Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Tết miệt vườn ngày xưa...


Bùi Tấn Lược - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

 
Hồn Tết xưa. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Con sông Trà Lọt chảy song song với sông Tiền một đoạn thì giao nhau. Xóm tôi nằm ở mỏm đất dôi ra đó, nơi được gọi là vàm Trà Lọt. Từ bao đời nay, người dân cất nhà bên bờ sông, xung quanh trồng cây ăn trái, phía sau trồng lúa hay làm rẫy.
Từ hai tháng trước Tết, những nhà tráng bánh thuê bắt đầu đắp lò để làm bánh tráng và bánh tráng dừa (giống như bánh tráng nhưng để nướng, bánh dày hơn, với mè đen, hành lá và nước cốt dừa). Mỗi ngày, lò chỉ nhận tráng bánh cho một nhà nên gia đình nào đông con như gia đình tôi thì thường phải đặt tráng hai ngày mới đủ bánh ăn trong những ngày Tết.
Lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy còn sáng chế ra món bánh tráng trứng gà. Bóp bể vụn bánh vào một tô lớn, đập quả trứng gà vào, hái vài cọng hành sau nhà cắt nhỏ rắc lên trên, thêm chút tiêu, chút nước mắm rồi chế nước sôi vào. Vậy là có một tô bánh nóng hổi húp đỡ đói vào những buổi sáng trời trở lạnh.
Khi những con cá linh cuối mùa to bằng hai ngón tay dính lưới cũng là lúc cái nắng không còn gắt, gió từ sông Cái thổi mạnh vào, nhà nào cũng chuẩn bị làm các loại bánh mứt.
Nhà khá giả thì mứt bí, mứt cà chua, mứt khoai lang, mứt gừng, bánh phồng, bánh in. Nhà nào khó khăn thì mứt chùm ruột, mứt me. Tất cả đều làm từ củ quả sau vườn. Và như vậy, chỉ cần dạo quanh xóm một vòng xem người ta phơi mứt gì là biết đến Tết mình đến nhà mừng tuổi sẽ được đãi món đó.
Cánh đàn ông thì bắt đầu cuốc đất, lên luống trước nhà trồng bông. Chẳng hiểu sao ở quê tôi người ta chỉ trồng nhiều nhất là vạn thọ với mồng gà. Cũng có thể do các loại bông này dễ trồng, mộc mạc và giản dị như người dân xứ này.
Tết thì nhà nào cũng nhất định phải có nhánh mai vàng tươi vươn cao, xung quanh là màu đỏ của mồng gà, thấp phía dưới là hoa vạn thọ.
Ðộ khoảng rằm Tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu lặt lá mai để hoa nở vào đầu Xuân. Ngày đó, thời tiết không thất thường như bây giờ. Bọn trẻ chúng tôi được phân công canh xem nụ mai, nếu thấy cây nào chưa bung nụ kịp thì phải tưới nước liên tục vào chiều tối. Cho nên vào sáng mùng Một thì mai nở rực khắp vườn.
Dưa hấu Tết. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Những ngày cận Tết, dường như ai cũng háo hức, nhà nào rảnh thì làm chuối khèo trước (chuối khô khèo với đường thùng, gừng xắt sợi và đậu phộng giã nhỏ) và mứt dừa. Món khoái khẩu của mấy đứa trẻ chúng tôi là món bánh tráng dừa nướng kẹp chuối khèo ở giữa. Bây giờ, ngoài chợ quê dường như người ta chẳng còn bán món này. Có thể chuối khèo quá dân dã, không thể cạnh tranh lại với những món bánh tân thời với bao bì bắt mắt, đầy màu sắc, muốn mùi vị nào cũng có.
Với những đứa nhỏ như tôi ngày ấy, Tết còn là dịp mong ngóng để được ăn dưa hấu thỏa thích. Vì dưa hấu là loại trái mà chỉ Tết thì ngoài ta mới bày bán, chứ không có quanh năm như bây giờ. Ngày ấy chỉ có dưa tròn, ruột đỏ chân phương, không có loại dài, vuông, ruột vàng, khắc chữ, tạo hình như hiện nay.
Ngày 23 Tết đưa ông Táo về trời, miền Tây quê tôi người ta không thả cá chép như ở các miền khác. Ðơn giản chỉ nướng một đĩa bánh tráng dừa, thêm một dĩa mứt vừa làm xong, rồi bày ra giữa sân thắp nhang tiễn ông Táo.
Khoảng độ 27 Tết thì chợ họp gần như suốt đêm. Tất cả rau củ thu hoạch trong năm được mang ra bán để kiếm tiền xài trong dịp Tết.
Những buổi nhậu rượu đế tưng bừng được bắt đầu từ nghi thức nấu mâm cơm thắp nhang rước ông bà hôm 30 Tết. Ðêm 30, người miệt vườn không nấu bánh tét như người Bắc nấu bánh chưng, mà thường nấu nồi thịt kho hột vịt và sửa soạn mâm bánh mứt, các món “bùa nêu, ông hổ” để chuẩn bị cúng đón giao thừa.
Trẻ con trong nhà thường được dặn dò không được ngủ trước thời điểm này, nhưng nếu chúng có lỡ ngủ quên thì cũng bị đánh thức bởi tiếng pháo vang lên khắp xóm. Lúc này, người lớn đi kiểm tra và chắc chắn rằng nhà cửa đã được quét dọn sạch sẽ, các khạp nước đã được đổ đầy. Quét nhà đầu năm được cho là xua đi tài lộc, những khạp đầy nước thì được tin rằng năm sau sẽ không túng thiếu.
Tôi còn nhớ, chỉ trong những ngày Tết thì nhà mình mới được thắp sáng bằng đèn măng-sông, do thời điểm đó mua xăng dầu rất khó. Nhưng đèn măng-sông chỉ được thắp sáng từ đêm 30 cho đến hết mùng Bốn rồi phải mang vào tủ cất đi. Ðó là ánh đèn ngày Tết, thứ ánh sáng “sang trọng” nhưng ngắn ngủi.
Mùng Một Tết, theo tập tục, đó là ngày đi chúc Tết từng nhà. Mọi người chào hỏi, chúc tụng những điều tốt đẹp cho nhau. Kiểu cách xởi lởi như những người lâu ngày mới gặp. Họ muốn quên năm cũ đi, muốn mọi thứ như được làm mới lại.
Sang mùng Hai, những người thân tình thì thường qua nhà hàng xóm phụ gói bánh tét, khi gói xong thì chủ nhà cử người trở qua phụ gói lại. Xóm tôi, người ta thường gói bánh tét mùng Hai vì loại bánh này theo thông lệ sẽ được cúng ông bà vào sáng mùng Ba. Nếu chiều 30 có lễ rước ông bà, thì đây là lễ tiễn ông bà. Bánh tét được cắt ra từng khoanh nhỏ bày lên bàn cúng kèm các món ăn được làm trong dịp Tết và không thể thiếu con gà trống nấu cháo được đặt nguyên con ở giữa bàn.
Bánh tét ngày đó có hai loại, nhân dừa và nhân đậu xanh. Nhân dừa phải làm từ loại dừa rám (chưa đến độ dừa khô), cơm dừa nạo nhuyễn, xào với đường và đậu phộng giã. Còn nếu bánh nhân đậu xanh thì hạt đậu được hầm nhừ với nước cốt dừa, có khi được thêm thanh mỡ heo ở giữa. Nhìn đòn bánh tét được gói như thế nào, độ chặt và dẻo của bánh ra sao mà người ta có thể đoán được tài khéo léo của gia chủ. Bánh tét dùng để đãi khách thì chỉ mời bánh không, nhưng nếu ăn trong nhà thì kèm món thịt kho hột vịt.
Trong những ngày Tết, người ta kiêng ra ruộng, vì họ quan niệm rằng nếu đầu năm mà ra ruộng thì nguyên năm sau đó chỉ làm ruộng. Nghe có vẻ vô lý phải không? Muốn giàu thì phải làm, nhưng người ta không muốn làm ruộng, vì làm ruộng thì khó giàu… nhưng làm gì ngoài làm ruộng thì họ lại không biết.
Tết cũng là dịp để con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, họ hàng. Ở quê tôi mọi người thường gọi dân dã là làm tuổi. Những năm đó, ba má tôi dạy con kỹ càng chuyện làm tuổi để biết chúc Tết ông bà một cách nghiêm trang.
Nhưng giờ thì Tết coi bộ không còn vui và có hương vị như Tết ngày xưa, mà chỉ còn gánh nặng và cám cảnh. Cận Tết thì mọi người ra chợ mua vài bịch bánh, sắm vài món đặc sản của miền khác được đóng hộp sẵn. Tết chỉ nghe tiếng xe gắn máy gầm rú đua nhau quanh xóm thay cho tiếng pháo. Chúng tôi đi làm ở thành phố về quê ăn Tết thường được bà con hàng xóm, với bản tính thẳng thắn, hỏi thăm hiện đi xe hiệu gì, mức lương bao nhiêu, làm tới chức gì… Các em nhỏ bây giờ sẽ móc bao lì xì ra xem được bao nhiêu tiền ngay sau khi nhận được.
Nói cho cùng, với tính cách phóng khoáng của người miền Tây thời đó, “sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối leo lên giường nằm nghe cải lương” thì dù giàu hay nghèo, Tết cũng là dịp để “xả láng,” để ăn uống no đủ, để cầu mong cho năm mới sung túc. Có tiền hay vay mượn thì bàn ăn, mâm cúng ngày đầu năm cũng phải ráng cho đủ thịt và rượu. Họ nghĩ rằng, may ra nhờ vậy mà ông bà chứng giám cho năm mới bình an, làm ăn thuận lợi.
Có những năm sau này vì bận việc, tôi quyết định ăn Tết ở Sài Gòn, nhưng rồi thường cũng chỉ trụ được đến mùng Hai, đành phải nhảy xe đò về quê. Dẫu rằng về quê, cũng chỉ ngồi đó nghĩ ngợi về những cái Tết đầy đủ hương vị của ngày xưa…
Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.