Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Chiến tranh 6 ngày giữa Israel và khối Arab - Kỳ 3

Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng

Nhật Huy 
Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng
Lực lượng thiết giáp của Israel trong những ngày đầu của cuộc chiến 6 ngày tháng 5/1967. Ảnh: Getty

Israel bị bao vây từ 3 hướng: Syria từ phía bắc, Jordan thì phía đông, và Ai Cập từ phía nam. Phía tây lại là biển Địa Trung Hải. Người do Thái đã bị "dồn vào chân tường".


Sáng ngày 30 tháng 5 năm 1967, chiếc chuyên cơ chở vua Hussein của Jordan hạ cánh xuống sân bay quân sự Almaza, Cairo. Đứng chờ sẵn ở chân cầu thang là Tổng thống Nasser. Trước báo giới, hai nhà lãnh đạo tươi cười và trao nhau những cái ôm nồng ấm. Khối Ả Rập dường như đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Nhưng sự thật thì không đơn giản như vậy.
Chỉ mới mấy ngày trước, Nasser còn gọi Hussein là “tay sai của chủ nghĩa đế quốc.” Việc Jordan đồng ý tham gia hiệp ước phòng thủ chung với Ai Cập là một diễn biến bất ngờ, đặc biệt là khi xét đến sự chia rẽ giữa các nước Ả Rập cho đến trước thời điểm đó.
Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng - Ảnh 2.
Vua Hussein (trái) trong bộ quân phục và tổng thống Nasser (giữa) tại Cairo ngày 30/5/1967
Giấc mơ về một thế giới Ả Rập thống nhất
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các quốc gia Ả Rập lần lượt giành được độc lập từ các nước thực dân Châu Âu, và giấc mơ về một khối Ả Rập thống nhất lại bùng cháy. Nhưng ai sẽ là người lãnh trách nhiệm hiện thực hóa giấc mơ này?
Nasser nhanh chóng được xem là người hùng trong thế giới Ả Rập sau cuộc chiến giành kênh đào Suez. Uy tín của ông khiến Syria và Yemen chủ động đề xuất thành lập một liên minh với Ai Cập.
Nhưng bên cạnh đó, các thể chế quân chủ lúc này vẫn giữ một vị thế rất quan trọng trên vũ đài chính trị khu vực Trung Đông và là đối trọng của Nasser. Tiêu biểu là vua Hussein của Jordan.
Kể từ khi nắm quyền vào năm 1953 lúc mới 18 tuổi, vị vua trẻ Hussein đã duy trì mối quan hệ khá chặt chẽ với Mỹ và Anh. Jordan nhận viện trợ kinh tế và quân sự từ Mỹ nhờ vua Hussein công khai phản đối ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực.
Cũng như Nasser, Hussein cũng có tham vọng thống nhất khối Ả Rập. Chỉ 2 tuần sau khi Ai Cập và Syria thành lập liên minh, tháng 2/1958, thì Jordan và Iraq cũng trở thành đồng minh. Iraq lúc này cũng đang theo thể chế quân chủ, và vua Iraq Faisal Đệ Nhị, cũng chính là em họ của Hussein.
Faisal và hoàng gia Iraq sau đó bị thảm sát trong một cuộc đảo chính do quân đội Iraq thực hiện, và có vẻ như Hussein cũng sớm đối mặt với số phận tương tự.
Ông nhiều lần là mục tiêu ám sát của tình báo Ai Cập – Syria. Chuyên cơ của ông từng suýt bị hai chiến đấu cơ Syria bắn hạ.
Lọ thuốc nhỏ mũi của nhà vua từng bị trộn acid. Trong một lần khác, âm mưu đầu độc Hussein của một đầu bếp hoàng gia bị phát hiện khi nhiều xác mèo xuất hiện một cách bí ẩn trong cung điện.
Năm 1960, tình báo Ai Cập – Syria thực hiện một vụ đánh bom kép nhằm vào văn phòng thủ tướng. Quả bom thứ nhất giết chết thủ tướng Hazza' Majali, quả bom thứ hai được cài nổ sau đó 20 phút với ý đồ hạ sát nhà vua khi ông đến hiện trường. Sau âm mưu ám sát này, nếu không có sự can thiệp của Anh và Mỹ thì quân đội Jordan đã tấn công Syria để trả đũa.
Chính sách ôn hòa của vua Hussein giúp ông có được sự ủng hộ ngầm của Israel. Nhưng vướng mắc lớn nhất giữa hai nước là sự tồn tại của cộng đồng lớn người tị nạn Palestine trên lãnh thổ Jordan.
Trong bối cảnh cả vị thế Nasser và tinh thần chống Israel đều đang lên cao trong thế giới Arập, vua Hussein nhận thấy chỉ còn lựa chọn duy nhất là liên minh với Nasser để duy trì quyền lực của mình. Ông tất nhiên không muốn chế độ quân chủ của mình có kết cục như tại Iraq.Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) thường vượt biên giới và thực hiện các cuộc tấn công vào Israel rồi quay trở lại nơi ẩn náu bên trong Jordan. Các cuộc tấn công trả đũa của Israel vào lãnh thổ Jordan khiến cho uy tín của vua Hussein bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Israel bị bao vây từ 3 hướng
Theo hiệp ước vừa ký thì quân đội Jordan sẽ được đặt dưới sự chỉ huy chung của Ai Cập. Ngoài ra, Jordan cũng cho phép lực lượng của Iraq và Ai Cập được triển khai trên lãnh thổ của mình.
Diễn biến này đồng nghĩa với việc Israel giờ đây đang bị bao vây từ 3 hướng: Syria từ phía bắc, Jordan thì phía đông, và Ai Cập từ phía nam. Phía tây lại là biển Địa Trung Hải.
Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng - Ảnh 5.
Tình thế bị bao vây của Israel
Nhiều người dân Israel lúc này không thể không liên tưởng đến tình thế của những người Do Thái trên đường bị đưa đến trại tập trung: họ không còn lối thoát. Còn đối với khối Arập, cuộc chiến sắp tới dường như cuối cùng cũng đã đem lại sự đoàn kết và thống nhất mà họ tìm kiếm bấy lâu nay.

Source: https://soha.vn/ky-3-israel-bi-bao-vay-tu-3-huong-20190716160017921.htm




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.