Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Lịch sử HÀN LÂM VIỆN ở nước ta và ở Pháp quốc

Lịch sử HÀN LÂM VIỆN ở nước ta và ở Pháp quốc
 
 
HÀN LÂM VIỆN Ở NƯỚC TA
 
Trước hết xin có vài hàng giải thích ba chữ Hàn Lâm Viện. Đây là một danh từ kép Hán Việt thuộc thể loại Văn học. Theo Từ Nguyên, HÀN là chữ được dùng để chỉ một giống gà có lông đỏ do người nước Thục cống nạp cho Chu Thanh Vương; giống gà này còn được gọi là Cẩm Kê (gà lông gấm). Theo Từ Hải (từ điển) Hàn có nghĩa là lông gà hay bất cứ loài cầm nào dai và cứng.
Ngày trước, khi bút viết chưa được sáng chế, người Tàu dùng lông gà, lông chim để làm bút viết cho tới khi bút viết được phát minh. Do đó Hàn Lâm nghĩa đen là rừng lông, tức là rừng bút, còn nghĩa bóng là rừng văn học, nhưng danh từ Hàn lâm viện hiểu theo nghĩa là viện coi và chuyên về văn học thì mãi tới đời Đường mới xuất hiện ở Trung Quốc và tới đời Lý mới có ở nước ta.
 
Từ đời Lý, Việt Nam đã có Hàn lâm viện.
 
Năm Bính Dần (1086), vua Lý Nhân Tông mở khoa thi tuyển những người có văn học vào Hàn lâm viện; khoa thi này Mạc Hiển Tích đỗ đầu và được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.
Đời Trần (1225-1400) có đặt thêm chức Hàn lâm thừa chỉ, là một chức vụ rất quan trọng, thường do Thái sư kiêm nhiệm. Dưới đời Trần Nhân Tông, Thái sư Đinh Củng được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ, kiêm Nội Mật Viên, chuyên việc soạn chiếu thư. Dưới các triều vua kế tiếp, các quan Hàn Lâm đều là những bực văn học danh nho như Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Hồ Tôn Thốc, trước sau đều đảm nhiệm chức Hàn lâm.
Dưới đời Lê (1418-1789) Hàn lâm viện có những chức như: Phụng chỉ học sĩ, Thị độc, Thị giảng, Trực học sĩ, v.v. Sau có thêm chức Đại học sĩ để chỉ quan Viện trưởng.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) định lại Viện Hàn lâm, bãi chức Đại học sĩ và đặt những chức Thừa chỉ, Thị giảng, Thị độc, Thị thư, Đãi chế, Hiệu lý, Tu soạn, Kiểm thảo, v.v.
Đời Lê Trung Hưng (vua Lê, chúa Trịnh) vẫn giữ nguyên như vậy không thay đổi gì.
Tới triều Nguyễn, vua Thánh Tổ (Minh Mạng) quy định lại danh hiệu và phẩm trật các quan trong Viện Hàn lâm như sau:
Chánh tam phẩm: Chưởng viện học sĩ, Trực học sĩ
Chánh tứ phẩm: Thị độc học sĩ
Tòng tứ phẩm: Thị giảng học sĩ
Chánh ngũ phẩm: Hàn lâm viện thị độc
Tòng ngũ phẩm: Hàn lâm viện thị giảng, Thừa chỉ
Chánh lục phẩm: Hàn lâm viện trước tác
Tòng lục phẩm: Hàn lâm viện tu soạn
Chánh thất phẩm: Hàn lâm viện biên tu
Tòng thất phẩm: Hàn lâm viện kiểm thảo
Chánh bát phẩm: Hàn lâm viện điển tịch (sau đổi là kiểm tịch)
Tòng bát phẩm: Hàn lâm viện điển bạ (sau đổi là kiểm bạ)
Chánh cửu phẩm: Hàn lâm viện cung phụng
Tòng cửu phẩm: Hàn lâm viện đãi chiếu
Lương bổng nhà vua định từ chánh tam phẩm mỗi năm tiền 150 quan, gạo 120 phương, tiền xuân phúc 20 quan, rút dần xuống cho tới tòng cửu phẩm mỗi năm 18 quan tiền lương, 16 phương gạo và tiền xuân phúc 4 quan
 
(Tài liệu của Lê Văn Hoè).
 
CÁC HÀN LÂM VIỆN Ở PHÁP QUỐC
 
Trước khi nhắc tới các Hàn lâm viện, ta nên biết nguồn gốc từ “Académie” (Hàn lâm viện) là như thế nào:
Hồi thế kỷ thứ V, ở cách thành phố Athenes (Nhã Điển) khoảng 2 cây số ở phía Tây Bắc có một khu đất mang tên một vị anh hùng ở địa phương là Akadémos. Sau đó khu đất này được một người tên là Hipparque le Pisistratides xây thành một sân vận động. Nhà hiền triết Platon ngày ngày thường tới đây để giảng dạy cho các đệ tử của ông. Do đó về sau học phái và học thuyết (Platonisme) của ông được gọi là Akadèmos, Akadémus, hay Académie. Sau này, khi được dùng một cách rộng nghĩa ra, từ Académie chỉ một đoàn thể văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ nào có tổ chức.
Hàn lâm viện hay Académie đầu tiên ở Pháp là Hàn lâm viện Âm nhạc và Thi ca được thành lập năm 1570 bởi vua Charles IX và do một người tên là Antoine de Baif cầm đầu. Nơi tụ họp là tại một ngôi trường tên là Boncourt (hiện nay là phố Descartes – Paris).
Sau khi vua Charles IX qua đời vào năm 1574, Hàn lâm viện này được thay thế bởi Hàn lâm viện Cung Đình (Académie du Palais) và đặt trụ sở ở ngay triều đình của vua Henri III, ở trong điện Louvre. Người đứng đầu là Guy de Pibrac (1529-84), và đặc biệt là Hàn lâm viện này có nhiều thành viên là các bà, trong đó có hai nữ thành viên nổi bật là bà Thống chế De Retzs và bà De Lignerolles. Hàn lâm viện này bị giải thể vào năm 1589 khi Henri III qua đời. Năm 1663 Tiểu Hàn lâm viện (Petite Académie) được thành lập và là tiền thân của Hàn lâm viện Khảo cổ (Académie des Inscriptions et belle lettres). Nhưng trước đó mấy chục năm, vào năm 1635, Hàn lâm viện Pháp quốc, tức là Hàn lâm viện quan trọng nhất, lừng danh khắp hoàn cầu, mà tinh thần gần nhất với nước ta và nước Tàu ngày xưa, vì bản thân nó là một Viện Hàn lâm chuyên về mặt văn học. Ngoài ra còn có Hàn lâm viện Khoa học (Académie des Sciences) và Hàn lâm viện Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts) được thành lập năm 1795.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin nói về Hàn lâm viện Pháp quốc (Académie Française).
Thoạt kỳ thuỷ Hàn lâm viện này chỉ là một cuộc tụ họp thân mật của một số bạn thân gồm có Boisrobert, linh mục de Cérizy, Chapelain, Desmarets, Godeau, Gombauld, Giry, Habert, Malleville và de Cérizy em. Những người này mỗi tuần gặp nhau một hai lần tại nhà của Valentin Conrart (1603-75) là một bí thư của nhà vua và là một học giả Tin lành, ở phố St. Martin. Họ họp nhau thảo luận, bàn cãi về đủ thứ vấn đề, văn học, khoa học, công, tư, thời sự v.v. Vào năm 1663, Boisrobert, một thành viên trong nhóm là bí thư của Hồng Y Giáo Chủ Richelieu, đã giới thiệu nhóm này với Giáo Chủ. Ông này, vốn tính đa nghi, đã vội vã đưa nhóm này vào một tổ chức do mình bảo trợ để tiện đường kiểm soát. Số thành viên tăng từ chín thành mười hai, rồi từ mười hai lên ba mươi tư người. Một cuộc họp đầu tiên gồm toàn bộ các thành viên của tổ chức mới này được triệu tập vào ngày 13 tháng 3 năm 1634 – và một tuần lễ sau, vào ngày lịch sử 20 tháng 3 năm 1634, tổ chức này chính thức lấy tên là Hàn lâm viện Pháp quốc. Ngày 29 tháng Giêng năm 1635, vua Louis thứ XIII ban ngự chỉ chính thức công nhận tổ chức và Giáo chủ Richelieu trở thành người bảo trợ chính thức của Hàn lâm viện.
Tới năm 1639 số hội viên tăng lên thành 40 người, và đó là con số căn bản được duy trì cho tới ngày nay, chỉ khi nào có một hội viên nào qua đời thì mới được bầu người khác thay thế.
Bản điều lệ thảo năm 1635 được Hồng Y Giáo Chủ Richelieu duyệt y ngay. Nhiệm vụ Hồng Y Richelieu giao cho Hàn lâm viện là, với tư cách một cơ quan văn học, đứng ra thống nhất và ấn định từ ngữ trong nước, và để đạt mục tiêu đó Hàn lâm viện phải soạn một bộ Tự điển, một bộ Tu từ học, một bộ Thi học và một bộ văn phạm.
Tới nay bộ Tự điển và bộ Văn phạm của Hàn lâm viện Pháp đã được soạn thảo.
Về bộ Tự điển, ấn bản đầu tiên đã được trình lên vua Louis XIV ngày 24 tháng 8 năm 1693 (59 năm sau ngày thành lập), 2 tập, do các đồng tác giả như Chapelain, Vaugelas, Mezeray và Regnier Desmarais, gồm 18,000 từ sắp xếp theo ngữ căn. Ấn bản thứ nhì được đệ trình lên Louis XV ngày 28 tháng 6 năm 1718, cũng hai tập, trong ấn bản này thứ tự theo bản chữ cái đã được áp dụng. Ấn bản thứ ba được đệ trình ngày 8 tháng 9 năm 1740, cũng in làm hai tập và trong ấn bản này việc sử dụng các trọng âm đã được khái quát hoá. Ấn bản thứ tư ra đời ngày 10 tháng 2 năm 1762 cũng hai tập. Ấn bản thứ năm ra đời năm 1798 mang tựa đề mới Tự điển của Hàn lâm viện Pháp, có sửa chữa và bổ sung bởi chính Hàn lâm viện, do Morellet lúc đó làm tổng thư ký thường trực và là người đã kịp cứu thoát được bản thảo trong năm 1793 (thời kỳ Đại khủng bố). Ấn bản thứ sáu lại mang một tựa đề mới: Pháp Quốc Học Viện. Tự điển của Hàn lâm viện Pháp, khoảng 30,000 từ. Ấn bản thứ bảy do nhà xuất bản Firmin-Didot in năm 1878 (có thêm 2500 từ mới). Ấn bản thứ tám ra đời trong khoảng thời gian 1932-35 có khoảng 35,000 từ. Và ngay trong lúc này, bộ tự điển của Hàn lâm viện Pháp dự trù được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1992-2004 sẽ có khoảng 50,000 từ trong đó có 300 từ có gốc từ nước ngoài và 6000 từ mới. Tập đầu tiên (A-Enzyme dưới 17,500 từ) đã được in ấn ở Ấn Quán Quốc Gia vào tháng 11 năm 1992 và được nhà xuất bản Julliard cho ra đời dưới dạng sách bỏ túi bìa mềm. Phần còn lại sẽ được tiếp tục in ra tiếp.
Tuy là bộ tự điển của Hàn lâm viện nhưng hình như giới người tiêu dùng không chuộng nó bằng các từ điển khác của các nhà xuất bản danh tiếng khác như Hachette, Larousse, Robert, v.v.
Về mặt văn phạm thì năm 1932, một cuốn Văn Phạm của Hàn lâm viện Pháp đã được nhà xuất bản Firmin-Didot cho ra đời dầy 254 trang, không mang tên tác giả, nhưng sau người ta được biết tác giả là ông Hàn Abel Hermant soạn chung với một giáo sư trường trung học Buffon tên là Camille Aymonnier (một thạc sĩ không có chân trong Hàn lâm viện). Cuốn sách bị chỉ trích phê phán tơi bời (nhất là bởi Ferdinand Brunot), cuối cùng Hàn lâm viện đã chối bỏ không chịu thừa nhận.
Kể từ khi mới được thành lập, một trong những điều lệ có khoản bắt buộc mọi thành viên phải cung kính tôn trọng đức hạnh của Hồng Y Giáo Chủ Richelieu là người sáng lập. Do đó, mặc dầu ông này đã xoá bỏ điều lệ đó, nhưng khi ông còn sinh thời, thành viên nào khi mới được bầu vào viện cũng phải làm một bài chúc từ khen ngợi, ca tụng đức độ của ngài. Và xuất phát từ thói quen đó, sau này, mỗi thành viên mới được bầu phải làm một chúc từ khen ngợi người mình thay chân trong viện. Sau đó còn phải làm một nhiệm vụ khác là phải cùng đi với ban trị sự của viện để đến chào mừng Tổng thống hay Quốc trưởng.
Năm 1812, đại văn hào Chateaubriand được bầu vào viện, nhưng ông nhất định khước từ không chịu soạn bài diễn văn ca ngợi Chénier, là nhà cách mạng thời Đại Cách Mạng mà ông thế vị; đồng thời, ông cũng không muốn vào bệ kiến Napoléon. Kết quả Hàn lâm viện vẫn nhận Chateaubriand và miễn cho ông không phải đọc bài diễn văn như thường lệ.
Thời quân chủ có khi được bầu vào rồi mà nhà vua không ưng thì cũng không vào được. Như trường hợp của thi sĩ Piron (1689-1770) là một thi sĩ có tài trào lộng và đã nhiều lần làm thơ chế nhạo Hàn lâm viện vì ông chưa được vô viện mặc dù đã ứng cử nhiều lần; nhưng sau ông đắc cử thì lại bị Louis XV không ưng; nhà vua ân tứ cho thi sĩ 1000 quan mỗi năm để bù vào ghế ông Hàn của ông. Quá bực mình, nhà thơ tự viết sẵn hai câu thơ sau đây để ghi trên bia mộ của chính mình:
Ci-git Piron qui ne fut rien pas même académicien.”
(đây là nơi yên Piron yên nghỉ, sinh thời  chẳng làm được gì, ngay cả chức viện sĩ hàn lâm cũng vậy).
Trong lịch sử Hàn lâm viện Pháp, đã có nhiều lúc người ta muốn có những bà Hàn, nhưng phải đợi mãi tới năm 1980 nhà văn nữ Marguerite Yourcenar mới là phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hàn lâm viện Pháp, tiếc rằng bà chỉ ở trong Viện được có 7 năm vì bà sinh năm 1903 và mất năm 1987. Sau khi bà được bầu vào Viện, ông Hàn d’Ormesson đã nói tếu rằng: “từ nay Viện sẽ có hai phòng toa lét, một để là của Quý Ông và một để là của Marguerite Yourcenar. Sau khi Marguerite Yourcenar qua đời, ngày 24 tháng 11 năm 1988, Jacqueline de Romilly (sinh 1913) được bầu vào ghế của André Roussin, và ngày 13 tháng 12 năm 1990, Hélène Carrère d’Encausse (sinh năm 1929) được bầu vào ghế của Jean Mistler.
Năm 1760 D’Alembert muốn đưa người bạn gái của ông là Julie de Lespinasse vào Viện nên đã đề nghị là trên tổng số 40 ghế, nên dành 4 ghế cho phụ nữ, nhưng đề nghị của ông không được chấp thuận. Sau đó Hàn lâm viện có ý định nhường một ghế cho nữ văn sĩ de Genlis nếu bà này chịu từ bỏ không viết một bản tuyên ngôn chống lại các nhà làm Đại Bách Khoa Tự Điển, nhưng nữ văn sĩ này chê không chấp thuận đề nghị trên.
Trong lịch sử Hàn lâm viện đã có những ông Hàn sống rất lâu, và 4 người sống lâu nhất là Fontenelle (99 tuổi và mấy tháng, gần 100 tuổi), Mis De Saint-Aulaire (98 tuổi), tướng Weygand (97 tuổi) và Julien Green cũng 98 tuổi.
Những người chết trẻ nhất là Phillippe Habert (năm 32 tuổi), Duc de la Trémoille (năm 35 tuổi), Montigny (năm 37 tuổi) và Hồng Y De Soubise (năm 39 tuổi).
Trong số các ông Hàn cũng đã có ba ông tự kết liễu đời mình đó là: Auger, tổng thư ký thường trực đã nhảy cầu Des Arts xuống sông Seine ngày 2 tháng 1 năm 1829, Prevost-Paradol tự vẫn ngày 11 tháng 7 năm 1870 và gần đây văn sĩ Montherland đã tự kết liễu đời mình ngày 21 tháng 9 năm 1972.
Cũng trong lịch sử Hàn lâm viện Pháp, đã có những ông Hàn bị tống ra khỏi cửa Hàn lâm viện, tuy rằng những trường hợp này rất hiếm. Dưới chế độ Quân Chủ có ba người bị đuổi ra: Auger de Mauléon de Granier (14-5-1636) vì đã lừa gạt tiền của một tu viện. Furetière bị đuổi ra ngày 22-1-1685 vì đã cho ấn hành một cuốn tự điển sài rất nhiều tài liệu của cuốn tự điển của Hàn lâm viện. Linh mục de St. Pierre bị đuổi ra năm 1718 vì đã đả phá công việc cai trị của Louis XIV trong một tác phẩm của ông. Thời Đế chế được tái lập năm 1816 có 11 người bị đuổi khỏi Hàn lâm viện là các ông Hàn: Sieyès, Merlin de Douai, Lucien Bonaparte, Cambacérès, Hồng Y Maury, Maret, Regnault de St. Jean d’Angély, Arnault, Garat, Roederer, Étienne, những người này được thay thế bởi 9 ông Hàn do nhà vua chỉ định.
Gần đây, dưới thời Đệ tứ Cộng hoà, có 4 ông Hàn rất nổi tiếng bị đưa ra, đó là: Abel Bonnard, Tổng Trưởng Giáo Dục trong chính phủ Vichy thân Đức, bị tử hình năm 1968. Abel Hermant, nhà báo thân Đức và cộng tác với Đức, bị đuổi ra năm 1944, bị bỏ tù và mất năm 1950. Charles Maurras, bị tù chung thân và chết năm 1952 và cuối cùng là Thống chế Pétain bị kết án tử hình năm 1945 và qua đời năm 1952.
Trên đây là một số thông tin về Hàn lâm viện Pháp, còn ở nước Việt Nam chúng ta, bao giờ thì chúng ta có Hàn lâm viện đây? Xin hãy chờ xem.
 
Vũ Anh Tuấn
 
 
-Tổng hợp từ một số tài liệu của Lê Văn Hoè, Tiểu sử
- Sách “Au bonheur des mots” và sách “Quid Year 2000”.
 
Nhà văn Lê Văn Hoè, bút danh là Lê Văn Hạc, sinh ngày 1-11-1911, quê làng Mỗ Xá, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, đang học tại trường Trung học Albert Sarraut, ông tham gia bãi khóa nhân lễ truy điệu Phan Châu Trinh nên bị đuổi học. Từ đó ông tự học và trở nên một nhà báo, nhà nghiên cứu có khả năng thời đó. Có lúc ông làm chủ bút tờ Ngọ Báo, và trợ bút các tờ Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân, Thanh Nghị, Quốc Gia... (Hà Nội) chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam và triết học Trung Quốc.
 
Sau năm 1945, ông tham gia các hoạt động văn hóa và xã hội trong Hội Văn hóa cứu quốc. Sau năm 1954, ông trở lại dạy học tại các trường Trung học ở miền Bắc.
 
Ông mất ngày 13-12-1968 tại Hà Nội, thọ 67 tuổi.
Tác phẩm
-         Quốc sử đính ngoa (1941)
-         Thi nghệ (1941)
-         Thi thoại (1942)
-         Tầm nguyên tự điển (1942)
-         Khổng tử học thuyết (1943)
-         Học thuyết Mặc tử (1942)
-         Tìm hiểu tiếng Việt (1952)
-         Tự vị chính tả (1953)
-         Những bài học lịch sử, 5 tập (1953)
-         Truyện Kiều chú giải (1952)
-         Cung oán chú giải (1954)
-         Triết lí Truyện Kiều (1954)... và nhiều tác phẩm khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.