Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Nhà thơ Phạm Cao Hoàng với “Hành Phương Đông”

 Mặc Lâm, biên tập viên RFA


Nhà thơ Phạm Cao Hoàng (phải) và Họa sĩ Đinh Cường. (ảnh chụp trước đây)
Nhà thơ Phạm Cao Hoàng (phải) và Họa sĩ Đinh Cường. (ảnh chụp trước đây)
Courtesy sangtao.org

 

Trong chương trình Văn hóa Nghệ thuật hôm nay Mặc Lâm xin giới thiệu nhà thơ Phạm Cao Hoàng và bài thơ Hành Phương Đông của ông.

Nhà thơ Phạm Cao Hoàng trước năm 75 đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn học của Sài Gòn cho tới khi những tờ báo một thời ấy vĩnh viễn đóng cửa. Nhà thơ, giống như mọi người con dân khác trôi nổi trên dòng chảy nghiệt ngã của lịch sử cho tới gần hai mươi lăm năm sau ông may mắn qua được bến bờ bên kia đại dương, nơi hàng triệu người như ông hướng tới để tìm một mảnh đất tự do trong cả hai lĩnh vực vật chất và tinh thần.

Trong hầu hết quảng thời gian Phạm Cao Hoàng sáng tác, ông chú ý đến thơ nhiều hơn các thể loại khác. Có lẽ thơ chảy trong con người nghệ sĩ ấy bừng bừng như nham thạch và từ sức nóng của hoàn cảnh chính trị trong thập niên 70 khiến nhà thơ quẫy đạp trong thinh lặng của thi ca như tín đồ cung hiến lên thượng đế những bài kinh nhật tụng, khi thành khẩn, lúc mỏi mê nhưng bao giờ cũng một lòng kính cẩn.

“Thật ra thì trước 75 tôi tham gia cộng tác với một số các tạp chí văn học tại Sài Gòn như Văn, Bách khoa, Thời tập, Khởi hành, Vấn đề… được khoảng 6 năm tức từ năm 1969 tới năm 75 sau đó thì ngưng viết, giai đoạn đó chủ yếu tôi làm thơ không viết truyện. Tôi sang Mỹ năm 1999 khi sang bên này thì tôi có tham gia sinh hoạt với nhóm anh em tạp chí Thư Quán Bản Thảo và anh em nhà xuất bản Thư Ấn Quán của anh Trần Hoài Thư và thỉnh thoảng tôi có cộng tác với tạp chí Tân Văn ở California.”

Thật ra thì trước 75 tôi tham gia cộng tác với một số các tạp chí văn học tại Sài Gòn như Văn, Bách khoa, Thời tập, Khởi hành, Vấn đề… được khoảng 6 năm tức từ năm 1969 tới năm 75 sau đó thì ngưng viết.
-Phạm Cao Hoàng

Hình ảnh người yêu là chủ đề muôn thuở đối với bất cứ nhà thơ lớn hay nhỏ nào. Hình như thiếu dáng dấp của môi cười hay hơi thở của phía còn lại sẽ khiến cho thơ chết mất và nếu không chết thơ cũng nhợt nhạt một màu.

Riêng Phạm Cao Hoàng có một không khí khác trong thơ của ông, không khí của tráng sĩ, của kẻ bôn ba trên chiến trường, một hôm nào đó gặp lại bạn xưa trên con đường sương gió. Túi rượu chưa tuôn mà lời thơ như không dằn được. Thơ chảy trào lênh láng, thơ bùng bục sôi trong ngôn ngữ thi ca mang đậm chất giang hồ hơn một lần mỏi mệt.

Hành Phương Đông

Bạn ta, áo ngươi sao bạc thếch
Chiều nay còn một ngươi với ta 
Ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng 
Ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa

Ngươi phong trần ta cũng giang hồ 
Vó ngựa qua nhịp khua lóc cóc 
Buổi ra đi đâu mơ ngày về 
Nhưng chiều nay ngươi ơi ta muốn khóc

Ngươi ba mươi ta cũng ba mươi
Kể cũng đã mười năm rồi, xa lắc 
Thì vui đi cho hết một đời 
Rằng ta kẻ trời cho sống sót

Đôi khi ta mơ một căn nhà trống 
Dù thu sang hay lồng lộng buổi mưa về 
Gõ trên quãng đời xưa mà hát
Rằng ngàn năm mây trắng đời ta

Bạn ta, còn đây lưng chén rượu
Ta mời ngươi cạn nốt cùng ta 
Dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc 
Cũng cầm bằng như bóng mây qua

Cũng như là những giọt máu hồng
Đã nhỏ xuống trong mùa xương máu
Bên trời kia, ngươi nghe gì không 
Tiếng ai vọng đau mấy chiều cố xứ

Trong lòng ta có một dòng sông 
Dòng sông xưa đục mù bến nước
Lau lách khuya sương lạnh hàng hàng 
Bạn ta hỡi, làm sao quên được

Sống cùng với nhân vật

Từ trái: Nguyễn Ngọc Phong, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Trọng Khôi, Ðinh Cường tại nhà Phạm Cao Hoàng buổi họp mặt đêm 02/26/2011. Photo courtesy of www.khoiart.com.
Từ trái: Nguyễn Ngọc Phong, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Trọng Khôi, Ðinh Cường tại nhà Phạm Cao Hoàng buổi họp mặt đêm 02/26/2011. Photo courtesy of www.khoiart.com. Photo: RFA

Tráng sĩ dù có rút gươm ra hay không thì lưng cũng đã mòn vì sương gió. Chất hào khí ấy làm bài thơ Hành Phương Đông của ông có một sức sống khó cưỡng và từ đó hình ảnh vừa thật vừa ảo như trong truyện xưa làm người nghe cảm hứng như mình đang sống cùng với nhân vật.

“Thật ra cảm xúc lúc đó của tuổi trẻ lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, năm tôi viết bài thơ đó là năm tôi 21 tuổi cho nên bài thơ nó cũng giống như một nỗi buồn chiến tranh, cũng là nhân chứng của thời kỳ đó. Sau này tiếp nối cái bài đó khi chiến tranh kết thúc thì tôi có bài: Một bông hồng nở giữa tim anh” nói về cảm xúc, niềm vui khi mà mình thấy hòa bình lập lại tại Việt Nam.”

Ta chợt thấy trong đôi mắt ngươi 
Có điều gì ngươi chưa thể nói 
Mây vẫn còn giăng trắng một trời 
Hồn ta cũng giăng đầy sương khói

Có nỗi buồn nào đang len trong từng mạch máu
Có mũi nhọn nào đâm trong tim ta từng cơn 
Cạn chén rượu thấy trời đất sụp 
Ta cũng như ngươi, có vui gì hơn

Bạn ta, ngươi sống có bao năm
Mà sương gió đầy trên mái tóc 
Ta cùng ngươi đi giữa phương đông 
Đất rộng quá nên ngàn năm còn cô độc

Mây trắng quá và chiều tê tái lắm
Biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai
Ta cùng ngươi những bóng đời lếch thếch 
Chiều tan mau rồi vẫn bóng đêm dài

Sống nửa đời chẳng có một quê nhà
Buổi lận đận thân gửi nhờ đất khách 
Chẳng lẽ ta ôm lòng mà chờ
Chờ một thuở huy hoàng trên mặt đất

Chẳng lẽ ta bắt chước người xưa
Ôm chí lớn đi cùng trời đất 
Trăm năm rồi như bóng mây qua 
Chí đã cùn nên thiên thu đành chôn chặt

Hình ảnh những người lính

Thật ra cảm xúc lúc đó của tuổi trẻ lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, năm tôi viết bài thơ đó là năm tôi 21 tuổi cho nên bài thơ nó cũng giống như một nỗi buồn chiến tranh.
-Phạm Cao Hoàng

Bài thơ Hành Phương Đông được đăng trong tạp chí Khởi Hành vào năm 1971, khi ấy hình ảnh những người lính trên mọi nẻo đường Việt Nam đã trở nên quen thuộc. Phạm Cao Hoàng nhà thơ ngồi xuống vệ đường nói chuyện với Phạm Cao Hoàng người lính. Hai trong một ấy khiến bài thơ nóng dần lên theo mạch chuyện để rồi không có lời kết nào cho thân phận của họ trong mịt mùng chiến tranh, mịt mùng phía trước.

Chẳng lẽ ta học người thất thế
Mượn dăm chén rượu lãng quên đời 
Hay ngửa mặt ngâm câu khí khái 
Giữa chợ đời lê gót rong chơi

Bạn ta, vui chi mà cười ngất 
Buồn chi đập chén vỡ tan tành
Mây phương nam có khi mù phương bắc 
Có khi là mây chia cắt ngàn năm

Ta có khi đứng bên tuyệt lộ 
Thấy một màu nắng úa dưới nhân gian 
Lớp lớp những mồ xanh bóng cỏ 
Huyệt sâu kia ta đã có phần

Thời xuân thu chẳng thấy ngọn ngô đồng
Chim phượng bay dưới trời tan tác 
Thời hoàng kim của mưa đổ máu hồng 
Kẻ thất chí nhìn trời rơi nước mắt

Ta với ngươi đứng giữa vực tử sinh 
Vẫn thấy bay một trời mây trắng
Nghe quanh đây trời đất quá điêu tàn
Không còn ai giữa chiều thoi thóp nắng

Trong mắt ngươi có bóng đời ta tan vỡ
Có mùa đông quê cũ rét mưa phùn 
Có đầu thu rụng đầy bông khế 
Có bông cúc vàng nở rộ chớm sang xuân

Có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
Nhả khói buồn tan với hoàng hôn 
Có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ 
Bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng

Chiều nay đèn nhà ai thắp sáng 
Nghe rộn ràng bên lớp khói đùn quanh 
Mười năm, ta hay ngươi người viễn khách 
Rét về chưa mà hồn lạnh căm căm

Phạm Cao Hoàng tự vỗ vai mình, cúi nhìn đôi giày đã bạc màu sương gió và tự than như một lưu khách không biết bụi đường còn nặng bao xa. Người tráng sĩ ấy không đau dài nỗi tả tơi như Tô Thùy Yên trong Trường Sa Hành:

“Ta ngồi bên đống lửa man rợ, / Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,

/ Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp / Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.”

Và cũng không ngồi giữa chợ mà gọi thế nhân như Nguyễn Bính trong Hành Phương Nam, một bài thơ đưa người lữ hành vào thẳng trong tim người đọc.

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ? / Đã đẩy phong yên lộng bốn trời / Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ / Uống say mà gọi thế nhân ơi!”

Trang sách thơm mùi hoa phượng

Ta cùng ngươi đi giữa phương đông 
Giày đã rách nhưng chân chưa thấy mỏi 
Vỗ trên lưng ngày tháng mà ca rằng 
Giữa trần gian ta như hạt bụi

Bụi dẫu có ngàn năm chờ đợi
Cũng ngậm ngùi tan với hư không 
Ngươi dẫu cạn bao nhiêu hồ rựou
Cũng dễ chi đã ấm được lòng

Cũng không bằng một sớm mùa đông 
Quàng khăn rét ngồi bên cửa sổ
Hay co ro bên bếp lửa hồng 
Ấm đời nhau dăm câu chuyện kể

Thời bây giờ ta như chim bị đạn
Kêu đau thương nay đã suốt bao chiều 
Bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh 
Đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu

Thời bây giờ, của những giọt nước mắt 
Ứớt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa 
Thời của những khăn tang chít vội 
Thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa

Thời huy hoàng của những bầy quạ đen 
Bay phơi phới giữa phương đông hực lửa 
Thời của những người đã đánh mất trái tim 
Chỉ còn bóng hận thù vây mọi phía

Cắn trong răng một trái bồ hòn
Không thể nói những điều muốn nói 
Ta cùng ngươi những bóng đời thầm 
Nhìn mây trắng lòng đau vời vợi

Đã bao năm dòng máu ta sắp cạn 
Mà nơi đây không một bóng ai về 
Rụng tan tác những mùa hoa rụng 
Mà mây thì mây trắng lê thê

Ta cùng ngươi vẽ bóng mà chờ 
Cùng mặt đất quay theo thời chiến quốc 
Chiều nay còn một ngươi với ta 
Bước khập khiểng dưới trời cô độc

Có tiếng tù và vang vang trong gió 
Âm thanh buồn xé vỡ không gian 
Cũng là lúc nụ cười ta héo hắt 
Chiều thê lương trời đất quá điêu tàn

Có tiếng ai vọng từ muôn kiếp trước
Bông hồng nào vừa rụng giữa lòng ta 
Trong mắt ngươi có chút gì u uất 
Soi long lanh bóng dáng một quê nhà

Kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
Ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm
Vui có khi cười ra nước mắt
Có khi là rượu say khướt hoàng hôn

Ruột có khi tưởng lìa chín khúc 
Máu có khi ứ giữa buồng tim 
Cũng đành sống cho qua thời mạt kiếp 
Dù tháng ngày chụp xuống những oan khiên

Bạn ta, bên kia sông là núi
Núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi 
Núi tiếp sông và sông tiếp biển 
Sông tiễn người qua bến phân ly

Sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu 
Mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
Gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
Bởi máu đã nhuộm hồng sông nước

Bấc đã lụn nên đèn leo lét 
Gót ai qua rờm rợp khắp non sông
Trên mặt đất người người rơi nước mắt 
Và nơi đây ta ngậm nỗi căm hờn

Ta cùng ngươi đi giữa phương đông 
Thương vườn ai đìu hiu dăm xác lá 
Mái rêu phong cửa khép im lìm 
Nhà ai đó giống quê nhà ta quá

Giậu ai đó đỏ hàng dâm bụt
Ngỡ như màu mực tím thuở mười ba 
Nghe thoang thoảng mùi hương sách mới 
Có chút gì nghèn nghẹn giữa tim ta

Bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa
Đất rộng quá biết đâu là cố lý 
Và nơi đây hiu hắt những đời người 
Dài râu tóc ngồi mơ thời thịnh trị

Lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí 
Sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương 
Nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp 
Ta cùng ngươi quay với bóng tang thương.

Với 164 câu thơ Phạm Cao Hoàng đưa người đọc thơ ông trở về với một thời mà văn học còn đậm đặc nét lãng mạn của trào lưu Thơ Mới. Hành Phương Đông phần nào giúp những người từng yêu phong trào này quay lại với trang sách thơm mùi hoa phượng hay rổn rảng tiếng binh đao.

Hai người trong Hành Phương Đông của Phạm Cao Hoàng tuy trầm tư, cách điệu, đôi khi bất cần với những biến động chung quanh nhưng người đọc cũng nhận ra một điều sự trầm tư ấy chẳng qua là động tác giả, động tác che lấy nỗi đau của mình bằng một nỗi đau khác mà trong đó sự hoang mang đã trở thành thói quen không thể che dấu.

Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Hành Phương Nam của Nguyễn Bính và rồi Tô Thùy Yên bùng nổ với Trường Sa Hành mang một dấu ấn cho văn học Việt Nam và sau đó trở thành bất hủ. Thể loại “Hành” có lẽ thích hợp với tự sự, vừa đi vừa kể chuyện mình, chuyện người trong đó lấy mình ra vừa làm người kể lẫn người nghe, đơn độc và nhuốm màu ly tán.

Hành Phương Đông của Phạm Cao Hoàng mặc dù chẳng nổi tiếng như những tác phẩm vừa nói nhưng khi đọc lên người ta không thấy chút gì ngượng ngập, mang cung cách trình diễn hay bất cứ sự gượng ép nào, có lẽ đó là điều thành công của Hành Phương Đông mà tác giả của nó đã một lần rồi thôi, mang vào dòng chảy văn học Việt Nam.


Source: https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/LiteratureAndArts/poet-pham-cao-hoang-ml-06282014075856.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.