Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Người Mỹ Da Đen Ở Nga



Trần Bình Nam
(Thuật theo Los Angeles Times Nov. 19, 2014 - By Ann M. Simmons)
Early African American migrants in Russia
Emilia Tynes-Mensah, left, with her father, George Tynes, an American who moved to the Soviet Union in the 1930s, her Russian-Ukranian mother, Maria, and two brothers, Slava, foreground, and Ruben. The photo was taken in the 1950s. (Tynes-Mensah family)
Cô Emilia Tynes-Mensah, thuộc một gia đình người Mỹ da đen di cư sang Nga hồi đầu thập niên 1930. Tynes-Mensah sinh ở Nga. Cô có tâm hồn nghệ sĩ, đọc văn của Alexander Pushkin, nghe nhạc của Peter Tchaikovsky và lớn lên cô được dạy bảo rằng – và cô tin như vậy - đời sống tại Nga tốt đẹp hơn bất cứ tại quốc gia nào trên thế giới.

Trong nhà cô thấy một văn hóa khác. Cha cô George Tynes thích nhạc jazz, mỗi năm rộn ràng chuẩn bị đón Thanksgiving. Cô thường nghe cha và bạn của cha nói tới chuyện đấu tranh của người đen chống kỳ thị tại Hoa Kỳ. Thỉnh thỏang mẹ làm món rau xanh kale (soul food) trộn thịt người đen ở các tiểu bang miền Nam nước Mỹ hay ăn thay món xúp truyền thống của Nga nấu với củ cải đường chan nước xốt chua chua.

Ông George Tynes cùng với một nhóm 11 kỹ sư canh nông người da đen trong số hằng chục ngàn người Mỹ di cư sang Nga trong hai thập niên sau cuộc cách mạng Bolsevik 1917 do sự mời gọi của chính quyền Nga. Đa số trong nhóm ông là đảng viên đảng cộng sản Mỹ do Oliver Golden, một đảng viên tại bang Mississipi cầm đầu. Nhóm này rời nước năm 1931 trên một tàu buôn của Đức. Riêng ông Tynes, ông đi với hy vọng có công ăn việc làm và một đời sống thoải mái hơn. Ông tốt nghiệp đại học Wilberforce bang Ohio và là ngôi sao trong đội football của trường, nhưng không kiếm được việc làm tương xứng, phải làm nghề rữa bát chén trong các tiệm ăn để sống.
Early African American migrants in Russia


Cô Emilia nói, sống ở Nga nhưng lòng cha cô lúc nào cũng hướng về cố hương. Biết ai trong số bạn bè di cư sang Nga ông cũng nhờ mang cho ông các dĩa nhạc Mỹ. Cha cô thích nghe nhạc Ella Fitzgerald, Duke Ellington, Paul Robeson, nhưng cũng ưa nghe nhạc cổ điển, opera và ballet như những người Nga khác.

Trong một cuốn sách viết về người Mỹ da đen di cư ra nước ngoài, ông Allison Blakely, giáo sư Sử học danh dự tại đại học Boston viết rằng: “Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thập niên 1930, đời sống người đen vốn cơ cực càng thêm cơ cực và bất bình đẳng nên ai có cơ hội đều tìm cách di cư sang Nga hy vọng sẽ tìm thấy một đời sống không có sự kỳ thị màu da như bộ máy tuyên truyền của Nga nói và được sự tiếp tay rất hữu hiệu của báo chí Tây phương.”

“Nhưng thực tế không phải vậy nên cuối cùng họ đều trở về cố quốc hay di cư sang nước khác. Đến bây giờ theo thống kê tại Liên bang Nga có khoảng 50 con cháu của người Mỹ da đen, và tại các nước vốn thuộc Liên bang Xô viết nay đã độc lập có từ 100 đến 200 người.”

Cuốn phim “Người Nga da đen - Kinh nghiệm Đỏ” (Black Russians – The Red Experience) do nhà đạo diễn Yelena Demikovsky ở New York thực hiện nói rằng mối liên hệ giữa người Mỹ da đen và nước Nga bây giờ không ai quan tâm nữa dù một thời đã là một chiêu bài tuyên truyền ăn khách của chính phủ Nga.

Trong thập niên 1930, nhà nước Xô viết tuyển mộ chuyên viên và nhân công nước ngoài có tay nghề giỏi với một chế độ đãi ngộ hậu hĩnh: lương cao, nhà ở miễn phí và nhiều ngày nghĩ nên có khoảng 17,000 người Mỹ trắng và chừng vài trăm người da đen (Oliver Golden trong nhóm này) đáp lời mời gọi bỏ nước đi Nga. Thành phần vài trăm người da đen này đều là kỹ sư, nhà giáo, nhà báo, luật sư, diễn viên có bằng đại học tại các đại học dành cho người da đen như đại học Tuskegee tại Alabama và Trường Kỹ nghệ và Canh nông Hampton tại Virginia. Nhà đạo diễn Paul Roberson và nhà thơ Langston Hughes là những nhân tài đã bỏ nước sang Nga vì thích chủ nghĩa cộng sản, một khuynh hướng thời thượng.

Cô Yelena Khanga, 52 tuổi cháu nội của Oliver Golden hiện giữ một chương trình TV ở Moscow, có một ngôi nhà khang trang gần Công trường Đỏ có xe và tài xế riêng. Cô nói rằng hồi đó rằng các viên chức lớn của đảng cộng sản Mỹ hay các nhân vật da đen nổi tiếng khi đến thăm Nga đều đến thăm ông nội của cô.

Cô nghe họ nói chuyện với nhau về những khó khăn của người Mỹ da đen, của người nghèo và của thành phần thợ thuyền tại Hoa Kỳ. Cô từng thắc mắc tự hỏi ông nội của cô chẳng bao giờ đặt chân đến Chicago mà sao cứ nói đến Chicago!

Sáng kiến tuyển mộ người Mỹ da đen của Nga rất thành công. Các kỹ sư canh nông trong nhóm Oliver Golden đã đóng góp nhiều cho nông nghiệp Nga, nhất là việc pha giống cây dễ trồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ông George Tynes được cử đi nhiều bang trong Liên bang, dạy cho người Nga cách nuôi vịt và các loài lông vũ sống cạnh ao hồ và được xem là một chuyên viên canh nông có tầm vóc quốc gia. Ông Golden giúp phát triễn kỹ nghệ trồng bông vải ở Uzbekistan. Người Mỹ da đen cũng mang vào Nga nhạc jazz và nhạc blues.

Nhưng vào thời gian Stalin thanh trừng nội bộ, chính sách đãi ngộ chấm dứt. Người Mỹ da đen cũng như các người nước ngoài khác sống ở Nga bị nghi ngờ, bị bắt, bị thủ tiêu hoặc bị áp lực trở về nước.

Cô Khanga nói ông nội cô thoát khỏi bàn tay của mật vụ Nga nhờ may mắn. Ông không có nhà khi mật vụ đến bắt ông. Khi ông đi trình diện công an nói họ không cần bắt ông nữa vì chỉ số cần bắt trong vùng ông ở đã đủ rồi.

Thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh, người Mỹ da đen bị đối đãi lạnh nhạt. Nhưng vào thập niên 1960 khi Liên bang Xô viết ve vãn các nước Phi châu cấp học bỗng rộng rãi cho nhiều sinh viên Phi châu thì chính phủ Nga đổi chính sách với người Mỹ da đen.

Sinh ở Nga, mẹ là người Nga gốc Ukraine, cô Tynes-Mansah nghĩ mình là người Nga. Nhưng càng lớn lên cô càng ý thức mình khác với những người Nga khác. Năm nay hơn 70 tuổi, bà nói bà nhớ lại càng lớn bà càng ít muốn ra đường. Người Nga thường nhìn chằm chặp vào màu da cà phê sữa và dáng dấp nhỏ thó của bà. Tuy nhiên họ chỉ thấy lạ chứ không với ác cảm như hiện nay.

Tynes-Mansah hiện là giám đốc cơ sở Metis, một tổ chức bất vụ lợi giúp đỡ trẻ em Nga gốc nước ngoài, nhất là trẻ gốc da đen Phi châu. Cô nói, người Nga gốc Phi châu muốn hội nhập, nhưng xã hội Nga kỳ thị không xem họ là người Nga. Thỉnh thỏang họ vẫn bị người Nga mắng “Về Phi châu mà sống!”

Cô Khanga, có chồng người Nga da trắng, có một đứa con trai 12 tuổi cảm thấy thoải mái tại Nga. Nhưng gần đây, như có một tiếng gọi thiêng liêng, cô đi thăm Phi châu và Hoa Kỳ để tiếp cận với nguồn gốc của mình. Cô thư từ liên lạc với thân nhân ở New York và Mississipi. Trong một cuốn sách viết về gốc gác của mình, cô viết:

“Khi tôi viếng nước Mỹ, tôi thấy tôi là một người Mỹ đen. Tôi muốn đi lễ ở một nhà thờ của người da đen. Tôi thích ăn các món ăn cổ truyền có nhiều rau kale. Và tôi thích nhạc jazz. Nhưng khi trở về Nga tôi thấy tôi là một người Nga với mọi thói quen, lối sống và cách ăn uống Nga.”

Từ năm 1930 đến nay 84 năm đã trôi qua. Chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, vật đổi sao dời. Cuối thập niên 2050 người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ sẽ ra sao? Tư duy các cô Khanga Việt, Tynes- Mansah Việt sẽ như thế nào? Và một ngàn câu hỏi khác. (TBN)

Trần Bình Nam thuật

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.