Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Hải Phòng lượm lặt truyện

hai phòng xưa

1. Nguyên thủy Thủy nguyên

Nói về Lạc long quân dẫn 50 người con xuống biển thoạt tiên là xuống Hải Phòng (HP) đây. Tất nhiên hồi đó là vùng ngập mặn chứ chưa có tên là HP.

Tới thời vua Hùng rao kén vợ thì Thủy tinh là trưởng tộc vùng đất thấp nguyên thủy hay còn gọi là Thủy nguyên đó mới tới kinh đô ứng thí. Kết quả thua 1 cách oan ức nên chàng về Núi Đèo móc chim đái xuống nước 1 bãi bảo từ giờ bố ở đây, đéo lùi nữa và trai Thủy nguyên (nguyên bãi nước) thành danh từ đó.

Nói vậy chớ xưa ở vùng đó khổ, ít con gái nên mấy món sính lễ chế ra cũng có phần chém to kho mặn nên nếu ăn quen món HP thì thấy đậm đà, ngon nghẻ chớ ra ngoài mở nhà hàng thì không lại được dân Nam định, Hà nội tinh tế hơn.

Việc chế món tiến vua trái sở trường cũng làm dân HP không tự tin lắm vô bản than mình mà đi đâu cũng phải cố gồng lên cho bằng anh bằng em, gồng mách thì dễ mệt và sinh chuyện.

2. Hải Tần phòng thủ

Hai Bà Trưng khởi nghĩa, HP có nữ tướng Lê Chân đóng góp nhiều chiến công và HP thời gian này đất đã bồi cao lên và có tên là Hải Tần phòng thủ.

Khởi nghĩa tuy thất bại nhưng tinh thần thượng võ vẫn còn và dân HP khét tiếng giang hồ từ đó. Dám chém núi (Đồ sơn) chớ không thèm chém lung tung. Tất nhiên hiện đại không được cầm dao ra đường nữa thì các chàng xoay ra chém gió uy lực cũng kinh người, cứ nghe khẩu khí Dương tự trọng thì biết nhưng 1 điều rõ rang là dân HP vậy là trọng chữ tín, coi lời nói như dao chém đá, điều khá hiếm ở miền bắc.

Thượng võ thế nên trò chơi là phải chọi trâu cả tạ đàng hoàng chớ không chơi kiểu phồn thực linh tinh phộc như vùng Bắc ninh, hay vật nhau như con ếch của dân hà bốc hay ra vẻ kinh kỳ khụng khiệng chọi gà như Thăng long.

Cũng vì đất ở đó ít gái quá nên con cháu bà Lê Chân đã di chuyển qua xứ mường Thanh hóa để lấy vợ và Lê lợi chính là con cháu của bà Lê chân. Nay ông nào HP mà lấy vợ TH cũng là nối tiếp truyền thống nhỉ.

Cũng chính vì tinh vua đi qua Thanh hóa mất nên HP dù phong thủy tốt trải qua hàng ngàn năm chỉ có nhõn họ Mạc được lên làm vua trong thời gian ngắn mà cũng bị bia miệng dè bỉu chớ ít ngợi ca như các dòng vua khác.

HP có sông núi biển đồng bằng sơn thủy hữu tình ắt tạo nên người giỏi, những cánh đồng thuốc lào bát ngát tạo nên những suy nghĩ thăng hoa và là nguồn cơn nghiện ngập.

Nói tới HP phải nói tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi làm hơi thuốc lào cụ đã làm Nguyễn Hoàng vụt tỉnh u mê, bao lo lắng, mờ mịt trôi sạch và quyết chí nam tiến. Lịch sử sẽ ra sao nếu chúa Nguyễn nhận được lời khuyên gàn dở bàn lùi kiểu đàn bà?

3. Thời thuộc Pháp

unnamed

HP là vùng đất Pháp chiếm lâu nhất ở miền bắc. Khi HP đã là thành phố thì HN vẫn còn kém chưa bằng. Lý do chính vì Pháp đặt cảng biển ở đây và bên cạnh là nhà máy đóng tàu, rồi nhà máy xi măng.

HP trở thành khu công nghiệp đầu tiên ở phía bắc. Rất nhanh người Hoa lấp đầy mảng dịch vụ, ban đầu họ còn đông hơn người Việt.

HP chia làm 3 khu rõ rệt: khu người Pháp ở (Q. Hồng bàng), khu tàu (chợ sắt) và khu người Việt Cầu Đất đổ xuống.

Thành phố trở nên sầm uất, cô 4 Hồng (là người phụ nữ 1 thời giàu nhất miền bắc do kinh doanh) thửa hàn vi cũng ra HP làm vợ cho 1 chú khách và anh 5 SG, chị 8 Bính cũng dương danh ở đây như là lớp đầu của truyền thống xã hội đen giang hồ hảo hớn HP và cả nước.

Người Pháp trọng buôn bán nên phải có đường vận chuyển và họ sở trường món đào kênh và ở HP họ cũng đào kênh nhằm mục đích giao thông đó.

Đồng hồ tây chạy có bao giờ sai nhưng ở HP thì họ có tính sai nên có lần đào lên xài thấy dở rồi lại phải lấp lại nên kêu bằng sông Lấp. Truyền thống làm sai này sau năm 54 còn được phát huy dài dài. Ngay cảng HP nhiều người sau này cũng cho là Pháp chọn sai nhưng nếu không có cảng thì HP chỉ là thành phố bé nhỏ và có lẽ chúng ta sẽ không thấy Bạch Thái Bưởi với đoàn tàu thủy người Việt phục vụ người Việt của ông.

Như vậy HP có sân bay, bến cảng nhà máy và quên, còn đài thiên văn Phủ liễn Kiến an. Giờ thấy thường chớ xưa quan chiêm tinh triều phong kiến là bác học đó. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mà. Pháp cũng vậy, người VN đầu tiên đỗ cử nhân toán ở Pháp bèn điều về đài thiên văn ngay. Không nắm được thời tiết thì làm sao mọi việc trôi chảy được.

4. Người Hải Phòng

hp-1

Thành phố công nghiệp đô hội làm người tài đổ về và phát triển tài hoa. Nếp Nho ngang tàng lại rất phù hợp với văn hóa Pháp tự do bình đẳng bác ái. Nay các bạn có thể thấy quận Hồng bàng là 1 trong những khu phố Pháp còn được bảo tồn tốt nhất VN

Làm ăn chủ động mạnh mẽ có Bạch Thái Bưởi. Làm ăn truyền thống có nước mắm Vạn vân, người sinh thành ra tài hoa Đoàn Chuẩn. Hằng sản nên hằng tâm, hằng sản nên tài hoa.

Người sáng tác nhạc cũng tiên chỉ như Văn Cao, phiêu lãng như Ngô Thụy Miên, ca cũng tài danh như Lệ Thu…Trần Khánh, Trần Hiếu ca hết mình mà ngồi chè chén thuốc lào cũng vang ca đường phố. Một thời thật giản dị.

Chiến thì như Nguyễn Bình lập chiến khu, giang tay thu phục giang hồ Bình xuyên mãi tận trời Nam, cái thời mà a 3 Duẩn còn phải dưới bóng trung tướng độc nhãn tư lệnh miền nam.

Văn như Nguyên Hồng làm đất Cảng thành danh với 8 Bính, ông cũng nổi tiếng với tính cương trực của mình rồi Vũ Khiêu chỉ là người làm việc ở trường PPTH Ngô Quyền mà sau vươn lên tới hàng quốc sư thời a 3Dũng sau này và cũng nổi tiếng theo hướng ngược với Nguyên Hồng….

Xuất ngoại thành danh như Hoàng Chí Phong ở bên HK mà rung rinh cả Bắc kinh.

Không thể thiếu Đoàn Duy Thành, người phất cờ đổi mới khoán hộ thời đất nước xóa bao cấp.

Và 1 câu hỏi cho ngày hôm nay:

HP là miền gái đẹp. Vì sao con gái HP đẹp và nếu trả lời được câu hỏi này thì cũng trả lời được vì sao gái miền Tây dáng cao ráo da trắng tóc dài?

5. 1954-1985 :Thời chiến tranh và bao cấp

Sau 54 thì HP trở thành 1 thành phố công nghiệp cho miền Bắc và mảng dịch vụ tất nhiên teo lại. Còn cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa, nhân văn giai phẩm…thì cũng giống như những nơi khác thuộc miền Bắc thôi.

Thời đó làm tư nhân ngoài bị kỳ thị gọi là con phe. Gần nhà tôi có 2 mẹ con bà Bé làm ở nhựa Thiếu niên tiền phong, không biết vì lý do gì mà bị kỷ luật. Vậy là bả chỉ mua dép của công nhân rồi bán ra ngoài chơ sắt kiếm chênh lệch mà đời sống hơn hẳn mấy người đi làm có sổ gạo.

Nói tới HP là nói tới bài hát Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ và cảnh toàn thành phố mặc đồ công nhân, những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm. Tụi trẻ cũng chả có thời trang gì ngoài quần áo lính là dân quân khu, rồi quần áo công nhân là con em người thợ. Những đứa không có đồ này mặc cảm thấy thấp kém hơn tụi kia vài boong và rõ rang là lạc lõng.

Bên Thượng lý, Hạ lý bụi xi măng bám xỉn tường nhà nhưng dạo đó chưa có khái niệm về ô nhiễm môi trường, cứ thấy ống khói cao nhả khói, tiếng máy ầm ĩ rồi tia lửa hàn là thích thú lắm. Mới năm ngoái thôi, tôi đi thăm bãi cọc Bạch đằng, giờ là khu di tích xây dựng to đẹp hoành tráng mà bụi xi măng cũng đầy ở đó.

Chiến tranh nổ ra thì đi lính là chuyện thường ngày ở huyện và có đi thì có trốn:

“Hà chuồn Nam lủi Thái bình bay

HP anh dũng trốn ban ngày”

Là nói vể chuyện trốn lính, Hà là hà nội, Nam là Nam định nghe biết là tinh khôn chuồn lủi. Còn lính HP vô lính vẫn mang tính đại cakkk chớ không như Thái bình chạy sếp. Đánh nhau rất gian khổ nên lính thành phố không quen và không có sức lao động không thể chiến bằng lính vùng nông thôn. Cái này cũng giải nghĩa xưa toàn khởi nghĩa nông dân chơ có khởi nghĩa ở phố đâu.

Đánh tàu Maddox

559748-44803-su-kien-vinh-bac-bo--74--wed-hfmm-hox8dlqnlnx

Bác 2 kể, tụi tao phát hiện ra nó. Tao thiếu kinh nghiệm nên ước lượng khoảng cách sai, ra lệnh cho anh em tăng tốc mà chạy mãi không tới, may mà bắn được 1 trái suýt bung đít làm nó sợ rồi mình may lắm mới chạy về nhà được. Bác 2 là dân nam tập kết lấy vợ HP, chỉ huy 1 xuồng ngư lôi đánh trận đầu của hải quân. Vậy là hải quân mình đánh với tàu chiến Mỹ 2 trận sau rồi thôi vì mình yếu mà nó mạnh khủng khiếp từ pháo tới máy bay.

Rồi tiếng pháo tăng tầm từ hạm đội 7 bắn vô, sân bay cát bi phải bỏ không xài. Pháo này cỡ nòng 207mm với 406mm, đạn to đoành bay giữa đường nổ tiếp phát nữa để bay tiếp chớ không có thường nha. Sân bay Kiến an có núi che nên MIG vẫn bay lên từ đó. Đánh nhau đâu dễ, có những trận HP bắn tới 200 tên lửa mà chả hạ được máy bay nào vì bị tụi F4 bay thành nhóm thả nhiễu lừa làm B52. Đợt đó bom Mỹ trúng sở dầu, cháy mấy ngày đêm liền. Sau thời bình còn 1 đám cháy gần bằng là cháy kho 6 cảng HP đốt phi tang trộm đồ thời sau 75.

* Rà phá thủy lôi

Năm 72 Mỹ phong tỏa cảng HP bằng thủy lôi, sau hiệp định Paris thì cho tàu kéo phao dài ngoằng, rồi máy bay thả mồi kéo rà phá. Tuy vậy do trước đó mình dung ca nô không người lái phá gần hết rồi nên Mỹ rút sớm. Hôm theo bố dẫn lên tàu của thuyền trưởng Trương Sỹ Cáp, được coi qua ống nhòm thật là mở rộng tầm mắt. Thấy rất kềnh càng và chậm rì, thật là rải thì dễ, phá thủy lôi khó

Ca nô không người lái phá mìn VN làm thì nhỏ gọn. Sau cãi nhau mãi ai là cha đẻ. 1982 tới Bách khoa thì nhiều người chỉ ông TS Vũ Đình Cự (sa là phó chủ tịch quốc hội) dạo đó còn độc thân bảo đây là tác giả, người khác lại bảo chả phải, do viện thiết kế giao thông vận tải, kẻ lại bảo HP làm…. Chiến công VN là thế, công của ai cứ mơ hồ, lằng nhằng . Tưởng người này hóa người kia

* Tàu không số

Tàu không số là tàu Giải phóng nhỏ xíu do VN thiết kế và TQ đóng, sau 75 tôi thấy đậu đầy bến Bính. Nhỏ vậy mà lầm lũi vô Nam, đi chuyến nào làm lễ truy điệu chuyến đó. Có lần đi vịnh Lan hạ, khi thuyền cập bến nghiêng Đồ sơn nơi xuất phát của tàu không số tôi nhảy xuống đã té cái oạch do bến toàn rêu.

* Người Hoa ở Phòng

Chiến dịch nạn kiều xảy ra, người Hoa về gần hết. Đây là lần về thứ 2 trong lịch sử nhưng là về gần hết và không quay lại. Ngành đánh cá HP gần như không còn ai hành nghề, công nhân bốc xếp cảng cũng vậy, chủ yếu là người Hoa. Còn trong phố, dịch vụ tắt hẳn, me dầm, sấu dầm, lạc rang hung lìu biến mất. Cả phố người Hoa, khu chợ Sắt xơ xác, tiêu điều. Trường Hàng hải mấy giáo viên Toán lý hóa đồng nghiệp mẹ tôi, những con người đàng hoàng giỏi giang cũng ra đi may mà đến được nước thứ 3.

Trước tôi chơi với mấy đầu gấu quán bà mau. Có hôm thấy mấy đầu gấu oai phong lẫm liệt bị băng ngõ Đồng lùn bé loắt choắt rượt đánh chạy tọt vô nhà. Hỏi mấy đứa nhỏ xí sao anh sợ? Ảnh bảo mấy đứa đó anh đập phát chết nhưng nó chơi với băng bốc xếp cảng người Hoa, mà giang hồ người Hoa là số 1. Xe bò loại bánh lớn chỉ 2 người Hoa là kéo băng băng còn người Việt 5 người làm không nổi.

Người muốn đẹp thì phong cảnh vùng đất đó phải hữu tình, trù phú, khí hậu tốt. Con người đủ ăn đủ mặc lao động nhẹ nhàng không vất vả thì tự nhiên sẽ đẹp lên. Gái HP đẹp hơn vì họ còn lai với người Hoa, các bạn biết rồi con lai bao giờ cũng khỏe đẹp hơn. Mà người Hoa ở Phòng có thời còn đông hơn người Việt.

Dạo 78 cảng Hải phòng hàng hóa ùn ứ không bốc dỡ kịp, nạn trộm cắp như rươi. Trước tình hình đó tướng Đinh đức thiện sang làm bộ trưởng bộ giao thông vận tải quyết định đưa bộ đội vô làm xếp dỡ, bảo vệ cảng. Quân đội dạo đó uy tín lắm. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua mà. Tư duy vậy là rất nhất quán và hợp lý trong bối cảnh trước người hoa làm công nhân bốc xếp trong cảng là chính, nay họ đi hết nên hết người làm.

Nhưng bộ đội không quen việc, năng suất rất thấp mà nạn trộm cắp vẫn cao dù có cả Đinh trọng lịch hi sinh khi bắt trộm được phong anh hùng, sau còn cháy cả kho hàng khói bốc mấy ngày đêm. Sau người hp được mua vải cháy để may đồ. Hàng vẫn ùn ứ mà tàu nước ngoài đòi nộp phí bảo hiểm vì quân sự hóa cảng. Thật là lợi bất cập hại.

6. Làm ăn 2 chữ à ra thế

Hết chiến tranh thì phải lo làm ăn. Nhưng làm ăn như thế nào là 1 dấu hỏi to đùng.

Sau 75 thì VN toàn là tướng nên không biết làm ăn, kinh tế cứ đuối dần. Sợ quá nên 1 mặt phải tìm cách giảm sanh đẻ vì sau chiến tranh theo qui luật tự nhiên là sanh bù dữ lắm (Năm đó chưa tới 40tr mà giờ 100tr). Nên việc cử Võ đại tướng đi làm công tác này là hết sức sáng suốt.

Việc thứ 2 được giao cho nhà thơ TH, cũng chả biết mần kinh tế mô nhưng được cái có những câu thơ tiên tri đi tìm người biết làm ăn.

HP dạo đó có Đoàn Duy Thành tiên phong trong khoán hộ, xây cầu, làm đập Đình vũ…kiểu 4 cống 5 cầu 3 cửa ô… nên nhà thơ PTT phụ trách kinh tế đang ôm mộng thủ tướng mới xuống thị sát tìm điển hình tiên tiến đặng nhân rộng giấc mộng lành. Ổng tức cảnh sinh tình mới làm thơ nhưng không chốt câu cuối để bà con cả nước mở cuộc thi nối vần cho xôm. Nó đây:

“Làm ăn hai chữ à ra thế

Tưởng rằng làm thật hóa…. bi phòng” (chắc ý làm sân bay Cát bi HP đây?).

Note:

Hôm qua trả lời câu hỏi vì sao gái HP đẹp thế này mà nhiều người nói không thuyết phục:

Người muốn đẹp thì phong cảnh vùng đất đó phải hữu tình, trù phú, khí hậu tốt. Con người đủ ăn đủ mặc lao động nhẹ nhàng không vất vả thì tự nhiên sẽ đẹp lên. Gái HP đẹp hơn vì họ còn lai với người Hoa, các bạn biết rồi con lai bao giờ cũng khỏe đẹp hơn. Mà người Hoa ở Phòng có thời còn đông hơn người Việt.

Đành bật mí do gái HP là hậu duệ của Thủy tinh. Các bạn biết rồi Thủy tinh dáng nho nhã trắng trẻo chớ không vâm vác râu tóc thô như Sơn tinh. Con gái giống cha đẹp có thừa nhưng cũng dạng Núi đèo luôn

7. Bạch đằng giang

“Ở cuối sông H em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông”

Nói tới HP thì không thể không nói tới sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 lần thắng quân xâm lược thời Ngô Quyền, Lê Hoàn và thời Trần.

Đằng giang tự cổ huyết do hồng là câu đối của Giang Văn Minh khi đi sứ TQ. Sứ thần 1 nước phiên thuộc dám đáp trả thiên tử nước mẹ thế là xưa nay hiếm. Ông bèn bị mổ bụng xem lá gan to cỡ nào nhưng vua cũng rất trọng ông nên ngâm xác ông trong thủy ngân trở về quê hương. Ông xứng đáng là người HP danh dự. Không biết thành phố có danh sách này không.

“Cửa Hàm tử bắt sống Toa đô

Sông Bạch đằng giết tươi Ô mã”

Tới nay mọi người vẫn không hiểu làm sao với trình độ hồi đó lại có thể bày ra trận cọc to lớn như thế.

Tôi cũng không biết, chỉ nghĩ rằng dạo đó song rộng hơn bây giờ nhiều và vị thế khúc song chỗ đó làm xoáy nước mạnh tự nhiên dẫn thuyền vô chính bãi cọc là vùng nước cạn. 1 bên rút quân, 1 bên chặn đánh quyết liệt khúc nước sâu đúng lúc thủy triều xuống nước chảy rất xiết thì nếu không thông thạo địa hình sẽ tự nhiên rớt vô bẫy bãi cạn cọc cắm tua tủa.

“Sông Đằng một dải dài ghê

Thuyền to sóng lớn đi vể biển Đông”

Là câu thơ của Trương Hán Siêu chỉ rõ vị thế hiểm trở chảy xiết hung vĩ của going song này.

Giờ vẫn là bí ẩn là làm sao người xưa lại cắm được cọc gỗ lim to như thế trên bãi bùn lầy.

Các nhà nghiên cứu đều giả thiết đóng cọc khi nước rút, trên bãi lầy theo tôi là bất khả thi.

Tôi nghĩ người xưa đóng cọc khi nước lớn và lặng. Lợi dụng dòng nước họ thả bè cọc từ rừng tới bãi đồng thời chuyên chở đá cục làm tải trọng tới. Việc khai thác đá vôi ở đây dễ và sẵn, kỹ thuật xẻ đá đã có. Cọc sẽ được cột với đá tảng gần đầu nhọn cho tự cắm xuống bùn và sẽ được chất tải đá cho xuống sâu bằng đội thợ lặn.

8. Cảng HP (Bến 6 kho)

cang hai phong

Sông lạch Hải Phòng dày đặc, thuộc về hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng kết nối và giao hòa với nhau qua các nhánh, rồi đổ ra biển theo năm cửa chính: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình

Các sông Lục Nam, Thương, Cầu và Đuống thuộc hệ thống sông Thái Bình sau khi hợp lưu ở gần Phả Lại đã phân thành hai nhánh chính là Kinh Thầy và Thái Bình. Gần sát biển, chúng hợp lưu và rồi lại phân lưu thành sông Chanh đổ ra cửa Lạch Huyện, sông Bạch Đằng đổ ra cửa Nam Triệu, sông Cấm và Lạch Tray đổ ra cửa Ba Lạch. Từ năm 1981, do đắp đập Đình Vũ, nước sông Cấm dồn cả ra cửa Nam Triệu.

Ngoài ra, còn có một số nhánh nối ngang như Tam Bạc nối sông Cấm và Lạch Tray, Ruột Lợn nối sông Cấm với Bạch Đằng. Nhánh Tam Bạc nằm áp thế đất cao nên đã thành một thương bến giàu có vào đầu thế kỷ XX. Ở phía Tây Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc kết nối với nhánh sông Luộc rồi đổ ra biển qua hai cửa Văn Úc và Thái Bình. Sông Mới đào năm 1936 nối tuyến từ biển vào sông Văn Úc, sang sông Luộc, sông Nam Định rồi ngược lên Hà Nội.

Vị trí cửa ngõ của Bắc Bộ và Nam Trung Quốc. Người Pháp đã sớm nhận ra ưu thế này khi quyết định xây dựng cảng Hải Phòng và làm đường sắt Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh. Mặc dù các cửa Đáy, Ba Lạt vẫn có thể được sử dụng cho giao thông thủy, nhưng chỉ có Cảng HP, với cửa sông Bạch Đằng cấu trúc hình phễu là cửa thuận lợi, an toàn và ổn định nhất cho Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội liên hệ với hải ngoại, thông qua các tuyến sông-biển, hải cảng và các tuyến hàng hải quốc tế, được hỗ trợ bởi các tuyến đường sắt và đường bộ cao tốc vào sâu trong lục địa.

Hệ thống luồng lạch sâu rộng và khá ổn định Luồng lạch sâu và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng để thoát lũ, phát triển cảng bến và khu neo đậu cho tàu thuyền. Vùng cửa sông Bạch Đằng có một hệ thống luồng lạch khá ổn định, rộng đến trên 1 km và sâu đến 10-15 m. Các bản đồ thời Pháp cho thấy độ sâu luồng 15-20 m rất phổ biến, nay giảm đi rất nhiều do sa bồi.

Cảng HP ngày nay bị sa bồi do 2 yếu tố tự nhiên là dòng chảy thay đổi nên bờ phía cảng giờ bị bồi và do việc đào kênh nối ra sông Cấm tuy làm giao thông thuận tiện nhưng làm tốc độ bồi cao lên làm chi phí nạo vét tăng cao, lòng sông cạn tàu lớn không vào được nữa chính là chiến công năm 81 góp phần lớn chớ không phải như mấy ông trí thức sau này biện luận rằng ngay có người Pháp ban đầu cũng cho là HP không phù hợp làm cảng mà cảng nên ở Quảng ninh thuận tiện hơn.

Đúng là trí ngủ. Để ở QN thì HP chỉ là làng chài. Vả lại tàu thời TK19 nó đâu to như sau này. Những năm 2000 đáng ra cảng phải là cảng biển chính hiệu chớ loại cảng sông đón tàu biển là hết thời rồi. Tự tay lấp cảng để mực nước còn có 5,6m rồi đổ cho Pháp thật đúng con cháu cụ Khiêu vũ.

Thể nào mà dạo đó cứ tự hỏi sao nước Đồ sơn ngày càng đục cũng như vịnh Lan Hạ ngày càng mất vẻ trong xanh nước biển.

Nhiều bạn hỏi vịnh Lan hạ khác vịnh Hạ long cái chi? Vịnh chung gọi là Bái tử long, phần thuộc Quảng ninh gọi là vịnh Hạ long còn phần thuộc HP là Lan hạ còn thì giống y nhau à.

9. Thời của Vosco

Bài học rút ra trong câu chuyện luồng cảng HP bị cạn là việc qui hoạch, phối hợp liên ngành. Ông này có thành tích không khéo ông kia lại méo mặt.

“Trăm lời anh nói,

Không bằng làn khói Honda”

Xe Cub nghĩa địa còn hơn bằng phó tiến sỹ. Những năm 80 thủy thủ tàu viễn dương, lái xe liên tỉnh là số 1, còn oai hơn phó CT thành phố.

Đi 1 chuyến đổi đời. Có đứa bạn tôi sau 20 năm gặp lại vẫn nhắc tới trái táo tàu hồi ông già tôi đi Sing theo tàu 20 tháng 7. Con tàu chạy bằng hơi nước này đóng tại nhà máy đóng tàu Bạch đằng dưới sự cố vấn của chuyên gia TQ. Khi hạ thủy bị nghiêng do lệch trọng tâm cuối cùng phải cân tàu bằng cách đổ vài chục tấn bê tông.

Thủy thủ có tiền nên xây nhà mái bằng 2 tầng (1 lầu). Đây là căn nhà đúc 2 tầng đầu tiên trên toàn miền Bắc từ sau năm 54 của tư nhân.

Ông Đỗ Mười đi HP nhìn thấy ngôi nhà sừng sững và nhà bị dọa tịch thu, khởi đầu cho chiến dịch Z30 tịch thu nhà cửa, tài sản do buôn lậu, làm ăn phi pháp. Sợ quá, thế là giới thủy thủ có của dạt vô SG dù ông Thành không thực hiện kế hoạch này. Thiếu người giàu HP lại rơi vào giấc ngủ buồn tẻ của nó, chậm hơn các địa phương khác như Hà nội, Quảng ninh 10 năm, 20 năm…thậm chí Hải dương còn qua mặt. 2008 về HP vẫn thấy mini 2 gióng huyền thoại đạp lững thững nhung nhớ thửa vàng son.

Sau này nhìn mấy ngôi nhà đó như hộp diêm, bé tí và buồn bã.

10. Vinashin và Vinalines

Sau 1 thời gian thì cửa đi Hongkong bằng thuyền thúng đã khép lại, giấc mơ thuyền nhân Việt kiều hay sang lãnh tiền đền bù chấm dứt. Thành phố cảng mà cảng lại cạn, công nghiệp lay lắt thì thất nghiệp nhiều, đói kém.

Vốn sẵn máu giang hồ, ngồi không thì chỉ có nghiện hút và mơ màng nhớ lại thời mua hàng nghĩa địa bên Nhật, buôn lậu, đánh quả Hongkong hay buôn chuyến bắc nam trên tàu Thống nhất. Con tàu biển Thống nhất huy hoàng tới mức khi Vinashin trên đỉnh đã rước ngay con tàu tương tự Hoa sen về.

HP ngồi nhớ lại 1 thời từng dẫn đầu đổi mới của mình và bị vấp chân bởi chính sự nhiệt tình đó. Sự khấm khá hóa ra chỉ là 1 lớp vỏ mỏng và thất vọng vì lớp giàu xổi đã bỏ thành phố ra đi cũng như ngấm nỗi khó khăn trong làm ăn mà thiếu mạng lưới người Hoa.

Mà nghiện hút thì chỉ có đi cướp, bảo kê….tóm lại làm xã hội đen suốt từ nam chí bắc. May thay Vinashin và Vinalines xuất hiện như 2 quả đấm thép. Đóng tàu lập liên tiếp kỷ lục mới, ngành vận tải trước toàn mua tàu cũ nay mua tàu VN tự đóng. Có công việc, có tiền, HP lại hiên ngang và các sếp mơ màng chuyện chuyển dịch ngành đóng tàu, vận tải từ Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc về VN nghe dễ như trở bàn tay.

HP nhỏ quá, VN bờ biển dài, căn cứ địa đóng tàu anh Bình sếu qui hoạch lại trải dài từ Hạ long tới mũi Cà mau. Vươn vai như Thánh gióng mà không ai tiếp tế cơm cà, đóng tàu thì ok mà hạch toán ra lại lỗ. Người tính không bằng trời tính, suy thoái kinh tế thế giới 2007 làm ngành đóng tàu và vận chuyển xuống dốc không phanh. Lần vươn lên bằng CN nặng của HP lại thất bại.

Ngẫm lại đóng tàu và vận tải như bị tàu 20 tháng 7 nó ám. Trước cõng thêm vài chục tấn bê tông cho cân tàu giờ cõng thêm mấy chục % lại quả thì kết quả đã được biết trước.

11. Đi chậm thì lại đi xa

HP như thế bỏ lỡ mấy lần đò. Nhưng muốn đi xa thì đi chậm chậm

Hà nội tiến nhanh giờ quá tải, ô nhiễm. QN tiến nhanh giờ than sắp hết, Hải dương tiến nhanh nhưng thế kẹt. HP giờ lại hội tụ đủ yếu tố thuận lợi: cầu nối đảo Cát hải, cảng Lạch Huyện, kho bãi Đình vũ lại ngon, dân số vừa đủ, giá đất rẻ và còn nhiều, ….

Như vậy về địa thế cảng HP được dời sang vị trí Lạch huyện Cát hải đã làm cảng trở lại vai trò và vị trí mà ngày xưa Pháp thiết kế cho HP-thành phố cảng

Nước ngoài làm khu công nghiệp như Nhật, Sing, Hàn, TQ…rồi VN có Vingroup…cơ hội để HP trở lại là thành phố CN lại rộng mở.

Thành công lại là tất yếu đúng như Pháp tính ngày xưa, như người ta nói đường dài mới biết ngựa hay.

Q&A

Nhiều bạn bảo suốt thời trai trẻ ở đó mà chả kể chuyện tình yêu, tình báo gì. Thực ra thì cũng có nhưng chưa lần nào được hẹn hò bên bờ sông Lấp nên kể nó không ra dáng dân HP.

Bạn Bình bảo anh nói thêm thời Pháp thuộc xem con người thời ấy thế nào.

Các bạn biết trước 45 thì cả VN sản sinh ra được 1 lớp trí thức văn nghệ sỹ tài hoa mà cho tới nay chưa thấy có lại. Vậy HP khác ở điểm nào?

Cùng là gốc Nho giáo kết hợp với kinh tế thị trường nên con người, kinh tế xã hội phát triển ngon lành. Bài học này sau được chứng minh bằng những kết quả quá thành công từ Nhật, Hàn, Đài loan…tiếc rằng VN bước ra khỏi con đường đó khí sớm.

Cũng là Nho giáo kết hợp tư bản nhưng người HP bản tính huênh hoang liều lĩnh nên hướng về những ngành mạo hiểm nhiều cạnh tranh hơn như vận tải của Bạch Thái Bưởi và mặt trái của nó tất nhiên là buôn lậu đủ thứ, một truyền thống được duy trì tới tận ngày nay.

HP xưa cũng là cửa ngõ đưa người đi Nam, đi Tân đảo…giống như giờ XKLĐ, định cư ở nước ngoài vậy và truyền thống xuất ngoại, định cư đó duy trì tới những năm 80, số người HP đi Hongkong cũng là cao nhất.

Phong trào Đông du của Phan Bội Châu cũng được sự trợ giúp đắc lực của anh em thủy thủ chạy tuyến HP-HK mà chúng ta biết Nhật đã vô tình góp 1 tay vô thành công của khởi nghĩa tháng 8 năm 45. Biết bao cha anh đã tới Nhật dạo đó và giờ đây phong trào Đông du 2 về kinh tế cũng đang diễn ra.

Với việc thành lập thành phố cảng công nghiệp HP, người Pháp đã mở đường cho dòng nhân tài vật lực đổ về, hội tụ để trở thành thương cảng, sửa chữa và đóng tàu, cung cấp xi măng…cho miền bắc. Sau những đợt chảy vốn và nhân lực ra như năm 54, 78 thì ngày nay HP lại trở thành nơi thu hút vốn, nhân lực để trở lại vai trò như xưa.

Source: https://nghiencuulichsu.com/2021/05/13/hai-phong-luom-lat-truyen/

 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.