Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Đọc "Tuyển Tập Tiểu Tử " 2016 của nhà văn TIỂU TỬ



Sách mở đầu với "Bài Ca Vọng Cổ" trong lúc những chương tiếp theo : Chị Tư Ù, Con Mén, Làm Thinh, Made in Việtnam, Mùa Thu Cuộc Tình, Nội, Ông Già Ngồi Bươi Đống Rác, Tấm Vạc Giường, "Thằng Đi Mất Biệt", Tô Cháo Huyết, Xíu, vàThằng Chó Đẻ Của Má sẽ lần lượt khảo sát, nếu cần…. Tôi lựa chọn "Bài Ca Vọng Cổ", tr.7-16 và "Con Mén" tr. 43-68, như tôi đã nói tóm tắt và cho ý kiến cách đây không lâu, chiều Chủ Nhật 05-06-2016 tại Nhà "Conférence Hermes" để dành cho buổi ra mắt sách chính thức của tác giả Tiểu Tử Võ Hoài Nam với ca nhạc mới cùng… vọng cổ, và Trăng Mờ Bên Suối (nhạc tiền chiến) mà Thúy Hằng lên sân khấu đặc biệt trình bày đặng chào đón Ns-Gs Lê Mộng Nguyên và Nicole vừa bước vào phòng hội họp…
1. Làm việc tại Borotou, tác giả Tuyển Tập Tiểu Tử, Ingénieur, công ty Đường Mía của nhà nước Côte d'Ivoire (trong công việc và giao thiệp với đồng nghiệp ông chỉ dùng tiếng Pháp)… Được mời về Abidjan hội họp, thay mặt cho hãng ông làm việc xa thủ đô đến 800 cây số, ông phải lấy taxi đến Touba để từ đó lấy máy bay đưa thẳng ông đến kinh thành của Tổng thống Houphouet-Boigny.
"Trong lúc chờ đợi, anh thiu thiu ngủ thì thoáng nghe có ai ca vọng cổ, tôi nhìn ra phía đó, thấy xa xa dưới lùm cây có một người đen nằm vỏng Tôi hỏi : Anh hát cái gì vậy? - Một bài ca của Việt Nam… Có phải ông là "le chinois" làm việc cho hảng đường ở Borotou không ? - Đúng và sai. Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu; tôi là người Việt Nam". Xin trích tiếp theo cho trọn tình và ý nghĩa của sự gặp gỡ giữa hai người : Trời ơi bác là người Việt Nam hả? lần này bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam… rồi nói tiếp : Con cũng là người VN nèThôi bác đi mạnh giỏi : con tên Jean, ở đây ai cũng biết "Jean le Vietnamien"hếtChừng về bác ghé con chơi, nghen. Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi : - Ghé con nghe bác… Ghé con… Nhà văn Tiểu Tử "vừa gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con…và sau đây thật giống trong một cuốn phim màu sắp kết thúc : Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho "thằng Jean le vietnamien". Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ… Tác giả kết thúc : … Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến "thằng Jean"rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa! "
Chỉ có thế thôi, thành thử tác giả Tiểu Tử phải tự giới thiệu thêm : " Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi làm lại cuộc đời ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là "le chinois" - thằng Tàu - như quí độc giả đã biết - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy."
Tôi hoàn toàn đồng ý với Uyên Hạnh (trên mạng) rất linh động mà cũng rất buồn đau cho thân phận những kẻ phải lang thang ở xứ người từ tháng tư đen 1975: "Tại đó (Touba) ông (tác giả TTTT) gặp một người da đen, đã làm khơi dậy ấn tình đang đốt cháy tâm tư ông. Nó càng ray rức và tô đậm nét tình thương chan chứa trong tim trong óc của ông, cho ông càng xót xa nỗi mình và nỗi người. Một nỗi khổ và niềm đau của người lữ thứ, của ông và của một chàng thanh niên da đen trong lần gặp gỡ hết sức ngẫu nhiên đó. Người thanh niên da đen nặng tình với quê mẹ, lang thang xứ xa mịt mờ, hát khúc vọng cổ đầy hương vị ngọt ngào, gói trọn vẹn tình thương cho người mẹ đã mất. Những hình ảnh này trong sách Tiểu Tử làm tim ta đau thắt, làm mắt ta mờ lệ, và làm ta không khỏi thở dài vì cảm xúc cho người cho ta và thương xót cho vận hạn một đất nước". "Trong bài phát biểu nhân buổi ra mắt sách Tuyển Tập Tiểu Tử tại Paris ngày 05 tháng 06 năm 2016 : GS Trần Văn Cảnh kể truyện tác giả (TT) gặp một anh lai đen còn trẻ, ở Abidjan có biệt danh là "Giojan, người Việt Nam", "má Việt Nam chết ở Nha Trang, hồi Việt Cộng vô năm 1975"Anh ta "biết nói tiếng Việt Nam, và biết nhận mình là người Việt Nam", thèm gặp người Việt Nam để nói chuyện cho đã… Nhớ Sài gòn quá nên hay ca vọng cổ cho đỡ buồn". Cảm động lắm thay! Cảm ơn nhà văn Tiểu Tử đã làm cho tôi nhiều lần rơi lệ mỗi khi đọc lại Bài Ca Vọng Cổ của anh : "Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời thương con quá! "… Về nhà văn Tiểu Tử-họa sĩ, theo nhà thơ Đỗ Bình (x Chuyện Thuở GiaoThời ) : "Ngay từ thuở còn đi học ông Võ Thành Nam đã được trời ban cho một tâm hồn đầy cảm xúc thể hiện qua đôi bàn tay họa sĩ khéo léo để vẽ những bức tranh sắc màu bằng những đường nét hình tượng. Ông vẽ rất đẹp và đã vẽ phông cho các tuồng tích cải lương, vẽ ký họa, biếm họa cho các nhật báo Sài gòn thuở ấy…"
2. " Con Mén" tên thật là Loan (Tôi xin trích) " Ở nhà nó là con Mén, vì hồi sinh ra nó cân được có 2KL tư. Bà nội bồng nó trên tay, nhỏ xíu như một con mèo. Bà cười văng cốt trầu : Đu họ nó! Thứ gì mà như con chí mén!" Từ đó, gọi nó là con Mén luôn. Bà nội cưng nó lắm. Ba má nó chỉ sanh có 3 con trai phá phách đánh lộn suốt ngày. "Có đứa cháu gái, nhẹ nhàng dễ sai dễ bảo hơn… Có đứa cháu gái để tao có đi đâu nó theo nó xách giỏ trầu". Xóm con Mén là xóm Cầu Ngang, có chợ nhà lồng, lợp tôn. Con Mén biết lội, thấy nó lội như rai, bà rất mừng, bà nói : "Nó giống hệt thằng cha nó hồi nhỏ." Ba con Mén bị đưa đi học cải tạo ngoài Trung còn Má con Mén thì "bị" họ cho nghỉ việc". Tác giả kết luận : gọn như liệng một món đồ, vô dụng vào sọt rác! Nhưng cần viết tiếp để câu chuyện đừng quá đen : "Má con Mén có một người chị ruột tên Ánh - Nguyễn Thị Ánh hồi đó
nấu bếp cho vợ chồng một ông Tây. Khi gia đình ông này dọn về xứ, chị Ánh cũng đi theo họ rồi ở luôn bên đó. Ít lâu sau có tin chị lấy chồng người Pháp rồi hai vợ chồng đưa nhau qua làm ăn ở Phi Châu. Chị cũng đã vào quốc tịch Pháp và đổi tên là Anne - bà Anne Brioud".
Người chị lấy Tây - mặc dầu ông này không đồng ý, vì vợ trở lại quê hương cũ có thể gặp khó khăn… Trả lời: (xin trích) tôi phải về kiếm tụi nó coi ra sao. Rồi chị mua thật nhiễu hàng vải quà cáp làm như gia đình chị bên nhà còn rất đông. Thật ra, chị Ánh chỉ còn má con Mén là ruột thịt, nhưng mười mấy năm xa cách đã làm cho tình thương trong lòng chị thật mênh mông không bờ bến, đến độ chị không đo lường được nữa… Khi ba con Mén được thả về thì mẹ con tụi nó chỉ chờ ngày lên máy bay. Ba được thả về là một đặc cách của chính phủ "cách mạng" để đưa vợ con ra đi… Con Mén thương Ba nó vô cùng… Như khi nghe Mén kể chuyện sau này "… Khi đã quen thân… khi nói về Ba nó, nó không thiếu một chi tiết… Một hôm nó nói với tác giả : Con muốn học quốc ngữ để con viết thơ cho ba con. Câu nói đó đã làm tôi xúc động đến ứa nuớc mắt ! Con muốn học quốc ngữ để con viết thơ cho Ba con... "Tôi cầm hai bàn tay nó bóp nhẹ : Ờ… Bác sẽ dạy con… Trên gương mặc phinh phính của con Mén, nở ra một nụ cười rạng rỡ. Chắc nó đang nghĩ đến ba nó, để cái ngày mà nó có đủ chữ đủ câu để nắn nót viết cho ba nó những bức thư dài…
Và tác giả kết luận (TTTT) : Bây giờ tôi thấy quí vô cùng những chữ latin mang móc câu, để trở thành chữ ư chữ ơ, đội nón úp nón ngửa để trở thành chữ â chữ ă, kéo theo mấy dấu lăn quăn nằm dưới nằm trên… Bởi vì nhờ có chúng nó mà cha con con Mén vẫn thấy được gần nhau mặc dầu xa cách nhau hơn nửa địa cầu. Bởi vì nhờ có chúng nó mà tôi đã khám ra con Mén, một đứa gái nhỏ tuy tị nạn bao năm ở xứ người mà trong lòng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của xóm Bộng, của Sàigòn, của Việt Nam…
Paris, ngày 23/07/2017- Lê Mộng Nguyên
Pr-Docteur d'État, lauréat de l'Université Paris 1-Panthéon Sorbonne
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.