Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Đôi điều tôi học từ “Kinh Duy-ma-cật sở thuyết”?…


Nói ra là bị kẹt
Không nói cũng không xong…
(Thiền sư Chân Nguyên, TK XVII)
 
Có người hỏi tôi rằng học được gì từ “Duy-ma-cật sở thuyết”?
Học được nhiều lắm chứ!
 
Học rằng cõi Phật chẳng đâu xa. Cõi Phật trong ta. Tâm ta mà thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh. Tâm ta chưa thanh tịnh thì thấy đâu cũng là gò nỗng, hầm hố, gai góc, thanh tịnh rồi thì cõi đất bỗng nhiên trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp, ánh vàng ròng khắp nơi nơi…
 
Học rằng trước hết phải tùy lòng ngay thẳng (trực tâm) mà khởi. Có trực tâm thì mới có chánh đẳng. Có « Chánh đẳng » rồi mới có « Chánh giác ». Chia chẽ thì so sánh, hơn thiệt, ganh đua, đấu đá. Bình đẳng, không phải là kéo chân rùa dài ra, thúc giò hạc ngắn lại.
Thấy cái Một thì thấy tất cả. Tất cả là Một. Một là tất cả.
 
Học rằng phương tiện mà không trí huệ không xong. Khoa học mà không có lương tâm là sự tàn lụi của tâm hồn.
Trí độ là mẹ Bồ Tát,
Tùy nghi phương tiện là cha.
Phải có Trí độ (Bát Nhã) trước đã. Rồi, phương tiện mới tùy nghi. Pháp sư phải « vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai » (Pháp Hoa). Vào tòa Như Lai là từ bi ; mặc áo Như Lai là nhu hòa, nhẫn nhục ; ngồi tòa Như Lai là thấy biết « chư phápKhông tướng». Phương tiện tùy nghi mà chưa có Trí độ thì nguy.
 
Học rằng “Tại các cảnh thiền định, tưởng đó như các tầng địa ngục”. Không đắm  mê các tầng thiền để bỏ quên đời, mà tưởng cảnh thiền như các tầng địa ngục, thấu cảm cùng nỗi khổ đau vô tận của chúng sanh. Đối với cuộc sinh tử luân hồi, tưởng đó như vườn cảnh điện đài để thênh thang “một cõi đi về” mà cứu độ chúng sanh.
 
Học rằng bệnh thường gặp là “chấp Không”! Thấy không rồi mê không, gì cũng không, chẳng thấy được chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không! Cho nên “tu học lẽ không mà chẳng lấy lẽ không làm chứng đắc. Tu học vô tướng, vô tác, mà chẳng lấy vô tướng, vô tác làm chứng đắc”.
 
Học rằng tâm khó mà nhận thấy! Tìm hoài tâm không ra. Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai không thấy đâu cả. Làm sao để tâm an ? Còn lâu! Chỉ có cách tiếp cận qua thân. Thân tâm nhất như.  Cho nên « giả bệnh » là cách tốt nhất. Mà bệnh thì rất bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trước… bệnh ! Thân này không thể tin cậy được. Nó không phải của ta, không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Phải thấy thân Phật, tức thấy pháp thân. Muốn thấy pháp thân thì phải “quán”. Phải nhìn sâu vào bên trong, nhìn xuyên qua cái giả tướng bên ngoài, phải “kiến tướng phi tướng” . Khi ấy nhận ra:
Vô lượng ức đấng Như Lai,
Chư Phật với thân mình đây,
Không khác chi đừng phân biệt
 
Học rằng hé cửa vào Bất Nhị thì thấy Như Lai ngồi cười tủm tỉm, mở toang bảo tháp, tay bắt mặt mừng chào đón Phật Thích Ca, chào đón chúng sanh… Thấy biết Như Lai rồi thì chỉ còn ú ớ, há hốc hoặc lặng thinh. Ủa, vậy đó hả ? Bởi với Như Lai thì “Chẳng thể dùng trí mà hiểu, chẳng thể dùng thức mà biết, không thể dùng tất cả ngôn thuyết để hiển thị hay phân biệt, tất cả ngôn ngữ đàm luận đều dứt tuyệt ».
 
Học rằng chúng sanh là những ảo vật do nhà ảo thuật là chính ta tạo ra. Mà nhà ảo thuật cũng là một chúng sanh. Tạo ra rồi hồng hộc chạy theo, bám lấy, giành giật, khổ đau, hạnh phúc… Rồi ráng giải thích những hình bóng ảo, rời rạc, lắp ráp tạm bợ đó mà tưởng thiệt ; rồi ráng gân cổ cãi nhau chí chóe với bao nhiêu khái niệm danh từ… mà tưởng hay! Chẳng qua là những bóng hình trong gương, mặt trăng đáy nước, dấu chân chim giữa hư không…
 
Học rằng “ Tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai” ! Rằng Thân này là hạt giống Như Lai. Vô minh với ái là hạt giống Như Lai. Tham, sân, si là hạt giống Như Lai…
Thì ra vậy ! Thì ra tứ đại ngũ uẩn, vô minh, ái thủ hữu, tham sân si… đều là hạt giống của Như Lai. Cho nên không lạ, từ những hạt giống đó mà sinh sôi nẩy nở đủ thứ chuyện trên đời, rồi quấn quít nhau mà trùng trùng duyên khởi… Nhưng Như Lai chẳng xấu ác, chẳng thánh thiện. Như Lai là Như Lai. Tathagata. Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ. Chẳng từ đâu đến, chẳng đi về đâu. Nó vậy là nó vậy.
Cho nên phiền não cũng chính là Bồ-đề, khổ đau là hạt giống của an lạc !
Trong lửa sinh hoa sen, 
Tại năm dục hành thiền…
 
Học rằng sân hận đưa ta vào địa ngục không lối thoát nên cần biết sống trong cõi Diệu Hỷ của Phật Asuc (Aksobhya), vị Phật có tên là Vô Sân, Vô Nộ, Bất Động. Ngoài không dính mắc là thiền, trong không lay động là định (Huệ Năng). Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trần Nhân Tông).
Duy-ma-cật bảo: Pháp hỷ là vợ nhà/ Từ bi là con gái/ Tâm thiện là con trai/ Không tịch là nhà/ Trần lao là đệ tử/ Tùy ý mình mà chuyển biến…
Tùy ý mình mà chuyển biến.  Muốn thấy « con là nợ/ vợ là oan gia/ cửa nhà là nghiệp báo… » cũng tùy ý mình mà chuyển biến !
 
Học rằng thực tướng là vô tướng, nên hòa nhập nhau có chi ngăn ngại vì cùng bản chất, pháp tánh. Núi Tu-di to lớn kia mà đem đặt vừa vào đầu hạt cải, nước bốn biển mênh mông nọ mà rót đầy lỗ chân lông có chi là lạ ? Núi Tu-di cũng không mà đầu hạt cải cũng không. Nước bốn biển cũng… không mà lỗ chân lông cũng không.  Nhưng chân không mà diệu hữu, diệu hữu mà chân không. Lý mà vô ngại thì Sự vô ngại. Sự Sự vô ngại vậy!
 
Học rằng có thứ hương thơm nuôi cả thân và tâm bất tận đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm đó mới có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió… Tiếng lành đồn xa.  Nhưng giới không chỉ là giới. Giới còn là Định là Huệ. Giới định huệ không chia chẽ. Tương tác, tương sinh.
 
Học rằng không có gì để « đắc » vì « vô sở đắc » : Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác(Anậuđala Tam-miệu Tam-Bồ-dề) sẵn có đó rồi trong mỗi chúng sanh. Chỉ cần thắp sáng lên. Con đường đó là con đường quay lại chính mình, nương tựa chính mình.
Rồi một hôm, chỉ còn biết tủm tỉm cười một mình. Nụ cười đến từ bên trong, từ những tế bào, từ đất nước gió lửa. Con đường đã vạch ra, đã bày sẵn : Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ…Thất giác chi, Bát chánh đạo… vốn là 37 món trợ đạo đừng quên.
Đạo phẩm là bạn hiền 
Nhất tâm là điều ngự, 
Bát chánh đạo dạo chơi.
 
Học rằng bốn Ma là « thị giả », luôn ở cạnh ta, giúp ta từng li từng tí. Ma phiền não bủa vây và nhắc nhở sẵn có bốn vạn tám ngàn cách thoát ra sao chẳng thử một vài; Ma ngũ uẩn thì càng thân thiết, nhắc rằng mấy thứ lăng nhăng nó quấy ta chỉ là những kết hợp tạm bợ, lắp ghép lai rai; Ma trời (thiên ma) là lời cảnh giác, đừng tưởng bỡ, tưởng « làm trời » thì muốn gì cũng được. Còn lâu ! Rớt vào địa ngục như chơi. Lên voi xuống chó mấy hồi. Còn Ma chết (tử ma) lại là bạn thiết gắn bó từ thuở còn bụng mẹ trong từng tế bào. « Bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn thứ phiền não làm cho chúng sinh phải nhọc nhằn mệt mỏi đều có thể làm Phật sự »…
 
Học rằng « Phật sự » là món cơm Hương Tích, là món trà Tào Khê, là tiếng gió thổi, là tiếng lá rơi, là dáng đi dáng đứng dáng ngồi… Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Tất cả pháp đều là pháp Phật. Không phải do Phật làm ra đâu ! Duyên sinh tự có. Chỉ vì tất cả đều vô thường, khổ, không, vô ngã, thực tướng vô tướng… Phật sớm thấy biết và từ bi « khai thị » cho chúng sanh « ngộ nhập », để cùng mà giải thoát! « Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành », « Đừng vội tin. Hãy đến để mà thấy » Phật nói.
Pháp thuận với không, tùy theo vô tướng, ứng với vô tác. Pháp lìa khỏi tốt và xấu. Pháp không có thêm và bớt. Pháp không có sinh và diệt…Tướng pháp là như vậy, há thuyết diễn được sao?”.
 
Học rằng « Cư trần mà lạc đạo » :  “… ở tại nơi sanh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi… ; kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa-môn, tuy ở tại nhà, mà chẳng vướng vào ba cõi, thị hiện có vợ con, mà tu hạnh thanh tịnh… »;
Từ đó mà « thõng tay vào chợ »:
Hoặc làm chúa thành ấp
Hoặc làm chủ đoàn buôn
Làm quốc sư, đại thần,
Để lợi ích chúng sanh…
Trong kiếp có bệnh dịch/ Hiện làm các dược thảo/ Trong kiếp có đói kém, Hiện thân làm món ăn/ Trong kiếp có đao binh/ Khiến trụ cảnh không tranh/ Những nơi có địa ngục/ Cứu khỏi mọi khổ não/…
*  *   *
“…Thưa, Thánh trí vốn vô tri, mà muôn vàn phẩm loại đều được soi tỏ. Pháp thân vốn vô tướng, nhưng lại ứng hiện theo từng hình tướng đặc thù. Vần điệu chí cao thì vẫn không lời, mà thư tịch huyền vi khắp nơi quảng bá.
… Vả, chúng sinh mãi ngủ vùi, phi ngôn thì lấy gì để đánh thức? Đạo không vận chuyển đơn côi. Đạo hoằng do người.
Cho nên, Như Lai sai Văn Thù nơi phương khác; triệu Duy-ma từ quốc độ kia; cùng tụ hội Tỳ-da-ly để chung truyền đạo ấy”.
(Tăng Triệu, tựa Duy-ma-cật sở thuyết, thế kỷ thứ V.
Tuệ Sỹ dịch Việt, mùa Thu, PL. 2548)
 
Lúc ấy, Phật bảo Di-lặc: “Nay ta đem pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề này mà phó chúc cho ông…”
Rồi quay sang A-nan ân cần dặn : “Hãy thọ trì kinh này và lưu hành giảng thuyết rộng rãi nhé !”.
Đâu có chi phân biệt!
 
Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon, 12.2015)

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.