Trước năm 1954, khu Ông Tạ bây giờ là một vùng hoang vu, thưa thớt người ở. Trước đó thời kỳ còn người Pháp đô hộ, ở ngã ba có dựng lên một cái tháp cao để người dân từ các khu vực Củ Chi, Hóc Môn vào Sài Gòn buộc phải qua đây để lính kiểm soát, gọi là ngã ba Tháp.
Lúc đấy có một ông thầy thuốc tên là Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) sau khi tu luyện và học nghề bốc thuốc chữa bệnh ở núi Bà Đen, ông về Sài Gòn và xây cất một ngôi nhà nhỏ để chữa bệnh cứu người vì nhận thấy khu vực này thuận lợi giao thông, dân các vùng dễ tìm đến. Hơn nữa khu vực này có chùa, đất đai còn rộng, lại gần trung tâm thành phố. Ông là một lương y giỏi về y thuật, lại nổi tiếng thương người. Ông chuyên trị bệnh cho phụ nữ và trẻ con, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến phòng mạch của ông rất đông, có người ở xa như Long An, Định Tường, Tây Ninh cũng tìm đến ông khi có bệnh. Người ta kể rằng, trước nhà ông luôn có một thùng nhỏ đựng tiền lẻ để giúp cho những người nghèo lỡ đường. Có nhiều người bệnh nghèo quá, ông chữa bệnh, hốt thuốc không lấy tiền mà còn cho thêm tiền về quê và tiền xe, tiền đi đường. Mọi người rất kính trọng ông nhưng ít ai biết ông thầy tu bốc thuốc Nam tên thật là gì, thấy ông trụ trì trong am lại nghe mọi người gọi là Thầy Thủ Tạ nên gọi riết thành Ông Tạ.
Có người lại cho rằng không ai biết ông thầy tu tên gì, thấy ông ở trong một cái am nên gọi ông là thầy Thủ Tọa, đọc theo giọng bình dân Nam Bộ là “Thủ Tạ”, rồi lâu dần bà con chỉ gọi “Ông Tạ”. Có lẽ chi tiết này không đúng vì vốn ông Thầy đã xưng mình là Thủ Tạ, tức là cánh tay cứu người.
Sau năm 1954, làn sóng người Bắc di cư vào Nam cả triệu người. Chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã phân phối bà con về những vùng đất hoang sơ, ít nhà cừa để sinh sống trong đó có khu vực này. Kể từ đó, vùng này trở nên phát triển tấp nập. Khi những di dân người Bắc mà hầu hết là đồng bào Công giáo đến, vùng này chỉ lèo tèo mấy căn nhà nhỏ, trong đỏ có cái am chữa bệnh của ông Trần Văn Bỉ. Lúc đấy vùng này chưa có tên ngoài cái tên ngã ba Tháp có từ thời Pháp. Khi khu vực này trở nên sầm uất, người ta lẩy tên ông đặt cho ngã ba nên có tên là ngã ba Ông Tạ. Sau đó khi chợ mở ra, người ta cũng gọi là Chợ Ông Tạ.
Điều này cũng là chuyện đặc biệt bởi người được gọi tên cho cả vùng đất, ngã ba và ngôi chợ chắng phải là một danh nhân, cũng không là anh hùng, không là danh tướng mà chỉ là một thầy tu, một thầy thuốc Nam. Và lại được đặt tên khi ông còn sống. Ông mất năm 1983, đám ma ông người đi tiễn rất đông dù thời điểm dó cuộc sống của cả nước rất khó khăn và đói nghèo..Quan tài được kéo bằng cỗ xe ngựa 6 con, chạy từ ngã ba Õng Tạ lên ngã tư Bảy Hiền xuống vòng xoay Lăng Cha Cả và về chôn trong vườn nhà. Sau khi ông mất, hiệu thuốc được truyền lại cho con cháu tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
DODUYNGOC
Source: http://hsdoduyngoc.blogspot.com/2019/07/nga-ba-ong-ta.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.