Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Tinh thần Nhật Bản




Trên một đất nước có diện tích nhỏ bé gần 380.000 km2 so với dân số 128 triệu mà địa hình đa số là đồi núi, ý thức giữ gìn trật tự và kỹ luật được coi chìa khóa giải quyết sự thăng bằng, ổn định trong xã hội Nhật Bản.
 
Gai mẹ con tại Hiroshima, Japan, 1946. Nguồn: LIFE
Hai mẹ con tại Hiroshima, Japan, 1946. Nguồn: LIFE

Nhắc đến Nhật Bản, có lẽ chúng ta đều biết rằng đây là quốc gia duy nhất trên thế giới phải chịu đựng sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Hiroshima (Quảng Đảo) và Nagasaki (Trường Kỳ) [như tác giả Tiến Dũng đã từng diễn tả trong loạt bài Khoa Học & Triết Lý] là quả bom thứ nhất mang tên “Thằng Nhóc” Little Boy giáng xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 và 3 ngày sau quả bom “Phì Lủ” Fat Man tiếp tục nổ tung tại Nagasaki, buộc Thiên Hoàng Chiêu Hòa phải đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh quốc gia vào ngày 15/8 cùng năm. Sự kiện này cũng kết thúc cuộc đệ nhị thế chiến và Nhật Bản chấp nhận hậu quả do chính sách xâm chiếm các lân quốc và nhất là đánh úp Hoa Kỳ trong trận Trân Châu Cảng [Pearl Habor]; Sau khi bại trận, Nhật Bản bị lực lượng đồng minh chiếm đóng, đánh dấu lần đầu tiên đất nước Phù Tang bị ngoại bang thống trị. Và cũng từ đó, Nhật Bản chuyển hướng sang thể chế Quân Chủ Lập Hiến với địa vị của Thiên Hoàng chỉ còn là biểu tượng về mặt tinh thần cũng như mang tính cách đại diện trong nghi lễ truyền thống. Nhưng đó lại chính là động lực tinh thần mãnh liệt nhất đưa họ từ một đất nước lụn bại vì chiến tranh tàn phá vươn đến vị trí một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Từ những giọt lệ đau thương, thấm thía thân phận của kẻ bại trận qua từng lời tuyên bố đầu hàng nhìn nhận trách nhiệm của Thiên Hoàng Chiêu Hòa, người Nhật đã tự nhủ rằng họ sẽ không bao giờ đi theo vết xe đổ của tiền nhân gây hấn mà phải chung sức, đoàn kết để tái kiến thiết đất nước. Cùng lúc cũng có rất nhiều bậc trí thức, sĩ quan, võ sư đã mổ bụng tự sát để được chết theo cục diện thảm bại khiến Thiên Hoàng phải đích thân đầu hàng, như là một hình thức lãnh nhận trách nhiệm của tầng lớp trí giả trước quốc dân, đã cho thấy tinh thần ái quốc cao độ của người Nhật.

Trong âm thầm lặng lẽ, không hô hào, không khẩu hiệu, không cưỡng bách lao động và nhất là không thần tượng hóa bất cứ cá nhân nào kể cả Thiên Hoàng, người Nhật đã tạo nên cuộc một cách mạng xã hội lẫn kinh tế được gọi là “điều thần kỳ Nhật Bản”. Đối với người Nhật, từ khi nền dân chủ được thiết lập, Thiên Hoàng vẫn được coi là mẫu số chung cho niềm tự hào dân tộc và cho dù không còn nắm quyền lực nhưng đa số dân chúng vẫn kính trọng nhà vua theo ý nghĩa là một sự tập hợp sức mạnh tinh thần.

Cho đến nay, những thước phim tài liệu trắng đen ghi lại hình ảnh thời kỳ cùng cực khốn khổ của người dân Nhật ngay sau khi chiến tranh kết thúc vẫn còn được trình chiếu gần như là hàng đêm trên đài truyền hình NHK để nhắc nhở dân chúng về sự hy sinh gian khổ của thế hệ đi trước trong công cuộc phục hưng xây dựng cho quốc gia Nhật Bản hùng cường. Qua đó, nhiều cụ già oằn lưng cày cấy, trồng trọt trên những thửa ruộng khô cằn, cùng những bà mẹ cõng con đến trường trong khi người cha làm đủ mọi việc để kiếm sống. Bên cạnh đó, cũng có những đứa trẻ quần áo lam lũ trong mùa đông giá rét vẫn tươi cười hồn nhiên gặm khoai lót dạ qua ngày.

Hơn một thập niên sau chiến tranh, thế hệ sinh ra vào thời kỳ này chính là những nhân chứng trải qua giai đoạn thử lửa và họ cũng chính là những nhân tố đưa nước Nhật từng bước đứng dậy vào đầu thập niên 1970 khi nền kinh tế bắt đầu cất cánh.

Nhìn lại cảnh những học sinh tiểu học đến giờ nghỉ trưa, không có cơm ăn phải đọc sách hoặc truyện tranh để lướt qua cơn đói hoặc những người công nhân chỉ có mỗi mảnh cơm vắt trong ngày sau nhiều giờ làm việc trong thời kỳ đầu thập niên 1950 có lẽ không ai tưởng tượng nỗi chỉ 20 năm sau Nhật Bản lại trở thành một quốc gia giàu mạnh. Chính xác hơn, có thể nói đó là giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1964, tức 19 năm trổi dậy của con cháu Thái Dương Thần Nữ.

Đối chiếu với trường hợp đất nước VN, tiếng súng đã ngưng hẳn từ năm 1975, trải qua gần 40 năm cho đến nay đại đa số người dân vẫn chìm đắm trong cảnh nghèo nàn, đói khổ dù VN đứng đầu trong danh sách nhận viện trợ xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển quốc gia từ Nhật Bản.

Liên quan đến bước tiến kinh tế thần kỳ của Nhật Bản là nét về văn hoá và con người Nhật Bản.

Trên một đất nước có diện tích nhỏ bé gần 380.000 km2 so với dân số 128 triệu mà địa hình đa số là đồi núi, ý thức giữ gìn trật tự và kỹ luật được coi chìa khóa giải quyết sự thăng bằng, ổn định trong xã hội Nhật Bản. Ý thức này đặt trên nền tảng của hai nét đặc trưng dễ dàng nhìn thấy nơi cá tính người Nhật là tinh thần tự trọng và tự giác. Điều đầu tiên mà trẻ con được dạy dỗ trong gia đình, chưa nói đến môi trường giáo dục trong nhà trường là “không bao giờ được làm phiền người khác”, kế đến là lòng tự giác tuân thủ theo những quy định chung tại nơi công cộng, hãng xưởng. Từ đó, đưa đến thói quen xếp hàng và giữ gìn giờ giấc đã hẹn trước.

Poster ứng xử trên Metro Đông Kinh. TokyoReporter
Poster ứng xử trên Metro Đông Kinh. TokyoReporter

Cho dù là một tiệm ăn nhỏ hay siêu thị hoặc trước nhà ga đông đúc, người Nhật vẫn có thói quen xếp hàng trong trật tự và im lặng. Lúc đó, họ đọc báo, xem truyện tranh và khi điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với mọi người thì họ dùng phương tiện này giải trí hoặc gửi, đọc tin nhắn cho nhau. Có khi phải chờ đến cả giờ nhưng không ai than phiền vì họ tự giác và cho rằng đó là do mình quyết định xếp hàng chứ không hề bị ép buộc.

Nhắc đến điện thoại di động mà tiếng Nhật gọi là Keitai Denwa, tức điện thoại mang theo thì có rất nhiều công dụng đối với người Nhật mà phổ biến nhất là dùng để trả tiền khi mua sắm thay vì dùng thẻ hay tiền mặt. Đương nhiên là tại các cửa tiệm cũng có thiết đặt hệ thống đọc được các dữ kiện từ điện thoại để nối liền với ngân hàng xác nhận số tiền lưu trữ mà người mua phải trả. Trong khi đó, các em nhỏ cũng sử dụng điện thoại di động có gắn hệ thống định vị để gia đình biết được các em đang ở đâu sau khi rời khỏi nhà.

Nhưng cũng vì sự phát triển kỹ nghệ điện với tốc độ khác biệt từng ngày nên có nhiều sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật chỉ dùng trong quốc nội rồi bị đào thải khi chưa kịp xuất cảng ra thế giới bên ngoài, cũng như có một số sản phẩm của họ không thông dụng trên toàn cầu. Điển hình là loại điện thoại di động của Nhật hiện đã tiến gần đến ý niệm vạn năng vì vừa là một máy truyền hình nhỏ, một ví tiền điện tử, một danh bạ, thẻ học sinh sinh viên, máy chụp ảnh, máy chơi game, máy định vị và còn là máy gửi fax, gửi tài liệu để in cùng hàng loạt công dụng khác được khoá mật mã tự động bằng dấu vân tay của người dùng nên dù bị đánh mất cũng không ảnh hưởng gì.

Tại Nhật, người sử dụng không mua điện thoại di động theo hãng mà họ xài theo hợp đồng với hãng viễn thông, tức hãng cung cấp đường dây sử dụng điện thoại nhà. Do các hãng viễn thông ở Nhật phát triển theo hướng độc lập không tương ứng với thế giới bên ngoài, nên người Nhật không dùng được điện thoại của họ khi ra ngoại quốc dù so về cơ năng các loại điện thoại như Nokia của Phần Lan [Finland], hay Samsung tức Tam Tinh và LG của Đại Hàn vẫn còn kém xa Nhật Bản. Điều này giải thích được vì sao các hiệu xe hơi và những sản phẩm điện tử khác của Nhật làn tràn khắp thế giới trong khi lại vắng bóng những chiếc điện thoại mang theo nhỏ gọn, xinh xắn.

Người Nhật còn nổi tiếng về hình thức lễ nghi trong việc đáp lễ bằng quà tặng. Khi nhận được quà của ai đó thì bắt buộc họ cũng sẽ tìm cách để đáp lễ lại. Tuy những món quà này chỉ là đồ vật tầm thường nhưng luôn được gói lại một cách cẩn thận trang nhã khiến cho người nhận cũng thấy cảm kích vì sự chu đáo của người tặng.

Hình thức lễ nghi còn thể hiện qua các cách cúi đầu chào trong việc giao tiếp hàng ngày mà người Nhật gọi là Reigi Tadashii, tức đúng phép tắc lễ nghĩa.

Nếu có dịp đi ngang qua các cửa tiệm bán hàng hóa điện tử ở khu Nipponbashi trong thành phố Osaka vào khoảng trước 10 giờ sáng, có lẽ du khách sẽ phải ngạc nhiên khi nhìn qua cửa kiếng là các nhân viên bán hàng đứng tập họp lại đồng loạt cúi đầu xuống và hô lớn tiếng nhiều lần câu nói: “Irasshaimase”, tức xin mời quý khách. Trong khi đó, một người là cấp trên của họ đứng bên cạnh lắng nghe cho đến khi cảm thấy hài lòng vì thấy nhân viên đã thể hiện đúng tinh thần lễ phép phục vụ khách hàng thì mới ra hiệu cho nhân viên dừng lại rồi mới bắt đầu mở cửa tiệm buôn bán.

Nổi tiếng là một đất nước rất coi trọng nghi thức và lễ nghĩa, đối với người Nhật việc đánh giá một người đối diện không chỉ dựa vào cách nói chuyện mà đầu tiên là sự phán đoán qua cử chỉ, thái độ của đối phương. Chính vì vậy, những nhân viên mới vào làm việc tại các công ty được huấn luyện rất kỹ về điều này và có nhiều trường hợp người cấp trên đã dùng thước để đo độ gập thân cúi chào của nhân viên, vì họ cho rằng cúi gập người chào khách là điều vô cùng quan trọng thể hiện sự tôn kính đối với khách hàng và sự kính trọng đối với cấp trên. Nhờ vào ý thức tôn ti trật tự này đã giúp cho nước Nhật có được sự vận hành tốt đẹp trong xã hội.

Trong khi đó, có nhiều dư luận ngoại quốc cho rằng người Nhật quá bảo thủ, cứng nhắc theo nguyên tắc truyền thống không được cởi mở như người Âu Mỹ chỉ chào hỏi bằng cách bắt tay nhẹ nhàng. Điều này không sai, nhưng theo quan niệm của người Nhật họ kiêng tránh việc đụng chạm vào người đối diện vì sợ xúc phạm hay lỡ có chuyện gì xảy ra họ sẽ phải nhận trách nhiệm nên hình thức cúi chào khom người xuống xét ra cũng không có gì là quá cứng nhắc và ngược lại còn thể hiện sự tôn kính cần thiết.

Khi chào, đầu tiên là đứng thẳng lưng, đồng thời ngẩng cao đầu, nửa thân trên chuyển động cúi hướng về phía trước. Đầu hướng về phía trước, phần thân dưới còn lại vẫn giữ trên một đường thẳng không để cong ra phía sau. Thông thường, phái nam để thẳng tay cặp sát hai chân rồi cúi người xuống, cón phái nữ thì dịu dàng hơn với bàn tay phải đặt lên bàn tay trái thành hình chữ V để trước bụng và cúi chào.

Trong tiếng Nhật, hình thức chào gọi là Ojigi, có âm Hán Việt là Tự Nghĩa với 3 cách:
Thứ nhất là cách chào Eshaku (Hội Thích): Đây là kiểu Ojigi ở mức độ nhẹ nhàng nhất, dùng khi chào hỏi bạn bè hoặc những người cùng cấp bậc với mình. Với kiểu Eshaku, người Nhật sẽ cúi đầu khoảng 15º tính từ đường thẳng khi đứng và độ nghiêng của lưng khom xuống khi chào nhau.

Cách thứ hai là Keirei, tức Kính Lễ: là kiểu dùng để chào người cấp trên, khách hàng hoặc những người lớn tuổi hơn mình. Lúc đó, người Nhật cúi đầu xuống khoảng 30 ~ 35º khi thực hiện kiểu chào này.

Thứ ba là cách chào Saikeirei, tức Tối Kính Lễ: đây là kiểu chào lịch sự nhất trong hình thức Ojigi để trình bày lời cảm tạ, lời xin lỗi hoặc thể hiện thành ý của mình với đối phương. Qua kiểu chào này, người Nhật cúi đầu khoảng từ 45~60º.

Tựu chung, đối với cấp trên hay những bậc cao niên, người Nhật càng cúi thấp và giữ tư thế này lâu hơn bình thường, có khi còn lặp lại nhiều lần trước khi chia tay vì cho rằng đó là hình thức càng thể hiện sự kính.

Nói cách khác, chỉ cần nhìn qua cách chào, chúng ta có thể nhận ra được đó là người Nhật Bản hoặc là người ngoại quốc đã quen thuộc với phong tục của Nhật Bản.

Source Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.