Source Internet.
Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (1940-2002)
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Thủ Dầu Một, nằm ở phía đông Sài Gòn. Cha là Lê Văn Nguyện và mẹ Chung Thị Duyên, một người Việt gốc Chàm lai Trung Hoa.
Lê Thành Nhơn say mê nghệ thuật từ nhỏ. Ông học trung học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương, một trường chuyên về trang trí, thiết kế đồ gỗ, đồ gốm và đặc biệt là sơn mài, nguồn cung cấp nghệ nhân chủ yếu cho các trung tâm sơn mài nổi tiếng tại Việt Nam như Thành Lễ và Trần Hà.
Sau đó, Lê Thành Nhơn thi đỗ vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1963, lúc đang còn là sinh viên, tượng của ông đã được tuyển chọn để tham dự cuộc Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Lần Thứ Tư được tổ chức tại Paris. Năm sau, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, cùng khoá với Đỗ Quang Em, một trong những người bạn thân nhất của ông.
Tốt nghiệp, ông về dạy học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương. Hai năm sau, tháng 3 năm 1966, ông bị động viên. Ông ở trong quân đội cả thảy bốn năm, đến tháng 6 năm 1970 thì được giải ngũ với cấp bậc thiếu uý, sau khi bị thương nhẹ trong một cuộc hành quân. (Nhẹ, nhưng chất chì trong viên đạn bắn vào người ông, đến giữa thập niên 90, vẫn còn làm độc, khiến ông phải nằm viện mấy tuần lễ!)
Ngay khi vừa phục viên, ông được mời làm giáo sư điêu khắc tại trường Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định, đồng thời làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Mỹ Thuật Huế. Mấy năm sau, từ năm 1973, ông được mời giảng dạy tại trường Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Mặc dù phải dạy học ở nhiều nơi như vậy, Lê Thành Nhơn vẫn dành nhiều thì giờ và tâm huyết cho công việc sáng tác. Các sáng tác của ông thời gian này phần nhiều có kích thước khá lớn, trong đó nổi bật nhất là bức tượng Quan Thế Âm bằng đồng tại trung tâm Liễu Quán ở Huế cũng như bức tượng Phan Bội Châu bằng đồng, cao đến 3,5 mét cũng tại Huế. Bằng xi-măng thì có bức tượng Phật Thích Ca hiện dựng tại trung tâm Phật học Huệ Nghiêm ở Phú Lâm, Sài Gòn, cao đến 4,5 mét; bức tượng Phan Thanh Giản cao hơn 3 mét đã bị đập phá vào năm 1975, và bức tượng Thiếu Nữ Việt Nam cao 4 mét hiện còn trong tư gia người nhà của ông tại Sài Gòn (1)
Cuối tháng 4 năm 1975, gia đình Lê Thành Nhơn may mắn nằm trong danh sách những người đầu tiên thoát khỏi Việt Nam. Sau mấy tháng tạm trú ở đảo Guam, gia đình ông được định cư tại Úc vào tháng 9 cùng năm. Để mưu sinh, thoạt đầu Lê Thành Nhơn làm nghề sơn xe trong hãng xe hơi Toyota; sau đó, ông đổi sang làm nghề bán vé xe điện trong suốt mười năm, từ 1976 đến 1986. Năm 1987, Lê Thành Nhơn được mời dạy kiến trúc tại Đại Học RMIT, Melbourne. Năm sau, nghỉ dạy, ông cùng một người bạn mở trung tâm Bình Dương Ceramic chuyên sản xuất các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Tác phẩm thì đẹp nhưng hoạt động thương mại rất mực èo uột, không mang lại lợi tức bao nhiêu. Đến năm 1996 thì ông nghỉ hẳn, chỉ ở nhà vẽ tranh.
Mấy chục năm định cư tại Úc, Lê Thành Nhơn sáng tác khá nhiều. Về điêu khắc, ông có một số tác phẩm được đúc đồng như tượng Dr Phillip Law hiện đang bày tại đại học Monash ở Melbourne và đại học Tasmania tại tiểu bang Tasmania, Úc; tượng Joy cao khoảng 2m5 hiện dựng trước sân trường đại học Monash (Caulfield campus), tượng “Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện bày ở Mekong Club tại Sydney, tượng Phật Thích Ca hiện bày tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc tại Thủ đô Canberra, v.v... Về hội hoạ, Lê Thành Nhơn có khoảng vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như bức Yarra River dài 4 mét, bộ Tứ Đại gồm bốn bức (“Đất”, “Nước”, “Gió”, “Lửa”), mỗi bức cao 2 mét và dài 6 mét (riêng bức “Gió” dài đến 6,5 mét), v.v...
Sự nghiệp của Lê Thành Nhơn được đánh giá rất cao. Bức tượng Phan Bội Châu của ông được xem như một bộ phận trong quần thể di sản văn hoá cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Tại Úc, Lê Thành Nhơn là một trong số ít nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc cũng như Viện Bảo Tàng Di Dân tại tiểu bang Victoria.
Vào đầu tháng 2 năm 2002, Lê Thành Nhơn bị bệnh, được chở vào bệnh viện, và được các bác sĩ cho biết là ông bị ung thư gan. Lê Thành Nhơn được chở về nhà, mỗi tuần một lần vào bệnh viện để được chữa bằng hoá liệu pháp (chemotherapy). Có lúc ông rất lạc quan, ngỡ có thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên đến cuối tháng 10 thì bệnh ông đột ngột trở nặng. Lê Thành Nhơn được chở vào Royal Melbourne Hospital vào trưa Thứ Sáu, 1.11.2002. Đến 4giờ30 chiều Thứ Hai, ngày 4 tháng 11, thì ông trút hơi thở cuối cùng.
Lê Thành Nhơn ra đi, để lại một vợ và bốn con. Tất cả các con ông đều đã trưởng thành, trong đó, người con trai thứ hai, Hưng Lê, là một danh hài của Úc.
(Nguyễn Hưng Quốc soạn, dựa trên lời kể và một số tài liệu do Lê Thành Nhơn cung cấp)
(1) LTS: tượng này được dựng ở công viên Hai Bà Trưng, thành phố Huế năm 2012 dưới tên "Cô Gái Việt Nam".
Một Số Hình Ảnh của Lê Thành Nhơn
Lê Thành Nhơn tâm sự với con trai Hưng Lê về nghệ thuật, điêu khắc và Việt Nam: Youtube
Lê Thành Nhơn nói chuyện (bằng tiếng Anh) với Đài Truyền Hình SBS Úc Châu: Youtube
"If you love something, you have to do it. Otherwise, you'll have nothing!" - Lê Thành Nhơn
"Nếu bạn yêu thích một cái gì thì bạn phải quyết chí thực hiện. Nếu không, bạn sẽ không có gì cả!"
Một Số Tác Phẩm Nổi Tiếng
Tượng Đức Phật Thích Ca ở sân Chùa Huệ Nghiêm, Sài Gòn: bằng xi măng cao 4,5m, ngang gối 4,5m
Tượng Chân Dung Quan Thế Âm trước Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán của Phật Giáo ờ Huế
Pho tượng Phan Bội Châu bằng đất sét được đúc thành tượng đồng cao hơn hai thước, nặng gần bốn tấn, dựng tại bờ sông Hương năm 2012.
Tuợng Cô Gái Việt Nam, chiều cao 2,8m nặng gần 5 tấn bằng chất liệu xi măng trắng, thực hiện năm 1970, được đặt tại công viên Hai Bà Trưng, Huế (trường Đồng Khánh cũ)
Tượng Đức Mẹ (Madonna Statue) - Montserrat Country Retreat- Victoria, Úc Châu
Tượng "Chân Dung Ông Tù" (Nguyễn Chí Thiện lúc còn trong tù)
Mô hình tượng Phật Thích Ca
"The Music Players" - 1977- tranh sơn dầu trên bố, 129 x 100 cm
"Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm " -
Kiều đàn cho Hoạn Thư & Thúc Sinh ( Đoạn Trường Tân Thanh - Nguyễn Du)
> Xem thêm tranh minh họa Truyện Kiều của Lê Thành Nhơn (pdf)
Tưởng Nhớ Lê Thành Nhơn - Kỷ niệm ngày giỗ 10 năm
Hoàng Ngọc Tuấn và Võ Quốc Linh trước mô hình Đức Phật Thích Ca của ĐKG Lê Thành Nhơn
Hoàng Ngọc Tuấn (Úc Châu) tâm sự: > phần 1 > phần 2 > phần 3 (youtube)
Võ Quốc Linh & Hoàng Ngọc Diệp (Úc Châu) tâm sự (youtube)
Nhớ Lê Thành Nhơn, nghĩ về sự sống của người nghệ sĩ - Nguyễn Hưng Quốc (pdf)
(Lê Thành Nhơn)
"Giống như mọi người, người nghệ sĩ, dù tài hoa đến mấy, một lúc nào đó cũng sẽ chết. Có khi hắn còn chết sớm hơn vô số người bình thường khác. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ có tài năng lớn, chúng ta hay dùng chữ “bất tử”. Là sống mãi. Vậy, sự sống của hắn nằm ở đâu? Câu trả lời đơn giản: ở tác phẩm. Chỉ ở tác phẩm.
Tác phẩm chứ không phải là tiếng tăm. Ở không hiếm người, tiếng tăm lớn hơn tài năng thực sự của họ. Nhưng tiếng tăm, không gắn liền với độ bền vững của tác phẩm, chỉ là những giai thoại phù du. Một lúc nào đó, chúng sẽ biến mất. Như bọt. Tiếng tăm không cứu được tác giả; và tác giả không cứu được tác phẩm. Ngược lại: chỉ có tác phẩm mới cứu được tác giả và tác giả mới cứu được tiếng tăm. Đó là một con đường ngược chiều với những cách hiểu thường tình." - Nguyễn Hưng Quốc
(Nguyễn Hưng Quốc)
Lê Thành Nhơn trong lòng bạn bè - Nguyễn Hưng Quốc (pdf)
Tưởng Nhớ Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn
HUỲNH HỮU ỦY
Lê Thành Nhơn và Tượng Đức Mẹ Việt Nam
Khi được tin Lê Thành Nhơn qua đời vào tháng 11 năm 2002 ở Úc, chúng tôi có bài viết tưởng niệm anh, in trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 165&166, năm 2003.
Đó cũng là dịp để chúng ta có thể nhìn lại toàn bộ sự nghiệp và phần nào đánh giá những công trình nghệ thuật anh đã để lại cho cuộc đời. Bài viết có sử dụng nhiều dữ kiện và trích lại một phần đã viết về Lê Thành Nhơn trong "Nghệ thuật tạo hình Sàigòn trước năm 1975" in ở phần đầu của sách này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng in lại nguyên văn dưới đây, không cắt xén bớt, để bạn đọc có thê có một cái nhìn toàn diện và liền mạch về chân dung nhà điêu khắc lớn của chúng ta. (H.H.U)
Trước năm 1975, ba nhà điêu khắc trẻ Mai Chửng, Trương Đình Quế và Lê Thành Nhơn, mỗi người một phong cách riêng, đã góp phần tạo nên một vẻ mặt sinh động cho nền điêu khắc trẻ trung của miền Nam. Rồi thời thế đổi thay nhiều quá, mỗi người lưu lạc một phương trời, nhưng dường như cả ba đều luôn giữ ngọn lửa sáng tạo cháy sáng trong lòng mình. Trương Đình Quế ở lại trong nước, bị bủa vây vì biết bao gian khổ ràng buộc, từ khó khăn về kinh tế của một đời sống nghèo nàn xuống cấp không tưởng tượng được chung quanh, cho đến những áp đảo trầm trọng về tinh thần, anh vẫn giữ vững tinh thần và vẫn có những tác phẩm đẹp, với cách nhìn mạnh mẽ và sáng.
Cũng nên nhắc đến Phạm Văn Hạng, đi tiếp con đường Trương Đình Quế đang đi, và đã dựng được nhiều tác phẩm rất đồ sộ, có thể nói là những công trình điêu khắc lớn, mang nhiều dấu vết thời đại mà lại rất vững chắc, hoành tráng, đáng kể như chưa từng thấy. Trong khi ấy, Mai Chửng lưu lạc ở Mỹ, phải bỏ nghề vì thúc bách trong cuộc sống mới quá khủng khiếp, nhưng cái ám ảnh của nghề, của nghiệp, của nghiệp chướng, hay đúng hơn là cái thúc đẩy của đời sống bên trong tâm hồn, đòi hỏi phải làm một cái gì cho mới mẻ. Vậy là Mai Chửng bỏ việc sinh nhai để trở lại với điêu khắc thiết cốt của anh. Một số tác phẩm mới của Mai Chửng đã vượt qua nhiều chặng đường cũ của chính anh trước đây; anh vừa mới mang lại cho chúng ta một số tác phẩm vừa được đúc đồng xong, với một cách nhìn rất mới mẻ. Nhưng ở tuổi sáng tạo chín muồi ấy, Mai Chửng lại chia tay vĩnh viễn với chúng ta, dở dang bao nhiêu công trình đang nuôi dưỡng.
Năm vừa qua, nền nghệ thuật của đất nước mất đi một tài năng lớn đang ở độ sung mãn thì năm nay chúng ta lại mất thêm Lê Thành Nhơn: một nhà điêu khắc nổi bật đặc biệt trên vùng đất mới Úc châu, được ghi nhận vì những đóng góp sáng giá của anh. Nhân tài như lá mùa thu, trời đất quả là có phần bất công với nền nghệ thuật của chúng ta, mà những ngọn lá ấy cũng chưa vàng úa hẳn, chỉ mới đổi màu đã tan tác lìa cành. Không riêng trong lĩnh vực điêu khắc, mà nói rộng hơn một chút là nghệ thuật tạo hình, cách đây vài năm chúng ta mất Ngọc Dũng, rồi Mai Chửng, tháng trước là Lê Thành Nhơn, mới cách đây vài ngày là Bửu Chỉ. Đều là những giá trị và tài năng không có gì thay thế và bù đắp được.
Tôi đã có dịp đề cập đến Ngọc Dũng (1) , sẽ có dịp nói đến Mai Chửng và Bửu Chỉ. Với bài viết này, xin trở lại với Lê Thành Nhơn.
Trong khoảng thời gian 1970-1975, Lê Thành Nhơn được công chúng chú ý đến một cách đặc biệt vì dự án xây dựng mười tượng đài danh nhân tầm cỡ của Việt Nam. Tập trung suy nghĩ, thu thập tài liệu và thực hiện liên tục nhiều phác thảo trong tình trạng nghiên cứu, Lê Thành Nhơn hăm hở, nhiệt tình dồn hết tất cả sức lực của mình, quyết dựng những tượng đài to lớn các danh nhân đất nước, mỗi tượng đài sẽ là một tác phẩm cô đọng những nét đặc trưng nhất. Trước tiên anh bắt tay thực hiện chân dung Nguyễn Trung Trực, pho tượng lớn được đắp bằng đất sét thử nghiệm nơi xưởng làm việc của anh giữa một khu vườn ở đường Nguyễn Du, Quận I, Sài Gòn, dự trù sẽ đúc đồng để dựng ở Rạch Giá, trên chính vùng đất nhà anh hùng dân chài đổ dòng máu dâng trào vào những ngày đầu Nam Bộ kháng Pháp. Thời kỳ này, pho tượng Phan Thanh Giản cao 2.5m cũng đã được hoàn tất, thực hiện bằng xi măng cốt sắt.
Cuối thập niên 60, đầu 70, đang giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, được mời thỉnh giảng ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, trong những ngày đi về làm việc ở Huế, ý định của anh về những công trình này càng được thôi thúc thêm giữa bầu khí sôi sục của một thành phố hừng hực lửa đấu tranh. Những tượng đài Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu... nhất định sẽ phải được dựng lên. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, Đại Nội Huế, thành phố Huế vừa lặng lẽ vừa sôi nổi, và những người bạn của Huế đã kích thích, gây nên một sự phấn khích rất đặc biệt để Lê Thành Nhơn hoàn thành pho tượng đồ sộ Phan Bội Châu.
Chân dung Phan Bội Châu, điêu khắc đồng
Chân dung Phan Bội Châu, linh hồn của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã hình thành trong bối cảnh ấy. Giữa khuôn viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, pho tượng được hoàn tất đợt đầu bằng đất sét. Khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại được đắp tạc khá hoàn hảo, đầy tính chiến đấu, lột tả được nét kiên cường, cứng rắn, quyết liệt, cũng như sự thông tuệ rực rỡ vô song. Tượng chỉ là khuôn mặt phóng lớn đầy tính diễn tả, thêm vào đó là những mảng phù điêu đắp nổi, phía hậu diện pho tượng, hình ảnh cuộc đấu tranh bền bỉ của đất nước từ kỷ nguyên thứ nhất cho đến ngày nay. Cũng cần biết thêm là phù điêu hậu diện pho tượng bấy giờ còn dở dang. Các mẫu phù điêu này hiện nay đã được Lê Thành Nhơn hoàn tất; sẽ được thực hiện bằng đồng ở Úc châu, với hy vọng một ngày nào đó trong tương lai sẽ được đưa về ráp thêm vào phía sau pho tượng.
Pho tượng Phan Bội Châu bằng đất sét được người thợ đúc truyền thống của Huế đúc thành tượng đồng cao hơn hai thước, nặng gần bốn tấn, công trình đang thực hiện dở dang thì biến cố 1975 xảy đến. Gần 15 năm trôi qua, pho tượng nằm hoang phế giữa Phường Đúc gần đồi Long Thọ, và mãi đến cuối năm 1987, di tích lịch sử và mỹ thuật này mới được chuyển về dựng lại tại vườn cũ của cụ Phan, rất trang trọng trên đầu dốc Bến Ngự. Pho tượng này đặt ở đây là đã đúng yêu cầu về phương diện lịch sử, tuy nhiên với kích thước của nó, mà có một địa điểm khác rộng lớn hơn, có không gian hơn, thì chắc chắn sẽ tạo nên được nhiều hiệu quả hơn nữa về mặt thẩm mỹ. Dù sao cũng là rất đáng mừng vì pho tượng hiện nay đã được xem là một bộ phận trong toàn quần thể di tích văn hóa nghệ thuật Huế, đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO, tổ chức văn hóa-giáo dục-khoa học của Liên Hiệp Quốc.
Cùng với thời kỳ phác thảo và thực hiện tượng Phan Bội Châu, Lê Thành Nhơn thực hiện khá đạt tượng chân dung Quan Thế Âm trước Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán của Phật giáo ờ Huế. Là tượng Phật Quan Âm, tất nhiên phải giữ một vài quy cách ước lệ cũ, có nghĩa là phải giữ lấy vài điểm chính để gợi ý về biểu tượng này. Tuy nhiên chúng ta cũng nên xem đây là chân dung của một người phụ nữ với phong cách rất lạ, phía trên đầu là một khối hình chóp gần với thể dạng quen thuộc trong mỹ thuật Chàm, với các vũ nữ múa Apsaras, các tượng nữ thần Laksmi hay Siva, khuôn mặt rất bay bổng do đôi mắt thanh nhã, môi mỏng, cổ cao mà tác giả đã tìm cảm hứng hiện thực từ khuôn mặt của một ca sĩ thời danh và rất phiêu lãng lúc bấy giờ. Gần như phong cách tượng Phật Quan Thế Âm vừa đề cập, chúng ta còn tìm thấy vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng cứng cáp và chắc nịch của khối thể nơi tượng Bà Mẹ Việt Nam với chiếc khăn trùm quen thuộc của những bà mẹ Nam Bộ. Tượng này vẫn còn nguyên chỗ cũ, trước sân xưởng làm việc ngày trước của Lê Thành Nhơn, 101 Nguyễn Du, Q.I, Sài Gòn. Trong gần 20 năm sau ngày 30.4.75, rất đáng tiếc là pho tượng này không còn ai để ý tới nên không được giữ gìn, bảo vệ cẩn thận giữa bao nhiêu sắt gạch, gỗ đá chồng chất của một cơ sở xây dựng của thành phố Sài Gòn. Hiện nay tình hình đã đổi khác nhiều, người ta đã bắt đầu biết lưu tâm đến một số giá trị cũ, hy vọng là tượng Bà Mẹ Việt Nam sẽ có chỗ đứng đàng hoàng trong đời sống văn hóa của Sài Gòn, nếu không muốn nói là của đất nước. (*)
Người Phụ Nữ Melbourne, sơn dầu
Nguồn: Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, VAALA, 2008
Năm 1975, định cư tại Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, sau khi vượt qua những khó khăn bước đầu trong cuộc sống mới, Lê Thành Nhơn tiếp tục con đường nghệ thuật trước đây anh đã đi qua ở quê nhà, đã có nhiều đóng góp vào cuộc sống đa văn hóa nơi đây. Bút pháp cũ sống động trở lại với tượng Mẹ Việt Nam, phảng phất khuôn mặt hai pho tượng cũ Quan Thế Âm và Bà Mẹ Việt Nam, dựng giữa Trung tâm Văn hóa Công giáo Hoan Thiện được Đức Giáo Hoàng rất mến mộ. Louise Carbines, một ký giả chuyên về mỹ thuật có tiếng tăm của Úc, trong bài viết "Nuôi sống tinh thần Việt Nam" (Keeping the Sprit of Vietnam Alive) in trên báo The Age số ngày 20.7.1991 (2) , đã đánh giá pho tượng này:
Giữa những tượng thuộc phái trừu tương và những tượng bán thân gân guốc hiện đại, bức tượng Đức Mẹ đứng tĩnh mặc trong xưởng đúc Meridian ở Fitzroy có một sức thu hút tỏa ra từ phong cách và tầm vóc của tác phẩm. Với đường nét hiền dịu tỏa ra từ cặp mắt và đôi tay, chiếc áo dài của người Việt, bức tượng đối tượng của niềm tin rằng ngôi làng Nazareth là một với trái đất, và không có sự phân cách nào giữa Nazareth với một ngôi làng Việt Nam... (*)
Cũng phải kể đến pho tượng Phật đúc đồng của anh được chọn bày tại Bảo tàng Quốc Gia Canberra hồi tháng 6.1991, rồi được lưu giữ vĩnh viễn trong bộ sưu tập của Nhà Bảo Tàng này. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, cũng là người bạn thân thiết của Lê Thành Nhơn, đã cho chúng ta biết Lê Thành Nhơn là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất và là một trong những nghệ sĩ ít ỏi có gốc gác nước ngoài ở Úc có tác phẩm được giữ gìn trong bộ sưu tập này (3). Về các pho tượng khác, như tượng Joy bằng đồng cao khoảng 2.50m được dựng trước sân đại học Monash (Canfield Campus) tại Melbourne, tượng Chân Dung Mùa Thu, Mẹ và Con, (tức là bức tượng về một bà mẹ đưa con mình vượt qua biển dữ để đến nơi an toàn), bộ tượng Sinh, Lão, Bệnh, Tử cũng rất được nhiều người chú ý đến.
Về tượng Phật của Lê Thành Nhơn, tôi rất đồng ý với đánh giá của Thi Vũ: Tượng trong các chùa của nước ta dựng theo mô hình Trung Quốc. Nước nào của Á châu cũng có tượng đặc thù sắc nét dân bản địa: Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Cam Bốt, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nhìn tượng Phật các nước này, ngoài mỹ quan Phật giáo cố định qua 32 tướng tốt và 80 tướng tùy hình của Phật, hình nét dân tộc mỗi nước đều lộ qua sắc diện. Riêng Việt Nam chưa thấy rõ. Tượng Phật Việt Nam mới bắt đầu có đôi chút cách tân với Nguyễn Khoa Toàn ở Huế vào những năm 1930. Và đến nay, Lê Thành Nhơn là một nghệ sĩ tài năng thực sự, một tài năng lớn, đã chuyển hóa được tâm thức quê hương bị vùi lấp từ bao lâu bên bờ quên lãng, sống động trở lại trên khuôn mặt Đức Phật thực sự hết sức tài tình (4) . Chúng ta có thể cảm nghiệm lại điều này khi chiêm ngắm pho tượng Phật cao 4.5m hiện dựng tại Trung tâm Phật học Huệ Nghiêm, Phú Lâm, Sài Gòn. Đặc biệt hơn nữa là hãy trầm lắng chiêm ngắm khuôn mặt thanh thản, từ ái và trí tuệ nơi pho tượng Phật được dự định đặt trên đỉnh một ngôi chùa tương lai (hình in đính kèm bài viết này).
Điêu khắc gia nào cũng phải vẽ tranh. Lê Thành Nhơn cũng vậy. Nguyễn Hưng Quốc cũng đã cho chúng ta biết Lê Thành Nhơn có khoảng vài trăm bức tranh thuộc nhiều khổ khác nhau, trong đó có nhiều bức có kích thước rất lớn, như bức Yarra River dài 4 thước, bộ Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) là một bộ tứ bình, mỗi tấm cao 2 thước và dài 6 thước (riêng bức Gió thì dài 6 thước rưởi) (5) .
Nhìn lại quá trình hoạt động nghệ thuật của Lê Thành Nhơn, chúng ta thấy rất rõ là từ bước đầu, ngay từ những ngày chập chững, rồi tốt nghiệp ở trường Mỹ Thuật cho đến những năm đầu của thập niên 90, Lê Thành Nhơn đã tạo được một phong cách chừng mực của riêng anh: không đi vào con đường truyền thống mà cũng không tiến hẳn vào điêu khắc hiện đại. Có lẽ nên nói rằng, đó là một bút pháp, hay đúng hơn, là kiểu cách ấn tượng của riêng anh. Ấn tượng mà đã nhiều phần ngả sang biểu tượng. Khi tạc một chân dung, dĩ nhiên là anh phải quan sát dáng dấp bên ngoài, nhưng hơn thế nữa, anh tiến vào chiều sâu bên trong, tìm cho ra cái lực đẩy đã tạo ra hình thái bên ngoài. Cách nhìn ấy là chủ quan, nhưng cũng có thể nói khi dựng nên tác phẩm thì nó đã trở nên rất hài hòa giữa cái nhìn chủ quan và thực tại khách quan. Hãy nhìn lại pho tượng Phan Bội Châu, tượng Quan Thế Âm, hay tượng Mẹ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ra ngay điều đó. Và chắc là Lê Thành Nhơn đã học được rất nhiều ở Auguste Rodin về nghề điêu khắc trong kỹ thuật cũng như tư tưởng chủ đạo trên đường đi tìm và thực hiện cái đẹp. Như Rodin đã từng nói:
" Khi một nhà điêu khắc có tài nắn mô hình về thân người, anh ta không chỉ miêu tả những cơ bắp cho thực sinh động, mà chính là anh ta vẽ lại đời sống bên trong của những thân hình ấy, hơn cả sự sống sinh động bên trong nữa..., mà chính là cái lực nội tại tạo thành hình thái bên ngoài của các thân người ấy, tạo cho chúng cái duyên dáng, sức mạnh, vẻ yêu kiều, hay là niềm vui không gì kiềm chế được". (6)
Tôi đã từng thấy Lê Thành Nhơn tìm xem nhiều tài liệu về Phan Bội Châu, hình ảnh Phan Bội Châu, suy nghĩ và phác thảo vô số để cùng đúc kết thành chân dung Phan Bội Châu. Ai đã tùng được gặp cụ Phan thời trước 1940 ở Huế, hay xem nhiều hình ảnh cụ Phan ghi lại trong sử sách thì cũng đều phải thấy là Lê Thành Nhơn đã thực hiện đúng chân dung của cụ. Mà hơn thế nữa, như ý kiến vừa đề cập đến bên trên của A.Rodin, Lê Thành Nhơn đã bằng con mắt chủ quan của mình để nhìn cho ra được cái lực đẩy bên trong tâm hồn cụ Phan, và rồi đã tái tạo trên tác phẩm một cách linh động, tài tình khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại của đất nước.
Giữa thập niên 90, hình như do một cơ duyên rất đặc biệt, Lê Thành Nhơn đã phát hiện được cái đẹp tự nhiên của một số đá tảng, một vài khối đá bị xói mòn hoặc biến đổi vì những hiện tượng địa chất trong một chuyến đi bên Pháp. Rồi từ đó, anh đã đục đẽo thêm, bào mòn những chỗ thừa thãi và có những tác phẩm điêu khắc hiện đại thuần túy. Tôi không được xem những pho tượng này thực sự tận mắt, chỉ được xem các hình chụp lại. Như tượng Nứng bòi hay Cửa vườn Xuân, gợi lên một không khí erotic đầm đìa rất thơ mộng, có những đường uốn lượn gần với Henry Moore, Constantin Brancusi, hay Hans Arp.
Có lẽ cũng nên biết thêm đôi chút về tiểu sử nhà điêu khắc này.
Sinh năm 1940 ở Thủ Dầu Một, một trung tâm thủ công mỹ nghệ lớn phía Đông Sài Gòn, rất nổi tiếng về các sản phẩm sơn mài và gốm, điều này chắc hẳn có nhiều ảnh hưởng về con đường nghệ thuật của anh. Nguyễn Hưng Quốc cho chúng ta biết thêm một chi tiết khá hay là bà mẹ của Lê Thành Nhơn là một phụ nữ Việt Nam gốc Chàm lai Trung Hoa (7) . Tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ và nói chuyện với Lê Thành Nhơn, mặc dù chưa có liên hệ thân thiết, nhưng có thể nói là cũng biết nhiều. Có một điều gì đó mơ hồ nơi anh mà tôi chưa biết được, thì đến nay Nguyễn Hưng Quốc đã cho tôi biết: dòng máu pha trộn nơi anh có chất Chàm. Điều này hẳn cũng ảnh hưởng nhiều vào tác phẩm của anh, cũng như đất đai Thủ Dầu Một đã dễ đưa anh đến với nghề điêu khắc và làm gốm của anh.
Lê Thành Nhơn tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, khóa 9 trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1964, được họa sĩ Lê Văn Đệ ngợi khen và đánh giá là sinh viên ưu tú nhất kể từ ngày trường thành lập. Có lẽ do chỗ tri kỷ ấy mà Lê Thành Nhơn cũng đã từng tạc tượng chân dung bậc thầy này, đặt ở trường Mỹ Thuật Gia Định trước năm 1975.
Giảng dạy ở các trường mỹ thuật Gia Định, Mỹ Thuật Huế, và Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang. Năm 1975, định cư ở Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc. Năm 1987, anh đã được trường Kiến Trúc của Viện Kỹ Thuật Hoàng Gia Melbourne mời dạy học, và sau đó Bộ Giáo Dục mời anh đảm nhận một chương trình đưa nghệ sĩ vào học đường.
Đã tham dự các cuộc triển lãm: Liên Hoan Nghệ thuật Quốc tế ở Paris, 1963; Sài Gòn, 1965 và 1969; Melbourne, 1975; Dusseldorf (Đức), 1975; Bremen (Đức), 1976; Koln (Đức), 1977; Melbourne, 1992; Sydney, 1992.
Đã thực hiện tác phẩm Hành Trình Vào Tương Lai bằng vitrail, ghép kính màu cho Hội đồng Úc châu, Melbourne, năm 1991. Có tác phẩm thuộc sưu tập của Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc (National Museum of Australia) ở thủ đô Canberra và Bảo tàng Antartica.
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940, qua đời ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại bệnh viện Royal Melbourne Hospital, Australia, để lại một sự nghiệp đồ sộ với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Thành phố Vườn, California, 25.12.02
Huỳnh Hữu Ủy
(Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại VAALA, 2008)
Chú thích:
(1) Huỳnh Hữu Ủy, "Tưởng nhớ Họa sĩ Ngọc Dũng", Văn số 45, tháng 9.2000.
(2) Dẫn theo bản chuyển dịch Việt ngữ của Thường Quán, Thế Kỷ 21, số 29, 1991.
(3) Nguyễn Hưng Quốc, "Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn trở bệnh ung thư nguy kịch", Việt Báo Kinh Tế, số ngày thứ Bảy, 23.2.2002.
(4) Thi Vũ, "Tượng, hình và tính siêu việt trong điêu khắc Lê Thành Nhơn", Quê Mẹ, Paris, giai phẩm Xuân Giáp Tuất, 1994.
(5) Nguyễn Hưng Quốc, "Lê Thành Nhơn đã từ trần", Văn Học, California, số 200, tháng 12.2002, trang 136-137.
(6) Dẫn lại trong Art of the 20th Century, Volume II, Ingo F. Walther chủ biên, Benedikt Taschen Verlag GmbH, Koln, Germany, l998, trang 411.
(7) Nguyễn Hưng Quốc, Văn Học, đã dẫn.
Bài viết "Tưởng nhớ điêu khắc gia lê Thành Nhơn" khi in trên Thế Kỷ 21, Tết Quí Mùi, số 165 & 166, tháng Giêng và Hai năm 2003, có hai điểm chưa được cập nhật hóa, nay xin được ghi thêm cho rõ:
1) Về pho tượng Bà Me Việt Nam. Pho tượng này không còn nằm ở địa chỉ 101 Nguyễn Du, Quận I, Saigon nữa. Năm 2000, Lê Thành Nhơn đã trở lại Việt Nam để chuyển pho tượng về gửi ở sân nhà bà dì của anh ở đường Lê Ngô Cát, Quận 3, Sàigòn.
2) Về pho tượng Mẹ Việt Nam. Dựa vào một bài viết của Louise Carbines, chúng tôi đã viết là pho tượng được dựng ở trung tâm Công Giáo Hoan Thiện. Nhưng thực sự thì, pho tượng này không được các cộng đoàn Công Giáo chấp nhận vì không phù hợp với hình ảnh thân thiết và quen thuộc của họ, nên hiện nay vẫn còn được lưu giữ ở một xưởng đúc đồng ở Melbourne. (Chú thích theo ghi nhận của Nguyễn Hoàng Văn, một cây bút đang sống ở Úc, trong bài viết Đôi mắt Lê Thành Nhơn..., Tạp chí Văn, California, số 72, tháng 12, 2002, trang 46).
Nhân cần đính chính hai điểm trên, chúng tôi cũng xin trích đăng thêm ở đây bài viết Lê Thành Nhơn:
Một Nghệ Sĩ Lớn của Hoàng Ngọc Tuấn
(http://tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=378)
in trên số báo Văn vừa dẫn, tức số đặc biệt Chia Tay Họa Sĩ - Điêu Khắc Gia Lê Thành Nhơn (1940-2002). Hoàng Ngọc Tuấn, người bạn gần gũi và thân thiết với Lê Thành Nhơn, là một tài năng văn nghệ đa dạng, hoạt động trong nhiều lãnh vực: âm nhạc, kịch nghệ, văn chương. Chính với thuận lợi như thế, Hoàng Ngọc Tuấn đã phác vẽ lại được, chỉ trong mấy nét chấm phá, bức chân dung Lê Thành Nhơn thực vô cùng linh hoạt. Bài viết này được viết từ ngày 9 tháng 1 năm 2000, nhân cuộc triển lãm hội họa Lê Thành Nhơn mang tên "Giao Hưởng của Âm và Sắc" tại Turbine Gallery, Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney.
Lê Thành Nhơn: một nghệ sĩ lớn – Hoàng Ngọc Tuấn
Lời người viết: Bài này được viết vào ngày 9 tháng 1 năm 2000, nhân cuộc triển lãm hội hoạ Lê Thành Nhơn mệnh danh "Giao Hưởng của Âm và Sắc", tại Turbine Gallery, Casula Powerhouse Arts Centre, Sydney.
Suốt hơn hai mươi lăm năm qua, trong số bằng hữu nghệ sĩ người Việt, tôi chưa từng gặp ai đem đến cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ về sức sáng tạo như Lê Thành Nhơn. Từ những ngày đầu tiên biết anh ở Đại Học Duyên Hải Nha Trang vào năm 1973, cho đến lần tôi xuống Melbourne thăm xưởng vẽ của anh cuối năm ngoái, mỗi lần gặp anh là một lần tôi nhận thấy anh như một đại thụ nẩy thêm những nhánh mới rất tinh khôi và cường tráng, sản sinh thêm nhiều hoa trái làm tôi choáng váng và sung sướng.
Năm ngoái, ghé thăm xưởng vẽ của anh, vừa bước vào, tôi đã thấy ngợp cả người. Xưởng vẽ của anh tràn ngập tác phẩm mới. Chữ "mới" tôi dùng ở đây không có nghĩa đơn giản để nói về những tác phẩm mới được hoàn thành, mà để nói về những tác phẩm đạt đến cái mới về mỹ học. Lê Thành Nhơn luôn luôn mới như thế. Mỗi một bức tượng anh hoàn thành, một loạt tranh anh đưa ra, là một bằng chứng rõ ràng về thái độ tiếp cận mới đối với kỹ thuật thể hiện, và về sự vượt thắng cảm thức mỹ học sẵn có của bản thân. Anh thường nói: "Như một con người, tôi yêu thương kỷ niệm. Nhưng như một nghệ sĩ, tôi không nhìn lại những gì đã làm xong ngày hôm qua."
> Mời đọc: toàn bài viết của Hoàng Ngọc Tuấn (pdf)
Trở về với Đất - Đinh Cường
Hình ảnh còn đậm nét trong trí nhớ tôi, về một người bạn làm điêu khắc luôn nuôi hoài bão lớn. Đã nhồi hàng tấn đất sét để làm tượng, nay lại đành xuôi tay trở về với Đất.
Cùng sinh tại Thủ Dầu Một, Lê Thành Nhơn, Hồ Hũu Thủ và tôi. Cùng lứa tuổi và những khoá học ở trường Mỹ Thuật Gia Định và Huế. Hai trường, với số sinh viên các khoá, các ngành không nhiều. Phần lớn là quen biết nhau. Điêu khắc lại ít. Mỗi khoá chỉ có vài người có duyên với sáng tác.
> Mời đọc: toàn bài viết của Họa sĩ Đinh Cường (pdf)
Vài kỷ niệm với điêu khắc gia Lê Thành Nhơn
Võ Kỳ Điền
Tôi và Lê Thành Nhơn là bạn từ thưở ấu thơ, chúng tôi lớn lên ở xóm chợ Thủ Dầu Một thuộc thị xã Phú Cường. Hai đứa học trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trãi tọa lạc trên đường Võ Tánh. Cũng trên con đường nầy cách trường năm chục thước có con hẻm nhiều cây xanh, đầu hẻm là tiệm hủ tiếu Cây Dừa, đi sâu tuốt vô hẻm là nhà Nhơn, căn nhà bằng cây lá đơn sơ, cạnh con rạch nhỏ, bên kia là cầu đúc phía nhà thuốc Võ Văn Vân.
Thưở đó mỗi ngày có buổi học tôi thường la cà, lang thang từ nhà, băng ngang qua khu phố chợ, đến nhà Nhơn để rủ đi học chung. Hồi nhỏ, tôi cũng có nhiều bạn nhưng không biết tại sao tôi lại thích cùng Nhơn đi chung hơn là các bạn khác. Có lẽ tánh tình Nhơn hiền lành và ưa chiều chuộng bạn bè. Tôi là thằng nhỏ dễ buồn dễ vui, lại ưa hờn mát, giận lẩy, khó có bạn nào chơi lâu cho được ngoài Nhơn... Bây giờ nhớ lại từ thời con nít đó cho đến bây giờ, hình như hai đứa chưa hề gây lộn hay đánh lộn lần nào.
Đến chơi nhà Nhơn có nhiều thú vị lắm. Nhà tuy nghèo nhỏ và đơn sơ, nhưng tôi đâu để ý mấy thứ đó làm chi. Cái tôi thích nhứt là mỗi lần đến, là Nhơn thường bày ra nhiều trò chơi ngộ nghĩnh. Những ngày nghỉ học tôi cùng Nhơn lội xuống rạch bên hông nhà để móc đất sét xám đen dẻo quánh lên phơi khô để nắn tượng. Tôi và Nhơn tha hồ mà nắn trâu, bò, gà, vịt, chó, heo, ông già, con nít... Trò chơi thiệt là vui và kỳ lạ. Tôi vốn làm biếng và thích ở dơ, nên việc vọc bùn vọc đất tay chưn mặt mũi tèm lem tuốt luốt thiệt là hạp.
> Mời đọc toàn bài viết của Võ Kỳ Điền (pdf)
Ngàn Cây Phượng Trên Ngọn Đồi Đại Học
Trương Vũ
"Điêu khắc gia/họa sĩ Lê Thành Nhơn đã từ trần lúc 4 giờ 30 ngày 4 tháng Mười Một, năm 2002 tại Royal Melbourne Hospital, Úc Châu." tôi nhận được tin này qua một e-mail của Nguyễn Hưng Quốc gởi đến tất cả bạn bè vài giờ sau đó.
Cách đây ba mươi năm, tôi gặp Lê thành Nhơn lần đầu tiên vào một buổi chiều tại nhà chị tôi, họa sĩ Trương Thị Thịnh, trên đường Mạc Đỉnh Chi, Sài Gòn. Lúc đó Nhơn đang cùng dạy với chị tôi ở Cao Đẳng Mỹ Thuật. Cho đến khi gặp Lê Thành Nhơn, mặc dầu tôi rất ham thích nghệ thuật và có quen biết một số nghệ sĩ, tôi không có một bạn thân nào trong giới sinh hoạt nghệ thuật. Ngoài một thời gian ngắn ở trong quân ngũ, cái cộng đồng mà tôi thường xuyên giao tiếp hầu như chỉ gồm có thầy giáo, cô giáo và học trò. Ngoại trừ Trịnh Cung, là bạn thân từ thời ở tiểu học và những năm cùng sinh hoạt Hướng Đạo. Nhưng sau khi Trịnh Cung bắt đầu làm thơ rồi ra Huế học ở Cao Đẳng Mỹ Thuật, tôi vào Sài Gòn, rồi học Khoa Học chúng tôi rất ít gặp lại nhau cho đến mãi sau này, khi Trịnh Cung sang triển lãm tranh ở Mỹ.
Cuộc gặp gỡ với Lê Thành Nhơn đã làm thay đổi nếp sống của tôi rất nhiều. Từ đó cho đến mãi bây giờ, dù vẫn tiếp tục làm việc trong lãnh vực khoa học, bạn bè thân của tôi phần đông lại ở trong giới văn học và nghệ thuật. Cái cách nói say sưa về tác phẩm của mình, đã hay chưa thực hiện, cái gan lì và trì chí để thực hiện cho bằng được những tác phẩm của mình, thường là tác phẩm lớn và thường là khởi đi từ con số không về phương tiện, đã để lại nơi tôi nhiều ấn tượng ...
> Mời đọc: toàn bài viết của Trương Vũ (pdf)
NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐƯƠNG ĐẠI CỦA LÊ THÀNH NHƠN - Biên soạn: Phan Anh Dũng
Tài liệu tham khảo: tienve.org, hocxa.com, bài viết của Hùynh Hữu Ủy, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Cường, Trương Vũ, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Hưng Quốc ... và các website trên internet
Source: http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=1085&Itemid=53