Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Nhớ 1 chuyện tình


Kim Phan

Bạn tôi, tên Tâm, vừa đi du lịch từ Pháp về, tôi hỏi bạn đi chơi có gì vui. Bạn bảo không vui, không buồn, nhưng có chuyện nầy:

Ông xã bạn tôi sau một trận đau thập tử nhất sanh, tưởng là nằm liệt ngờ đâu nền y khoa nhất thế giới của Hoa Kỳ giúp ông tỉnh táo và đi lại bình thường. Hai vợ chồng mới có ý định đi du lịch.

Sẵn có đứa cháu chồng bên Pháp, họ quyết định mua vé sang Pháp. Cô cháu này đi du học vào khoảng năm 1970, sang học vài năm thì lấy chồng để có quốc tịch. Cuộc sống chung giữa hai người không cùng xứ sở, chuyện tình kết thúc năm 1975, sau khi có với nhau 2 con. Vài năm sau cô đi bước nữa với người từ Việt Nam mới sang vào khoảng năm 1979, đi theo diện lai Pháp. Nghe nói họ cũng hạnh phúc lắm.

Khi bạn tôi và chồng xuống phi trường, hai vợ chồng cô cháu ra đón. Tâm nhìn ông chồng cô cháu với hàm râu quai nón, thấy ngờ ngợ, quen quen, giọng Bắc chuẩn, nếu không nhìn mặt 95% là tây, chỉ nghe giọng nói thì rặt là Việt Nam.

Trên đường về nhà, Tâm ngồi phía sau lưng ông xã, nhìn xéo phía tài xế. Thỉnh thoảng chồng cô cháu nghiêng sang một bên, thôi đúng rồi! Nó đấy! Cái nốt ruồi ở cuối đuôi chân mài, đích thị là nó!

Năm Tâm học Đệ Lục tức lớp 6, gia đình Tâm dọn nhà, nhà mới này có đuôi là cái bếp. Sau cái bếp là sân sau của ngôi nhà khác, họ có khoảng chục cái chuồng bồ câu, hàng ngày nhìn qua kẻ vách chỉ là các tấm ván đóng đỡ cho dính nhau, Tâm hay thấy một cậu bé cũng bằng tuổi Tâm, hay ngồi một mình, thỉnh thoảng kêu "cúc cu cúc cu" để gọi bồ câu xuống ăn. Cậu nầy lai Pháp, nghe nói gia đình từ Nam Vang về Việt Nam sống vì sợ bị “cáp duồng.” Trời ơi, lần đầu tiên nhìn thấy "thằng nầy" quả tim của Tâm đập nghe thùi thụi. Chưa biết Phan An, Tấn Ngọc của Tàu đẹp cỡ nào, chứ "thằng nầy" Nguyễn Thế Cẩm, lai Tây sao mà đẹp quá trời quá đất, mũi cao, mắt nâu, tóc bồng bềnh vàng vàng nâu nâu, sao mà như là tài tử Alain Delon lúc còn bé.

Hai nhà ở hai mặt hẻm khác nhau, nhưng hai cái bếp thì dính nhau như hai cạnh của góc vuông, thỉnh thoảng có món gì ngon thì mẹ của hắn gọi với sang để cho má Tâm, vì nhà Tâm đông anh em. Bên Tâm thỉnh thoảng mẹ có nấu chè cũng kêu Tâm mở cửa sau đem qua cho bà. Hai mắt nhìn nhau, nhưng chẳng nói lời nào, nghe nói nó học trường Tabert.

Thời gian trôi vẫn cứ trôi, hai nhà vẫn thông thương qua lại với hai cái bếp gần nhau, nhưng Tâm vẫn e dè mặc cảm vì Tâm xấu quá, tóc dài nhưng lưa thưa, nhà thiếu ăn nên gầy đét, đã thế hai cái răng cửa bị sâu, khi cười cứ chúm chím sợ người khác nhìn nên lúc nào cũng như con ốc trong vỏ.

Năm ấy, thi tú tài Tâm đậu bình ban Toán, rồi Tâm xin mẹ cho học thêm Toán Lý Hoá ở trường Văn Học. Buổi trưa nọ ra đầu đường đón xe bus, bỗng dưng tim bạn đập thình thịch vì thấy Cẩm, “thằng nhỏ” ấy từ trong ngõ đi ra. Thằng nhỏ bây giờ là một thanh niên cao lớn đẹp trai, nó đưa tay quắc một chiếc taxi, xe ngừng ngay chỗ bạn Tâm, nó mở cửa sau và nói "Lên đi Tâm." Không hiểu sao bạn riu ríu bước vào, thằng nhỏ đóng cửa và lên ngồi phía trước.

Xe tới Phan Thanh Giản ngừng cho Tâm xuống. Tâm nói cho Tâm hùn tiền trả tiền xe, Cẩm bảo "Thôi cất đi sao hàng xóm biết nhau mà khách sáo thế!" Vậy là "Tâm nợ Cẩm một chuyến xe."

Tâm kể tiếp, trong xóm, mỗi tối Cẩm và một thằng bạn nữa hay ra sau bếp có cái đi văng, ngồi đàn ca tới khuya. Cẩm hát nhạc Pháp và nhạc Trịnh Công Sơn, vừa đàn vừa hát nghe sao mà hay không thể tả. Bên nầy hằng đêm Tâm nghe thuộc lòng từng lời. Tâm mê người, mê tiếng đàn, mê giọng hát.

Thế nhưng tối đó, đứa em trai của Tâm từ trong xóm bay về nhà hỏi, "Hồi trưa chị đi taxi với thằng Cẩm phải không? Người ta đồn ra hết cả xóm rồi!"

“Trời ơi” Tâm kêu thầm trong bụng, nhưng chống chế với thằng em, "Nó mời chị đi, chị trả tiền mà nó không lấy mà."

Tâm vô cùng đau khổ, từ đó trở đi Tâm vĩnh biệt luôn cái ngõ đi ngang nhà Cẩm, mặc dù Tâm vẫn theo dõi Cẩm, vẫn nghe bên kia đàn và hát, nhưng chẳng bao giờ buớc ra khỏi cửa sau. Sau đó thì nghe má Cẩm nói nó rớt Tú Tài 2 bị động viên đi lính.

Khoảng năm 1978 cả miền Nam nhà nhà lâm vào cảnh bần cùng khốn khổ, gia đình Tâm "được nhà nước động viên đi kinh tế mới", còn vài đứa em ở lại căn nhà cũ. Một hôm từ kinh tế mới trở về, đi ngang nhà Cẩm, gặp má nó ngồi trước cửa ngõ, Tâm dừng chân hỏi thăm bà. Câu đầu tiên bà nói là "Cẩm đi Pháp rồi con có biết không?" Tâm lặng thinh, ráng che giấu nỗi buồn riêng. "Cẩm ơi sao đi một mình vậy Cẩm?"


Hiện tại Tâm đang sống yên vui, hạnh phúc với chồng, qua rồi cái thời ngây thơ bồng bột. Gặp lại cố nhân, "thằng nhỏ" không nhìn ra Tâm, vì từ cái hôm gặp nhau ở đầu đường cách đây gần 50 năm, Tâm hàng xóm là cô gái xấu xí, bây giờ không còn nét nào như vậy cả sau 20 năm ở Mỹ, quên hẳn chuyện tình thuở học trò nhiều mơ mộng.

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.