Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 13

5) Kyoto (京都市 Kyōto-shi) 

a) Một chút lịch sử về Kyoto

Kyoto trước đây từng là một kinh đô kéo dài trên 1000 năm của Nhật Bản, với dân số hiện tại khoảng 1.5 triệu người.  Thành phố này trước đây được gọi là Kyō (京), đến thế kỷ thứ 11 nó được gọi là Kyoto (xuất phát từ chữ kinh đô theo tiếng Hoa 京都). Năm 1868, Nhật Hoàng dời đô về Edo và đổi tên thành phố Edo sang Tokyo (東京 - Đông Kinh), Kyoto lúc bấy giờ được biết đến với tên Saikyō (西京- Tây Kinh).



Kyoto từng là một thành phố lớn nhất Nhật Bản (lớn hơn cả Osaka & Tokyo) cho đến thế kỷ thứ 16.  Năm 1947, Kyoto được xếp hạng thành phố lớn thứ 3 của Nhật, tuy nhiên đến năm 1960 Kyoto bị tuột xuống hạng số 5, đến năm 1990 trở thành số 7 & hiện tại bây giờ nó được xếp hạng 9 trong những thành phố lớn ở Nhật Bản .

Vào thế kỷ thứ 8, khi Phật Giáo có ảnh hưởng rất mạnh đến chính quyền, Hoàng Đế Kanmu đã quyết định dời đô khỏi Nara để tránh sự ảnh hưởng của các nhà sư Phật Giáp can dự vào chính trường.  Nơi Hoàng Đế chọn là ngôi làng Uda thuộc quận Kadono, tỉnh Yamashiro.  Một thành phố mới được xây dựng dựa theo kiến trúc của kinh đô Trường An đời Tần (Trung Quốc). Kinh đô mới này được gọi là Heian-kyō (平安京 - tạm dịch là Hoà Yên kinh đô), trở thành nơi đóng đô của triều đình Nhật Hoàng năm 794, bắt đầu thời đại Heian trong lịch sử Nhật Bản.  Kyoto được coi là kinh đô Nhật Bản cho đến năm 1869, khi Nhật Hoàng thời bấy giờ dời đô về Tokyo ngày nay.



Kyoto đã chịu một cuộc tàn phá lớn vào thời nội chiến Ōnin (1467–1477), từ đó thành phố này đã không phục hồi được cho đến giữa thế kỷ 16. Những trận chiến giữa các nhóm samurai diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố.  Các dinh thự trong thành phố đã được biến thành những pháo đài phòng thủ, giao thông hào được đào khắp nơi cho mục đích giao tranh, bao nhiêu nhà cửa bị thiêu rụi.  Thành phố chưa bao giờ chứng kiến một cuộc tàn phá như vậy.


Đến thế kỷ 16, Toyotomi Hideyoshi đã cho xây dựng lại thành phố, mở thêm nhiều đường phố chạy theo hướng Bắc Nam, xây dựng những khu phố theo hình chữ nhật thay vì hình vuông như trước đó. Hideyoshi cũng cho xây dựng một con đường đi bộ odoi (御土居)  vòng quanh thành phố.  Đường Teramachi nằm ở trung tâm thành phố, nơi Hideyoshi gom các chùa lại thành một trung tâm chùa Phật Giáo.  Trong suốt thời Edo, nền kinh tế ở đây đã phát triển mạnh, trở thành một trong ba thành phố lớn nhất nước Nhật thời bấy giờ, bên cạnh Osaka & Edo.



Năm 1864, trong cuộc nổi dậy của Hamaguri, khoảng 28 ngàn căn nhà bị đốt cháy, sau đó với cuộc dời đô về Tokyo năm 1869 của Nhật Hoàng nền kinh tế ở đây đã dần suy yếu.  Thành phố Kyoto mà chúng ta thấy hiện nay đã được xây dựng lại từ năm 1889, dân số ở đây vượt quá con số một triệu người vào năm 1932.


Thời gần cuối Đệ Nhị Thế Chiến, thành phố này lúc đầu đã bị nằm trong danh sách những mục tiêu cho cuộc thả bom nguyên tử, may mắn thay sau đó mục tiêu này đã được loại ra khỏi danh sách vào phút cuối & được thay thế bằng thành phố Nagasaki.  Qua một chi tiết lịch sử này mới thấy được sự bé nhỏ của hàng vạn sinh linh (may mắn hoặc không may mắn) chỉ với một quyết định của một nhà lãnh đạo nào đó.  Một may mắn nữa là Kyoto đã gần như không bị tàn phá nặng bởi cách cuộc oanh tạc của không quân Hoa Kỳ bởi thế số người bị thương vong ở đây tương đối thấp so với các thành phố lớn khác ở Nhật trong chiến tranh.


Với sự may mắn đó, Kyoto là một trong một số thành phố còn giữ được những kiến trúc phong phú thời trước chiến tranh.  Tuy nhiên trong cuộc hiện đại hóa thành phố hiện nay các kiến trúc tân thời đã dần lấn chiếm những kiến trúc cổ ở đây.

Năm 1997, Kyoto được chọn là nơi tổ chức cho một hội nghị thế giới bàn về vấn đề hiệu ứng nhà kính & khí thải toàn cầu, qua hội nghị này tên thành phố đã được chọn để đặt cho nghị định thư (protocol) của cuộc hội nghị này.



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.