Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc

Khi Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, được hỏi tại sao trong tủ quần anh có khoảng 20 cái áo thun xám y hệt nhau, thì Mark tự hào nói rằng: “Tôi muốn loại bỏ nhiều điều trong cuộc sống cá nhân để tập trung cho công việc, tôi cũng cố gắng đưa ra càng ít quyết định càng tốt.. Khi thức dậy mỗi ngày, tôi biết mình đang phục vụ hơn một tỷ người. Và tôi cảm thấy tôi sẽ không làm tốt công việc của mình nếu tôi chi tiêu năng lượng cho những điều ngớ ngẩn hoặc phù phiếm trong cuộc sống của tôi.”

Đây cũng là tinh thần mà chuyên gia dọn dẹp người Nhật, cô Marie Kondo cổ vũ trong cuốn sách nổi tiếng toàn cầu của về nghệ thuật dọn dẹp. Chính nhờ việc nâng tầm thứ tưởng chửng vô cùng vụn vặt trong gia đình này mà cô đưa mình chỉ đứng sau Barack Obama và giáo hoàng Francis trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. Ngoài những lời khuyên thực tế và hữu ích về việc làm sao có thể biến căn nhà của bạn trở nên ngăn nắp, gọn gàng, cuốn sách còn thấm đẫm một triết lý sống mà cô đã theo đuổi bao nhiêu năm qua: Hãy quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống.



Dọn dẹp: Phép màu thay đổi cuộc đời của các giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp

Dọn dẹp là một chuyện quan trọng. “Cuộc đời thực sự bắt đầu chỉ khi bạn đã sắp xếp nhà cửa mình ngăn nắp“, Marie Kondo nói. Cô là tác giả của cuốn sách The Life Changing Magic of Tidying Up (tên bản tiếng Việt: Nghệ thuật bài trí của người Nhật), người đã nâng tầm một công việc nhà thành một quá trình tự giải thoát và tự khám phá bản thân.


Nỗ lực xây dựng lại hình ảnh chuyện dọn dẹp đầy tham vọng của cô đã chứng tỏ sự thành công to lớn: chính việc mọi người tặng nhau cuốn sách này trong dịp Giáng sinh và việc đưa dọn dẹp là một trong những mục tiêu phải làm trong năm mới đã đẩy cuốn “Dọn dẹp” đứng đầu trong danh sách các sách bán chạy nhất của Amazon. Giờ đây tác giả người Nhật này chỉ đứng sau Barack Obama và giáo hoàng Francis trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time.

Vậy làm thế nào một bản tuyên ngôn về chuyện ngăn nắp có thể thay đổi thế giới? Trước hết, cô Kondo than phiền rằng việc dọn dẹp đang bị hiểu sai đến mức không chấp nhận được. Vấn đề chính là không phải là mọi người quá lười sắp xếp nhà cửa, mà họ sở hữu quá nhiều đồ để có thể dọn dẹp một cách hợp lý, cô nói. Chúng ta nên học cách vất bớt đi chứ không phải xếp đồ ra chỗ khác, nhờ đó chúng ta có thể được bao bọc quanh mình chỉ với những thứ “tạo ra niềm vui” trong cuộc sống.

Hàng triệu người đọc đã chứng minh cho tính hiệu quả của cô Kondo. Bỏ đi đồ không cần thiết mang lại sự rõ ràng và giúp chúng ta trân trọng những đồ vật yêu quý, họ bày tỏ quan điểm. Những người vẫn trung thành với cách sống bừa bãi của mình phản bác lại rằng bàn làm việc của Einstein là một đống hỗn lộn, tuy nhiên ông vẫn giỏi giang đó thôi.

Sự ra mắt huyên náo của một cuốn sách khác của Kondo trong tháng 2/2016, cuốn sách đọc cùng với cuốn Dọn dẹp, dày 300 trang với tên gọi “Tạo ra niềm vui: Hướng dẫn có hình minh họa về nghệ thuật dọn dẹp của người Nhật”, sẽ làm nhiều người cảm thấy xấu hổ bởi sự chế giễu đến từ một kẻ thù tự xưng của sự bừa bộn.


Quan niệm cho rằng mọi người có quá nhiều đồ đạc không có gì mang tính cách mạng lắm. Cuốn Cơn sốt trưởng giả của Oliver James và Nghịch lý của sự lựa chọn của Barry Schwartz đã từng phế phán chủ nghĩa mua sắm hoành hành 10 năm trước đây. William Morris, một nhà thiết kế vải và nhà thơ, đã từng giao giảng về sự đơn giản từ 1880 (“đừng để lại thứ gì mà bạn cho rằng vô dụng trong nhà hoặc chỉ để bày cho đẹp”).

Tuy nhiên, tư tưởng này ngày càng có sức lay động hơn trong thời đại của sự thừa mứa. Một trang Web là The Minimalists (Những người tối giản), khuyến khích cách sống buông bỏ, giản dị tới 4 triệu người theo dõi trên trang Web. Hội trại kéo dài 1 tháng mang tên “100 thử thách” được thiết kế để gạt bỏ “gánh nặng của những đồ sở hữu” được cư dân mạng rất quan tâm. Các cuốn sách mang tên như Stuffocation và Unstuff cuộc sống của bạn bán được cả xe tải sách. Tuy nhiên, chính sự quyết tâm không ngừng nghỉ của cô Kondo qua những lời khuyên đơn giản, thực tế đã làm cô tách ra khỏi đám đông.

Cả hai cuốn sách của cô đều chứa đầy những mẹo vặt. Hãy dọn dẹp theo loại đồ đạc, không phải theo phòng. Đừng để người thân hay sự hoài cổ che mờ phán quyết của bạn về thứ gì cần phải cho vào thùng rác. Đối với những bộ sưu tập sách và ảnh, hãy chỉ giữ những thứ đáng giá nhất thay vì cả một thư viện. Nếu bạn định sau này mới đọc một cuốn sách nào đấy, hãy vứt nó đi ngay bây giờ. (Bạn sẽ gần như không bao giờ đọc nó đâu. Hãy để nó ra đi.)

Cuốn Tạo ra niềm vui đi vào chi tiết hơn nhiều, với những minh họa bằng ảnh để giúp bạn dọn dẹp đồ chơi trẻ con, gấp quần áo vải và sắp xếp các đồ dùng may vá. Những thứ này lẽ ra có thể chỉ nằm trong mục tham khảo [thay vì cả cuốn sách 300 trang], vì thế có lẽ người đọc bình thường có thể ước rằng giá mà tác giả cũng kiệm từ như là với các đồ đạc.

Các đoạn văn khác trong sách mô tả sự khác thường và chủ nghĩa cực đoan của Kondo. Các bộ quần áo được nhuốm tinh thần Thần đạo của Nhật. Các chiếc váy trở nên “hạnh phúc hơn” khi được treo; tất không được vo vúm mà phải được gấp đáng yêu, để chúng có thể “nghỉ ngơi” giữa những lần sử dụng. Cô Kondo thường xuyên thể hiện một sự thúc ép đáng lo ngại để trở thành một nhà quản lý sắp xếp đứng đầu thế giới. “Khi tôi nhìn các học sinh đi vớ cao mà lỏng ở đầu,” cô viết, “tôi tha thiết muốn nói cho họ cách gấp những đôi vớ của mình đúng quy cách.”


Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc

Sự thành công cao vút của Kondo đánh trúng vào sự thừa mứa của thế kỉ 21, mặc dù kiểu thừa mứa nào lại có thể khác nhau tùy thuộc vào người đọc. Sự đón nhận đầy cảm thông của người đọc cho thấy sự bất mãn với khoảng cách ngày càng nối rộng giữa hai trụ cột của xã hội hiện đại: chủ nghĩa vật chất và sự hiệu quả.

Lời than phiền được hưởng ứng nhất của cô không phải là chuyện chúng ta mua những hàng hóa không cần thiết, hay là hành tinh này sẽ bị quá tải, mà là sự thừa thãi của đồ đạc đang trở nên không thể quản lý được.



Một ngôi nhà trung bình của người Mỹ chứa khoảng 300,000 thứ, và một người trung bình dành 153 ngày trong đời để tìm những đồ vật thất lạc. Những thói quen của người tiêu dùng cũng phản ánh những sự bức xúc này.

Người giàu ngày càng thích mua trải nghiệm thay vì các đồ vật. James Wallman, một người dự báo xu hướng, tính toán rằng tầng lớp trung lưu cũng sẽ chạy theo phong trào này trong thập kỉ tiếp theo.

Những người khác sẽ nhìn thấy một kiểu thừa thãi khác ở đây: đó chủ nghĩa hoàn hảo phổ biến, bệnh tật của những kẻ thích dòm ngó vào cuộc sống người khác và các vấn đề của những kẻ sống tại các nước giàu. “Có gì đó thúc ép hơn là niềm vui thích cá nhân đang diễn ra ở đây,” một người đánh giá sách viết 1 cách tức giận, trong khi người khác buộc tội cô Kondo mắc hội chứng “biếng ăn đồ vật“.

Việc xuất bản kịp thời của một cuốn sách châm biếm của tác giả Sarah Knight mang tên Phép màu thay đổi của cuộc đời của việc đếch quan tâm (The Life-Changing Magic of Not Giving a F**k) là một trường hợp tiêu biểu về sự hoài nghi tới cô Kondo. Tuy nhiên, nếu ai đó thấy những hướng dẫn dọn dẹp của cô Kondo quá cực đoạn, thì rất nhiều lại thấy thấy sự phát triển của chủ nghĩa vật chất cũng không lành mạnh chẳng kém gì.

Giải pháp tốt nhất có lẽ là hãy cố gắng để sống đơn giản hơn. Những người quá ngăn nắp nên lo lắng ít đi, và những người quá bừa bộn cũng nên làm thế bằng việc sắm bớt đồ hơn để khỏi phải lo lắng. Trong 3 cuốn sách kể trên, cuốn sách hữu dụng nhất lại có thể là cuốn sách chế giễu sự ngăn nắp kia.

Theo The Economist

Source: https://isach.net/su-toi-gian-tao-nen-hanh-phuc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.