Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

TRỜI CÓ MẮT KHÔNG?


T rời có mắt không?
Câu hỏi ngắn gọn nầy đã ám ảnh tâm trí tôi trong non ba mươi năm nay mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Có lúc câu hỏi nầy chát chúa, cào xé khiến tôi muốn tìm cái chết; có khi nó dịu dàng, mơn trớn, vỗ về để tôi bám chặt như một người đắm tàu với chiếc phao nhỏ bé.
Xin quý độc giả kiên nhẫn cho phép tôi kể chuyện đời mình. Có thể quý vị sẽ tìm được câu trả lời giúp tôi.
Trái với cái tên đôi Vạn Phước mà cha tôi đã đặt, tôi vốn là một cô gái vị thành niên, rồi trở thành đàn bà sống trong đau khổ từ thể xác, tình cảm đến tinh thần trong non 30 năm qua, ngoại trừ 10 tháng cuối cùng kể từ khi tôi quen với Tâm, một Việt kiều ở Pháp bị vợ bỏ hai năm qua.
Thời vàng son của tôi cất cánh bay cao biền biệt sau khi cha tôi, một đại tá trung đoàn trưởng, tự sát ở chiến trường cao nguyên trong đầu tháng 4 năm 1975. Quyền chức của ba tôi đã nâng tôi lên “hàng vương giả” (nói theo kiểu cải lương!) khi ông còn sống; nhưng nó cũng đã dìm tôi xuống tận “hố thẳm cuộc đời” (như văn sĩ hạng bét diễn tả!) bởi vì hai lý do chính: một là trước kia tôi quá quen sống cảnh nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ, xe đưa rước với lính kiểng bảo vệ; và hai là với quyền thế, khuôn mặt lai Tây và cái miệng dẽo như kẹo mạch nha, cha tôi có đến ba bà vợ cùng một lúc.
Vợ lớn của cha tôi có cưới hỏi và hôn thú đàng hoàng, không con và cằn cội nhưng không bị ly hôn mà còn được cấp dưỡng đầy đủ. Vợ kế là một đàn bà đầy nhan sắc mà lại quá độc ác, có 3 con với cha tôi: Nhân (gái), Nghĩa (gái) và Lễ (trai). Mẹ tôi là vợ thứ ba chính thức, có 2 con với cha tôi: tôi và em trai tôi tên Vạn Thọ.
Với chức vị và nhiệm vụ sĩ quan chỉ huy tác chiến, cha tôi thường xuyên di chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh nọ thuộc Vùng II Chiến Thuật; bởi vậy cha tôi đều để cả ba người vợ ở Sài Gòn; thỉnh thoảng cha tôi về hoặc hẹn với mỗi người ngày khác nhau để lên thăm. Cha tôi có thêm dăm nhân tình khác chăng? Ai biết được? Chỉ có Trời hay lính hoặc sĩ quan thân tín của cha tôi trả lời được câu nghi vấn nầy mà thôi!
Mẹ tôi có nét đẹp quý phái và trẻ hơn hai người vợ kia của cha tôi. Bà là cựu giáo sư Việt văn ở trường Mạc Đĩnh Chi, nhưng không biết sao lại chịu lấy cha tôi; có lẽ vì nét hào hùng và cái miệng lưỡi của ông? Với bịnh tim nặng, bà phản ứng bằng cái chết không kịp trối khi nhận được tin cha tôi tự sát. Bà là con một và ông bà ngoại tôi đã chết trước năm1974. Các chú, em của cha tôi, cũng đều trong quân ngũ; còn cô Út vừa theo chồng con vô tòa đại sứ Hoa Kỳ để được di chuyển vô phi trường Tân Sơn Nhứt trốn chạy, bỏ bà con và quê hương.
Với hoàn cảnh trên, sau cái chết của cha mẹ,
hai chị em chúng tôi được “may mắn”, theo lời Má Ba tức vợ kế của ba tôi đem về nuôi dưỡng.
Theo tôi, đúng nghĩa may mắn trước tiên là tôi giống cha tôi ở khuôn mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng, nên tôi có cặp mắt to, lông mi dài, mũi cao và chiếc miệng duyên dáng; ngoài luân thường đạo lý Việt Nam, tôi được mẹ tôi hướng dẫn thưởng thức sách truyện giá trị, hữu ích hay chất chứa văn chương tao nhã ngay từ lúc lên năm. Tôi mê truyện Tam Quốc, các truyện cổ tích thần tiên và các truyện dịch nổi tiếng như “Tâm Hồn Cao Thượng”, “Vô Gia Đình”, “Những Kẻ Khốn Cùng”, “Vòng Quanh Thế Giới 80 Ngày”, “Dr. Zhivago”, “Giờ Thứ 25”, v.v.. Tôi thích thú đọc truyện diễn tả tâm tình thú vật của Tô Hoài như “O Chuột” và “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký”. Hơn thế nữa, tôi lén lút đọc truyện “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng và say sưa chép thơ lãng mạn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, T.T. Kh., v.v.. Ngoài ra, mẹ tôi đã giới thiệu và tiêm nhiễm nhạc Tây phương và không lời vào tâm tư trí óc tôi. Nhờ vậy, hôm nay tôi mới có thể viết truyện ngắn nầy và đủ điều kiện để làm quen rồi được Tâm yêu thương trong những tháng qua.

*

Đại họa giáng xuống đầu chị em tôi như chiếc búa của quan toà tuyên án chung thân khổ sai cho người tù oan ức. Tôi biết có than Trời, Trời cũng không giúp cha mẹ tôi sống lại, có cầu cứu Phật thì Phật cũng sẽ không giáng phước bởi vì từ bấy lâu nay chưa bao giờ tôi có cơ hội làm việc phước đức (bởi tuổi còn nhỏ và sống dưới sự bảo vệ tối đa) nên tự tin rằng lời kêu xin của tôi chắc chắn sẽ không được đáp ứng. Tôi đành cúi đầu chấp nhận và nghĩ rằng chị em tôi đang đền tội cho cha tôi và một phần cho mẹ tôi đã “cướp chồng người ta” theo như lời thường mắng mỏ của Má Ba.
Từ một nữ sinh năm đầu tiên ở trường trung học Pháp, da trắng như người Tây phương, chỉ một năm sau tôi bị một hai con đứa bạn học cũ mĩa mai “giống Mai Liên” bởi vì mỗi ngày tôi phải bưng rỗ hay thúng bán khoai lang, chuối nấu, củ từ, bắp rang, đậu phọng; đôi khi tôi bán luôn tép riêu, cá mòi theo lịnh của Má Ba và các anh chị một cha khác mẹ. Khu vực bương chải quen thuộc của tôi được bao bọc bởi 4 con đường chính: Điện Biên Phủ, Cao Thắng, 3 tháng 2 và Lý Thái Tổ. Có hơn một năm tôi bưng tràng đủ thứ lặt vặt vừa bán vừa chạy quanh chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ, An Đông.
Thêm vào vất vả bán hàng rong đầu đường xó chợ, tôi thường xuyên bị Má Ba mắng nhiếc bằng những lời cay độc nhằm mục đích trả thù mẹ tôi. Còn ba anh chị một cha khác mẹ cũng chẳng thua gì. Họ tìm đủ cớ để hành hạ hay đánh đá chị em chúng tôi. Em tôi, Vạn Thọ (nhắc lại để quý độc giả nhớ), mới bảy tuổi, không được cho đi học nữa mà phải lau nhà và bị sai vặt suốt ngày từ mua thức ăn điểm tâm đến kéo và xách nước giếng. Tội nghiệp cho em tôi! Từ một đứa trẻ mập mạp, thông minh, dạn dĩ đã hóa thành một thằng bé đen đúa, gầy gò, mắt mất thần và luôn luôn lấm lét bởi nắng cháy, thiếu ăn, nạt nộ và bởi những cái cú đầu hay bộp tai bất thình lình.
Một buổi chiều tối, trời mưa tầm tả, nước ngập đường hẽm. Ướt như con chó bị đám trẻ quẳng xuống ao vừa bơi được lên bờ tìm nơi ẩn trốn, từ chợ Bàn Cờ tôi chạy nhanh về nhà. Nhưng lạ thay! Cửa rào bị khóa, nhà tối thui, không một ánh đèn. Tôi rống cổ:
- Thọ ơi, Thọ! Thọ ơi, Thọ! Mở cửa cho chị! Mau lên!
Tôi cố gào thêm hai lần nữa, nhưng vẫn không ai trả lời hay ra mở cửa. Tôi khàn giọng van vĩ:
- Má Ba ơi! Xin mở cửa cho con! Má Ba ơi!
Vẫn vô hiệu quả. Tôi quăng thúng vô trong sân, rồi tìm cách leo qua hàng rào gỗ. Bắp chuối chân trái bị sướt đau đau, nhưng đầu óc tôi chỉ nghĩ đến em tôi. Tôi chạy vội đến cửa chính. Cửa không khóa, chỉ đóng chặt. Tôi mở banh cửa ra. Không một ngọn, dù chỉ là đèn dầu; bóng tối bao trùm bên trong. Tôi sinh nghi. Tim đập liên hồi nhưng tôi vẫn cố gắng mò mẫm kiếm hộp quẹt . . .
Năm phút sau tôi bưng đèn đi từ nhà trên xuống nhà dưới, quan sát khắp nơi nhưng chẳng thấy ai. Tôi mở cửa sau của nhà bếp và nhìn tới, nhìn lui. Cuối cùng, tôi kêu gào thảm thiết khi phác giác em tôi nằm bất động dưới khối nước ồ ạt tuôn xuống từ máng xối lên cái cổ tong teo và ngực lép xẹp của nó. Với tất cả ý chí và sức lực, tôi lôi nó vào trong nhà bếp. Mình mẫy nó lạnh ngắt; môi tím, mặt xanh lét. Tôi run rẩy, nghiêng người, đặt lỗ tai lên ngực nó thì không nghe gì cả. Tôi điếng hồn, gần bật khóc. Nhưng khi bấm mạch tay trái thì biết nó còn sống, tôi mừng cuống cuồng. Tôi chạy vô buồng ngủ, lấy mền, trở xuống nhà bếp và đấp vội vàng lên em tôi. Rồi tôi tung cửa nhà, cửa rào, chạy ngược mưa gió qua nhà ông Tư Hút đạp xích lô, năn nĩ, lạy lục xin ông chở em tôi vào nhà thương cứu cấp.
Bực dọc, cằn nhằn, ông Tư Hút nửa tỉnh nửa
say cuối cùng cũng chở chị em tôi vào bịnh viện Chợ Rẩy. Nhưng hơi thở em tôi không còn nữa khi bác sĩ khám mạch. Tôi không còn biết gì nữa mà chỉ khóc ré như đứa bé bị bỏ lạc giữa chợ. Tôi phân vân không biết Trời Phật thương kiếp đọa đày của em tôi mà giải thoát để nó sớm về bên kia thế giới hay Trời Phật muốn trừng phạt nên để tôi tiếp tục đời khổ ải trong cô đơn, không cha mẹ, không em, không anh chị biết thương yêu đùm bọc các em nhỏ dại.
Sau cái chết mờ ám của em tôi, “không ai chịu làm cha ăn cướp”: Má Ba và ba anh chị khác mẹ với tôi đưa ra giả thuyết nầy, rồi giả thuyết khác về cái chết của em tôi. Tôi tin chắc một người trong họ đã vô tình hay hữu ý giết chết em tôi rồi tìm cách phi tang. Nhưng không bằng chứng, tôi đành giả bộ chấp nhận các lời lẽ của họ để có thể tiếp tục sống chung dưới một mái nhà với họ.
Khóc một mình, khóc không ra lời, khóc trong mưa là niềm an ủi duy nhứt của tôi kể từ khi em tôi ra đi mãi mãi. Tuy vậy, tôi không yếu đuối, buông tay theo ngọn sóng đời. Tôi ôm ấp và quyết chí thực hiện con đường tự do của mình.

*

Thêm bốn năm gian truân trôi qua, tôi được 18 tuổi với tất cả duyên dáng và quyến rũ của người con gái trong tuổi thanh xuân dù nước da không còn trắng trẻo như con nhà trưởng giả. Như người tù khổ sai mãn án, tôi thoát ly gia đình, sống chung và hùn vốn nho nhỏ (mà tôi khôn khéo dấu diếm trong bốn năm qua) với Uyên Chi, bạn gái để bán mỹ phẩm. Hàng của chúng tôi đa số là hàng nội hoá; thỉnh thoảng có được vài món nhập lậu hay Việt kiều gởi về; đồ giả mạo cũng có. Tiền nào của nấy: Chịu giá cao thì được bán thứ tốt; ham rẻ hay keo kiệt thì lãnh đồ tồi. Chúng tôi vừa bán sĩ (cho tiệm hay sạp) vừa bán lẻ cho khách hàng quen.
Bán buôn không dầm mưa, dãi nắng như mua gánh bán bưng, nhưng cái lưỡi tôi cũng phải lựa lời và nói không ngớt để thuyết phục và làm vui lòng khách hàng mà lợi tức cũng chỉ tạm sống qua ngày với chi tiêu thật tiết kiệm. Mỗi đứa chỉ có một chiếc xe đạp cũ để di chuyển. Tuy vậy tôi vui và cảm thấy đời mình tự do, an bình kể từ sau khi cha mẹ chết.
Hai năm sau, đời sống vật chất chúng tôi được nâng lên khi chúng tôi thí nghiệm và chế biến được hai loại kem có kết quả tương đối hữu hiệu, một loại dưỡng da tươi mát, một loại trị tàn nhang mới nổi lên. Không thể gọi là giàu, vẫn còn ở nhà mướn, nhưng chúng tôi đã tạo được mỗi đứa một chiếc Honda 50 cũ.
Khi cái bụng đầy đủ thức ăn uống mỗi ngày và được mặc các bộ áo quần mắc tiền hơn trước thì tâm hồn tôi bắt đầu cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Và có lẽ, Uyên Chi cũng giống tôi; mỗi đêm chúng tôi trằn trọc, khao khát. Hiện tượng nầy lần lượt chấm dứt trong mỗi chúng tôi khi Uyên Chi có người yêu tên Trụ và tôi có bạn trai tên Lộc.
Chuyện tình cảm của Uyên Chi và Trụ càng ngày càng tốt đẹp và họ kết hôn sáu tháng sau. Uyên Chi theo chồng ra Hà Nội; tôi vẫn ở nhà đang mướn và tiếp tục cuộc sống như cũ. Tình bạn giữa tôi và Lộc dần dần biến thành tình yêu và có thể sẽ kết thúc như Uyên Chi và Trụ nếu không xảy ra chuyện đáng tiếc như sau:
Buổi tối Thứ Bảy, tôi trang điểm kỹ lưỡng, thay đồ để đi dự tiệc sinh nhựt của Anh, bạn thân của Lộc, cũng học y khoa năm thứ tư như Lộc, nhưng là con nhà giàu gốc bự nên được cha mẹ ở tỉnh xa cho tiền mướn phố rộng rải, có dư một phòng ngủ để dành cho khách hay bạn. Tôi đã được Lộc dẫn đến nhà Anh một lần để coi phim. Chắc Lộc và Anh đã tính toán trước nên truyện tình trong phim đang êm đềm trôi vào bến mơ thì Anh kiếm cớ phải đi công chuyện gấp mới nhớ, để hai chúng tôi trong căn nhà rộng rải với hai phòng ngủ thật khêu gợi.
Lộc và tôi tiển anh ra cửa. Lộc nói vói theo:
- Đi lẹ lẹ nghe!
Tôi không tin những lời của Lộc là thực tình, nhưng tôi vẫn làm thinh và sắc mặt không lộ vẽ gì cả.
- Anh đề nghị chúng mình nghe nhạc không lời, em có thích không?
Tôi gật đầu. Lộc tắt đầu máy, ti vi rồi mở máy quây dĩa. Đèn màu mờ ảo thay thế ngọn đèn bóng trắng. Một dòng nhạc hòa tấu dương cầm đưa tôi vào những ngày xa xưa trước 1975. Tôi nhớ cha mẹ yêu thương và vắn số; tôi nhớ căn nhà trang nhả với cây liễu buồn bên hông; tôi nhớ những ngày thơ mộng, ngu ngơ. Tất cả con người tôi trôi vào dĩ vãng.
Nhưng, Lộc đứng dậy rồi xoay lưng đối mặt tôi, và đưa tay mời mọc như kêu gọi tôi trở về thực tại:
- Nhạc du dương quá! Chúng mình khiêu vũ đi em!
Tôi cảm thấy lãng mạn và thèm trôi theo suối nhạc trong đôi tay lực sĩ và thân thể ấm áp của Lộc nên từ từ đứng dậy. Lộc đón tôi với tất cả say sưa, tình tứ. Tôi nhắm nghiền đôi mắt để tận hưởng hạnh phúc yêu thương và khoái cảm trong vòng tay người yêu. Chúng tôi lắc lư; thỉnh thoảng xoay tròn. Trong tôi không còn thù hận, cay đắng, lo lắng, tính toán. Chỉ có tôi, Lộc, những nụ hôn trên má, trên môi cuốn cuộn lẫn nhau. Đến khi tôi mở mắt thì Lộc đã dìu tôi vào phòng ngủ. Tôi dự đoán Lộc muốn gì mà tôi chưa muốn hay chưa sẵn sàng với Lộc; nhưng không biết sao tôi vẫn giữ thái độ im lặng.
Đứng sau lưng, mặt áp vào người tôi và hai tay của Lộc nối vòng giữa eo tôi, Lộc hôn cổ, mặt, tóc tai tôi với hơi thở cuồng nhiệt. Bắt đầu cảm thấy sợ sệt, mất cảm giác hứng thú như trước, nên tôi hỗn hễn kêu:
- Anh, anh, thôi, thôi . . .
Lộc như kẻ si tình, van xin:
- Anh yêu em, anh yêu em, xin em …
Lộc không đáp ứng lời yêu cầu của tôi mà tay phải của anh bắt đầu mơn trớn xuống dần. Thực tình mà nói, da thịt tôi cảm thấy tê mê theo từng ngón tay của Lộc, nhưng những gì mẹ tôi dạy và ý chí tôi mạnh hơn cảm xúc nhục dục khiến tôi nghiêm mặt:
- Anh Lộc, ngừng, ngừng.
Nhưng miệng Lộc vẫn mê man:
- Em… Anh yêu em! Em có yêu anh không? Hãy cùng hưởng với anh…
Và thêm bàn tay trái mò xuống. Tôi giận run và vùng mạnh; cùi chỏ thúc vào hông của Lộc khiến anh la:
- Oái! Làm gì dữ vậy?
Lộc buông tay. Tôi tái mặt đi thoăn thoắt ra cửa chính, quên kiếng, nón và túi xách. Lộc chạy theo, năn nỉ:
- Xin lỗi em! Anh xin lỗi em!
Trái tim tôi cảm thấy được xoa dịu, nhưng óc tôi bắt tôi phải tiếp tục giữ thái độ quyết liệt:
- Chở em về! Từ nay đừng mời em đi đâu nữa!
Lộc tiu nghỉu trở vô lấy đồ đạc, đóng và khóa cửa. Trên đường về, Lộc tỏ vẽ rất hối hận và hứa danh dự rằng sẽ không bao giờ có hành động như vậy nữa cho đến khi tôi sẵn sàng và ưng thuận.
Bởi thế, tôi tin lời Lộc. Lòng tôi như mở hội chào đón người yêu và tiệc vui đang chuẩn bị ở nhà của Anh trong đêm thứ bảy nầy.
Đau đớn thay! Nhục nhả thay! Tôi đã lầm! Có lẽ tội cha mẹ tôi quá nặng: Em tôi đã chết oan ức vẫn chưa đủ; tôi đã đau khổ trong căn nhà của Má Ba hơn năm năm vẫn chưa lấp đầy hố oan nghiệt do cha mẹ tôi đào? Hay là kiếp trước tôi là kẻ gian ác, tàn bạo, phá hoại bao nhiêu hạnh phúc gia đình người khác nên bây giờ tôi phải tiếp tục trả nợ.
Chỉ biết rằng buổi sáng Chủ Nhựt hôm sau, tôi ngỡ ngàng thức giấc trên giường trong phòng ngủ để trống ở nhà của Anh với thân thể như con nhộng và Lộc mê mệt, ngáy khò khò bên tôi. Phần giữa thân thể tôi đau đau, ê ẩm. Trong tíc tắc, tôi đoán được chuyện gì đã xảy ra. Tôi tê dại trong đau thương và xấu hổ. Tôi tự trách mình đã yêu thương và đặt niềm tin nơi kẻ kém căn bản đạo đức Á Đông. Tôi lẳng lặng mặc áo quần và rón rén rời chiếc phòng và căn nhà truy hoan.
Rồi tôi cương quyết đoạn tuyệt với Lộc dù rằng ba lần anh xin lỗi và sẵn sàng đi đến hôn nhân với tôi. Nhưng, trái tim tôi đã chết với Lộc và trí óc tôi không thể nào chấp nhận kết hôn với người mà tôi đã khinh bĩ bởi vì mẹ tôi đã dạy trước mấy ngày cuối cùng của đời bà: “Một trong những điều kiện căn bản để vợ chồng sống hạnh phúc và lâu dài là kính trọng lẫn nhau”.

*

Mười ba năm lặng lẽ trôi qua đời tôi. Tôi vẫn buôn bán, sống một mình trong một căn nhà mướn thật nhỏ trong hẽm đường Lê Hồng Phong nhưng không cảm thấy cô đơn hay thèm thuồng một nụ hôn. Tôi dững dưng trước những lời tỏ tình từ sỗ sàng đến lịch sự của đàn ông. Niềm vui lớn của tôi là đọc sách, trau giồi Việt văn (bằng cách đánh máy thơ văn ưa thích), học thêm Anh văn (qua dĩa CD và video) và nghe nhạc. Hoa Kỳ thu hồi lệnh cấm vận. Công việc mua bán của tôi phát đạt hơn theo sự tăng trưởng kinh tế toàn quốc.
Trời chạng vạng. Mưa lâm râm. Mặc áo mưa, tôi chầm chậm rồ ga chiếc Honda mới mua trên đường Nguyễn Sơn Hà, vừa lái vừa tìm địa chỉ của một khách hàng mới. Bỗng một bóng đen không biết từ đâu đâm sầm vào xe tôi. Bóng đen chỉ loạng choạng. Còn tôi và xe mất thăng bằng, ngã giữa lộ, ót tôi chạm một cái gì không cứng không mềm—có thể là cùi một quày chuối—khiến tôi cảm thấy ê ê. Hai người đàn ông bên kia đường chạy vút tới đỡ tôi và xe lên.
Một người hỏi trong hơi thở hổn hển:
- Có sao không cô?
Tuy cổ hơi ê và đầu gối trái hơi đau, nhưng tôi cảm thấy không có gì nguy hiểm nên tôi trả lời:
- Không có gì đáng lo. Cảm ơn hai anh.
Tôi nhìn quanh. Bóng đen đã biến mất. Tôi tò mò hỏi:
- Quý anh có biết người chạy đụng tôi là ai không?
Anh lớn tuổi, trạc bốn mươi ngoài, nhanh nhẹn trả lời:
- Nó là thằng Tư Lễ khùng đó mà.
Tôi giựt mình, hỏi tiếp:
- Có phải anh Tư Lễ có hai chị là Nhân và Nghĩa không?
Người đàn ông nhỏ tuổi hơn có dịp lên tiếng:
- Đúng rồi. Bộ cô có quen với chị Nhân và chị Nghĩa sao?
Tôi gật đầu. Hơn 15 năm, kể từ ngày rời bỏ gia đình tàn ác đó, tôi chưa một lần trở lại thăm ai, dù rằng Nhân, Nghĩa và Lễ cùng cha với tôi. Tôi không thù họ; tôi không bao giờ báo oán; nhưng tôi không bao giờ muốn thấy mặt họ nữa. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đặc biệt lúc bấy giờ, bỗng dưng tôi muốn biết tin tức về họ.
- Em thứ năm, xin gọi em là Năm cũng được. Xin hai anh vui lòng cho biết tên.
Người đàn ông lớn tuổi lại nhanh miệng hơn người kia:
- Tôi là Hai Ngà, còn anh nầy là Tư Long.
- Xin mời hai anh vô quán cà phê uống nước.
- Cám ơn cô, có gì đâu mà phải cà phê, cà pháo.
- Tôi thực lòng mời, xin hai anh đừng ngại.
Trong quán, tôi được biết thêm rằng anh Tư Lễ hoá điên non ba năm nay vì bị vợ ngoại tình, bỏ nhà theo trai biền biệt, bỏ lại ba đứa con nheo nhóc, báo cô Má Ba già yếu. Vợ chồng chị Hai Nhân không con, vượt biên năm 1985; chồng bị hải tặc Thái Lan chặt đầu thả biển; chị thì bị chúng thay phiên hãm hiếp ngày đêm để cuối cùng chị quá xấu hổ nên cũng đâm đầu xuống biển tự tử. Còn chị Ba Nghĩa thì vớ một ông chồng bộ đội giải ngũ, biết thời thế và mánh mung nên khá giả, có bốn con; nhưng ông chồng sinh tật, bỏ theo vợ bé hai năm nay, lâu lâu về hạch sách tiền bạc, không đưa thì bị đánh đập.
Kể từ khi chia tay với Lộc, tôi bắt đầu làm việc từ thiện nho nhỏ trong khả năng tài chính và thời giờ eo hẹp của mình. Đúng ra, tôi phải đau buồn và thương tiếc cho số phận của các anh chị em khác mẹ với tôi bởi vì hoàn cảnh của họ bi đát hơn những người tôi ra tay cứu giúp trong mười hai năm qua. Nhưng không hiểu sao, trái tim tôi không cảm thấy xúc động về chuyện của họ. Có lẽ tôi quá thương em Vạn Thọ, mẹ tôi và chính bản thân tôi nên lòng tôi vẫn chưa thể tha thứ những gì họ đã gây nên cho chúng tôi? Tôi tự biết mình vẫn chưa thực hiện được lời Phật dạy “từ bi hỉ xả”; nhưng tôi là người chứ đâu phải là Phật hay thầy tu và ngoài đời nhan nhản đại đức, hoà thượng vẫn còn “hỷ, nộ, ái, ố” như kẻ phàm tục. Tôi chẳng biết làm sao bây giờ. Thôi hãy chờ thời gian bởi vì thời gian là liều thuốc chữa công hiệu cho nhiều căn bịnh khó trị phát xuất từ con tim.

*

Tôi bàng hoàng mở mắt khi thấy mình đang nằm trên giường bịnh viện với ống kim vô nước biển vào cánh tay phải, đầu và ót băng chặt và thân xác vừa đau vừa rã rời. Đôi mắt của vị bác sĩ trạc bốn mươi tuổi rạng lên và ông tươi cười:
- Chúc mừng cô tỉnh lại. Cô cảm thấy thế nào?
Tôi chỉ gật gật đầu và nhìn bác sĩ bằng đôi mắt biết ơn rồi thiếp đi không biết bao lâu. Khi tôi mở mắt lần thứ hai trong đêm (bởi vì tôi thấy bên ngoài tối đen và trong phòng đèn điện sáng choang chói mắt), lạ lùng thay vị bác sĩ nầy cũng còn (hay trở lại?) ngồi bên cạnh giường tôi.
Lần nầy vị bác sĩ mặt tươi hẵn lên và căn dặn thì thầm:
- Xin cô đừng nói gì cả! Hãy tịnh dưỡng!
Tôi chớp mắt hai cái và gật nhẹ đầu ra dấu hiểu lời truyền thông của ông. Hai hôm sau tôi biết vị bác sĩ tên Trần Ngọc Thơ, gốc gác Vĩnh Long. Với vết thương mổ phức tạp sau ót, tôi phải nằm thêm trong bệnh viện năm tuần nữa với sự chăm sóc thật ân cần của vị bác sĩ nầy. Tôi có tâm sự với ông về các sở thích của mình. Bởi vậy, đêm nào trực thì ông vặn nho nhỏ nhạc hòa tấu, hay đọc thơ tiền chiến hoặc truyện dịch thật ngắn cho tôi nghe. Tôi không tìm hiểu vì sao ông đối đải với tôi như vậy. Tôi chỉ biết mình như một áng mây trôi bồnh bềnh trên miền cao nguyên với đồi, thác, suối, vườn rau cả hoa quả trong những ngày đẹp trời. Hạnh phúc cuộc đời ít ỏi; chúng ta hãy tận hưởng khi nó đến, đừng thắc mắc bởi vì thời gian không đứng đợi và hạnh phúc hiếm khi kéo dài. Tôi biết tình cảm giữa tôi và bác sĩ Thơ mỗi ngày một tăng; tăng đến mức độ nào thì tôi chẳng cần xác định; tôi chỉ thấy thật vui khi bác sĩ bên tôi. Sau kinh nghiệm đau buồn với Lộc, tôi mất tin tưởng nơi đàn ông; tôi chỉ muốn tình cảm giữa tôi và bác sĩ Thơ lơ lững giữa nửa thực nửa hư hơn là phơi bày ra ánh sáng rõ rệt.
Nhưng rồi tôi phải xuất viện trong bùi ngùi chia tay vị bác sĩ tận tụy và các y tá mau mắn. Bác sĩ Thơ khuyên tôi nên đi dưỡng bịnh thêm vài tuần trên Đà Lạt với khí hậu mát mẻ để vết mổ hoàn toàn bình phục. Tôi trả lời rằng tôi sẽ cố gắng nếu tài chính cho phép.
Một tuần sau, vào ngày Thứ Hai tôi đã có mặt ở nhà nghỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh, trung tâm thành phố Đà Lạt. Tôi không đủ tiền cũng như sức khoẻ để đi thăm viếng các thắng cảnh nổi danh như thác Prenn, Trúc Lâm Thiền Viện, chùa Linh Phước và Thung Lũng Tình Yêu. Mỗi sáng sớm tôi đi bộ vòng quanh bờ hồ Xuân Hương một lần. Xế trưa tôi lên chùa Linh Sơn cầu nguyện cho hương hồn cha mẹ và em tôi. Khoảng 5 giờ chiều tôi lại ra hồ Xuân Hương hóng gió và ngắm cảnh hoàng hôn. Mỗi tối tôi ngồi thiền một tiếng. Với thời giờ còn lại, tôi ngủ, ăn uống đơn giản, đọc sách, nghe nhạc và nhớ nhung những ngày êm đẹp, an bình đã có trong bịnh viện.
Nhưng có lẽ Trời muốn quấy phá cuộc sống thầm lặng, đơn chiếc của tôi trên vùng trời thơ mộng! Đang ngồi trên băng đá trước cửa vườn bông nhà Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương, tôi mừng muốn ngộp thở khi thấy bóng dáng quen thuộc của bác sĩ Thơ đang chạy nhanh đến gọi tôi:
- Em!
Tiếng “em” như chiếc chìa khóa thần thoại mở còng thành kiến và tâm lý trong tôi. Tôi bạo dạn đáp ứng:
- Anh!
Thế là hai chúng tôi nắm tay, tíu tít bên nhau như cặp tình nhân xa vắng lâu ngày. Chúng tôi đi bên nhau, nói với nhau những gì giấu kín trong lòng hai tháng qua. Tôi như không còn thấy cảnh vật và xe cộ mà chỉ cảm thấy thân xác mình nhẹ tênh lướt trên con đường cong cong, loang lở quanh hồ quyện trong những âm thanh ngọt ngào của yêu thương thoát ra từ miệng, mắt và cơ thể của Thơ.
Thơ ở khách sạn Anh Đào, chỉ cách xa nhà nghỉ của tôi độ một trăm thước. Có Thơ, tôi không còn thời giờ để lên chùa cầu nguyện buổi chiều và tập thiền buổi tối nữa. Sức khoẻ còn yếu nên tôi cần giấc ngủ trưa mỗi ngày; đi chơi xa thì Thơ gọi xe tắc xi; xuống thác, đồi thì Thơ ân cần, chậm rải dìu tôi xuống. Trong suốt 13 ngày, sáng từ 9 giờ đến 1 giờ trưa và chiều từ 3 giờ đến 10 giờ tối, chúng tôi bên nhau. Tuy yêu Thơ và rào rạt cảm xúc nhưng tôi biết kềm chế mọi dục vọng vì lý do sức khoẻ và lòng kính trọng. Bởi thế, những ngày bên Thơ có thể nói là những ngày lãng mạn, thần tiên trong tình yêu thuần túy mà chúng tôi đã hưởng bên nhau.
Rồi Thơ phải trở về Sài Gòn với bao nhiêu bịnh nhân, bỏ tôi lại Đà Lạt với bao nhiêu thương nhớ. Nhưng mỗi cuối tuần Thơ gọi điện thoại cho tôi.
Tôi ở lại Đà Lạt thêm bốn tuần nữa cho sức khỏe hoàn toàn phục hồi. Chiều Thứ Bảy cuối cùng, Thơ có mặt ở Đà Lạt. Chúng tôi đi ăn cơm miền Nam ở nhà hàng Hậu Giang; rồi đi khiêu vũ ở khách sạn mới Gold 3. Thơ và tôi như đôi phượng loan trên sàn nhảy; không còn đau thương quá khứ, chỉ có yêu thương và âm nhạc tuyệt vời quyện lẫn nhau trong tôi.
Đêm đó, trong phòng ngủ sang trọng và mờ ảo, cùng dìu nhau đi vào thế giới của yêu thương và ái ân, chúng tôi như đôi thiên thần lờ lững trong bối cảnh của nhạc khúc “Silk Road” (Con Đường Lụa) của Kitaro, thiên tài trong thế giới âm nhạc New Age (Thời Đại Mới).
Trưa Chủ Nhựt, chúng tôi cùng lên xe về Sài Gòn. Ai về nhà nấy, mỗi người bao nhiêu công việc phải lo toan, nhứt là tôi sau non ba tháng không buôn bán gì cả mà chỉ tiêu xài (tôi phải bán chiếc xe mới và mua xe Trung Quốc để có tiền trang trải nợ nần); nhưng chúng tôi thường liên lạc nhau qua điện thoại. Và chúng tôi như hai con thú hoang lồng lộn bên nhau, trên nhau và trong nhau mỗi khi rảnh rổi ở nhà Thơ hay tôi hoặc trong khách sạn xa xôi.
Trời có mắt không? Câu hỏi chờn vờn trước mắt tôi.
Thơ hoảng hốt khi tôi báo tin thụ thai. Tôi thật buồn, không ngờ anh phản ứng như vậy. Tôi lại càng bất mãn, điếng người khi Thơ đề nghị phá thai. Trời ơi! Sao một bác sĩ như Thơ mà có thể nhẫn tâm hủy diệt dòng máu tương lai củamình? Tôi đau đớn như bị Thơ rạch một vết dao vào tử cung của tôi. Tôi bủn rủn tay chân, quỵ xuống và mê man.
Khi tôi tỉnh dậy, bác sĩ cho biết rằng tôi quá xúc động, ngất xỉu và vì thế mà bị hư thai. Ba ngày sau, tôi xuất viện. Mọi chi phí đều được Thơ lo. Nhưng tôi đã có quyết định chia tay với anh. Tôi trả nhà và mướn phòng trọ ở Phú Nhuận vừa tránh Thơ vừa tiết kiệm chi tiêu. Tôi nhờ bà chủ nhà góa chồng nấu cơm cho tôi buổi tối.

*

Thêm sáu cái Tết vùn vụt qua đời tôi. Bây giờ, tôi không còn trẻ nữa mà là một cô gái lỡ thời trên bốn mươi. Tuy vậy, nhờ sống trong ngành mỹ phẩm và tập thể dục hằng ngày nên gương mặt, thân hình của tôi vẫn còn có thể gây sóng gió nơi đàn ông đứng tuổi. Sau hai kinh nghiệm ê chề với Lộc và Thơ, nhu cầu yêu thương và ái ân của tôi bị đè nén bằng ý chí cũng như Tề Thiên Đại Thánh bị đè dưới năm ngón tay của Như Lai Phật Tổ. Tôi tiên đoán sẽ có một ngày nào đó nhu cầu ấy sẽ có cơ hội thoát khỏi những tảng đá kiên cường của ý chí, cũng như ông Tề được thầy Đường Tăng giải thoát với điều kiện phò thầy qua Tây phương thỉnh kinh.
Trong hoàn cảnh tôi, dễ gì kiếm được một Đường Tăng thứ hai! Nhưng “cái gì đến thì sẽ đến” (“Qu’est sera sera”) theo bài hát nổi tiếng với ca sĩ Doris Day trong phim “The Man Who Knew Too Much” (“Người Đàn Ông Biết Quá Nhiều”).
Trận hỏa hoạn ở Trung Tâm Thương Mại Intershop đã đẩy tôi vào con đường khánh tận. Tôi không chết thê thảm như Diệu Hương, bạn thân khác, hùn vốn với tôi. May hay rủi? Trời có mắt không? Sao Trời không cho con chết thế người bạn có chồng con hạnh phúc đầy đủ? Trời còn muốn con kéo dài cuộc sống đơn độc nầy bao nhiêu năm nữa?
Trong lúc khốn cùng, Loan, có nhiều kinh nghiệm trên mạng Internet, khuyên tôi nên lên mạng trước là có niềm vui giải trí, sau biết đâu tìm được người hợp ý hoặc có thể giúp đỡ tài chính trong cơn túng ngặt. Vàng vòng và xe cũng thuộc về người khác, tôi cùng đường phải nghe theo bởi vì tôi không muốn vay mượn, nhờ đỡ bạn bè mãi. Loan dẫn tôi đến tiệm chụp hình quen biết; bắt tôi hóa trang đội tóc bạck kim và trang điểm như người mẫu trên lịch treo tường. Khi lấy hình, tôi không ngờ mình có thể gần giống, đẹp và sang hơn ca sĩ Thanh Hà. Rồi tôi đăng ký lên mạng VietSingle với tên giả là Thanh Trúc, sống ở Đà Lạt.
Trời Đất ơi! Trong ba ngày, hơn 50 đàn ông già trẻ đủ loại gởi thư xin được làm quen với tôi. Chưa có kinh nghiệm, tôi dại dột bỏ nhiều thời giờ để trả lời tất cả thư. Suốt một tuần tôi mệt lữ vì ngồi quá lâu ở trong cửa dịch vụ vi tính. Khi biết được tôi vừa khờ khạo vừa thật tình như vậy, Loan la lên:
- Trời ơi! Ngu ơi là ngu! Hơi sức đâu mà hồi âm mỗi lá thư. Lựa chừng ba bốn thằng hợp ý thì trả lời. Ngu vừa vừa chớ! Tiền bạc, thì giờ đâu mà trả lời hết, bà nội!
Tôi chống chế:
- Tao đâu biết! Mầy hổng nói trước!
Loan tỏ ý hối hận:
- Ờ hén! Tao quên nhắc mầy! Xin lỗi nhe!
Loan hướng dẫn tôi xóa các thư không trả lời (nhứt là có kèm hình), các thư hồi âm, các quảng cáo để có chỗ trống cho những thư và hình mới. Loan cố vấn tôi nên hồi âm cho những người nào và “các tên nào nên cho de”.
Mỗi tối, tôi ngồi ở dịch vụ, đọc và viết thư. Đến ngày thứ mười thì tôi được thư của Tâm với lời lẽ khiêm nhượng và chân thành rằng “nghèo” (không như hầu hết các thư khác đầy khoe khoang), “thích làm việc từ thiện” (hợp với ý tôi!) và đặc biệt nhứt là Tâm kèm theo bài thơ do Tâm sáng tác và ưng ý nhứt:
Tôi uống bằng sao rượu ái tình:
Ngũ quan tục lụy lũ ma tinh;
Vì yêu . . . đôi ngã muôn tia lửa
Đốt cháy đài trang chuyện chúng mình.
và truyện ngắn “Yêu Để Thành Mây” cũng do Tâm viết.
Loan bảo tôi:
- Quẳng cái tên văn nghệ sĩ nghèo nầy đi mầy! Đồ xạo! Nó lấy thơ văn của ai gởi cho mầy đó!
Tôi phân vân chưa biết tính làm sao. Nhưng để làm vui lòng bạn, tôi trả lời:
- Ờ! Để mai tao xoá; bây giờ đói bụng và mệt mắt quá rồi, tao phải về.
Tôi ra mạng, kêu tính tiền rồi ra về. Loan cũng trả máy và rời khỏi dịch vụ cùng lượt với tôi. Nhưng đường về mỗi người một ngã. Những câu thơ của Tâm và truyện ngắn chưa kịp đọc đã kéo tôi quày trở lại dịch vụ trong 10 phút sau.
Truyện ngắn của Tâm quá dài, đến 25 trang. Tôi phải in ra và đem về nhà đọc say mê đến 2 giờ sáng. Và đêm ấy tôi nằm mơ hóa thành Trân Châu để cùng Thiên Vân biến thành mây lênh đênh trên suối Hoàng Quế theo như mơ mộng của hai nhân vật chính trong truyện ngắn nầy.
Sau ba lá thư liên lạc với Tâm trong ba ngày kế tiếp, tôi quyết định chọn Tâm là người bạn tâm thư chính và hai người phụ: một anh tên Bé, 45 tuổi, và ông Kim 60 tuổi. Tôi không trả lời cho tất cả những người khác nữa bởi vì thêm gần mười người viết thư cho tôi. Tôi phải nhờ Tâm vào mạng Vietsingle để xóa giùm bảng lý lịch (profile) của tôi để tôi không làm phiền ai cũng như không ai còn làm rộn tôi nữa. Một hoặc hai tuần anh Bé và ông Kim mới viết thư một lần; và tôi lịch sự trả lời như thường lệ.
Tâm và tôi liên lạc với nhau mỗi ngày. Tối nào không nhận được thư của Tâm, thì tôi về ngủ không ngon. Mỗi lá thư Tâm kèm hình đi du lịch mỗi nước hay dăm bài thơ hoặc một chương của sách học làm người mà anh đã xuất bản ở hải ngoại; đôi khi Tâm gởi thêm một truyện ngắn khác. Tôi say mê đọc những gì anh gởi đến; tôi mơ ước được dịp đi du lịch các nước anh đã đi qua.
Tâm cũng cho biết tuổi thật của anh là 55, hơn tôi đến 14 tuổi; nhưng nhờ võ nghệ (Vovinam) và bơi lội mà anh có một thân thể cường tráng và gương mặt trông trẻ như khoảng 45-50 mà thôi. Đầu năm 78 anh vượt biên một mình thay vì cả gia đình (một vợ hai con) bởi vì không đủ tiền để lo cho chủ tàu. Anh đến định cư ở Houston, thuộc tiểu bang Texas. Sống với nghề địa ốc nên anh mau khá giả. Ngoài việc gởi quà, tiền nuôi vợ con ở quê nhà, anh thích làm việc từ thiện và hoạt động văn hoá. Anh đã xuất bản được một tiểu luận giáo dục (như loại sách học làm người), hai tập truyện ngắn, hai truyện dịch và một tập thơ.
Cuối năm 90, buồn thay, vợ anh chết vì tai biến mạch máu não ở Sài Gòn trong thời gian chuẩn bị cùng hai con lên máy bay qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Thế là anh trở thành gà trống nuôi con ở Hoa Kỳ non 10 năm. Đầu thiên niên kỷ mới, vô tình hay hữu ý hai con gái lập gia đình trước sau một tháng rồi theo chồng sống ở tiểu bang khác, Pennsylvania và Oregon. Từ đó, căn nhà to rộng của Tâm trở thành vật chướng ngại cho Tâm về mặt tâm lý (hoang vắng!) cũng như lao động (không có thời giờ, quá mệt mỏi quét dọn, chăm sóc!) nên anh bán nhà và đi mướn áp-bạt-măng để ở. Với số tiền bán nhà, phân nữa Tâm làm việc từ thiện trực tiếp hay gián tiếp, nhứt là trợ giúp các cô nhi viện ở Việt Nam, một phần giúp bà con thân hữu nghèo đói ở quê nhà, Tâm bắt đầu thực hiện giấc mộng du lịch của mình. Trong hai năm tiếp tục hành nghề địa ốc bán thời gian, Tâm đã tham dự bốn chuyến du lịch trọn gói gồm khoảng 15 nước thuộc Châu Á, Châu Âu và Nam Mỹ.
Tâm thú thực rằng đi du lịch các nước ngoài thật vui và mở mang kiến thức nhưng sau khi trở lại cuộc sống hằng ngày ở Houston, Tâm cảm thấy thật cô đơn. Anh ý thức rằng sau khi hai con đi theo chồng ở xa, trái tim của anh đã sống dậy, đòi hỏi có một đối tượng để yêu thương và được yêu thương. Nhưng Tâm không thích phụ nữ Việt Nam ở đây bởi vì hầu hết họ sống theo Mỹ và không còn giữ những nét đẹp Đông phương từ tính tình, cảm nghĩ đến thể xác. Tìm được một người đàn bà Việt Nam thật Việt Nam là một chuyện hy hữu ở Hoa Kỳ, có chăng là người mới qua, nhưng rồi họ cũng chạy theo lối sống mới rất mau. Bởi thế, anh lên mạng Internet. Tuy tấm hình của tôi hoá trang theo nét đẹp Tây phương nhưng Tâm nhìn thấy nơi tôi có những gì anh hy vọng; thêm nữa, lời đăng “chưa bao giờ lập gia đình, thích làm việc từ thiện, đọc văn thơ, du lịch” hợp với tính Tâm đã khiến anh chọn tôi là người bạn tâm thư đầu tiên. Anh cũng thành thực cho biết rằng anh cũng có thêm ba người bạn tâm thư khác, nhưng không thân lắm và hiện tại anh bắt đầu được xếp vào hạng nghèo trên đất Mỹ (theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ) sau hơn ba năm làm ít mà chi tiêu và làm việc từ thiện, giúp đỡ quá nhiều.
Sau hơn mười lá thư qua lại kèm hình ảnh văn thơ và tiểu luận, trực giác cho tôi biết rằng Tâm là một người chân thật không như đa số Việt kiều khác thường khoác lác, xưng làm ông nầy, ông nọ nên tôi cho Tâm biết tên thật của mình và địa chỉ cư ngụ ở Phú Nhuận. Tôi không ngần ngại kể chuyện gia đình và đời tôi từ 1975 đến nay, ngay cả kinh nghiệm đau buồn với Lộc và Thơ.
Nhưng rồi tôi phải nhập bịnh viện lần thứ ba trong đời: tôi bị tuột máu quá nặng vì ăn uống thiếu thốn và thường mất ngủ. Ba ngày sau Loan báo tin tôi đang nằm trong bịnh viện cho Tâm. Tôi không thể ngờ Tâm, một người bạn tâm thư chưa bao giờ gặp mặt, dám gởi cho tôi 500 Mỹ kim để tôi trang trải nợ nần và lo thuốc men ăn uống bổ dưỡng.
Tình bạn tâm thư biến dần thành tình yêu. Thơ văn, tính nết và thân thể đầy bắp thịt của Tâm như giọt nước Cam Lồ của Phật Bà Quan Âm đã tưới lên trái tim chết khô sau hai lần loang máu của tôi, làm nó hồi sinh và rung động. Không biết Tâm thì sao, chứ tôi chẳng còn tha thiết viết thư cho anh Bé và ông Kim nữa, chỉ đợi cơ hội lịch sự để cắt đứt. Ngoài thư từ, mỗi sáng Thứ Ba (tức tối thứ tai ở Houston) chúng tôi trò chuyện, thấy mặt nhau, đôi khi nghe được tiếng nói, trên mạng Yahoo Messenger.
Mỗi đêm, trước khi ngủ, tôi phải xem tới xem lui các hình ảnh của Tâm gởi cho tôi qua mạng, mà tôi in ra bỏ vào nguyên một tập để hình, cho đến khi nào mỏi mắt và thiếp đi, văng vẳng bên tai lời tự nhủ: Ôi Tình Yêu, ta không còn sợ Ngươi đem ta lên tận đỉnh non cao rồi xô ta xuống vực thẳm bởi vì đời ta vô nghĩa khi không có Ngươi!

*

Với thêm 500 Mỹ kim Tâm gởi cho tôi bốn tuần trước khi lên máy bay China Airlines về Sài Gòn, tôi mua một cái va li kéo mà anh dặn tôi phải mua để đi du lịch các nơi với anh, sắm ba bộ quần áo và hai bộ đồ ngủ thật thẩm mỹ. Theo lịch trình, máy bay của anh sẽ đến phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 10:45 sáng. Tôi náo nức trang điểm, ăn mặc thật lịch sự để đón anh.
Đầu Tháng Tư, trời như bắt đầu nóng bức. Khu vực đón chuyến bay nước ngoài đông nghịt người chen lấn, đứng dọc theo các khung sắt làm hàng rào, mắt mở to như cặp mắt ốc bươu để trông ngóng, theo dõi từng hành khách vừa rời trạm hải quan cuối cùng, tay kéo, xách va li hay đẩy xe chở hành lý, lần lượt đi ra cửa. Những gương mặt tươi rói (thỉnh thoảng cũng có vẻ mệt mỏi, thiếu ngủ!) những tiếng gọi tên nhau, những cái nhìn thương yêu, những cười mừng lẫn lộn giữa các cử chỉ thân mật bá cổ, ôm vai và những nụ hôn dịu dàng trên đôi má hay yêu đương nồng cháy trên môi lưỡi của những kẻ bắt chước thói quen Tây phương. Tôi hồi hộp đợi Tâm như chờ người tình tiền kiếp từ thế giới khác trở về tái ngộ.
Ô! Trời ơi! Mạch máu tôi nhảy mau: Người tình của tôi xuất hiện cách tôi độ 10 thước. Tôi thấy Tâm mà anh không thấy tôi bởi vì tôi đứng sau lưng hàng chục người. Không ai có thể tin rằng tuổi thật của anh là 55 với cái nón cao bồi vừa sang vừa thẩm mỹ, với nước da mịn và gương mặt trẻ trung, thêm vào đó là thân thể vạm vỡ. Hởi người tôi yêu! Sao anh hùng dũng vậy! Anh đâu có già với em! Tôi biết dù có kêu tên Tâm cũng không thể nghe vì quá ồn ào. Tôi chạy bọc ra đường, đến khoảng cuối giữa hai hàng rào người và đón anh bằng nụ cười và đôi mắt yêu thương. Tâm nhích hai vai lên khi nhận ra tôi:
- Em, em Vạn Phước phải không?
Tôi gật đầu. Tôi muốn ôm Tâm vào lòng để thỏa lòng chờ đợi, nhưng sợ anh hiểu lầm nên thôi. Trong khi đó, Tâm phân trần:
- Dù thấy nhau nhiều lần trên mạng, nhưng ở ngoài em đẹp và duyên dáng hơn nhiều nên anh phải hỏi cho chắc. Xin em thông cảm.
Tôi mỉm cười, dịu dàng đáp lại:
- Đâu có gì anh!
Sáng hôm đó, tin chắc rằng Tâm đã quá yêu tôi nên mới dám bỏ công việc địa ốc đang nhiều khách trở lại để về Sài Gòn gặp tôi, và dù tôi đã bị cú sét ái tình của Tâm ngay từ lá thư đầu tiên với thơ và truyện ngắn đính kèm, chưa kể giờ đây tôi tự coi mình đã thuộc về anh, nhưng rút kinh nghiệm ê chề với Lộc và Thơ, tôi quyết định tự chủ, giữ khoảng cách, không để Tâm chiếm lấy thân thể tôi một cách dễ dàng.
Trên xe tắc xi 7 chỗ ngồi Tâm chỉ nắm tay mặt của tôi và bóp chặt vừa chuyền cảm giác vừa như không muốn để mất tôi. Anh vội vàng mở va li kéo và đưa cho tôi một gói quà thật lớn trước khi chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 7 giờ 30 tối ở quán cà phê nhạc trên đường Phan Đăng Lưu gần nhà trọ của tôi. Xe ngừng ở đầu đường hẽm. Tôi âu yếm nhìn Tâm, bóp tay anh thật mạnh tỏ dấu yêu thương và tạm biệt. Tâm tiếp tục về nhà Dì Út của anh ở kế bưu điện Thị Nghè.
Bước vô phòng riêng, tôi vội vàng mở tung gói quà của Tâm. Vui thật vui! Toàn là đồ mỹ phẩm thượng hạng của Hoa Kỳ: dầu thơm, kem lót, kem dưỡng da, phấn má hồng, bút chì kẻ mắt, mascara, son tươi và son đậm, v.v.. Em yêu anh quá! Sao anh biết ý thích của em vậy?
Buổi tối tôi trang điểm hoàn toàn với mỹ phẩm mà Tâm mới tặng. Tôi cảm thấy mình vừa đẹp vừa quyến rũ, đủ đưa hồn Tâm vào một thế giới không tưởng khác với Sài Gòn nực nội và Houston nắng rực của anh. Tâm ơi! Anh sẽ hãnh diện đi bên em đêm nay và những ngày sắp tới bởi vì em luôn luôn cố gắng tiến bộ từ thể xác, sức khoẻ đến tình cảm và tinh thần theo như cuốn tiểu luận giáo dục của anh.
Tôi ra chỗ hẹn đúng giờ, nhưng Tâm đã bước ra khỏi quán đón tôi. Tâm sững sờ nhìn tôi quên cả câu chào. Để đỡ ngượng, tôi lên tiếng trước:
- Anh đợi lâu chưa? Sao không ngồi trong quán có quạt máy?
Bấy giờ Tâm mới hoàn hồn, trả lời:
- Anh trả tiền sẵn, thấy bóng em thì anh ra đón em để đi cho kịp.
- Đi đâu, hở anh?
- Chúng mình đi tàu trên sông Sài Gòn cho mát, có ca nhạc giải trí và khiêu vũ. Tàu chạy lúc
8 giờ 30 . . .
Tiếng nhạc văng vẳng giữa tiếng xe ồn ào. Trời bớt nóng và đèn đường đã sáng. Chúng tôi đi tắc xi đến cuối đường Đồng Khởi và Bạch Đằng. Quang cảnh ở đây thật náo nhiệt với tiếng xe, tiếng kèn, tiếng người nói chuyện và tiếng ca nhạc từ các tàu vọng xuống.
Tôi chọn tàu Mỹ Cảnh nho nhỏ, vắng khách. Chúng tôi lựa bàn ở cuối và ngồi dựa thành tàu, đối diện nhau. Tâm mời ăn, nhưng tôi đã ăn vì có thói quen ăn tối lúc 6 giờ (nếu không thì cảm thấy chóng mặt!) nên chúng tôi chỉ uống nước ngọt, ăn nhản, nghe nhạc, nói chuyện, chứ không khiêu vũ mặc dù tôi rất thích. Cuộc du ngoạn hơn một tiếng đồng hồ êm đềm và mát mẻ trôi thật nhanh như hạnh phúc đời tôi.
Mới 9:45 tối. Chúng tôi đi bộ đến Maxim’s để khiêu vũ. Bấy giờ tôi không thể giữ khoảng cách nữa mà phó mặc thân thể tôi trong đôi tay vững chắc của Tâm. Chúng tôi như bay chập chờn vào một thế giới không tên qua các điệu du dương như Tango, Boston và Slow; tôi và Tâm nhí nhảnh, đùa cợt qua các điệu Cha Cha Cha và Paso. Cuối cùng, trong hơi thở dồn dập và tâm thần kích động, chúng tôi chấm dứt điệu Valse với nụ hôn đầu tiên ngắn gọn của Tâm lên đôi môi tôi khi tôi ngã người trên tay anh. Tôi không ngờ anh dành nụ hôn đầu tiên trong hoàn cảnh ấy. Mọi người vỗ tay. Tôi bẽn lẽn nhưng vô cùng sung sướng. Nếu Trời bắt chết trên sàn khiêu vũ đêm nay, con cũng sẵn sàng.
Nụ hôn đầu tiên chớp nhoáng mở đầu cho nụ hôn thật dài và nồng nàn hơn trong tắc xi trên đường về. Đã một giờ rưỡi khuya. Tôi có đường đi riêng và chìa khoá vô phòng trọ nên không cảm bất tiện mỗi khi đi về khuya. Đường hẽm vắng tanh. Tâm đưa tôi đến gần cửa. Tôi ra dấu tạm biệt. Tâm choàng tay ôm tôi và cả hai đắm mình trong nụ hôn thứ ba ngây ngất
Sáng hôm sau, Tâm lại đón tôi và chúng tôi kêu xe tắc xi đưa đi Suối Tiên. Tâm tỏ vẻ ngạc nhiên với các công trình xây dựng từ ngoài cổng chính đi vào đền Hùng Vương, với hoạt cảnh Sơn Tinh Thủy Tinh, v.v.. Nói chung, lần đầu tiên về Việt Nam, Tâm cảm thấy phấn khởi được viếng một nơi giải trí lành mạnh đầy ý nghĩa văn hoá dân tộc như Suối Tiên. Anh càng yêu đời hơn bên tôi, người tình vừa trẻ hơn anh 14 tuổi với tất cả dịu dàng và yêu thương của một người đàn bà còn giữ nhiều bản tính Á Đông, không quá chạy theo lối sống Mỹ như đa số giới trẻ hay đứng tuổi giàu có ở Sài Gòn hiện đại.
Buổi trưa, chúng tôi vào ăn uống và tắm Biển Tiên Đồng. Cả hai chúng tôi đều ưu thích nơi đây với nước mát, với trò chơi tuột nước, với ghế bố nằm nghỉ lưng, nghe nhạc rồi ngủ lúc nào không hay. Mãi đến sáu giờ chiều chúng tôi mới rời cổng và mướn xe tắc xi trở về nhà tôi. Trên đường về, anh mời tôi đi Nha Trang năm ngày vào trưa mốt, sau đó có thể đi Đà Lạt hay Huế hoặc Pleiku tùy ý tôi, chỉ xin cho anh một ngày mai tự do để đi thăm viếng bà con thân hữu quanh quẩn Sài Gòn. Lúc đầu tôi do dự, e sợ kinh nghiệm não nề với Thơ tái diễn; nhưng tôi biết sớm muộn gì tôi cũng sẽ cho Tâm tất cả, tại sao phải chần chờ, tôi đồng ý. Theo dự tính, ngày mai Tâm sẽ đi mua vé trước. Anh hẹn sẽ đón tôi ở quán cà phê như lần trước lúc 10 giờ 30 sáng để đủ thời giờ đáp chuyến xe lửa tốc hành đi Nha Trang khởi hành vào 12:50 trưa.
Sáng hôm sau tôi lo ủi áo quần, chuẩn bị đầy đủ hành lý với ý nghĩ sẽ cùng Tâm thật sự thực hiện một hành trình thật lãng mạn đi vào thế giới yêu đương với tất cả những ước mơ thầm kín của hạnh phúc và khoái lạc ái ân.
Ngày và giờ hẹn đã đến, tôi hân hoan kéo chiếc va li mới mua, vai đeo bóp xách ra đầu ngõ. Tôi ngạc nhiên vì không thấy Tâm ra khỏi quán đón tôi như hai lần trước. Tôi đứng dựa cột đèn, lưỡng lự chẳng biết có nên vào quán chờ hay không.
Năm phút trôi qua. Tôi bắt đầu hơi sốt ruột nhưng tự an ủi rằng chắc Tâm bị kẹt xe. Nắng, bụi và tiếng ồn ào xe cộ khiến tôi quyết định vào quán cà phê kêu một ly nước chanh muối trong khi chờ đợi. Anh ơi! Anh ở đâu? Mau đến với em!
Đồng hồ điểm 12 tiếng mà Tâm vẫn bặt tăm.
Tôi run run, muốn khóc bởi vì linh tinh tôi báo cho tôi biết rằng đã có chuyện bất lành xảy đến cho Tâm. Trời ơi! Trời có mắt không? Nhưng tôi tự kềm chế và cố trấn tỉnh mình bằng giả thuyết nầy, giả thuyết nọ. Nửa tiếng sau, Tâm vẫn chưa đến. Tôi không còn bình tĩnh để ngồi chờ nữa. Tôi trả tiền nước và vội vả đến phòng điện thoại công cộng để gọi Dì Út theo số Tâm đã cho.
Tay tôi lẩy bẩy bấm số 8.425.364. Sau tiếng chuông thứ tư, một giọng khàn khàn yếu ớt bên kia đầu dây:
- A lô! Ai đó?
Không biết ai nên tôi cố tự chủ nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Cháu là Vạn Phước. Xin dì hay bà vui lòng cho cháu gặp anh Tâm…
Tôi chưa nói dứt câu thì tiếng mếu máo vang lên:
- Cháu ơi, thằng Tâm băng qua đường dưới dốc cầu Thị Nghè bị xe đụng chết rồi…
Nghe đến hai chữ “chết rồi”, tôi chỉ kịp kêu Trời, quỵ xuống và bất tỉnh.

VƯƠNG ĐẰNG

Source: http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.