Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Định Mệnh Đã An Bài Chi tiết về Toa Thuốc của Đạt Ma Sư Tổ Trị Lành Bệnh Ung Thư

 

Đây là tự truyện đặc biệt của một nhà giáo viết thành thư gửi em gái. Theo bài viết, tác giả là một nhà giáo dạy tại trường Văn Học, ngôi trường nổ tiếng chuyên dạy lớp Đệ Nhất do nhà giáo, nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan điều hành. Ông vượt sông Bến Hải vào Nam năm 1957, rồi vượt biển tìm tự do năm 1976. Từ chối việc định cư tại Mỹ, tác giả sống cô đơn tại Pháp, từng bị ung thư ruột và được chữa lành. Trong bài có đề cập tới một toa thuốc của Đạt Ma Sư Tổ, chữa lành ung thư, do chính Bác sĩ Trần Lữ Y -từng là Bộ Trưởng Y Tế thời VNCH- trao cho. Kính chúc tác giả an lành.

***

Em gái Phúc Chi thân mến,

Tháng Tư em mới trở về Mỹ, anh viết thư cho em ngay. Người xưa thường nói huynh đệ như thủ túc. Đọc thư em, anh như tìm lại một phần thân thể của mình. Đã từ lâu anh được tin em đã vào Mỹ. Anh hỏi anh Tùng thì anh nói rằng: Chi đã vào Mỹ, nó và thằng Quyến đã kết hôn với nhau. Anh lẩm bẩm nói với mình rằng: Anh biết kỹ em và Quyến hai tính tình quá khác nhau như đen với trắng, lấy nhau đâu có hợp! Nhận định chủ quan của anh nên anh đã nhốt nó ở trong bụng, không nói ra miệng.

Em đang ở Việt Nam với gia đình, anh nhờ em chuyển đến bác gái của thằng bạn rất thân của Mạnh Hoàng và Huy Phong. Anh kính chúc bác gái và gia đình được an khang, thịnh vượng.

Năm 1976, anh vượt biên cập bến Singapore vào cuối tháng 6 sau chuyến vượt biển, anh quan niệm rằng: Cuộc đời ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh của anh là do định mệnh đã an bài. Cuộc đời anh có những điểm gọi là thành công, như 2 chuyến vượt biên. Lội qua Bến Hải vào Nam năm 1957 và vượt biển mùa thu năm 1976, quả là anh đã tứ chỗ chết tìm ra đất sống, nên một người lớ ngớ như anh mà vượt sông, vượt biển cả hai lần. Điều đó do định mệnh của anh tốt, nó phù trợ cho anh, chứ tài cán thì không có.

Năm 1976, chính anh phải liều mình xuống Rạch Giá để mua ghe cho chuyến đi có bảy người góp vốn, mỗi người mấy chục ngàn. Xuống Rạch Giá, anh gặp anh Quân là lính của Hải Quan, học anh lớp đệ nhất C ở lớp tối trường Văn Học. Anh Quân dẫn anh về nhà giới thiệu với bác anh là chủ vụ Ba Đức, ông nói anh: "Chú muốn mua ghe, thì chú cứ ở ụ của tôi để tránh những con mắt nhòm ngó của thiên hạ, rồi tôi sẽ mua cho chú một cái ghe bọc bằng sắt, chú đi biển thì chỉ có trời hại được chú! Còn giông bão thì không thể."

Ghe bọc sắt, trước khi ra biển đi đánh cá, ông đã kéo ghe lên ụ, hàn xì và sơn phết lại, khi nghe ra biển bị bão lớn. Lườn ghe ông hàn xì kỹ quá nên bị chảy, nước ngập vào cả cabine nên ghe bị chết máy trôi lênh đênh ngoài biển cả tháng trời. Một bữa, buổi chiều tụi anh bảy đứa, nằm ngửa mặt trên ghe, để uống nước mưa. Anh Hiền hiện là luật sư ở bên Mỹ, sờ tay vào túi, nhớ đến cái bùa cô Kiều Nguyệt Nga (trong truyện Lục Vân Tiên) hắn nói lớn: "Ấy còn cái bùa của cô Nguyệt Nga, mình thử gọi hồn cô xem ra sao?" Hắn gào thực lớn "Ơi cô Kiều Nguyệt Nga ơi! Ghe chúng tôi bị chết máy, cả trên nửa tháng nay rồi! Xin cô cho ghe tôi nổ máy, không thì chết hết cô ơi!"

Hắn gọi thằng Bảy, một lính người nhái đảm đang việc lái ghe:

"Bảy ơi! Tao đã kêu cứu cô Nguyệt Nga rồi! Mày nổ máy xem ra sao?"

Thằng Bảy uể oải đứng dậy nói: "Đù mẹ, ghe đã chết máy trên nửa tháng nay rồi, còn nổ cái con mẹ gì nữa!" Hắn xuống cabine nổ máy kêu ùng ục. Quả là phép lạ, đã trên 30 năm nay, chúng tôi đều nghĩ, nhưng vẫn chưa hiểu tại sao?

Ghe chạy gần một ngày, ghe chúng tôi gặp một tàu đánh cá thực lớn, ông chủ tàu là người Thái Lan, có lẽ ông nhìn thấy thảm cảnh của bảy cái xác không hồn, ông động từ tâm nên cứu vớt chúng tôi và chạy thẳng vào hải cảng Singapore.

Tòa Đại Sứ Mỹ ở Singapore đã cử ông Lãnh Sự Mỹ xuống ghe làm lễ tuyên thệ để vào định cư tại Mỹ. Đến lượt anh, ông Lãnh Sự bảo giơ tay để tuyên thệ. Anh đã trả lời ông lãnh sự Mỹ: "Tôi không xin vào Mỹ định cư thì giơ tay để làm gì?"

Ông Lãnh Sự Mỹ như bị chạm tự ái: "Ông không tuyên thệ để vào Mỹ, thì ông định vào nước nào?"

"Tôi là người tị nạn chính trị Việt Nam. Nước nào nhận người tị nạn thì tôi vào nước đó, chỉ trừ có hai nước."

"Hai nước nào?"

"Các nước Cộng Sản và nước Mỹ."

"Được rồi, tôi sẽ cho ông đi nước Marốc!"

Anh không muốn định cư ở Mỹ, vì Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam một cách thản nhiên, không một chút áy náy (bức tử Việt Nam Cộng Hòa)

Hai ngày sau, anh được tòa lãnh sự Pháp cho tuyên thệ vào định cư tại Paris.

Năm 1978, anh và ông Nguyên Sa Trần Bích Lan xin chiếu khán vào Mỹ.

Nhân viên Lãnh Sự dở hồ sơ ra coi và nói với anh: "Ông đã ghét nước Mỹ thì ông vào Mỹ làm cái gì?"

"Tôi xin vào Mỹ để thăm bạn bè tôi, chứ tôi đâu có đến để xem nước Mỹ đẹp."

Vào tuổi 30, anh có ông bác họ, làm thầy giáo tiểu học, ông là bạn vong niên với cụ Ba La. Ngày tết, ông nói với anh rằng: "Cháu muốn xem số tử vi, ông thông chữ hán và đoán số giỏi thì cháu đến cụ Ba La, chẳng những cụ giỏi chữ Hán và đoán số giỏi. Ở Sài-gòn, Chợ Lớn, Gia Định không ai có thể qua mặt được cụ Ba La."

Anh đến coi số cụ Ba La, một cụ trên 90 tuổi, râu dài, da hồng hào chỉ sự khỏe mạnh. Anh có hai lá tử vi. Khi mẹ anh đẻ liên tiếp 5 người con gái. Bố mẹ anh vào Chùa Hương cầu tự người con trai, được 2 tuổi thì anh chết yểu. Bố mẹ anh lại vào Chùa Hương cầu tự xin đứa con trai trở lại. Khi anh sinh ra đời, bố mẹ anh hoàn toàn giữ bí mật, chỉ có bà vú nuôi mới nói cho anh biết:

"Cậu ra đời hoàn toàn giống người anh của cậu, dáng người nhỏ bé, đến khuôn mặt, đến cả nốt ruồi..." Bố mẹ anh cho anh mang khai sinh của người anh mới chết. Anh sinh năm 1938, anh của anh sinh năm 1935.

Khi đi xem số anh đều đưa ngày tháng năm sinh của người anh. Vì anh nghĩ rằng "Nếu thầy coi số giỏi thì sẽ biết sẽ chết năm bao nhiêu tuổi?"

Cụ Ba La bấm số của anh và hỏi anh: "Có phải cậu là người nhỏ bé, mặt tròn và có nốt ruồi đỏ tay phải?"

"Thưa vâng, đúng là hình ảnh của cháu."

Cụ Ba La đã đổ mồ hôi ở chân, tóc mai, cụ lẩm bẩm nói rằng: "Nếu quả lá số này của cậu, thì dù gia đình cậu có phúc đức cũng chỉ sống không quá bốn tuổi." rồi cụ nói với anh: "Xin cậu lấy tiền lại. Cậu về nói với bác cậu: tôi bất tài, không coi được số của cậu."

Anh về thuật lại tài coi số của cụ với ông bác, ông nói:

"Thế là đêm nay cụ lại mất ngủ."

"Cháu thấy lòng cháu ân hận lắm! Nhưng biết làm cách nào để chuộc lại lỗi của cháu?"

"Mai cháu lại sớm cụ, nói rõ sự thực và cúi xin cụ tha lỗi và đưa số tử vi của cháu để cụ coi cho."

Sáng hôm sau, anh tới cụ Ba La, "thú thực là lá số của anh cháu đã chết từ năm hai tuổi." và anh đưa lá số của anh để cụ bấm số. Cụ cười nói với anh rằng:

"Số tử vi của anh, nó rõ ràng, mạch lạc như thế này cơ mà. Số của cháu là số mệnh vô chính diệu đắc tam không phùng nguyệt lô. Giờ bác bấm những điều cháu có thể kiểm chứng lại. Số của cháu được phúc của ông bà tổ tiên, hay số có quý nhân phò trợ, số cháu trường thọ, năm 87 tuổi cháu mới chết! Số cháu không được thừa hưởng cái gì của cha mẹ, phải xa gia đình, thân tự lập thân. Cháu cao số: người ta mắc một đại hạn đã là khổ lắm rồi, cháu mắc bốn cái đại hạn!"

"Mỗi đại hạn là bao nhiêu năm và tính từ năm bao nhiêu tuổi thưa cụ?"


"Mỗi đại hạn là 12 năm và đại hạn tính từ năm 18 tuổi. Nhưng đại hạn cuộc đời cháu nó thăng trầm. Những năm hạn cháu vẫn kiếm nhiều tiền. Nhưng tiền vào nó lại ra, nên cháu đến tuổi này vẫn không nhà, không cửa, không vợ, không con. Số cháu cao nên bác quả quyết rằng: Cháu không thể lấy vợ trước năm 65 tuổi. Nếu cháu lấy được vợ thì bác xin đập tráp, không làm nghề bấm tướng số... về học hành, cháu học không thông minh lắm. Nhưng nhờ phúc đức của ông bà phù trì nên cháu thi đâu đỗ đó. Không bao giờ trượt! Cháu thử nghĩ lại coi có đúng không?"

Năm anh 11 tuổi, đang học lớp nhì. Nhưng trước đó anh học tư, cậu Võ Tâm Tịnh đã dạy anh môn Toán, môn Chính Tả và làm luận hết lớp nhất. Năm đó anh đang học lớp nhất. Ty tiểu học ra thông báo:

"Kỳ thi tiểu học năm nay, ai có khả năng đều có thể thi, không cần phải nộp chứng chỉ học bạ." Anh nhủ mình: "Thế thì mình nộp đơn thi để có kinh nghiệm. kết quả kì thi đó, anh đỗ thứ tư trong toàn trường! Quả là số mạng anh tốt thực.

Niên khóa năm 53-1954, anh học lớp đệ tam ở Hà Nội. Ba tháng hè, anh học tư của cậu Nguyễn Sỹ Hồng đã gần hết chương trình Toán, Lý, Hóa đệ nhị. Năm 1954 chính quyền mới tiếp thu Hà Nội, anh thường xuống Hải Phòng để chuẩn bị di cư với bà chị. Anh đi bộ gần cuối đường cái dài có ngôi đình cấm thấy một tờ giấy viết bằng tay.

Kỳ thi Tú Tài 1 cuối cùng trên đất Bắc kỳ thi này những ai có khả năng đều có thể làm đơn thi, không cần chứng chỉ học bạ.

Anh lại nhủ mình: Nộp đơn thi cho có kinh nghiệm thi cử. Khóa thi đó cả bạn A và bạn B chỉ có gần 40.

Đề thi do các thầy đã di cư vào Sàigon ra Hải Phòng để chấm thi, anh còn nhớ Giám Đốc kỳ thi đó là Giáo Sư Tăng Xuân An. Lớ ngớ làm sao kỳ thi đó anh trúng tuyển thi viết. Còn bao nhiêu môn thi vấn đáp anh chưa hề học, nước đã đến chân, sao mà nhảy được! Thôi đành thi bằng vò đầu gãi tai vậy. Buổi sáng vào thi vấn đáp thì ông Lê Quang Luật Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Bắc Việt đến thăm trường thi, ông cho biết: Đây là kỳ thi Tú một cuối cùng trên đất Bắc, nên ủy ban bảo vệ Bắc Việt đã xin với Bộ Giáo Dục cho một đặc ân: những thí sinh đã đỗ kỳ thi viết, còn vấn đáp bỏ là đặc ân của bộ. Quả là chó ngáp phải ruồi. Anh đỗ tú tài một trong khung cảnh ấy.

Nghe bạn bè nói: Tú tài một đỗ kỳ đó chỉ có giá trị học lớp đệ nhất, còn xin việc làm thì không được công nhận.

Năm 1976, anh xin tị nạn tại Paris, cuối năm đó phải thi, nếu đỗ thì được vào học trường kỹ thuật Cachan chỉ nhận một lớp 40 học sinh, nên phải thi tuyển hai môn: Pháp văn và Lý Hóa... những người dự thi, đỗ tú tài trường Pháp và đỗ cử nhân thực nhiều. Anh nghĩ rằng: Kỳ thi này, là tử địa đối với mình. Khi thi môn Lý Hóa, anh còn nhớ công thức nên làm được bài. Đến môn Pháp Văn, anh ngơ ngẩn như người mất hồn, vì anh quá dốt Pháp Văn. Khi bóc đề thi anh mới hoàn hồn. Vì đề thi là diễn văn của ông Camus khi lãnh giải thưởng Nobel... diễn văn này, anh đã đọc ở Saigon, nó đã được dịch sang tiếng việt. Thế là anh cắm đầu làm bài. Kết quả anh lại thoát hiểm một lần nữa, khóa học 9 tháng, và mỗi tháng được lãnh trên 2 ngàn Făng.

Đầu thu năm 1976, anh tới Paris, anh đã có một quyết định quan trọng: Anh ở độc thân suốt đời không lấy vợ.

Năm 1993 anh bị bệnh đi cầu ra máu, anh đến chữa bệnh ở ông Lữ Y (Louis). Hơn năm sau, bệnh vẫn chưa khỏi. Bác sĩ Lữ Y nói anh rằng: "Tôi sở trường về máu. Tôi chữa cho cậu hơn một năm, tôi nghĩ rằng cậu có bệnh gì ở trong ruột, cậu phải đi chiếu điện, để biết rõ bệnh mới mong chữa được." Anh đi chiếu điện mang phim về cho bác sĩ coi. Ông để tấm phim lên tường bấm điện cho coi ruột già của anh bị đen kịt. Ông bác sĩ nói: "Rõ ràng cậu bị ung thư rồi!"

"Thưa bác sĩ bệnh ung thư thì bằng cách nào chữa khỏi?"

"Thuốc trị ung thư thì chưa có nên cậu phải mổ thôi! Mà mổ thì phần chết gấp bội phần sống."

Anh rất sợ mổ, sợ đến khiếp đảm. Anh thưa với bác sĩ: "Tôi chấp nhận cái chết. Tôi về nhà để chờ chết."

"Ông đừng vội bi quan. Gia đình tôi, đến tôi là đời thứ ba có giữ một toa thuốc gia truyền. Một gia đình Tàu sang Chợ lớn làm ăn, ông cho gia đình tôi một toa thuốc Tàu để chữa bệnh ung thư. Ngày mai cậu tới, tôi sẽ đưa photocopy đơn thuốc ấy cho cậu."

Ngày hôm sau, anh tới lấy đơn thuốc về đọc thuộc kỹ: Thì ra, đơn thuốc này của Đức Đạt Ma Sư Tổ, khi ngài từ Ấn Độ sang truyền đạo ở Trung Hoa.

Ngài nói rằng: "Ấn Độ và Trung Hoa bệnh căng xe đã có từ lâu rồi. Nhưng người ta kêu là bệnh Nưỡi. Trung Hoa có hai thứ cỏ tên là:

1) Bách Hoa Xà Thiệt Thảo, Tàu kêu bằng Pá Xế Trực Thẩu.

2) Bán Liên Chi, Tàu kêu là Pán Ký Lìn.

Hai thứ cỏ này trộn lẫn với nhau. Rồi cho vào ấm, đổ nước nóng vào như ta pha trà vậy. Phải uống rất đều đặn, nhiều lần trong ngày. Sau bảy tháng đi chiếu điện xem bệnh tình ung thư ra sao?

Quả nhiệm mầu. Anh đã lành bệnh ung thư nhờ uống hai thứ cỏ trên hàng ngày.

Năm 2004, có mấy anh bạn đến chơi, anh nấu nước sôi để pha trà mời bạn. Anh vốn chưa quen nấu, lóng ngóng làm sao lửa bắt vào tay áo anh, rồi nó cháy lên tới nách tay phải. Bạn bè chở đi nhà thương Cochin, phải nằm nhà thương năm tháng và qua hai lần mổ, tới nay vẫn chưa khỏi, nên anh phải viết bằng tay trái, nên chữ của anh mới nghệch ngoạc khó đọc.

Cụ Ba La khi bấm số cho anh, cụ có nói: "Bác đố cháu lấy vợ được trước năm 65 tuổi và số của cháu có số xuất ngoại. Số của cháu sống ở ngoại quốc nhiều hơn ở quê hương, và khi chết , cháu phải chôn ở hải ngoại đấy cháu ạ."

Lúc đó anh cúi mặt xuống và mỉm cười cho là cụ nói bậy, vì lúc đó anh đang trốn lệnh đi học Thủ Đức, nên những ngày nghỉ anh muốn đi Vũng Tàu hay Đà Lạt còn không dám đi, còn nói chi đến xuất ngoại, chỉ là những câu nói không tưởng...

Anh bị bệnh cháy đã gần chín năm nay, không người thân, không bạn bè tới thăm. Anh đã "diện bích" ngồi nhìn bốn bức tường và lẩm bẩm nói chuyện một mình!

Một bữa có thằng bạn thân làm ở bộ ngoại giao đến chơi. Vừa bước vào nhà, nó đã hỏi thực lớn: "Bây giờ mày đã vào đường cùng ngõ cụt rồi! Mày đã chịu lấy vợ chưa?"

"Tao có kén vợ đâu? Mà mày hiểu vậy! Có điều tao nghĩ, cha già thì con cọc, mình đã già lấy vợ đẻ con thì chỉ khổ cho đứa trẻ khi ra đời. Hơn nữa tao giờ thân tàn ma dại, còn ai người ta chịu lấy?"

"Thế mà có đứa nó chịu lấy mày, thì mày nghĩ sao?"

"Ai hở mày?"

"Em gái tao. Tao nói rõ cho mày biết trước. Em gái tao nó đã gần 60 tuổi rồi! Nó đã có chồng và sinh ra ba đứa con. Chồng nó là một nhạc sĩ đã chết mấy năm nay. Nó phải chịu lấy mày. Vì nó phải lấy chồng thì mới có cơ hội ở lại Pháp."

Anh phải lấy vợ vì tình cảnh ngặt nghèo của bệnh tật.

. . .

Chi ạ! Đã gần chín năm nay, anh không có ai lại thăm hỏi. Anh chỉ nằm nhà nói chuyện một mình, anh là kẻ quá cô độc và cô đơn! Được viết thơ cho một người thân như em, anh viết quá dài và khó đọc. Mong em thông cảm.

Cách đây mấy năm, anh đã gặp Tâm ở Paris rồi em ạ. Tâm nó giống em như hai giọt nước, nó nhỏ con hơn Mạnh Hoàng. Nhưng nó đã tỏ ra một người con trai hoạt bát, hiếu động và thực đáng mừng. Vì Tâm vẫn giữ được phong thái con nhà. Còn Lành nếu anh nhớ không lầm: anh dậy hắn ở lớp đệ tam trường Phan Sào Nam. Cho anh gửi lời thăm Tâm và Lành nghe em.

Từ năm 1978 anh và ông Nguyễn Sa Trần Bích Lan đến thăm bạn bè ở Mỹ, và hai lần sau đó. Các cảnh ở Mỹ quốc đều đẹp, có nhiều giải trí cho mọi lứa tuổi. Các người con của bạn anh đã thành đạt, học hành thành công đều ra là Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Kỹ sư... cũng mừng cho các cháu có môi trường để phát triển khả năng của mình tại Hoa Kỳ.

Cầu mong em mạnh khỏe để đọc lá thư tràng giang của anh.

Thân ái
Anh của em,
Nguyễn Hữu
Paris 19/2/2012.


Source: https://vvnm.vietbao.com/a191234/dinh-menh-da-an-bai-chi-tiet-ve-toa-thuoc-cua-dat-ma-su-to-tri-lanh-benh-ung-thu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.