Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

TỪ BI VỚI MÌNH


               Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
 
Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
 
Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
 
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
 
Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).
 
Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !
 
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !
 
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
 
Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
 
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
 
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở !
 
 
Già
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!
 Vo Danh

Source Internet.



Câu chuyện về Xả: "Hãy buông ra"


Xả là động tác tránh hai cực đoan là bỏ và giữ, hay nói cách khác buông xả là động tác tránh hai cực đoan buông bỏ và nắm giữ.


Ví như bàn tay của chúng ta, lúc thì thảnh thơi, lúc thì cầm nắm vật dụng làm việc lợi ích; ngược lại, nếu cứ mãi cầm nắm thì quả thật là một cực hình đầy đau khổ, hay cứ không cầm nắm gì cả thì bàn tay của chúng ta không khác gì bị tật bệnh tê liệt vậy.


Trong đời sống tinh thần cũng thế, người có thành kiến là người dễ tự gây khổ cho mình và gây khổ cho người; mọi sự việc trong đời sống của người này dễ bị điều kiện hóa theo ý riêng của mình. Còn người lười suy nghĩ, thì quả là bạc nhược, thiếu trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng.


Người thực hành xả sẽ dễ cởi mở hơn, cảm thông hơn với những lỗi lầm của người khác. Họ không bị dính mắc hay lệ thuộc mang tính giáo điều vào các kiến thức đã học, các tập tục văn hóa … Nói chung họ sống thật sự là tự do – tự do một cách đúng nghĩa.


Hai câu chuyện sau đây có lẽ sẽ phần nào làm sáng tỏ và phong phú hơn cho việc thực hành một đời sống Xả vậy.





Câu chuyện 1
Hãy buông ra 1

Một đứa nhỏ đang chơi cạnh một cái bình cổ xưa. Nó thò tay vào bình và không thể rút ra được. Ba nó đến giúp, nhưng vô ích. Cả hai cha con đã nghĩ đến việc phải đập cái bình đi.

Người cha nói, “Nè con, hãy ráng làm theo ba dặn: Thả lỏng và duỗi thẳng các ngón tay như con đang thấy ba đang làm đây nè, rồi rút tay ra.”

Đứa con trai kêu lên: “Làm sao được, ba ơi! Con không thể làm vậy được đâu vì sẽ rớt mất đồng xu!”

Có thể ai đó sẽ cười, nhưng hàng nghìn người trong chúng ta cũng giống đứa nhỏ này, cứ cố nắm giữ thứ gì đó vô nghĩa, cho dù phải hy sinh những điều quý giá, thậm chí cả sự tự do!

Cho nên: "Hãy buông nó ra!"





Câu chuyện 2

Hãy Buông Ra 2
Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Tôi nghe buổi thuyết pháp. Xin thuật lại để quí vị cùng nghe. Sau phần thuyết giảng, đến phần pháp đàm. Thầy mời quí Phật tử đặt câu hỏi để cùng thảo luận.
Tận cuối hội trường, có một ông già, đứng dậy chắp tay cung kinh xin hỏi:
- Kính bạch thầy. Con hiện đang bị bệnh. Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp. Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ! Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân… Cúi xin thầy thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh? Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa…
Thầy nhỏ nhẹ, thong thả nói:

- Thưa bác, thưa đạo hữu. Đức Phật đã dạy: Cõi thế gian tràn đầy đau khổ bởi quy luật: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ, thì đau khổ mà bác đang đi vào là giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”.
Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường: sinh, lão, bệnh, tử” chi phối. Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, vẻ đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi, màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục. Nó đang ở tiến trình hư hoại! Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy.

Ngay khi bác mới sinh ra thì thân bác xinh đẹp, rồi bác lớn lên khỏe mạnh. Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn. Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận và sống an lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào.
Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất. Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là qui luật tự nhiên của thân xác. Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: Sinh ra > Già cỗi > Bệnh hoạn > Rồi chết đi! Không cách chi làm khác đi được. Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ!
Ông già đó nói tiếp:
- Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn. Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong đã.

- Ồ! Tất cả chỉ là vậy, khiến bác phải lo lắng. Công việc của thế gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. Bác nên hiểu rằng: Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gi, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật tổng quát: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt (sinh, lão, bệnh, tử là một trường hợp), mà không cách chi sửa đổi được.

Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính: “có mà không thực là có” của vạn vật. Để không thấy có cái gì là “Tôi” hoặc là “Của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có).

Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là “của bác” trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên!!!

Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được. Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn làm bác đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ (cầu bất đắc khổ).

Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó: “HÃY BUÔNG NÓ RA”. Bác hãy sẵn sàng rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy “Buông ra!”. Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh… Vì những thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi. Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều có mà không thực là có (vô ngã): “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất, chẳng còn gì.

Bác phải nhận biết cho bằng được điều này. Đừng bận tâm về con cái; bây giờ chúng còn trẻ, rồi mai này chúng cũng sẽ già cả y như bác ngày hôm nay. Không ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật: sinh tru hoại diệt... Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được thanh thản và không còn lo sợ bất cứ điều gì trong mọi tình huống bác ạ!

Ông già hỏi nữa:

- Bẩm bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con ‘buông ra’ cho được?

- Nếu bác ‘buông ra’ không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ. Vì không ‘buông ra’ cũng chẳng được. Bởi mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân bác nữa. Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được thong dong, còn mọi việc đã có người khác lo. Bác hãy tự nhủ lòng rằng: “Chung sự” (Tôi hết việc rồi).

Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ. Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được. Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định… “Sau khi sinh ra > Nó biến hoại > Nó diệt đi !”. Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế. Vậy mà bác muốn xác thân bác còn mãi sao được?

Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết. Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy. Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được. Bác thử nghĩ coi: “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”. Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra. Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào. Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được. Y chang quá trình bác sinh ra > rồi già nua > rồi bệnh tật > rồi chết đi! Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường…


Nếu bác không sinh ra, thì lấy gì bây giờ bác bị đau bệnh! Và lấy gì để mai mốt bác chết! Bác có hiểu điều đó không ???

- Kính bạch thầy, con ngộ được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!

Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thầy nói thêm:
- Bác nên hiểu rằng: Vạn sự ở đời là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự: “Hãy buông ra tất cả”. Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó. Này nhé! Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy. Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó. Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”.

Bởi thế gian là không có sự thường hằng hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học…v.v. cũng không thể có sự thường hằng được. Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối.

Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì. Bác hãy ‘Buông ra” chứ không còn nắm giữ được nữa, ví có giữ cũng chẳng đặng. Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng liều lĩnh. Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết: “Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”.
“ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.
Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; cho dù giầu có là giầu có, đẹp đẽ là đẹp đẽ, nổi danh là nổi danh… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi! Vậy bác hãy buông nó ra, buông cho đến khi nào tâm trí bác an lạc! Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng. Mọi thứ bác không còn thấy là của bác nữa; sung sướng và khổ đau cũng đểu Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau … Như nhà thơ Tản Đà đã nói:

Gẫm nghìn xưa ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang.
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ.
- Kính bạch thầy, con đã ngộ!!!

- Vậy sao! Bác giải thích xem nào ?

- Thưa thầy, chỉ có định luật: “Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn. Ngoài ra, tất cả muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như:
*THÂN VÔ THƯỜNG: Nay khỏe mạnh, mai ốm đau. Nay đang sống, mai đã chết…
*TÂM VÔ THƯỜNG: Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù ân oán nhau…
*TÀI SẢN VÔ THƯỜNG: Của cải nay còn, mai hết. Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi thành ra vật thể khác. Sự vật không bao giờ cố định cả.

Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:

- Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?

- Kính bạch thầy, con sẽ buông ra mà không bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian này, để mọi sự chảy xuôi như dòng nước. Tính của nước luôn chảy xuống chỗ trũng (thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. Bản chất của nước là như vậy, nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy một cách tự nhiên lên trên cao được. Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.

- Vâng! Bác hiểu được như thế, tức là bác đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của bác rồi đấy. Bây giờ chỉ còn một điều là bác đưa vào thực hành những gì bác vừa chứng ngộ là đạt quả Phật rồi đó.

Ông già ngạc nhiên thưa:
- Kính thưa thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ! Đâu đơn giản như thầy vừa nói ?

- Có khó gì đâu: “Phật tức Giác ngộ”. Vì thế, mê lầm là chúng sinh, giác ngộ là Phật. Chúng sinh và Phật khác nhau chỉ có vậy. Mọi người trong chúng ta vì u mê tăm tối, nên tham lam: Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp tạm có. Hợp rồi tan, sinh rồi diệt! Ngay như xác thân bác cũng tạm có đó. Rồi trở thành không đó có bao lâu! Tựa hồ như bóng phù du, như ảo ảnh, như khói sương… Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó nên thành chúng sinh mà thôi. Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật… Vậy là bác đã thành Phật rồi.
Ví như ông bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn để cho bác trở thành là con người trí thức đàng hoàng... Nhưng vì u mê, bác ham chơi với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng. Khi ấy, bác là kẻ xấu tệ … Nay gặp duyên may bác giác ngộ. Thấy được lẽ thật, bác bỏ con đường hư thân, trở lại con người thật đàng hoàng của mình… Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình, bác tận tụy làm ăn, liêm chính, giữ uy tín đạo đức… là bác trở thành người cao sang, quí phái rồi…

Phật hay chúng sanh, tốt hay xấu chỉ khác nhau chỗ giác ngộ hay u mê mà thôi. Đoạn thầy đọc bài kệ:

Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi.
Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Thân em như đóa hoa lan
Ngươì đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn.

Source Internet.

Người thắng và kẻ thua


Người thắng và kẻ thua Người thắng luôn có cách giải quyết vấn đề, kẻ thua luôn gặp rắc rối khi giải quyết.

Người thắng cuộc luôn có sẵn chương trình. Người bị thua luôn có sẵn lời bào chữa.

Người thắng nói: “Để tôi thực hiện việc đó cho bạn”, kẻ thua bảo: “Đó không phải là công việc của tôi".

Người thắng nhìn thấy cách giải quyết cho mỗi trở ngại, kẻ thua nhìn thấy trở ngại trong mỗi lời giải.

Người thắng cuộc nói: “Có lẽ khó nhưng tôi có thể làm được”, kẻ bị thua bảo: “Tôi làm được nhưng nó khó quá”.

Khi người thắng phạm sai lầm, anh ta nhận: “Tôi đã sai” còn khi kẻ thua phạm sai lầm, anh ta phân bua: “Đó không phải lỗi của tôi”.

Người thắng thực hiện những lời cam kết, kẻ thua thực hiện những lời hứa hẹn.

Người thắng có những ước mơ, kẻ thua có một âm mưu.

Người thắng nói: “Tôi phải làm điều gì đó”, kẻ thua nói: “Điều đó phải được làm”.

Người thắng là một bộ phận của tập thể, kẻ thua nằm bên ngoài tập thể.

Người thắng nhìn thấy lợi ích, kẻ thua nhìn thấy đau khổ.

Người thắng nhìn thấy những khả năng, kẻ thua nhìn thấy trở ngại.

Người thắng tin rằng tất cả mọi người sẽ chiến thắng, kẻ thua tin rằng họ chiến thắng những người thua cuộc.

Người thắng như là một máy điều nhiệt, kẻ thua như là cái nhiệt kế.

Người thắng thích những điều mình nói, kẻ thua nói những điều họ thích.

Người thắng sử dụng những lý lẽ cứng rắn bằng ngôn từ mềm mại.Kẻ thua sử dụng những lý lẽ mềm mại bằng ngôn từ cứng rắn.

Người thắng kiên định với những giá trị cao đẹp nhưng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, kẻ thua cứng rắn với những điều nhỏ nhặt nhưng bỏ qua những giá trị cao đẹp.

Người thắng sống theo triết lý của sự cảm thông: “Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình”, kẻ thua sống bằng lý lẽ: “Hãy làm điều đó trước khi nó làm cho mình”.

Source Internet.

Chó cắn hạc vua



Vua nhà Thanh biếu tặng vua Tự Đức một con hạc loại hiếm.
Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (Hạc của vua nuôi).


Thiên Tử Hạc quen hơi người nên được thả trong Vườn Thượng uyển.
Ngày nọ, con Thiên Tử Hạc bay ra khỏi Hoàng cung. Nó lạc vào vườn một thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Vua Tự Đức thấy mất con hạc mình yêu quý, dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho thuộc cấp điều tra.
Cấp dưới điều tra biết được việc chó nhà dân cắn chết hạc của vua nuôi nên đã quay về trình báo. Vua Tự Đức thấy hạc quý đã chết nên nổi giận, truyền cho Bộ hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản.
Việc xử án của Bộ hình được quan Ngự Sử Phạm Đan Quế biết được. Sau khi xem xét các tình tiết, ông xin yết kiến vua Tự Đức và trình một bản tấu. Bản tấu ấy như sau:
Hạc bất năng ngôn/ Khuyển vô thức tự
Hạc nhập dân viên/ Khuyển trung vu chủ
Điểu, Thú đấu tranh/ U minh hà dự
Khuyển phệ hạc tử/ Tôi quy vu chủ
Hạc trắc khuyển tử/ Tường hà luật xử?
Dịch nghĩa:
Hạc chẳng biết nói/ Chó không biết chữ
Hạc vào vườn dân/ Chó trung với chủ
Chim, thú đánh nhau/ Tối sáng không rõ
Chó cắn chết hạc/ Tội quy cho chủ
Hạc mổ chết chó/ Luật xử thế nào?
Vụ án “chó cắn hạc vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn được tôn trọng triệt để.
Nghe xong, vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Bởi đối với vua Tự Đức, những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề Thiên Tử Hạc chó cũng không biết.
Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, nên không thể bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của Bộ Hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt vua trị tội?
Tuy nhiên, càng nghĩ càng thấy vụ án không hề đơn giản. Bởi trong chế độ phong kiến, ý vua tức là ý trời, không ai dám trái lệnh. Nhưng do ông Phạm Đan Quế nói quá có tình có lý nên vua Tự Đức đã nghe theo. Và việc vua Tự Đức nghe theo cũng chứng minh vị vua này cũng là một vị vua anh minh, biết nghe lời can gián của quần thần. Chính vì thế vụ án “chó cắn hạc vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn phải được tôn trọng triệt để.

Source Internet.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

NGUYÊN TẮC 90/10


Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn

(hoặc ít nhất, cách thức bạn phản ứng lại với các tình huống)

Nguyên tác: Discover The 90/10 Principle của Stephen Covey

It will change your life (or at least, the way you react to situations)
Chuyển ngữ: Kim Ngân


Nguyên tắc này là gì?
10% cuộc sống được hình thành do điều đang xảy ra cho bạn
90% cuộc sống được quyết định bởi cách thức bạn phản ứng ra sao.
Điều này có ý nghĩa gì ?
Thật ra chúng ta không kiểm soát được quá 10% điều đang xảy đến cho chúng ta. Chúng ta không thể cho dừng chiếc xe đang bị hỏng máy.
Máy bay sẽ đến trễ phá vỡ chương trình của chúng ta.
Một tài xế có thể chạy đâm ngang trước đầu xe chúng ta.
Chúng ta không kiểm soát trên 10% điều này.90% còn lại thì khác hẵn.
Bạn quyết định 90% còn lại đó.
Bằng cách nào !..Bằng phản ứng của bạn, bạn không thể kiểm soát đèn đỏ. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát phản ứng của bạn.
Không nên để người khác đánh lừa bạn.
Bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng.


Chúng ta hãy lấy một thí dụ…
Bạn đang ăn sáng với gia đình bạn. Con gái bạn đụng vào táchcà phê và làm đổ cà phê trên áo sơ mi đi làm của bạn. Bạn không thể kiểm soát điều mới vừa xảy ra. Chuyện xảy ra tiếp theo sẽ được quyết định bởi cách bạn phản ứng. Bạn chửi rủa, bạn trách mắng con gái bạn một cách thậm tệ do việc nó va vào tách cà phê. Nó òa lên khóc. Sau khi rầy la nó, bạn quay sang vợ bạn và phê bình nàng để tách cà phê quá gần mép bàn. Một trận đấu khẩu ngắn diễn ra sau đó. Bạn vội lao lên lầu để thay áo. Quay xuống tầng trệt, bạn thấy con gái đang bận khóc nên ăn sáng chưa xong. Nó cần chuẩn bị đi đến trường. Nó bỏ lỡ chuyến xe buýt. Vợ bạn phải đến sở làm ngay sau đó. Bạn lao vào xe nhà và chở con gái bạn đến trường.


Vì bạn bị trễ giờ, bạn lái xe chạy 40 miles /một giờ vượt quá tốc độ qui định 30 miles/ một giờ. Sau khi chậm trễ 15 phút và mất toi 60 đô la tiền phạt cho cảnh sát giao thông, bạn lái xe đến trường. Con gái bạn chạy nhanh vào trường không kịp chào tạm biệt bạn.


Sau khi đến sở làm trễ mất 20 phút, bạn mới thấy bạn đã bỏ quên chiếc cặp ở nhà.


Ngày làm việc của bạn đã bắt đầu thê thảm,và cứ thế tiếp diễn, nó có vẻ càng lúc càng tồi tệ hơn. Bạn mong cho mau đến nhà. Khi bạn về đến nhà, bạn thấy có sự xa cách nho nhỏ trong mối quan hệ của bạn với vợ và con gái.


Tại sao ?
Vì cách thức bạn phản ứng vào buổi sáng.
Tại sao bạn đã có một ngày tồi tệ như thế?
A. Có phải do cà phê gây nên ?
B. Có phải do con gái bạn gây nên?
C. Có phải do cảnh sát giao thông gây nên?
D. Có phải do bạn gây nên?


Câu trả lời ở đây chính là câu D


Bạn đã không kiểm soát điều gì xảy ra với tách cà phê.
Cách bạn đã phản ứng trong vòng 5 giây là nguyên nhân cho ngày tồi tệ của bạn.


Sau đây là câu chuyện có thể và nên xảy ra. Cà phê đổ trên áo bạn, con gái bạn gần như muốn khóc, bạn nói một cách dịu dàng như sau: “ Không sao đâu con, cưng của ba, lần sau con nên cẩn thận hơn nhé.”


Vừa vồ lấy chiếc khăn lau, bạn đi lên lầu và thay áo sơ mi, bạn cầm lấy chiếc cặp và quay xuống nhà đúng lúc và nhìn qua cửa sổ, bạn thấy con gái bạn đang bước lên xe buýt. Nó quay lại và vẩy tay chào bạn. Bạn đến sở sớm 5 phút và mỉm cười niềm nở với các nhân viên.


Lưu ý sự khác nhau giữa hai kịch bản khác nhau.
Cả hai bắt đầu giống nhau.
Cả hai kết thúc khác nhau.
Tại sao như thế?


Do cách thức bạn phản ứng, bạn thật sự không kiểm soát 10% điều đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Còn 90% kia được quyết định bởi phản ứng của bạn.


Sau đây là một vài cách để áp dụng nguyên tắc 90/10.
Nếu một ai đó nói điều không hay về bạn, đừng biến mình thành miếng bọt biển hút nước.
Hãy để cho cuộc tấn công trôi đi như nước trên tấm kính.
Bạn không nên để cho những lời bình phẩm tiêu cực tác động đến bạn.
Hãy phản ứng một cách thích hợp và điều đó sẽ không làm hỏng ngày làm việc của bạn.
Một phản ứng sai lầm có thể dẫn đến việc làm mất một người bạn, giận dữ hoặc căng thẳng.
Bạn phản ứng thế nào nếu ai đó chạy cắt ngang qua trước xe bạn?
Bạn có mất bình tĩnh không? Hãy đập mạnh vào bánh lái ( một người bạn của tôi đã làm bánh lái bị hỏng như thế)
Bạn có chửi rủa không? Áp huyết của bạn có tăng vùn vụt không?
Ai quan tâm lo lắng nếu bạn đến nơi làm trễ 10 giây? Tại sao để cho xe hơi làm hỏng việc đi xe của bạn?


Hãy nhớ đến nguyên tắc 90/10 và đừng lo lắng về chuyện đó.


Bạn được báo cho biết bạn mất việc, tại sao bạn mất ngủ và tức tối?Điều đó sẽ diễn ra thôi.Hãy dùng năng lượng và thời gian lo lắng để đi tìm một công việc mới hay hơn. Máy bay đến trễ. Nó làm hỏng kế hoạch trong ngày của bạn.Tại sao bạn ném sự thất vọng của bạn lên nhân viên phục vụ chuyến bay?Cô ta đâu kiểm soát được điều gì đang diễn biến.


Hãy dùng thời gian để nghiên cứu, cố gắng làm quen hành khách khác bên cạnh.Tại sao căng thẳng?Điều đó sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm.


Bây giờ bạn biết nguyên tắc 90/10
Hãy áp dụng nó rồi bạn sẽ kinh ngạc với những kết quả.Bạn sẽ không đánh mất gì nếu bạn thử áp dụng nó.
Nguyên tắc 90/10 thật khó tin.Rất ít người biết và áp dụng nguyên tắc này.Kết quả?
Bạn sẽ thấy điều đó nhờ chính bản thân bạn.
Hàng triệu người đau khổ từ những căng thẳng, thử thách, khó khăn, đau đầu không đáng kể.Tất cả chúng ta phải hiểu và áp dụng nguyên tắc 90/10.Nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.
…Hãy đón nhận nó…


Nó chỉ cho phép chúng ta rút kinh nghiệm.Tất cả những gì chúng ta làm, cho, nói hoặc suy nghĩ, điều đó giống như một boomerang. Nó sẽ quay lại chúng ta. Nếu chúng ta muốn nhận, chúng ta cần học cách cho trước đã…Có thể chúng ta sẽ kết thúc với hai bàn tay trắng, nhưng trái tim chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu…
Và những ai yêu cuộc sống đều có được cái cảm giác sâu đậm đó trong tâm hồn họ…
==============================


NGUYÊN TẮC 90/10.
Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn!




Lời Ban Biên Tập:
Tác gỉa bài viết: Dr. Stephen Covey (1932-2012), Được công nhận là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time, Stephen R. Covey đã dành cả cuộc đời của mình để chứng minh làm thế nào mọi người thực sự có thể kiểm soát vận mệnh của họ với hướng dẫn sâu sắc, nhưng đơn giản. Là một lãnh đạo một cơ quan quốc tế có uy tín, chuyên gia về gia đình, giáo viên, chuyên gia tư vấn tổ chức, và là tác giả, lời khuyên của ông đã đưa ra cái nhìn sâu sắc đến hàng triệu. BBT TVHS xin giới thiệu bài viết: NGUYÊN TẮC 90/10 Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn (hoặc ít nhất, cách thức bạn phản ứng lại với các tình huống) do Kim Ngân chuyển ngữ. Một bài viết ngoài thể tài Phật Giáo, ít nhất là trên ngôn từ, được nhiều độc giả xem nhiều nhất trong gần 2 năm.(Tác gỉa mất vào ngày 16 tháng 7 năm 2012)
*********

Source Internet.

Chó Và Người


Trần Thị Diệu Tâm


Không hiểu tại sao người ta gọi con vật ấy là chó. Cái tên này không gây nên một ấn tượng đẹp theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhất là đối với tôi, một người không mấy ưa loài động vật này. Lý do, có lẽ từ một kỷ niệm thuở mới lớn.

Hôm ấy tôi mặc chiếc áo dài mới may. Chiếc áo màu xanh ngọc bích, thứ hàng mới có trên cửa hàng tơ lụa, mẹ tôi nói với tôi, mua cho nó để may mặc Tết. Nhưng chờ đến Tết thì lâu quá, (với thời gian chờ đợi dài gấp mấy lần thời gian bình thường) tôi phụng phịu đi may liền mặc liền, cũng chìu nó thôi. Chiếc áo ấy mãi đến ngày hôm nay, ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ rõ như đang nhìn thấy trước mắt, chiếc áo hiện ra cùng với cảm giác được mượt mà. Màu xanh tuyệt đẹp, tưởng chừng đó là màu xanh của một khối ngọc non vừa được mang ra ánh sáng từ một hang động nào trên cõi thiên tiên. Khi tôi ướm thử vào người, chiếc quần trắng mới, chiếc áo lót mới làm nổi bật màu xanh vời vợi. Mẹ tôi, nhìn tôi sững sờ ngạc nhiên thấy tôi bỗng lớn hẳn lên. Đã nói, nó dậy thì trông xinh ra. Mẹ ngờ ngợ nhìn vào ngực tôi, đôi vú nhỏ bắt đầu nhú lên như hai quả cau non. Mẹ nói nhỏ với dì, chắc vài bữa cũng phải mua cho nó cái xú chiên, áo lót mỏng không đủ che nổi. Mẹ lại bảo, khi nào đi chơi mới được mặc áo này, áo đắt tiền không phải lúc nào cũng mặc được. Dạo ấy, mẹ bắt đầu mua bán làm ăn phát tài, cái gì đẹp mẹ cũng mua cho con gái đầu.

Tối ấy, tôi xếp bộ áo quần mới, chiếc áo dài mới đặt dưới gối ngủ cho êm, cho thấy ấm áp, và được mơ giấc mơ có hoa có bướm, có bà tiên đến dẫn đi chơi.
Không biết có phải với sự xúc động với áo dài đẹp, hay vì một lý do sinh lý của cơ thể, sáng hôm sau, tôi thấy máu thấm ướt cả quần, chảy ra chiếu. Hoảng sợ, ngẫm nghĩ không biết nguyên nhân nào. Không ngờ sau khi mình may mắn có áo đẹp, lại phải chịu một cực hình như thế. Ông Trời khó khăn chi lạ. Thấy tôi nằm dài mãi trên giường, dì hỏi tại sao không dậy đi học, tôi nói, cháu bị thương nặng lắm. Bị khi nào? Hồi đêm đó dì, máu chảy nhiều quá, chắc cháu phải vô nhà thương. Dì tôi à lên một tiếng, mi lớn rồi đó, không phải bị thương. Dì mau mắn đưa một miếng vải trắng mỏng xếp nhiều lớp (bấy giờ làm gì có các loại bông băng) nai nịt gọn gàng cho tôi, nói tôi nằm nghỉ, bữa nay khỏi phải đi học, dì đến trường xin phép cho. Đầu óc tôi rối bời loạn xạ, tôi đưa tay ấn vào bụng, hình như có cục gì trong đó đang vỡ ra, bụng căng, hai quả cau cũng căng. Đi không dám đi, ngồi không dám ngồi, nên chỉ có việc nằm là đỡ sợ đỡ lo. Vì khi bước đi, máu lại ra nhiều hơn. Nếu chảy mãi như thế này, có lẽ tôi sẽ chết mất, áo dài đẹp thế kia chưa có dịp mặc. Nước mắt tôi ứa ra.

Mẹ tôi nói, nó có sớm quá, mới mười ba, thường thì mười lăm, có sớm thì khổ sớm. Câu này cứ ám ảnh tôi mãi về sau. Tại sao mình khổ sớm? Sau này tôi diễn nghĩa thêm, như là biết sớm thì khổ sớm, yêu sớm thì khổ sớm, hay biết nhiều khổ nhiều… Những ngày bị bệnh, trời mưa dai dẳng, buồn muốn chết. Tôi nghỉ học cả một tuần lễ, chờ hết. Mẹ dặn dì, không được ăn me chua, không được ăn ổi xanh, không được ăn chùm ruột chấm muối ớt. Chao ơi, nhớ mà thèm, nhưng khoái lắm, vì biết mình bệnh thật, không cần giả bộ đau bụng như những lần trước trốn học.

Sáng hôm ấy, tôi nhớ trời đẹp lắm, gần Tết rồi. Khi thấy cây mai trước sân nở ra những chùm hoa vàng đầu tiên, tôi đánh liều quyết định mặc áo dài xanh mới. Giữa sự hiện diện của chùm hoa mới nở và sự mộng mơ tuổi mới lớn, hình như có ai thúc đẩy mình hành động quyết định một điều mà lý trí không thể kiểm soát được. Vì nếu không liều lĩnh quyết định, e rằng mình không thể lớn lên làm người.

Tôi nói bữa nay con phải đến trường ăn tất niên. Tiệc tất niên cũng như tiệc Tết, nên cần phải mặc áo quần mới, đó là lẽ đương nhiên. Tắm rửa sạch sẽ xong, tôi mặc nguyên bộ đồ mới. Nhìn thấy mình trong gương tươi tắn, bỗng nhiên nhớ chuyện máu chảy, thấy ớn lạnh quá. Dì nói máu sẽ ra một tháng một lần, may chưa tới một tháng, mau mau mặc đẹp đi chơi, kẻo rồi lại khổ sớm.

Hôm ấy, tôi không đạp xe đạp, vì mặc áo quần đẹp thế kia phải đi bộ thong thả cho ra dáng thiếu nữ con nhà khuê các. Chẳng thế mà mấy người đẹp lừng danh xứ này đều luôn luôn đi bộ đến trường, đi qua cầu Trường Tiền gió bay tà áo thì phải biết, đẹp mê hồn đi chứ.

Tôi ghé qua nhà Tố. Vừa vào đến cổng nhà, con chó lớn bỗng dưng hôm nay nhào ra, ngoạm ngay vạt áo dài bích ngọc của tôi, kéo rách toạc. Tố chạy ra ôm con chó đuổi nó ra sau nhà. Tôi hoảng sợ nhìn vạt áo, nghẹn ngào.

Tố phân bua, hôm nay bạn mặc áo đẹp quá nên nó tưởng người lạ đó, mọi lần nó đâu có dữ tợn như vậy. Nói xong Tố lấy chiếc kim băng ghim tà áo phía bên hông. Tôi không nói được nên lời, im lặng, không thèm nhìn Tố, trở về nhà không đến trường nữa. Để nguyên bộ áo quần mới, tôi nằm dài ra giường tấm tức khóc. Tôi thề từ nay không thèm đến nhà nó, thề không chơi với nó và không nhìn mặt nó - Con Tố, chủ của con chó hung dữ độc ác kia. Tố có nhiều tính không được bạn bè ưa cũng phải, con nhà giàu kín cổng cao tường. Mẹ nó thường cho lối xóm vay nợ ăn lời cắt cổ, tiền của nhiều nên phải nuôi chó dữ. Nó còn hay mượn bài vở của mình chép lại. Tố bỗng hiện nguyên hình một cô bạn nhiều nét xấu. Làm sao nói với mẹ, với dì? Thế nào họ cũng nói con ni lanh chanh như hành không muối, vào nhà ấy làm chi.

Sở dĩ tôi ghé qua nhà Tố vì nó căn dặn, khi nào đi bộ ghé qua rủ mình đi với nghe. Nó có chiếc răng khểnh duyên dáng, và hơn thế nữa, ngôi nhà của nó đẹp lắm, đẹp nhất xóm, tọa lạc giữa một khu vườn cây xanh mát, hai bên lối đi có trồng cả hoa hồng. Đi vào một ngôi nhà sang như thế mình cũng thấy dễ chịu, nhất là khi mặc chiếc áo dài mới như thế này. Người ta thường nói, chọn bạn mà chơi. Bạn sang thì mình cũng sang theo, bạn đẹp thì mình cũng đẹp theo. Các chị lớn mấy lớp trên thường chơi với đám bạn đẹp nên nổi tiếng, nên lừng danh. Sau khi bị chó cắn, tôi hứa từ nay chừa cái tật chọn bạn như vậy. Con Hường gần nhà, thích lân la với tôi nhưng nào tôi có màng để ý. Nhà nó vách gỗ vách ván, chẳng vườn tược hoa trái, buồn chết. Nhưng nó không hề có chó dữ, khi mẹ nó nấu chè đậu ván, nó mời tôi sang ăn, nhưng tôi lắc đầu nói bận học bài. Tôi đâm ra ân hận đủ thứ.

Nhìn chiếc áo mới, ôm vào lòng, như ôm một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Tôi nhanh chóng nghĩ ra được cách che giấu, ngày Tết chắc chắn sẽ lạnh, tôi có dịp mặc áo len bên ngoài áo dài mới, chẳng ai thấy được đường rách, mẹ không biết.

Nhưng chiếc áo rách rồi, tay ai tài giỏi vá lành lại đây, buồn không tả. Rách, không thể lành, không thể hàn gắn như xưa. Cái áo mới sẽ được khâu vá lại, nếu khéo che đậy, có khi không ai thấy, nhưng thực chất nó đã trở thành một chiếc áo cũ rách. Tôi bần thần ngẩn ngơ về những điều lạ lùng xảy ra. Tuổi mười ba, cùng với một sinh lực chớm nở dậy thì đầy mộng mơ, tôi đã biết ngậm ngùi thất vọng một điều không may xảy đến cho mình. Vừa mới hân hoan hãnh diện mặc tấm áo dài mới, bỗng chốc con chó dữ xé toang vạt áo. Tôi choáng váng suốt cả mấy ngày liên tiếp vì biến cố này. Đúng như mẹ nói, có sớm khổ sớm. Tôi thấy khổ vì biết cảm nhận cái vô lý, cái không bình thường vừa xảy ra.

Từ dạo ấy, con chó gây nên một ấn tượng không mấy đẹp với tôi. Nhà ai có nuôi chó, tôi tránh xa, quen biết mấy tôi cũng không muốn vào.

oOo

Lúc qua ở bên Tây, thỉnh thoảng về thăm mẹ ở tỉnh xa. Mẹ nuôi chó. Thấy mẹ cưng quỷ chó, tôi cũng phải nể nang nó ra mặt. Tôi mạnh dạn đưa tay vuốt ve đầu nó nói vài ba câu xã giao cho ra vẻ có tình (để làm vui lòng mẹ). Nhưng tôi nói tiếng Việt nó chẳng hiểu gì cứ sủa gâu gâu. Mẹ bảo phải nói tiếng Tây. Tôi chột dạ, lỡ nói không đúng văn phạm, chắc nó chẳng hiểu.

Trong phòng khách, con chó được ngồi một vị trí ưu tiên nhất, đó là chiếc ghế bọc nệm gần mẹ tôi. Trong phòng ăn, nó cũng chiếm một vị trí gần bà chủ nhà. Thức ăn của nó được nấu riêng, không phải là thứ dư thừa. Mẹ tôi gọi nó là Bu (viết theo chữ Pháp là Bou). Cái tên dễ gọi không lôi thôi như Jean Louis David, hay Jonathan.

Tối ngủ, mẹ nói Bu qua ngủ với mẹ, còn phòng nó để dành cho tôi. Đó một căn phòng có giường rộng dành cho khách, nhưng không có khách thì Bu chiếm ngự. Căn phòng có mùi đặc biệt, dù thay áo gối ra giường khác sạch sẽ tươm tất, tôi vẫn ngửi được cái mùi kỳ lạ từ khi bước vào phòng. Đó chính là mùi của con Bu, nó khác với mùi của con người. Suốt cả một đêm tôi không thể nhắm mắt ngủ vì cái mùi này.

Cuộc đời mẹ, từ những ngày ấu thơ, lớn lên lấy chồng cho đến nay, trải biết bao thăng trầm. Tôi ít dịp được ở gần mẹ, sau năm mười ba tuổi, mẹ đã đi buôn bán xa rồi. Tôi vào học nội trú trường bà sơ, kỷ luật nghiêm nhặt. Cuộc chiến tranh Việt Pháp đã làm rách nát mọi gia đình, trong đó có tôi. Cha tôi đi kháng chiến chống Pháp, mẹ ở nhà buôn bán tần tảo với người Pháp (đôi khi lo tiếp tế cho cha tôi ở mật khu). Nhờ có học tiếng Pháp, mẹ làm ăn phát đạt. Mấy tấm hình của mẹ chụp ngày xưa, thấy mẹ rất đẹp. Có lẽ nhờ ở những ưu điểm ấy mà mẹ tôi sớm chịu những oan trái cuộc đời. Tôi luôn ám ảnh, cho rằng một con người có ưu điểm, hay có may mắn hơn người khác thì phải bị thua thiệt ở mặt nào đó. Tôi nhớ có lần gặp một bác lớn tuổi cho biết rằng mẹ cháu xưa kia đẹp lắm. Tôi thật xúc động, chỉ muốn ôm bác nói vạn lời cám ơn. Tôi là một đứa con như muôn vạn đứa con khác, luôn mong muốn nghĩ rằng mẹ của mình là người đàn bà hơn người. Mẹ đẹp hơn người, giỏi hơn người, thông minh hơn người, nhưng, mẹ khổ hơn người. Nghĩ vô lý thật.

Mỗi khi có tôi bên cạnh, mẹ kể chuyện đời xưa, những chuyện buồn khổ ám ảnh mẹ không nguôi. Tôi an ủi, mẹ ơi đừng nhắc những chuyện buồn nữa, sao mẹ không nhớ những chuyện vui. Mẹ lắc đầu, mẹ chẳng biết cái chi vui mà kể. Thuở nhỏ năm lên mười tôi thuộc thơ TTKH, vì mẹ hay ngâm nga. Mẹ cũng ngâm lại bài thơ của cha tôi làm tặng mẹ khi hai người mới thương nhau, ngâm xong mẹ nói, thương vậy mà cũng bỏ đi.

Đang lan man nghĩ ngợi, nửa đêm, con Bu bỗng chạy qua phòng tôi, có lẽ muốn chiếm lại giường ngủ. Nó nhảy phóc lên giường. Tôi khiếp vía ngồi ngay dậy bật đèn sáng. Nó nhả vào cạnh tôi một khúc xương ống trắng hếu, lại gầm gừ nhìn tôi. Con này thật quá quắt, nó muốn đuổi mình đây.

Sáng mai tôi đáp xe lửa về Paris sớm, vì giận con Bu quá. Mẹ tôi hỏi sao không ở lại thêm. Tôi buột miệng: ngủ với chó hôi quá chịu không được. Câu trả lời rất đúng sự thật, nhưng làm mẹ phẫn nộ. Mẹ giận dữ nói tao nhờ nó mà sống được đến ngày hôm nay, con cái có đứa nào chịu ở với tao, mi chê nó hôi tức chê tao hôi. Tôi ân hận đã lỡ lời. Tôi chào mẹ ra về, con Bu thấy thế, vì cũng không mấy ưa tôi, cứ đứng ở cửa sủa gắt lên. Đáng lẽ ra tôi phải vung tay nói muôn ngàn lời cảm tạ với Bu, rằng em đã thay mặt chị ở với mẹ, yêu thương mẹ, em đã giúp thêm nghị lực cho mẹ sống với đời này, chị biết em là con người hóa kiếp chó, em nhiều tình cảm đối với mẹ, mẹ bảo gì em cũng vâng lời, không hề tỏ ý kiến trái lời mẹ, em là đứa con ngoan ngoãn nên được mẹ thương yêu nhất nhà. Tôi thầm thì nói với Bu khi ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành trở về. Ừ! Ừ nhỉ, tôi sẽ viết cho nó bức thư dài tạ lỗi. Nhưng về đến nhà, công việc dồn dập trước mắt, tôi lăn vào cuộc sống mệt mỏi và quên bức thư tha thiết dự tính viết cho Bu.

Mẹ tôi giam giữ quá nhiều cay đắng trong lòng, chỉ cần một vết nứt nhỏ, niềm đau nỗi khổ ấy chợt vỡ ra, tuôn ào ạt. Mẹ viết cho tôi một bức thư dài nói về con chó của mẹ. Mẹ ca tụng nó như một đứa con nuôi hiếu thảo nhiều tình cảm, và kết luận nó là con chó nhưng tốt hơn con người. Những chuyến về thăm Việt Nam, mẹ đem Bu đi theo, mua cho nó một chỗ ngồi trên máy may. Mẹ không thể sống xa Bu. Bu là điểm tựa tinh thần, là sự an ủi, là sự ve vuốt cho nỗi cô liêu hoang vắng đời mẹ. Mẹ quyết định về sống lại ở Việt Nam, vì theo mẹ, xứ Tây này ích kỷ quá, sống không nổi.

Năm vừa qua, vào nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy vì cú điện thoại gọi từ Sàigòn cho biết mẹ đã chết rồi.

Khi người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ? Muôn ngàn mũi kim châm chích vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim mình. Vé máy bay mua không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa mẹ vào lò thiêu xác. Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động kịp, cuộc đời tôi bớt tiếc nuối nhiều chuyện.

Hôm tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết, người ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan tài bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ vui lòng được chết trên quê hương mình sau nửa đời xa cách.

Dì tôi nói chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có chết, mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự hỏi tại sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa cách mẹ và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn quay, trời vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ có mẹ là chết.

Tôi không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.

Hôm tôi về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận diện quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao nó còn nhớ tới mình. Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đã sống cùng với nó như hình với bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ mất, nó bỏ ăn nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh tôi. Tôi ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo gì cũng mặc, chỉ có tôi bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu huyết tôi là máu huyết mẹ, Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng nó thay mẹ tôi (có thể nó quên chuyện đã từng dọa nạt tôi trong đêm khuya).

Buổi tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc. Tôi không ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu Bu, nó dụi đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử chỉ Bu thường làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến. Tôi thương mẹ quá, tôi thấu hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có khi nào tôi ôm chân mẹ như thế chưa. Bu đã hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.

Tôi bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẽ mẹ tôi ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đã thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui lòng lắm.

Khi đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng gác với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực tiếp nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi vào. Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn tuổi về đây ở đều bị chết sớm, không khí ở đây rất độc vì dơ bẩn. Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa lãnh sự, họ xem tôi là người đồng hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa họ và tôi, điều này tôi khó tìm ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố hương mình. Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê hương thực của mình, Pháp hay Việt Nam? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự, không khí thoáng mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép, e dè hồi hộp vào làm giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này. Ngày ấy, tôi người Việt Nam. Hôm nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một công dân Pháp, được đối xử lịch sự thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt? Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình không hẳn là người Việt. Đó là sự mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.

Tôi sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần, hình ảnh mẹ vào vali, Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà bếp nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh thoảng Bu ngẩng đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền long lanh và thắm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi, không thể đem nó theo cùng, tôi không thể cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại đây thôi. Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết mình cũng yếu đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.

Tôi và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí óc lẩn thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn cực không biết nó có chịu được không. Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết thân biết phận chứ. Tuy nói vậy, tôi không tránh khỏi xót xa.

Buổi sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem hành lý ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe. Khi xe rồ máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào thét. Xé lòng.

Xe ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy giờ Bu còn sống chăng.

Mẹ tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh, cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ người làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ hoang phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó./.



Source Internet.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ảnh Hưởng của Văn Hóa Trung Hoa


Trần Gia Phụng


1.- ẢNH HƯỞNG THỜI TRUNG HOA ĐÔ HỘ CỔ VIỆT

Trong thời gian khoảng hơn một ngàn năm, từ khi Triệu Đà, tướng của nhà Tần (Trung Hoa), đem quân đánh chiếm cổ Việt năm 208 TCN, cho đến khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 ở Bạch Đằng Giang, các triều đại Trung Hoa đô hộ và khai thác đất nước chúng ta. Chắc chắn tổ tiên chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Theo Hậu Hán thư (Hou Han shu, sách về đời Hậu Hán, tác giả Phạm Việp, viết vào thế kỷ thứ 5): “Tục Cửu Chân làm nghề săn bắn chứ không biết dùng bò để càyDân thường phải mua lúa Giao Chỉ mỗi lần bị thiếu thốn. [Nhâm] Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng, ruộng đất trù mật, mỗi năm một rộng thêm; trăm họ được đầy đủ. Dân Lạc Việt lại không có phép cưới hỏi, mọi người ưa dâm dật, không quen thói sống chung với nhau, nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng. Vì vậy Diên gởi thư đi các huyện thuộc quyền ông, truyền cho mọi người đàn ông từ 20 đến 50 tuổi, đàn bà từ 15 đến 40 tuổi, tất cả tùy theo tuổi tác mà cưới hỏi nhau... Trước kia trong thời Bình Đế có Tích Quang, người Hán Trung làm thái thú Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy cho dân Man di ăn ở, tiếng giáo hóa cũng lừng lẫy như ông Diên... Đất Lĩnh Nam giữ phong tục Trung Hoa bắt đầu từ hai vị thái thú đó...”(1)

Nhâm Diên, người huyện Uyển, thuộc Nam Dương (Trung Hoa), làm thái thú Cửu Chân (châu thổ sông Mã) từ năm ất dậu (25 SCN), đến năm 29 (SCN) thì được gọi về Trung Hoa làm quan ở Thu Dương. Tích Quang, người Hán Trung, làm thái thú Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng), đời vua Hán Bình Đế (1-5 SCN). Năm Kiến Võ thứ nhất (tức năm Ất Dậu, 25 SCN) đời vua Hán Quang Võ (Han Kuang-wu, trị vì 25 - 57), ông được phong tước Diêm Thủy Hầu.

Hai ông trên được các bộ cổ sử Trung Hoa ca tụng về các điểm dưới đây, và được các bộ sử nước ta chép theo, nhưng các điểm nầy cần được xem xét lại:
Thứ nhất, Hậu Hán thư cho rằng người Việt “không có phép cưới hỏi... không quen thói sống chung với nhau nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng,” nên Nhâm Diên dạy dân Việt cưới hỏi theo lễ giáo. Lúc đó, người Việt còn sống trong các bộ tộc theo phong tục tập quán riêng, và có thể còn theo mẫu hệ. Khi phiên dịch bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê (1428-1527), giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) cho rằng một trong những thay đổi quan trọng mà sự đô hộ của người Trung Hoa đã mang đến cho dân Việt là: “Về mặt phong tục, người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ. Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Hoa, người Việt đã có họ và theo họ của người cha. Hầu hết các họ mà người Việt Nam còn dùng đến ngày nay đều là những họ của người Trung Hoa, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt. Việc kế thừa và lãnh đạo thì chuyển từ con gái sang con trai theo một diễn trình dài dặc. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 39 thì đến Bà Triệu đứng lên lãnh đạo cuộc tranh đấu chống người Trung Hoa năm 248. Nhưng từ đó trở đi, các cuộc vận động độc lập đều do người đàn ông Việt cầm đầu. Vậy ta có thể bảo rằng cho đến lúc Bà Triệu dấy binh, xã hội Việt hãy còn ít nhiều tính cách mẫu hệ, nhưng sau đó thì hoàn toàn chuyển qua phụ hệ.”(2) Tập tục mẫu hệ tồn tại trong các bộ tộc miền núi Việt Nam cho đến những ngày gần đây.

Khi chú thích Hậu Hán thư của Phạm Việp, trong đoạn viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thái tử Lý Hiền (nhà Đường) đã viết vào thế kỷ thứ 8: “...Giao Chỉ thái thú Tô Định dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ cố phản...” (...Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng luật pháp trói buộc nên [bà] Trắc tức giận làm phản...).(3a) Chữ “pháp” mà thái tử Hiền dùng không phải chỉ một nghĩa hẹp là “luật lệ”, mà chữ “pháp” ở đây có thể hiểu rộng hơn như là pháp chế, tổ chức hành chánh, chính trị, cũng như kinh tế, văn hóa, phong tục. Trong một đoạn nói về việc cai trị của Mã Viện sau khi đánh dẹp Hai Bà Trưng, Hậu Hán thư (quyển 54, tr. 747) chép: “Điều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự.” (Luật dân Việt và luật nhà Hán khác nhau đến hơn mười điều).(3b) Tuy Hậu Hán thư viết nhẹ như thế, nhưng chỉ cần “hơn mười điều” đi ngược lại phong tục tập quán xã hội cũng đủ trở thành gông cùm trói buộc tự do của người Việt.

Thứ nhì, công việc “giáo hóa” lễ nghĩa của các thái thú, phổ biến Nho giáo, một triết thuyết hô hào tư tưởng “trung quân,” nhắm “dạy” cho dân cổ Việt trung thành với nền quân chủ, tức trung thành với vua Trung Hoa, và chấp nhận nền đô hộ của Trung Hoa.

Mục đích chính của những nhà đô hộ Trung Hoa trong việc áp đặt lễ nghi cưới hỏi Trung Hoa cho dân chúng cổ Việt, nhắm buộc người cổ Việt phải vào hồ sơ hộ tịch địa phương khi thành hôn (mới được thừa nhận). Nhờ thế, nhà cầm quyền đô hộ nắm được tình hình an ninh, số hộ dân để dựa theo đó mà thu thuế.(4) An ninh và thuế khóa là mục đích hàng đầu của chế độ đô hộ bóc lột.

Công việc “giáo hóa” của hai thái thú trên, nhất là việc áp dụng tục lệ cưới hỏi theo lễ nghi Trung Hoa bị người Việt chống đối. Một tờ trình của Tiết Tống (Hsueh Tsung) vào năm 231 gởi cho triều đình Đông Ngô thời Tam quốc (213 - 280), cho rằng cho đến khi ông đến Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp (thái thú 187-226), tức là sau mấy trăm năm đô hộ, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa không đúng theo như các báo cáo trước đó; và người Giao Chỉ và Cửu Chân vẫn còn giữ tục lệ gia đình của họ.(5)

Thứ ba, “Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng.” Dựa vào câu nầy, các sách xưa cho rằng chính Nhâm Diên đã dạy cho dân Việt biết cách dùng lưỡi cày bằng sắt (điền khí) để cày ruộng. Người Trung Hoa tự hào là họ đã dạy dân Việt cày cấy, nhưng thử hỏi người Trung Hoa thời xưa sống ở châu thổ sông Hoàng (Hoàng hà), trồng (lúa) mì và (lúa) mạch ở ruộng khô, chưa biết lúa gạo ở ruộng nước, làm sao giỏi kỹ thuật trồng lúa gạo ở ruộng nước, hơn người Việt mà dạy người Việt?

Chính một bộ sách xưa của Trung Hoa, Giao Châu ngoại vực ký, (viết khoảng giữa đời Tấn (265-420), Trung Hoa) đã viết: “...Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu...”(6) Nói cách khác, “Hồi xưa, chưa có quận huyện...”, nghĩa là trước khi người Trung Hoa đến cổ Việt lập thành quận huyện, người Việt đã biết làm ruộng “lạc,” “tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy,” tức là ruộng “ló” (lúa) hay ruộng lúa nước, tùy theo thủy triều.

Trong sách Ancient China (1967), tác giả Edward H. Schafer viết rằng: “Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (Nguyên văn: “The art of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.” (7a) Cũng tác giả nầy cho biết thêm rằng Đức Khổng Tử (551-478 TCN) “phải sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê” (nguyên văn: “...Confucius must have subsisted chiefly on millet cakes...”).(7b) Như thế, Khổng Tử sinh sống ở Sơn Đông, vùng hạ lưu Hoàng Hà, đã từng đi du thuyết nhiều nơi ở Trung Hoa, có thể không ăn cơm.

Tại Mê Linh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) quận Giao Chỉ (châu thổ Hồng hà), người ta mới phát hiện được những bộ xương trâu đã có mặt tại đây khoảng 2,000 năm trước Công nguyên, và hai lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn (thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) dùng cho trâu cày.(8) Như thế, dân Lạc Việt đã biết làm ruộng, đã biết nuôi trâu cày và đã biết sử dụng điền khí trước khi người Trung Hoa đến xâm lăng. Lúc đó, dân Lạc Việt dùng lưỡi cày bằng đồng vì đồ đồng là nghề luyện kim chính của dân Lạc Việt (vốn nổi tiếng về trống đồng), và nhất là đồ sắt bị hạn chế, do việc bà Lữ hậu nhà Hán đã ra lệnh cấm xuất cảng sắt xuống phía nam Trung Hoa từ năm 183 TCN.(9)

Thái thú Nhâm Diên không phải là người khai tâm dân Việt dùng điền khí để cày cấy, như Hậu Hán thư đã viết và các bộ sử khác chép theo, kể cả các bộ sử Việt Nam, từ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) cho đến các bộ sử gần đây. Một nghi vấn có thể được đặt ra là phải chăng Nhâm Diên, thái thú Cửu Chân, tức vùng châu thổ sông Mã, nơi có trung tâm trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa), chứng kiến dân chúng địa phương đã cày cấy bằng lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn, rồi báo cáo như trên về triều đình Trung Hoa để lập công, như ông đã từng báo cáo không đúng sự thật về việc ông giáo hóa dân Việt, mà Tiết Tống trình cho nhà Đông Ngô năm 231?

Nói chung, tổ chức cai trị của Trung Hoa ở các vùng đô hộ tại miền nam sông Dương Tử, trong đó có cổ Việt, nhắm mục đích chính là khai thác và bóc lột dân chúng thuộc địa, chứ không nhắm mục đích khai hóa. Do đó, người Trung Hoa chỉ truyền bá những gì cần thiết cho nền đô hộ của họ. Riêng việc dùng điền khí để trồng lúa nước hoàn toàn là sáng kiến của người Việt.

2.- ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA TRUNG HOA THỜI ĐỘC LẬP

Ngày nay, nhiều người cho rằng vì bị Trung Hoa đô hộ một ngàn năm, nên người Việt bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa. Không ai có thể phủ nhận điều nầy, nhưng vấn đề nầy cần được xét sâu rộng hơn nữa, để thấy rõ việc Trung Hoa đô hộ cổ Việt trong hơn một ngàn năm, không phải là tác nhân duy nhất đưa đến ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa về sau nầy.

Nguyên sau khi đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 và xưng vương năm 939, chính quyền Ngô Quyền tiếp tục sử dụng chữ Nho (chữ Hán) làm văn tự hành chánh, dầu người Việt vẫn nói tiếng Việt. Lúc đầu, nhờ có trình độ văn hóa, giỏi chữ Nho, các thiền sư Phật giáo được vua chúa trọng dụng. Dần dần các triều đại quân chủ Việt nhận ra rằng Nho học, với hệ thống xã hội xây dựng trên tam cương,(10) với tư tưởng trung quân ái quốc, là kim chỉ nam hành động của sĩ phu, mới thiết thực ích lợi cho công cuộc cai trị, cho trật tự xã hội và nhất là cho chế độ quân chủ, hơn là các triết thuyết khác. Từ đó, Nho học được các chính quyền Việt đưa vào chương trình học tập, giảng dạy và thi cử của nhà nước.

Trước kia, dưới thời Trung Hoa đô hộ, chữ Nho chỉ được dùng trong hành chánh của chính quyền Trung Hoa ở cổ Việt. Việc học chữ Nho và Nho học đối với dân chúng Việt có tính cách tùy thích, không bắt buộc. Nếu dân chúng Việt không có nhu cầu cộng tác hay liên hệ với nhà cầm quyền đô hộ thì chẳng cần học. Nhà cầm quyền đô hộ Trung Hoa không tổ chức thi cử cho dân chúng địa phương tại ở cổ Việt.

Từ thời đất nước được độc lập, các chính quyền quân chủ Việt sử dụng chữ Nho làm văn tự chính thức của triều đình. Đương nhiên người Việt vẫn nói tiếng Việt. Để chọn lựa nhân tài ra làm quan, các chính quyền quân chủ tổ chức thi cử bằng chữ Nho. Nội dung thi cử dựa trên Nho học. Tất cả mọi người dân Việt muốn tiến thân, đều phải học chữ Nho, học chương trình Nho học, để thi cử đỗ đạt, mới được ra làm quan. Nội dung thi cử gồm chính yếu là các bộ tứ thư, ngũ kinh,(11) lịch sử và văn chương Trung Hoa. Ngoài ra có thêm lịch sử và văn chương Đại Việt. Nói cách khác, chương trình Nho học rất nặng về văn chương, lịch sử, văn minh, văn hóa Trung Hoa.

Vị vua đầu tiên cử sứ thần sang Trung Hoa thỉnh cửu kinh (tức tứ thư và ngũ kinh) của Nho giáo năm 1007 (đinh mùi) là Lê Long Đĩnh (trị vì 1006-1009). Dưới thời vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127), triều đình mở khoa thi tam trường đầu tiên năm 1075 (ất mão), để kén chọn nhân tài ra giúp nước. Thi cử là phương pháp tuyển chọn nhân tài rất dân chủ, được nước ta bắt đầu áp dụng từ đây. (Trong khi ở Âu Châu cho đến thế kỷ 19 mới bắt đầu có thi cử.) Kỳ thi hương cuối cùng theo Nho học diễn ra vào năm 1918 và sau đó là kỳ thi hội và thi đình cuối cùng năm 1919, dưới thời vua Khải Định (trị vì 1916-1925).

Như thế, rõ ràng trong thời Trung Hoa đô hộ, chữ Nho và Nho học có tính cách “nhiệm ý,” học cho biết; trong khi vào thời nước ta độc lập, chữ Nho và Nho học có tính cách “bắt buộc,” học để tiến thân. Tất cả những điều nầy đưa đến các kết quả sau đây:
Thứ nhất, xã hội Việt được hình thành theo mô hình quân chủ Nho giáo, dựa trên tam cương, ngũ thường.(12) Những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán, luật pháp Trung Hoa trở thành những mẫu mực chẳng những của các cấp lãnh đạo xã hội Việt, mà cả của dân chúng Việt. Các điển lễ trong cuộc sống xã hội Việt, như cưới hỏi, tế tự, tang ma, trang phục... từ triều đình xuống tới thứ dân Việt, đều hoàn toàn rập khuôn theo điển lễ Trung Hoa, nhất là “Chu lễ” (tức nghi lễ nhà Chu bên Trung Hoa).

Tứ dân trong xã hội cổ điển là “sĩ nông công thương.” Đây không phải là sự phân biệt giai cấp, nhưng điều nầy cho thấy xã hội nông nghiệp Việt rất tôn trọng “kẻ sĩ,” là những người theo đuổi Nho học, và xem nhẹ các ngành công nghệ và thương mại.

Thứ hai, với sự hỗ trợ của chế độ quân chủ, nền Nho học chiếm địa vị bậc nhất trong một thời gian dài ở nước ta, ít nhất từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Điều nầy một mặt giúp chế độ quân chủ ổn định trật tự xã hội, nhưng một mặt khác, vì sự sùng thượng Nho giáo quá độ, Nho học trở thành giáo điều, kinh điển. Có một thời, những gì “Tử viết” (tức Khổng Tử nói) là khuôn vàng thước ngọc cho Nho sinh Việt.

Trong bất cứ xã hội nào, giáo điều luôn luôn giới hạn sự suy tư của dân chúng, và làm cho xã hội trở nên xơ cứng, không tiến bộ được. Điều nầy không phải chỉ diễn ra ở Đại Việt, mà ở ngay cả quê hương của Nho giáo là Trung Hoa, nhất là sau thời kỳ nhà Tống (968-1279).(13) Song hành với sự sùng thượng Nho học là sự sùng thượng văn hóa Trung Hoa, khiến nhiều người Việt chỉ xem trọng giá trị Trung Hoa, và xem thường tất cả những giá trị văn hóa khác.

Thứ ba, do bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa, người Việt không mấy cởi mở với văn hóa Tây phương khi người Âu Châu đến xin mở cửa để giao thương. Có thể nói văn hóa Nho giáo trở thành một rào chắn tự nhiên ở Đại Việt (đổi thành Việt Nam từ thế kỷ 19) chống lại sự xâm nhập của văn hóa Tây phương, vì nền văn hóa Tây phương có nhiều điểm khác biệt với văn hóa Việt lúc đó.

Vua chúa thời Trịnh Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn lo sợ nền văn hóa Tây phương sẽ làm lung lay nền tảng xã hội Nho giáo và ảnh hưởng đến quyền lực của họ. Cần chú ý là Nho giáo là ý thức hệ căn bản của chế độ quân chủ trong đó khái niệm trung quân được đưa lên hàng đầu, nên các vua chúa lo ngại nền tảng Nho giáo bị thay đổi do sự xuất hiện của văn hóa Tây phương, có tính cách phóng khoáng, dân chủ và trọng nữ quyền.
Xã hội Nho giáo lúc đó chấp nhận đa thê. Những người đa thê thường là vua chúa, quan lại và giới giàu có. Trong khi đó, giáo luật đạo Thiên Chúa du nhập từ Tây phương, cấm đoán phong tục đa thê. Điều nầy vi phạm vào quyền lợi của giới lãnh đạo xã hội Nho giáo. Chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (cầm quyền ở Đàng Ngoài 1623-1657) đã từng lên tiếng: “Đạo nào [Thiên Chúa] các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta.”(14)

Dân chúng Việt vốn bị ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa, xem nhẹ việc buôn bán, xếp thương giới vào hạng cuối cùng của xã hội Nho giáo (sĩ nông công thương). Từ xưa, người Việt vốn không có nền ngoại thương, nên người Việt chẳng có nhu cầu buôn bán với người nước ngoài. Do đó, người Việt cũng thờ ơ với việc mở cửa, trao đổi giao dịch với người Tây phương.

Chính vì không thể thuyết phục được người Việt mở cửa để giao thương, chính quyền Pháp đã lợi dụng việc triều đình Việt Nam cấm đạo và đàn áp giáo sĩ, gây ra những vụ tử đạo,(15) để khích động dư luận dân chúng Pháp, đưa quân xâm lăng và bảo hộ Việt Nam vào năm 1884.

Tóm lại, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong gần một ngàn năm nước Việt độc lập (939-1884) có thể nói còn sâu đậm hơn trong một ngàn năm nước Việt bị Trung Hoa đô hộ (208TCN-938). Toàn bộ hai lần ảnh hưởng nầy bao trùm lên nền tảng văn hóa bản địa Việt, khiến đôi khi có thể bị lầm tưởng trước đây, nền văn hóa Trung Hoa độc tôn tại nước ta.

 (Toronto, 17-4-2006)

Source Internet.

CHÚ THÍCH

 1. Nguyễn Phương trích dịch, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học, 1965, tt. 186-187.
2. Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật, Phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, quyển A, Viet Publisher, [không đề nơi xuất bản], 1989, tr. 19.
3. Nguyễn Phương trích dịch, sđd. tt. 176 (3a) và 137 (3b).
4. Bên Trung Hoa, thời Chiến quốc (479-221 TCN), tại nước Tần, dưới đời Tần Hiếu Công (cầm quyền 361-338 TCN), để thu thuế, tể tướng Thương Ưởng hay Vệ Ưởng (390-338 TCN), bày ra cách tổ chức hộ khẩu.
5. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tr. 75. Về việc nầy, tác giả Taylor căn cứ trên sách Tam quốc chí của Trần Thọ. (Sách nầy khác với Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung là một bộ tiểu thuyết.)
6. Lê Tắc, An Nam chí lược [chữ Nho], Huế: Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Viện Đại Học, 1961, tr. 39.
7. Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tr. 16 (7a), tr. 37 (4b).
8. Keith Weller Taylor, sđd. tr. 35.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tr. 92.
10. Tam cương: ba sợi giây lớn của cái lưới, nghĩa bóng là ba giềng mối của xã hội: vua tôi (quân thần), chồng vợ (phu phụ), cha con (phụ tử). Ngũ thường: năm đạo của con người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
11. Tứ thư: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử. Ngũ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu.
12. Ngũ thường: Năm đức tính thông thường của con người: nhân = lòng thương người; nghĩa = hợp với lẽ phải; lễ: phép tắc cư xử, trong xã hội; trí: hiểu biết, khả năng suy nghĩ; tín: thành thật, tin cẩn.
13. Thời nhà Tống, xuất hiện nhiều danh sĩ Nho giáo rất bảo thủ nổi tiếng như Trương Hoành Cừ [Trương Tài, 1020-1976], Trình Y Xuyên [Trình Di, 1033-1107] và Chu Hối Am [Chu Hy, 1130-1200] “thường quá thiên về đường quy thức, quá trọng về đường thượng lễ và cư kính cho nên thành ra câu chấp, bó buộc về mặt thủ cựu, lâu ngày ứ trệ, thật là hại cho sự tiến hóa.”(Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển hạ, Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, tái bản 1971, tt. 165-166.)
14. Alexandre de Rhodes, Histoire du royaume de Tonquin, bản Việt dịch của Hồng Nhuệ, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, TpHCM: Tủ sách Đại Kết, 1994, chương 20, tr. 124.
15. Tử đạo (martyr): nghĩa là chết vì đạo. Chữ “martyr” (Anh) bắt nguồn từ chữ “martus” (Hy Lạp), có nghĩa là người làm chứng cho một sự kiện mà chính bản thân người đó chứng kiến hay kinh nghiệm. Nói cách khác là lấy chính bản thân mình làm chứng cho điều mình tin là có thật vì mình đã chứng kiến hay kinh nghiệm. Nếu tinh mắt để ý, các chế độ cộng sản Liên Xô, Đông Âu, Trung Hoa, Việt Nam, chủ trương đàn áp tôn giáo, nhưng không bao giờ gây ra những vụ án tử đạo, mà chỉ sử dụng những biện pháp hành chánh, hay những vụ án hình sự, chính trị, để bắt giam giáo sĩ và tín đồ các tôn giáo.