Hồi ký cựu Thủ Tướng Úc - ông Malcom Fraser,
Người cha già của người tỵ nạn Úc Châu
“Ngày hôm nay, ông Fraser coi việc tổ chức việc định cư của chính phủ ông cho những người tỵ nạn miền Nam Việt Nam là thành quả đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của ông.” [tr. 277]
“Nếu không có ông, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay.”
Kể từ khi công ty dời về khu Docklands, tôi không còn cái thú lang thang các ngõ ngách của trung tâm Melbourne để thưởng thức bao nhiêu món ăn trên thế giới đều có thể tìm thấy được trong thành phố đa văn hoá tiêu biểu của nước Úc này. Từ những món ăn quen thuộc Tây, Tàu, Nhật, Ấn Độ, Ý, đến những món ăn mới mẻ hơn từ những quốc gia như Mông Cổ, Lebanese, Nepal, Phi Châu vv.....
Docklands là một khu mới của thành phố Melbourne. Những toà nhà văn phòng thiết kế theo lối mới, xanh, đỏ tím, vàng trông rất vui mắt được cất lên gần những khu chung cư cao cấp. Đây là mô hình thiết kế đô thị kiểu mẫu mới của Melbourne. Nhưng khu Docklands gần cửa biển, gió lộng, thiết kế mới khang trang trải rộng quá, nên từ văn phòng nơi tôi làm ở Victoria Habour, đi đến khu ăn uống New Quay cũng phải mất 15, 20 phút. Do đó, nên kể từ khi về đây tôi thường đem theo đồ ăn trưa, hôm nào bận thì vừa ăn vừa làm, hôm nào rảnh rổi thì lựa một cái bàn nhìn ra cảnh trời, mây, non, nước của Docklands, vừa ăn, vừa đọc sách.
Tôi đặt cuốn sách dày 853 trang trước mặt, lật phần chú dẫn tìm chữ "Vietnam" và bắt đầu đọc. Anh đồng nghiệp người Úc trẻ, vui tính, thỉnh thoảng vẫn hay hỏi tôi "Vinh, hôm nay tôi nên ăn bánh mì Việt Nam hay ăn phở", với cách phát âm chữ "phở" rất chuẩn, xà tới. "Vinh, hôm nay anh đọc gì vậy ?". Tôi gập sách lại, cho anh coi trang bìa "Malcom Fraser, The Political Memoirs". Anh trợn tròn đôi mắt, "Why ? Tại sao anh đọc cuốn sách này ?".
Người Úc nói chung, tính tình hiền lành dễ dãi, phần đông say mê thể thao, không quan tâm nhiều đến những đề tài chính trị khô khan. Anh đồng nghiệp tôi ngạc nhiên cũng phải, khi thấy tôi ôm cuốn hồi ký dầy cộm của một vị cựu Thủ Tướng Úc. Tôi trả lời "Chính ông Malcom Fraser là người đã mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Việt Nam vào nước Úc. Nếu không có ông, tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay".
Định mệnh vô hình !
Cũng như bao nhiêu người tỵ nạn ở Úc khác đều biết, Ông Malcom Fraser là người ân nhân của người tỵ nạn Việt Nam. Dưới thời ông, hàng chục ngàn người tỵ nạn Việt Nam đã được nhận định cư tại Úc. Trong khi chỉ mới vài năm trước đó, nước Úc ẫn còn áp dụng chính sách "Nước Úc da trắng", chỉ nhận di dân từ các nươc gốc Âu Châu vào định cư mà thôi. Tôi muốn đọc cuốn hồi ký của ông để tìm hiểu thêm điều gì đã cho ông có suy nghĩ, hành động mở vòng tay ra đón nhận người tỵ nạn Việt Nam.
Nhắc đến Thủ Tướng Malcom Fraser, người ta nhớ đến một vị thủ tướng tài ba, đã đắc cử ba nhiệm kỳ nhưng ông cũng là một vị thủ tướng đã gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị nước Úc. Ông là người thủ lãnh đảng đối lập duy nhất, đã vận dụng một điều khoản trong hiến pháp Úc để thuyết phục Tổng Toàn Quyền lúc bấy giờ là ông John Kerr, đại diện Nữ Hoàng, cách chức chính quyền Lao Động của Thủ Tướng Gough Whitlam.
Năm 1975, chính trường Úc sôi nổi vì sự việc một chính phủ Úc do dân Úc bầu lên, lại bị quyền lực - lẽ ra chỉ là một quyền lực tượng trưng - của vị Nữ Hòang ở mẫu quốc Anh xa xôi truất phế. Ở một vùng trời xa xôi khác, năm 1975 cũng là một năm định mệnh khi miền Nam thất thủ và làn sóng người tỵ nạn cộng sản bắt đầu đổ tràn sang các nước Đông Nam Á. Nếu ông Fraser không vận động truất phế chính quyền của thủ tướng Gough Whitlam, thì một điều chắc chắn là số thuyền nhân tỵ nạn lênh đênh trên biển cả kia được nhận vào Úc, sẽ không đông đảo như dưới thời Thủ tướng Malcom Fraser.
Định mệnh vô hình đã nối kết sự nghiệp chính trị của Thủ Tướng Malcom Fraser với số phận người tỵ nạn Viêt Nam nhập cư đến Úc!
“Chúng ta có một trách nhiệm tinh thần. Chúng ta đã từng sát vai chiến đấu với họ tại Việt Nam.” [tr. 420]
Một điều phải ghi nhận, là chính chính phủ Lao Động Gough Whitlam đã có công thay đổi hiến pháp xoá bỏ chính sách "Nước Úc da trắng". Tuy nhiên chính sách ngoại giao của chính phủ Lao Động lúc bấy giờ là chống chiến tranh Việt Nam, ve vãn gần gũi hơn với Liên Xô và Trung Cộng. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Tiến Sĩ Jim Cairns, người đã từng cầm đầu những cuộc xuống đường phản chiến chống chiến tranh Việt Nam được mô tả là "đã tỏ ra hết sức hớn hở trước viễn ảnh chiến thắng của Cộng Sản Bắc Việt"
Do đó chính phủ Gough Whitlam đã tỏ ra thờ ơ trước cảnh miền Nam Việt Nam sụp đổ và hoàn cảnh khốn khổ của người tỵ nạn. Thủ tướng Malcom Fraser ghi lại trong hồi ký, ngoài chiến dịch cứu vớt trẻ em mồ côi, vào ngày 30-04-1975 chỉ có 78 công dân Việt Nam được hưởng qui chế tỵ nạn và được nhập cư vào Úc. Dưới thời Thủ tướng Whitlam, trong số 5,629 đơn xin hưởng qui chế tỵ nạn, chỉ có 542 đơn được chấp thuận. Các viên chức di trú còn được nhắc nhở phải cứng rắn, không dễ dãi khi cứu xét người tỵ nạn Việt Nam, và được lệnh bắt giam tất cả những ghe tỵ nạn nào trực tiếp đến Úc.
Bất bình với đường lối cứng rắn trên, ông Malcom Fraser trong vai trò thủ lãnh đảng đối lập đã viết nhiều bức thư trực tiếp đến Thủ tướng Gough Whitlam, kêu gọi hãy "vì lương tâm nước Úc, vì lương tâm người tỵ nạn Đông Dương … hãy cứu xét lại chính sách hẹp hòi, và nhẫn tâm" này.
May mắn thay cho người tỵ nạn Việt Nam , từ năm 1976 trở đi, ở giai đoạn cao trào của người vượt biển thì chính quyền Withlam sau khi bị truất phế, cũng đã thua đậm trong cuộc bầu cử được tổ chức lại sau đó, và Đảng Tự Do của thủ tướng Malcom Fraser lên nắm chính quyền với một cái nhìn bác ái, độ lượng với người tỵ nạn.
Từ khi còn là một dân biểu trẻ, ông Malcom Fraser đã đặc biệt lưu ý đến những chính sách bang giao quốc tế. Sau đó, ông có những kinh nghiệm trực tiếp về chiến tranh Việt Nam khi ông được thăng chức Bộ Trưởng Quân Đội từ năm 1966-1968, và Bộ Trưởng Quốc Phòng từ năm 1969-1971. Sau khi quân đội Úc thành lập căn cứ quân sự tại Núi Đất, Phước Tuy, ông đích thân đến Việt Nam hai lần để xem xét tình hình chiến sự và điều kiện của binh sĩ Úc công tác tại Việt Nam. Ông đã chứng kiến tận mắt cảnh quân đội Úc chung vai sát cánh với quân đội VNCH trong nhiệm vụ ngăn chặn cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam.
Tháng tư năm 1975, khi miền Nam thất thủ, lúc bấy giờ ông là thủ lãnh đối lập của Đảng Tự Do. Ông đau xót nhìn cảnh miền Nam bị bỏ rơi, những nhân viên Việt Nam làm trong bộ ngoại giao Úc không di tản kịp bị bỏ lại, những người tỵ nạn liều thân vượt thoát trên những chiếc thuyền mong manh. Chính những hình ảnh này đã làm cho ông tự cho mình một trách nhiệm tinh thần để rồi sau này khi trở thành Thủ tướng , ông đã áp dụng những chính sách hết sức nâng đỡ người tỵ nạn, đặc biệt là người tỵ nạn Việt Nam.
Dưới thời kỳ chính phủ Fraser, chiếc tàu tỵ nạn đầu tiên trực tiếp đến Darwin ngày 28-04-1976, không những không bị giam mà còn được hưởng qui chế tạm trú và các dịch vụ an sinh xã hội ngay lập tức. Khi ông rời chức vị Thủ tướng vào năm 1983, nước Úc đã nhận trên 70,000 người tỵ nạn Đông Dương, một con số cao nhất nếu tính theo bình quân dựa trên dân số, so với Mỹ 468,463; Canada 79,908; Pháp 79,684.
Ông nhớ lại khi nội các bàn cãi những khó khăn có thể xảy ra trong việc cho nhập cư một số đông ngừời tỵ nạn, ông dặn dò ông Michael McKellar, bộ trưởng Bộ Di Trú "Chúng ta có một trách nhiệm tinh thần. Chúng ta đã từng sát vai chiến đấu với họ tại Việt Nam".
"Phu Nhân có bầu cho ông Howard không ?" - "Còn Lâu" [tr. 442].
Hồi ký của Thủ Tướng Malcom Fraser cũng có một đoạn mô tả sự khác biệt về chính sách di trú, và tỵ nạn giữa ông và một Thủ Tướng gần đây của đảng Tự Do, ông John Howard. Ông Fraser nhớ lại trong một cuộc họp, ông Howard lúc đó là một dân biểu cấp dưới đã không nói gì khi nội các thông qua chính sách chấp nhận một số đông người tỵ nạn Đông Dương. Sau buổi họp, ông Howard chạy lại hỏi ông Fraser "Thưa Thủ Tướng, mình không nhận đông người tỵ nạn Đông Dương như vậy đâu phải không? Quyết định này chỉ cho có hình thức thôi phải không?". Ông Fraser đã trả lời "Những gì anh nói với tôi ở hành lang này không có ý nghĩa gì cả. Nếu anh còn muốn thảo luận tiếp thì hãy nêu lại vấn đề này trong kỳ họp nội các tới". Ông Howard không hề nêu lại vấn đề này.
Ông cũng đã chỉ trích ông Howard về thái độ chấp nhận ngầm tính chất đầy kỳ thị của bà Pauline Hanson trong bài phát biểu nhậm chức tại Quốc Hội năm 1996, khi ông Howard cho đó là quyền tự do ngôn luận.
Ông lại càng bất bình hơn về cách ông Howard xử thế vấn đề chiếc tàu Tampa trong kỳ vận động bầu cử năm 2004. Một thuyền trưởng người Na-Uy cứu một chiếc tàu tỵ nạn chở 433 người A-Phú-Hãn ở ngoài khơi hải phận quốc tế khi tàu này gần bị chìm nhưng tàu Tampa bị từ chối không được cập bến Úc. Cuối cùng những người tỵ nạn này bị gởi sang các trại giam ở Nauru và Papua New Guinea. Trong kỳ bầu cử này, ông Howard đã dùng sự kiện chiếc tàu Tampa để khơi động nguy cơ người tỵ nạn tràn ngập đến Úc, và áp đặt lại chính sách bắt nhốt những thuyền nhân "di dân bất hợp pháp", hoàn toàn đi ngược với chính sách nhân đạo của chính phủ Fraser trước đây. Sự bất bình của ông Fraser lên tới tột độ đến nỗi ông và phu nhân là bà Tamie Fraser suýt chút nữa đã rút ra khỏi đảng Tự Do. (Cuối cùng thì ông cũng đã rút ra khỏi đảng Tự Do vào tháng 12, 2009.)
Khi được hỏi ông có bầu cho ông Howard không, ông Fraser tế nhị không trả lời. Nhưng phu nhân, bà Tamie Fraser thì đã thẳng thừng hơn "Còn lâu" (No way).
Kết
Ngày thứ sáu 12/11/2010, Cộng Đồng Người Việt Tự Do sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm 35 năm định cư của cộng đồng Việt Nam tại Úc nói chung và tiểu bang Victoria nói riêng. Cựu Thủ Tướng Malcom Fraser sẽ là vị khách danh dự trong buổi lễ này. Tôi sẽ có mặt ngày hôm đó để cám ơn ông và tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Tôi sẽ mang cuốn hồi ký này theo và sẽ xin ông một chữ ký để có một kỷ niệm về người cha già khả kính của người tỵ nạn Việt Nam này.
…
Hết giờ nghỉ trưa, tôi gấp sách lại . Anh bạn trẻ người Úc cũng vừa xì xụp xong hết tô phở take-away. Anh ngước lên hỏi tôi "Vinh à, Thủ Tướng John Howard cũng mới cho ra cuốn hồi ký đó, anh có định mua không?". Tôi mỉm cười, suy nghĩ trong đầu, mình nên bắt chước lối trả lời tế nhị của Thủ Tướng Malcom Fraser hay cách trả lời thẳng thừng của phu nhân Tamie?
Đình Vinh
Melbourne, Tháng 11, 2010
(Đình Vinh là một thành viên của VNTV, Chương Trình Truyền Hình Việt Ngữ, C31, Melbourne).
[..] “Malcom Fraser – The Political Memoirs”, Malcom Fraser & Maraget Simons
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.