Nguyễn Xuân Nghĩa
Lang trán thì nuôi lang đuôi thì bán! Mà bán cho ai?...
Nhà Phật có bốn phạm trú "từ-bi-hỉ-xả" để giải trừ bốn phiền não là sân hận, ganh ghét, buồn bực và ham muốn. Trong bốn phạm trú - bốn cái tâm vô lượng của đức Phật - có chữ "hỉ", tiếng Phạn gọi là "Mudita", là niềm vui đến từ hạnh phúc của người khác. Người Đức thì có một khái niệm trái ngược, là "Schadenfreude" - niềm vui đến từ nỗi khổ đau của người khác.
Trong tháng qua, khi thấy chính trường Hoa Kỳ nổi sóng về chuyện ngân sách, cái tâm của Thiên triều Trung Quốc lại nghiêng về Đức hơn là về Phật!
Với chữ "xả" trong lòng, người viết xin hoan hỉ biện hộ cho lãnh đạo Bắc Kinh: rằng họ mừng khi thấy Mỹ hoạn nạn không do tánh sân hận ganh ghét. Họ mừng là nhờ đó mà ít ai chú ý đến Thiên triều!
Khởi đầu là cái "tầu sân bay" Varyag được đặt tên lại là Thi Lang, kế tiếp là tai nạn của hai chuyến tầu cao tốc tại thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang ngày 23 tháng trước, xa xa hơn nữa là đất Tân Cương mù khói, ở giữa là cái đập Tam Hiệp mai này sẽ ra sao, thì có trời biết khi nó sẽ giáng họa.
Về hàng không mẫu hạm Thi Lang, người viết có hai bài "Thi Lang Thang" rồi "Thi Lang Bang" đã được giới thiệu lại trên Dainamax Magazine (www.dainamax.org) là nên sẽ... qua đầu Thi Lang mà nói về siêu kỹ thuật Trung Quốc.
Đầu tiên là về cái tựa, "Lang đầu" chỉ là cách gọi văn hoa về... cái búa. Nhưng cái búa của Trung Quốc có lẽ hơi giống võ khí của anh chàng bán muối Trình Giảo Kim trong Thuyết Đường. Nghĩa là Trung Quốc cũng thi hươi búa.
Giáng ba cái mà không xong là học theo họ Trình mà bỏ chạy....
Đó là về bối cảnh.
***
Về nội dung thì sau khi úp úp mở mở, cuối Tháng Bảy vừa qua, Bắc Kinh cho báo chí của mình xác nhận chuyện ai cũng biết là họ đã mua hàng không mẫu hạm Varyag của Ukraine về làm tầu sân bay Thi Lang. Thi Lang là tên một viên Đô đốc đời Minh đã lập công với triều Mãn Thanh để "hồi quy cố quốc" cái đảo Đài Loan.
Không kịp hạ thủy và chạy thử ngày mừng 90 năm thành lập đảng Cộng sản vào mùng một Tháng Bảy, cuối tháng, Bắc Kinh cho biết là họ dùng Thi Lang làm nơi huấn luyện việc sử dụng hàng không mẫu hạm. Y như cái tầu lù lù trong quân cảng Đại Liên của tỉnh Ninh Hạ - lù lù dưới tầm nhìn của các vệ tinh trong gần chục năm - chi tiết ấy cũng chẳng là một bí mật gì ghê gớm.
Ghê gớm là cách Bắc Kinh thông báo việc mình gia nhập câu lạc bộ vỏn vẹn có chín quốc gia đang có hai chục hàng không mẫu hạm! Ghê gớm qua sự mập mờ để vừa che giấu nhược điểm kỹ thuật vừa hù hoạ các nước yếu bóng vía ở chung quanh. Từ nay đại dương sẽ nổi sóng cho mà xem!
Một mặt, Bắc Kinh hạ thấp tầm quan trọng của Thi Lang - phải mất từ hai đến năm năm nữa thì mới thành một sân huấn luyện cho các phi công và thủy thủ - nghĩa là 10 năm sau khi mua về mà vẫn chưa nên cơm cháo. Mặt kia, khi công khai xác nhận như vậy thì các đấng con trời đỏ muốn thiên hạ suy nghĩ tiếp: chẳng lẽ Trung Quốc lại lạc hậu đến vậy? Nghi quá!
Hay là họ còn bửu bối gì khác mà cố tình che giấu quốc tế? Thiên triều đặt kỳ vọng vào phản ứng đa nghi và những "thuyết âm mưu" của thế giới sau khi đã hung hăng quậy sóng Đông hải từ đầu năm nay.
Nhưng rõ là dày công vẽ vời!
***
Trung Quốc là một cường quốc đại lục nhưng chưa hề là cường quốc hải dương.
Muốn thành một cường quốc có khả năng tung hoành trên biển xanh dương ngoài viễn duyên thì phải làm chủ được vùng biển cận duyên xanh lục đã. Là chuyện chưa xong, dù có hay không có cái búa Thi Lang trong tay. Tầu hải giám loại ngư chính của họ chỉ có thể uy hiếp Việt Nam thôi.
Trong lịch sử và cho đến ngày nay, mối họa xương tủy của Trung Quốc đến từ bên trong lục địa chứ không từ vùng Đông hải. Bất cứ cường quốc nào tấn công và xâm nhập từ biển vào thì chỉ làm chủ được vùng duyên hải và chỉ trong ít lâu thôi. Đế quốc Nhật có biết điều ấy khá trễ và Đại tướng Douglas MacArthur của Hoa Kỳ cũng hiểu như vậy nên trong vụ chiến tranh Triều Tiên ông không chủ trương thả quân vào đánh trận địa chiến trên lục địa.
Ngược lại, Trung Quốc bị tấn công chính là từ bên trong, khiến các dị tộc đã nhiều lần làm chủ Trung nguyên, còn làm Thiên tử ngồi trên đầu Hán tộc.
Sau đó, dù nền văn hóa Trung Hoa có Hán hóa các Hoàng đế Nguyên Mông hay Mãn Thanh thì sự thật vẫn là nỗi lo nỗi nhục cho tộc Hán. Ngay nay cũng thế, sức mạnh quân sự của Trung Quốc là bộ binh và an ninh mật vụ, để hoàn toàn kiểm soát lục địa bên trong.
Vì vậy, chuyện dân chủ, động loạn, Tây Tạng hay Tân Cương mới là điều đáng lo....
Mà cái đất Tân Cương ngoài cõi Thiên San kia nay đã động! Bị đánh bom có tổ chức và chuẩn bị....
***
Nhìn ra ngoài đại dương thì từ mấy ngàn năm nay, lần đầu mà Trung Quốc cần đến thế giới bên ngoài là 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình mở cửa.
Ngày nay, nhu cầu kinh tế khiến xứ này cần giao thương với bên ngoài, nếu không là bên trong sẽ lại bị loạn. Mà cứ lên tầu ra tới bên ngoài là lại sợ bị ai đó điểm huyệt. Vì những ngả thông thương cho việc chuyển vận nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa sinh tử cho cả tỷ người bên trong lại phải qua eo biển. Eo biển Đối Mã, Đài Loan hay Malacca gì thì cũng là tử huyệt.
Nói gì đến những đại dương khác ở chốn xa hơn?
Vốn mắc bệnh tử kỷ ám thị, lại cứ đem bụng dạ kẻ tiểu nhân để đo tâm cơ người quân tử, Thiên triều sợ bị ai đó xiết họng. Ai đó là một lũ rất đông, toàn những quốc gia bán đảo hay hải đảo, kể cả một cường quốc đã có truyền thống hải dương từ mấy trăm năm trước, là Nhật Bản. Hay đầu xỏ ác ôn ngày nay là Hoa Kỳ! Đằng sau còn có bầy lang sói Đại Hàn, Úc hay thậm chí cả Ấn Độ.
Vì vậy mới có kế hoạch xây dựng hải quân được chuẩn bị từ hai chục năm trước. Và vì vậy mới có Thi Lang....
Nhưng chúng ta không nên hiểu lầm Thiên triều, tội nghiệp!
Trung Quốc không thể không biết là phải vài chục năm nữa thì mới có loại hàng không mẫu hạm ra hồn, khi chiến tranh đã lại chuyển sang hình thái khác. Mà Hoa Kỳ đã hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên từ đúng trăm năm trước và hiện vẫn có nhiều hàng không mẫu hạm hơn tổng số các nước còn lại. Nhiều và hiện đại hơn.
Cho nên, việc Thiên triều bành trướng sức mạnh hải quân ra đại dương không nhắm vào thi đua với Mỹ đế nhằm tranh hùng ngoài biển. Cho nên, khi truyền thông quốc tế hốt hoảng về chiếc Thi Lang này thì Bắc Kinh rất mừng!
***
Chứ mục tiêu tối đa của Thiên triều chỉ có thể là kiểm soát được vùng trái độn quân sự ngoài biển xanh lục, trên biển cận duyên, hầu bảo vệ được mấy khúc lưỡi bò ngoài Đông hải thôi. Được vậy mà Hoa Kỳ không nhúc nhích hay Nhật Bản không giật mình thì cũng là vui lắm rồi.
Trong khi ấy, Bắc Kinh vẫn phải đi đường vòng qua Đông Dương đến Miến Điện, Bangladesh hay Pakistan để ra tới Ấn Độ dương hay biển Á Rập. Đường vòng bằng xa lộ, thiết lộ hay xe lửa cao tốc!... Khi ấy, việc phát huy, biểu diễn và rao bán khả năng công nghệ cao cấp là một mục đích chiến lược: gây ấn tượng để lung lạc cách nhìn của thiên hạ.
Nôm na dễ hiểu là để tháu cáy!
Mà đáng sợ thật! Vì Trung Quốc đã phóng lên không gian phi thuyền Thần Châu, vạch ngang mặt đất mạng lưới hỏa xa dài nhất địa cầu, có những chuyến tầu cao tốc nhanh tựa máy bay, hoặc xây đập thủy điện vĩ đại nhất nhân loại, v.v.... Truyền thông quốc tế và bọn con buôn đều nói đến những thành tựu ấy. Làm sao không gây ra ấn tượng về một con rồng vĩ đại có hơn một tỷ nanh vuốt, xưa kia đã phát minh ra thuốc súng, giấy in và máy móc thiên văn khi Âu Châu còn ăn bốc?... Khốn nỗi, họ quên mất nghệ thuật xem bói của người Việt.
Ở câu "lang trán thì nuôi, lang đuôi thì bán!"
***
Thế rồi một buổi chiều, Thiên triều ngẩn ngơ hỏi là sẽ bán mấy của nợ ấy cho ai bây giờ!
Số là khi cái vỏ Thi Lang còn lang bang dọa dẫm thiên hạ thì cái ruột cao tốc lại tanh bành tại Ôn Châu!
Đó là tai nạn giữa hai chuyến tầu tốc hành bị sét đánh nên thành đoàn xe mù, và đâm vào nhau rồi lao xuống vực. Sét đánh nên mất điện, hệ thống thông tin bị cúp khiến chuyến cao tốc D301 thúc vào lưng chuyến D3115 hình như đang bần thần nơi đó vì mất điện!
Mọi sự đều chỉ là hình như thôi.
Như hình như là đã có 39 người thiệt mạng, kể cả hai du khách Mỹ, và gần 200 người bị thương, mà toàn là thành phần trung lưu khá giả nên mới có tiền đi tầu cao tốc. Hình như là do sét đánh mà hình như là không phải! Hình như là do lỗi của cựu Bộ trưởng Hỏa xa (bộ "Thiết Đạo") Lưu Chí Quân bị cách chức từ hôm 12 Tháng Hai đầu năm vì thiếu đạo đức và đã ăn tới cái cạp quần của công nhân.
Nhưng hình như là do trách nhiệm của tân Bộ trường Thịnh Quang Tổ, đã bị tổ trác khi tuyên bố từ lâu rằng mạng lưới thiết lộ cao tốc thiếu an toàn, kể cả trong hệ thống thông tin điện tử! Hình như thôi, chứ bốn ngày trước khi xảy ra tai nạn, ai đó đã cảnh báo là coi chừng bị sét đánh!
Mọi chuyện vẫn chỉ là một chuỗi hình như, chứ hình như không ai biết được sự thật và dù có biết, ai có khả năng công bố? Còn lại, dân đen chỉ còn khả năng biểu tình và than khóc. Hôm 25 vừa qua, gia đình các nạn nhân đã biểu tình tại Ôn Châu để yêu cầu một lời giải thích từ bộ Thiết đạo. Mà vẫn chưa có.
Những người am hiểu văn hoá thần bí Trung Hoa thì nói ngay đến cái điềm!
***
Made in China đầy huê dạng...
Đứng trên những đầu máy cao tốc chạy nhanh hơn Nhật Bản hay Đức hay Pháp, các đấng con trời đang rao bán kỹ thuật Trung Quốc. Thậm chí còn dụ đất California trang bị "bullet train" do Trung Quốc chế tạo. "Made in China" nay đã có danh hiệu quý tộc.
Họ có thể ăn cắp thiết kế mua lại của Kawasaki (Nhật), Siemens (Đức) hay Bombardier (Gia Nã Đại) để có sản phẩm cao tốc gắn nhãn "made in China". Chứ "product of China" thì còn hiếm! Phát minh ra loại hỏa xa cao tốc trên một lãnh thổ đầy núi non và dễ bị động đất, Nhật Bản chưa từng bị tai nạn làm bất cứ một ai bị thương, chứ chưa nói đến tử nạn, trong suốt 47 năm qua. Còn Trung Quốc thì ô hô ai tai!
Chỉ vì xứ này đã ráo riết xây dựng mạng lưới cao tốc như ngày xưa xua dân công lập ra Vạn lý Trường thành. Bi thảm vĩ đại! Vĩ đại vì nhìn thấy từ mặt trăng, bi thảm vì những tốn kém bị chôn vùi ở đưới.
Trong 10 năm qua, khi kinh tế tăng trưởng 10% một năm thì lượng khách leo lên thiết lộ tăng có 5%, so với khách đi máy bay là tăng 15% thì quả là một sự lãng phí khó hiểu. Huồng hồ là xây dựng với tiền đi vay của chùa! Nhưng nhằm nhò gì chuyện ấy vì đấy là "đầu tư"!
Hiện đại hóa Vạn lý Trường thành, các đấng con trời vẽ ra một mạng lưới Vạn lý Thiết đạo - từ 4.576 cây số hiện nay sẽ lên tới ít nhất 25 ngàn cây số vào năm 2020 này! Chu vi của cái hòn bi xanh mà ta gọi là địa cầu chỉ có 40 ngàn cây số thôi. Nhưng con trời thì phải tính cách khác.
Đến khi tai nạn xảy ra tại Ôn Châu thì Ôn Gia Bảo đành thở hắt: "không bền vững"! Như rất nhiều công trình khác của Thiên triều, hiện tượng "lang đuôi" lại tái diễn.
Và giấc mơ bán tầu cao tốc "Made in China" cho thiên hạ bỗng tan theo ngày nắng vội! Với cái bóng đổ dài lên cái vỏ Thi Lang. Trong khi ấy, một con quái vật khác cũng đang cựa mình: đập Tam Hiệp!
Các chuyên gia bên ngoài thì đang đánh cá xem bong bóng địa ốc hay thủy điện Tam Hiệp, cái nào sẽ bục trước? Người viết không dám len vào cõi đó mà cá cược với thiên hạ.
***
Chỉ xin rón rén nêu một vấn đề khác.
Tập trung tài nguyên của quốc dân vào những công trình vĩ đại mà tốn kém ấy, lãnh đạo Bắc Kinh đã chạy đua với cái bóng của chính mình. Nên chạy thục mạng tới những nơi đã thấy nhiều nền kinh tế khác bị tiêu tùng!
Thuần về kinh tế mà nói, không ai có thể vay tiền sản xuất mà mọi sản phẩm biên tế - mỗi món hàng sản xuất thêm - lại làm mình lỗ hơn một chút. Các bạo chúa của Thiên triều đã vét tiền của dân để làm chuyện phù du ấy. Và sau ba chục năm thì đang chất lên một núi nợ, cả trăm thành phố ma, chập chờn dưới những bong bóng ảo, khi nhịp độ sản xuất lại chậm đi mà lạm phát lại tăng.... Rốt cuộc thì tin vào sự khiếp nhược của thiên hạ, Thiên triều đã hươi lên ba búa mà tưởng là bảnh.
Đến khi thở rốc và hạ búa xuống là sẽ bị dân đòi nợ! Thi Lang hỡi Thi Lang....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.