EM GÁI CỦA TRỜI 11-12
Chương 11 - 12
Chap11 :
Hôm sau đi học về thì Tôi chờ Trâm Anh ở cồng trường rồi chở nó ra chợ. Tuy là thị xã nhưng ngày xưa chưa rộ lên những shop quần áo như bây giờ , mua cái gì cũng phải ra chợ mới có. Sau một lúc đi lòng vòng thì tôi cũng chọn được một chiếc váy màu trắng ( tôi rất thích màu trắng ) . Tôi quyết định mua nó là vì lúc thấy Trâm Anh mặc nó vào thử cho tôi xem , tôi có cảm giác như chính cô bé là Luyến vậy , duy chỉ có khác ở chỗ là Luyến thì ko toe toét và nhí nhảnh xoay mấy vòng như Trâm Anh ^^! .
Tôi chở Trâm Anh đi ăn chè để cám ơn nó rồi về nhà . Chiếc váy tôi đã gói gọn gàng rồi cất đi , định bụng Luyến về sẽ mang ra tặng nó để cho nó bất ngờ.
Cả chiều hôm đấy tôi thấy vui vui , tưởng tượng vẻ mặt nó lúc nhận quà , lúc mặc váy , lúc nó xoay qua xoay lại như Trâm Anh , tự nhiên tôi thấy háo hức lạ kì. Tôi ngồi học bài đến tận xẩm tối , lúc xem lại đồng hồ thì giật mình vì đã gần sáu giờ mà vẫn chưa thấy nó về . Bình thường mọi hôm thì gần năm giờ là đã thấy nó ở nhà rồi. Cũng hơi lo lắng nhưng nghĩ bụng chắc nó ghé chợ mua đồ gì đó nên thôi tôi cũng ko nghĩ ngợi gì nhiều nữa.
Đến hơn 7 giờ vẫn chưa thấy về thì tôi hơi hoảng thật.Nó mới lên thị xã , lại mới đi bán được 1 tuần,có chuyện gì với nó thì tôi biết làm sao. Càng nghĩ càng sốt ruột , loay hoay đi qua đi lại trong phòng một lúc thì tôi quyết định lấy xe đạp chạy ra chợ tìm nó. Vừa chạy ra đầu ngõ thì tôi thấy nó thất thểu đi về , lạ ở chỗ là không thấy quang gánh hàng đâu cả. Tôi chạy lại ngay hỏi nó thì nó mếu máo : Người ta thu mất hết rồi anh Bi ơi.. . Tôi cố bình tĩnh để trấn an : Sao ngoài chợ mà cũng thu à , anh thấy nhiều người bán mà . Em bán ở chợ không được vì bị mấy bà...đuổi , nên em gánh ra khu bảo tàng.. . Nó bắt đầu khóc..
Trời ạ , khu đấy người ta cấm bán hàng rong bao nhiêu năm nay rồi mà ...~~ ...
Nó cúi mặt khóc nức nở . Nhìn bộ quần áo nó nhơ nhớp và ướt đẫm mồ hôi , tóc tai thì ướt nhẹp và bết vào nhau , tôi biết là nó đã khóc lóc van xin đòi lại mớ hàng như thế nào .
Mấy ngày sau tôi chạy lên ban quản lý bảo tàng xin lại đồ mà ko dc , ngày nào cũng bắt hẹn hò chờ đợi ( ngày ấy tôi không biết là thật ra bọn nó chỉ làm tiền thôi ) .Mệt mỏi và cũng ko có thời gian , cộng thêm việc nghe con Luyến kể bị ăn hiếp khi vào chợ bán . Tôi bảo nó : Thôi em không cần đi bán nữa , kiếm việc khác làm đi , buôn bán vầy nắng nôi lắm.
Cuối cùng nhờ bác Tụ mà tôi xin cho nó vào làm công nhân nhặt cuống trà của nhà máy , công việc tuy có hơi vất vả một chút nhưng đỡ được mang vác mệt nhọc ,lại ko phải lo lắng có ai bắt nạt nó hay ko , vì con dâu của bác Tụ cũng làm trong đấy , bác đã gởi gắm nó hộ tôi. Thỉnh thoảng nó còn đem việc về nhà , tôi biết là nó đang cố để tôi đỡ phải vất vả và tâm trạng được thoải mái để ôn thi. Hai anh em tôi cũng tạm sống đủ vì tôi không phải đóng học phí ( vì diện mồ côi) , lại thêm nó cũng biết tính toán chi tiêu , nó là em tôi nhưng tôi thấy nó giống..vợ hơn , nó đảm đương mọi việc trong nhà , kiện toàn và chu đáo..
Gần một năm sau đó trôi qua trong yên bình , hai anh em đứa học đứa đi làm. Buổi tối thì tôi học bài , nó đọc truyện hoạc đan những món đồ nho nhỏ . Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy nó đôi khi thơ thẩn nghĩ ngợi gì đó rất xa xăm , muốn hỏi nó nhưng lại thôi , vì tôi biết nó vẫn sẽ chẳng nói gì ....Trâm Anh vẫn thỉnh thoảng sang chơi , chạy nhảy múa máy , nó lúc nào cũng làm tôi vui..
Như người ta thường nói , trước cơn bão thì bao giờ mặt nước cũng sẽ có một khoảng thời gian rất yên ả , và khoảng thời gian trên cũng chính là những ngày cuối cùng tôi và nó cảm thấy hạnh phúc nhất sau khi ba mẹ chúng tôi mất.
chap12 :
Tôi gánh trên vai niềm tin của cả gia đình khi lên đường đi thi Đại Học , mang theo sự hy vọng của ba và ngoại ‘’ Thằng Bi nhà tôi học giỏi lắm , mơi mốt nó sẽ làm bác sĩ’’ . Và đặc biệt là của mẹ kế và Luyến , họ đã gánh cả thằng tôi trên vai để mang đến trường..
Chính vì thế tôi không thể cho phép mình thi trượt được, gần 2 tháng sau khi đi thi về , tôi nhận được giấy báo nhập học , tôi cũng ko bất ngờ vì tự tin rằng mình sẽ đậu. Ngày giấy báo về đến nhà , vẫn là con Luyến biết đầu tiên , nó vẫn chạy như như bay, mặt đỏ rực và mắt long lanh đi tìm tôi để thông báo như ngày trước . Nó mừng còn hơn cả tôi , tôi thấy nó cười mà sao hai hàng mi ươn ướt... Nó khóc mất rồi..
Ngày tiễn tôi và Luyến lên Sài Gòn , Trâm Anh khóc như mưa , lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Những người yêu đời như nó khi khóc , thường khó có gì ngăn lại được..
Tôi về quê thăm Ngoại , ôm ngoại và cũng khóc, khóc như ngày bé bị đứa nào đấy ăn hiếp mà chẳng biết nhờ cậy ai. Ngoại xoa xoa lưng tôi , dỗ dành như đứa con nít . Đối với ngoại thì tôi lúc nào cũng chỉ là đứa con nít , là ‘’thằng cu Bi của ngoại’’. Đấy cũng là lần cuối tôi còn được nói chuyện với ngoại , được ôm ngoại….
Ngày ấy khóc sao thật dễ dàng quá, chúng tôi đều khóc , mỗi người có một lý do để khóc..Nhưng nước giọt nước mắt trẻ con tuôn trào ra như thế này làm sao đau bằng những người lớn khi muốn mà không thể khóc , nước mắt chảy vào trong , xát muối mặn chát cả trái tim , cả cơ thể... Xót... Ước gì chúng tôi có thể mãi khóc một cách vô tư và thoải mái như thế..
Tôi và luyến bước chân lên Sài Gòn vào một ngày mưa tầm tã , chúng tôi xuống xe thì ngồi ngay trong nhà chờ của nhà xe để đợi ông chú đến đón về. Hai đứa ngồi thu lu như hai con chuột nhắt ở mái hiên nhà ,không dám vào phía trong vì trong đấy đông người quá , nằm la liệt dưới ghế , trên nền.Tay tôi ôm chặt balo như thể để hở ra là người ta giật bay và chạy biến đi mất , tôi đã được nghe kể nhiều lắm về cuộc sống bon chen và nguy hiểm ở Sài Gòn rồi.
Một giờ , hai giờ , ba giờ trôi qua . Luyến thì gục lên vai tôi ngủ từ lúc nào , có lẽ nó đã quá mệt khi lần đầu phải đi một quãng đường dài như thế , khổ thân con bé.
Trời tối mịt thì chú tôi mới tới , chúng tôi vẫn ngồi im chỗ hẹn trước vì không dám và không biết đi đâu.
_Cu Bi phải không ?
_Dạ … - Tôi trả lời với vẻ nghi ngờ được dặn .
Chú gỡ khẩu trang và nón ra tôi mới nhận ra chú Lâm , mặc dù chú đã già và khắc khổ hơn ngày ở nhà rất nhiều nhưng những nét trên khuôn mặt chú thì tôi không thể nào quên được , trước khi chú chuyển lên Sài Gòn kiếm ăn thì chú và ba tôi là anh em kết nghĩa.
Tôi mừng và mất hẳn vẻ ủ rũ , quay sang lay em gái : ‘’ Dậy dậy đi em , chú Lâm tới rồi’’.
Chú đưa chúng tôi hai bịch nước mía và một một miếng bánh tét chiên rồi ngồi chờ chúng tôi ăn hết mới dẫn về . Vừa ăn chúng tôi vừa nghe chú kể chuyện , hỏi han nhà cửa , làng xóm dưới quê với niềm háo hức kì lạ . Cũng phải thôi , 6 năm rồi chú chưa về quê , nơi mà chú gắn bó từ khi sinh ra đến khi lấy vợ.
Chú Lâm ngày ở nhà làm thợ mộc , sau bị một tai nạn khi cưa gỗ nên đứt mất một bàn tay. Từ một thợ mộc khéo tay có tiếng , chú đâm chán nản vì trở thành một kẻ vô công rỗi nghề ăn bám vợ. Thế là chú kết bạn với rượu , với những người bạn đồng ‘’cảnh ngộ’’ . Chú lê la khắp xóm làng để ăn nhậu , sáng sỉn chiều say . Tôi hay gặp chú xiêu vẹo đi về nhà hoạc đi đâu đó. Mỗi lần gặp tôi , chú thường tóm tôi lại véo má và nói ‘’ Thằng con bố Cảng dạo này lớn phết rồi nhỉ’’ ,rồi chú cọ râu vào mặt tôi khiến tôi vừa nhột vừa sợ . Có lần tôi thấy chú ngủ ở gốc cây ngoài chợ lúc sáng sớm , người tôi bé tí mà phải dìu chú về vì chạy về gọi vợ chú thì chỉ nhận được một câu chưng hửng :’’ kệ bố nó’’. Vợ chú khinh chú ra mặt.
Rồi chú dính vào cờ bạc , cái giống cờ bạc thì càng đánh càng thua , càng thua càng gỡ .Chẳng mấy chốc mà tài sản trong nhà tội nón ra đi hết , vợ chú gào khóc bao nhiêu chú cũng ko từ bỏ được con ma đỏ đen trong người. Cho đến một đêm nọ chú thua nặng ở chiếu bạc, thua cả tiền bán bộ..lư hương bằng đồng của gia đình , tài sản có giá trị cuối cùng trong nhà chú.
Chú Lâm là người thật thà và tốt bụng , dù chú có cờ bạc rượu chè thì tôi vẫn thấy chú như vậy . Tôi phải nói trước điều này vì khi kể đến đây , cái đêm mà chú thua bạc ấy , chú đi dắt trộm trâu của chính nhà bố vợ để bán đánh bạc. Công an xã bắt được chú..…
Nửa năm sau thì chú bỏ lên Sài Gòn vì ko chịu được điều tiếng . Vợ chú ban đầu nhất định không chịu đi theo những cho đến ngày chú đi thì cô cũng ôm con nhắm mắt thuyền theo lái , gái theo chồng..
Chuyện của chú là thế , qua lời kể và thái độ của chú , tôi biết chú cũng nhớ quê hương da diết nhưng chắc vì xấu hổ chuyện cũ nên ko muốn về.
Chú sắp xếp cho anh em tôi ở trong một căn phòng được ngăn bằng ván ép khá tồi tàn. Nhưng dù sao có được chỗ ở lúc này đối với hai đứa tôi đã là sự may mắn lớn.
Thấm thoát được một tháng trôi qua chúng tôi ở nhà chú Lâm. Tôi vừa đi học vừa làm thêm , luyến học và phụ việc tiệm may, dù sao thì nó cũng cần phải có một cái nghề.
Một tối , tôi bảo Luyến :
_Mai mình chuyển ra ngoài ở nhé , anh tìm được phòng trọ rồi.
_Sao vậy anh , em thấy ở đây được mà ?
.....
Tôi không biết phải trả lời nó ra sao , tôi không muốn nói cho nó biết cái lý do rằng tôi đang sợ . Tôi sợ ánh mắt rất khó hiểu của chú Lâm nhìn nó , nỗi sợ của tôi không mơ hồ. Em tôi cũng đã lớn rồi , không những thế nó còn xinh xắn và có vẻ chất phác hiền lành mà những đứa con gái thành phố không có được . Mỗi lần thấy ánh nhìn của chú Lâm hướng về nó , tôi lại cảm thấy có linh cảm chẳng lành. Chú Lâm dù gì cũng là đàn ông , vợ chú lại đi buôn theo tàu bắc nam mỗi tháng mới về một lần..
Tôi đáp lại vẻ mặt ngơ ngác của nó bằng một thái độ chậm rãi :
_Tại anh thấy ở đậu như vầy hoài cũng phiền quá , ra ngoài ở cho thoải mái em ạ .
_Dạ .... - Nó thở dài vẻ tiếc nuối nhưng vẫn đồng ý , em gái tôi lúc nào cũng ngoan . Tôi biết là nó quá mệt mỏi với những lần chuyển nhà cùng tôi rồi , nhưng biết làm sao được , tôi đã hứa với mẹ là phải chăm sóc và lo lắng cho nó , nó chỉ có mỗi người thân duy nhất là tôi.
Xóm trọ mới của chúng tôi đa phần là sinh viên tứ xứ từ những vùng quê nghèo lên , vì đơn giản nếu có tiền thì chẳng ai lại chui vào ở cái chỗ chật chội , ẩm thấp và thường xuyên cúp điện , cúp nước như thế này.
Sự xuất hiện của em gái tôi bỗng nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý , bằng chứng là cả bọn xuýt soa huyết sáo mỗi lần em gái tôi đi qua . Thỉnh thoảng tôi còn thấy có cu cậu đứng ngẩn to te ngắm em tôi qua cửa sổ. Ban đầu tôi cũng có phần ái ngại vì thấy em gái bị để ý nhiều quá nhưng sau một thời gian thì thấy bọn nó đa phần hiền lành và có phần trẻ con , ít nhất là so với tôi nên cũng đành thôi không nghĩ ngợi gì nhiều nữa. Thậm chí có lúc tôi còn thấy tự hào về điều này vì từ ngày anh em tôi đến , con trai trong xóm nhất loạt gọi tôi là anh vợ , mặc dù tôi còn nhỏ tuổi hơn vài đứa.
Ngày ấy sinh viên không năng động như bây giờ , suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào học và học, thỉnh thoảng thì chỉ có tham gia hoạt động ở trường nên cuộc sống khá nhạt nhẽo. Hoạt động trong ngày chỉ xoay quanh trường lớp , mỳ tôm , nước lọc và guitar.
Những anh chàng guitar thời nào cũng vậy , luôn là tâm điểm và có sức hút mãnh liệt đối với con gái. Em gái tôi cũng vậy , nó mê như điếu đổ anh sinh viên lầm lì cuối dãy trọ . Anh tên là Huy , học trên tôi hai khóa , cao lớn , gương mặt trắng trẻo thư sinh và đặc biệt là chơi guitar cực giỏi , luôn là cây văn nghệ của xóm trong những buổi liên hoan sinh nhật , những đêm cúp điện đột ngột hay những buổi văn nghệ bất thình lình. Nó mê anh Huy cũng một phần là vì , anh ta là tên con trai duy nhất trong xóm không đoái hoài gì đến nó..
Tôi cảm nhận được sự thay đổi của em gái khi mỗi lần thấy nó ngồi may vá sửa đồ trong phòng trọ , có tiếng guitar ở cuối dãy cất lên cùng với giọng hát đầy tâm trạng của Huy là nó lại nhổm dậy hóng tai nghe ngóng , rồi thở dài thườn thượt mỗi khi Huy ngừng chơi. Nó hóng như thể trẻ con hóng tiếng rao của kem , của kẹo kéo , háo hức và chờ đợi , để rồi hụt hẫng vì không có tiền mua.
Có lần Huy đi đâu đó một tuần không về phòng trọ , tôi thấy nó đứng ngồi không yên , thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa sổ và cúi đầu buồn bã.
Thật ra là tôi có phần ghen tức với Huy. Trước đây nó chỉ có mình tôi , nó dành toàn bộ sự lo lắng chăm sóc cho tôi , lo cho tôi hết thảy mọi thứ . Giờ thì gã trai xa lạ và vô tâm kia đã cướp mất hết cả phần hồn của nó, khiến nó không còn quan tâm tôi như trước nữa , thỉnh thoảng tôi bực quá quát mắng nó mặc dù nó chẳng có lỗi gì . Tôi chỉ muốn kiếm cớ để cho nó tỉnh ra, để cho nó quay lại là của tôi , chỉ là của tôi , lại là đứa em gái bé bỏng ngày nào , chỉ có anh trai , ngoài ra , không ai cả...
Sang tuần thứ hai thì Huy về , mang theo một cô gái - lý do của sự vô tâm đối với em gái tôi. Điều này khiến tôi mừng vô cùng , còn Luyến thì ngược lại . Tôi thấy mình hơi ác..
Từ dạo đó nó ít nói hẳn , suốt ngày lầm lì cúi gằm mặt may may vá vá , có lúc kim đâm vào tay đến chảy máu cũng vẫn không chịu đi băng bó , ngoan cố tiếp tục , khiến máu ở ngón tay chảy ra , thấm vào cả mảnh vải . Tôi thấy vậy thì chạy lại cầm tay nó bực tức quát : Luyến , em làm gì vậy , em bị sao vậy , em có thôi cái bộ mặt đó đi không thì bảo ?
Nó sợ hãi rụt tay lại , cúi mặt nhận lỗi mà không nói gì . Tôi điên quá lại quát lên :
_Chuyển nhà ,chuyển nhà , không ở đây nữa , em càng ngày càng không hiểu nổi Luyến ạ.
Nó nghe thế thì hoảng , ngẩng mặt lên lắp bắp nửa xin lỗi ,nửa cầu khẩn :
_Dạ dạ , ko ko anh Bi, em không sao hết mà , đừng chuyển nhà nha anh , em muốn ở đây , em không muốn đi đâu nữa. Đừng chuyển nhà..
...... Tôi bực mình bỏ ra ngoài...
Cuối dãy trọ , phòng của Huy vẫn đóng cửa im ỉm , bên trong có hai người... Từ ngày cô gái về ở chung , Huy không còn chơi đàn nữa , có lẽ anh ta bận..
Tết năm ấy là cái tết đầu tiên ở Sài Gòn của chúng tôi , cả dãy trọ về quê gần hết . Anh em tôi mặc dù rất muốn về thăm ngoại nhưng tiền tàu xe cũng là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Vì thế tôi và Luyến quyết định ở lại Sài Gòn ăn tết , nó đồng ý ngay có lẽ vì một điều : Tết đấy Huy cũng không về quê . Mà thật ra cả xóm không ai biết Huy quê ở đâu , chỉ biết rằng anh ta vừa học vừa chơi nhạc ột quán cafe nhạc sống cổ điển.
Huy biết chúng tôi ở lại thì cũng vui vẻ hỏi han vài câu rồi hứa hẹn tết sẽ qua phòng tôi làm vài chén. Còn cô gái kia , chuyển vào dãy trọ đã hai tháng mà chưa từng nói chuyện với ai , đi làm hay đi học từ sáng đến tối rồi về nhà đóng cửa im ỉm đợi Huy đi chơi nhạc về . Có điều , mặt cô lúc nào cũng buồn rười rượi.
Ba mươi tết thì xóm trọ đón những vị khách lạ , một chiếc xe hơi bóng lộn để xịch trước nhà . Bước ra khỏi xe là một bà trông rất quý phái..
Source http://sstruyen.com/doc-truyen/ngon-tinh/em-gai-cua-troi/chuong-11---12/280435.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.