Như Nhiên
Thông thường ở đời chẳng ai muốn gặp phải nghịch cảnh,
chướng duyên cả, tâm lý chung của con người vốn là tránh khổ tìm
vui, đó là tâm lý tự nhiên muôn đời. Song, với hành giả tu Phật thì nên
nhận định rõ rằng có những nỗi khổ trong đời con người ta '' chạy trời
không khỏi nắng '', vì thế, không phải do tránh né mà giải quyết triệt
để được vấn đề, người tu thì không tìm cầu chướng duyên, nhưng khi
chướng duyên đến họ biết rằng đây là cơ hội cần thiết đối với
sự thực hành hạnh từ bi, tâm giải thoát.
Người tu hạnh từ bi, nếu không đối diện với những điều trái ý
nghịch lòng thì khó có thể hiểu được mình đã thực hành được hạnh
từ bi đến mưc độ nào. Nói cách khác, nhờ đối tượng ác mà hạnh
từ bi thăng hoa, nhờ người phỉ báng, chê trách mà sự rèn trau
hạnh từ bi, kham nhẫn càng tăng trưởng.
Kinh sách ghi lại rằng: Một hôm, Đức Phật cùng giáo đoàn đến xứ
Kosambi lúc ấy đang ở dưới sự cai trị của vua Udena. Khi được tin ấy,
một trong những vị thứ phi được sủng ái của vua là nàng Magandiya
vốn có hiềm với Đức Phật nên bà ta xúi giục những kẻ vô lại đi
theo sau giáo đoàn của Đức Phật và mắng nhiếc Ngài bằng những
lời lẽ rất nặng nề. Tôn giả A-nan nghe những lời chửi bới quá thậm
tệ, không chịu nổi, bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Dân ở đây mắng nhiếc và nhục mạ chúng ta.
Chúng ta hãy đi nơi khác!
– Ta sẽ đi đâu, A-nan?
– Đến thành phố khác, thưa Thế Tôn.
– Nếu ở đó người ta cũng chửi mình thì sẽ đi đâu, A-nan?
– Sẽ đi chỗ khác nữa, thưa Thế Tôn.
– Nếu ở đó người ta cũng chửi mình nữa thì sao?
– Chúng ta lại đi đến chỗ khác, thưa Thế Tôn.
– A-nan đừng nói thế. Ở đâu có khó khăn thì giải quyết ở đó.
Ổn thỏa rồi mới được phép đi nơi khác. Nhưng ai chửi ông, A-nan?
– Bạch Thế Tôn! Mọi người đều mắng nhiếc chúng ta, bọn côn
đồ và cả đám dân kia.
– A-nan, ta như con voi xông ra trận. Bổn phận của voi xông
trận là hứng chịu những mũi tên từ bốn phía. Đúng thế, bổn phận
của ta là kham nhẫn những lời nói độc ác”.
Tiếp đó, Đức Phật thuyết pháp bài Pháp cú được chép trong
phẩm Voi, nói lên sự kham nhẫn của bậc giác ngộ.
“Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người.” (PC 320).
Bài pháp tác động đến đám đông tập trung quanh Ngài và
giáo đoàn của Ngài. Rồi Đức Phật khuyên A-nan.
– A-nan, đừng phiền muộn. Những người này chỉ mắng nhiếc
ông trong bảy ngày, đến ngày thứ tám họ sẽ yên lặng. Chuyện khó
khăn đó đến với Phật không kéo dài quá bảy ngày.
- Người tu hành khi đối diện với nghịch cảnh, mới trắc nghiệm được
tâm của chính mình. Đối diện với bất lợi, đối diện khổ đau, đối diện
không danh vọng, đối diện với lời chê, mới trắc nghiệm tâm mình
động, hay không động? Cho nên nghịch cảnh là bài học rất quý
để trắc nghiệm tâm của mỗi người.
Nếu người tu chân chánh, điều phục tâm, mà cứ muốn thuận duyên
đến với mình, mà không muốn nghịch duyên đến, thì rất nguy hiểm.
Vì sao? Vì thuận duyên sở hữu quá lâu, sinh ra tham ái, nên khi
gặp nghịch duyên là tâm bị đau khổ ngay. Ví dụ: khi mình sở hữu
công việc tốt quá lâu, khi đối diện với sự thất nghiệp, mất việc đó,
là tâm mình lo sợ. Mình yêu thương một người quá đậm sâu,
đột nhiên người đó bỏ mình, liền khổ đau, chới với...
Hãy cảm ơn nghịch duyên, đừng trách nó, chính nghịch duyên
trui rèn cho tâm mình ngày càng kiên định.
Chướng Duyên và Tỉnh Thức
Đều la hai bậc Thầy
Vị giúp ta Giác Ngộ
Vị giúp rời mộng say...
Như Nhiên
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.