Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

THẰNG CHỒNG VIỆT KIỀU CỦA TÔI

Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như quay cuồng.
Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho “thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt đầu qua đây.
Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều.
Tôi vốn ở Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm nghành Anh Văn và học xong.

Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chãi kiếm sống vì gia đình tôi không thể chu cấp mọi chi phí.

Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện “lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình.

Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.

Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì thu nhập trung bình hàng năm của người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7 ngàn có sao đâu.

Nhưng thánh thần ơi, đó là thu nhập, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,…
Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.

Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm.

Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả nai để được đi Mỹ.

Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn máy).
Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng có tiền.

Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm.
Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến vi tính, uống tóc đến móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.

Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo yêu cầu tôi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.

Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.
Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.

10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có biết tiếng Anh xin làm dễ hơn,....
Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm 2 việc để có hơn 24 ngàn đô-la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có gì.

Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa nước mắt ân hận.
Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong thân hình tiều tuỵ của hắn làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho hắn.

Tôi dễ dàng kiếm việc và hắn nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra viện. Tôi ráng bươn chãi thêm việc cuối tuần để hòng giúp hắn có tiền mua xe khác và cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt hơn.
Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.

Hắn từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức. Tôi muốn có con với hắn để hắn yên lòng vì thế tôi và hắn phải nhịn 6 tháng để hòng hắn có đủ sức lực theo lời bác sĩ.

Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Hắn hạnh phúc và sức khoẻ dần dần tốt hơn. Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khác. Hắn chỉ đi làm việc nhẹ và tôi gánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong hắn khoẻ mạnh trở lại chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.

Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn tôi là hắn.
Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ bị giới hạn. Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ.

Tôi đã sai và sửa sai.

Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.

Nguồn Internet

Sa La Lu Du Ký - 12


Tính từ sau chuyến du hý đến giờ cũng đã gần 2 tháng trời, thời gian qua thật nhanh, niềm cảm xúc cũng vơi dần lại thêm công việc dồn dập và lại là mua câu cá snappers (bao đêm thức khuya dậy sớm ...), nên tiểu mỗ đã lãng đi cái chuyện Sa La Lu ... Bỗng nhận được email của một cô bạn trong nhóm hỏi thăm sao lâu rồi chẳng thấy tiểu mỗ ký tiếp hồi kế. Thôi thì sẵn đang có một vài suy nghĩ khi nghe qua vài lời tâm sự của một anh bạn, tiểu mỗ xin ký tiếp tặng cô bạn đã nhắc tiểu mỗ và cũng đểt tặng bà con ai chưa thấy chán mấy dòng lăng nhăng ký của tiểu mỗ ...


LA đã từ lâu không có một trận mưa ...

Một hôm tụi này chở nhóm phụ nữ đến một khu shopping trên đường đi Sea World, sau đó cánh đàn ông gom xe lại cùng với đám con nít đi Sea Word. Trên đường đi Sea Word, nói đủ thứ chuyện với chú của P thì mới biết một điều lạ là đã 6-7 năm rồi LA không hề có một cơn mưa. Tiểu mỗ rất ngạc nhiên hỏi chú làm sao cây cối ở đây sống được, chú bảo rằng ở đây sương mù nhiều vì thế có thể cây cối sống bằng sương mù... Thật sự ra LA không nhiều cây cối cho lắm, nếu ai đang sống ở các thành phố ven biển bên Úc khi sang LA chắc sẽ lấy làm lạ là núi đồi và ngay cả những vùng sát biển cũng chẳng có mấy cây cối. Cây ở đây nhiều nhất là cây chà là (palm tree), kế đến là cây thông có lẽ những cây này không phải là cây tự nhiên mà được thiên hạ trồng.


Giàu nghèo cách biệt

Một điều đập vào mắt của tiểu mỗ là sự cách biệt khá rõ ràng giữa giàu và nghèo ở Mỹ. Anh bạn của tiểu mỗ một hôm trên đường đi tham quan LA có chở tiểu mỗ qua khu gia cư của những người giàu nhất nước Mỹ (Newport Coast). Chắc phải gọi khu này là "Biệt thự cư" mới đúng vì nhà ở khu này toàn là mansion rộng mênh mông bát ngát, có căn chiếm nguyên một quả đồi. Căn nào cũng có nhân viên bảo vệ canh ở trước cổng. Chắc ai cũng biết nước Mỹ là nơi những người giàu nhất thế giới cư ngụ, vì thế nếu khu này là khu giàu nhất nước Mỹ thì có nghĩa đa phần họ là những người giàu nhất thế giới rồi còn gì.

Nói đến sự giàu ở LA bây giờ đề cập đến sự nghèo để chúng ta thấy được sự khác biệt. Cách khu nhà trọ của tiểu mỗ không xa, nhà cửa vừa nhỏ vừa thấp lè tè, tiểu mỗ ở Melbourne, nếu gọi là khu nhà nghèo nhất mà tiểu mỗ nhìn thấy là một số nhà ở vùng Braybrook, nhưng chỉ là hồi xưa thôi bây giờ khu Braybrook cũng đã khang trang lắm rồi nên tiểu mỗ khó tìm ra một khu nào ở Úc này để so sánh được với khu nhà (tạm gọi là) nghèo ở LA. Ở Úc nếu vào các tiệm ăn hoặc những khu shop, chẳng mấy khi chúng ta nhìn thấy những vị cao niên phải chạy bàn hay làm công ở những nơi này, nhưng ở Mỹ thì tương đối nhiều. Tiểu mỗ có nói chuyện với một số người mới biết lương bổng cho giới làm việc tay chân ở bên Mỹ cũng thấp hơn ở Úc. Ở LA còn có những công việc thật khó nuốt (tough job), thời tiết LA vào ban ngày nhất là vào giờ trưa chắc cũng không kém gì Sài Gòn thế mà có những anh phải mặt đồ kín từ đầu đến chân giả con gà con khỉ cầm mấy cái bảng quảng cáo lúc lắc không ngừng. Nghe đâu chỉ được trả 3-4 đô một giờ gì thôi. Thế mới biết hệ thống an sinh xã hội và những dịch vụ chăm sóc người lớn tuổi ở Úc khá hơn nhiều.


Người Việt gốc Hoa & người Việt gốc Việt ai Việt hơn ai?

Trước khi đề cập đến chuyện này tiểu mỗ xin kể về những cái "Duyên Việt Hoa" mà tiểu mỗ từng gặp.

Tiểu mỗ quen rất nhiều bạn người Việt gốc Hoa, không biết duyên tiểu mỗ thế nào mà thường tiểu mỗ chơi rất thân với những người bạn này, mặc dầu đa số tiếng Việt của họ không rành. Hồi ở Sài Gòn, một trong những anh bạn người Hoa của tiểu mỗ tên là S, mỗi lần tiểu mỗ đi vượt biên thất bại về buồn là tìm anh để đi uống cà phê & tâm sự cho vơi nỗi thất vọng. Anh S rất hiền tính ít nói, anh ở Quận 10 nhưng nhà cha mẹ của anh ở Lái Thiêu nên thỉnh thoảng tiểu mỗ và anh S lái xe đạp từ Sài Gòn về Lái Thiêu chơi. Khi tiểu mỗ đi vượt biên sang đây vẫn thường giữ liên lạc & lần tiểu mỗ về VN đầu tiên đã vội chạy đi thăm nhà anh. Tiếc rằng sau này anh đi Canada & tiểu mỗ dời chỗ ở thường xuyên nên đã mất liên lạc cùng anh. Mỗi lần có dịp tiểu mỗ vẫn cố tìm địa chỉ liên lạc của anh mà đến nay vẫn chưa tìm được.

Một người bạn gốc Hoa khác là T, xưa học cùng khóa ở Uni với tiểu mỗ. T nhỏ hơn tiểu mỗ chắc khoảng 3-4 tuổi nên tiểu mỗ xem T như em trai mình. T có biệt tài ngoài việc nói được 2-3 thứ tiếng Hoa T nói tiếng Việt rành hết chỗ nói. Cả Ba Mẹ của T cũng vậy nếu chỉ nghe giọng nói không thể biết họ là người Hoa. Lúc còn học ở Uni, Tiểu mỗ & T chơi thân đến nỗi Ba Mẹ của T (hồi đó chưa biết tiểu mỗ nhiều) phát lo vì thấy ngày nào hai thằng cũng đi chơi chung với nhau. Đến bây giờ đã hơn hai mươi mấy năm, và vì ai cũng bận gia đình công việc nên chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhưng tình anh em vẫn "mặn nồng" như xưa, bất cứ lúc nào tiểu mỗ có việc gì chỉ cần gọi T một tiếng, tiểu mỗ có thể hoàn toàn tin tưởng T 101% nếu tiểu mỗ có việc cần đến T & ngược lại.

Trong chuyến đi vừa rồi tiểu mỗ đã gặp rất nhiều các Cô, Dì, Chú, Bác, Anh Chị, bạn bè, con cháu người Việt gốc Hoa, mà nếu không nói ra thì tiểu mỗ không thể nhận ra. Đầu tiên là P, P bằng tuổi tiểu mỗ, nói tiếng Việt sõi đã đành, hát tiếng Việt còn hay hơn Trường Vũ. Anh K phu quân của chị P cũng thế, anh là người gốc Hoa sinh sống ở Cần Thơ trước khi vượt biên sang Canada rồi sang Úc. Vừa gặp anh vài hôm là tiểu mỗ đã nể cái chất "Việt" của anh rồi. Anh sổ vài câu Cao Bá Quát & nhắc đến một số nhân vật cùng thơ văn thời nhà Nguyễn là tiểu mỗ nhận ra anh rất rành văn chương & lịch sử VN. Chị P & chị S cũng thế, khi ngồi nghe nhạc chỉ nghe qua một vài câu của một bản tiền chiến thì các chị đã hát theo & có những lời bình về tác giả, tác phẩm thật sâu sắt. Tiểu mỗ quen rất nhiều bạn người Việt gốc (& rễ) VN nhưng nói thật, nhiều người trong số đó chưa chắc đã có kiến thức & chất Việt như những người bạn gốc Hoa này. Thân phụ của chị P & chị S, Bác K đã sáu mươi mấy tuổi, không những Bác rành sáu câu về lịch sử VN, mà còn rất thích nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng v.v. Khi gặp mấy người con của anh chị Hai tiểu mỗ đã ngạc nhiên về khả năng tiếng Việt cũng như nhạc Việt nhất là nhạc trẻ, có nhiều điều tiểu mỗ đành chịu "out of date" khi gặp những người này.


Bài học "Nuôi dạy con cái?"

Tiểu mỗ ngạc nhiên hơn nữa khi nói chuyện với Chú & Thiếm của P (cũng là người Hoa), theo Chú Thiếm cho biết về nhà Chú Thiếm bắt các em phải nói tiếng Việt. Điều này làm cho tiểu mỗ thấy hổ thẹn vì mình là "người Việt gốc Việt" mà không làm được chuyện đó. Chú Thiếm có hai người con mà cả hai đều học hành thành công & rất ngoan. Có người hỏi Chú Thiếm dạy dỗ làm sao mà mấy em ngoan như vậy, hôm tụ tập ở nhà anh chị Hai, Thiếm mới chia sẻ một vài kinh nghiệm mà tiểu mỗ nghe qua phải tâm phục khẩu phục. Thiếm cho biết Thiếm không bao giờ đánh con, thậm chí không bao giờ la con, Thiếm nói khi nhỏ lúc nào các em có lỗi Thiếm ngồi xuống cố giải thích nói chuyện cho các em hiểu, thỉnh thoảng khi làm việc gì Thiếm gọi các em phụ để các em tập làm việc cho quen, và được gần gũi hơn với cha mẹ. Chỉ nghe mấy điều như vậy thôi tiểu mỗ nghĩ thầm, có bao nhiêu bậc cha mẹ, học cao hiểu rộng sống trong xã hội văn minh chắc gì đã có cái nhìn sâu xa, có một cách dạy con hay như vậy chăng? Tiểu mỗ không dấu diếm gì, liền sau chuyến đi này, tiểu mỗ đã cố áp dụng những điều học lóm được của Thiếm và đã thấy kết quả rõ rệt.


Nói về triết học, tiểu mỗ thuộc loại dốt đặt cán mai, nhưng tiểu mỗ nhớ lờ mờ lúc xưa có đọc một cuốn triết hình như là của một triết gia người Đức, ông ta cho rằng một trong những mục đích chính trong cuộc sống là di chuyền giống nòi (reproduction), tiểu mỗ đọc đoạn này thấy thấm ý lắm. Hôm trước tiểu mỗ vô tình đọc được một bài giảng của ngài Đạt Lai Lạt Ma giảng ở một trường đại học Mỹ sau khi ngài nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 1989 (có lẽ cuốn sách có tên Great Speeches Change The World). Trong đó ngài đã nói rằng mục đích chính của cuộc sống là hạnh phúc (happiness). Tiểu mỗ có hai đứa con và tiểu mỗ cảm nhận rằng có con chính là một niềm hạnh phúc mặc dầu không kém những khó khăn kèm theo. Có lẽ sự thành công lớn nhất của đời người (nếu mình không đi tu hoặc ở độc thân) là nuôi dạy con cái trở thành người tốt, thành công, và có ích cho xã hội. Bởi quan niệm đó nên cá nhân tiểu mỗ thường đặt việc nuôi dạy con cái là việc hết sức quan trọng. Vì lý do đó mà tiểu mỗ đã lang mang từ linh tinh du ký sang việc dạy dỗ con cái, mong quý tha lỗi cho sự "lạc đề" của tiểu mỗ. Tiểu mỗ cũng hy vọng có ai đó đã làm cha mẹ may mắn chia sẻ ý tưởng này của tiểu mỗ.



Để kết thúc, như đã hứa ở phần đầu tiểu mỗ xin tiết lậu cho quý vị biết kết quả viết thư khiếu nại với hãng Qantas ra sao. Sau chuyến đi tiểu mỗ có liên lạc với travel agent nơi mình mua vé và kể cho họ nghe việc đình trệ chuyến bay của mình. Cô nhân viên ở đây cũng rất tử tế và hết lòng giúp đỡ bằng cách khuyên tiểu mỗ viết một lá thư và đưa cho cô ta xem để góp ý. Sau khi xem qua lá thư tiểu mỗ viết, cô ta góp ý với tiểu mỗ là nên viết mạnh hơn kẻo họ có thể chỉ gởi lá thư xin lỗi là huề cả làng. Cô ta còn gởi cho tiểu mỗ một cái link để tiểu mỗ post lá thư của mình lên web site này, đồng thời cô ta cũng góp ý với tiểu mỗ rằng nên in lá thư bỏ vào phong bì đàng hoàng và gởi đến địa chỉ như đã được ghi trên web site. Kết quả là sau 3 tuần tiểu mỗ nhận được 1 voucher trị giá $400 (tiểu mỗ đoán là cho phần khiếu nại trên web site) và sau đó 2 tuần tiểu mỗ lại nhận được một voucher nữa trị giá $500 (có lẽ là cho phần khiếu nại bằng thư), tiểu mỗ cũng chẳng biết cách làm việc của Qantas mần răng, nhưng thôi tổng cộng được "tặng" $900 thế là tốt rồi (có còn hơn không :)). Bây chừ tiểu mỗ sẽ canh me để xài voucher này đi du hý ở một địa điểm khác và hy vọng khi về tay vẫn chưa quá run để viết vài dòng linh tinh ký tặng bà con ...


Melbourne 24/11/2010

Làng Nam

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Người cha già của người tỵ nạn Úc Châu



Hồi ký cựu Thủ Tướng Úc - ông Malcom Fraser,
Người cha già của người tỵ nạn Úc Châu


“Ngày hôm nay, ông Fraser coi việc tổ chức việc định cư của chính phủ ông cho những người tỵ nạn miền Nam Việt Nam là thành quả đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của ông.” [tr. 277]

“Nếu không có ông, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay.”

Kể từ khi công ty dời về khu Docklands, tôi không còn cái thú lang thang các ngõ ngách của trung tâm Melbourne để thưởng thức bao nhiêu món ăn trên thế giới đều có thể tìm thấy được trong thành phố đa văn hoá tiêu biểu của nước Úc này. Từ những món ăn quen thuộc Tây, Tàu, Nhật, Ấn Độ, Ý, đến những món ăn mới mẻ hơn từ những quốc gia như Mông Cổ, Lebanese, Nepal, Phi Châu vv.....

Docklands là một khu mới của thành phố Melbourne. Những toà nhà văn phòng thiết kế theo lối mới, xanh, đỏ tím, vàng trông rất vui mắt được cất lên gần những khu chung cư cao cấp. Đây là mô hình thiết kế đô thị kiểu mẫu mới của Melbourne. Nhưng khu Docklands gần cửa biển, gió lộng, thiết kế mới khang trang trải rộng quá, nên từ văn phòng nơi tôi làm ở Victoria Habour, đi đến khu ăn uống New Quay cũng phải mất 15, 20 phút. Do đó, nên kể từ khi về đây tôi thường đem theo đồ ăn trưa, hôm nào bận thì vừa ăn vừa làm, hôm nào rảnh rổi thì lựa một cái bàn nhìn ra cảnh trời, mây, non, nước của Docklands, vừa ăn, vừa đọc sách.

Tôi đặt cuốn sách dày 853 trang trước mặt, lật phần chú dẫn tìm chữ "Vietnam" và bắt đầu đọc. Anh đồng nghiệp người Úc trẻ, vui tính, thỉnh thoảng vẫn hay hỏi tôi "Vinh, hôm nay tôi nên ăn bánh mì Việt Nam hay ăn phở", với cách phát âm chữ "phở" rất chuẩn, xà tới. "Vinh, hôm nay anh đọc gì vậy ?". Tôi gập sách lại, cho anh coi trang bìa "Malcom Fraser, The Political Memoirs". Anh trợn tròn đôi mắt, "Why ? Tại sao anh đọc cuốn sách này ?".

Người Úc nói chung, tính tình hiền lành dễ dãi, phần đông say mê thể thao, không quan tâm nhiều đến những đề tài chính trị khô khan. Anh đồng nghiệp tôi ngạc nhiên cũng phải, khi thấy tôi ôm cuốn hồi ký dầy cộm của một vị cựu Thủ Tướng Úc. Tôi trả lời "Chính ông Malcom Fraser là người đã mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Việt Nam vào nước Úc. Nếu không có ông, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay".


Định mệnh vô hình !

Cũng như bao nhiêu người tỵ nạn ở Úc khác đều biết, Ông Malcom Fraser là người ân nhân của người tỵ nạn Việt Nam. Dưới thời ông, hàng chục ngàn người tỵ nạn Việt Nam đã được nhận định cư tại Úc. Trong khi chỉ mới vài năm trước đó, nước Úc ẫn còn áp dụng chính sách "Nước Úc da trắng", chỉ nhận di dân từ các nươc gốc Âu Châu vào định cư mà thôi. Tôi muốn đọc cuốn hồi ký của ông để tìm hiểu thêm điều gì đã cho ông có suy nghĩ, hành động mở vòng tay ra đón nhận người tỵ nạn Việt Nam.

Nhắc đến Thủ Tướng Malcom Fraser, người ta nhớ đến một vị thủ tướng tài ba, đã đắc cử ba nhiệm kỳ nhưng ông cũng là một vị thủ tướng đã gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị nước Úc. Ông là người thủ lãnh đảng đối lập duy nhất, đã vận dụng một điều khoản trong hiến pháp Úc để thuyết phục Tổng Toàn Quyền lúc bấy giờ là ông John Kerr, đại diện Nữ Hoàng, cách chức chính quyền Lao Động của Thủ Tướng Gough Whitlam.

Năm 1975, chính trường Úc sôi nổi vì sự việc một chính phủ Úc do dân Úc bầu lên, lại bị quyền lực - lẽ ra chỉ là một quyền lực tượng trưng - của vị Nữ Hòang ở mẫu quốc Anh xa xôi truất phế. Ở một vùng trời xa xôi khác, năm 1975 cũng là một năm định mệnh khi miền Nam thất thủ và làn sóng người tỵ nạn cộng sản bắt đầu đổ tràn sang các nước Đông Nam Á. Nếu ông Fraser không vận động truất phế chính quyền của thủ tướng Gough Whitlam, thì một điều chắc chắn là số thuyền nhân tỵ nạn lênh đênh trên biển cả kia được nhận vào Úc, sẽ không đông đảo như dưới thời Thủ tướng Malcom Fraser.

Định mệnh vô hình đã nối kết sự nghiệp chính trị của Thủ Tướng Malcom Fraser với số phận người tỵ nạn Viêt Nam nhập cư đến Úc!

“Chúng ta có một trách nhiệm tinh thần. Chúng ta đã từng sát vai chiến đấu với họ tại Việt Nam.” [tr. 420]

Một điều phải ghi nhận, là chính chính phủ Lao Động Gough Whitlam đã có công thay đổi hiến pháp xoá bỏ chính sách "Nước Úc da trắng". Tuy nhiên chính sách ngoại giao của chính phủ Lao Động lúc bấy giờ là chống chiến tranh Việt Nam, ve vãn gần gũi hơn với Liên Xô và Trung Cộng. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Tiến Sĩ Jim Cairns, người đã từng cầm đầu những cuộc xuống đường phản chiến chống chiến tranh Việt Nam được mô tả là "đã tỏ ra hết sức hớn hở trước viễn ảnh chiến thắng của Cộng Sản Bắc Việt"

Do đó chính phủ Gough Whitlam đã tỏ ra thờ ơ trước cảnh miền Nam Việt Nam sụp đổ và hoàn cảnh khốn khổ của người tỵ nạn. Thủ tướng Malcom Fraser ghi lại trong hồi ký, ngoài chiến dịch cứu vớt trẻ em mồ côi, vào ngày 30-04-1975 chỉ có 78 công dân Việt Nam được hưởng qui chế tỵ nạn và được nhập cư vào Úc. Dưới thời Thủ tướng Whitlam, trong số 5,629 đơn xin hưởng qui chế tỵ nạn, chỉ có 542 đơn được chấp thuận. Các viên chức di trú còn được nhắc nhở phải cứng rắn, không dễ dãi khi cứu xét người tỵ nạn Việt Nam, và được lệnh bắt giam tất cả những ghe tỵ nạn nào trực tiếp đến Úc.

Bất bình với đường lối cứng rắn trên, ông Malcom Fraser trong vai trò thủ lãnh đảng đối lập đã viết nhiều bức thư trực tiếp đến Thủ tướng Gough Whitlam, kêu gọi hãy "vì lương tâm nước Úc, vì lương tâm người tỵ nạn Đông Dương … hãy cứu xét lại chính sách hẹp hòi, và nhẫn tâm" này.

May mắn thay cho người tỵ nạn Việt Nam , từ năm 1976 trở đi, ở giai đoạn cao trào của người vượt biển thì chính quyền Withlam sau khi bị truất phế, cũng đã thua đậm trong cuộc bầu cử được tổ chức lại sau đó, và Đảng Tự Do của thủ tướng Malcom Fraser lên nắm chính quyền với một cái nhìn bác ái, độ lượng với người tỵ nạn.

Từ khi còn là một dân biểu trẻ, ông Malcom Fraser đã đặc biệt lưu ý đến những chính sách bang giao quốc tế. Sau đó, ông có những kinh nghiệm trực tiếp về chiến tranh Việt Nam khi ông được thăng chức Bộ Trưởng Quân Đội từ năm 1966-1968, và Bộ Trưởng Quốc Phòng từ năm 1969-1971. Sau khi quân đội Úc thành lập căn cứ quân sự tại Núi Đất, Phước Tuy, ông đích thân đến Việt Nam hai lần để xem xét tình hình chiến sự và điều kiện của binh sĩ Úc công tác tại Việt Nam. Ông đã chứng kiến tận mắt cảnh quân đội Úc chung vai sát cánh với quân đội VNCH trong nhiệm vụ ngăn chặn cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam.

Tháng tư năm 1975, khi miền Nam thất thủ, lúc bấy giờ ông là thủ lãnh đối lập của Đảng Tự Do. Ông đau xót nhìn cảnh miền Nam bị bỏ rơi, những nhân viên Việt Nam làm trong bộ ngoại giao Úc không di tản kịp bị bỏ lại, những người tỵ nạn liều thân vượt thoát trên những chiếc thuyền mong manh. Chính những hình ảnh này đã làm cho ông tự cho mình một trách nhiệm tinh thần để rồi sau này khi trở thành Thủ tướng , ông đã áp dụng những chính sách hết sức nâng đỡ người tỵ nạn, đặc biệt là người tỵ nạn Việt Nam.

Dưới thời kỳ chính phủ Fraser, chiếc tàu tỵ nạn đầu tiên trực tiếp đến Darwin ngày 28-04-1976, không những không bị giam mà còn được hưởng qui chế tạm trú và các dịch vụ an sinh xã hội ngay lập tức. Khi ông rời chức vị Thủ tướng vào năm 1983, nước Úc đã nhận trên 70,000 người tỵ nạn Đông Dương, một con số cao nhất nếu tính theo bình quân dựa trên dân số, so với Mỹ 468,463; Canada 79,908; Pháp 79,684.

Ông nhớ lại khi nội các bàn cãi những khó khăn có thể xảy ra trong việc cho nhập cư một số đông ngừời tỵ nạn, ông dặn dò ông Michael McKellar, bộ trưởng Bộ Di Trú "Chúng ta có một trách nhiệm tinh thần. Chúng ta đã từng sát vai chiến đấu với họ tại Việt Nam".


"Phu Nhân có bầu cho ông Howard không ?" - "Còn Lâu" [tr. 442].

Hồi ký của Thủ Tướng Malcom Fraser cũng có một đoạn mô tả sự khác biệt về chính sách di trú, và tỵ nạn giữa ông và một Thủ Tướng gần đây của đảng Tự Do, ông John Howard. Ông Fraser nhớ lại trong một cuộc họp, ông Howard lúc đó là một dân biểu cấp dưới đã không nói gì khi nội các thông qua chính sách chấp nhận một số đông người tỵ nạn Đông Dương. Sau buổi họp, ông Howard chạy lại hỏi ông Fraser "Thưa Thủ Tướng, mình không nhận đông người tỵ nạn Đông Dương như vậy đâu phải không? Quyết định này chỉ cho có hình thức thôi phải không?". Ông Fraser đã trả lời "Những gì anh nói với tôi ở hành lang này không có ý nghĩa gì cả. Nếu anh còn muốn thảo luận tiếp thì hãy nêu lại vấn đề này trong kỳ họp nội các tới". Ông Howard không hề nêu lại vấn đề này.

Ông cũng đã chỉ trích ông Howard về thái độ chấp nhận ngầm tính chất đầy kỳ thị của bà Pauline Hanson trong bài phát biểu nhậm chức tại Quốc Hội năm 1996, khi ông Howard cho đó là quyền tự do ngôn luận.

Ông lại càng bất bình hơn về cách ông Howard xử thế vấn đề chiếc tàu Tampa trong kỳ vận động bầu cử năm 2004. Một thuyền trưởng người Na-Uy cứu một chiếc tàu tỵ nạn chở 433 người A-Phú-Hãn ở ngoài khơi hải phận quốc tế khi tàu này gần bị chìm nhưng tàu Tampa bị từ chối không được cập bến Úc. Cuối cùng những người tỵ nạn này bị gởi sang các trại giam ở Nauru và Papua New Guinea. Trong kỳ bầu cử này, ông Howard đã dùng sự kiện chiếc tàu Tampa để khơi động nguy cơ người tỵ nạn tràn ngập đến Úc, và áp đặt lại chính sách bắt nhốt những thuyền nhân "di dân bất hợp pháp", hoàn toàn đi ngược với chính sách nhân đạo của chính phủ Fraser trước đây. Sự bất bình của ông Fraser lên tới tột độ đến nỗi ông và phu nhân là bà Tamie Fraser suýt chút nữa đã rút ra khỏi đảng Tự Do. (Cuối cùng thì ông cũng đã rút ra khỏi đảng Tự Do vào tháng 12, 2009.)

Khi được hỏi ông có bầu cho ông Howard không, ông Fraser tế nhị không trả lời. Nhưng phu nhân, bà Tamie Fraser thì đã thẳng thừng hơn "Còn lâu" (No way).

Kết

Ngày thứ sáu 12/11/2010, Cộng Đồng Người Việt Tự Do sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm 35 năm định cư của cộng đồng Việt Nam tại Úc nói chung và tiểu bang Victoria nói riêng. Cựu Thủ Tướng Malcom Fraser sẽ là vị khách danh dự trong buổi lễ này. Tôi sẽ có mặt ngày hôm đó để cám ơn ông và tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Tôi sẽ mang cuốn hồi ký này theo và sẽ xin ông một chữ ký để có một kỷ niệm về người cha già khả kính của người tỵ nạn Việt Nam này.


Hết giờ nghỉ trưa, tôi gấp sách lại . Anh bạn trẻ người Úc cũng vừa xì xụp xong hết tô phở take-away. Anh ngước lên hỏi tôi "Vinh à, Thủ Tướng John Howard cũng mới cho ra cuốn hồi ký đó, anh có định mua không?". Tôi mỉm cười, suy nghĩ trong đầu, mình nên bắt chước lối trả lời tế nhị của Thủ Tướng Malcom Fraser hay cách trả lời thẳng thừng của phu nhân Tamie?

Đình Vinh
Melbourne, Tháng 11, 2010
(Đình Vinh là một thành viên của VNTV, Chương Trình Truyền Hình Việt Ngữ, C31, Melbourne).

[..] “Malcom Fraser – The Political Memoirs”, Malcom Fraser & Maraget Simons






Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Hai tài liệu mật của CIA về Các Tướng Lãnh VN và gia đình họ Ngô

Hai tài liệu mật của CIA về Các Tướng LãnhVN và gia đình họ Ngô

Nguyen Ky Phong

November 3, 2010
Hai tác phm: “CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam” và “CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963.” Tác Gi: Thomas L. Ahern, Jr. Center for the Study of Intelligence n hành.
NDDNewyork
13th May 1957: South Vietnamese President Ngo Dinh Diem greets the crowd as he rides with Commissioner Richard Patterson and Chief Protocol of the State Department, Wiley T. Buchanan Jr. in a parade up Broadway, New York City. (Photo by Carl T. Gossett Jr/New York Times Co./Getty Images)

Một số tiết lộ về cuộc chiến từ tài liệu CIA Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA), ban biên tập của cơ quan cho giải mật hai tập tài liệu quan trọng về liên hệ CIA và Việt Nam. “Lần đầu tiên” trong nghĩa này là hai quyển sách trên thuộc lọai (narrative history), có đầu đuôi, chú thích – và quan trọng hơn hết – tác giả là người thật, đọc nhiều tài liệu và viết lại có ngọn ngành cho độc giả.
Đa số những tài liệu giải mật của CIA trước đây thuộc lọai nặc danh vì lý do nghề nghiệp, hay là những tường trình do nhân viên báo cáo về để “kính tường.”
Gia đình họ Ngô, CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963 (CIA và Những Điệp Vụ Mật ở Miền Nam, 1954-1963) nói về những hoạt động bên trong để giúp đỡ chính phủ Ngô Đình Diệm, từ ngày ông Diệm về làm thủ tướng cho đến ngày tổng thống Diệm bị hạ sát trong cuộc cách mạng 1 tháng 11-1963.
GiaDinh
Gia đình họ Ngô
Qua tài liệu này, lần đầu tiên chúng ta biết được, từ năm 1950 cho đến năm 1956, CIA có hai Sở tình báo ở Sài Gòn: một Sở CIA Saigon Station nằm dưới sự điều khiển thông thường từ bản doanh CIA ở Langley, Virginia; Sở kia, có tên là Saigon Military Mission, làm việc trực tiếp, và chỉ trả lời cho Giám Đốc Trung Ương Tình Báo. Saigon Military Mission, theo Tài Liệu Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) được giải mật trước đây, do đại tá Edward G. Lansdale chỉ huy. Lansdale đến Sài Gòn tháng 6-1954 với hai nhiệm vụ: huấn luyện những toán tình báo Việt Nam để gài lại ở miền Bắc trước ngày “di cư và tập kết” hết hạn; và, dùng mọi phương tiện ngầm (covert action) để giúp tân thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nay, theo tác giả Thomas L. Aherns, chính Giám Đốc CIA Allen Dulles chỉ định đại tá Lansdale cho điệp vụ ở Sài Gòn – và cũng ra lệnh Lansdale làm việc trực tiếp cho ông. Tác giả Ahern viết, CIA có mặt từ năm 1950 để giúp đỡ quân đội Pháp xâm nhập và thu thập tin tức tình báo.
Major-general-lansdale NgoDinhNhu2
Edward Geary Lansdale Cố Vấn Ngô Đình Nhu
Nhưng từ cuối năm 1953, khi thấy tình hình quân sự nguy ngập của Pháp, Hoa Thịnh Đốn thay đổi nhiệm vụ của CIA Saigon Station: Liên lạc và thu thập tình báo những thành phần quốc gia để lập một chánh thể chống cộng trong trường hợp Hoa Kỳ thay thế Pháp. Cùng lúc Hoa Thịnh Đốn gởi thêm một toán CIA để lo về quân sự, Saigon Military Mission. CIA and the House of Ngo tiết lộ một số chi tiết ly kỳ như, CIA liên lạc và làm thân với ông Ngô Đình Nhu từ năm 1951, rất lâu trước khi Hoa Kỳ liên lạc với ông Diệm. Đầu năm 1954, khi có tin Hoa Kỳ chuẩn bị đề nghị quốc trưởng Bảo Đại và chánh phủ Pháp giải nhiệm hoàng thân Bửu Lộc và thay bằng ông Diệm, thì ông Nhu là người đầu tiên CIA gặp để bàn về liên hệ của Hoa Kỳ đối với thủ tướng tương lai Ngô Đình Diệm.
Liên lạc Ngô Đình Nhu Tháng 4-1954, một nữ nhân viên Mỹ làm việc ở CIA Saigon Station, thông thạo tiếng Pháp, quen biết và liên lạc thân thiện với Bà Ngô Đình Nhu. Từ nữ nhân viên Virginia Spence này, Sở CIA Saigon bắt được nhiều liên lạc với hầu hết những người thân trong gia đình, hoặc thân cận với Nhà Ngô.
Tháng 4-1954, CIA ở Hoa Thịnh Đốn gửi Paul Harwood sang làm cố vấn riêng cho ông Nhu. Tuy là nhân viên CIA, nhưng Harwood đóng vai một nhân viên Bộ Ngoại Giao, làm việc từ Tòa Đại Sứ. Trong hai năm, Hardwood cố vấn là làm việc với ông Nhu để xâm nhập và ảnh hưởng đường lối ngoại giao quân sự của nền đệ nhất VNCH với tổng thống Diệm. Paul Hardwood thân thiện với gia đình ông bà Nhu đến độ ông ta là người đỡ đầu cho Ngô Đình Lệ Thủy, ái nữ của ông bà Nhu.
Từ tài liệu này chúng ta cũng biết thêm, ông bà Nhu được đưa qua thăm viếng Mỹ trước tổng thống Diệm. Để lấy tình cảm và ảnh huởng với ông Nhu, đầu tháng 3-1957 ông bà Nhu được CIA mời qua thăm Hoa Thịnh Đốn. Tuy không có một chức vụ gì chánh thức với chính phủ nhưng ông Nhu được diện kiến tổng thống Dwight Eisenhower, hai Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng, và Giám Đốc CIA Allen Dullles. Tài liệu cho biết, với tài ăn nói và sắc diện, bà Nhu gây được nhiều chú ý với các thẩm quyền Mỹ. … “Bà Nhu là một ngôi sao trong dạ tiệc” do CIA khoản đãi. Hai tháng sau chuyến thăm viếng âm thầm của ông bà Nhu, đầu tháng 5-1957, tổng thống Diệm lên đường công du theo lời mời của chánh phủ Hoa Kỳ.
Trong cuộc tranh chấp – rồi sau đó là giao chiến – giữa chánh phủ Diệm và quân phiến loạn Bình Xuyên, CIA biết được hầu hết kế hoạch và khả năng của Bình Xuyên, nhờ một cận thần của Bảy Viễn đang làm việc cho CIA. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, một đảng chính trị thành lập để hổ trợ chính phủ Diệm, nhận tài chính và cố vấn từ CIA. Nhưng đến đầu năm 1960 thì CIA cắt ngân khoản vì cơ cấu nhân sự không còn hữu hiệu trong công tác tuyên truyền. CIA đã than phiền nhiều lần về những hoạt động của Đảng Cần Lao và hành vi của ông Ngô Đình Cẩn. Nhưng mỗi lần CIA than phiền với ông Nhu về những hoạt động bí mật – đôi khi trái phép – của ông Cẩn, thì ông Nhu “đưa hai tay lên trời” với một thái độ buông xuôi vì ông không thể nào làm gì được.
Ở một tài liệu khác cho biết, khoảng giữa năm 1956, CIA nhận được nguồn tin cho biết ông Cẩn đang bàn kế hoạch để loại trừ Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành và Cố Vấn Ngô Đình Nhu ra khỏi vòng ảnh hưởng ở Dinh Tổng Thống. Qua nhiều trang, chúng ta đọc được sự bất lực của chính phủ Sài Gòn đối với “lãnh chúa” Ngô Đình Cẩn ở miền Trung.
Với hai Sở CIA ở Sài Gòn hoạt động độc lập nhau, báo cáo gửi về cho CIA ở Hoa Thịnh Đốn đôi khi trái ngược: Cố vấn Paul Hardwood thì báo cáo tốt, nhân nhượng cho ông Nhu và có ý chỉ trích ông Diệm; Edward Lansdale ngược lại: bảo vệ ông Diệm và nói xấu ông bà Nhu. Cuối năm 1956, sau khi Lansdale bị triệu hồi về Mỹ, Al Ulmer, Trưởng Vụ Viễn Đông CIA, ra lệnh giải tán những gì còn lại của Saigon Military Mission – và thái độ của Hoa Kỳ cũng bắt đầu thay đổi với chính phủ Ngô Đình Diệm.
Liên lạc đối lập
Đầu năm 1958 Hoa Kỳ cho phép CIA Saigon bắt liên lạc với các đảng chính trị đối lập. Tài liệu nói nhân viên của CIA mua chuộc và thành lập một lực lượng đối lập “ngay sau lưng ông Nhu,” để trong trường hợp phải thay đổi cấp lãnh đạo mới. Cuộc đảo chánh 11 tháng 11-1960 là một “hăm dọa” của Hoa Kỳ đối với tổng thống Diệm: Nhân viên CIA có mặt ở tại bộ chỉ huy của đại tá Nguyễn Chánh Thi và kế bên ông Hoàng Cơ Thụy để giới hạn bước tiến của quân đảo chính – điệp viên Russ Miller khuyên đại tá Thi nên thượng lượng với ông Diệm, trong khi biết rõ quân ủng hộ chính phủ của đại tá Trần Thiện Khiêm đang trên đường từ Vùng IV về thủ đô tiếp cứu. Khi thấy thái độ trở mặt của CIA, lưới tình báo của ông Nhu cũng không hoàn toàn thụ động: Phó Sở CIA Saigon, Douglas Blaufarb, ngỡ ngàng khi ông khám phá ra người tài xế Việt Nam của ông không bị điếc như lúc được giới thiệu vào làm việc (do Trần Kim Tuyến giới thiệu); người tài xế không điếc mà còn thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp!
Tài liệu thú nhận vào năm sau cùng của Nhà Ngô, Hoa Kỳ có một phần lớn trách nhiệm trong kế hoạch hạ bệ tổng thống Diệm. Nhưng chính gia đình ông Diệm cũng hủy hoại, vì sự chia rẽ từ anh em trong nhà. Từ mùa xuân năm 1963 ông Nhu yêu cầu CIA đừng nói lại những gì ông và CIA trao đổi. Và qua nhiều lần nói chuyện với CIA, ông Nhu tuyên bố ông muốn thay tổng thống Diệm! Trong khi đó bà Nhu thì thường làm hùng làm hổ với tổng thống Diệm: trong cuộc bầu cử Hạ Viện năm 1963, bà Nhu muốn ủng hộ 30 ứng cử viên mà ba ta ưng ý. Ông Diệm không đồng ý, nhưng bà Nhu “cằn nhằn, to tiếng” cho đến khi tổng thống Diệm nhượng bộ. Bà Nhu cũng thắng thêm một lần nữa, khi đòi làm người chủ tọa và đọc diễn văn ngày Lễ Hai Bà Trưng – thay phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ như ông Diệm đã chỉ định. Riêng về ông Ngô Đình Cẩn: ông Cẩn từ chối không ủng hộ hay giúp ông Nhu về Chương Trình Ấp Chiến Lược ở Miền Trung. Ngày Lễ Quốc Khánh Hoa Kỳ, 4 tháng 7-1963, lần đầu tiên tổng thống Diệm cho phép các tướng lĩnh VNCH tham dự tiệc ăn mừng do tòa đại sứ tổ chức. Sau tiệc rượu ở khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ, một vài tướng lĩnh VNCH và nhân viên CIA kéo nhau ra quán để uống nữa. Tại quán rượu, tướng Trần Văn Đôn nói với nhân viên CIA là các tướng muốn đảo chính tổng thống Diệm. Thảm kịch của Nhà Ngô bắt đầu từ đó.
Các tướng lĩnh miền Nam
Tài liệu thứ hai, CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam (CIA và Các Tướng Lĩnh: Những Hỗ Trợ Ngầm Cho Chính Phủ Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa), cũng tương đối “tối mật” so với những tài liệu được CIA công bố trước đây. Tài liệu trong CIA & Generals bắt đầu sau cuộc đảo chính 1 tháng 11-1963. Những gì đến từ tài liệu cho thấy ngay sau đảo chính, như một tập thể, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không được hòa thuận; và, như những liên hệ cá nhân, các tướng đã nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau trước khi đảo chính.
Trước khi đảo chính, tướng Nguyễn Khánh đã nói xấu về hai tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm với tổng thống Diệm và một số nhân viên CIA. Qua nhiều chi tiết, chúng ta thấy các tướng làm việc chung vì phải tựa vào nhau để mưu cầu lợi quyền lợi riêng, chứ không thật sự có chung một lý tưởng. Trước ngày tướng Khánh “chỉnh lý” tướng Minh và bốn tướng Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, và Trần Văn Đôn, tướng Khánh thường xuyên rỉ tai với CIA về tin đồn những tướng nói trên sẽ theo Pháp để biến Việt Nam thành trung lập.
HDQuanNhanCachMang
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng

Tháng 2-1964 tướng Nguyễn Văn Thiệu đã đưa nhiều sĩ quan thuộc Đảng Đại Việt nằm vào những chức vụ quan trọng trong quân đội. Khi được hỏi để làm gì, tướng Thiệu trả lời để triệt hạ cộng sản và những thành phần thân cộng. Nhưng CIA có nguồn tin cho biết ông Thiệu sẽ dùng sĩ quan Đại Việt để đảo chính ông Khánh. Và chuyện xảy ra đúng như vậy.
Tướng Khánh rất ngây thơ khi “hù” tướng Thiệu là Mỹ sẽ “chơi” ông. Nhưng, như chúng ta đã thấy, Mỹ chơi ông Khánh trước ông Thiệu!
Chân dung một số vị tướng
Những chi tiết được giải mật trong CIA & Generals: Trong các tướng VNCH, CIA kính trọng kiến thức của tướng Lê Văn Kim nhất. Trong một buổi thuyết trình về các kế hoạch “kín” đang thực hiện trên đất Bắc, trong khi mặt tướng Dương Văn Minh “ngớ” ra với những chi tiết tình báo quân sự, tướng Kim lấy được sự kính trọng của tình báo Hoa Kỳ với những câu hỏi rất chuyên nghiệp.Tướng Nguyễn Đức Thắng được người Mỹ kính nể. Trong một báo cáo, Giám Đốc CIA Richard Helms đề nghị cho tướng Thắng cùng một lúc giữ hai Bộ Quốc Phòng và Xây Dựng Nông Thôn,với tất cả cơ cấu và cố vấn Hoa Kỳ “nằm dưới quyền thống thuộc của tướng Thắng.”
Về tướng Nguyễn Ngọc Loan, mặc dù người Mỹ không thích tướng Loan vì sự thẳng thắn của ông, nhưng họ nhận định tướng Nguyễn Ngọc Loan là một người thật thà, can đảm, biết được ẩn ý của người Mỹ. Tướng Loan không sợ khi nói thật ý nghĩ của ông với tình báo Mỹ. Đầu năm 1967, khi biết được Hoa Kỳ đang đi sau lưng chính phủ VNCH, liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ông Loan nói với CIA là người Mỹ từ đây sẽ đi sau lưng người quốc gia … và sau cùng người Mỹ sẽ bỏ đi, chỉ còn VNCH một mình đơn thân chống lại Bắc Việt.
Cuối năm 1966 Hoa Kỳ có ý định “bắt liên lạc” với một vài nhân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN). Lý luận của CIA là họ muốn xâm nhập vào nội bộ để gây chia rẽ giữa cấp lãnh đạo MTGPMN và Hà Nội. Muốn lấy lòng tin của MTGPMN, CIA xin chính phủ VNCH phóng thích vài nhân sự quan trọng của MTGPMN đang bị Cảnh Sát Quốc Gia VNCH giam giữ, trong đó có vợ của Trần Bạch Đằng (bà Mai Thị Vàng) và Trần Bửu Kiếm (bà Phạm Thị Yến), và một số cán bộ giao liên. Ban đầu VNCH phản đối, nhưng sau cùng vì áp lực cũng phải cộng tác với Hoa Kỳ trong kế hoạch liên lạc với MTGPNM. Từ tháng 2-1967 cho đến tháng -1968, VNCH thả bà Vàng và bà Yến, cộng thêm 10 cán bộ giao liên phía bên kia. Đổi lại, phía MTGPMN chỉ thả ba tù binh Hoa Kỳ. Nhưng từ đó VNCH – nhất là tướng Nguyễn Ngọc Loan – thấy Hoa Kỳ sẵn sàng “xé lẻ” nếu tình thế phù hợp với đường lối ngoại giao của họ.
Qua các tài liệu giải mật sau này, chúng ta thấy CIA có một hồ sơ rất chi tiết về nhân sự và cơ cấu của MTGPMN. Thêm vào đó, CIA cũng có luôn những báo cáo của Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (là hậu thân của MTGPMN từ tháng 6-1969) gởi về cho Trung Uơng Cục Miền Nam, cập nhật những diễn tiến ở Hội Đàm Paris 1968-1973.
Nội bộ VNCH
CIA xâm nhập sâu vào cơ cấu hành chính và nhân sự của VNCH trong khoảng 1967-1975, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967). Vì kết quả bầu cử phải được Hạ Viện VNCH chứng nhận hợp pháp – nhất là một cuộc bầu cử mà hai ứng viên cùng chung liên danh (Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ), đã cấu xé nhau trước khi ngồi lại với nhau, và hầu hết liên danh thất cử nào cũng phản đối kết quả – Hoa Kỳ chỉ thị cho CIA phải tìm mọi cách bảo đảm Hạ Viện sẽ chứng nhận kết qủa bầu cử. Hạ viện bỏ phiếu thuận 58 trên 43, xác nhận liên danh Thiệu-Kỳ đắc cử.
Tài liệu trong CIA & Generals nói tình báo Mỹ đã khuynh đảo một số dân biểu trong hai bầu cử tổng thống 1967 và 1971 (và bầu cử Quốc hội của năm 1970). CIA mua chuộc được 10 dân biểu, “nhưng muốn có thêm 10 tiếng nói” ủng hộ nữa, để chắc ăn về những dự luật đang nghị luận! Tài liệu cho biết CIA đã tốn bao nhiêu tiền để thành lập hay giúp đỡ các đảng phái chính trị với hy vọng các lực lượng này sẽ ủng hộ và xây dựng một thế lực phía sau tổng thống Thiệu. Đảng Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, (của thượng nghị sĩ Trần Văn Đôn) được CIA tài trợ với hy vọng trên. Nhưng khi biết được người đứng ra tổ chức là Đặng Đức Khôi – một thân tín của ông Kỳ – ông Thiệu từ chối ủng hộ. Để có một tổ chức riêng, ông Thiệu cho ra đời Lực Lượng Dân Chủ. Sau Đảng Dân Chủ, CIA tài trợ một lực lượng chính trị khác, có tên Đảng Liên Minh Cách Mạng Xã Hội, với hy vọng gom lại tất cả lực lượng chính trị thành một mặt trận chung, dưới sự lãnh đạo chung của tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ. Nhưng vấn đề là hai ông Thiệu, Kỳ không còn muốn xuất hiện chung với nhau ngoài công cộng! Sau cùng, với sự nài nỉ của người Mỹ, và vì lợi ích quốc gia, Khối Liên Minh được khai mạc ngày 4 tháng 7-1968, với sự chủ tọa của hai ông Thiệu và Kỳ. Khối Liên Minh tập họp hơn 25 đảng phái chính trị lớn nhỏ ở Miền Nam. CIA tài trợ Đảng này cho đến cuối năm 1969. Tuy nghe theo lời cố vấn của Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Thiệu lúc nào cũng nghi ngờ dụng ý của người Mỹ. Ông nói với nhân viên CIA là không những VNCH phải đương đầu với sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào Nam, mà còn phải đương đầu với sự xâm nhập của CIA vào nhân sự của chính phủ!
Những tiết lộ khác trong CIA & Generals: Tình báo của MACV biết rõ ngày giờ Bắc Việt sẽ tấn công qua vùng Phi Quân Sự trong trận tổng công kích Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nhưng Hoa Kỳ không thông báo cho VNCH, hay tấn công vào các đơn vị Bắc Việt đang tập trung quân. Ngược lại, thái độ của đại tướng Creighton Abrams và đại sứ Bunker rất lạc quan, hai ông tuyên bố – trong cao điểm của cuộc tấn công – là Bắc Việt sẽ mất hết quân sau trận tổng tấn công. Những chi tiết này làm người đọc không khỏi thắc mắc, là có phải Hoa Kỳ đã cố ý để cho cuộc tấn công xảy ra? Chi tiết này làm cho đọc giả nhớ lại câu đối thọai của tổng thống Richard Nixon với Henry Kissinger là “… sau trận này, hai bên phải có một bên hết quân.”
Từ tháng 8-1972, để chuẩn bị cho những thương lượng sau cùng của Kissinger và Lê Đức Thọ ở Paris, CIA được lệnh phải làm hao mòn sức chống đối của tổng thống Thiệu về một số điều khoản trong bản hiệp định (một trong những điều khoản ông Thiệu cực lực phản đối, là Hoa Kỳ đồng ý cho Bắc Việt để lại quân ở Miền Nam, Lào, Cam Bốt). Một số tài liệu giải mật ở giai đoạn này(tháng 8 1972 cho đến lúc ký Hiệp Định Paris, tháng 1-1972) cho thấy CIA có điệp viên nằm trong Trung Ương Cục, qua những tin tức họ nhận được về cuộc nói chuyện giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.
Tuy là tài liệu được giải mật, nhưng một số lớn chi tiết, tên tuổi của những điệp viên, điềm chỉ viên trong sách vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng nếu độc giả gom những chi tiết trong CIA & Ngo, trong CIA & Generals, và so sánh với một số tài liệu đã được giải mật từ Bộ Ngoại Giao (Foreign Relations of the United States, Vietnam), đọc giả có thể suy luận ai là ai nằm dưới những lằn đen kiểm duyệt.
Tác Giả : Thomas L. Ahern, Jr. / Nguyễn Kỳ Phong lược dịch

Muốn tham khảo hai tác phẩm bằng Anh ngữ, xin mở theo địa chỉ sau:
2. CIA and The House of Ngo (xin chờ khoảng một phút để máy download) http://www.saigonecho.com/pdfs/CIA_AND_THE_HOUSE_OF_NGO.pdf
Tài liệu mật của CIA về chiến tranh Viêt Nam
http://www.foia.cia.gov/vietnam/6_UNDERCOVER_ARMIES.pdf

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Sa La Lu Du Ký - 11




Little Saigon - Sự khác biệt giữa Úc & Mỹ ...

Đã là người Việt đến LA mà không thăm Little Saigon - Thủ phủ người Việt tỵ nạn nghe chừng không phải đạo cho lắm ...

Có người bạn hỏi tiểu mỗ rằng họ nghe nói Phước Lộc Thọ & các chợ người Việt ở khu Little Sàigon có vẻ không đông vui như khu Bilo ở Footscray hay Springvales. Tiểu mỗ không hoàn toàn đồng ý với nhận xét này, theo nhận xét cá nhân, tiểu mỗ thích những khu chợ Việt ở Little Saigon hơn ở Úc.

Thứ nhất là vấn đề vệ sinh, một anh bạn của tiểu mỗ đang sống ở LA, đưa tiểu mỗ đến một khu chợ VN trong khu Little Saigon và nói với tiểu mỗ rằng:
- Anh đưa N đi đến khu này cho biết, giá cả tuy rẻ nhưng có điều hơi dơ ...

Tiểu mỗ đã chuẩn bị tinh thần xem thử nó dơ đến cỡ nào, khi đến nơi mới "tá hỏa" nói với anh bạn:
- Như vầy mà anh nói dơ hả? Chắc khi anh ghé về Bilo ở Footscray thì anh có nước bịt mũi chạy dài ...

Trước đây tiểu mỗ có hỏi một người bạn (từng sống ở Mỹ sau di dân sang Úc) rằng khu chợ VN bên Mỹ có dơ như ở Úc không. Người bạn đó trả lời, chợ VN bên Mỹ sạch lắm, đến khi qua nhìn tận mắt tiểu mỗ mới tin & thấy buồn cho những khu chợ VN ở Melbourne ... Đến bây giờ tiểu mỗ vẫn không hiểu nguyên do tại sao những khu chợ VN ở Melbourne & cả Sydney đều không được sạch. Phải chăng ý thức của người Việt (làm chủ chợ) ở Úc kém hơn ở Mỹ; Hay phải chăng chính quyền địa phương ở đây không gắt gao về tiêu chuẩn vệ sinh cho những khu chợ Á châu?

Tiểu mỗ nói "chợ Á châu" bởi vì đi đến những khu shop của người Tây bản địa chẳng có khu nào dơ như những khu chợ Á châu mình cả. Nói "Á châu" bởi vì những khu chợ này không thuần là người Việt làm chủ mà cả người Hoa, Campuchia v.v. Lấy khu phố Tàu (China Town) ở ngay trung tâm thành phố Melbourne làm ví dụ. Có một hôm tiểu mỗ đi ăn trưa với mấy người bạn Úc, khi băng ngang qua khu phố Tàu ai nấy đều bịt mũi nhăn mặt vì nước thải từ trong một nhà hàng đổ ra. Chẳng phải một nhà hàng mà rất nhiều nhà hàng như thế, họ bỏ rát rưởi bừa bãi trên những con đường hẻm bên hông hoặc sau lưng nhà hàng, chưa kể mùi hôi bốc lên vì sự dơ bẩn quanh đó.

Nói đến việc "ở dơ" tiểu mỗ xin leo lề một chút, qua lời kể của một số người đã từng đi sang Trung Quốc thì nghe việc vệ sinh bên Trung Quốc còn tệ hơn ở Việt Nam. Tiểu mỗ có anh bạn đi du lịch TQ sau khi về anh ta khuyên tiểu mỗ đừng đi sang TQ. Hôm trước một người bạn người Việt gốc Hoa kể rằng anh định đi TQ thăm quê hương ông bà nhưng Bà của anh sau khi đi TQ về nhất định bảo anh đừng đi TQ ... Nghe nói ở TQ có rất nhiều khách sạn lớn, kể cả những khách sạn ở Thượng Hải việc không có toilet trong phòng là việc bình thường, khách phải tự "giải quyết vấn đề" vào một thùng gỗ rồi chờ cho đến sáng sẽ có nhân viên "quản gánh lo đi ..."

Kể thế để cảm thấy "an ủi" rằng cộng đồng VN mình chắc chưa được danh hiệu "ở dơ nhất thế giới". Nói đùa vậy thôi chứ tiểu mỗ thật lòng mơ ước làm sao một số người trong cộng đồng VN ở Úc (đặc biệt là các chủ chợ) sẽ có được một ý thức cao hơn trong vấn đề vệ sinh để người dân bản địa không đánh giá mình quá thấp khi nhìn vào các khu chợ VN. Và mình chẳng cần phải nhìn đâu xa, hãy nhìn vào cộng đồng VN ở Mỹ làm gương thế nào mình cũng có thể tiến một bước xa lắm lắm "trên con đường phát triển XHVS (xã hội vệ sinh)", thật mong lắm thay ...

Ngoài việc vệ sinh phải kể đến chuyện "ồn ào", có lẽ tiểu mỗ ở Úc đã một thời gian nên không cảm thấy vui theo kiểu "ồn ào". Có một số người cho rằng về VN chơi vui vì lúc nào cũng ồn ào đông vui. Nói thật tiểu mỗ có về VN cách đây hơn chục năm, nhưng cảm thấy nhớ Úc Châu tha thiết, chỉ mong về lại Úc cho sớm. Ngoài những việc không thích khác, việc không thích nhất đối với tiểu mỗ là việc ồn ào. Ở Úc hay Mỹ, khi đi đến những phố xá hay lễ hội đông đúc, thiên hạ cũng ồn vậy, nhưng cái ồn này nó có vẻ trật tự không như kiểu VN, tiểu mỗ tạm gọi là "ồn một cách mất trật tự". Kiểu mất trật tự ở đây không chỉ ngoài đường phố mà ngay cả nhưng nơi công sở v.v.

Nói đến chuyện "mất trật tự", tiểu mỗ lại xin leo lề một chút, số là tiểu mỗ có dịp đi vào văn phòng Air Vietnam ở Saigon cách đây chục năm, họ có chỗ cho mọi người đứng chờ trước khi gặp nhân viên để giải quyết giấy tờ v.v. Rõ ràng chỗ đợi có ghi rõ (cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt) đại loại là "Please Queue Here - Xin chờ nơi đây ...". Tiểu mỗ lò mò đến chỗ đứng chờ để đến lượt mình, nhưng khi mình "tưởng" đến lượt mình thì thật là kỳ quái tự dưng các ông các bà ở đâu đâu cắt ngang trước mũi mình đi tới gặp nhân viên coi như mình "invisible" vậy. Tiểu mỗ lại kiên nhẫn đứng chờ, và thiên hạ vẫn tự nhiên làm ngơ. Việc kỳ quái nhất là nhân viên làm việc ở đó họ cứ tỉnh bơ coi như không có việc gì, hễ ai ghé đến trước mặt họ thì họ làm việc. Tiểu mỗ thật không hiểu được, chỉ có một lý do để tiểu mỗ có thể giải thích là các nhân viên ở đây ai cũng bị cận thị nặng và không được mang kiếng trong khi làm việc chăng?

Quay trở lại chuyện chợ VN ở Úc & ở Mỹ, theo cá nhân tiểu mỗ thì tiểu mỗ thích chợ VN ở Little Saigon bởi vì nó "trật tự" hơn chợ VN ở Melbourne. Tiểu mỗ thật chẳng thích cái kiểu rao như hét vào tai ở chợ Bilo - Footscray, không biết ai cho thế là vui chứ tiểu mỗ rất sợ bị tra tấn lỗ tai mỗi khi vào khu chợ này ...

Việc cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc "ăn", theo nhận xét cúa tiểu mỗ, đồ ăn ở Little Saigon vừa rẻ (khoảng một nửa giá so với ở Úc), vừa ngon, vừa dồi dào cả về lượng & chất. Lúc mới đến Úc, tiểu mỗ còn nhớ các tô/dĩa phở, hủ tiếu, cơm, mì xào thật là "đồ sộ", thế rồi theo thời gian cái gì cũng bị "teo" lại. Bây giờ nhiều lúc vào tiệm ăn tiểu mỗ phải nhấn mạnh là "tô xe lửa hay đĩa lớn" thì mới mong tạm đủ còn nếu gọi phần bình thường thì chỉ đủ tráng bao tử (đó là tiểu mỗ đã giảm "chế độ" nhiều rồi).

Ở Mỹ những tiệm tiểu mỗ ghé qua, phần ăn trung bình ở đây chắc là bằng phần ăn "lớn" ở Úc. Ví dụ một phần cơm ở Úc có lẽ nhiều lắm sẽ có từ 3-4 món nhưng ở Little Saigon một phần cơm có đến chục món. Nếu không biết mà vào quán cơm như Cơm Tấm Thuận Kiều chẳng hạn, gọi một đĩa cơm thì chuẩn bị hai người share chứ một người bảo đảm không thể ăn hết. Đó là nói về lượng còn nói về sự phong phú thì nhiều món khó kiếm ở Úc như phở sốt vang (phở áp chảo) thì ở Little Saigon rất nhiều tiệm bán món này. Little Saigon còn đặc biệt có món "cơm chỉ", đến quầy này thì có cả mấy chục món quý vị tha hồ chỉ, miễn sao gắp đầy hộp thì thôi.

Dưới đây là một số địa chỉ nhà hàng / tiệm ăn mà quý vị nên ghé qua nếu có dịp sang Little Saigon:

- Cơm Tấm Thuận Kiều - Đệ Nhất Cơm Tấm Tàu Hũ Ky
Tel: (714) 531 8452
14282 Brokhurst St
Garden Grove, CA 92843

- Phở Lú
Tel: (714) 539 7979
10141 Westminster Ave, Suite M
Garden Grove, CA 92843

- Lục Đỉnh Ký
Tel: (714) 775 8811
9600 Bolsa Ave, Suite M
Westminster, CA 92683