Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 10

4) Osaka (大阪市 Ōsaka-shi) 

a) Một chút về lịch sử Osaka

Osaka thành phố lớn thứ hai của Nhật chỉ sau Tokyo, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, khoảng 19 triệu người cư ngụ.  "Osaka" có nghĩa là "ngọn đồi hay dốc lớn", thành phố nằm bên cửa sông Yodo đổ ra vịnh Osaka, đây là một trong những đầu tàu kinh tế Nhật Bản.  Osaka có một lịch sử lâu dài là một thương phố, Osaka cũng được mệnh danh là "cái bếp của nước Nhật" ("nation's kitchen" -天下の台所 tenka no daidokoro), nơi đây đã từng là trung tâm buôn bán gạo sầm uất thời Edo.

Một góc phố Osaka nhìn từ Umeda Building


Năm 645, nơi đây từng là kinh đô của Nhật Bản khi Hoàng Đế Kōtoku cho xây dựng cung điện Naniwa Nagara-Toyosaki.  Kinh đô lúc ấy được gọi là Naniwa (浪速), tên này bây giờ vẫn được dùng để đặt cho một quận của Osaka.  Đến năm 655, kinh đô được dời về Asuka (Nara ngày nay), nhưng nơi đây vẫn giữ vai trò là một trục giao thông quan trọng bằng đường bộ trong nội địa Nhật Bản, cũng như đường thuỷ dẫn đến Đại Hàn & Trung Quốc thời đó.

Một cổng vào lâu đài Osaka

Osaka được xem là một trung tâm kinh tế của Nhật Bản từ lâu đời, cư dân ở đây đa số thuộc tầng lớp thương buôn. Một sự khác biệt quý vị có thể nhận thấy giữa người Tokyo & Osaka là người Tokyo chung chung nhìn rất "thon thả" ngược lại người Osaka trông hơi "tròn trịa".  Có lẽ vì văn hóa ăn uống cũng như sự phong phú về ẩm thực ở Osaka mà cư dân ở đây trông "đầy đặn" hơn so với cư dân ở Tokyo. Cũng có lẽ cũng bởi thế mà người Tokyo vẫn có câu nói về người Osaka: "Ōsaka wa kuidaore (大阪は食倒れ)", xin tạm dịch "Người Osaka ăn cho đến lúc lăn quay ..."

Một khu siêu thị bán thức ăn làm sẵn



b) Xe lửa Osaka

Hệ thống xe lửa ở Osaka tương đối lớn, ký hiệu xe lửa cho mỗi trạm cũng giống ở Tokyo đó là mỗi trạm được ký hiệu bằng một chữ cái (A/B/C) & một con số. Ví dụ, trạm xe lửa Umeda (ga trung tâm Osaka) có ký hiệu là "M16".  Tuy nhiên so với Tokyo (theo LN) cách phân bố ga (platform) cũng như cách hướng dẫn cho hành khách ở Tokyo có vẻ quy củ hơn.  Quý vị có thể vào trang Web dưới đây để tìm hiểu thêm về bản đồ xe lửa ở Osaka.

http://www.osaka-info.jp/en/plan/traveller_information/transportation/railroad.html

Bản đồ xe lửa nội thành Osaka

Vé xe lửa cho một ngày trong nội thành giá 800 Yen, nhưng khác với Tokyo, vé ngày không có giá trị trong 24 tiếng mà sẽ hết hạn vào 12 giờ đêm mỗi ngày, bất kể quý vị mua vào giờ nào trong ngày.  Nếu quý vị không mua vé xe lửa cho nguyên ngày, quý vị có thể chỉ mua vé đến trạm mình muốn.  Thường thì các trạm xe lửa đều có máy bán vé tự động, trên những chỗ để máy bán vé tự động thường có tấm bản đồ chỉ các tuyến đường cùng giá vé quý vị cần trả để đi đến từng trạm.

Ví dụ: quý vị đang ở ga Umeda (M16) & muốn đi đến ga Nagahoribashi (N16/K16 - Ga này là ga giao điểm giữa hai tuyến N&K).  Giả sử quý vị nhìn thấy trên bản đồ có để số tiền 260 Yen bên cạnh tên trạm N16 chẳng hạn, có nghĩa giá vé đi từ ga M16 đến ga N16 là 260 Yen.  Vì M16 & N16 không nằm trên cùng một tuyến nên từ ga M16 (Umeda) quý vị phải đi đến ga M19 (Yotsubashi) từ đây quý vị phải đổi xe để đi đến ga N16 (Nagahoribashi).  Khi đổi xe quý vị có thể phải ra khỏi một cổng soát vé của tuyến đường M để vào một cổng soát vé khác cho tuyến đường N.  Các cổng soát vé đều tự động, khi quý vị ra khỏi cổng soát vé tuyến đường M máy soát vé sẽ trả lại vé cho quý vị để quý vị vào cổng soát vé cho tuyến đường N. Tuy nhiên khi quý vị ra đến cổng soát vé ở trạm N16 (trạm cuối)  máy soát vé sẽ tự động giữ vé của quý vị lại (vì đã cuối tuyến đường).

Một cảnh gần ga trung tâm Osaka

Xin lưu ý, cũng như ở Tokyo, thường các trạm xe lửa ở Osaka tương đối lớn, vì vậy khi đổi tuyến xe quý vị có thể cần khoảng 5 đến 10 phút.


Tại một số ga xe lửa ở Osaka quý vị có thể đón xe đi thẳng ra phi trường quốc tế Kansai, vì thế nếu quý vị sau khi thăm chơi ở Osaka, có ý định rời Osaka để bay ra khỏi Nhật quý vị nên lựa những nơi gần những ga xe lửa này để tiện cho việc di chuyển hành lý.  Nếu quý vị vì lý do nào đó không thể ở gần những ga chính để đi thẳng ra sân bay, quý vị cũng nên ở thuê chỗ ở gần một ga xe lửa để tiện việc di chuyển.  Từ những ga này quý vị cũng có thể chuyển tuyến để đi đến sân bay, nếu không rõ nhớ hỏi nhân viên hỏa xa tại trạm quý vị đón xe kẻo đón lộn tuyến sẽ mất thời gian & bất tiện.

Từ Osaka quý vị có thể đón xe lửa thuộc hệ thống JR (Japan Rail) để đi đến các tỉnh lân cận như Kobe, Kyoto, Hiroshima, Yokohama & Tokyo v.v.  Bởi thế quý vị có thể thuê chỗ ở tại Osaka từ đó quý vị có thể đi thăm những nơi khác như đã đề cập trong những bài trước.  Thường thì xe lửa JR xuất phát từ ga trung tâm Osaka (Umeda) hoặc ga Shin-Osaka & khi từ các tỉnh khác đến Osaks cũng vậy các xe lửa JR thường về hai trạm này.


c) Khu phố Dōtonbori (道頓堀)

Dōtonbori thuộc quận Namba, là khu phố chính cho khách du lịch nhất là về đêm với đèn sáng muôn màu, "trên chợ dưới thuyền (thuyền dành cho du khách)".  Cảnh đẹp về đêm ở Dōtonbori lunh linh bởi ánh sáng rực rỡ của đèn điện chiếu xuống dòng kênh lấp loáng.  Những chiếc cầu vắt ngang qua dòng kênh, những hàng quán dày đặc chạy dọc theo hai bờ kênh & sâu hút vào trong các ngõ ngách, chỗ nào cũng "ngựa xe như nước áo quần như nêm".  Khu phố Dōtonbori nổi tiếng với vô số hàng quán ăn uống. Nổi bật trong khu phố này là nhà hàng Kani Dōraku với hình tượng con cua khổng lồ "giương càng trợn mắt" ...  Đây quả là khu phố hấp dẫn cho du khách nhất là giới trẻ, về đêm rất tấp nập nhộn nhịp.

Một ngách phố Dotonbori


Cảnh đẹp về đêm của khu phố này sẽ giảm đi nhiều (theo LN) nếu không có dòng kênh như nguồn mạch sống chảy ngang qua phố. Bởi thế chúng ta cũng nên xem qua một chút về lịch sử của dòng kênh này nói riêng & của khu phố nói chung ...

Ngược thời gian về năm 1612, khi một doanh nhân người địa phương ông Yasui Dōton, bắt đầu nới rộng dòng sông nhỏ Umezu, với hy vọng mở rộng con đường thủy thông thương từ Đông sang Tây nối liền hai nhánh của sông Yokobori theo hướng Bắc Nam bằng một kênh đào.  Công trình đào kênh của ông bị đình hoãn khi ông qua đời khi tham gia một cuộc phòng thủ thành Osaka thời đó (LN sẽ đề cập sau trong phần lịch sử lâu đài Osaka).  Tuy nhiên những người anh em họ của ông đã tiếp tục & hoàn thành công trình này vào năm 1615.
Dòng kênh đào chảy ngang qua phố

Vị lãnh chúa mới của lâu đài Osaka,Tadaki Matsudaira, đã đặt tên dòng kênh này và những vùng lân cận là Dōtonbori ("bori" xuất phát từ chữ "hori" có nghĩa là "dòng kênh"). Dù ông Doton thuộc về bên thua cuộc khi thành Osaka thất thủ, nhưng việc tên của ông đã được dùng để đặt cho dòng kênh & khu phố này, cho chúng ta có thể thấy một tinh thần thượng võ của người Nhật khi họ đối xử với bên thua cuộc (tinh thần thượng võ này xem ra rất hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam & Trung Quốc).



Năm 1621, Dōtonbori được phát triển thành khu trung tâm đô thị giải trí, đến năm 1662, khu phố này có trên 10 đại hý viện (nhà hát).  Theo dòng thời gian những môn nghệ thuật cổ truyền mai một, các hý viện dần dần đóng cửa.  Năm hý viện còn lại cho đến thời Đệ Nhị Thế Chiến cũng bị các cuộc dội bom tàn phá.

Osaka nổi tiếng về ẩm thực, bởi thế dân Nhật có câu "京の着倒れ、大阪の食い倒れ - Dress into ruin in Kyoto, eat into ruin in Osaka" tạm dịch "Mặc đến khốn ở Kyoto, ăn đến khổ ở Osaka".

Theo LN nếu quý vị đến Osaka nên thuê chỗ ở gần khu phố này vì, hàng quán đồ ăn phong phú, phố đêm nhộn nhịp & từ khu phố này đến các trạm xe lửa chính cũng không xa.


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

8/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.