Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 14


5) Kyoto (京都市 Kyōto-shi) - Tiếp Theo ...

b) Chùa Tenryū-ji (Tenryū-ji Temple) & Vườn Tre (Bamboo Groves)


Từ ga trung tâm Kyoto, quý vị có thể đón xe đến ga Arashiyama để thăm chùa Tenryū-ji (Tenryū-ji Temple) & Vườn Tre (Bamboo Groves). Nếu quý vị có vé JR Pass quý vị có thể xử dụng vé JR cho tuyến đường này.



Tenryū-ji (天龍寺) là ngôi chùa chính thuộc chi nhánh thiền Rinzai (Rinzai Zen Buddhism).  Chùa được sáng lập bởi Ashikaga Takauji vào năm 1339, hoàn thành vào năm 1345.  Bởi chùa có liên hệ đến dòng họ Ashikaga & Hoàng Đế Go-Daigo nên rất được sùng kính.  Năm 1994, UNESCO đã công nhận chùa này là một di sản thế giới.

Thường các ngôi chùa phái Thiền tông được xây quay mặt về hướng Nam với những kiến trúc chính chạy dọc theo trục Bắc Nam. Tuy nhiên cách bố trí kiến trúc ở chùa Tenryū-ji có phần ngoại lệ, nhiều ngôi chùa nhỏ được xây dựng xoay mặt vào con đường chính từ cổng vào đến khu giảng đường. Phía sau giảng đường là những khu tu viện, bếp, thiền phòng v.v.  Lăng mộ của Hoàng Đế Go-Saga & Hoàng Đế Kemeyama cũng được xây dựng ở đây.



Ngôi chùa này đã có chiều dài lịch sử trên 700 năm, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu qua một chút về lịch sử của nó.  Vào đầu thời Heian (như đã đề cập ở bài trước đây), tại địa điểm hiện nay của ngôi chùa Tenryū-ji, Hoàng Hậu Tachibana no Kachiko vợ của Hoàng Đế Saga đã cho xây dựng một ngôi chùa tên là Danrin-ji. Ngôi chùa này đã đổ nát cùng với thời gian sau 400 năm.

Đến giữa thế kỷ thứ 13, Hoàng Đế Go-Saga & con của ông Hoàng Đế Kameyama đã biến nơi này thành một cung điện đặt tên là Kameyama-dono (亀山殿 - tạm dịch là Quy Điện). Tên "Kameyama" tạm dịch là "Quy Sơn" bởi núi Ogura nằm về hướng Tây của chùa có hình giống như một con rùa.

Đến giữa thời Muromachi cung điện Kameyama được chuyển thành chùa theo ý  của Ashikaga Takauji, ông muốn dùng ngôi chùa này làm nơi tưởng niệm Hoàng Đế Go-Daigo.  Năm 1338 Ashikaga trở thành một lãnh chúa và Hoàng Đế Go-Daigo băng hà một năm sau đó.  Ashikaga đã gợi ý cho thiền sư Musō Soseki xây một ngôi chùa đặt tên là Ryakuō Shiseizen-ji (暦応資聖禅寺). Tuy nhiên một người em trai của Ashikaga Takauji's là ông Tadayoshi được cho là đã mơ thấy một con rồng vàng bay trên dòng sông Ōi (cũng là sông Hozu) nằm về hướng Nam của ngôi chùa.  Bởi thế ngôi chùa đã được đặt tên là Tenryū Shiseizen-ji, "Tenryū" tạm dịch là "Thiên Long".  Đến năm 1345 việc xây chùa được hoàn tất, cũng là lúc Hoàng Đế Daigo đệ nhị băng hà.



Vào những năm của thập niên 1430, ngôi chùa này đã có một mối liên hệ đặc biệt với triều đình nhà Minh (Trung Quốc).  Triều đình nhà Minh lúc bấy giờ ta lệnh ngăn cấm các thương vụ giữa Trung Quốc với nước ngoài. Nhật Hoàng & lãnh chúa Ashikaga đã tìm cách thông thương với nhà Minh qua sự sắp xếp của chùa Tenryū-ji, ngược lại Trung Quốc được quyền chỉ định sư trụ trì của ngôi chùa này.  Sự thoả thuận này đã tạo cho phái Thiền & chùa Tenryū-ji một vai trò đặc biệt.  Một số chi nhánh của chùa Tenryū-ji đã có mặt ở Okinawa, các nhà sư của chùa Tenryū-ji cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nối kết các cuộc thông thương buôn bán giữa Trung Quốc - Okinawa - Nhật trong suốt thế kỷ 19.

Ngôi chùa này đã trở thành một ngôi chùa quan trọng nhất trong phái Rinzai ở Kyoto.  Có một thời diện tích khuôn viên của chùa đã được mở rộng đến trên 300 ngàn mét vuông (m2).  Thời cực thịnh đã có khoảng 150 ngôi chùa nhỏ nằm trong khuôn viên này.  Tuy nhiên những khu kiến trúc của chùa đã bị tàn phá sau 6 trận hoả hoạn vào các năm 1358, 1367, 1373, 1380, 1447 & 1467.



Trong cuộc chiến Onin ngôi chùa một lần nữa bị  tàn phá & đã được xây dựng lại sau đó.  Nhưng ngôi chùa lại bị tàn phá qua hai biến cố năm 1815 & 1864.  Bởi thế hầu hết các kiến trúc  chúng ta thấy được ngày hôm nay đã được xây dựng lại vào nửa sau của thời Meiji.



Từ cổng chùa Tenryu-ji đi một đoạn về hướng Bắc sẽ dẫn quý vị đến khu vườn tre.  Chỉ có một con đường chính dẫn quý vị xuyên qua khu vườn.  Tuy gọi là vườn nhưng nó lớn như một khu rừng nhỏ với hun hút những hàng tre thẳng đứng, xanh rì. Tre ở đây không phải loại tre gai như vẫn thường thấy ở một số vùng ở Việt Nam nhưng nó gần giống như loại tầm vông ở Việt Nam thân thẳng không có gai. Nếu quý vị nào đã từng xem phim Ngọa Hổ Tàng Long (Crouching Tiger, Hidden Dragon) quý vị có lẽ nên ghé qua khu vườn này để có thể hình dung những cảnh được đóng trong phim.  Đi trong khu vườn này thỉnh thoảng ngửa mặt lên nhìn trời qua khe hở của những ngọn tre quý vị có thể sẽ có một cảm giác thanh thản kỳ lạ.



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.