Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cung Tiến – “đời lập từ những đêm hoang sơ…”


Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cung Tiến – “đời lập từ những đêm hoang sơ…”



“đời lập từ những đêm hoang sơ” là câu hát rất tuyệt diệu của nhạc sĩ Cung Tiến trong bài Hương Xưa, một ca khúc được ông sáng tác lúc ở độ tuổi 19,20. Nhưng còn hơn nữa, ca khúc bất hủ Hoài Cảm được ông sáng tác khi mới 14 tuổi, tương đương với lớp 9 hiện nay. Việc một cậu học sinh lớp 9 có thể sáng tác được những lời hát sau đây, quả là một sự kinh ngạc, và chỉ những người có tài năng xuất chúng bẩm sinh mới làm được:
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa…

Nhạc sĩ Cung Tiến sinh năm 1938, là một trong những nhạc sĩ tình ca tiêu biểu nhất của dòng nhạc miền Nam sau năm 1954. Mặc dù những sáng tác của ông đều được viết sau năm 1953, nhưng nhạc của ông vẫn được xếp vào nhạc tiền chiến (dòng nhạc trước 1945). Cung Tiến cũng được xem như là nhạc sĩ trẻ nhất có sáng tác được phổ biến rộng với bài “Hoài Cảm” lúc mới 14 tuổi. Mặc dù Cung Tiến chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển nhưng ông đã để lại những nhạc phẩm nhiều giá trị như Hương Xưa, Hoài Cảm, Thu Vàng.

Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh tại Hà Nội. “Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả” nhạc sĩ Cung Tiến nói như vậy trên VOA. Thời kỳ trung học, ông học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Úc ngành kinh tế và ông có theo tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney.
Từ năm 1970 đến 1973, Cung Tiến được học bổng của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc học, lịch sử âm nhạc và nhạc lý hiện đại. Cho nên về sau này, phong cách sáng tác của ông khác hẳn những bản nhạc thời học sinh mà ông gọi là ‘nhạc phổ thông’. Thay vào đó là những tác phẩm mà ông gọi là ‘ca khúc nghệ thuật’.
Cung Tiến là nhạc sĩ của những tác phẩm có âm hưởng bán cổ điển rất trang nhã, cầu kỳ. Ông sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm đều là sau 1954, trừ bài Thu Vàng, Hoài Cảm được viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi, nhưng thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi cùng phong cách trữ tình lãng mạn. Tự nhận mình là một người nghiệp dư trong âm nhạc, viết nhạc như một thú tiêu khiển, Cung Tiến không chú ý tác quyền và lăng xê tên tuổi mình trong lĩnh vực âm nhạc. Các nhạc phẩm của ông được xếp vào những ca khúc bất hủ của tân nhạc Việt Nam.
Sau năm 1975 ở hải ngoại, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
Khi nói về ca khúc đầu tay – Hoài Cảm lúc mới 14 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến cho biết ở lứa tuổi đó, ông không nghĩ là sẽ viết một ca khúc mang tính chất quan trọng hay tâm huyết. Bài hát này đơn thuần là sự tưởng tượng về một người nào đó là ông yêu mến, chứ không có ẩn ý gì sâu xa:
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…
Nhạc sĩ Cung Tiến nói về Hoài Cảm như sau: “Hồi đi học, tôi học ban văn chương, triết học. Tôi chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn Việt Nam hồi đó như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử …nên lời ca mang những ý tưởng lãng mạn trong thi văn Việt Nam. Không có cái gì sâu xa gọi là kinh nghiệm của con người cả. Hoàn toàn là trí tưởng tượng”
Năm 1957, khi 19 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến viết thêm một ca khúc để đời khác, và được xem là ca khúc hay nhất của ông mang tên Hương Xưa, đề tặng người bạn thân của ông là Khuất Duy Trác (tức danh ca Duy Trác). Cũng chính Duy Trác là người trình bày thành công nhất ca khúc này:
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ…

Nói về hoàn cảnh sáng tác nê bài Hương Xưa, nhạc sĩ Cung Tiến cho biết:
“Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.
nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: wiki, VOA

Source: https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-cung-tien-doi-lap-tu-nhung-dem-hoang-so/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.