Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

THÚY ĐÃ ĐI RỒI

Trong gia tài sáng tác khá đồ sộ của nhạc sĩ Y Vân, có một bản nhạc đặc biệt: Thúy đã đi rồi… Bản nhạc này rất thịnh hành vào thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, đằng sau bản nhạc là một bí mật ít người biết tới.
Nghệ sĩ vốn đa tình, cho nên chuyện trăng hoa, ong bướm âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng trường hợp của nhạc sĩ Y Vân lại khác, bởi bà Minh Lâm – vợ ông, từng khẳng định với người viết là ông rất đứng đắn, nghiêm túc trong chuyện tình cảm và không giấu bà điều gì. Ngay cả bút danh Y Vân bà cũng biết, đó là cuộc tình thời trai trẻ của ông và thiếu nữ mang tên Tường Vân. Cuộc tình không thành nhưng để lại dấu ấn trong cái tên ký dưới mỗi bản nhạc do ông sáng tác : Y Vân (nghĩa là “Yêu Vân”).
Cả chuyện cô gái chủ quán bi-da mà ông hay đến chơi, thường nhìn ông với ánh mắt “bất thường” để ông có cảm xúc viết thành ca khúc Khi em nhìn anh ông cũng kể hết với bà. Vậy, sao lại có bản “Thúy đã đi rồi”, gọi đích danh tên một người con gái với những ca từ mang tâm trạng của một kẻ đắm đuối trong bể tình :
“Thúy đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi. Biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Đời em về đâu ? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu ? Đường mây tìm dấu… Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn…”.
Do nhạc sĩ Y Vân đã mất (năm 1992), nên tôi đem điều này hỏi người em ruột của ông là nhạc sĩ Y Vũ. Ông tiết lộ :
- “Tôi nói rõ sự thật nhé, anh Y Vân đã viết ca khúc này thay cho tâm sự của một người bạn rất thân, đó là tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long (còn gọi là Long Đất). Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Nguyễn Long yêu say đắm ca sĩ Thanh Thúy nhưng cô ca sĩ tài danh này không chút mảy may động lòng. Nguyễn Long âm thầm sống trong đau khổ, cay đắng một mình. Rồi một hôm, nhạc sĩ Y Vân bắt gặp anh chàng thất tình này trong quán cà phê với bộ dạng “ngó phát chán”, Y Vân hỏi han và Long Đất đã thổ lộ mối tình sâu kín.
Thương cảm mối tình đơn phương của người bạn thân, Y Vân đã viết Thúy đã đi rồi. Bài này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng của dòng nhạc blue thời bấy giờ. Bài hát được khá nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của nàng chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm anh chàng Nguyễn Long vẫn bám theo nàng “trên từng cây số”, qua những phòng trà mà cô đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm”.
Đến đây, người viết xin được mở ngoặc để nói về tài sắc của nữ ca sĩ Thanh Thúy. Chị sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 16 tuổi (1959) và sở hữu một giọng hát hết sức đặc biệt: khàn đặc như có pha rượu, nghẹn ngào, nức nở với dáng dấp mảnh mai, mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy… Giọng hát ấy, dáng dấp ấy như có ma lực khiến ai “lỡ nghe” rồi là say như điếu đổ… Chẳng thế mà hầu hết văn nghệ sĩ cùng thời đã “nghiện” tiếng hát mà họ ví von với rất nhiều hình ảnh: lơ lửng với khói sương, nhấp nhô cùng sóng nước, đam mê theo cung bậc, thì thầm với kẻ tình si, du dương trong tĩnh lặng, vỗ về với yêu thương.
Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ, đồng thời là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” suốt 3 năm liền.
Tháng 11.1961, Nguyễn Long thực hiện cuốn phim Thúy đã đi rồi, theo ca khúc của nhạc sĩ Y Vân và nhạc phim do ca sĩ Hùng Cường hát. Nữ ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thanh Thúy. Ngoài bộ phim này, hình ảnh Thanh Thúy còn xuất hiện trên kịch sân khấu, kịch truyền hình. Các nghệ sĩ Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung… đều đã đóng vai Thanh Thúy. Thanh Thúy thật sự là một con người tài sắc nổi trội khiến cánh đàn ông hồi đó có đủ “lý do chính đáng” để mê mệt cô như một thần tượng.
Trở lại với chàng tình si Nguyễn Long – dù đã nặng tình đeo đuổi, thậm chí đã làm phim về nàng nhưng không sao lọt vào mắt xanh của nàng. Mang tâm trạng u uất, Nguyễn Long đã trải lòng qua bài thơ tự sáng tác Thôi. Bài thơ này cũng được Y Vân phổ thành tình khúc mà cho đến nay vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì! Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa. Thôi em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư… Ôi cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người. Lệ sầu chia ly buồn tê tái. Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài. Thu man mác buồn, mùa thu ơi!…”.
Nguyễn Long khi ấy mới khoảng 30 tuổi, nghe nói phải hơn mười năm sau ông mới lập gia đình, còn ca sĩ Thanh Thúy đã lấy chồng trước đó (năm 1964).
Thanh Thúy cũng là “người yêu trong mộng” của rất nhiều người. Trịnh Công Sơn viết bản nhạc đầu tay Ướt mi dành tặng Thanh Thúy. Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya vì Thanh Thúy. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly “tán” :
“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô”.
Họa sĩ Vũ Hối buông cọ để làm thơ : “Liêu trai tiếng hát khói sương/Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình/Nghiên sầu từng nét lung linh/Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”… Nhà văn Mai Thảo gọi cô là “Tiếng hát lúc 0 giờ”, giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung thì cho là “Tiếng hát liêu trai”, nhạc sĩ Tuấn Huy gọi là “Tiếng sầu ru khuya”…

(Theo :  Trần Hoàng Nhân )
Thúy ơi, Thúy đã đi rồi”
Hầu hết các nhà thơ, nhạc sĩ vì yêu rồi “thất tình” mới sáng tác nên những vần thơ, điệu nhạc tặng các người đẹp khiến nhiều trái tim người hâm mộ say mê. Thế nhưng, với ca khúc Thúy đã đi rồi của nhạc sĩ Y Vân lại là chuyện khác.
Thúy ở đây là ca sĩ Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Huế, đi hát ở Sài Gòn từ năm 1959. Tài sắc của Thanh Thúy đã khiến nhiều “nam nhân” trong làng văn nghệ Sài Gòn thổn thức. Trịnh Công Sơn viết Ướt mi, Thương một người vì Thanh Thúy. Tôn Thất Lập sáng tác Tiếng hát về khuya cũng vì Thanh Thúy... Nhà văn Mai Thảo gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc 0 giờ”. GS triết học Nguyễn Văn Trung gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát liêu trai”... Năm 1962, Thanh Thúy được bầu là Hoa hậu Nghệ sĩ và là “Nữ ca sĩ ăn khách nhất” trong 3 năm liền từ 1960 - 1963.
Tài sắc như Thanh Thúy nên thêm một người si mê cũng là lẽ thường. Trong số các “cây si” của Thanh Thúy có tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ Nguyễn Long. Nguyễn Long là bạn thân của nhạc sĩ Y Vân, do “yêu đơn phương” nên Nguyễn Long mang bệnh tương tư. Nhạc sĩ Y Vân sáng tác Thúy đã đi rồi để nói giúp nỗi lòng của Nguyễn Long: “Thúy ơi, Thúy đã đi rồi/ Những ngày băng giá không tiếng cười...”. Năm 1961, Nguyễn Long còn làm cả bộ phim Thúy đã đi rồi nhưng vẫn không lọt vào mắt xanh của nàng. Si tình trong tuyệt vọng, Nguyễn Long làm bài thơ Thôi như tự an ủi mình. Bài Thôi được Y Vân phổ nhạc rất nổi tiếng: “Thôi, em đừng khóc nữa làm gì/ Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa/ Thôi, em đừng khóc, em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu làm sao xóa hết tâm tư...”.
* * *
Nhà thơ Lê Minh Quốc thật có lý khi viết lời giới thiệu Những bóng hồng trong thơ nhạc: “Nếu Beethoven không gặp Giucciardi, nếu A.Dumas không gặp Melanie, nếu Apollinaire không gặp Linda, nếu Hàn Mặc Tử không gặp Thương Thương và Mộng Cầm, nếu Phạm Thái không gặp Trương Quỳnh Như... Nếu mọi sự lặng im không gì gặp nhau thì liệu công chúng có dịp nào để lắng nghe, chia sẻ nỗi lòng thầm kín của người nghệ sĩ? Tác phẩm ấy viết cho một người, nhưng khi bước xuống dòng đời lại hóa thành của mọi người...”.
Trần Hoàng Nhân

--
TRAN NANG PHUNG
http://www.youtube.com/user/trannangphung?feature=mhum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.