Kỳ 2: Toan tính của các siêu cường
Nhật Huy
Như một sự tình cờ, Ai Cập và Israel đều cử những phái đoàn cấp cao đến các đồng minh siêu cường của mình vào ngày 25/5/1967 trong bối cảnh Trung Đông đang trên bờ vực chiến tranh.
Cảnh báo từ Johnson
Đối với Israel, mục tiêu mà nước này muốn đạt được khi gửi ngoại trưởng Abba Eban đến Washington DC là việc thành lập một hạm đội quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải tự eo biển Tiran, hay ít nhất đó là lập trường công khai của Israel.
Khi được phóng viên hỏi về việc Israel mong đợi hành động gì từ phía Mỹ, ngoại trưởng Eban đã trả lời: “Thì tôi đến đây là để tìm hiểu xem nước Mỹ định làm gì.”
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Eban cố gắng thuyết phục Johnson rằng nhà nước Do Thái đang đứng trước ngưỡng cửa sinh tử. Nhưng Johnson trả lời:Mục đích thật sự của Eban là tìm kiếm sự hậu thuẫn của Mỹ cho một cuộc tấn công phủ đầu và yêu cầu viện trợ quân sự. Và câu trả lời của tổng thống Johnson là rất rõ ràng: nước Mỹ không muốn thấy Israel tấn công trước.
“Các ông đang trong một thời điểm rất khó khăn, nhưng không đến mức thảm họa diệt vong.”
Johnson cũng nói rằng ông không tin Ai Cập đang chuẩn bị tấn công, và nếu có thì Israel cũng đủ sức đánh bại. Để chứng minh cho nhận định của mình, ông yêu cầu Bộ quốc phòng thực hiện một phân tích dự đoán kết quả nếu chiến tranh nổ ra.
Theo phân tích này thì nếu Israel ra tay trước, họ có thể giành chiến thắng sau khoảng 7 ngày. Còn trong trường hợp Ai Cập tấn công trước thì Israel vẫn giành thắng lợi sau khoảng từ 10 đến 14 ngày.
Để kết luận, tổng thống Johnson đưa ra một lời cảnh báo rất rõ ràng: “Israel sẽ không đơn độc, trừ khi nước này muốn như vậy.” Nói cách khác, Mỹ sẽ không hỗ trợ nếu Israel phát động chiến tranh trước. Mỹ cũng từ chối yêu cầu viện trợ quân sự từ Israel.
Sự thất vọng của Ai Cập
Trong khi đó tại Moscow, phái đoàn cấp cao của Ai Cập cũng vừa đến Kremlin. Và thông điệp của Liên Xô cho đồng minh của mình cũng tương tự như của Johnson: Ai Cập không được trở thành kẻ gây hấn.
Hai ưu tiên chính của phái đoàn Ai Cập, dẫn đầu bởi bộ trưởng Bộ quốc phòng Shams Badran, là xin thêm viện trợ vũ khí từ Liên Xô, bao gồm thúc đẩy việc thực hiện sớm các thỏa thuận đã được ký trước đó và tìm kiếm thêm những thỏa thuận mới, và cho thế giới thấy Ai Cập đang được Liên Xô hỗ trợ mạnh mẽ như thế nào.
Trong thời gian tại Moscow, phái đoàn đã hội kiến với các quan chức cao cấp nhất của Liên Xô, gồm chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Alexei Kosygin, nguyên soái Andrei Grechko, bộ trưởng Bộ quốc phòng, và ngoại trưởng Andrei Gromyko.
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của Ai Cập, phía Liên Xô không thực sự sốt sắng trong việc hỗ trợ nước này. Ông Kosygin cảnh báo Ai Cập không được đóng vai trò nước gây hấn và tạo cớ cho Mỹ trực tiếp can thiệp. “Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng đóng cửa eo biển (Tiran) không phải là nhằm vào nước Mỹ,” ông Badran trả lời.
Nhưng điều khiến phía Ai Cập thất vọng nhất là vấn đề viện trợ vũ khí. Ông Badran cho biết: “Chúng tôi hỏi họ (Liên Xô) có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện (các hợp đồng vũ khí) hay không, đặc biệt là một số phụ tùng cho chiến đấu cơ. Chúng tôi thậm chí có thể chỉ cần bỏ chúng vào túi xách và tự mang về.”
Câu trả lời từ phía Liên Xô là Ai Cập hiện không hề thiếu vũ khí. Nguyên soái Grechko còn nhấn mạnh rằng các chủng loại vũ khí mà Ai Cập được trang bị đang hoạt động rất tốt trên chiến trường Việt Nam.
Mặc dù sau đó Liên Xô có đồng với với 1 số yêu cầu của Ai Cập, nhưng nhìn chung mục tiêu yêu cầu thêm vũ khí từ Liên Xô đã thất bại. Nguyên soái Grechko cảm nhận rõ sự thất vọng của phái đoàn Ai Cập và động viên ông Badran rằng Liên Xô không ở quá xa và hoàn toàn có thể hỗ trợ trực tiếp cho Ai Cập nếu cần thiết.
Tại Cairo, tổng thống Nasser đã nhận ra thông điệp từ đồng minh siêu cường của mình: Liên Xô không muốn Ai Cập tấn công trước. Ông ra lệnh cho quân đội chuyển sang tư thế phòng thủ, sẵn sàng đáp trả đòn phủ đầu của Israel nếu có.
Toan tính của Mỹ và Liên Xô
Như vậy lập trường chính thức của cả 2 siêu cường đối với tình hình khu vực là tương đồng. Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn thấy các đồng minh của mình khai chiến trước. Đối với Mỹ, lập trường này là rất dễ hiểu. Họ không muốn có thêm một mối bận tâm khác ngoài Việt Nam.
Nhưng với Liên Xô thì bức tranh có phần phức tạp hơn. Một mặt, tin tình báo sai từ Moscow đã thúc đẩy một chuỗi các sự kiện đẩy khu vực đến bờ vực chiến tranh. Mặt khác, Liên Xô lại dường như không muốn Ai Cập khai chiến.
Trong thời gian đầu nắm quyền, ông có lập trường trung lập, duy trì quan hệ với cả Mỹ và Liên Xô. Thậm chí trong cuộc xung đột giành quyền kiểm soát kênh đào Suez thì chính Mỹ đã gây sức ép buộc Anh, Pháp, và Israel rút quân.Chính sách của Liên Xô tại khu vực có thể được mô tả là vừa tham vọng lại vừa thận trọng. Cần nhớ rằng Nasser chỉ mới xích lại gần Liên Xô trong vài năm gần đây.
Quan hệ Mỹ - Ai Cập chỉ thực sự xấu đi sau khi Ai Cập can dự vào cuộc nội chiến Yemen năm 1962 chống lại chế độ do Arab Saudi, đồng minh của Mỹ, hậu thuẫn. Và đến năm 1965 thì tổng thống Johnson cắt mọi viện trợ kinh tế của Mỹ dành cho Ai Cập.
Do đó, đối với Liên Xô, xung đột giữa Israel và các nước Arab là cơ hội để tự chứng tỏ mình đối trọng với chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bành trướng Do Thái, và qua đó mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng mặt khác, Liên Xô cũng không muốn bị đẩy vào tình thế đối đầu trực diện với Mỹ.
Toan tính của Liên Xô là chỉ cần Ai Cập không tấn công trước thì Mỹ sẽ không có cớ để can thiệp. Những gì xảy ra sau đó cho thấy nhận định trên là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khác mà Liên Xô không thể kiểm soát, mà trong đó quan trọng nhất là quyết tâm của Israel và các vấn đề nội tại của khối Arab.
Trong khi đó, ngày 30 tháng 5 năm 1967, tổng thống Ai Cập Nasser và vua Hussein của Jordan ký hiệp ước phòng thủ chung, đặt quân đội Jordan dưới quyền chỉ huy của Ai Cập. Trung Đông bước một bước gần hơn đến bờ vực chiến tranh.
Source: https://soha.vn/ky-2-toan-tinh-cua-cac-sieu-cuong-20190716154858015.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.