Philato
Tôi có hai người chị sinh đôi, bố tôi đặt tên cho các chị là Nư và Nữ. Thường thì những cặp sinh đôi rất giống nhau, xinh xắn duyên dáng nên cả hai tới tuổi thập-tam mà đã có nhiều chàng ngấp nghé, tới độ trăng tròn thì có người mang trầu cau đến đặt cọc và vừa 18 thì hai ông lính đến rước các “nàng về dinh”. Ông TQLC đón nàng Nư về Cửu Long trại, ông Hải Quân thì đem nàng còn lại về trại Nguyễn Văn Nho*, cả hai dinh cơ này đều thuộc Thị Nghè phường, Sài Gòn Phố. Xem ra như vậy thì cái số của hai chị tôi giống nhau, vì cùng một trứng chia đôi, khóc óe chào đời trước sau cách nhau hai ba phút. Nếu sau này số phận có khác là do ngôi sao của phu quân chiếu mạng. Và quả như thế, cả hai bà nay đang độ tuổi xuân già “như chuối chín cây” 75, hai bà ở hai phương trời Đông Tây, tuy cùng một cuộc đời về già nhưng hai hình ảnh khác biệt.
Chồng chị Nư là lính tổng trừ bị TQLC nên đi hành quân quanh năm suốt tháng khắp bốn vùng chiến thuật, từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, lâu lâu được vài ngày phép kể cả hai ngày đi đường. Vì về phép bất ngờ thì làm sao biết đường tính sổ, làm sao tính O-gi-nô? Thôi thì “mackeno” nên 7 lần anh về phép là chị tôi đẻ 7 lần, 3 trai, 4 gái. Kể từ sau trận Hạ Lào Lam Sơn 719 năm 1971, lính tổng trừ bị TQLC thành địa phương quân đóng đồn giữ đất vùng địa đầu giới tuyến, một lối sử dụng quân hoang phí, sai nguyên tắc. Chồng thì quanh năm ngủ động Chó, động Toán, động Ông Đô, núi Bá Hô, nếu có nhẩy dù vài ba tiếng thì vào Huế, xuống đò sông Hương hò ‘mái nhì”. Còn chị tôi, “mái nhất”, thì vò võ năm canh, vừa làm mẹ vừa làm cha, làm thầy săn sóc dạy dỗ đàn con, vì lương lính tính liền, anh không gửi tiền về thì chị tôi phải phải tự mưu sinh.
Thấy mẹ vất vả nặng gánh gia đình nên hai thằng con đành bỏ học đăng lính. Tưởng giúp mẹ một tay nhưng đâu ngờ càng làm mẹ khốn khổ. Con trưởng Vũ Văn Tuấn theo gương bố tình nguyện về TĐ.4/TQLC Kình Ngư và chết mất xác tại Quảng Trị năm 1972! Thằng thứ hai, Vũ Văn Hùng, chưa đủ tuổi 18 nhưng lấy trộm giấy khai sinh của bạn để nối nghiệp anh về TĐ.5/TQLC Hắc Long và rồi cũng mất xác tại bãi biển Thuận An, pháp trường cát, vào ngày 26/3/1975.
Chỉ ba ngày sau, lúc 7 giờ sáng ngày 29/3/1975, tôi và anh rể, bố Tuấn Hùng, còn vẫy tay chào nhau tại bãi biển Non Nước Đà Nẵng, tôi thuộc P3/BTL bơi ra tàu trước, còn anh, TĐ.2/TQLC Trâu Điên thì ở lại đi sau. Nhưng cho tới nay gia đình không biết anh phiêu bạt giang hồ phương trời nào? Có phần chắc anh là một trong số những bộ xương mà dân địa phương thỉnh thoảng nhặt được trên bãi cát. Họa vô đơn chí, con nằm ở Thuận An, bố nằm ở Non Nước, Huế Đà Nẵng đâu có bao xa mà sao không biết nhau? Thôi thì cha con cùng trùng phùng chốn bình yên!
Mới đây, tháng 7/2010, một số đồng đội cũ ở trong nước trở lại thăm chiến trường Thuận An xưa thì được dân địa phương trao cho các anh một mớ xương cùng 7 cái thẻ bài. Thẻ bài là một miếng inox ghi họ và tên, số quân, loại máu mà bất cứ một quân nhân nào cũng phải có... Theo danh sách thì không có tên Hùng. Trong bài tạp ghi “Không Một Nấm Mồ” trên báo NV ngày 6/11, nhà văn Huy Phương cho biết đồng bào thôn An Dương, quận Phú Vang, Thừa Thiên đã vừa giúp cải táng và xây lăng mộ cho 132 quân nhân VNCH đã bỏ mình trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3/75.
Ngoài nấm mồ tập thể của 132 quân nhân đã được đồng bào địa phương cải táng thì còn bao nhiêu nữa? Nhiều lắm, các anh vẫn “tắm” phơi xương trên bãi cát, những hồn-hoang vẫn dạo chơi buổi hoàng-hôn trên bờ biển. Bản tin đồng bào trong nước cải táng nấm mồ tập thể, trong đó chắc chắn có rất nhiều anh em TQLC, đã làm xúc động nhiều trái tim, nhất là đối với những người có chồng con còn nằm lại nơi đó, những pháp trường cát Thuận An, Non Nước, Mỹ Khê v.v.. Nhưng trong số những trái tim xúc động đó không có chị Nư tôi, dù cả chồng lẫn con còn ở đó, vì chị không còn trí nhớ. Chả biết chị điên hay “en-giai-mơ”? Chắc là điên vì người nghèo trong nước nào biết en-giai-mơ là gì đâu!
Chị Nư tôi, một người vợ lính, mẹ lính, sống trong hoàn cảnh chồng con đã trả nợ tổ quốc xong xuôi thì khó mà bình thản, dẫu cho mình đồng da sắt thì cũng phải han rỉ. Với lý lịch gia đình “ngụy quân” như thế thì những đứa con còn lại cũng sống thanh bạch, dẫu có thương mẹ thì cũng chỉ có hai bàn tay chai đá sần sùi, và chị tôi đang sống những ngày cuối đời trong vô tư và không bệnh hoạn. Mỗi lần gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏe chị thì các cháu trả lời:
- Mẹ cháu vẫn mạnh khỏe cậu ơi.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên, hỏi lại thì các cháu tâm sự rằng “người nghèo không dám bệnh”. Nghe cháu than tôi tưởng là chuyện đùa, nhưng tôi vừa đọc trên trang báo điện tử trong nước VnExpress ngày 7/12/2010 có bài viết “người nghèo không dám ốm” thì mới biết các cháu tôi nói thật. Chị Nư tôi không có bệnh gì cả, không cao mỡ cao máu, không đái dường, không co-lét-tê-rôn, lục phủ ngũ tạng đều không có vấn đề, vì có đi khám bệnh bao giờ đâu mà biết. Có điều dễ nhận thấy là thân xác chị như thanh củi khô vì đói ăn, gọi văn hoa là suy dinh dưỡng. Hình ảnh chị Nư tôi là tượng trưng cho tất cả các bà quả phụ chế độ cũ đang sống trong chế độ mới, một cuộc đời khó ai mà tưởng tượng nổi.
Trong khi đó người em sinh đôi thì lại là một hình ảnh khác, nhờ ngôi sao mỏ neo của chồng là Hải Quân chiếu mạng nên đời chị Nữ cứ sáng như ngọn hải đăng. Trước 30/4 chị vui cùng con cái trong trại gia binh Nguyễn Văn Nho, nay nhàn hạ nơi hải ngoại.
Nếu hình ảnh chị Nư tượng trưng cho các quả phụ chế độ cũ sống trong chế độ mới XHCN thì hình ảnh của chị Nữ là tượng trưng cho cuộc sống mới của quý bà thuộc chế độ VNCH trong xã hội Hoa Kỳ. Gia đình chị Nữ cư ngụ trong một khu mô-bô-hôm ngay trung tâm cộng đồng người Việt.
Đây là một khu phố gần như 90% là người Mỹ gốc Việt, các cụ vốn xuất thân là dân ODP, OD-GHE, OD-BO, HO v.v.. nay tới tuổi về hưu nên tập trung về đây an hưởng tuổi già. Có những cụ bán nhà to trên đồi về đây mua nhà nhỏ, có cụ con mua cho, có cụ được hao-zinh v.v.. Với cái nhìn bề ngoài thỉ đây là xóm nghèo, mà dân nghèo ở cái xứ Mỹ này thực sự sướng hơn cái cảnh dở-dở ương-ương, lương cao hơn “tiền già” dù chỉ $1USD.
Bỏ qua chuyện mấy cụ nói về sự thành công của con cái, đứa nào cũng là “ông nọ bà kia” và bỏ qua vấn đề “ông kia bà nọ” khi các cụ chiếu đèn sang hàng xóm. Không bàn về sự ăn, sự mặc của xóm tôi, bởi vì cụ nào cũng thiếu tủ để đựng quần áo, thiếu tủ lạnh để chứa thực phẩm, câu đầu tiên khi quý bà rủ nhau đi chợ là “hôm nay ăn cái gì nhẩy? Chả biết ăn cái gì!” Tất cả biểu lộ sự dư thừa thực phẩm. Cái điều tôi chú ý là nếu chị Nư trong nước vì “nghèo không dám bệnh” thì chị Nữ ở hải ngoại có đầy đủ mọi phương tiện, mọi thuốc men để chữa bệnh thì lúc nào cũng than: “sao tôi nhiều bệnh quá!”
Bệnh “than” là bệnh hay lây và khó chữa, có lẽ chị tôi nhiều bệnh là do bị lây bệnh than, bất cứ bệnh gì của các bà trong khu phố mà chị được nghe kể là chị tôi nói “tôi cũng thế”, nói đúng hơn là các bà “đồng bệnh tương lân”.
Gặp chị, tôi vừa hỏi thăm chị có khỏe không thì chị đã than: “mệt quá, chị bị mất ngủ”. Trông sắc diện và “thanh tướng” thì không có dấu hiệu gì mệt mỏi của bệnh mất ngủ, nhưng tôi cũng cố an ủi cho vừa lòng người muốn bệnh:
- Hèn gì trông chị hơi xuống sắc, mất ngủ bao lâu rồi?
- Cả năm nay rồi cậu ơi, cứ hai ba giờ sáng là thức dậy, loay hoay cả tiếng mới chợp mắt lại được chút xíu cho đến khi thức giấc thì trời đã sáng.
- Anh chị ngủ chung phải không? Như vậy là tại anh ấy làm chị thức giấc vào lúc nửa đêm gà gáy canh ba, ông bà thức dậy…
- Cậu đừng có suy diễn linh tinh à nha, tiếng ngáy làm anh ấy mất ngủ nên thường ôm chăn gối ra ngoài salon.
Tôi không dám hỏi chị là “tiếng ngáy” là của ai, nhưng tôi có gọi điện thoại nhắc mấy cháu đưa mẹ đi “khám” bác sĩ, bệnh mất ngủ do nhiều nguyên nhân, để lâu nguy hiểm. Nhưng các cháu giải thích:
- Thường thì sau bữa cơm tối là mẹ cháu vào phòng coi phim Đại Hàn, chừng ít phút sau là mẹ cháu ngáy rồi, hết phim thì dậy thay phim xong lại ngáy tiếp, cứ ngủ chập chờn như vậy cho tới sáng. Cháu đã đưa mẹ cháu đi khám bệnh, sau khi kê khai bệnh trạng và được làm một vài thử nghiệm thì bác sĩ kết luận ít ngủ là do cơ thể của người lớn tuổi, tuổi già là vậy. Nghe bác sĩ bảo tại “ già” thì mẹ cháu chê ông này “dỏm”, không biết định bệnh và đòi đổi BS khác.
- Đâu phải muốn đổi tổ hợp lúc nào cũng được, phải có thời hạn chứ...
- Mẹ cháu là dân medi-medi mà.
À ra thế, đây là những người có con làm tổng thống Mỹ, có medi-medi nên có đủ thứ bệnh. Khi được bảo lãnh vào Mỹ thì chị đã quá già không xin được việc nên chỉ ở nhà giữ cháu, dần đà tới tuổi 65 và là dân nghèo nên mọi chi phí về sức khỏe được liên bang và tiểu bang đài thọ, “dân medi-medi muốn gì cũng có”, các cụ thường khoe với nhau như thế. Có được những bảo hiểm y tế như thế quả là niềm ước mơ của mọi người dân sống trên đất Mỹ. Khổ biết chừng nào khi đau yếu mà không có bảo hiểm sức khỏe, xin được tờ MSI cũng trầy vi tróc vẩy. Thôi thì đành chép miệng “tới đâu hay tới đó”. Chính vì ỷ vào điều “muốn gì cũng có” nên chị tôi không có cũng cố tìm ra để mà đi “khám” bác sĩ, như việc mất ngủ chẳng hạn. Quả là hai hình ảnh của hai bà chị, “kẻ ăn không hết người đào không ra”.
Ăn không hết nên phí phạm từ trên xuống dưới, ngứa đầu vì gầu thì đi bác sĩ, cái móng chân sần sùi, cái gót nứt nẻ thì đi bác sĩ thay vì gọt dũa bôi lotion. Tới tuổi phải rụng răng nhưng muốn có hàm răng trắng, đều như hạt dưa để vừa ăn cơm vừa đánh răng thì đi đâu? Câu trả lời là “đi nha sĩ”, chả bù với hồi còn ở quê nhà, cái răng lung lay thì cột sợi chỉ vào rồi tự tay giựt cái “phực”, vất cái răng sâu lên mái nhà cho chú chuột tha đi, miệng súc hớp nước muối là xong ngay.
Chị tôi cả ngày ngồi đọc báo, xem phim, xem Thúy Nga thế là đau lưng, đi khám bệnh, bác sĩ cho đi chụp X-Ray, MRI, họ bảo xương sống có gai, các khớp xương hết chất nhờn, lớp sụn bị mòn đè lên dây thần kinh thế là đi vật lý trị liệu.
Thực phẩm dư thừa chất ngọt, chất béo sinh ra cao máu tiểu đường, uống thuốc cao máu sinh ra táo bón, táo bón thì sinh ra cau có. Ngày xửa ngày xưa, quần quật từ sáng tới tối, ngày hai bữa “vỗ bụng rau bình bịch” làm gì có mỡ có thịt đề sinh ra bệnh, đói ăn rau đau uống thuốc .. “xuyên tâm liên”.
Có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong tay là sinh ra đủ bệnh bởi yếu tố tâm lý “bói ra ma quét nhà ra rác”. Khám bệnh miễn phí dĩ nhiên cũng được cấp thuốc miễn phí, có thuốc rồi không uống, hoặc uống không đủ liều lượng như lời chỉ dẫn trong toa mà vẫn hết bịnh, thế là dư thuốc. Xin quý vị medi-medi coi lại tủ thuốc của mình xem có bao nhiêu thuốc dư và hết hạn như của chị tôi không. Với bản tính “tiết kiệm” và “thương người”, chị bèn đem những thuốc này đi cho bạn bè, hoặc gửi về VN gọi là để làm phúc!
Cũng vẫn bản tính tiết kiệm, “tiếc của trời” nên thấy ai có gì thì chị hỏi thăm để đi xin thứ đó. Một chiều nọ chị xách sang cho tôi một túi plastic đựng gần chục hộp sữa ensure! Tôi hỏi ở đâu có thì chị cho biết:
- Người ta xin hộ, dư nhiều nên đem cho cậu.
Tôi thực sự nổi cáu với bà chị thật thà và đám họ lưu nên gắt:
- Sữa ensure là dành cho người bệnh không ăn được, chị và em còn mạnh khỏe không cần đến thứ này.
- Họ cho thì mình nhận, không lấy thì “phí của trời”
Cái đám họ lưu .. đã dụ dỗ các cụ già thật thà để ăn cắp tiền chính phủ, chúng đã đi tù nhưng chính phủ cũng cạn tiền. Bữa khác chị sang nhờ tôi điền đơn xin xe wheel-chair, quá đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi:
- Chị còn đi đứng mạnh khỏe mà xin xe lăn tay làm gì?
- Không phải lăn tay, mà loại có máy kia, bà Sáu mới xin được.
- Bà Sáu liệt hai chân, chị muốn liệt hả?
- Bà ấy mà liệt gì, bà ấy lái xe lăn “chạy bộ” mỗi sáng, khi vướng bậc thềm trước cửa nhà, chị thấy bà ấy bước xuống nhấc cái xe lăn lên mà! Cậu không giúp thì thôi sao nỡ trù ẻo chị liệt. Vậy thì nhờ cậu điền đơn xin cho chị vài chục giờ để có người lái xe cho chị đi SPA, giúp chị đi chợ và nấu nướng, vài giờ để có người đến kin-ấp nhà cửa …
- Xì-tốp, ai bày vẽ cho chị những chuyện này?
- Bà Bát có mấy đứa con nhà ở trên đồi và bãi biễn, nhưng bà ở hao-zinh một mình trong khu senior, mỗi tháng xin được 60 giờ để có người đến giúp mọi chuyện. Tuần ba lần có người đến chở bả đi SPA. Ông bà Bẩy vẫn đi bộ với chị thì mỗi tuần hai lần có người đến đi chợ và nấu cơm, vậy mà bà Bẩy còn cằn nhằn khó tính với người ta. Bà Tư “chó cắn” thì mỗi tuần hai lần có người đến kin-ấp trước sau cả mấy tiếng đồng hồ chứ ít sao?
Dân khu phố gọi là bà Tư chó cắn vì bả có nuôi một con pet kiểng, mỗi khi ai đi ngang thì nó chạy ra sủa ỏm tỏi. Nay nghe bà chị nói về sinh hoạt của các bà bạn và muốn xin được như thế khiến tôi muốn “sủa” vài câu:
- Họ yếu đuối hoặc độc thân, con cái ở riêng thì họ xin xã hội giúp đỡ, còn chị đã có anh ấy, và mấy đứa nhỏ…
Biết tôi sắp “giảng đạo” cản đường hưởng thụ, chị vội ngắt lời:
- Người ta cho không tội gì mình không xin, “bỏ phí của trời”, Vả lại, nếu hai vợ chồng sống chung thì tiền già hai người cộng lại chỉ có $xxxx , còn nếu độc thân thì mỗi người thêm được $xxx nên anh chị đang bàn tính ly thân hoặc ly dị để mỗi tháng anh chị cộng lại cũng thêm được vài trăm.. . trong đám chị quen biết, thiếu gì những cặp đang sống như thế..
Nghe bà chị thật thà tâm sự những dự tính tương lai mà tôi rùng mình, thật là “nô-mê-đờ-xin”, “hết thuốc chữa”, “phi-nỉ nô đia”, hết nước nói! Có ai trong số đồng hương giống bà chị tôi không nè? Các cụ thường khoe với nhau có “con” làm tổng thống Mỹ, từ anh cả Linh-Tân, tới chú thứ Dọp-Bút rồi cậu út Ba-Ma nên không lo, mọi chuyện đã có họ lo, mình cứ việc no.
Không phải thế đâu chị ơi, tiền các cụ “vung tay đốt nhà táng giấy” là tiền của người dân đi làm và đóng thuế đấy, em đi làm 4 tuần thì chỉ lãnh lương có 3 tuần, còn lương một tuần là đóng thuế để chị có medi-medi đó. Người dân bản xứ họ đi làm từ năm 18 tuổi, đóng thuế 30%, gần 50 năm sau, tới tuổi về hưu họ được hưởng chế độ săn sóc y tế như thế, chúng ta là tỵ nạn, là di dân mới đây thôi, dù có đi làm hay không, khi tới tuổi về hưu cũng được hưởng ké những ưu đãi đó. Nhưng chị đã vung tay quá trán, hoang phí vô tội vạ, chị có biết một viên aspirin 81 mà chị được free thì chính phủ phải trả bao nhiêu không? Số thuốc dư quá hạn mà chị đem cho thì chính phủ phải trả là bao nhiêu đô la không? Chị có nhớ bữa trước chị bị xây xẩm vì “mất ngủ”, chị bấm 911, xe cấp cứu chở chị vào BV Fountain Valley, rồi chị ra về, nhưng cái biu nó báo cho biết số tiền chính phủ phải trả làm tụi em tối mặt, gấp mấy tháng lương của em đó!
Mỗi lần em an ủi chị đừng đau tưởng tượng, tốn tiền medicaire thì chị mắng em là lo bò trắng răng, ngân khoản y tế mỗi năm vài trăm tỷ, xá gì vài đồng tiền lẻ chữa bệnh của chị. Em hoàn toàn đồng ý với chị là có bệnh thì phải đi chữa, nhưng lạm dụng quá thì không nên, chị có nghĩ đến những trường hợp “ông thầy ăn một thì bà cốt ăn hai”, ăn theo cái mê-đi-keo của chị không? Chính vì thế mà quỹ y tế dành cho người già đang tới hồi cạn kiệt, mới chỉ nghe chương trình y tế năm tới có vài thay đổi là đã lo rối lên.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cứ đi nghe bạn bè định bệnh cho mình rồi chị đem lo âu sầu muộn về cho gia đình, cho chồng con. Làm sao họ vui và an tâm cho được khi chị không cười mà chỉ thấy than, than vắn thì thở dài từ sáng tới tối.
Chị Nữ ơi, xin chị xét kỹ lại những gì chị đang được hưởng dư thừa và những gì người chị song sinh đang thiếu thốn để mà an tâm với đời sống bình thường mạnh khỏe, đem niềm vui đến cho người thân và chính mình ở tuổi 75.
Philato
Ghi chú:
(* Nguyễn Văn Nho là Th/Tá TĐT/TĐ.4/TQLC đã tử trận tại Bình Giả ngày 31/12/1964, cùng hy sinh trong trận này còn có Đ/ Úy TĐP Trần Văn Hoán, Bác Sĩ Trương Bá Hân cùng nhiều quân nhân khác nữa, trong đó có 2 Th/Úy K19 là thủ khoa Võ Thành Kháng và Hùng, vừa tốt nghiệp ngày 28/11/64 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.