Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Mưa trên biển Aegean

Nguyễn Tường Bách


Cách đây khoảng 2.500 năm, một ngày nọ trong tháng 9 năm 490 trước công nguyên (TCN), một người lính Hy Lạp mang đầy đủ binh giáp chạy một mạch từ Marathonas về thủ đô Athens. Marathonas là một căn cứ của quân Hy Lạp nằm trên bờ tây của vùng biển Aegean. Trong thời điểm này Hy Lạp bị một đội hải quân hùng mạnh của xứ Ba Tư tấn công. Đó là thời mà Ba Tư chiếm lĩnh toàn bộ vùng Trung Đông ngày nay và đem binh uy hiếp Hy Lạp, đòi Athens phải khuất phục. Thế nhưng tại Marathonas, quân Ba Tư bị đánh tan tác, phải tháo chạy. Người lính Hy Lạp nọ chạy liên tục một chặng đường dài 42km về thủ đô báo tin thắng trận. Báo xong tin chiến thắng, anh ngã ra chết vì kiệt sức. 

Thời đại huy hoàng của Marathonas cũng đánh dấu một thời kỳ lạ lùng của Hy Lạp và của loài người. Đó là giai đoạn mà dân tộc Hy Lạp sản sinh vô số thiên tài về triết học, vật lý, toán học, thiên văn học... mà nhận thức luận của họ chính là gốc rễ của nền văn minh phương Tây ngày nay. Đó cũng là thời đại của Phật Thích Ca, Không Tử, Lão Tử của châu Á mà triết lý nhận thức và hành động của các vị đó đã trở thành cơ sở của triết học phương Đông. Với chiến thắng Marathonas, Hy Lạp bắt đầu vươn lên trở thành trung tâm của học thuật và quân sự nằm trên bờ Địa Trung Hải. 

Khoảng 20 năm sau cái chết của người lính nọ, một hiền triết Hy Lạp có tên gọi là Socrates ra đời. Ông là con một người thợ tạc tượng, sống một cuộc đời đạm bạc nhưng ngày nay không có một nền triết học phương Tây nào mà không nhắc đến Socrates, xem như sơ tổ của mình. Câu nói nổi tiếng của ông là "một điều tôi biết là tôi không biết gì cả". Tuy Socrates "không biết gì cả" nhưng nhiều người vẫn đến nghe ông giảng. Trong số các môn đệ của Socrates có một vị tên là Plato (427-347 TCN). Plato đi vào lịch sử triết học như là người đầu tiên nêu lên một thế giới "ý niệm", xem nó là nền tảng của sự nhận thức. Plato bị hậu thế xem là "duy tâm" nhưng hơn hai ngàn năm sau, quan niệm của ông sẽ được đào bới lại và người ta thấy có nhiều tương đồng đáng kinh ngạc với triết học Duy Thức của Phật giáo và với cơ học lượng tử của vật lý hiện đại. 

Một vị học trò của Plato mang tên là Aristotle (388-322 TCN). Aristotle chủ trương khác hẳn với thầy mình, cho rằng thực tại nằm trong bán thân sự vật, chứ không hề nằm trong ý niệm. Ông xây dựng một nền vật lý hoàn chỉnh và nó chính là tiền thân của khoa học vật lý ngày nay. Aristotle là người “ham vui”, thích đi du khảo các nước, say mê tìm tòi và giải thích mọi hiện tượng vật lý. Cũng chính vì thế mà ngày nọ, ông đến eo Chalkis trên biển Aegean để giải thích cho được hiện tượng thủy triều kỳ lạ nơi đây với nhịp điệu lên xuống mỗi ngày 16 lần. Không lý giải nổi sự vận hành của "nước", một trong bốn yếu tố đất nước gió lửa theo quan niệm vật chất của mình, Aristotle tự trầm mình tại đó, một nơi không hề xa địa danh Marathonas lịch sử.
Ngoài Socrates, Plato, Aristotie, người ta có thể nêu lên vô số thiên tài gốc Hy Lạp khác như các nhà toán học Euclif, Pythagoras, những triết gia Heraclitus, Leucippus, Democritus, nhà thiên văn Ptolemy, nhà y sĩ Hippocrates... mà ngày nay công trình của họ vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét trong các ngành khoa học hiện đại.

Trong các học trò của Aristotle có một người đi vào binh nghiệp, trở thành nhân vật kiệt xuất và đầy huyền thoại nhất của Hy Lạp trước công nguyên, đó là đại đế Alexander, sinh năm 356 TCN. Đó là một con người được sinh ra để làm vua, chiếm đóng và ngự trị. Năm 334, với số tuổi 22, ông đích thân dẫn quân đi đánh Ba Tư, báo thù xứ này đã xâm lược Hy Lạp 156 năm trước đó. Giấc mộng ngày xưa của đế chế Ba Tư muốn làm bá chủ thế giới nay lại được Alexander thực hiện. Chỉ trong vòng vài năm, đế quốc của Alexander vươn dài từ sông Nil của Bắc Phi đến sông Danuble tại áo, từ biển Aegean đến Pakistan ngày nay, nuốt trọn kẻ thù xưa Ba Tư trong lãnh thổ mênh mông của mình. Chiến thắng cuối cùng của ông diễn ra khoảng năm 325 trên một sa trường tại Bắc Ấn Độ. Hai năm sau, với số tuổi 33, trên đường chinh chiến, Alexander bị bệnh chết một cách bí ẩn, để lại một đế chế bao la và vô cùng bất ổn. Bi kịch của Hy Lạp bắt đầu từ đó. 

"Bi kịch Hy Lạp" là từ thường được dùng để nói đến huyền thoại về nhà vua Oedipus. ông là người bị vua cha bỏ rơi, nhờ trẻ chăn cừu cứu sống và nuôi nấng. Về sau khi lớn lên, ông vô tình giết cha đoạt ngôi, lấy chính mẹ mình làm vợ. Khi biết rõ sự tình khủng khiếp đó, Oedipus tự móc mắt, để cho con gái dắt đi ăn xin khắp xứ với mục đích giải lời nguyền của thần thánh. 

Đó là huyền thoại. Bi kịch có thực và đau xót hơn nhiều của Hy Lạp là, sau Alexander đến nay gần 23 thế kỷ, dân tộc này không còn sản sinh những nhân vật kiệt xuất nữa và triền miên bị đô hộ. Sau đế chế của Alexander là một đế quốc khác gần đó ra đời, đó là La Mã của Ý. Đế quốc La Mã cũng lại sản sinh một đại đế Cesar, kẻ đã bành trướng vương quốc mình đến cả Pháp và Đức, đồng thời chiếm hết lãnh thổ của Hy Lạp, biển Hy Lạp thành một tỉnh của mình trong khoảng năm 65 TCN. 

Từ những ngày xa xưa đó Hy Lạp luôn luôn nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc La Mã, dù bản thân đế quốc này cũng kinh qua vô số thăng trầm. Suốt hơn 1.000 năm từ thế kỷ thứ 4 đến 15, Hy Lạp là nơi gánh chịu sự tranh chấp liên miên giữa các thế lực thần quyền của các tôn giáo và các đế chế hùng mạnh quanh vùng Địa Trung Hải. Năm 1456 Hy Lạp bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và trở thành thuộc địa của họ gần 400 năm. Nỗi hận đó vẫn còn vương vấn đến ngày hôm nay. 

Nếu đã thăm Thố Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, ta sẽ thấy hai nước lân bang này không giống nhau một chút nào. Nền văn hóa của Hy Lạp được xây dựng trên tinh thần dân chủ và nhân bản. Từ thời Socrates, Hy Lạp đã có lệ "hỏi ý kiến nhân dân". Do đó, không phải chỉ trên mặt khoa học và triết học, Hy Lạp cũng còn là quê hương của nền dân chủ phương Tây. Tính nhân bản của học thuật Hy Lạp thể hiện rõ nét nhất trong nghệ thuật điêu khắc và tạc tượng của họ. Ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia theo Hồi giáo, nền văn hóa của họ thấm đượm sâu sắc quan niệm về xã hội và tôn giáo của kinh Coran. Có lẽ vì vậy mà trong suốt thời gian khi Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ Hy Lạp, chưa bao giờ Hy Lạp đánh mất bản sắc của mình, mặc dù chế độ thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vô cùng hà khắc. Mãi đến năm 1822 người Hy Lạp mới bắt đầu đấu tranh giành lại độc lập từ tay Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của các nước Anh, Pháp, Nga. Từ đó đến năm 1974 Hy Lạp vẫn còn trầm luân trong các chế độ phong kiến và quân phiệt. Từ 1974 đến nay, Hy Lạp sống trong một nền dân chủ còn non trẻ và là một nước nhỏ yếu trong cộng đồng chung châu Âu. 

Thế là, từ thời cổ đại đến nay dân tộc Hy Lạp chỉ có một thời kỳ huy hoàng, bắt đầu với nhà thơ Homer (thế kỷ thứ 8 TCN) và chấm dứt cùng với sự suy tàn của đế chế Alexander. Đó là nền văn minh thứ hai của phương Tây còn ghi nhận được ngày nay, đến sau nền văn minh Ai Cập. Thế nhưng nền văn minh Ai Cập không để lại một gia tài học thuật nào cho loài người, có lẽ vì chữ viết thời đó quá thô sơ. Ngược lại, văn minh Hy Lạp là khởi điểm, là nền tảng của học thuật phương Tây bởi lẽ ngôn ngữ của nhà thơ Homer cũng chính là phương tiện để các thiên tài triết học và khoa học Hy Lạp phát biểu nhận thức của mình, ngôn ngữ đó còn tồn tại đến ngày nay. 

Sau đại đế Alexander, nền văn minh Hy Lạp lần lượt bị thay thế bởi nền học thuật của La Mã, của Hồi giáo. Sau một thời gian chìm trong bóng tối của thần quyền và giáo điều, văn minh châu Âu phục hưng trong thế kỷ thứ 15, trong đó người ta khai quật tại gia tài của người Hy Lạp. Nền vật lý của Aristotle được thừa nhận và sớm được phát triển lên thành một nền khoa học thực nghiệm mà Galileo là người khai phá. Đúng trong thời điểm đó thì dân tộc Hy Lạp đã bị mất nước và bị đô hộ. 

Đế quốc mênh mông của đại đế Alexander bị đẩy lùi từ mọi hướng. Từ ấn Độ, biên giới của Hy Lạp bị đẩy lui hàng ngàn dặm để ngày nay Hy Lạp nằm khiêm tốn ở phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng may thay, hầu như toàn bộ hải đảo nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ được thừa nhận là của Hy Lạp. Đó là một vùng biển mang tên là Aegean với khoảng trên 2.000 hòn đảo. Diện tích đất của Hy Lạp chỉ bằng khoảng 1/3 lãnh hải mà nếu tính cả đất lẫn nước thì quốc gia này có khoảng 400.000 km2 lãnh thổ. Đây là một xứ sở tuyệt đẹp, quanh năm ấm ánh mặt trời. Trên đất nước kỳ lạ đó ngày nay chỉ sống 10 triệu dân Hy Lạp mà phần lớn tập trung quanh thủ đô Athens. Truyền thống nhân bản của họ sinh ra những con người xinh đẹp, đầy tư cách và hết sức tự hào về tổ tiên của mình. 

Từ một hải đảo của biển Aegean, trong sắc nước biển xanh thẫm màu nhung, khách nhìn về hướng tây để nhớ đến Marathonas và người lính nọ của 2.500 năm trước, để ngẫm lại Socrates, Plato và Aristotle, nhớ đến quê hương của triết học và khoa học phương Tây. Ngày nay Hy Lạp là nơi cho những khách muốn tìm đến thiên nhiên và lòng hoài niệm. Một ngày chuyển trời nọ, mưa rơi trên biển Aegean. Khách bỗng giật mình nhớ lại một chiều mưa trên vịnh Hạ Long. Phải thôi, Hạ Long là một hình ảnh thu nhỏ của biển Aegean. Trong màng mưa, các hải đảo Aegean mờ mờ hiện lên dường như phi thực, cũng như trong một ngày của nhiều năm về trước, từ ngoài khơi Hạ Long, khách trở lại đất liền trong một chiều mưa dầm. Ôi nao lòng thay, cảnh mưa trên biển. Mưa trên biển thì ngàn năm trước chắc cũng giống như ngàn năm sau, trên biển Aegean cũng như trên vịnh Hạ Long. 

Thế nhưng vịnh Hạ Long cũng còn có một Marathonas! Bởi lẽ sau Marathonas khoảng 18 thể kỷ, năm 1288 quân nhà Trần của Việt Nam cũng đẩy lùi một trận tấn công của đế quốc Mông Cổ trong thời Hốt Tất Liệt. Đó là thời cực thịnh của người Mông Cổ có lẽ cũng như thời vàng son của các đại đế Alexander và Cesar. Trước đó, vó ngựa Mông Cổ đã nuốt chửng xứ Ba Tư, đã vang đến biên giới Đức-Ba Lan và tràn đến Bắc Kinh, thành lập nhà Nguyên năm 1271. Cũng như Marathonas, trận chiến nổi tiếng nọ nằm tại cửa Bạch Đằng, ngay cạnh bờ biển vì quân xâm lược ngày xưa thường đi đường biển. Báo tin thắng trận, có người phu trạm nào đã chạy từ Bạch Đằng về Vạn Kiếp, Thăng Long và đã ngã quị chăng? Phải chăng lịch sử Việt Nam có một kẻ vô danh hơn cả người lính nọ của Marathonas? 

Nếu có thì chắc người phu trạm đó đã bị quên lãng trong lịch sử đầy chiến chinh của Việt Nam. Nhưng tại Hy Lạp, người ta không quên. Họ truy tầm lại và biết người lính nọ tên là Pheidippides. Hy Lạp kỷ niệm sự tích vinh quang và gian khổ này bằng cách tổ chức cuộc chạy đường trường 42km, từ Marathonas về Athens trong thế vận hội năm 1896. Kể từ hơn một trăm năm nay, mỗi kỳ thế vận trên thế giới đều có thi đấu chạy 42km mà người ta gọi là môn chạy Marathon. 

Thế vận hội chính là phát minh của người Hy Lạp trong thời cổ đại. Năm nay, từ ngày 13 đến 29.8 thế vận hội lại trở về tại Athens. Khách bồi hồi đi lại trên con đường dài 42km đó và nhận ra rằng nó không hề bằng phẳng như vùng đất Bạch Đằng-Thăng Long. Nước Hy Lạp là một xứ sở của núi non và con đường lịch sử này chạy qua nhiều núi đèo hùng vĩ, tương tự như Trường Sơn của miền Trung Việt Nam. Người lính nọ ngã quị là phải. Thật là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa khi các vận động viên năm châu sẽ chạy lại trên con đường bi tráng đó. Thể nhưng, trong thời đại thực dụng này, liệu còn có ai nhớ lại sự tích của các cuộc chiến chinh, sự thành bại của các đế chế, số phận của những người lính không tên, sự thăng trầm của các dân tộc và sự đổi dời của lịch sử?

Source http://vuisongmoingay.blogspot.com/2013/12/mua-tren-bien-aegean.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.