Tháng Tám, 2011 — Lê Mai
Hơn sáu mươi năm qua, thống nhất Đài Loan vẫn luôn luôn là vấn đề hóc búa nhất đối với TQ. Mao Trạch Đông, vào những năm cuối đời có nói, đời tôi chỉ làm hai việc lớn, một là đấu với ngài Tưởng trong mấy mươi năm, đẩy ông ta chạy ra Đài Loan. Đối với việc này lời dị nghị không nhiều, chỉ có vài người lải nhải bên tai tôi muốn thu hồi sớm hòn đảo đó mà thôi. Việc thứ hai là phát động cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, việc này người ủng hộ không nhiều, người phản đối không ít.
Mao – một người suốt đời đấu tranh cho việc thống nhất TQ, lại có “người lải nhải bên tai” mà vì sao đành chịu, không thể thu hồi Đài Loan? Cho đến thời Đặng, TQ mới thu hồi được Hồng Kông, Ma Cao. Thiết kế thiên tài của Đặng – một nước hai chế độ, vốn thiết kế cho việc thu hồi Đài Loan, lại được áp dụng thu hồi Hồng Kông trước. Có thể nói, cả TQ và Hoa Kỳ, trong hơn nửa thế kỷ qua, đã đi những “nước cờ Đài Loan” cực kỳ thần diệu. Chỉ mấy hòn đảo đó thôi, nước Mỹ đã dùng nó để kiềm chế TQ và ngược lại, TQ cũng sử dụng vấn đề Đài Loan để thủ lợi trong chính sách đối với Hoa Kỳ.
Chúng ta cần lưu ý, nước Mỹ từ xưa đến nay chưa bao giờ đi chiếm đất của ai cả. Nhưng vai trò của nước Mỹ thì không ai có thể nghi ngờ. Trên thế giới, xẩy ra bất cứ chuyện gì, người ta đều hỏi, thái độ của nước Mỹ đối với vấn đề này như thế nào? Một đảo quốc nhỏ bé sát nách TQ như Đài Loan, sao hơn nửa thế kỷ mà TQ không thể thu hồi được, đủ biết những tính toán chiến lược toàn cầu bậc thầy của nước Mỹ.
Nhớ lại tháng 4.1949, giải phóng quân TQ với thế mạnh như chẻ tre, mở những cuộc tấn công đòi quét sạch tàn dư của Tưởng Giới Thạch ở phía Nam. Nhưng vào thời điểm ấy, không quân TQ không có mà hải quân cũng rất yếu, không thể khống chế vùng biển và hải đảo, đành bó tay vô kế khả thi. Tưởng Giới Thạch nhận thấy rất rõ điểm yếu này nên đã nhanh chóng dời đại bản doanh của mình sang Đài Loan. Thế nhưng, Mao lại nghĩ, quân giải phóng từng cơm nắm, súng trường, đánh bại quân Tưởng được Mỹ trang bị vũ khí tận răng, cho dù không có không quân và hải quân, chỉ cần bộ binh và thuyền đánh cá cũng chiếm được Đài Loan. Vào tháng 11, hai cuộc tấn công đổ bộ lên đảo ven biển Triết Giang và đảo Kim Môn ven biển Phúc Kiến thảm bại. TQ nhận được một bài học máu trong trận Kim Môn, tổn thất hơn 9.000 người. “Chúng ta nhất định phải xây dựng Hải quân lớn mạnh” – Mao Trạch Đông cảm khái một cách sâu nặng.
Ngay sau đó, TQ cử Lưu Thiếu Kỳ đi thăm Liên Xô, trình bày với Xtalin dự định tấn công Đài Loan năm 1950. Lưu đề nghị Liên Xô cung cấp cho TQ 200 máy bay, cử người huấn luyện phi công. Xtalin nhanh chóng nhận lời, song nêu rõ, nếu làm như vậy, ắt dẫn đến nguy cơ can thiệp của nước Mỹ, dẫn đến cuộc xung đột Xô – Mỹ. Xtalin rất sợ xẩy ra chiến tranh với Mỹ.
Mao lại đích thân sang Liên Xô, ông ta mềm mỏng đề nghị với Xtalin, Quốc dân đảng được chi viện đã thiết lập các căn cứ không quân, hải quân. Không có không quân và hải quân khiến cho việc đánh chiếm Đài Loan của giải phóng quân vô cùng khó khăn. Trước tình thế như vậy, chúng tôi rất lo ngại, muốn đề nghị Liên Xô viện trợ, chẳng hạn cử phi công tình nguyện hoặc cho các hạm đội bí mật cùng phối hợp đánh chiếm Đài Loan.
Xtalin tính toán, nếu sử dụng tàu ngầm và phi công tình nguyện giúp TQ tác chiến trên biển, nhất định Mỹ sẽ phát hiện, điều này nguy hiểm khôn lường. Ông nhắc Mao hiệp định Giacácta mà Liên Xô đã ký kết với Mỹ. Phá bỏ hiệp ước đó trong tình hình hiện nay không phải là điều sáng suốt. Liên Xô đề nghị, trước tiên hãy sử dụng các phương pháp như cho quân nhảy dù đổ bộ vào Đài Loan, tổ chức bạo động sau đó hãy tiến công có được không?
Đúng lúc Mao đang như ngồi phải tảng băng ở Mátxcơva thì một sự kiện xẩy ra, làm thay đổi thái độ của Xtalin. Đó là đầu tháng 1.1950, Mỹ tuyên bố, trước mắt, nước Mỹ không thiết lập căn cứ quân sự trên đất Đài Loan và vành đai an toàn của Mỹ không bao gồm Đài Loan và Nam Triều Tiên. Thế là, Xtalin đồng ý để Mao chuẩn bị các điều kiện tấn công Đài Loan, đồng thời viện trợ cho TQ 3 triệu đô la, một nửa trong số đó dùng để mua các trang thiết bị hải quân cần thiết cho cuộc tấn công Đài Loan.
Chỉ có điều Mao không ngờ tới là Xtalin đã đồng ý việc thống nhất Triều Tiên trước với Kim Nhật Thành. Ngày 25.6.1950, cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ. Tổng thống Mỹ Truman ra lệnh cho Hạm đội 7 ngăn cản bất kỳ một cuộc tấn công nào vào Đài Loan.
Mao bất mãn đến cực độ. Mao cho rằng, quyết định về chiến tranh Triều Tiên của Xtalin là một sai lầm lớn, sai một trăm phần trăm! Mao kịch liệt phản đối hành động của Mỹ, kêu gọi đánh bại bất cứ sự khiêu khích nào của chủ nghĩa đế quốc. Tuy vậy, TQ không thể không thừa nhận, họ chưa đủ khả năng giao chiến với Mỹ trên biển. Kế hoạch đánh chiếm Đài Loan của TQ bắt buộc phải dừng lại, vì yếu tố Hoa Kỳ.
Tất nhiên, TQ chưa dừng lại ở đó. Các cuộc tấn công, phong tỏa eo biển Đài Loan của TQ những năm 1954, 1958 cho đến những năm sáu mươi đều không đem lại kết quả như ý muốn. Điều rất rõ ràng, vai trò của Hoa Kỳ trong những cuộc tấn công và phong tỏa eo biển Đài Loan là rất lớn.
Lịch sử cuộc chiến eo biển Đài Loan cũng cho chúng ta thấy sự hạn chế về sức mạnh trên biển của TQ. Mặt khác, hiển nhiên vai trò của nước Mỹ trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay là không thể xem nhẹ. Nước nào xem nhẹ vai trò của nước Mỹ, nước đó sẽ thất bại – lịch sử nhắc nhở chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.