Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Lá Thư Gửi Thầy Giáo Cũ

Nguyên Nhung

Thưa thầy kính mến, Nhận được tin thầy đang định cư ở Canada, em mừng quá, vội viết thư thăm hỏi sức khỏe của thầy cô và gia quyến. Mới đó đã gần bốn mươi năm không gặp lại thầy, cuộc đời dâu bể, bể dâu biết bao nhiêu thay đổi, vậy mà có lúc nào đó trong cuộc đời, em vẫn nhớ đến một khoảng trời rất xanh bên ngoài khung cửa lớp. Ở đó có cây sao già rì rào lời tình tự quanh năm, đứa học trò lơ đãng của thầy có lúc đã thả hồn lơ mơ theo cánh chim bay ngoài cửa sổ.

Thưa thầy, Nhắc lại thuở còn đi học với các thầy cô năm ấy, em nhớ thầy nhiều nhất, vì lẽ thầy là giáo sư hướng dẫn của lớp, lại cũng là vị giáo sư Việt văn trẻ tuổi, có nhiều bài thơ hay chứa đầy tình tự quê hương và tình yêu tuổi trẻ. Thầy là người đã đi qua và chúng em là những người sẽ bước tới, thầy đã chia xẻ cho đám học trò nhiều chuyện đời buồn vui bên ngoài khung cửa lớp. Nó như một khám phá mới lạ bên ngoài thế giới học trò, bỗng dưng em có cảm tưởng mình được chắp đôi cánh, bay bổng vào vùng trời của sự hiểu biết. Em cám ơn thầy nhiều lắm, nhờ vậy mà sau này em nhìn đời bằng đôi mắt thoáng đãng hơn, quảng đại hơn để dễ dàng chia xẻ với mọi người ngay trong những hoàn cảnh đớn đau nhất.

Thầy ơi! Thầy có nhớ cái lớp học ban C lẫn lộn nam sinh và nữ sinh năm ấy không hở thầy? Chúng em là lũ học trò đang tuổi lớn nên nhiều chuyện lộn xộn lắm. Ngày nào dưới hộc bàn của em cũng có một tờ giấy học trò xếp làm tư, trong ấy khi là mấy vần thơ, khi lại là một lời tỏ tình rất ngô nghê, ngắn ngủi, người gửi đã chẳng ký tên . Có khi tác giả những lá thư ấy là lũ kẹp tóc tụi em chọc ghẹo nhau, có khi từ những bạn phái nam cùng lớp, những câu tỏ tình rất ngộ nghĩnh, mà có khi chỉ là những tia nhìn đằm thắm gởi trao. Trong ấy có đôi mắt của người bạn đồng lớp, chưa hề nói với em một lời nào, nhưng mãi cho đến ngày bạn ấy từ giã bạn bè, xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh, rồi vì phần số ngắn ngủi, người bạn ấy đã đền nợ nước một chiều bên dòng sông quê mẹ .

Ðôi mắt ấy cứ ám ảnh em mãi một thời gian dài, ngay cả lúc này đây, đã nhiều năm trôi qua em vẫn nhìn thấy đôi mắt ấy. Đôi mắt thuở học trò, biểu tượng cho một tình cảm trọn vẹn trong sáng đã làm em bối rối suốt một đời mỗi lần nghĩ đến.Sau này lớn lên, trong đời em có dịp gặp gỡ và đối diện với bao nhiêu cái nhìn của tha nhân, em mới thấy cái câu "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn " thật đúng. Thầy biết không? Sau này ngẫu nhiên em lại đi vào nghề nghiệp của thầy, nghĩa là lại trở thành nhà giáo. Ðể rồi có một ngày, theo vận nước nổi trôi đã xô đẩy mỗi người mỗi nơi mỗi ngả, em nghe tin thầy thoát được sang bên kia với ít nhiều mất mát của gia đình, nhưng bù lại thầy có cái tự do bù trừ cho những mất mát đó. Em lại nhớ đến chuyện Tái Ông mất ngựa, cái may cái rủi cuả đời người, và luật bù trừ của trời đất, như vậy thì buồn làm gì hở thầy?

Như em, đứa học trò tầm thường của thầy, có cái mặt tròn và chiếc mũi hếch, khoa thẩm mỹ cũng không làm sao kéo dài cho thanh tú hơn, nhưng bù lại em có đôi lúm đồng tiền, vì vậy mà khi em cười khuôn mặt đỡ tròn hơn nhờ hai phần lõm xuống trên đôi má, trông em lại có duyên, để cái người bạn có ánh mắt năm xưa đã có công ngồi chép bài " Mười thương " tặng cô bạn nhỏ nhoi, tội nghiệp. Sau cái chết của anh bạn học, tự nhiên em chán đời mất một thời gian, không phải vì nhớ nhung người bạn cũ, nhưng có lẽ em vừa chợt nhìn ra thân phận nhỏ bé của con người bất lực trước bàn tay của định mệnh, những bất hạnh đổ xuống từng giây từng phút . Thuở ấy ngày nào trên đường đi học về em vẫn phải đạp xe ngang khu nghĩa trang, ngày nào em cũng thấy những vành khăn trắng, những đôi mắt đỏ hoe, những vòng hoa tang héo dần trên nấm mộ mới, cho đến năm em mười chín tuổi, em có làm được mấy vần thơ cho người bạn cũ, để em ghi lại cho thầy đọc:

"Người bạn thân yêu ơi!
Có những buổi chiều đi ngang nghĩa trang,
Nhìn những nấm mộ bia xếp hàng im lặng,
Buổi chiều có nắng vàng se sắt,
Buổi chiều có lá sao khô,
Trên cành những bông hoa sứ nở,
Lòng tôi chợt nảy sinh bỡ ngỡ,
Rồi một mai sẽ tàn như nắng quái chiều hôm,
Như lá sao khô rời cành bay lả tả,
Như hoa sứ rụng trên bờ cỏ uá. . .”
( thơ Nguyên Nhung ).

Thưa thầy, đứa học trò của thầy đã ảnh hưởng nơi thầy một chút nào về sự "vô thường" của cõi nhân gian, vốn là không lại trở về không, vốn là bụi lại trở về bụi. Em vẫn nhớ những giờ học cuối năm, khi mùa thi đã qua, thầy thường ngâm thơ cho học trò nghe. Mới đầu cả lớp khúc khích cười, nhưng sau phút giây bỡ ngỡ đó, tất cả đều im lặng để nghe tiếng thơ rộn ràng trong thanh âm sang sảng của ông thầy nghệ sĩ, có những uẩn khúc, có những đớn đau. Sau này lớn lên em mới hiểu, thầy cũng cần có những phút giây để trang trải nỗi niềm sâu kín của con tim. Như em vậy thôi, em cũng từng say sưa đọc đi đọc lại bài viết của mình, có lúc cười như người khùng điên, có lúc buồn chứa chan nước mắt, như lúc này đây, khi viết thư cho thầy em cũng khóc...

Sau năm 75, em kẹt lại quê nhà cho nên giờ này mới có lắm chuyện để kể thầy nghe. Em nghĩ thầy rất thích đọc thư, dù không có giờ để viết thư. Ở bên này, người ta chỉ cần nhắc phôn lên là nói đủ thứ chuyện đời, lời nói tuôn ào ào như nước đổ xuống ngày đêm ở thác Niagara nơi thầy ở. Em tưởng tượng một ngày nào đó nước ngừng đổ, thác chỉ còn trơ lại những bờ đá khô queo, lởm chởm, người ta sẽ dửng dưng nhìn nó như một phong cảnh chết, có còn lại chăng là những tấm hình lưu lại cảnh hùng vĩ của chốn xưa. Do đấy em mới viết thư để thầy đọc, rồi có một lúc nào đó , vô tình thầy lật lại chồng thư cũ, biết đâu lá thư của em không mang lại cho thầy một chút vui trong cuộc sống vốn rất nhiều phiền muộn, phải không thầy?

Em là cô giáo nghèo giữa đám học trò cũng khốn khổ như mình. Thầy biết không? Tháng 6 năm 1975 chồng em lên đường vào trại tù CS, bảy tám năm tù tội anh để em một mình ngu ngơ nuôi hai đứa con nhỏ, chỉ có hai đứa thôi mà nhiều khi em muốn ngã gục thì đừng nói gì đến những người phụ nữ thay chồng nuôi một đàn con năm, bảy đứa. Em vừa làm cô giáo vừa đi bán chợ trời. Ở trường học, em rất xấu hổ khi đã làm nghèo đi kiến thức của mình bằng những lời lếu láo theo sự chỉ đạo của cấp trên để dạy dỗ học trò. Ra trường đời, có chung đụng với sự lọc lừa kiếm sống, em ngây thơ như con nai tơ. Sự bắt buộc phải nói những điều lếu láo trong lớp học đã làm em xấu hổ, rồi bắt buộc phải dối trá ngoài chợ đời làm em tủi nhục biết bao nhiêu.
Em gặp đứa học trò cũ mấy niên học trước, nay cũng được đẩy ra vỉa hè để tập ăn gian, nói dối với mọi người, tất cả những gì học được nơi nhà trường mấy mươi năm trước đều vứt đi, nếu không làm sao để sống. Em cố gắng duy trì phần tốt của nhà giáo giữa nơi xô bồ đó, được chừng nào hay chừng nấy, nếu không chọn được sự hoàn thiện thì cũng phải chọn điều gì ít xấu nhất, phải không thầy? Câu chuyện cuả một chị nhà giáo em kể thầy nghe tiếp đây, để mà càng chán chường cho thân phận nhà giáo những năm tháng đó. Lương bổng không đủ lo cho gia đình nên chị cũng phải lăn lộn ngoài vỉa hè mới mong nuôi nổi lũ con còn đang tuổi cắp sách đến trường. Buổi chiều phải gác thi, buổi sáng chị vẫn ráng chạy ra chợ kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy.

Ôi cái buổi sáng hôm ấy là một buổi sáng không may của chị, công an và quản lý thị trường bố ráp hết mấy con đường quanh chợ nên bao nhiêu vốn liếng chị có đều mất hết, chưa kể còn phải làm kiểm điểm vì tội “buôn gian bán lận” nữa, cái tội chung chung của người dân khi trải tấm ny lông, bán buôn vớ vẩn vài bộ quần áo, đôi dép cũ, cái bình thuỷ nước sôi để có tiền sống qua một ngày khốn nạn. Xã hội có những hạng “buôn gian bán lận” tày trời, sao họ vẫn nhởn nhơ sống trong nhà cao cửa rộng, một bước lên xe hơi, bất công quá phải không thầy?

Thế là chị bạn em bị “túm” như bao nhiêu người đồng cảnh ngộ. Nghĩ đến lớp học chiều, chị đành phải chià ra tờ giấy gác thi ra để chứng minh và mong được thông cảm cho hoàn cảnh một nhà giáo nghèo. Năn nỉ mãi chị được về trường gác thi, lại có người hộ tống đi theo đến tận trường để xác minh xem chị có phải là phường “ăn gian nói dối”. Câu chuyện này ghi nhớ mãi trong lòng chị, một giáo sư môn Sử Địa được đào tạo từ trường Quốc Gia Sư Phạm, đã dạy học trò vẽ bao nhiêu tấm bản đồ thế giới và quê hương trên tấm bảng đen, đã thao thao rót vào tai học trò bao nhiêu trang sử hào hùng của dân tộc. Thế mà giờ đây tấm bản đồ quê hương mình đang mất từng tấc đất, từng vùng biển xanh không còn trải dài tít tắp đến tận chân trời, bài học lịch sử để lại cho thế hệ mai sau sẽ nói năng ra sao để khỏi hổ thẹn với tiền nhân?

Thầy còn nhớ thầy Nhiên dạy Anh văn, đồng nghiệp với thầy thuở đó? Tội nghiệp, thời điểm ấy cái môn sở trường của thầy Nhiên đã trở thành cấm kỵ, người ta coi sinh ngữ để phân định là bạn hay thù, nó được thay đổi theo lập trường chính trị. Thầy Nhiên bỗng nhiên thất nghiệp, phải xoay nghề xe đạp ôm. Mỗi ngày ra chợ, em đều gặp thầy kiên nhẫn đợi khách dưới tàn cây phượng vĩ ở đầu chợ. Trong chiếc áo nhà binh rộng thùng thình, đôi mắt kính của thầy hấp háy dưới nắng trưa, một mảng lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tự nhiên em muốn khóc. Giữa trưa hè nắng đổ lưả, em sửa soạn trải tấm ni lông lên viả hè, gặp ai đi ngang cũng hỏi : " Có gì bán không? ". Cái điệp khúc ấy lập đi lập lại đến mỏi mồm, lại trâng tráo nữa. Một người đàn ông đi ngang với đôi tay buông thõng, ông ta chỉ vào chiếc áo đang mặc trên người : " Mua không ? ".

Tức thời có mấy cái miệng đồng thanh cò kè trả giá, sau một lúc như thế, người đàn ông cởi chiếc áo quẳng xuống tấm ni lông trên vỉa hè. Thưa thầy, một tấm thân gầy đếm được những chiếc xương sườn, một bộ ngực lép phơi ra giữa nắng hè gay gắt, không còn gì để dấu diếm nữa. Có một cái gì đó muốn cười, có một cái gì đó muốn khóc, ngó ra gốc cây phượng bên bờ sông, trời trưa đứng gió, bóng thầy Nhiên đứng đó đợi khách và bóng người đàn ông cởi áo bán ở chợ trời như chập chờn, trộn lẫn vào nhau . Những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt, những viên kim cương và những giọt sương, em làm sao phân biệt nổi. . .

Không ngờ có ngày em cũng trôi giạt qua đây, dù nơi nào cũng có nỗi cực nhọc của cuộc sống, nhưng ít ra ở đây, em cũng có chút thì giờ thong thả để viết thư thăm thầy, để viết hết những gì mình muốn viết. Nước Mỹ không phải thiên đàng mà cũng chẳng phải là hoả ngục thầy nhỉ, ta có quyền chọn lựa cái nào đỡ xấu nhất, đấy là lý do tại sao thầy trò mình sang đây. Em xin dừng bút nơi đây. Kính chúc thầy cô và gia đình được bình an và khỏe mạnh. Em rất mong nhận được thư hồi âm của thầy. Ðứa học trò cũ của thầy.


Nguyên Nhung ( bài viết theo tâm sự của một cô giáo)

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.