Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Ca hát giúp kéo dài tuổi thọ





Khi hát, bạn phải luyện giọng, ghi nhớ lời bài hát. Đây cũng là bài tập giúp nhiều người luyện trí nhớ. Do đó, hát rất có ích cho những ai hay quên hoặc mắc chứng Alzheimer.

Khi cất tiếng hát là bạn đang làm điều có lợi cho sức khỏe đấy!
"Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...". Những lúc ngân nga hát, bạn sẽ thấy tâm trạng phấn chấn hơn. Nhiều người hát khi tụ tập bạn bè, trong các bữa tiệc, hát để giải trí, thậm chí hát để giải sầu. Bạn có thể hát khi đang làm việc nhà, nấu ăn, đang tắm, sau khi hoàn tất một công việc... Hãy làm điều đó một cách tự nhiên vì hát rất tốt cho bạn.
Các nghiên cứu khoa học tại nhiều nước đã chứng minh, hát vừa đem lại niềm vui vừa mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi hát, chúng ta thường nhập tâm vào các giai điệu, lên giọng, hạ giọng... chính những điều này đã đem đến các tác động có lợi cho cơ thể, bao gồm:
Hát giúp giảm đau và căng thẳng
Giáo sư Graham Welch, đại học London, Anh, đã tiến hành một nghiên cứu về lợi ích của hát đối với sức khoẻ. Ông cho biết, khi hát, nhịp thở của bạn sẽ thay đổi, dung tích của phổi được sử dụng hết cho việc hít thở. Luồng không khí vào cơ thể nhiều hơn và mạch máu sẽ hấp thụ nhiều ô-xy hơn. Do đó, bạn sẽ có cảm giác tỉnh táo hơn.
Thông qua việc hít thở sâu, hát cũng giúp những bệnh nhân bị viêm phổi hoặc hen suyễn dễ hít thở hơn.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra nhiều lợi ích của hát như: làm giảm áp lực máu, điều hoà nhịp tim và giảm căng thẳng. Ngoài ra, hát còn được sử dụng như liệu pháp trị liệu. Patricia Preston-Roberts, một nhà trị liệu âm nhạc ở New York, Mỹ, đã sử dụng liệu pháp âm nhạc điều trị cho nhiều bệnh nhân có vấn đề về tâm sinh lý.
Patricia cho biết: "Nhiều bệnh nhân cảm thấy chán chường về cơ thể bệnh tật của mình. Tôi đã khuyên và hướng dẫn họ hát. Sau đó, họ cho biết dường như liệu pháp này đã giúp ngăn chặn những cơn đau xuất hiện".
Kéo dài tuổi thọ
Hát không chỉ mang lại lợi ích cho người trẻ mà còn rất tốt cho người lớn tuổi. Để minh chứng cho điều này, các nhà khoa học tại Mỹ đã tiến hành nghiên cứu giữa hai nhóm người từ 55 tuổi trở lên.
Một nhóm tham gia các hoạt động ca hát ở nhà thờ, nhóm còn lại là những người không tham gia ca hát. Sau ba năm, kết quả cho thấy những người trong nhóm ca hát có những biểu hiện tinh thần tốt hơn hẳn nhóm kia như: họ ít mắc bệnh, ít gặp các vấn đề về mắt, ít bị trầm cảm, ít gặp những vấn đề về hô hấp...
Một kết luận khác rất đáng chú ý, đó là hát còn giúp bạn kéo dài thêm 2 - 3 năm tuổi thọ.
Lợi ích cho bệnh nhân Alzheimer
Khi hát, bạn phải luyện giọng, ghi nhớ lời bài hát. Đây cũng là bài tập giúp nhiều người luyện trí nhớ. Do đó, hát rất có ích cho những ai hay quên hoặc mắc chứng Alzheimer.
Theo các nhà nghiên cứu về Alzheimer tại Canada và Mỹ, những người mất trí nhớ vẫn có thể hát bài quen thuộc và học bài mới. Qua đó, họ trở nên tự tin hơn, không cảm thấy cô đơn và quá trình mất trí nhớ bị chậm lại. Trí não của chúng ta sẽ tạo ra những phản ứng, hoạt động khác nhau giữa hát và nói.
Âm nhạc cho phép những người không còn khả năng nói tiếp cận với những bài hát và các ca từ. Âm nhạc cũng là biện pháp dẫn đường cho những người mất khả năng giao tiếp đến với ngôn ngữ thông qua giai điệu. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng hát cũng đem đến những lợi ích tương tự cho bệnh nhân bị bệnh Parkinson, đột quỵ, chấn thương ở đầu hay những người thiểu năng.
Tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, cải thiện trạng thái tinh thần
Một nghiên cứu của trường đại học Frankfurt, Đức, đã phát hiện hát giúp cơ thể gia tăng sản sinh một số chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch như cortisol, Immunoglobulin A... Khi nghe nhạc, bạn không có được những lợi ích này.
Khi hát, cơ thể sản sinh nhiều nội tiết tố endorphine giúp gia tăng cảm giác sảng khoái. Một số người dễ bị suy sụp tinh thần sau khi ly hôn hay gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh... Thế nhưng, sau khi họ hát hoặc tham gia các chương trình văn nghệ, họ đã có những phản ứng tốt về tâm sinh lý và yêu đời hơn.

Source: http://thanhnhac.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.