đi vào chi tiết hơn nhiều, với những minh họa bằng ảnh để giúp bạn dọn dẹp đồ chơi trẻ con, gấp quần áo vải và sắp xếp các đồ dùng may vá. Những thứ này lẽ ra có thể chỉ nằm trong mục tham khảo [thay vì cả cuốn sách 300 trang], vì thế có lẽ người đọc bình thường có thể ước rằng giá mà tác giả cũng kiệm từ như là với các đồ đạc.

Các đoạn văn khác trong sách mô tả sự khác thường và chủ nghĩa cực đoan của Kondo. Các bộ quần áo được nhuốm tinh thần Thần đạo của Nhật. Các chiếc váy trở nên “hạnh phúc hơn” khi được treo; tất không được vo vúm mà phải được gấp đáng yêu, để chúng có thể “nghỉ ngơi” giữa những lần sử dụng. Cô Kondo thường xuyên thể hiện một sự thúc ép đáng lo ngại để trở thành một nhà quản lý sắp xếp đứng đầu thế giới. “Khi tôi nhìn các học sinh đi vớ cao mà lỏng ở đầu,” cô viết, “tôi tha thiết muốn nói cho họ cách gấp những đôi vớ của mình đúng quy cách.”


Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc

Sự thành công cao vút của Kondo đánh trúng vào sự thừa mứa của thế kỉ 21, mặc dù kiểu thừa mứa nào lại có thể khác nhau tùy thuộc vào người đọc. Sự đón nhận đầy cảm thông của người đọc cho thấy sự bất mãn với khoảng cách ngày càng nối rộng giữa hai trụ cột của xã hội hiện đại: chủ nghĩa vật chất và sự hiệu quả.

Lời than phiền được hưởng ứng nhất của cô không phải là chuyện chúng ta mua những hàng hóa không cần thiết, hay là hành tinh này sẽ bị quá tải, mà là sự thừa thãi của đồ đạc đang trở nên không thể quản lý được.



Một ngôi nhà trung bình của người Mỹ chứa khoảng 300,000 thứ, và một người trung bình dành 153 ngày trong đời để tìm những đồ vật thất lạc. Những thói quen của người tiêu dùng cũng phản ánh những sự bức xúc này.

Người giàu ngày càng thích mua trải nghiệm thay vì các đồ vật. James Wallman, một người dự báo xu hướng, tính toán rằng tầng lớp trung lưu cũng sẽ chạy theo phong trào này trong thập kỉ tiếp theo.

Những người khác sẽ nhìn thấy một kiểu thừa thãi khác ở đây: đó chủ nghĩa hoàn hảo phổ biến, bệnh tật của những kẻ thích dòm ngó vào cuộc sống người khác và các vấn đề của những kẻ sống tại các nước giàu. “Có gì đó thúc ép hơn là niềm vui thích cá nhân đang diễn ra ở đây,” một người đánh giá sách viết 1 cách tức giận, trong khi người khác buộc tội cô Kondo mắc hội chứng “biếng ăn đồ vật“.

Việc xuất bản kịp thời của một cuốn sách châm biếm của tác giả Sarah Knight mang tên Phép màu thay đổi của cuộc đời của việc đếch quan tâm (The Life-Changing Magic of Not Giving a F**k) là một trường hợp tiêu biểu về sự hoài nghi tới cô Kondo. Tuy nhiên, nếu ai đó thấy những hướng dẫn dọn dẹp của cô Kondo quá cực đoạn, thì rất nhiều lại thấy thấy sự phát triển của chủ nghĩa vật chất cũng không lành mạnh chẳng kém gì.

Giải pháp tốt nhất có lẽ là hãy cố gắng để sống đơn giản hơn. Những người quá ngăn nắp nên lo lắng ít đi, và những người quá bừa bộn cũng nên làm thế bằng việc sắm bớt đồ hơn để khỏi phải lo lắng. Trong 3 cuốn sách kể trên, cuốn sách hữu dụng nhất lại có thể là cuốn sách chế giễu sự ngăn nắp kia.

Theo The Economist

Source: https://isach.net/su-toi-gian-tao-nen-hanh-phuc/

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Lúc về già mình sẽ…


Lúc về già mình sẽ…không làm những điều này
 
 
1-Lúc về già mình sẽ tuyệt đối không được chủ quan nghĩ rằng còn khoẻ, còn sung sức để nghĩ và làm những việc như hồi thanh niên.
Lúc về già mình sẽ không tham gia hội đoàn hay bất cứ công việc gì liên quan đến chính quyền. Không phải mình thiếu trách nhiệm, chỉ đơn giản vì thời điểm đó sức khỏe, trí tuệ xuống dốc rồi, tụi trẻ nó làm giỏi hơn. Đầu hai thứ tóc đi tranh việc với một đứa nó làm tốt hơn mình là sao?

2-Lúc về già mình sẽ không bao giờ đến cơ quan cũ nếu như chưa nhận được một lời mời trân trọng, vào những dịp đặc biệt...
Nếu đến mình cũng chỉ cúi đầu lễ phép chào lớp trẻ rồi chuyện phiếm với đồng niên, đồng nghiệp. Mình phải tự dặn mình rằng có nói gì chúng cũng chẳng nghe, vì mọi điều mình nói đã lỗi thời, cho dù bên dưới chúng chăm chú nhìn, đầu gật gật, rồi vỗ tay rất dài. Và dĩ nhiên chúng nó có báo cáo báo cò mình cũng chẳng nên quan tâm, tò mò tìm hiểu, vì đã lâu mình không cập nhật hay update, đâu còn hiểu được thời thế.
 
3-Lúc về già mình sẽ không sống chung với bất cứ đứa nào, chỉ sống với…vợ. Nếu cứ thương con cái, sống với chúng nó thể nào cũng đến lúc mình ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Con không có tiền mua nhà thì thuê, không đủ tiền thuê mình hỗ trợ, quyết không ở chung, trai gái dâu rể gì cũng vậy hết, một tuần đến thăm nhau 1 lần vào ngày cuối tuần là đủ.
 
4-Lúc về già… rất già, mình sẽ phải đặt chỗ ở một trung tâm dưỡng lão nào đó. Tiền ít ở chỗ xoàng, tiền nhiều ở chỗ tươm. Chọn trung tâm có chăm sóc y tế tốt để không bắt con cháu phục dịch lúc yếu đau. Chúng nó còn phải đi làm. Lúc đi về phía bên kia mặt trời cũng tại trung tâm luôn. Con cháu chỉ cần đến nhà tang lễ làm thủ tục theo nghi thức, không khóc cũng không sao, vui càng tốt. Chẳng có lý do gì để khóc. Đó là quy luật của tạo hoá. Bất cứ cái gì tồn tại nguyên vẹn lâu quá chỉ tổ làm cho xã hội trì trệ.
 
5-Lúc về già mình sẽ chỉ nói hai chữ “ngày xưa” (đúng hơn là những câu chuyện hoài niệm) với bạn đồng niên, tuyệt đối không nói với lũ trẻ, vì chúng sẽ cho mình bị dở hơi. Với tụi trẻ chỉ nói “ngày mai” và chỉ trả lời khi chúng hỏi. Kinh nghiệm và vốn sống (mà nhiều người cho là báu vật) đối với mình khi đó chỉ để chiêm nghiệm. Cùng lắm là biến nó thành những câu chuyện trào phúng để tự cười cợt mình, cũng chẳng làm ai bực mình.
 
6-Lúc về già, mình sẽ cố không nghĩ khác những điều mình đã nghĩ như ở trên. Chẳng biết có làm được không?

Source Intenret.

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

GIẬN!...


Giận làm cho trí bất minh.
Giận làm cho họ khinh mình mà thôi.
Giận làm bạn hữu nghỉ chơi.
Giận làm ta nói những lời không hay.
Giận làm kẻ địch vỗ tay.
Giận làm cho cuộc sống này ngắn đi.
Giận làm phu- phụ chia ly.
Giận làm ta chuốc sầu bi vào lòng.
Giận làm sự nghiệp đi tong.
Giận làm ta vướng vào vòng bê tha.
Giận làm xấu hổ mẹ- cha.
Giận làm ta dính ta bà nhiều thêm.
Giận làm mất nghĩa anh- em.
Giận làm suy nghĩ đớn hèn, tối tăm.
Giận làm hành xử hung hăng.
Giận làm đối thủ nhăn răng chê cười.
Giận làm ta mất tính Người.
Giận làm ta phí cuộc đời mà thôi... 


Source Internet.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Càng lớn tuổi ...


Càng lớn tuổi chúng ta càng nhận ra:


  • Mang một chiếc đồng hồ $30 hay $300 cũng cùng chỉ một giờ
  • Mang một chiếc túi/bóp $30 hay $300 cũng cùng đựng bấy nhiêu tiền
  • Uống một chai rượu $15 hay $300 cũng say giống nhau
  • Ở trong căn nhà 100 mét vuông hay 1000 mét vuông nỗi cô đơn cũng giống nhau
  • Lái chiếc xe $8000 hay $80,000 cũng phục vụ ta cùng mục đích chuyên chở
  • Hạnh phúc nội tâm không đến từ vật chất trong thế gian này 
  • Có những bạn bè, anh chị em, những người nói chuyện, cười đùa, hát xướng tán gẫu với ta đó mới là hạnh phúc ...



6 Sự Thật Trong Cuộc Sống:


  • Đừng giáo dục con cái làm giàu, mà hãy giáo dục chúng sống sao cho hạnh phúc, để khi lớn lên chúng sẽ không nhìn giá trị mọi việc bằng tiền
  • Một trong những lời khuyên tốt là: "Hãy ăn thức ăn của bạn như những vị thuốc, nếu không sau này bạn sẽ phải ăn thuốc thay cho thức ăn"
  • Những người yêu thương bạn sẽ không bao giờ xa rời bạn vì ngay cả họ có hàng trăm lý do để bỏ cuộc, họ sẽ tìm một lý do để ở lại với bạn
  • Có một sự khác biệt rất lớn giữa "sống như một con người" & "một con người sống", chỉ một số ít người nhận ra điều này
  • Bạn được yêu thương khi sinh ra & khi chết đi, giữa hai thời điểm đó được yêu thương hay không là bởi chính bạn
  • Nếu bạn muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi xa hãy đi cùng ai đó



6 vị Bác sĩ tốt nhất trong đời:


  • Ánh nắng mặt trời
  • Nghỉ ngơi
  • Thể dục
  • Ăn uống điều độ
  • Tự tin
  • Bạn bè 


Hãy giữ 6 vị này cho mọi thời điểm trong đời để tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh

Càng có tuổi chúng ta càng thấy ít đi những điều đáng phải sắp hàng chờ đợi ...


Source: Internet.


Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Một Số Bài Thơ Bùi Giáng & Những Bản Dịch Tiếng Anh


Bao giờ

Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng

Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng

Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng phút từng giờ

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không

Bui Giang

If she ever wondered

With a black pencil
I copied the poem
On the white-washed wall

With a white pencil
I copied the poem
On the rosy green leaf

With a piece of red-hot charcoal
I burned the poem
Every minute on the hour

I laughed and I cried
Apparently with no reason
She heard me cry
But did she ever wonder why

Translated by Wissai
December 23, 2011

***

Áo xanh

Mù sương, xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh

Bùi Giáng

Green-Colored Blouse

Misty dews are getting together.
The farther you stay off the grassy path,
The more removed you are from the way to love.
If your youth is filled with melancholy,
don't let the evenings linger.
Things come and go,
But my reveries about your blouse of the green color
Stay forever

Translated by Wissai

***

Người con gái mặc quần

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
vàng và tím là hai màu mỉm miệng
mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
lành và rách đều vô cùng trong sạch
bởi vì là lành rách cũng long lanh

Bui Giang

The pants she put on

Today she put on a pair of red pants
For yesterday her pants were black
Red and black, the colors of contrasts,
Like life itself, up and down

Today she put on a pair of white pants
For yesterday her pants were pink
Pink and white are colors of shyness,
Like mountains and their tottering forests rarely apart

Today she put on a pair of purple pants
For yesterday her pants were yellow
Yellow and purple are colors of imperceptible smiles,
Lips spreading, and teeth barely showing

Today she put on a pair of torn pants
For yesterday her pants were in good shape
Torn or not, her pants were clean
And she looked resplendent in either pants

Translated by Wissai
December 23, 2011


Phụng Hiến

Con có nghĩ: ắt là phải thế
Một đôi lần con ghì siết hai tay
Nàng thơ đẹp của trần gian ứa lệ
Bảo con rằng: hãy nhớ lấy phút giây
B.G.

Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

Cây và cối bầu trời và mặt đất
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát
Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa

Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Đón chào tôi chung cười khóc bao lần

Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hối những chờ mong

Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm giông

Những giòng lệ tuôn mấy lần khắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàn

Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi

Trần gian hỡi! Tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thắp đen

Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thoả dạ yêu em

Tôi tự nguyện sẽ một lần chung thuỷ
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là uỷ mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh

Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao

Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với ngươi thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi

Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi

Ta gửi lại đây những lời ảo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu trên trang giấy hão
Em bảo rằng:

- Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng.

Bùi Giáng

Offerings:

I once thought: it must be so
Twice I squeezed her hands tight
The Muse's tears welled up in her eyes
She told me: remember this encounter
BG

The day will come and I won't be back
But I don't know where I'll go
I will forever miss this world
Where I've tasted both joys and sorrows

The trees, the sky, and the land
Have beheld me to take in the fresh air in the moonlight
In the wee hours of the misty morn,
And to bid farewell by the sandy riverside

The sun has gone down and the sun has risen
Rosy dawn has appeared and stars have beaten their retreat
Glorious days and gentle nights have taken their turns
In laughing and crying with me so many times

Occasionally I've sent my soul on a journey
To the distant clouds and the nearby willow tree
I've placed my steaming longing heart
In the hands of countless sentient beings

The gleaming river has urged me to open myself
The moon and the stars have hurried me to let my wings fly
The swirling winds have dispersed my dreams to four corners
Where rains fell down like midnight tears

At various times, the streams of tears have coursed in agony
The broad smiles have expanded into open elation
The silent turning asides of faces steeped in anxiety
The endless noisy shaking of hands

The friends who have considered me as their kinsman
And those who've been steadfastly devoted to me
The friends who have treated me as a buffoon
And those who didn't know the meaning of loyalty

Please hear me out! I came back in order to live
But I didn't understand the meaning of suffering
I looked at thousands of clouds in the sky up high
And at the dark ground down below

Over hundred times I sobbingly gave up
And I was in stunned panic night after night
I was willing to embrace madness in order to see
Just to love you, I didn't mind to go blind

I pledge to be faithful just once
In going through distressing sorrows
As the flesh is heir to all things sentimental
Please go with me through life's rapids and waterfalls

You and I together will steer through all obstacles
I'm offering you all my devotion:
I'm going to love you and this world
With all my body and soul

Please love forever and forever love one another
The butterflies and all the dragonflies in this world
The little ants, the weeds, the flowers,
The germs, the insects, and the worms

Continue loving, even if only one day is left
While breathing underneath the remaining night's moon and stars
Let go the wings of dream without hesitation
And reach for the sky while standing on tiptoe

But oh my dear, and this earthly realm also
I know I will have to say farewell
My heart sinks, my head and hands in gesture of resignation
Springtime is about to depart, oh tottering bastion

Night comes and my eyes are swelling up with tears
My little hands brittle like dry leaves
The flowers are laden with clinging dews
The helpless petals keep falling down

I'm leaving here with you my plaintive words,
Words of loving offerings to you
Then I will place my head on the vain pages
But you say:

"Please don't give up
Your poetic pages still tinge with the color of rosy sky"

Translated by Wissai
December 2011

Source Internet.

Làm Thinh



Cái làng nhỏ đó nằm gần biển Manche, cách thành phố Etretat (miền bắc nước Pháp) độ 10 km. Trong làng có chừng năm chục nóc gia nằm chùm nhum lại thành một khu, trừ một cái nhà nằm rời xa một mình về phía biển. Người trong làng gọi cái nhà đó là "nhà ông Lê”

Cách đây mấy năm, ông Lê – người Việt Nam độ 40 tuổi – từ Paris ra đây mua lại cái nhà đó để làm nhà nghỉ mát. Mùa hè và các ngày lễ lớn, ông đưa vợ con – vợ người Pháp và hai con trai chín mười tuổi – ra đây đổi gió và lâu lâu ông cho bạn bè mượn năm bảy hôm. Ông có mướn một người trong làng – tên Jean Marie – trông nom nhà cửa và cắt tỉa vườn tược cây trái.

Mới đầu, người trong làng cứ tưởng ông Lê là người Tàu. Cho nên, họ hơi dè dặt. Chừng biết ổng là người Việt Nam, họ cởi mở hơn, thân thiện hơn. Làm như, đối với họ, người Tàu là người ngoại quốc xa lạ, còn người Việt Nam thì ít nhiều gì cũng đã từng được xem là người… trong nhà! Họ càng có cảm tình với ông Lê khi biết rằng ổng qua Pháp học từ hồi mười lăm tuổi, rằng ổng tốt nghiệp trường Arts et Métiers, rằng ổng làm chức lớn trong cơ quan Nhà Nước .v.v… Họ hay nói với nhau: "Vợ chồng ông Lê thật dễ thương".

Vùng này cao hơn mặt biển hai ba chục thước mà cuộc đất lại không lài lài xuống lần khi ra gần biển như ở những nơi khác, nên không có bãi. Ở đây, biển đâm thẳng vô bờ, loại bờ đá dựng thiên nhiên sừng sững như một bức tường cao thật cao. Những ngày biển động, sóng đập vào chân tường đá nghe ầm ầm.Vì nhà ông Lê nằm cách bờ đá dựng không xa, nên vào những ngày đó, từ trong nhà nghe âm vang tiếng sóng giống như những tiếng thở dài…

Hè năm đó, ông Lê và gia đình ra đây nghỉ mát chỉ có ba tuần thay vì một tháng như thường lệ. Ông nói với ông Jean Marie – người quản gia – rằng phải trở về Paris để đón cha mẹ từ Việt Nam qua. Ông Jean Marie hỏi ông có định đưa ông bà cụ ra đây chơi không thì ông Lê trả lời rằng không, bởi vì ông bà cụ mới xuất ngoại lần đầu tiên nên phải đợi một thời gian cho quen với khí hậu phong thổ.

Vậy mà chỉ mươi ngày sau, thấy ông Lê chở ra đây một ông già tóc trắng với hai va-ly hành trang. Người quản gia nghĩ: " Chắc định ở lâu nên mới mang hành trang nhiều như vậy ". Ông Lê giới thiệu: " Đây là cha tôi. Còn đây là Jean Marie, quản gia". Sau đó, ông nói: " Trong thời gian cha tôi ở đây, tôi xin nhờ bà Jean Marie lo dùm việc nấu nướng giặt giũ giống như những lúc gia đình tôi ra đây nghỉ mát. Có điều là cha tôi không thể đi chợ ở Etretat như chúng tôi vẫn làm lâu nay, nên tôi nhờ ông bà lo giùm luôn vụ này. Đổi lại, tôi sẽ tăng tiền thù lao của hai ông bà lên mười phần trăm. Tôi xin ông bà chấp nhận cho".

Sau khi gọi điện thoại về nhà bàn tính với vợ, ông Jean Marie bằng lòng. Tiếp theo đó, ông Lê trao cho ông Jean Marie một số tiền và nói: " Đây, tôi gởi ông bà một tháng tiền chợ. Tôi dự trù dư dả phòng khi cha tôi cần mua những gì khác, nhưng nếu thấy thiếu thì điện thoại cho tôi hay để tôi gởi ra thêm. Mỗi cuối tháng , tôi sẽ gởi tiền để gối đầu cho tháng kế tiếp, ông bà yên tâm". Ông Jean Marie hỏi: " Còn bà cụ đâu? Sao không cùng ra đây với ông cụ?". Ông Lê trả lời như không trả lời: "Mẹ tôi ở Paris". Rồi sau khi nói mấy lời cám ơn ông Jean Marie, ông bắt tay từ giả người quản gia và ông già tóc trắng để trở về Paris, vội vã như không muốn vấn vương gì nữa! Thấy ông Lê đối xử với ông già tóc bạc như là một người quen thường, ông Jean Marie vừa ngạc nhiên vừa bất nhẫn, bởi vì ông nhận thấy rõ ràng ông già tóc bạc đó và ông Lê thật sự giống nhau như hai cha con…

Ông già ở trong nhà ông Lê như một cái bóng. Ông không xem tê-lê, không nghe ra-đi-ô. Ông cứ ngồi ở xa long hút thuốc liên miên, mắt nhìn thẳng ra cửa kiếng hướng về phía biển, giống như đang coi một cái gì ở ngoài đó. Ở ngoài đó không có gì hết! Không có một cái cây, không có một lùm bụi. Cỏ dại cũng không mọc cao. Mặt đất trống trơn chạy thẳng ra bờ đá dựng. Từ chỗ ông ngồi, nhìn ra chỉ thấy đất và trời. Lâu lâu, vài con hải âu bay phớt ngang, và lâu lâu trên nền trời trong xanh của mùa hè, một sợi mây đi lạc… Chỉ có bao nhiêu đó, vậy mà ông cứ ngồi nhìn, nhìn đăm đăm…

Mới đầu, ông bà Jean Marie cứ tưởng rằng ông già không biết nói tiếng Pháp. Nhưng sau mấy lần hỏi han thấy ông trả lời trôi chảy mạch lạc, ông bà mới yên tâm. Có điều là hỏi thì ông mới trả lời chớ không thấy bao giờ tự ông gợi chuyện. Suốt ngày, ông làm thinh. Cần dùng gì thì ông viết ít chữ rồi gắn trên mặt tủ lạnh. Ông bà Jean Marie thấy vậy cũng ráng giữ ý không làm tiếng động khi quét dọn hay đi ra đi vào. Nhiều khi, họ có cảm tưởng như trong nhà không có ai hết! Chỉ có mùi khói thuốc là nhắc đến sự hiện diện của ông già…

Ông già đó tên Lê Tư. Hồi thời trước – cái thời mà miền nam Việt Nam chưa biết mùi cộng sản – ông Tư là một nhà thầu xây cất rất có bề thế ở Sàigòn. Ông giao du rộng, lại "biết cách giao du", thêm giỏi tính toán sắp xếp nên ông trúng thầu nhiều công trình lớn của Nhà Nuớc và của các công ty ngoại quốc. Do đó, càng ngày ông càng nổi tiếng và sự nghiệp thì cứ nhân lên gấp năm gấp mười. Dù vậy, ông không bao giờ chối bỏ cái gốc hàn vi của ông và rất tự hào đã bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.

Ông thường nói: " Hồi tôi từ Đà Nẳng vô Sàigòn, tôi chỉ có một chiếc xe đạp cũ và cái nghề thợ hồ. Ban ngày đạp xe đi làm, ban đêm đạp xe đi học thêm ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp và hội Việt Mỹ. Hồi thời đó, quanh năm suốt tháng , tôi chỉ biết có thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, để dành tiền gởi về cho cha mẹ ở Đà Nẳng và để đóng các học phí. Vậy mà tôi vẫn không ngã lòng. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng phải cố gắng vương lên, bởi vì không ai giúp mình bằng mình hết. Nhờ vậy mà bảy tám năm sau, tôi đã có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với các nhà thầu khác. Rồi thì xây cất hết công trình này đến công trình khác, có khi hai ba công trình cùng một lúc, cơ sở cứ lớn lần lớn lần để trở thành bề thế như ngày hôm nay. Nghe tôi nói tôi bắt đầu sự nghiệp bằng con số không chẳng có mấy ai tin hết ".

Khi đã khá giả, ông mới cưới vợ. Ông hay nói đùa: " Tình phải có tiền đi theo nó mới vững. Giống như bê-tông phải có cốt sắt nó mới bền!".

Ông bà Lê Tư chỉ sanh có một người con trai đặt tên Lê Tuấn. Năm Tuấn được mười lăm tuổi, ông gởi con qua Pháp học. Ông muốn nó học ngành kiều lộ để sau này trở về nối nghiệp ông. Ông nói: " Việt Nam mình cạnh tranh không nổi với hãng thầu ngoại quốc bởi vì mình có binh mà thiếu tướng ". Và ông hy vọng trong tương lai, con ông sẽ thực hiện những công trình vĩ đại, vượt trội hẳn những gì ông đã làm. Để cho ông được nở mặt.

Cái tương lai đó bỗng tắt ngúm chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng tư, 1975…

Trước cái ngày đen tối đó, một người như ông Lê Tư dư sức để di tản dễ dàng. Vậy mà không thấy ông nhúc nhích. Ông cứ điềm nhiên hút thuốc, uống trà, xem truyền hình, nghe ra-đi-ô. Giống như một kẻ bàng quan. Bà Lê Tư thì cứ đi ra đi vô, hết gọi điện thoại cho bà bạn này đến gọi cho bà bạn khác. Rồi thúc giục ông đi di tản. Bà nói:

- Trời ơi! Mấy bả đi hết rồi kìa!

Ông cười:

- Thì ai sợ cứ đi. Bà yên tâm. Tôi bảo đảm không có sao hết. Nói thiệt với bà, "họ" đã liên lạc với tôi cách đây hơn tháng, nói rõ rằng họ cần dùng những người như tôi để xây dựng lại đất nước. Cho nên, bà thấy tôi không? Tôi bình chân như vại!

Điều mà ông không nói cho bà biết là từ bao lâu nay, ông vẫn đều đặn gởi tiền giúp cách mạng qua ngả thằng cháu – cũng gốc liên khu năm như ông – đang hoạt động ở mấy tỉnh miền Đông. Chính người cháu đó đã cho người về gặp ông để giải thích rõ ràng chủ trương đường lối của cách mạng. Nhờ vậy, ông mới vững tâm tin tưởng.

Đâu dè, sau khi cách mạng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", cách mạng quay về đánh tư sản. Ông Lê Tư cũng "bị" mời đi "làm việc" như mọi người. Ông có xuất trình giấy chứng minh của liên khu bảy, là vùng ông đã giúp đỡ, nhưng lá "bùa" đó không linh! Ông cũng có nghĩ đến thằng cháu cách mạng, nhưng bây giờ ông không biết nó ở đâu để gọi nó đến làm chứng. Vì vậy, ông vẫn bị mời tới mời lui để "làm việc". Mỗi lần làm việc, họ quay ông như…con dế! Đến nỗi về sau, mệt mỏi quá, chán chường quá, thấy nói gì cũng vô ích, nên ông bèn làm thinh, mặc cho họ muốn nói gì thì nói, hỏi gì thì hỏi. Rồi đến lần "làm việc" cuối cùng , ông cũng làm thinh ký tên trên xấp giấy tờ họ đưa ra, ông ký mà không thèm đọc qua một chữ! Lần đó, ông bước ra khỏi cơ quan, có cảm tưởng như đang sống trong một thế giới khác, một thế giới…lộn ngược! Ông không còn khái niệm không gian thời gian. Ông chỉ biết rằng sau cái phút ký tên đó, ông trắng tay. Và ông còn nghe trong đầu câu nói ơn nghĩa "nhờ ông đã sớm giác ngộ cách mạng nên không phải đi cải tạo". Ông lái xe về nhà như một người máy. Ông đâu biết rằng trong cuộc " đổi đời vĩ đại " này, con người đâu còn sống bằng lý trí: con người chỉ sống bằng bản năng thôi!

Về đến trước cổng nhà, bỗng nhiên ông Lê Tư nhận thức rằng tất cả những gì trực thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ đang đợi ông ở nhà…

Xưa nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quyết định. Bà Lê Tư luôn luôn làm theo ý của ông, không bao giờ thắc mắc. Bởi vì bà hoàn toàn tin tưởng vào người chồng mà lúc nào bà cũng cảm phục như một thần tượng. Bà nói: "Từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp đồ sộ như vầy, không phải ai làm cũng được!". Và bà thường ví chồng bà như một cây cau vững chắc để bà bám vào đó như một giây trầu…Vậy mà bây giờ…bây giờ…Ông Lê Tư không biết ví mình như cái gì nữa. Cách mạng mà ông đã giúp từ ngày ông dựng nghiệp, hôm nay nhân danh gì gì đó, đã biến ông thành con số không. Dễ dàng như người ta cầm nùi giẻ bôi hết những hàng chữ phấn trên một bảng đen, bôi mà không cần biết những hàng chữ đó viết những gì! Chỉ trong có một khoảnh khắc, ông chẳng còn gì hết và bản thân ông cũng không là gì hết! Ông đã trở thành một "thứ gì" đó không có tên, một sản phẩm của cách mạng mà sách vở xưa nay chưa thấy có định nghĩa!

Ông bước vào nhà mà cảm thấy mình lêu bêu như bọt nước, không làm chủ được gì hết, kể cả làm chủ chính bản thân mình! Cái biệt thự có hồ tắm vườn hoa, có năm ngăn bảy nắp, mà ngày xưa ông đã xây cất cho tương xứng với địa vị xã hội của ông…bây giờ bỗng trở nên ngạo nghễ, vô duyên.

Nhà vắng teo. Một số gia nhân đã xin nghỉ việc từ những ngày sôi động, số còn lại đã được cho nghỉ ngay sau ngày 30 tháng tư. Bà Lê Tư chắc đang làm gì ở dải nhà sau nên ông không nghe tiếng động. Ông đốt điếu thuốc rồi ngồi xuống phô-tơi nhìn thẳng ra vườn. Ông nhìn mà không thấy gì hết! Yên lặng…

Tiếng bà Lê Tư làm ông giựt mình:

- Sao ông? Họ đòi gì nữa vậy?

- Họ đâu có đòi. Họ lấy.

- Lấy gì?

- Lấy hết tài sản của mình.

Giọng bà bỗng cao lên một nấc:

- Lấy hết tài sản?

Ông nhìn bà rồi trả lời bằng cái gật đầu. Giọng của bà lại cao thêm một nấc:

- Gì lạ vậy? Tự nhiên rồi đòi lấy tài sản của người ta. Đó là ăn cướp chớ đâu phải lấy! Rồi ông trả lời làm sao?

Ông thở mấy hơi thuốc, rồi mới nói:

- Thì tôi giao hết lại cho họ chớ còn làm sao?

- Bà chỉ kêu lên được một tiếng "Trời" rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn thẳng ra vườn. Bà nhìn mà cũng không thấy gì hết! Yên lặng…

Một lúc sau, ông nói, giọng thật trầm tĩnh:

- Bà nghĩ coi. Bây giờ họ là kẻ chiến thắng. Quyền sanh sát nằm hết trong tay, họ muốn nói gì làm gì mà không được.

- Còn luật pháp để đâu?

- Luật pháp của ai?

Bà làm thinh. Một lúc sau, bà nói:

- Hôm trước ông nói họ đã móc nối với ông để ông ở lại giúp họ xây dựng gì gì đó. Sao bây giờ họ lột hết của ông vậy?

Ông làm thinh. Khói thuốc trong miệng bỗng trở nên thật đắng. Ông nghe thèm một hớp trà hay một hớp nước lạnh, hay bất cứ một chất lỏng nào cũng được…để ông nuốt xuống " cái gì đó" đang nghẹn ngang ở cổ. Ông dụi điếu thuốc rồi đi lại bar ở góc xa-long rót một ly nhỏ Porto uống ực một cái, giống như người ta bị mắc xương. Xong ông trở lại phô-tơi ngồi xuống, đốt điếu thuốc. Chất rượu đang nồng trên mũi, nhưng sao khói thuốc vẫn còn nghe thật đắng!

Giọng bà Lê Tư có vẻ trách móc:

- Chớ phải ông nghe lời tôi đi di tản như thiên hạ thì đâu có sao.

- Đi di tản cũng mất hết chớ hơn gì.

- Sao mất hết được? Ông quen lớn nhiều mà không hốt được một mớ đem đi theo à? Có nhiều người còn gởi được bàn ghế và vô số đồ cổ nữa. Như anh X., như anh T., như ông tướng Z… toàn là bạn thân của ông không.

Ông làm thinh. Bà vẫn nói, càng nói giọng càng gay gắt:

- Thà rằng mình đi, cái gì không đem theo được là mình bỏ. Tụi nó có lấy, cũng là lấy những gì mình bỏ. Chớ còn bây giờ, tụi nó bóp họng ông để lấy, bộ ông không thấy tức sao?

Ông làm thinh. Ngừng một lúc như để suy nghĩ, rồi bà nói một câu giống như bà đóng sập cánh cửa sắt để nhốt ông trong một nhà tù:

- Chẳng bằng ông muốn ở lại để giúp cách mạng chớ gì? Phải không?

Ông nuốt nước miếng mấy lần, rồi tiếp tục làm thinh. Bây giờ, ông thật sự thấy mình như bọt nước trôi lêu bêu, không bám được vào đâu hết…

Chiều bữa đó, cách mạng đưa đến mười mấy thanh niên trai gái và một toán bảo vệ cầm súng để làm công tác kiểm kê. Họ bắt mở hết các hộc, các kệ, các tủ…để họ đem ra đếm từng món, không bỏ sót một nơi nào hết, một món nào hết. Đêm, họ ngủ lại trong nhà ông Lê Tư để sáng sớm hôm sau họ tiếp tục. Xong công tác kiểm kê, người cán bộ chỉ huy chỉ định một nhóm bốn người ở lại để canh giữ những gì đã kiểm kê, sợ ông bà Lê Tư…ăn cắp mang đi! Gã còn nói như ra lịnh:

- Từ hôm nay trở đi, anh chị phải dọn ra nhà sau để ở, không được bước lên đây nữa. Anh chị cũng không được quyền sử dụng chiếc ô-tô bây giờ thuộc diện quản lý của Nhà Nước. Khi ra vào nhà, anh chị phải dùng cái cổng hậu, không được đi bằng cổng chánh. Rõ chớ?

Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư cũng làm thinh. Nhưng hai sự làm thinh đó không cùng một ý nghĩa: ông làm thinh vì biết rằng có nói gì cũng vô ích còn bà làm thinh là vì bà hận ông vô cùng!

...Từ ngày dọn xuống ở trong một nhà phụ – có ba dải nhà phụ trước đây dùng cho gia nhân – và từ ngày biết rằng văn phòng, các kho vật liệu, kho dụng cụ cơ giới, biệt thự ở Núi Lớn Vũng Tàu, các chương mục ở ngân hàng…v.v. đã hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, bà Lê Tư ít nói chuyện với ông. Nhưng hầu như ngày nào bà cũng ngồi nói một mình, nói trổng, cố tình nói lớn tiếng để cho ông "phải" nghe. Bà cứ lải nhải với giọng trách móc chanh chua, hết chuyện tin lời cách mạng, đến chuyện mất hết của cải, rồi bắt qua chuyện di tản, chuyện ở "chui rút" trong nhà của bếp của bồi…Còn ông thì cứ làm thinh ngồi nghe, nghe riết mà tóc của ông càng ngày càng bạc trắng!

Thời gian đi qua…Một hôm bà bỗng nói với ông:

- Tôi đã nhờ người quen trong toà đại sứ liên lạc được với thằng Tuấn ở Paris. Nó sẽ lo giấy tờ cho mình qua bển.

Bây giờ, mọi sự đều do bà quyết định, ông chỉ làm thinh đi theo. Bây giờ, người chồng " thần tượng" của thời trước chỉ còn là một cái bóng! Bây giờ, bà mới là thân cây cau, còn ông , ông chỉ là một thứ giây trầu... Đúng là một sự "đổi đời vĩ đại"!

Ít lâu lâu, chính bà đã chạy chọt đút lót để có xuất cảnh cho hai vợ chồng bay qua Paris, vào giữa mùa hè năm đó.

…Ông Lê, người con trai của ông bà Lê Tư, đến đón ông bà ở phi trường Charles De Gaulle. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông Lê Tư có cảm tưởng như mình vừa sống lại. Ông ôm con siết mạnh, rồi buông ra để nhìn. Lòng tràn sung sướng, ông vừa cung tay đấm nhẹ lên vai con, vừa chửi đổng: " Cha mày!". Rồi tiếp: " Ba tưởng không còn gặp lại con nữa chớ!" Trong một khoảnh khắc, ông tìm lại được lời nói và cử chỉ của một con người bình thường, con người của thời trước tháng tư 1975…

Trên đường về nhà, ông Lê vừa lái xe vừa hỏi về những chuyện đã xảy ra ở Việt Nam trong những ngày sôi động của tháng tư, nhứt là ở đoạn "mấy thằng Mỹ kéo nhau chạy sút quần". Nghe lời nói và giọng điệu của con, ông Lê Tư cảm thấy có " cái gì không ổn", nhưng ông nghĩ: " Có lẽ tại nó ở bên nây lâu quá nên nó nói tiếng Việt không biết chọn lời". Rồi ông kể lại những điều mắt thấy tai nghe. Người con lâu lâu khoái chí, vỗ tay lên tay lái, gục gặc đầu: "Cho tụi nó chết!"

Bỗng người con hỏi:

- Còn mấy thằng tướng ngụy?

Câu hỏi đó như một ánh sáng bật lên trong bóng tối để ông nhìn thấy rõ sự thật: không phải con ông không nói rành tiếng Việt mà là con ông nghiêng về phía bên kia, cái phía đã lật lọng, ăn cháo đá bát, cái phía đã lấy hết tài sản của ông một cách ngang nhiên trắng trợn! Trời đất chung quanh bỗng như sụp xuống! Tuy nhiên ông vẫn trả lời:

- Mấy người đó thì ba không biết.

- Tụi nó chạy ra đảo Guam hết. Thằng chủ chạy thì thằng tớ phải chạy theo chớ dám ở lại đâu. Tưởng ba biết gì kể lại nghe chơi chớ ở bên nây báo chí tê-lê nói đầy đủ. Trên tê-lê thấy nhiều thằng tướng ngơ ngác như bầy gà nuốt giây thun!

Người con nói xong cười lên khoái trá. Ông Lê Tư nghe giận phừng lên mặt! Ông đưa tay định xáng cho thằng con một cái, nhưng ông kềm lại kịp. Ông bỏ tay xuống mà nghe ngực mình tức ran. Tự nhiên, ông ứa nước mắt. Từ phút đó, ông làm thinh. Thấy như vậy, tưởng cha bị mệt vì cuộc hành trình quá dài nên ông Lê cũng không hỏi tiếp.

Bà Lê Tư ngồi ở băng sau, không chen vô một lời. Bà cảm thấy rồi đây sẽ không thể nào ở chung với một thằng con như vậy được. Bà đã tưởng đi ra khỏi xứ để khỏi phải thấy hằng ngày những chuyện trái tai gai mắt, nào ngờ qua đây gặp thằng con không biết học ở đâu mà ăn nói giống "tụi nó" y chang! Nhưng không sao. Rồi bà sẽ mua nhà ở riêng. Bà dư sức. Với số hột xoàn mà bà đã cất giấu sau 1975 và bây giờ đang nằm an toàn trong cái giỏ mây hai đáy bà ôm trong lòng, bà dư sức. Cho dù bà phải cưu mang suốt phần đời còn lại ông chồng mà bà đã không còn coi là thần tượng nữa, từ lâu…

Về đến nhà – ở Neuilly Sur Seine, khu nhà giàu – ông Lê giới thiệu vợ con rồi đưa cha mẹ lên phòng trên lầu, nói:

- Ba má nghỉ một chút rồi xuống ăn trưa.

Bữa ăn được dọn lên từng món theo phong cách tây phương. Vợ ông Lê hỏi han lễ độ và kín đáo chăm sóc ông bà Lê Tư. Hai thằng con ông Lê – giống mẹ hơn giống cha nên ít thấy lai Việt – không biết một tiếng Việt. Chúng ăn nhanh nhanh. Xong món thứ nhì, chúng không đợi món kế tiếp, vội vã rút lên phòng. Suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ vây quanh mấy món ăn nấu theo tây, bởi vì ông Lê khoe có bà bếp giỏi. Bà bếp, người Pháp, có bước ra chào ông bà Lê Tư…

Nhờ vậy, không khí trong bữa ăn không đến nỗi nào tẻ lạnh.

Sau bữa ăn, vợ ông Lê vì tế nhị, muốn để cho chồng và cha mẹ nói chuyện riêng với nhau, nên xin phép lên lầu. Bà dặn chồng:

- Anh không nên nói chuyện nhiều. Ba má chắc cần phải ngủ vì sai giờ giấc. Mình còn nhiều thì giờ mà…

Khi bước qua xa long để uống cà phê, ông Lê hỏi:

- Ba má định qua đây ở chơi bao lâu?

Ông Lê Tư châu mày, nhìn bà. Bà trả lời:

- Ba má định qua ở luôn chớ đâu phải ở chơi.

Người con ngạc nhiên:

- Ủa? Sao lại ở luôn? Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên đầu trên cổ mình hết. Tất cả đều thuộc về mình, không còn sợ thằng ác ôn nào cướp giựt nữa. Như vậy mà ba má định bỏ xứ qua đây ở luôn. Thiệt là vô lý!

Hồi nãy, trên xe về đây, ông Lê Tư còn nghĩ rằng thằng con ông chỉ nghiêng về phía bên kia. Bây giờ thì quá rõ ràng: nó đã đứng hẳn về phía bên đó. Ông nghe lòng quặn thắt: chẳng những cách mạng đã cướp hết tài sản của ông, mà tụi nó còn cướp luôn thằng con duy nhứt của ông, cướp từ hồi nào rồi…

Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư hơi mất bình tĩnh:

- Tại con không biết. Tụi nó lấy hết tài sản của ba má rồi còn đuổi xuống ở căn nhà của bồi, rồi lại bắt không được đi cổng chánh phải đi cổng hậu. Bây giờ tụi nó sợ mình không chấp hành chỉ thị nên kéo kẽm gai cô lập căn nhà ba má ở. Con nghĩ coi sống làm sao?

- Buổi đầu lúc nào chẳng có chuyện sai sót. Rồi cách mạng sẽ trả lại hết cho ba má, yên tâm đi! Điều mà con muốn nói là chưa chi mà ba má đã muốn bỏ xứ ra đi giống như bè lũ đĩ điếm trộm cắp tháo chạy mấy ngày ****…làm con thấy không hãnh diện chút nào hết!

Câu nói chưa dứt, ông Lê Tư đã đứng phắt dậy, làm thinh đi thẳng lên lầu. Bà Lê Tư cũng nối gót, nhưng bước chân bà nặng chình chịch. Đứa con máu mủ mà bà mới ôm hun thắm thiết hồi nãy trên phi trường, bây giờ bỗng giống như người xa lạ. Bà cảm thấy hụt hẫng đến độ bà không biết phải làm gì, nói gì. Đến giữa cầu thang, kềm không được, bà ôm mặt khóc tức tưởi…

Suốt buổi chiều, ông Lê Tư ngồi trong phòng làm thinh hút thuốc. Ông không nghe buồn ngủ, ông chỉ nghe mệt – thật mệt – và chán chường – thật chán chường. Ông bắt gặp lại tâm trạng của ông vào những ngày cuối cùng của thời ông bị cách mạng quay hằng bữa để ông kê khai tài sản một cách "đầy đủ và trung thực"!

Bà Lê Tư cũng không ngủ. Bà điện thoại để liên lạc mấy bà bạn đã định cư ở Pháp, nhứt là ở vùng phụ cận Paris. Rồi bà hẹn hò…Sung sướng như thấy chân trời đang mở rộng.

Sau bữa ăn tối, đợi bà Lê và hai con lên lầu, bà Lê Tư nói:

- Chị bác sĩ A sáng mai lại rước má về nhà chỉ chơi vài bữa. Sau đó, có lẽ sẽ qua nhà bà dược sĩ L . Ở đây, má có nhiều bạn bè lắm, con đừng lo cho má. Con chỉ cần lo cho ba thôi.

Ông Lê Tư nhìn thẳng mặt con, giọng nghiêm trang:

- Ba nói thật: ba với con không hạp nhau. Ba không thể ở chung với con được. Ba xin con cho ba ở một nơi nào khác, ở một mình cũng không sao.

Ông nói "xin con cho ba" , đó là sự thật. Bởi vì bây giờ ông hoàn toàn trắng tay. Xưa nay, tiền dư ra, ông cho bà một phần để mua hột xoàn, còn bao nhiêu ông chuyển hết qua chương mục của người con…

Ông Lê ngồi làm thinh, không biết ông đang nghĩ gì. Cũng là làm thinh, nhưng sự làm thinh của ông khó hiểu hơn sự làm thinh của ông bà Lê Tư!

Vậy rồi sáng hôm sau, bà bác sĩ A lái xe lại rước bà Lê Tư. Tiếp theo là ông Lê chở người cha ra ở cái nhà nghỉ mát ở gần bờ đá dựng. Suốt cuộc hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, hai cha con không nói với nhau một lời!

Từ ngày ra đây ở, ông Lê Tư cảm thấy cuộc đời mình như đang đi vào một ngõ bí. Không sống được với cách mạng, đã đành. Còn lại bà vợ thì bây giờ bả coi mình như cục bứu trên lưng. Rồi đến thằng con, đối với mình, nó còn lạ hơn người xa lạ! Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy hết ngày này qua ngày khác mà con người ông sa sút thấy rõ. Bây giờ, ông ốm nhom. Đi đứng đã phải chống ba-toon và đêm đêm cứ phải nằm trằn trọc tới khuya lơ mới dỗ được giấc ngủ. Thấy tội nghiệp, ông bà Jean Marie hay thừa dịp đưa nước trà hay cà phê để ngồi lại gợi chuyện vẩn vơ. Họ cũng ngạc nhiên tự hỏi sao không thấy ai gọi điện thoại hỏi thăm ông già này hết. Làm như ông không có mặt trong cuộc đời này…Cho nên họ tận tình chăm sóc ông từng chút. Đến nỗi, về đêm, bà Jean Marie thường đợi ông lên giường nằm đàng hoàng mới tắt đèn đóng cửa đi về nhà! Ông Lê Tư rất cảm kích nên lâu lâu ông phá lệ làm thinh để nói hai tiếng " cám ơn", nhẹ như hơi thở…

Một hôm, ông Lê Tư bỗng thèm nhìn mặt biển, cái biển mà từ hôm ra đây – đã gần hai tháng – ông chỉ nghe tiếng của nó rì rào ngoài kia thôi. Ông bèn chống ba-toon bước từng bước run run đi lần ra hướng đó. Cứ đi vài bước là ông phải dừng lại một lúc để thở, nhưng ông vẫn cố bước đi…

Bây giờ thì ông đã đứng trên mép bờ đá dựng. Dưới chân ông, rất sâu phía dưới, là biển. Biển xanh dờn, kéo dài ra chân trời. Trời nước mênh mông. Gió muối và mùi thơm thơm của rong rêu nhắc ông nhớ cái biệt thự ở mỏm núi lớn Vũng Tàu. Ông đã xây cất biệt thự đó để làm nơi tiếp tân nên có một sân gạch thật rộng hướng về phía biển. Ông hay đứng ở đó nhìn chân trời như ông đang đứng nhìn chân trời bây giờ. Cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang. Hồi đó, lúc nào ông cũng thấy chân trời đang mở rộng cho ông, cái hồi mà ông làm chuyện gì cũng thành đạt. Bây giờ, cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang nhưng sao ông không thấy nó mở rộng cho ông một chút nào hết! Ông chỉ thấy toàn là bế tắc. Chân trời là đường chấm dứt một cái gì: trời cao nghiêng xuống đến đó là hết, biển rộng vươn dài đến đó cũng là hết! Giống như cuộc đời của ông bây giờ…Của cải: hết! Vợ con: hết! Sức khoẻ của ông rồi cũng sẽ hết! Hết! Hết!

Bỗng, ông Lê Tư liệng mạnh cây ba-toon xuống biển, giống như ông dứt khoát không cần dùng đến nó nữa. Rồi ông hít một hơi dài, nhắm mắt bước thẳng vào khoảng không trước mặt, giống như bước qua một lằn ranh tưởng tượng.

Từ bây giờ, ông Lê Tư làm thinh vĩnh viễn…

Chiều hôm đó, ông Jean Marie gọi điện thoại về Paris. Không có người bắt máy, nhưng có máy nhắn tin nên ông nhắn: "A lô! Tôi là Jean Marie. Tôi xin báo tin buồn: ông cụ đã từ trần. Ông đi dạo gần tường đá dựng chẳng may rơi xuống biển. Nhà chức trách đã vớt được xác đem về nhà xác bịnh viện Etretat. Yêu cầu ông bà ra gấp. Vợ chồng tôi xin chia buồn. Thành thật chia buồn…"

Không biết, khi hay tin, vợ con ông có nhỏ cho ông một giọt nước mắt?

Tiểu Tử

Source Internet.

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Tình Trạng Sa Sút Trí Nhớ

BS Lương Lễ Hoàng

Mời đọc để hiểu tại sao mình hay quên.
          
Chuyện gì cũng có lý do.
Bộ nhớ mau hư thường vì nạn nhân chính là thủ phạm, do thiếu nhiều thứ cùng lúc lại thừa vài món trong cuộc sống thường ngày. Đó là:

Thiếu ngủ:
Không kể người lỡ chọn nghề trực đêm, thiếu ngủ vì thức quá khuya, dường như là "mốt" của nhiều dân trong các thành phố.
Kẹt một điểm là chất lượng của trí nhớ gắn liền với độ sâu của giấc ngủ, theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Schleiweg-Holstein.
Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần dùng thuốc ngủ để ngủcho được nhằm tăng cường trí nhớ thì lầm.
Thuốc an thần tuy tạo được giấc ngủ, nhưng não bộ đồng thời cũng mê một lèo, khiến bộ nhớ quên luôn công việc.
 
* Thiếu nước:
Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể riêng cho chức năng tư duy.
Não vì thế rất cần nước và chất đường sinh năng.
Theo chuyên gia ở Đại học Erlangen, uống không đủ nước trong ngày lại thêm bữa ăn chiều thiếu chất ngọt là một trong các lý do khiến tín hiệu thần kinh vừa nhập vào lại ra ngay, cứ như nước đổ đầu vịt.

Thiếu dầu mỡ:
Chất béo loại cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh như 3-Omega, Acid Linoleic... là món ăn chính của não bộ.
Đừng tưởng kiêng cử là béo tốt cho não.   Trái lại là khác.
Tất nhiên đừng để tăng chất mỡ máu vì đó là yếu tố bất lợi cho hoạt động của bộ não.
Nhưng thiếu mỡ cũng tai hại tương tự.

Thiếu dưỡng khí:
Thêm vào đó, não không thể dán tín hiệu thần kinh, dù là hình ảnh hay âm thanh vào bộ nhớ nếu tế bào thiếu dưỡng khí vì thiếu máu.
Chính vì thế mà nhiều thầy thuốc khuyên dùng cây thuốc có công việc cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não bộ ngay cả cho người chưa phát hiện triệu chứng "đụng đâu quên đó.

Thiếu vận động:
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người cao  tuổi nếu vận động thể dục thể thao trong ngày thì ít quên hơn người không vận động.
Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa ở Hoa Kỳ, vận động trong ngày là điều kiện để bộ não không thiếu dưỡng khí trong đêm.
Cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng thôi, như đi bộ, bơi, chạy xe, khí công..., miễn là ngày nào cũng có.

Thiếu tập luyện:
Muốn não "bén nhọn" như xưa mà không tập luyện chẳng khác nào chưa học bài.
Chơi ô chữ, sudoku, học ngoại ngữ, vẽ  tranh..., kiểu nào cũng tốt, càng nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước máy truyền hình vì đó là hình thức tai hại cho bộ não.

Thừa Stress:
Bôi sạch bộ nhớ là một trong các phản ứng phụ của  nội tiết tố nẩy sinh trong tình huống Stress.
Biết vậy nên tìm cách pha loãng Stress bằng thể dục thểthao, thiền định, kiểu nào cũng được, miễn vui là chính.
Thêm vào đó, đừng tự đầu độc cơ thể và bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ...
Với bộ não "ngập rác" thì quên là cái chắc, vì đâu còn chỗnào để nhớ!

* Thừa chất oxy-hóa:
Hàm lượng chất gây rỉ sét tế bào,  sản sinh từ rối loạn biến dưỡng, độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, độ cồn, phụ gia trong thực phẩm công nghệ, hóa chất trong dược phẩm... càng cao, tế bào não càng mau già trước tuổi.
Cầm chân chất oxy-hóa bằng hoạt chất kháng oxy-hóa , vì do’ là biện pháp chinh’ để bộ nhớ đừng mau "hết đát".
Hãy đừng "đem não bỏ chợ" qua lối sống chẳng khác nào có thù sâu với  não bộ.
Nếu đối xử với não bạc bẻo thì đừng trách có lúc "có vay có trả”!
BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG

Mắt nhắm rồi... Xin đừng thương rơi lệ,
Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,
Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.
Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống..

Source: Internet.