Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Đôi điều về bệnh tương tư



BS Lê Trung Ngân
*** 

Nói đến tương tư, ai cũng nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính. Bài “Tương tư”:
 
Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho.
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.
Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông
Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào?

Thật ra bệnh tương tư có xuất xứ từ chuyện “Song Tinh Bất Dạ”. Câu chuyện này ra đời trước Truyện Kiều của Nguyễn Du 100 năm và trước chuyện Lục Vân Tiên 150 năm; Truyện kể về chàng Song Tinh hiệu là Bất Dạ con nuôi của quan Ngự Sử Giám Hồ, khi khôn lớn xin mẹ lên kinh học thi, ở đây Song Tinh cảm tài và yêu Nhuỵ Châu con gái của Quan Ngự Sử, 2 bên bộc lộ tình ý nhưng mà hok dám nói ra vì sợ đạo lý. Tình yêu quá nặng Song Tinh mang bệnh tương tư, Quan Ngự sử phải hứa gả Nhuỵ Châu cho, từ đó chàng mới thuyên giảm bệnh tình.
 
Và thật sự bệnh tương tư chỉ điều trị được khi giải toả ức chế của bệnh nhân mà thôi, nghĩa là khi bệnh nhân gặp được người yêu như Mị Nương gặp được Trương Chi, Phan Sinh gặp Diệu Thường, Tú Uyên gặp Giáng Kiều…


Về phương diện khoa học đó là sự xáo trộn mãnh liệt các kích thích tố làm hệ thống miễn dịch suy giảm, làm mất cân bằng hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm.
 
Nó không phải là một bệnh có nguyên nhân tâm thần kinh hay nguyên nhân di truyền, nó cũng không phải là một bệnh thực thể mà nguyên nhân vốn chỉ vì một sự trắc trở xa vắng, một nhớ nhung vời vợi, một nỗi ray rức khổ đau luôn luôn hiện diện ngày cũng như đêm trong đời sống của bệnh nhân.
 
Thuốc men, điều dưỡng hay tâm lý liệu pháp đều là vô ích không thể điều trị khỏi được chỉ trừ khi bệnh nhân được nhìn thấy bóng dáng , được gặp mặt người yêu và nhất là được nghe những lời an ủi chính từ miệng người ấy nói ra mà thôi.
 
Tương tư là một bệnh của một sự lãng mạn mà hình như chỉ xảy ra trong nền văn hóa phương Đông, trong những tình sử có một không hai.
 
Vì thế yêu không phải chỉ là hưởng thụ cảm giác sung sướng, hạnh phúc mà là cảm nhận cả sự đau khổ có thể là cả thể chất và tinh thần.
 
Gặp gỡ, yêu đương, nhớ nhung, tương tư, xa cách rồi tái hợp, cũng giống như cái thiện luôn luôn thắng cái ác… là nền tảng tư duy của xã hội phương Đông. Vậy mong cho những người yêu thương nhau đừng phải xa cách nhau, cho dù qua bao thử thách cuối cùng thì cũng đến được với nhau. 

***
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.