Trần Gia Phụng
1.- ẢNH HƯỞNG THỜI TRUNG HOA ĐÔ HỘ CỔ VIỆT
Trong thời gian khoảng hơn một ngàn năm, từ khi Triệu Đà, tướng của nhà Tần (Trung Hoa), đem quân đánh chiếm cổ Việt năm 208 TCN, cho đến khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 ở Bạch Đằng Giang, các triều đại Trung Hoa đô hộ và khai thác đất nước chúng ta. Chắc chắn tổ tiên chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Theo Hậu Hán thư (Hou Han shu, sách về đời Hậu Hán, tác giả Phạm Việp, viết vào thế kỷ thứ 5): “Tục Cửu Chân làm nghề săn bắn chứ không biết dùng bò để cày. Dân thường phải mua lúa Giao Chỉ mỗi lần bị thiếu thốn. [Nhâm] Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng, ruộng đất trù mật, mỗi năm một rộng thêm; trăm họ được đầy đủ. Dân Lạc Việt lại không có phép cưới hỏi, mọi người ưa dâm dật, không quen thói sống chung với nhau, nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng. Vì vậy Diên gởi thư đi các huyện thuộc quyền ông, truyền cho mọi người đàn ông từ 20 đến 50 tuổi, đàn bà từ 15 đến 40 tuổi, tất cả tùy theo tuổi tác mà cưới hỏi nhau... Trước kia trong thời Bình Đế có Tích Quang, người Hán Trung làm thái thú Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy cho dân Man di ăn ở, tiếng giáo hóa cũng lừng lẫy như ông Diên... Đất Lĩnh Nam giữ phong tục Trung Hoa bắt đầu từ hai vị thái thú đó...”(1)
Nhâm Diên, người huyện Uyển, thuộc Nam Dương (Trung Hoa), làm thái thú Cửu Chân (châu thổ sông Mã) từ năm ất dậu (25 SCN), đến năm 29 (SCN) thì được gọi về Trung Hoa làm quan ở Thu Dương. Tích Quang, người Hán Trung, làm thái thú Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng), đời vua Hán Bình Đế (1-5 SCN). Năm Kiến Võ thứ nhất (tức năm Ất Dậu, 25 SCN) đời vua Hán Quang Võ (Han Kuang-wu, trị vì 25 - 57), ông được phong tước Diêm Thủy Hầu.
Hai ông trên được các bộ cổ sử Trung Hoa ca tụng về các điểm dưới đây, và được các bộ sử nước ta chép theo, nhưng các điểm nầy cần được xem xét lại:
Thứ nhất, Hậu Hán thư cho rằng người Việt “không có phép cưới hỏi... không quen thói sống chung với nhau nên không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng,” nên Nhâm Diên dạy dân Việt cưới hỏi theo lễ giáo. Lúc đó, người Việt còn sống trong các bộ tộc theo phong tục tập quán riêng, và có thể còn theo mẫu hệ. Khi phiên dịch bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê (1428-1527), giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) cho rằng một trong những thay đổi quan trọng mà sự đô hộ của người Trung Hoa đã mang đến cho dân Việt là: “Về mặt phong tục, người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ. Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Hoa, người Việt đã có họ và theo họ của người cha. Hầu hết các họ mà người Việt Nam còn dùng đến ngày nay đều là những họ của người Trung Hoa, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt. Việc kế thừa và lãnh đạo thì chuyển từ con gái sang con trai theo một diễn trình dài dặc. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 39 thì đến Bà Triệu đứng lên lãnh đạo cuộc tranh đấu chống người Trung Hoa năm 248. Nhưng từ đó trở đi, các cuộc vận động độc lập đều do người đàn ông Việt cầm đầu. Vậy ta có thể bảo rằng cho đến lúc Bà Triệu dấy binh, xã hội Việt hãy còn ít nhiều tính cách mẫu hệ, nhưng sau đó thì hoàn toàn chuyển qua phụ hệ.”(2) Tập tục mẫu hệ tồn tại trong các bộ tộc miền núi Việt Nam cho đến những ngày gần đây.
Khi chú thích Hậu Hán thư của Phạm Việp, trong đoạn viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thái tử Lý Hiền (nhà Đường) đã viết vào thế kỷ thứ 8: “...Giao Chỉ thái thú Tô Định dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ cố phản...” (...Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng luật pháp trói buộc nên [bà] Trắc tức giận làm phản...).(3a) Chữ “pháp” mà thái tử Hiền dùng không phải chỉ một nghĩa hẹp là “luật lệ”, mà chữ “pháp” ở đây có thể hiểu rộng hơn như là pháp chế, tổ chức hành chánh, chính trị, cũng như kinh tế, văn hóa, phong tục. Trong một đoạn nói về việc cai trị của Mã Viện sau khi đánh dẹp Hai Bà Trưng, Hậu Hán thư (quyển 54, tr. 747) chép: “Điều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự.” (Luật dân Việt và luật nhà Hán khác nhau đến hơn mười điều).(3b) Tuy Hậu Hán thư viết nhẹ như thế, nhưng chỉ cần “hơn mười điều” đi ngược lại phong tục tập quán xã hội cũng đủ trở thành gông cùm trói buộc tự do của người Việt.
Thứ nhì, công việc “giáo hóa” lễ nghĩa của các thái thú, phổ biến Nho giáo, một triết thuyết hô hào tư tưởng “trung quân,” nhắm “dạy” cho dân cổ Việt trung thành với nền quân chủ, tức trung thành với vua Trung Hoa, và chấp nhận nền đô hộ của Trung Hoa.
Mục đích chính của những nhà đô hộ Trung Hoa trong việc áp đặt lễ nghi cưới hỏi Trung Hoa cho dân chúng cổ Việt, nhắm buộc người cổ Việt phải vào hồ sơ hộ tịch địa phương khi thành hôn (mới được thừa nhận). Nhờ thế, nhà cầm quyền đô hộ nắm được tình hình an ninh, số hộ dân để dựa theo đó mà thu thuế.(4) An ninh và thuế khóa là mục đích hàng đầu của chế độ đô hộ bóc lột.
Công việc “giáo hóa” của hai thái thú trên, nhất là việc áp dụng tục lệ cưới hỏi theo lễ nghi Trung Hoa bị người Việt chống đối. Một tờ trình của Tiết Tống (Hsueh Tsung) vào năm 231 gởi cho triều đình Đông Ngô thời Tam quốc (213 - 280), cho rằng cho đến khi ông đến Giao Chỉ dưới thời Sĩ Nhiếp (thái thú 187-226), tức là sau mấy trăm năm đô hộ, ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa không đúng theo như các báo cáo trước đó; và người Giao Chỉ và Cửu Chân vẫn còn giữ tục lệ gia đình của họ.(5)
Thứ ba, “Diên bèn truyền đúc các thứ điền khí dạy cho họ khẩn ruộng.” Dựa vào câu nầy, các sách xưa cho rằng chính Nhâm Diên đã dạy cho dân Việt biết cách dùng lưỡi cày bằng sắt (điền khí) để cày ruộng. Người Trung Hoa tự hào là họ đã dạy dân Việt cày cấy, nhưng thử hỏi người Trung Hoa thời xưa sống ở châu thổ sông Hoàng (Hoàng hà), trồng (lúa) mì và (lúa) mạch ở ruộng khô, chưa biết lúa gạo ở ruộng nước, làm sao giỏi kỹ thuật trồng lúa gạo ở ruộng nước, hơn người Việt mà dạy người Việt?
Chính một bộ sách xưa của Trung Hoa, Giao Châu ngoại vực ký, (viết khoảng giữa đời Tấn (265-420), Trung Hoa) đã viết: “...Hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc vương, người phó là Lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu...”(6) Nói cách khác, “Hồi xưa, chưa có quận huyện...”, nghĩa là trước khi người Trung Hoa đến cổ Việt lập thành quận huyện, người Việt đã biết làm ruộng “lạc,” “tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy,” tức là ruộng “ló” (lúa) hay ruộng lúa nước, tùy theo thủy triều.
Trong sách Ancient China (1967), tác giả Edward H. Schafer viết rằng: “Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (Nguyên văn: “The art of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.” (7a) Cũng tác giả nầy cho biết thêm rằng Đức Khổng Tử (551-478 TCN) “phải sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê” (nguyên văn: “...Confucius must have subsisted chiefly on millet cakes...”).(7b) Như thế, Khổng Tử sinh sống ở Sơn Đông, vùng hạ lưu Hoàng Hà, đã từng đi du thuyết nhiều nơi ở Trung Hoa, có thể không ăn cơm.
Tại Mê Linh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) quận Giao Chỉ (châu thổ Hồng hà), người ta mới phát hiện được những bộ xương trâu đã có mặt tại đây khoảng 2,000 năm trước Công nguyên, và hai lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn (thế kỷ thứ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) dùng cho trâu cày.(8) Như thế, dân Lạc Việt đã biết làm ruộng, đã biết nuôi trâu cày và đã biết sử dụng điền khí trước khi người Trung Hoa đến xâm lăng. Lúc đó, dân Lạc Việt dùng lưỡi cày bằng đồng vì đồ đồng là nghề luyện kim chính của dân Lạc Việt (vốn nổi tiếng về trống đồng), và nhất là đồ sắt bị hạn chế, do việc bà Lữ hậu nhà Hán đã ra lệnh cấm xuất cảng sắt xuống phía nam Trung Hoa từ năm 183 TCN.(9)
Thái thú Nhâm Diên không phải là người khai tâm dân Việt dùng điền khí để cày cấy, như Hậu Hán thư đã viết và các bộ sử khác chép theo, kể cả các bộ sử Việt Nam, từ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) cho đến các bộ sử gần đây. Một nghi vấn có thể được đặt ra là phải chăng Nhâm Diên, thái thú Cửu Chân, tức vùng châu thổ sông Mã, nơi có trung tâm trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa), chứng kiến dân chúng địa phương đã cày cấy bằng lưỡi cày bằng đồng theo mô thức Đông Sơn, rồi báo cáo như trên về triều đình Trung Hoa để lập công, như ông đã từng báo cáo không đúng sự thật về việc ông giáo hóa dân Việt, mà Tiết Tống trình cho nhà Đông Ngô năm 231?
Nói chung, tổ chức cai trị của Trung Hoa ở các vùng đô hộ tại miền nam sông Dương Tử, trong đó có cổ Việt, nhắm mục đích chính là khai thác và bóc lột dân chúng thuộc địa, chứ không nhắm mục đích khai hóa. Do đó, người Trung Hoa chỉ truyền bá những gì cần thiết cho nền đô hộ của họ. Riêng việc dùng điền khí để trồng lúa nước hoàn toàn là sáng kiến của người Việt.
2.- ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA TRUNG HOA THỜI ĐỘC LẬP
Ngày nay, nhiều người cho rằng vì bị Trung Hoa đô hộ một ngàn năm, nên người Việt bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa. Không ai có thể phủ nhận điều nầy, nhưng vấn đề nầy cần được xét sâu rộng hơn nữa, để thấy rõ việc Trung Hoa đô hộ cổ Việt trong hơn một ngàn năm, không phải là tác nhân duy nhất đưa đến ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa về sau nầy.
Nguyên sau khi đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 và xưng vương năm 939, chính quyền Ngô Quyền tiếp tục sử dụng chữ Nho (chữ Hán) làm văn tự hành chánh, dầu người Việt vẫn nói tiếng Việt. Lúc đầu, nhờ có trình độ văn hóa, giỏi chữ Nho, các thiền sư Phật giáo được vua chúa trọng dụng. Dần dần các triều đại quân chủ Việt nhận ra rằng Nho học, với hệ thống xã hội xây dựng trên tam cương,(10) với tư tưởng trung quân ái quốc, là kim chỉ nam hành động của sĩ phu, mới thiết thực ích lợi cho công cuộc cai trị, cho trật tự xã hội và nhất là cho chế độ quân chủ, hơn là các triết thuyết khác. Từ đó, Nho học được các chính quyền Việt đưa vào chương trình học tập, giảng dạy và thi cử của nhà nước.
Trước kia, dưới thời Trung Hoa đô hộ, chữ Nho chỉ được dùng trong hành chánh của chính quyền Trung Hoa ở cổ Việt. Việc học chữ Nho và Nho học đối với dân chúng Việt có tính cách tùy thích, không bắt buộc. Nếu dân chúng Việt không có nhu cầu cộng tác hay liên hệ với nhà cầm quyền đô hộ thì chẳng cần học. Nhà cầm quyền đô hộ Trung Hoa không tổ chức thi cử cho dân chúng địa phương tại ở cổ Việt.
Từ thời đất nước được độc lập, các chính quyền quân chủ Việt sử dụng chữ Nho làm văn tự chính thức của triều đình. Đương nhiên người Việt vẫn nói tiếng Việt. Để chọn lựa nhân tài ra làm quan, các chính quyền quân chủ tổ chức thi cử bằng chữ Nho. Nội dung thi cử dựa trên Nho học. Tất cả mọi người dân Việt muốn tiến thân, đều phải học chữ Nho, học chương trình Nho học, để thi cử đỗ đạt, mới được ra làm quan. Nội dung thi cử gồm chính yếu là các bộ tứ thư, ngũ kinh,(11) lịch sử và văn chương Trung Hoa. Ngoài ra có thêm lịch sử và văn chương Đại Việt. Nói cách khác, chương trình Nho học rất nặng về văn chương, lịch sử, văn minh, văn hóa Trung Hoa.
Vị vua đầu tiên cử sứ thần sang Trung Hoa thỉnh cửu kinh (tức tứ thư và ngũ kinh) của Nho giáo năm 1007 (đinh mùi) là Lê Long Đĩnh (trị vì 1006-1009). Dưới thời vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127), triều đình mở khoa thi tam trường đầu tiên năm 1075 (ất mão), để kén chọn nhân tài ra giúp nước. Thi cử là phương pháp tuyển chọn nhân tài rất dân chủ, được nước ta bắt đầu áp dụng từ đây. (Trong khi ở Âu Châu cho đến thế kỷ 19 mới bắt đầu có thi cử.) Kỳ thi hương cuối cùng theo Nho học diễn ra vào năm 1918 và sau đó là kỳ thi hội và thi đình cuối cùng năm 1919, dưới thời vua Khải Định (trị vì 1916-1925).
Như thế, rõ ràng trong thời Trung Hoa đô hộ, chữ Nho và Nho học có tính cách “nhiệm ý,” học cho biết; trong khi vào thời nước ta độc lập, chữ Nho và Nho học có tính cách “bắt buộc,” học để tiến thân. Tất cả những điều nầy đưa đến các kết quả sau đây:
Thứ nhất, xã hội Việt được hình thành theo mô hình quân chủ Nho giáo, dựa trên tam cương, ngũ thường.(12) Những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán, luật pháp Trung Hoa trở thành những mẫu mực chẳng những của các cấp lãnh đạo xã hội Việt, mà cả của dân chúng Việt. Các điển lễ trong cuộc sống xã hội Việt, như cưới hỏi, tế tự, tang ma, trang phục... từ triều đình xuống tới thứ dân Việt, đều hoàn toàn rập khuôn theo điển lễ Trung Hoa, nhất là “Chu lễ” (tức nghi lễ nhà Chu bên Trung Hoa).
Tứ dân trong xã hội cổ điển là “sĩ nông công thương.” Đây không phải là sự phân biệt giai cấp, nhưng điều nầy cho thấy xã hội nông nghiệp Việt rất tôn trọng “kẻ sĩ,” là những người theo đuổi Nho học, và xem nhẹ các ngành công nghệ và thương mại.
Thứ hai, với sự hỗ trợ của chế độ quân chủ, nền Nho học chiếm địa vị bậc nhất trong một thời gian dài ở nước ta, ít nhất từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Điều nầy một mặt giúp chế độ quân chủ ổn định trật tự xã hội, nhưng một mặt khác, vì sự sùng thượng Nho giáo quá độ, Nho học trở thành giáo điều, kinh điển. Có một thời, những gì “Tử viết” (tức Khổng Tử nói) là khuôn vàng thước ngọc cho Nho sinh Việt.
Trong bất cứ xã hội nào, giáo điều luôn luôn giới hạn sự suy tư của dân chúng, và làm cho xã hội trở nên xơ cứng, không tiến bộ được. Điều nầy không phải chỉ diễn ra ở Đại Việt, mà ở ngay cả quê hương của Nho giáo là Trung Hoa, nhất là sau thời kỳ nhà Tống (968-1279).(13) Song hành với sự sùng thượng Nho học là sự sùng thượng văn hóa Trung Hoa, khiến nhiều người Việt chỉ xem trọng giá trị Trung Hoa, và xem thường tất cả những giá trị văn hóa khác.
Thứ ba, do bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa, người Việt không mấy cởi mở với văn hóa Tây phương khi người Âu Châu đến xin mở cửa để giao thương. Có thể nói văn hóa Nho giáo trở thành một rào chắn tự nhiên ở Đại Việt (đổi thành Việt Nam từ thế kỷ 19) chống lại sự xâm nhập của văn hóa Tây phương, vì nền văn hóa Tây phương có nhiều điểm khác biệt với văn hóa Việt lúc đó.
Vua chúa thời Trịnh Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn lo sợ nền văn hóa Tây phương sẽ làm lung lay nền tảng xã hội Nho giáo và ảnh hưởng đến quyền lực của họ. Cần chú ý là Nho giáo là ý thức hệ căn bản của chế độ quân chủ trong đó khái niệm trung quân được đưa lên hàng đầu, nên các vua chúa lo ngại nền tảng Nho giáo bị thay đổi do sự xuất hiện của văn hóa Tây phương, có tính cách phóng khoáng, dân chủ và trọng nữ quyền.
Xã hội Nho giáo lúc đó chấp nhận đa thê. Những người đa thê thường là vua chúa, quan lại và giới giàu có. Trong khi đó, giáo luật đạo Thiên Chúa du nhập từ Tây phương, cấm đoán phong tục đa thê. Điều nầy vi phạm vào quyền lợi của giới lãnh đạo xã hội Nho giáo. Chính Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (cầm quyền ở Đàng Ngoài 1623-1657) đã từng lên tiếng: “Đạo nào [Thiên Chúa] các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta.”(14)
Dân chúng Việt vốn bị ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa, xem nhẹ việc buôn bán, xếp thương giới vào hạng cuối cùng của xã hội Nho giáo (sĩ nông công thương). Từ xưa, người Việt vốn không có nền ngoại thương, nên người Việt chẳng có nhu cầu buôn bán với người nước ngoài. Do đó, người Việt cũng thờ ơ với việc mở cửa, trao đổi giao dịch với người Tây phương.
Chính vì không thể thuyết phục được người Việt mở cửa để giao thương, chính quyền Pháp đã lợi dụng việc triều đình Việt Nam cấm đạo và đàn áp giáo sĩ, gây ra những vụ tử đạo,(15) để khích động dư luận dân chúng Pháp, đưa quân xâm lăng và bảo hộ Việt Nam vào năm 1884.
Tóm lại, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong gần một ngàn năm nước Việt độc lập (939-1884) có thể nói còn sâu đậm hơn trong một ngàn năm nước Việt bị Trung Hoa đô hộ (208TCN-938). Toàn bộ hai lần ảnh hưởng nầy bao trùm lên nền tảng văn hóa bản địa Việt, khiến đôi khi có thể bị lầm tưởng trước đây, nền văn hóa Trung Hoa độc tôn tại nước ta.
(Toronto, 17-4-2006)
Source Internet.
CHÚ THÍCH
1. Nguyễn Phương trích dịch, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học, 1965, tt. 186-187.
2. Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật, Phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, quyển A, Viet Publisher, [không đề nơi xuất bản], 1989, tr. 19.
3. Nguyễn Phương trích dịch, sđd. tt. 176 (3a) và 137 (3b).
4. Bên Trung Hoa, thời Chiến quốc (479-221 TCN), tại nước Tần, dưới đời Tần Hiếu Công (cầm quyền 361-338 TCN), để thu thuế, tể tướng Thương Ưởng hay Vệ Ưởng (390-338 TCN), bày ra cách tổ chức hộ khẩu.
5. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983, tr. 75. Về việc nầy, tác giả Taylor căn cứ trên sách Tam quốc chí của Trần Thọ. (Sách nầy khác với Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung là một bộ tiểu thuyết.)
6. Lê Tắc, An Nam chí lược [chữ Nho], Huế: Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam, Viện Đại Học, 1961, tr. 39.
7. Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tr. 16 (7a), tr. 37 (4b).
8. Keith Weller Taylor, sđd. tr. 35.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội: bản dịch của Nxb. Giáo Dục, 1998, tập 1, tr. 92.
10. Tam cương: ba sợi giây lớn của cái lưới, nghĩa bóng là ba giềng mối của xã hội: vua tôi (quân thần), chồng vợ (phu phụ), cha con (phụ tử). Ngũ thường: năm đạo của con người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
11. Tứ thư: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử. Ngũ kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu.
12. Ngũ thường: Năm đức tính thông thường của con người: nhân = lòng thương người; nghĩa = hợp với lẽ phải; lễ: phép tắc cư xử, trong xã hội; trí: hiểu biết, khả năng suy nghĩ; tín: thành thật, tin cẩn.
13. Thời nhà Tống, xuất hiện nhiều danh sĩ Nho giáo rất bảo thủ nổi tiếng như Trương Hoành Cừ [Trương Tài, 1020-1976], Trình Y Xuyên [Trình Di, 1033-1107] và Chu Hối Am [Chu Hy, 1130-1200] “thường quá thiên về đường quy thức, quá trọng về đường thượng lễ và cư kính cho nên thành ra câu chấp, bó buộc về mặt thủ cựu, lâu ngày ứ trệ, thật là hại cho sự tiến hóa.”(Trần Trọng Kim, Nho giáo, quyển hạ, Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, tái bản 1971, tt. 165-166.)
14. Alexandre de Rhodes, Histoire du royaume de Tonquin, bản Việt dịch của Hồng Nhuệ, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, TpHCM: Tủ sách Đại Kết, 1994, chương 20, tr. 124.
15. Tử đạo (martyr): nghĩa là chết vì đạo. Chữ “martyr” (Anh) bắt nguồn từ chữ “martus” (Hy Lạp), có nghĩa là người làm chứng cho một sự kiện mà chính bản thân người đó chứng kiến hay kinh nghiệm. Nói cách khác là lấy chính bản thân mình làm chứng cho điều mình tin là có thật vì mình đã chứng kiến hay kinh nghiệm. Nếu tinh mắt để ý, các chế độ cộng sản Liên Xô, Đông Âu, Trung Hoa, Việt Nam, chủ trương đàn áp tôn giáo, nhưng không bao giờ gây ra những vụ án tử đạo, mà chỉ sử dụng những biện pháp hành chánh, hay những vụ án hình sự, chính trị, để bắt giam giáo sĩ và tín đồ các tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.