LTG: Sau lễ Thanksgiving 2014, bỗng nhiên tôi nhận được nhiều email của thân hữu gởi cho đọc bài viết Sự Tích Bài Ca Dao ” Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa” do Phong Châu sưu tầm, đăng trên http://tvqn.info/index. php/suu-tam-66/45-kien-thuc-/ 983-su-tich-bai-ca-dao-q-treo- len-cay-buoi-hai-hoaq. Cũng có người chuyển cho tôi một bài viết khác cùng nội dung, Chuyện Đào Duy Từ và bài ca dao ‘Bây giờ em đã có chồng’ của Hai Miệt Vườn đăng trên http://danviet.vn/net- viet/chuyen-dao-duy-tu-va-bai- ca-dao-bay-gio-em-da-co-chong- 497958.html. Tất cả đề cùng một câu hỏi: chuyện này có thật không? Nhân câu hỏi của thân hữu, xin có chút ý kiến.
Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, riêng về ca dao, có nhiều câu nhiều bài mang tính nghệ thuật rất cao, cả về ngôn từ lẫn ý tứ, tình cảm, nghĩa là rất thơ, chẳng hạn bài này:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vướn cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
-Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ;
Chim vào lồng, biết thuở nào ra!
Bài này có cả chục bản chép khác nhau một vài chữ ở câu này hoặc câu kia; ở đây tôi trích dẫn từ sách Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của GS. Dương Quảng Hàm (Nxb Xuân Thu, California, tr.10), được đặt tiêu đề là Tiếc sự biết nhau quá chậm (Thực sự thì ca dao xưa làm chi có tiêu đề như thi văn bây giờ, ấy là cụ Dương thêm vào cho rõ ý đấy thôi).
Không chỉ riêng cố Giáo sư, học giả Dương Quảng Hàm, mà đại đa số người Việt Nam, trong đó có cá nhân người viết, khi gặp bài ca dao này đều nghĩ rằng đấy là một bài ca dao thuần túy tình cảm, diễn tả sự tiếc nuối muộn màng của đôi trai gái lỡ chuyến đò duyên. Thế nhưng đến cái tuổi ngoài bảy chục non tám mươi mới được biết có người diễn giải rằng bài ca dao ấy là lời đối đáp bóng gió giữa chúa Trịnh và Đào Duy Từ của tiền bán thế kỷ XVI, thì cũng khá ngạc nhiên.
Nay thử đi lại từ đầu để đoán xem sự thực ở đâu.
Vào năm 1975, Sài Gòn có xuất bản cuốn Việt Nam Phong Sử,của Nguyễn Văn Mại, viết bằng chữ Hán, do Tạ Quang Phát dịch . Sách được tác giả hoàn thành năm 1914, khi đang giữ chức Bố Chánh sứ tỉnh Thanh Hóa, trong đó tác giả giải thích mối liên hệ giữa lịch sử và những câu ca dao được lưu hành cho tới lúc bấy giờ nhưng không thấy giải thích câu này.
Đào Duy Từ trong lịch sử, dưới cái nhìn của Nhà Nguyễn
Đào Duy Từ sinh năm 1572, quán xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay), con của kép hát chèo Đào Tá Hán và bà họ Nguyễn. Lớn lên, ông tỏ ra có một trí thông minh hơn người nên học rất giỏi. Ngoài các loại văn chương thi phú dành cho khoa cử, ông nổi tiếng học rộng, biết nhiều, giỏi thiên văn và thuật số. Với sức học đó , với số vốn liếng kiến thức đó, việc Đào Duy Từ sẽ thành công trong khoa cử là điều không mấy ai nghi ngờ. Tuy nhiên, khi ông nộp đơn thi Hương thì bị Hiến ty, là cơ quan duyệt xét hồ sơ, bác bỏ vì lý lịch con nhà hát xướng.
Lệ thi cử triều Lê, ban hành năm Quang Thuận thứ 3 (1462, Lê Thánh Tông) qui định:
“Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương, cũng không được vào thi. Giấy thông thân cước sắc[căn cước, ID] của các cử nhân, phải khai rõ xã , huyện, tuổi, chuyên trị kinh [sách] gì cùng là cước sắc của ông cha, không được giả mạo. Những nhà làm nghề hát xướng, cùng là nghịch đảng ngụy quan và người có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được đi thi.” (VHA nhấn mạnh) (Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí,bản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử Học, Nxb KHXH, Tập II, Khoa mục chí, tr156)
Thời Vua Lê-chúa Trịnh của các thế kỷ XVI, XVII, XVIII,vẫn tuân thủ các luật và lệ đã qui định của các triều trước. Vì vậy việc Đào Duy Từ vĩnh viễn bị cấm thi là chuyện đương nhiên.
Đang khi tương lai bế tắc thì được biết tại Đàng Trong, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) là người biết chiêu hiền đãi sĩ, trọng người tài, ông liền lên đường vào Nam để tìm cơ hội tiến thân. Bấy giờ là mùa Đông năm ất sửu (1625). Ban đầu, ông dừng chân ở huyện Vũ Xương (Phủ Triệu Phong, Quảng Trị) hơn một tháng nhưng thấy không ai biết đến ông cả. Nghe ngóng thì được biết có Khám lý Trần Đức Hòa của phủ Qui Nhơn thuộc dinh Quảng Nam, là người có mưu trí, được chúa tin dùng nên Đào Duy Từ tìm đến. Ông lại xuôi Nam, vào ngụ tại xã Tùng Châu, huyện Hoài Nhơn, xin làm chân giữ trâu cho một nhà giàu có. Tuy là kẻ chăn trâu nhưng biểu lộ phong thái khác người nên chủ nhà để ý. Gặp dịp, nhà phú hộ bèn giới thiệu Đào Duy Từ với người bạn thân là Khám lý Trần Đức Hòa. Gặp mặt, nói chuyện, Khám lý Hòa đoán biết Duy Từ là người có tài nhưng chưa gặp thời, bèn đem ông về nuôi làm gia sư và gả con gái cho.
Khi chưa gặp thời, Đào Duy Từ có làm bài ca bằng chữ nôm gọi là Ngọa Long Cương ngâm (Ngọa Long là biệt hiệu của Khổng Minh đời Tam Quốc, quân sư của Lưu Bị) và thường ngâm nga bài này nên Trần Đức Hòa lại càng hiểu thêm chí hướng của con rể . Năm 1627, nhân dịp về Thuận Hóa mừng chúa Sãi vừa chận đứng được cuộc tấn công của quân họ Trịnh, quan Khám lý họ Trần đem theo Đào Duy Từ để giới thiệu với chúa. Sau khi yết kiến, thưa lời thỉnh an và chúc mừng,
“Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long Cương ngâm từ trong tay áo ra tiến, nói rằng :’Bài này do thầy dạy học ở nhà tôi là Đào Duy Từ làm’. Chúa xem lấy làm lạ, giục sai đi vời đến gặp. Sau mấy ngày thì Đức Hòa và Đào Duy Từ cùng đến ra mắt. Lúc ấy chúa mặc áo trắng, đứng ở cửa nách chờ. Duy Từ nhìn thấy, đứng lại không đi. Chúa tức thì áo mũ chỉnh tề, ra vời vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Cùng nói chuyện. Chúa rất vui lòng, nói : “Khanh sao đến muộn thế”. Tức thì trao cho chức Nha úy Nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính.” (Đại Nam Thực Lục I, tr.43)
Đào Duy Từ là tác giả các chiến lũy quan trọng ở Quảng Bình, như lũy Trường Dục, đắp năm 1630, lũy Nhật Lệ, tức lũy Thầy, đắp năm 1631, là những lũy giữ vai trò quan trọng trong việc chận bước tiến của quân họ Trịnh vào thôn tính Đàng Trong. Ông cũng là người bày kế cho chúa Sãi trả lại sắc phong của vua Lê, tỏ ý ly khai, dựng nền độc lập ở phương Nam, bày ra phép duyệt tuyển để lựa lính và đánh thuế, đặt phép thi để lấy người ra làm việc ; và đặc biệt đã tiến cử con rể là Nguyễn Hữu Tiến giúp chúa Nguyễn lập được nhiều công trạng lớn, giữ vững Đàng Trong và về sau Hữu Tiến cũng là một khai quốc công thần, như bố vợ. Giữa những công trạng chính vừa nói, việc trả lại sắc phong của vua Lê là nổi bật nhất vì tầm cở mưu trí kiểu như Khổng minh thời Tam Quốc mà nếu chính sử của triều Nguyễn không ghi lại chi tiết bằng giấy trắng mực đen thì người đời sau khi được nghe kể lại (theo lối tam sao thất bản) sẽ xem đấy như một giai thoại chơi chữ.
Cái ý định xây dựng giang sơn độc lập ở phương Nam đã manh nha từ thời Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng khi ông xin anh rể là Trịnh Tùng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Những gì đời ông chưa làm được thì con ông là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên phải kế tục sự nghiệp dở dang. Trong 3 năm liên tiếp, khi cương khi nhu, các chúa Trịnh tìm các cách nắn gân chúa Sãi.
-Năm 1626 (bính dần), cho người vào đòi thuế từ năm giáp tý (1624) trở về sau và yêu cầu chúa Sãi ra chầu ở Thăng Long. Chúa hậu đãi sứ giả và khéo léo từ chối.
-Năm 1627 (đinh mão), Trịnh Tráng rất muốn đánh Đàng Trong nhưng chưa có cớ, bèn sai người mang dụ của vua Lê vào bảo chúa Sãi cho con ra chầu (làm con tin) và nộp 30 thớt voi đực cùng 30 thuyền đi biển để cống nộp Nhà Thanh. Chúa cũng hậu đãi sứ giả và khéo léo từ chối. Sau đó Trịnh Tráng đem theo vua Lê dẫn quân thủy bộ tiến về Nam. mượn cớ kinh lý các địa phương nhưng lại sai tướng đem quân tiến vào Nhật Lệ. Chúa Sãi sai Tôn Thất Vệ và Nguyễn Hữu Dật đem quân chống trả và chiến thắng khiến Trịnh Tráng phải rút quân về. Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn nghe tin chiến thắng bèn ra Phú Xuân mừng chúa, luôn tiện mang theo rể quí Đào Duy Từ để tiến cử.
-Năm 1628 (kỷ tỵ), bấy giờ Trịnh Sâm lên nối ngôi, nghe lời mưu sĩ, sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc phong của vua Lê vào phong cho chúa Sãi làm Tiết chế Thuận Hóa Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh kiêm Tổng quản nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó, Quốc công , và yêu cầu chúa Sãi ra Đông Đô để đi đánh họ Mạc ở Cao Bằng. Chúa Nguyễn phân vân không biết có nên nhận hay không. Đào Duy Từ nêu ý kiến: “Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được,nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên đã gây thì không phải là phúc cho sinh dân. Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sĩ chưa luyện tập,địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ khỏi nghi ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa”. (Đại Nam Thực Lục, Tập I, tr.44)
Sau khi đắp xong lũy Trường Dục ở Quảng Bình (1630), tạm yên tâm về việc phòng thủ, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) muốn trả lại sắc phong cho vua Lê để tỏ ý không còn thần phục vua Lê chúa Trịnh nữa nhưng không biết làm cách nào để bảo toàn tánh mạng cho người đi sứ vì e rằng chúa Trịnh sẽ giận dữ giết ngay. Việc này thường được truyền khẩu theo lối tam sao thất bản như một giai thoại mà không mấy ai ghi rõ xuất xứ. Nay tôi xin trích nguyên văn trong chính sử triều Nguyễn để thấy tính quan trọng và xác thực của nó:
“Chúa lại hỏi Duy Từ về kế trả lại sắc. Duy Từ thưa rằng; ‘Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy , giấu sắc phong vào trong, ngoài mâm đủ vàng bạc lễ vật, lấy Tướng thần lại là Văn Khuông (không rõ họ) làm sứ đi tạ ơn. Thần xin nghĩ hơn mười câu vấn đáp để trao cho mang đi, tùy cơ ứng đối. Đem [mâm lễ vật ấy] tiến cho chúa Trịnh, rồi thừa cơ mà ra về. Làm thế thì họ Trịnh mắc kế ta vậy.
“Chúa theo lời, sai Văn Khuông vâng mệnh đi Đông Đô [Thăng Long]. Văn Khuông đến, Trịnh Tráng vời vào yết kiến, hỏi: ‘Trước đây, việc đòi nộp lễ cống nhà Minh,Nam chúa lâu không nộp là tại sao?’ Văn Khuông nói: ‘Voi và thuyền không phải là lệ cống nhà Minh, sợ người truyền lệnh nói không đúng cho nên không dám vâng mệnh’. Hỏi: ‘Sao không cho con đến làm con tin?’ Trả lời: ‘Nam Bắc nghĩa như một nhà, đã thành tín với nhau thì dùng con tin làm gì?’. Hỏi; ‘Hoàng đế vời Nam chúa đi đánh Cao Bằng, cớ sao không đến?’ Trả lời: ‘Giặc Cao Bằng là giặc khốn cùng, sức quân Trung Đô cũng thừa đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ hai xứ Thuận Quảng, phía Nam thì chống Chiêm Thành, phía Bắc thì phòng giặc Mạc, chỉ sợ không giữ yên bờ cõi cho nên không dám đi xa.’ Hỏi: ‘Đắp lũy Trường Dục ý muốn chống mệnh vua hay sao?’ Trả lời: ‘Chịu mệnh giữ đất, cần phải phòng bị bờ cõi cho bền, sao gọi là chống mệnh được?’ Hỏi: ‘Tướng tá phương Nam thế nào?’ Trả lời: ‘Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ , Nguyễn Hữu Dật thì chẳng kém vài chục người.’ Hỏi: ‘Người ta nói Nam chúa là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến đánh giặc lập công?’ Trả lời: ‘Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, uy tín cảm phục người xa. Ở phương Đông thì Mã Cao Lạc Già [Macao và Malacca], ở phương Tây thì Vạn Tượng Ai Lao, không đâu là sợ phục. Nếu có những bọn Vương Mãn, Tào Tháo tiếm lạm danh nghĩa, giết hại sinh dân thì (chúa tôi) vì nghĩa mà đi đánh, xây dựng công nghiệp, không việc gì lớn hơn thế nữa.’ Tráng lặng yên. Quay lại bảo bầy tôi rằng sứ Nam ứng đối như nước chảy, người Bắc không thể kịp được’. Rồi tiếp đãi rất hậu.
“Văn Khuông bưng mâm đồng đầy vàng bạc dâng. Tráng nhận. Văn Khuông ngay hôm ấy lẻn ra cửa đô thành, đi đường biển, vượt trở về. Người Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy lấy làm lạ, tách ra xem thì ở trong thấy một đạo sắc và một tờ thiếp viết: ‘Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiến tích, Ái lạc tâm trường, lực lai tương địch’ đem trình Tráng. Tráng hỏi bầy tôi, đều không ai hiểu được. Thiếu úy Phùng Khắc Khoan [tục gọi Trạng Bùng] nói rằng: ‘Đó là ẩn ngữ dư bất thụ sắc’ [ta không nhận sắc phong] (*)
“Tráng giận lắm, sai người đuổi bắt Văn Khuông, nhưng không kịp, tức thì muốn kéo quân vào đánh miền Nam nhưng khi ấy ở Cao Bằng và Hải Dương đều có tin báo cấp nên thôi.
“Văn Khuông về, chúa mừng, nói rằng : ‘Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.’ Rồi trọng thưởng. Thăng Văn Khuông làm Cai hợp.” (Đại Nam Thực Lục I, tr.45-46)
(*) Nghĩa của 4 câu thơ:
- Mâu nhi vô dịch : 矛而無掖: chữ Mâu 矛 mà mất cái phẩy nách ( thì thành chữ Dư 予, nghĩa là ta;
-Mịch phi kiến tích 覔非見迹: chữ Mịch 覔 không có chữ Kiến 見(thì thành chữ Bất 不nghĩa là không
-Ái lạc tâm tràng 愛落心肠: chữ Ái 愛 lạc mất chữ Tâm 心 (thì thành chữ Thụ 受nghĩa là nhận)
- Lực lai tương địch 力來相敌: chữ Lực 力 đứng ngang với chữ Lai 來 (thì thành chữ Sắc 勅là sắc phong).
Tóm lại, 4 câu thơ rút thành 4 chữ là dư bất thụ sắc nghĩa là ta không nhận sắc phong. Sở dĩ Đào Duy Từ phải gởi kèm cái sắc phong một tấm thiệp với 4 câu thơ mang tích cách đố chữ là với dụng ý làm cho phía chúa Trịnh phải tốn thì giờ giải mã, nghĩa là tạo thêm thời gian (câu giờ) cho Văn Khuông đào thoát.
Người ta đã căn cứ vào sự kiện lịch sử này để nói rằng do mến tài của Đào Duy Từ nên chúa Trịnh Tráng mới tìm cách chiêu dụ họ Đào về Bắc.
“Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!.
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!.
“Lời thơ nói đến chuyện Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.
(http://tvqn.info/index.php/ suu-tam-66/45-kien-thuc-/983- su-tich-bai-ca-dao-q-treo-len- cay-buoi-hai-hoa)
(http://tvqn.info/index.php/
Duy Từ đáp lại:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
‘Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.
“Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:
“Có lòng xin tạ ơn lòng, Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
‘Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.
“Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau:
“Có lòng xin tạ ơn lòng, Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”
(Nguồn đã dẫn)
Tinh thần của bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa…”
Bốn câu mở đầu của bài ca dao được tác giả bài viết cắt nghĩa là “Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.“
Làm chi có việc Đào Duy Từ có quen biết chúa Trịnh từ thuở nhỏ với kỷ niệm trèo bưởi hái hoa? Nếu có quen biết thì đâu đến nỗi Đào Duy Từ tương lai bế tắc phải bỏ xứ mà đi! Nếu ý thơ đã trong như ngọc và lời nhắn nghĩa tình thì sao lại ngầm ý đe dọa? Cái cách tác giả bài viết hiểu bài ca dao thấy đã có phần lệch lạc ngay từ bước đầu.
Trong thể ca dao, người bình dân thường cấu tạo theo lối mở đầu theo thể tỉ (đem cái này so sánh với cái kia rồi mới vào đề) hay thể hứng (nói quanh rồi mới đi vào ý chính). Ví dụ:
Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Thì anh mua gạch Bất Tràng về xây. Hai cầu đầu làm theo thể hứng, chuyện tả mây xanh, mây trắng, mây vàng chẳng qua là mượn ngoại cảnh bâng quơ để nói cho được điều muốn nói là “ước gì anh lấy được nàng”. Ba câu đầu của bài ca dao “Trèo lên cây bưởi…” cũng mang tính cách đó chứ đâu phải là sự thật rằng “…anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân.” như đã được hiểu một cách chân phương như thế.
Ý nghĩa của bài ca dao thật đơn giản, như cụ Dương Quảng Hàm đã gói trọn trong cái tiêu đề: Tiếc sự biết nhau quá muộn. Ván đã đóng thuyền. Đến lúc đó anh chàng mới tỏ lời hối tiếc và người con gái trả lời rằng chuyện đã lỡ rồi, khó mà thay đổi. Trong 6 câu trả lời, người ta có thể đọc thấy 3 ý:
-Trách nhẹ (nhưng tình tứ ):
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
-Nay ở vào thế lỡ làng, không thay đổi được, phải tuân theo lễ giáo, phải theo bổn phận ( nhưng giá như thay đổi được thì sao?):
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”
Đó không phải phải là cách trả lời đứng đắn, dứt khoát, khẳng quyết của một người đàn bà thực sự chính chuyên theo quan niệm xưa.
Liệu một người học rộng, đa mưu túc trí như Đào Duy Từ, được chúa Sãi khen là Tử Phòng, Khổng Minh ngày nay, mà lại có lối trả lời thiếu dứt khoát và ẩn ý lưu luyến tiếc nuối như thế không (nhất là hai câu cuối được thêm vào)? Làm như thế mà không sợ bài này tới tai chúa Nguyễn hay sao? Và khi bài này tới tai chúa Nguyễn, đọc được cái ý tưởng thiếu đoan chính trong đó, liệu Đào Duy Từ có còn giữ nguyên được lòng tin của chúa Sãi nữa không?
Khi người ta phịa giai thoại này và gán ghép cho Đào Duy Từ có nghĩa là không biết gì về hình luật triều Lê lúc bấy giờ mà chúa Nguyễn cũng đang áp dụng tại Đàng Trong. Theo đó, có 10 tội nặng nhất được gọi là Thập ác, là 1.Mưu phản, 2.Mưu đại nghịch, 3.Mưu bạn, 4.Ác nghịch, 5.Bất đạo, 6.Đại bất kính, 7.Bất hiếu, 8.Bất mục, 9.Bất nghĩa, 10.Nội loạn (Phan Huy Chú, nguồn đã dẫn, Tập II, tr.307). Nếu“Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng” mà Đào Duy Từ nhận, không trình báo với chúa Sãi, lại tự tiện trả lời cho chúa Trịnh, thì khi phát giác, coi chừng Đào Duy Từ bị truy tố về tội thứ 3 trong Thập ác, đó là tội Mưu bạn, nghĩa là phản nước, theo giặc. Liệu một người như Đào Duy Từ, làm quân sư cho chúa lại không biết việc này hay sao mà lại đi nhận thư, nhận lễ và trả lời một cách tùy tiện vớ vẩn như thế?!
Lịch sử là ghi nhận sự kiện đã xảy ra. Giai thoại thường là chuyện truyền khẩu và bằng cớ là điều không mấy ai đòi hỏi, miễn nghe thú vị là được. Cho nên ở đây, ta chỉ có thể bằng lý luận để hiểu giai thoại mang tính xác thật tới mức độ nào hay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng , chuyện phịa, trong lúc trà dư tửu hậu.
Nhà Nguyễn đã đãi ngộ Đào Duy Từ như thế nào?
Chỉ mới gặp mặt lần đầu, qua chuyện trò, biết là người có tài, chúa Sãi liền phong ngay cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội tán, tước Lộc Khê hầu, dự phần tham mưu cao cấp , một điều mà người ra làm quan bằng con đường khoa cử bình thường hẳn phải mất nhiều năm mà chưa chắc đã đạt đến. Mặt khác, nó chứng tỏ mức độ tin cậy tuyệt đối của chúa Sãi đối với Đào Duy Từ.
Sau khi trả sắc, Lại Văn Khuông trở về an toàn như dự liệu của Lộc Khê hầu, khiến chúa Sãi đã vui mừng thốt lên: “Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay” (Đại Nam Thực Lục I, tr.46) (Tử Phòng tức Trương Lương là mưu thần của Hán Cao Tổ, Khổng Minh là quân sư của Lưu Bị)
Năm 1634, Đào Duy Từ bệnh và mất, thọ 63 tuổi (ta). Ông đi trước chúa Sãi một năm, chúa rất lấy làm thương tiếc, tặng chức Hiệp Mưu Đổng Đức Công Thần đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu.
Năm Gia Long thứ 5 (1806), vua cho ông được thờ theo (tòng tự) với các chúa trong Thái miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) được truy tặng Đông Các Điện Đại Học Sĩ, Thái Sư, tước Hoằng Quốc Công
Chánh sử Nhà Nguyễn đã chép về ông như sau :
« Duy Từ có tài lược văn võ,phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc » (Đại Nam Thực Lục I, tr.51)
Tiểu sử Đào Duy Từ vừa được ghi trong Đại Nam Liệt Truyện vừa được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Bình Định. mục Nhân vật.
Gia Long và Minh Mạng là những ông vua sắc sảo và quyết đoán của triều Nguyễn. Gần 200 năm sau cái chết của Đào Duy Từ, các vua vẫn đánh giá cao công nghiệp của ông và lòng trung thành của ông nên đã tưởng thưởng xứng đáng, trong khi bài ca dao “trèo lên cây bưởi hái hoa” vẫn tồn tại, vẫn phổ biến rộng rãi. Nếu thực đấy là tác phẩm đối đáp của chúa Trịnh và Đào Duy Từ mà nhiều người biết thì chẳng hóa ra các vua Nguyễn khá dễ tính, khen thưởng cả người trung thành với mình một các miễn cưỡng, lỡ làng.
Chỉ khen là người đời sau giàu tưởng tượng và đi đến chỗ xuyên tạc lịch sử mà vẫn cho đấy là sự thật.
VÕ HƯƠNG-AN
———————–
Tài liệu tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Xuân Thu, California.
-Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí,b ản dịch của Tổ Phiên dịch Viện Sử Học, Nxb KHXH, Tập II, Khoa mục chí,1992.
-Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tập I, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo Dục,2002
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nxb Thuận Hoá , Huế, Tập I, (Tiền biên, cuốn đầu đến cuốn 6)
-QUỐC Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb Thuận Hóa 1997, gom thành 5 tập. -Tập 3: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương.
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.