Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Từ điển Pháp: Le Petit Larousse







Bìa ấn bản năm 1905




VIDEO
  


 




 


    Ngày 26/05/2016, ấn bản Le Petit Larousse cho năm 2016-2017 sẽ ra mắt công chúng. Đặc biệt, năm 2017 sẽ đánh dấu 200 năm ngày sinh của nhà ngôn ngữ học Pierre Larousse (sinh ngày 23/10/1817), người phát minh cuốn từ điển mang tên ông.
 
    Ấn bản mới lần này sẽ có thêm một số từ tiếng Việt lần đầu tiên được xuất hiện trong cuốn tự điển được cho là bán chạy nhất mỗi dịp khai trường.
 
1/. Năm 2017, nhà sáng lập Le Petit Larousse tròn 200 tuổi.
    Nhà ngôn ngữ học Bernard Cerquiglini từng viết : « Quảng bá thời kỳ Ánh Sáng bằng con đường phổ biến kiến thức, đẩy lùi sự thiếu hiểu biết và những lời phán xét, hành động vì tiến bộ dân chủ, đó chính là tham vọng của Pierre Larousse ».

  
 
    Từ thời kỳ Ánh Sáng đến nay, cuốn từ điển luôn làm tròn vai trò phổ biến kiến thức của mình. Ngay như nhà hàn lâm Pháp Jean d’Ormesson và là người đỡ đầu ấn bản 2017, cũng phải thốt lên với AFP : « Le Petit Larousse là cuốn sách duy nhất mà tôi có thể mang theo mình đến một hòn đảo hoang ».
 
    Tổng cộng, ấn bản 2017 của Le Petit Larousse, có hơn 63.000 từ, cùng với khoảng 5.500 tranh minh hoạ, bản đồ và ảnh. Dĩ nhiên, cuốn từ điển không thể thiếu những "Trang hồng" nổi tiếng, gồm những cụm từ La Tinh hay Hy Lạp, những câu tục ngữ, châm ngôn được coi là những kho báu nhỏ thật sự của văn hoá dân gian. Người sử dụng internet có thể truy cập ấn bản trực tuyến với số lượng từ phong phú hơn, khoảng 80.000 từ, 9.600 động từ được chia và hơn 250 video từ lưu trữ của Viện Nghe-Nhìn Quốc gia Pháp (INA).
 
    Trong ấn bản 2017, sắp được phát hành ngày 26/05/2016, có thêm 150 từ mới được đưa vào từ điển Larousse. Những từ mới này thuộc mọi lĩnh vực, phản ánh từ xu hướng ẩm thực mới phổ biến tại Pháp đến những thay đổi trong thế giới nghệ thuật, từ sự phát triển của ngành khoa học và y tế đến lĩnh vực công nghệ hay chuyển biến xã hội và kinh tế…
 
    Trong số những từ ẩm thực mới được đưa vào ấn bản 2017, ngoài hương vị của tô "phô", người đọc còn có thể thưởng thức rượu "yuzu" (làm từ quả thanh yên/trái quýt của Nhật Bản), hay ít ra cũng cắn được một miếng "wrap" (một dạng bánh tráng làm từ bột mì và bột ngô). Khi đã no nê, độc giả lại được chìm trong một cuốn "mook" (được kết hợp từ hai từ "magazine" (tạp chí) và "book" (sách) hay giải trí trong một buổi "seul-en-scène" (độc tấu trên sân khấu).
 
    Cuốn từ điển không chỉ có những từ mới, rất nhiều chủ đề được cập nhật thêm nghĩa mới. Ví dụ, như khi tra từ "loup" (con sói), giờ có thêm cụm từ "loup solitaire" (con sói đơn độc) nhằm chỉ kẻ khủng bố. Tuy nhiên, cụm từ mới này vẫn còn là chủ đề tranh luận của nhiều chuyên gia.
 
    Vì tiếng Pháp là một ngôn ngữ sống nên cuốn từ điển còn mở rộng cho cộng đồng Pháp ngữ với những từ có nguồn gốc Québec (Canada), Thụy Sĩ, Bỉ hay châu Phi. Như từ "balado" bắt nguồn từ Québec dường như đang trở nên phổ biến hơn từ "podcast" trong tiếng Anh nhằm chỉ việc ghi âm kỹ thuật số một chương trình phát thanh hoặc chương trình tương tự như vậy, phát trên Internet để tải xuống máy nghe nhạc cá nhân.
 
    Về danh mục người nổi tiếng, 50 tên mới đã được ghi vào Le Petit Larousse 2017. Nghệ sĩ, nhà đấu tranh người Trung Quốc, Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), từng bị chính quyền Trung Quốc giữ hộ chiếu trong vòng 5 năm (2011-2015) được xuất hiện cùng với tên nữ nhà văn, nhà triết học và doanh nhân người Pháp Elisabeth Badinter.
 
    Trong lĩnh vực điện ảnh có nhà đạo diễn người Ý Brian De Palma, từng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên Hoan Phim Venice lần thứ 64 năm 2007. Hay diễn viên trẻ Québec, kiêm đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất Xavier Dolan, nổi tiếng với bộ phim "Tôi đã giết mẹ"(J’ai tué ma mère) tại Liên Hoan Phim Cannes 2009. Cậu được mệnh danh là "thần đồng" Canada. Ngoài ra, có thể liệt kêt thêm tên của nữ diễn viên người Pháp Sandrine Kiberlain và nam diễn viên Pháp Vincent Lindon. Với những nghệ sĩ được đưa tên vào cuốn từ điển, đây là niềm vinh dự như họ được đề cử tranh giải Césars hay Liên Hoan Phim Cannes.
 
    Về kinh tế, Le Petit Larousse vinh danh ông Thomas Piketty, kinh tế gia người Pháp, từng giành giải thưởng nhà kinh tế trẻ xuất sắc nhất nước Pháp năm 2002 và giải thưởng Yrjo Jahnsson năm 2013. Hay Cristiano Ronaldo, cầu thủ người Bồ Đào Nha của đội tuyển Real Madrid, được giới thiệu như một trong những cầu thủ ghi bàn tài năng nhất của thế hệ mới sau này.


 
2/. Một số từ tiếng Việt lần đầu tiên được xuất hiện trong cuốn tự điển Le Petit Larousse.
    Nghệ thuật nấu ăn châu Á đang trở thành trào lưu ẩm thực tại Pháp trong những năm gần đây và nhanh chóng được cập nhật trong từ điển. Điển hình là trong ấn bản Le Petit Larousse 2017, từ "phở" của Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào cuốn từ điển. Phở được giải thích là một từ tiếng Việt, dùng để chỉ một món ăn được chế biến từ nước hầm xương bò với bánh phở. Tuy nhiên, cả hai từ "phô" (phở) và "bo bun" (bò bún) đã được định nghĩa trong từ điển Le Petit Robert từ năm 2014.
 
    Theo giải thích trong cuốn từ điển Le Petit Robert, "bò bún" là một món ăn được chế biến khéo léo để "tái biến" thức ăn còn lại, song lại trở thành một món ăn không thể bỏ qua. Bò bún gồm bún, thịt bò hay thịt gà xào, ăn kèm với dưa chuột, rau bạc hà, hành phi, giá đỗ, cà rốt, lạc (đậu phộng), mùi (rau ngò).
 
    Sau này, "bò bún" trở thành danh từ chung để chỉ các món ăn có cách chế biến tương tự nhưng có thể thay đổi thành phần theo gu ẩm thực riêng tại từng nước. Điều này giải thích tại sao nhiều nhà hàng tại Pháp phục vụ thêm món "bò bún au poulet" (bò bún thịt gà), không có thịt bò mà thay vào đó là thịt gà xào.
 
    Trước đó, món ăn "nem" cũng được định nghĩa trong Larousse. Theo đó, nem là « một đặc sản của Việt Nam, là loại bánh làm từ bột gạo có nhân (gồm giá đỗ, thịt, miến…) được cuộn tròn và chiên giòn ». Từ "nem" sau được biến tấu và được sử dụng để chỉ bất kỳ món ăn nào có cách làm tương tự. Thậm chí, từ một món ăn mặn, nem trở thành một món ngọt để tráng miệng hay món ăn nhẹ với nhân là sôcôla, như "nem au Nutella" (nem sôcôla Nutella) hay "nem à la banane et au Nutella" (nem chuối sôcôla).
 
    Ngoài ra, từ "nuoc-mâm" (nước mắm) cũng được định nghĩa trong từ điển Le Petit Larousse là « gia vị của Việt Nam, có được từ quá trình ngâm cá trong muối ». Hay từ "Têt", được Le Petit Larousse ghi là « viết tắt của từ Têt Nguyên Dan (ngày đầu tiên của năm). Tại Việt Nam, ngày lễ đầu năm tính theo âm lịch có nguồn gốc Trung Quốc, thường bắt đầu trong khoảng thời gian từ 20 tháng Giêng đến 19 tháng Hai dương lịch ».
 
    Ngoài các từ trên, còn có rất nhiều địa danh, tên riêng đã được đưa vào từ điển Le Petit Larousse, như Điện Biên Phủ, Hà Nội, Trương Vĩnh Ký, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Điều đáng tiếc là các từ tiếng Việt được đưa vào các cuốn từ điển của Pháp đều không được viết đúng dấu.
 
 

 Grand Dictionnaire Encyclopédique Larousse de Collectif


 


Theo RFI 


Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.