Mấy tuần trước, khi ghé thăm một vị võ sư & võ đường của Ông, thấy trên tường có dán câu nói của một vị Tổ Sư người Nhật đại loại: "Tôi không sợ người tập 1000 đòn mà tôi chỉ sợ người tập 1 đòn 1000 lần ...". Thấy câu này liên hệ đến những gì mình đã trải qua, xin viết vài dòng mong chia sẻ với những ai đồng cảnh ngộ.
Có lẽ đa số những người đã từng học & tập võ đều đồng ý với câu nói trên, nhưng nói thì dễ mà thực hiện mới khó. Có nhiều yếu tố để một người luyện võ có thể thực hiện được điều này, chẳng hạn:
- Có một niềm đam mê muốn đạt đến cao độ những gì mình đang học.
- Được học từ một hệ thống đòn thế hợp lý.
- Được chân sư phụ truyền dạy v.v.
Kỹ thuật & hệ thống đòn thế của một môn phái hết sức quan trọng. Một hệ thống kỹ thuật hợp lý phải giúp được người học võ có căn bản vững, và có phương pháp để người học càng học càng tiến xa. Ví như trong toán học, người học bắt đầu từ cộng, trừ, nhân, chia rồi phát triển đến lũy thừa, đạo hàm, tích phân v.v. Trên thế giới chưa có một "Hàn Lâm Viện" về võ thuật, bởi thế ai cũng có thể lập môn phái. Ngoại trừ những người có một số kiến thức căn bản hoặc được hướng dẫn, việc chọn một môn phái, hay một thầy giỏi có lẽ cũng tùy duyên.
Bên cạnh một hệ thống đòn thế hay, việc cần một vị sư phụ giỏi cũng không thể thiếu. Không có một vị thầy giỏi, việc học & tập sẽ rất khó khăn, & việc tập luyện 1 đòn nhiều lần rất dễ bị nhàm chán. Hơn nữa, dẫu người tập có đam mê & kiên trì, việc tập một đòn nhiều lần không đúng cách có khi không mang lại lợi ích mà còn có hại đến sức khỏe.
Xin lấy thêm một ví dụ toán học, một thầy giỏi toán phải là người dạy cho học sinh mình hiểu được nguyên lý toán học. Người học sẽ từ 1 nguyên lý mà có thể khai triển ra để giải hàng trăm biến thể của chúng. Ngược lại, người học có thể được học cả trăm bài toán nhưng gom lại vẫn không hiểu ra được cái nguyên lý cốt lõi của nó. Võ học cũng như toán học & nhiều ngành học khác, nếu hiểu được nguyên lý của những kỹ thuật chúng ta học được, một đòn có thể biến ra nhiều đòn, ngược lại dẫu có học thật nhiều đòn gom lại chắc mấy đòn đã hữu dụng.
Ngoài nguyên lý, các căn bản ban đầu cũng hết sức quan trọng. Nếu những kỹ thuật căn bản không được học/tập đúng cách, thì người học sẽ chẳng tiến xa. Ví như một căn nhà muốn được xây nhiều tầng, cái móng của tầng đầu tiên hết sức quan trọng. Ngôi nhà có thể xây lên cao bao nhiêu tùy thuộc vào cái móng chịu được bao nhiêu.
Cách đây không lâu tôi được một người em chỉ cho cách bắn cung. Cây cung mà em tôi có là loại cung Mông Cổ, rất dài và cứng, mũi tên (hiện đại) làm bằng loại nhôm nhẹ. Tôi được cậu em chỉ cho một vài kỹ thuật bắn cung, đúng là "thấy thì dễ mà làm không dễ". Nói chuyện bắn cung để liên hệ sang chuyện luyện võ. Người luyện võ mà ham tập nhiều đòn thường là những người mới bắt đầu & thiếu kinh nghiệm. Nếu một người đã tập võ lâu năm mà vẫn ham học nhiều đòn thay vì "ham" tinh luyện những gì mình đã học có lẽ họ chưa "ngộ" hoặc chưa có duyên gặp một vị "chân sư phụ" chăng?
Khi luyện một đòn mà không có mục tiêu cũng như làm một việc mà không có mục đích, sự nhàm chán khó mà tránh khỏi. Mục đích càng rõ ràng, lý tưởng càng cao, hành động sẽ càng say mê. Bởi thế có những người dành cả cuộc đời mình để theo đuổi một lý tưởng hay thực hiện một mục đích nào đó.
Tranh biếm họa nữ cựu Thủ Tướng Úc (Julie Gillard) Ông lãnh tụ đối lập (Tony Abbott) bởi họa sĩ Alan Moir |
Trong võ thuật, việc tập thật nhiều đòn và việc tập một đòn nhiều lần cũng ví như cách tập bắn cung. Giả sử cách tập bắn cung có những bước sau:
- Tập các kỹ thuật căn bản như: cách đứng đúng thế, cách cầm cung, cách nhắm mục tiêu
- Tập bắn vào mục tiêu ở khoảng cách gần rồi ở khoảng cách xa,
- Thâu nhỏ dần mục tiêu & tăng dần khoảng cách cho đến khi mục tiêu ngày càng nhỏ & khoảng cách ngày càng xa.
- Tập bắn mục tiêu khi đang di chuyển, cưỡi ngựa v.v.
Người "ham" tập nhiều đòn ví như người tập bắn cung mà tự thỏa mãn ở những bước đầu tiên. Thay vì đặt những mục tiêu cao hơn mình có thể đạt được thì chỉ "ham" được bắn nhiều tên còn việc bắn có trúng đích hay không thì không cần thiết (hoặc không nhận ra). Việc không biết rõ mục tiêu cần đạt được, đôi lúc làm cho người tập tưởng rằng những điều mình học & tập được là đủ rồi và nếu muốn học thêm chỉ có cách học thêm đòn mới.
Tâm lý chung, chúng ta hay coi thường những điều mình không hiểu hoặc không hiểu sâu. Lấy ví dụ về tấn pháp, không phải ngẫu nhiên mà lối dạy võ ngày xưa bắt môn sinh phải tập tấn pháp ít nhất hai năm trước khi học đòn thế. Ai đã có dịp luyện tấn có thể nhìn thấy bao điều quan trọng nằm trong bộ tấn. Ngoài việc sử dụng chân tấn để tấn công & phòng thủ, tất cả những kỹ thuật như điều khiển khoảng cách, vận tốc, xử dụng tổng lực, kể cả việc phát lực từ đan điền (kết hợp với nội công) v.v. đều liên hệ đến tấn pháp.
Để tập 1 đòn nhiều lần không nhàm chán, khi tập hãy thử đặt ra được những mục tiêu mình cần đạt đến, những câu hỏi cần được trả lời, chẳng hạn:
- Phải di chuyển làm sao để tạo cơ hội trước khi ra đòn?
- Làm sao vô hiệu hóa đối phương trước khi ra đòn?
- Làm sao để chặn đòn khi đối phương phản công?
- Chân: góc độ chân (mũi chân, gót chân, gối, đùi) , trọng lượng dồn lên chân, khoảng cách chân có hợp lý không?
- Tay: góc độ tay (cánh tay, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay) thế nào ?
- Thân: góc độ thân (hông, lưng, cổ, đầu, vai) ra sao?
- Có chuẩn bị đầu đuôi tiếp ứng cho nhau không?
- Thở làm sao, hét thế nào, cương & nhu khi nào?
- Làm sao để tăng tối đa vận tốc, vận dụng bao nhiêu công lực .v.v.
Tiếc thay cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, người học võ thường không có thời gian hoặc thiếu kiên nhẫn để luyện tập kỹ càng những bước căn bản & để tinh luyện những gì mình đã học được. Bao nhiêu môn phái, võ đường phải canh tân lối dạy để phù hợp với nhu cầu của đời sống hiện nay. Việc canh tân này có thể hiểu được, nhưng không ít võ đường dạy võ chỉ mang tính thương mại.
Tâm lý của không ít phụ huynh khi đưa con em đi tập võ chỉ nhìn vào kết quả con mình học được bao nhiêu bài quyền thi lên được bao nhiêu đai v.v. Nắm được tâm lý đó nên không ít môn phái / võ đường cho môn sinh học rất nhiều đòn, tổ chức nhiều cuộc thi lên đai. Tuy nhiên chúng ta cũng cần đặt câu hỏi ngược lại. Giả sử những võ đường này không làm thế liệu họ có thể tồn tại được hay chăng?
Qua những điều chia sẻ trên, hy vọng một số phụ huynh khi cho con em đi học/tập võ sẽ có thêm một vài suy nghĩ...
Qua những điều chia sẻ trên, hy vọng một số phụ huynh khi cho con em đi học/tập võ sẽ có thêm một vài suy nghĩ...
Võ học là một môn nghệ thuật, đến một mức độ nào đó "Võ" trở thành "Đạo", bởi thế chúng ta vẫn thường nghe đến hai từ "Võ Đạo". Một trong những niềm đam mê cao đẹp của người học võ phải chăng là để khám phá cái giới hạn của chính mình. Để thực hiện được việc đó sự lập đi lập lại là cần thiết. Hơn nữa, còn gì thú hơn khi có thể lập đi lập lại những điều mình thích mà vẫn không thấy chán!
LÀNG NAM
06/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.