Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Nhật Hàn Du Ký 7

3) Tokyo - Chơi & Ăn (tiếp theo)


b) Hoàng Cung (Imperial Palace (皇居, Kōkyo)

Đã đến Tokyo quý vị cũng nên ghé thăm Hoàng cung, nơi Hoàng gia Nhật cư ngụ vì đây là một biểu tượng của Tokyo nói riêng & của nước Nhật nói chung.  Hoàng cung nằm cách ga xe lửa trung tâm Tokyo (M17) chừng 10 phút đi bộ. Xung quanh ga Tokyo có rất nhiều building cao tầng nhưng có lẽ là khu văn phòng nên không nhộn nhịp bằng những khu phố khác ở Tokyo.



Hoàng cung có hai khu ngoài và trong, chỉ cần băng qua chiếc cầu Nijubashi quý vị đã có thể vào vòng ngoài của Hoàng cung, khu này du khách có thể viếng thăm bất cứ ngày nào trong năm. Tuy nhiên muốn vào khu trong quý vị phải đến đây vào những ngày từ Thứ 3 đến Thứ 7 trong tuần (trừ ngày 2 tháng Giêng là ngày Năm mới & ngày 23 tháng Chạp - ngày sinh nhật của Nhật Hoàng). Hoàng cung đóng cửa vào ngày Chủ Nhật & Thứ 2 hàng tuần.  LN vì không biết đã đến đây vào ngày Chủ Nhật nên chỉ có thể dạo ở khu ngoài tuy nhiên những cảnh nhìn ở khu ngoài cũng rất đáng chiêm ngưỡng.  Tuy là ngày Chủ Nhật nhưng du khách vẫn đến thăm khu ngoài Hoàng cung nườm nượp.

Kiến trúc Hoàng cung giống như các thành quách ngày xưa của Á Châu, kiểu thành cao hào sâu để dễ thủ khó công.  Đường vào các cổng thành thường có cây cầu, bức tường ở đây được xây bằng đá rất cao và vững chắc. So với cổ thành nhà Nguyễn ở Huế hiện thời thì Hoàng cung của Nhật lớn hơn & đẹp hơn rất nhiều, tuy nhiên theo LN thì Hoàng cung ở Tokyo không lớn bằng những lâu đài ở Osaka (Osaka Castle - LN sẽ đề cập sau).



Theo hướng dẫn thì quý vị có thể đặt tour trước qua những đại lý du lịch để viếng Hoàng cung từ 10 giờ sáng đến 1 giờ 30 chiều, nhưng nếu quý vị không đặt tour trước cũng vẫn có thể mua vé tại cổng.


Tưởng cũng nên lướt qua vài chi tiết lịch sử về Hoàng cung.  Địa điểm Hoàng cung hiện thời, xưa kia từng là nơi tọa lạc của lâu đài Edo của dòng họ nhà Tokugawa thống trị Nhật Bản từ năm 1603 đến 1867. Năm 1868, nhà Tokugawa bị lật đổ, kinh đô được dời từ Kyoto đến Tokyo. Hoàng cung được xây cất xong vào năm 1888, Hoàng cung đã từng bị tàn phá trong chiến tranh thế giới thứ II, và đã được xây lại sau này theo kiểu mẫu nguyên thuỷ.

Toàn bộ diện tích khu Hoàng cung rộng khoảng 3.4 cây số vuông (km2).  Trong thập niên 80 ở thế kỷ trước, thời cực thịnh của thị trường bất động sản ở Nhật, khu này được đánh giá có giá trị bằng tất cả các bất động sản ở California gọp lại .

Khu vườn phía đông Hoàng cung được trồng nhiều cây thông thấp, những cây thông này không quá cao & trông rất giống kiểu bonzai.  Không hiểu giống thông này là tự nhiên hay bởi kỹ thuật trồng của người Nhật.


c) Đền Nikko Toshogu (Toshogu Shrine - 東照宮, Tōshōgū)

Một trong những ngôi đền lớn nhất & có kiến trúc sặc sỡ nhất ở Tokyo, nơi yên nghỉ cuối cùng của vua Tokugawa Ieyasu, người lập nên nhà Tokugawa thống trị Nhật Bản trên 250 năm cho đến năm 1868.  Đền thờ vua Ieyasu được xây tại Toshogu như một lăng mộ.  Đến khoảng giữa những thập niên 1600s, cháu nội của vua Ieyasu là Iemitsu đã xây thêm & mở rộng khu quần thể ngôi đền như chúng ta thấy hiện nay.

Ngôi đền được trang trí lộng lẫy bao gồm hơn mười quần thể kiến trúc được bao bọc bởi một khu vườn thật đẹp. Có vô số những tác phẩm điêu khắc gỗ, nhiều chỗ trong đền được sơn son thiếp vàng theo một kiểu cách độc nhất vô nhị.


Khi đến khu đền này chúng ta có thể nhận thấy một sự kết hợp những kiến trúc giữa Đền (thờ cổ) và Chùa (Phật Giáo). Theo lịch sử, sự kết hợp giữa Đền & Chùa ở những nơi thờ phượng rất phổ biến thời xưa ở Nhật Bản, cho đến thời Meiji khi Đền & Chùa được tách ra.  Khắp nước Nhật thời đó những kiến trúc Phật Giáo được tách ra khỏi những ngôi Đền và ngược lại. Tuy nhiên tại khu đền Toshogu sự kết hợp của hai kiến trúc vẫn tồn tại bởi việc tách rời hai kiến trúc này đã không thật sự được hoàn thành.

Năm 2007, một số kiến trúc trong khu đền Toshogu được trùng tu, nổi bật nhất là sự trùng tu của cổng đền Yomeimon một trong những kiến trúc hoa văn bật nhất ở Nhật.

Một phong tục thú vị ở những ngôi đền ở Nhật là trong sân đền thường có một "giếng nước nổi" chỗ có vòi chảy nước vào một chậu bằng đá, một vài gáo nước được để bên cạnh, và những người viếng đền khấn vái một điều gì đó sau đó múc một gáo nước ngậm vào miệng (hình như) uống một ít còn lại thì nhổ ra bên cạnh ...



Ngôi đền chính là nơi cầu nguyện, đây là đền thờ hương hồn vua Ieyasu cùng hai vị có ảnh hưởng sâu đậm nhất trong lịch sử Nhật Bản đó là Toyotomi Hideyosi và Minamoto Yoritomo.  Đường vào khu đền hai bên là những tiệm bán đồ lưu niệm & đồ ăn uống cho du khách trông rất nhộn nhịp ...

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

08/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.