Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Bát Nhã Tâm Kinh


Bát Nhã Tâm Kinh
Heart of Perfect Wisdom Sutra
***
Nội dung:
1. Lịch sử bản kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh. 
2. Bản dịch Hán do Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch.

2.1. Bản phiên âm Hán-Việt.

      2.2. Bản dịch Việt phổ thơ lục bát.
2.3. Bản dịch Việt của TS. Thích Nhất Hạnh.
       1/.Giới thiệu.
2/. Lý do tại sao phải dịch lại Tâm Kinh?
3/. Kinh văn Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ mới bằng văn trường hàng.
4/. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng kệ tụng 5 chữ.
5/. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng Anh ngữ.
3. Bản họa lại bản dịch của TS. Thích Nhất Hạnh.
3.1. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng văn trường hàng.
3.2. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng kệ tụng 5 chữ.
 
o0o

1. Lịch sử bản kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh  
(般若波羅蜜多心經;S:Prajñā Pāramitā Hridaya SūtraPrajnaparamitahridaya Sutra;  E: Heart of Perfect Wisdom Sutra)

Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh còn được gọi là Bát-nhã Tâm kinh, hay Tâm kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Bắc truyền. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.

Kinh này được hầu hết các Phật tử tại Việt NamTriều TiênNhật BảnTây Tạng, và Trung Quốc biết đến và rất thường dùng trong việc đọc tụng.

Tình trạng xuất hiện của kinh này không được các tác giả thống nhất. Thời điểm ra đời của nó có thể là từ năm 100 TCN đến thế kỷ thứ 2 và một số tác giả cho rằng bài kinh này do Bồ-tát Long Thọ (Nàgàrjuna) viết.

Bản kinh phổ biến nhất ở Việt Nam là bản của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng Pháp Sư) sau khi thỉnh kinh về đã dịch lại vào năm 649. Trước đó đã có nhiều sư dịch từ tiếng Phạn ra Hán,  trong đó có Cưu Ma La Thập (402-412), Nghĩa HuyềnPháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi NgônTrí Tuệ LuậnPháp Thành, và Thi Hộ.

Kinh cũng đã được sự chú giải của rất nhiều sư từ nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, người chú giải kinh này đầu tiên là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động (tỉnh Ninh Bình) thời vua Minh Mạng.

Về đại cương thì các bản văn đều khá rõ và giống nhau nhưng về chi tiết ngay các bản chữ Phạn để lại cũng có chi tiết khác nhau. Dĩ nhiên là trong các bản dịch đều có những chi tiết khác nhau nhỏ (tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt).

Trong thập niên cuối của thế kỷ 19 thì bản kinh mới được Samuel Beal dịch ra Anh ngữ.  Còn Edward Conze (1904-1979), nhà nghiên cứu Phật học Anh với nhiều công nghiên cứu đã không thể tìm thấy được bài văn nguyên thủy của kinh này, mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy có một nguyên bản ban đầu của kinh này.

Toàn bộ bộ kinh lớn Đại Bát Nhã cũng đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi họ đánh chiếm Đại học Phật giáo Nalanda. (Xem thêm:  Lịch sử Phật giáo – Wikipedia.)

Khi so lại bản dịch phổ biến hiện nay hầu hết dịch lại từ bản Hán ngữ của sư Trần Huyền Trang với một phiên bản khác còn lưu lại được trong Tạng ngữ thì bộ kinh này thiếu vắng phần khai kinh và phần kết luận hoan hỉ vâng làm theo của chư vị nghe giảng kinh. Trong bản dịch từ Tạng ngữ, phần này vẫn còn đầy đủ.

2. Bản dịch Hán do Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch.

觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提僧莎訶
 

2.1. Bản phiên âm Hán-Việt.

Quán-Tự-Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời , chiếu kiến ngũ-uẩn giai Không , độ nhất thiết khổ ách.
"Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị ".
Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh , bất diệt, bất cấu , bất tịnh, bất tăng , bất giảm.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ , tưởng , hành , thức.
Vô nhãn , nhĩ , tỷ thiệt , thân , ý ; vô sắc ,thanh , hương , vị ,xúc , pháp ; vô nhãn giới ,nãi chí vô ý thức giới.
Vô Vô-minh diệc , vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
Vô Khổ , Tập , Diệt , Đạo , vô Trí diệc vô Đắc, dĩ vô sở đắc cố , Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật--đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng-bố, viễn ly điên đảo mộng-tưởng, cứu cánh Niết-Bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.
Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú . Tức thuyết chú viết:
Yết-đế , yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha ".
 

2.2. Bản dịch Việt phổ thơ lục bát

Khi hành Bát Nhã Ba La
Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều Không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Nầy Xá Lợi Tử xét raKhông là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào,
Cũng như sắc uẩn, một màu không không
Nầy Xá Lợi Tử ghi lòngKhông không tướng ấy, đều không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái chơn không
Vốn Không năm uẩn, cũng Không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc, thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Đến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh, cũng vẫn không
Hết già, hết chết, cũng không có gì
Không khổ, tập, diệt, đạo kia
Trí huệ chứng đắc cũng là không không
Sở thành, sở đắc bởi Không
Các vì Bồ Tát nương tùng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băn khoăn sợ gì
Đảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết Bàn mới đến bên kia bến bờ
Ba đời chư Phật sau, xưaĐắc thành Chánh Giác cũng nhờ huệ năng
Trí huệ năng lực vô ngần
Đại Minh vô thượng, Đại Thần cao siêu
Trí huệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí huệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng:
Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.
Yết đế, yết đế
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề Tát bà ha.

 
          2.3. Bản dịch Việt của TS. Thích Nhất Hạnh.

1/.Giới thiệu : 
Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ là tên và kinh văn mới của kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc đơn giản hai chữ Tâm Kinh vừa được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch lại và hoàn tất mà theo Ngài là vào khoảng ba giờ khuya ngày 21.08.2014 tại Viện Vô Ưu - Đức quốc.  Trong một lá thư gửi cho học trò, và đệ tử 4 chúng khắp nơi trên thế giới Ngài đã lý giải rất tường tận về Lý do tại sao phải dịch lại kinh văn này.
Thiền Sư nói với đệ tử của ngài rằng :  ... Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm qua các thời đại. (...) Thầy chỉ hơi tiếc là vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không thêm vào bốn chữ không có, không không ngay sau bốn chữ không sinh, không diệt mà thôi. Bởi vì bốn chữ ấy có thể giúp người thoát khỏi ý niệm có và không, và người ta sẽ không còn dễ bị kẹt vào những cái như “không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi…”
Kinh văn mới cùng với lá thư lý giải tại sao phải dịch lại Kinh này đã phổ biến lần đầu tiên trên trang nhà Làng Mai ngay tức khắc đã có hơn 2200 thành viên facebook ưa tích. Sau đây là Minh giải của Thiền Sư về Lý do tại sao phải dịch lại Tâm Kinh. Tiếp theo là kinh văn trường hàng, kế đến là kinh văn theo kệ tụng 5 chữ. Và sau cùng là kinh văn tiếng Anh.
Tu Viện Hộ Pháp

2/. Lý do tại sao phải dịch lại Tâm Kinh?
 
Các con của Thầy,
Sở dĩ Thầy phải dịch lại Tâm kinh, vì vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không đủ khéo léo trong khi sử dụng ngôn từ; do đó, đã gây ra nhiều hiểu lầm qua các thời đại.
Thầy muốn kể cho các con nghe hai câu chuyện: câu chuyện của một vị sa-di tới tham vấn một thiền sư và câu chuyện một thầy khất sĩ tới tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ.
1. Chuyện của một vị sa-di tới tham vấn một thiền sư
Vị thiền sư hỏi chú sa-di:
- Con hiểu Tâm kinh như thế nào, nói cho Thầy nghe đi.
Chú sa-di chắp tay đáp:
- Con học được rằng, tất cả năm uẩn đều là không. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp; không có sáu thức, mười tám giới cũng không có, mười hai nhân duyên cũng không có, mà cả tuệ giác và chứng đắc cũng không có.
- Con có tin vào lời kinh ấy không?
- Dạ con rất tin vào lời kinh.
Thiền sư bảo:
- Con xích lại gần thầy đây.
Khi chú sa-di xích lại gần, vị thiền sư liền dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của mình nắm lấy cái mũi của chú sa-di và vặn một cái mạnh. Chú sa-di đau quá la lên:
- Thầy ơi, thầy làm con đau quá!
Vị thiền sư nhìn chú và hỏi:
- Vừa rồi chú nói rằng không có mũi. Nếu không có mũi thì cái gì đau vậy?
2. Chuyện một thầy khất sĩ tới tham vấn Tuệ Trung Thượng Sĩ
Tuệ Trung Thượng Sĩ là một vị thiền sư cư sĩ, đã từng làm y chỉ sư cho vua Trần Nhân Tông hồi vua còn nhỏ tuổi. Hôm ấy, có một thầy tỳ-kheo tới hỏi ngài về Tâm kinh:
- Bạch Thượng Sĩ, hình hài chính là cái không, cái không chính là hình hài, câu này có nghĩa gì?
Ban đầu, Thượng Sĩ im lặng. Sau đó, Thượng Sĩ hỏi:
- Thầy có hình hài không?
- Dạ có.
- Vậy thì tại sao lại nói hình hài là không?
Thượng sĩ hỏi tiếp:
- Thầy có thấy trong cái không gian trống rỗng kia, có cái hình hài không?
- Dạ con không thấy có.
- Vậy thì tại sao lại nói cái không tức là hình hài?
Vị khất sĩ đứng lên xá và đi ra. Nhưng thầy bị Thượng Sĩ gọi lại và đọc cho nghe bài kệ sau đây:

 “Sắc tức thị không, không tức thị sắc,
Chư Bụt ba đời tạm thời bày đặt.
Không chẳng phải sắc, sắc chẳng phải không,
Thể tính sáng trong không hề còn mất.”

Căn cứ vào câu chuyện này, ta thấy Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói ngược lại với Tâm kinh và đã động tới cái công thức “sắc tức thị không, không tức thị sắc” linh thiêng, bất khả xâm phạm của nền văn học Bát-nhã.

Thầy thấy Thượng Sĩ đã đi quá đà. Thượng sĩ chưa thấy được rằng cái lỗi không nằm ở công thức “sắc tức thị không” mà nằm ở chỗ vụng về nơi câu “Thị cố không trung vô sắc”. Cách dùng chữ của Tâm kinh Bát-nhã ngay từ câu đầu cho đến câu: “không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt”, theo Thầy đã là tuyệt hảo. Thầy chỉ hơi tiếc là vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã không thêm vào bốn chữ không có, không không ngay sau bốn chữ không sinh, không diệt mà thôi. Bởi vì bốn chữ ấy có thể giúp người thoát khỏi ý niệm có và không, và người ta sẽ không còn dễ bị kẹt vào những cái như “không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi…” Cái mũi của chú sa-di đến bây giờ vẫn còn đỏ, các con thấy không?
Vấn đề bắt đầu từ câu kinh: “Này Śāriputra, vì thế mà trong cái không, không có hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức” (tiếng Phạn: Tasmāc śāriputra śūnyatayā na rūpa na vedanā na sajñā na saskārā na vijñānam). Ô hay! Vừa nói ở trên là cái không chính là hình hài, và hình hài chính là cái không, mà bây giờ lại nói ngược lại: Chỉ có cái không, không có hình hàiCâu kinh này có thể đưa tới những hiểu lầm tai hại: Nó bốc tất cả các pháp ra khỏi phạm trù hữu và đặt chúng vào trong phạm trù vô (vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức…). Trong khi đó, thực tính của vạn pháp là không hữu cũng không vô, không sinh cũng không diệt. Kiến chấp hữu là một biên kiến. Kiến chấp vô là một biên kiến khác. Cái mũi của sư chú còn đau tới bây giờ là vì sự vụng về này. Cho đến bài kệ kiến giải tương truyền là của tổ Huệ Năng cũng bị kẹt vào ý niệm vô đó: “bản lai vô nhất vật!”:
“Cây bồ đề vốn chưa bao giờ từng có
Đài gương sáng cũng vậy
Từ xưa nay, chưa thực sự có một cái gì
Vậy thử hỏi bụi bặm có chỗ nào để bám?”
 Thật là:
 “Một áng mây qua che cửa động
Bao nhiêu chim chóc lạc đường về.”
Tuệ giác Bát nhã là thứ tuệ giác siêu việt giúp chúng ta vượt thoát mọi cặp ý niệm đối lập như sinh diệt, có không, nhiễm tịnh, thêm bớt, chủ thể đối tượng, v.v... và tiếp xúc được với thực tại bất sinh bất diệt, phi hữu phi vô, v.v... : thực tại này chính là thực tính của vạn pháp. Đó là trạng thái của sự mát mẻ, lắng dịu, bình an, vô úy, có thể chứng nghiệm được ngay trong đời sống hiện tại với hình thể năm uẩn của mình. Đó là nirvāna. “Chim chóc ưa trời mây, hươu nai ưa đồng quê, các bậc thức giả ưa rong chơi nơi niết bàn.” Đây là một câu rất hay trong phẩm Nê Hoàn của Kinh Pháp Cú trong tạng kinh chữ Hán.
Tuệ giác Bát nhã là sự thật tuyệt đối, là thắng nghĩa đế, vượt lên trên mọi sự thật ước lệ. Nó là cái thấy cao nhất của Bụt. Những đoạn kinh nào trong Đại Tạng, dù là trong các bộ Kinh Bát Nhã đồ sộ, nếu không phản chiếu được tinh thần trên, thì đều còn nằm trong bình diện sự thật ước lệ, chưa phải là đệ nhất nghĩa đế. Rủi thay, ngay trong Tâm Kinh, ta cũng thấy có một đoạn khá dài như thế.
Cũng vì vậy mà trong bản dịch mới này, Thầy đã đổi luôn cách dùng chữ trong nguyên văn tiếng Phạn và bản dịch chữ Hán của thầy Huyền Trang. Thầy dịch: “Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt”, (They do not exist as separate entities). Các pháp từ duyên khởi mà biểu hiện, không có tự tính riêng biệt, không thể tự riêng mình có mặt; đó là điều kinh Bát-nhã muốn tuyên giải. “Cả tuệ giác và chứng đắc cũng không có mặt như những gì riêng biệt.”  Câu kinh này cũng sâu sắc không kém gì câu “sắc tức thị không”.Thầy cũng đã thêm vào bốn chữ không có, không không vào sau bốn chữ không sinh, không diệt“Không có, không không” là tuệ giác siêu việt của Bụt trong kinh Kātyāyana (Ca Chiên Diên), khi Bụt đưa ra một định nghĩa về chánh kiến. Bốn chữ này sẽ giúp cho các thế hệ sa-di tương lai không còn bị đau lỗ mũi.
Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. Câu kinh: “Chính vì vậy mà trong cái không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức…” rõ ràng là đang bị kẹt vào ý niệm vô, cho nên câu kinh ấy không phải là một câu kinh liễu nghĩa. Ngã không (ātma sūnyatā) chỉ có nghĩa là sự trống rỗng của cái ngã, mà không phải là sự vắng mặt của một cái ngã, cũng như chiếc bong bóng trống rỗng bên trong chứ không phải là không có chiếc bong bóng. Pháp không (dharma sūnyatā) cũng thế, nó chỉ có nghĩa là sự trống rỗng của các pháp mà không phải là sự vắng mặt của các pháp, cũng như bông hoa chỉ được làm bằng những yếu tố không phải hoa chứ không phải là bông hoa đang không có mặt.
Tâm kinh Bát-nhã ra đời muộn khi tín ngưỡng mật giáo đã bắt đầu thịnh hành. Vị tổ sư biên tập Tâm kinh đã muốn tín đồ Mật giáo đọc tụng Tâm kinh, nên trong đoạn cuối đã trình bày Tâm kinh như một linh chú. Đây cũng là một phương tiện quyền xảo. Thầy sử dụng cụm từ “tuệ giác qua bờ”, vì trong câu linh chú ấy có từ pāragate có nghĩa là qua tới bờ bên kia, bờ của trí tuệ. Pārāyana cũng như Pāramitā đều được dịch là Đáo Bỉ Ngạn. Trong Kinh Tập (Sutta Nipāta), có một kinh gọi là Pārāyana được dịch là đáo bỉ ngạn, qua tới bờ bên kia. 
Chúc các con tập tụng bản dịch mới cho hay. Mình đã có bản dịch tiếng Anh rồi và thầy Pháp Linh đang phổ nhạc mới. Thế nào trong ấn bản mới của Nhật Tụng Thiền Môn, ta cũng đưa bản dịch mới này vào. Hôm qua dịch xong, có một ánh trăng đi vào trong phòng Thầy. Đó là khoảng ba giờ khuya ngày 21.08.2014.
Viết tại Viện Vô Ưu, Waldbrӧl,
Thầy của các con, thương và tin cậy.
TS. Thích Nhất Hạnh

3/. Kinh văn Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ mới bằng văn trường hàng:
Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không. Giác ngộ điều ấy xong, bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.
“Này Śāriputra, hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này. Hình hài này không phải là một cái gì khác với cái không và cái không cũng không phải là một cái gì khác với hình hài này. Điều này cũng đúng với các cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.
“Này Śāriputra, tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt.
“Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng đều không có mặt như những thực tại riêng biệt; mười hai khoen nhân duyên cùng sự chấm dứt của chúng, bốn đế là khổ, tập, diệt và đạo cũng không có mặt như những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.
“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác qua bờ không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt thắng được mọi sợ hãi, đập tan được mọi tri giác sai lầm và đạt được nirvāa tuyệt hảo.
“Tất cả các Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.
“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác qua bờ là một linh chú lớn, là linh chú sáng nhất, là linh chú cao nhất, là linh chú không thể so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên đọc lên câu linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:
 “Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”

 4/. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng kệ tụng 5 chữ:
 Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)
 
“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)
 
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)
 
“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
 
Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)
 
“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)
 
Chư Bụt trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)
 
“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Là tuệ giác chân thực
Có khả năng diệt trừ
Tất cả mọi khổ nạn. (C)
 
Vậy ta hãy tuyên thuyết
Câu linh chú qua bờ:
“Gate, gate,
pāragate,
pārasamgate,
bodhi, svaha!” (CC)

 
5/. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng Anh ngữ:
 
The Insight that Brings Us to the Other Shore
 
 Avalokiteshvara
while practicing deeply with
the Insight that Brings Us to the Other Shore,
suddenly discovered that
all of the five Skandhas are equally empty,
and with this realisation
he overcame all Ill­being. 
“Listen Shariputra,
this Body itself is Emptiness
and Emptiness itself is this Body.
This Body is not other than Emptiness
and Emptiness is not other than this Body.
The same is true of Feelings,
Perceptions, Mental Formations,
and Consciousness. 
“Listen Sariputra,
all phenomena bear the mark of Emptiness;
their true nature is the nature of
no Birth no Death,
no Being no Non­being,
no Defilement no Immaculacy,
no Increasing no Decreasing.
 “That is why in Emptiness,
Body, Feelings, Perceptions,
Mental Formations and Consciousness
are not separate self entities.
The Eighteen Realms of Phenomena
which are the six Sense Organs,
the six Sense Objects,
and the six Consciousnesses
are also not separate self entities.
The Twelve Links of Interdependent Arising
and their Extinction
are also not separate self entities.
 Ill­being, the Causes of Ill­being,
the End of Ill­being, the Path,
insight and attainment,
are also not separate self entities.
Whoever can see this
no longer needs anything to attain.
“Bodhisattvas who practice
the Insight that Brings Us to the Other Shore
see no more obstacles in their mind,
and because there are no more
obstacles in their mind,
they can overcome all fear,
destroy all wrong perceptions
and realize Perfect Nirvana.
“All Buddhas in the past, present and
future by practicing
the Insight that Brings Us to the Other Shore
are all capable of attaining
Authentic and Perfect Enlightenment.
“Therefore Sariputra,
it should be known that
the Insight that Brings Us to the Other Shore
is a Great Mantra,
the most illuminating mantra,
the highest mantra,
a mantra beyond compare,
the True Wisdom that has the power
to put an end to all kind of suffering.
Therefore let us proclaim a mantra to praise
the Insight that Brings Us to the Other Shore:
 Gate, Gate, Paragate, Parasamgate,
Bodhi Svaha!”
 
 
3. Bản họa lại bản dịch của TS. Thích Nhất Hạnh.

3.1. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng văn trường hàng:
Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, đã thấy ra rằng tất cả năm uẩn đều tuy có mà không thực có - tất cả đều Không. Giác ngộ điều ấy xong, bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.
“Này Śāriputra, hình sắc (sắc uẩn) này với tự tánh là Không, nghĩa là tự tánh Không ở nơi hình sắc này. Điều này cũng đúng với các cảm thọ, suy tưởng, tâm hành và nhận thức (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn).
“Này Śāriputra, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều mang theo tướng Không. Tất cả không tự sinh ra, không tự diệt đi, không thêm-không bớt, không dơ-không sạch.
“Chính vì vậy với tự tánh Không mà năm uẩn là hình sắc, cảm thọ, suy tưởng, tâm hành và nhận thức đều không là những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu căn, sáu trần, sáu thức cũng đều không là những thực tại riêng biệt; mười hai nhân duyên cùng sự chấm dứt của chúng, hay bốn đế là khổ, tập, diệt, đạo cũng đều không là những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.
“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác qua bờ không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt qua được mọi sợ hãi, vượt qua được mọi thấy biết mê lầm và đạt được thực tại nirvāa.
“Tất cả các Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.
“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác qua bờ là một phương tiện tu học chói sáng và kỳ diệu không gì so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên đọc lên câu linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”
 
3.2. Kinh văn Tâm Kinh mới bằng kệ tụng 5 chữ:
Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc,
với tuệ giác qua bờ,
đã khám phá ra rằng:
Cả năm uẩn đều Không.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt qua được
mọi khổ đau ách nạn.(C)
 
“Này Śāriputra,
Hình sắc này là Không,
Không nơi hình sắc này;
điều này cũng đúng với
Cảm thọ và Suy tưởng,
Tâm hành và nhận thức. (C)
 
“Này Śāriputra,
Mọi sự vật đều Không,
không sinh cũng không diệt,
không có cũng không không,
không dơ cũng không sạch,
không thêm cũng không bớt. (C)
 
“Cho nên với tánh Không,
năm uẩn đều không thể
tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng,
là sáu căn, sáu trần
và sáu thức cũng thế;
cùng mười hai nhân duyên,
sự chấm dứt của chúng.
Tất cả đều như thế,
không tự riêng có mặt;
 
Và Khổ, Tập, Diệt, Đạo;
Tuệ giác và Chứng đắc.
Tất cả đều như thế,
không tự riêng có mặt. (C)
 
“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
vượt qua mọi vọng tưởng,
đạt thực tại niết-bàn. (C)
 
Chư Bụt trong ba đời,
nương tuệ giác qua bờ,
đều có thể thành tựu,
quả chánh giác toàn vẹn. (C)
 
“Vậy nên phải biết rằng:
Phép tuệ giác qua bờ,
là phương tiện chói sáng,
là phương tiện kỳ diệu,
là phương tiện cao tột,
mà không phương tiện nào
có thể so sánh được.
Phép tuệ giác qua bờ,
là tuệ giác chân thực,
có khả năng diệt trừ
tất cả mọi khổ nạn. (C)
 
Vậy ta hãy tuyên thuyết,
phép tuệ giác qua bờ
bằng một câu linh chú:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!” (CC)
 
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.