Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

TRẦN MỘNG TÚ: VIẾT VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN HY VỌNG VÀ “NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT”


Ảnh nhà thơ Trần Mộng Tú (trái) và TS Julie Phạm Hoài Hương
trong buổi sinh hoạt với nhóm Sea Fair của cộng đồng Việt-2014

Tác giả Nguyễn Hy Vọng và “Nguồn Gốc Tiếng Việt”
Trần Mộng Tú

Lời ru thành ngọn gió đưa
Quạt anh ve vuốt giấc mơ vợ hiền
Chìa tay anh, em gối lên
Xõa ngực anh, mái tóc mềm của em. (Dân Ca)

Câu dân ca trên hoàn toàn tiếng Việt. Người Việt nào hát lên và người Việt nào nghe cũng hiểu ngay và thấm thía cái âm hưởng của tiếng hát, thưởng thức cái ý nhị trữ tình của nội dung.

Nhưng đó không phải là dân ca Việt Nam, đó là dân ca của người Khờ-me
(Khmer)

Câu hát nói về một tiếng gió và tình yêu vợ chồng. Chúng ta thử xem có bao nhiêu ngôn ngữ của người dân vùng Đông Nam Á (ĐNÁ) dùng chữ “GIÓ” để gọi gió.

Mường: k-juó
Thái:     wa-du / wa-giu/ph- giú/ kh-glol (chặp kh-glol là bắt gió/cạo gió)
Lào:      ph-gio
Kmer:   kh-gio-l/via-gio/wa-giu/ph-gio
Hmong: t-zuó, chjuó

Và người Yao thì dùng ngay chữ “GIÓ” để gọi gió

Nếu ta mở đến chữ “GIÓ” trong vần “GI” của bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt –Tác giả BS-Nguyễn Hy Vọng ra thì ta sẽ thấy đến 20 dân tộc của vùng ĐNÁ nói chung một tiếng GIÓ.

Rồi đến câu chúng ta hay nói thường ngày như: “Săn sóc sức khỏe.” Chúng ta nói mà chưa bao giờ tìm hiểu chữ “săn sóc” ở đâu mà ra. Có bao nhiêu dân tộc cùng dùng bốn chữ này, hiểu một nghĩa và phát âm một cách như chúng ta.

Khi người Thái nói: săn-t là theo dõi (như đi săn con mồi) thì người Khmer nói: sok là sức khỏe.

Để rồi người Thái, Lào, Miên, Khmer đều nói: Sănth-sok hay là Săn-tỉ s-sok và
tới tiếng Việt trở thành: Săn sóc sức khỏe.

Chỉ hai chữ đơn sơ đó, cộng chung lại thành một cấu trúc ngôn ngữ tuyệt vời của vùng ĐNÁ.

Bây giờ chúng ta đọc câu thơ của thi sĩ Định Nguyên sau đây:

Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng
Như đếm tình anh nỗi nhớ chung (Định Nguyên)

Ta thử dịch dòng thơ đầu bằng ngôn ngữ của những người bạn láng giềng khác nhau, khi đọc lên ta có nhận được ra không?

Đêm đêm: pđăm pđăm (Chàm)
anh:           eng (Lào)
đếm           tém (Hmong)
sầu riêng    thô-riên (Thái)
rụng           ch-ruu (Khmer)

Cả câu dịch đọc lên, nếu ta lắng nghe bằng cả tâm hồn:

Pđăm pđăm eng tém thô-riên ch-ruu.

So sánh với:  Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng

Ta sẽ thấy cái âm phát ra rất gần với tiếng Việt mình.

Điều đó chứng minh cho ta thấy rõ tiếng Việt và các tiếng nói trong vùng ĐNÁ có liên hệ mật thiết với nhau.

Một con người với một tâm hồn yêu chữ nghĩa nói chung và tiếng Việt nói riêng đã để ra 31 năm (1981-2012) trong đời mình để tìm hiểu đến nơi đến chốn về nguồn gốc, liên hệ của tiếng Việt với các tiếng nói của những dân tộc láng giềng.

Nếu nói tuổi thọ của một người là 100 năm như ta vẫn chúc nhau (mà mấy ai có được) thì con người này đã bỏ ra 1/3 đời mình cho “Tiếng Nước Tôi

Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng kể lại những năm đầu dọn tới Seattle từ thủ đô DC (1980)
Khi mở phòng mạch khám bệnh. Một ngày ông chỉ khám được có hai, ba bệnh nhân, vì khám bệnh cho toa xong ông ngồi nghe họ nói tiếng Lào, tiếng Miên, tiếng Kampuchia. Ông nhận thấy khi họ nói chuyện với nhau có quá nhiều tiếng Việt trong ngôn ngữ của họ. Thế là có ngay những giờ “Bệnh nhân dạy bác sĩ”.  Dậy ngôn ngữ của họ: Lào, Miên, Thái, Nùng và cả tiếng Hoa.


Là một người yêu chữ, ông để tâm vào việc học hỏi và sưu tầm về nguồn gốc của tiếng Việt qua 57 ngôn ngữ của miền nam Á và ĐNÁ với 275 ngàn tiếng một (từ vựng) đồng nguyên. Ông bắt tay vào công việc này từ năm 1981 đến năm 2012 thì bộ sách hoàn thành và đến nay, ông vẫn tiếp tục bỏ ra bao nhiêu tâm huyết cho một công trình bạc tóc và nặng trĩu ngàn cân đó.

Ông đã chứng minh cho thấy tiếng Việt pha trộn giữa các nước láng giềng như Chàm, Khmer, Lào, Thái, Mã Lai, Mường v.v nhiều hơn là pha tiếng Tầu như trước đây ta vẫn tin như thế (Những Nẻo Đường Tiếng Việt-trang 232).

Ông cũng đã về Việt Nam, đến Ninh Bình học tiếng Mường một thời gian. Nhờ có người cháu nói được tiếng Mường nên ông học rất nhanh. Bây giờ ông có thể nghe và nói ngôn ngữ này. Ông cho biết ở quê nhà, những vùng như Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rất nhiều tiếng Việt lồng trong tiếng Mường.

Ông cũng chứng minh, chính tiếng Tầu là tiếng vay mượn của nhiều tiếng nước khác, có gốc của tiếng Sanskrit, (Ấn Độ), Pali, Hy Lạp, Turkey, v.v. Nhưng đặc điểm của người Tầu là không bao giờ nói mình vay mượn của ai, không bao giờ nhắc tới và sau một thời gian nhận luôn là của mình. (NNĐTV- trang 166)

Bây giờ sau đúng 33 năm, bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt  Những Nẻo Đường Tiếng Việt (Sách kèm theo, nói về chân trời tiếng Việt qua những đường nét và sắc màu đa dạng) sẽ được ra mắt nhiều nơi trên nước Mỹ.

Bắt đầu từ tháng 5/2014. Khởi đi từ miền Nam California, nơi tác giả cư trú, đến Seattle, Oregon và sẽ tiếp tục đi lên miền Đông nước Mỹ, sau đó sẽ qua Pháp.(Nơi bộ Từ Điển đã được bảo trợ danh dự của Đại Thư Viện Quốc Gia)

Hãy hình dung ra hình ảnh một người đàn ông trọng tuổi, gầy gầy, tóc bạc phau,  đang gánh hai bồ sách ở hai đầu quang gánh leo lên những ngọn đồi trong một sáng mù sương trước mặt, hoặc gánh trở xuống từ một con dốc với một quả mặt trời đỏ rực đang lặn sau lưng. Ông không nghĩ là mình đã làm một việc quá nặng nhọc, ông chỉ biết làm với cả tấm lòng cho Tiếng Việt của mình.

Cong lưng gánh chữ lên đồi
Mới hay gánh cả mặt trời trên lưng (tmt)

Chúng ta, người Việt Nam, yêu quê hương cũng như yêu ngôn ngữ của mình. Hãy đến, mặt đối mặt, tay cầm tay với tác giả để nói lên lòng cảm phục và quý mến một con người tận tình với tiếng Việt. Hãy đến, chạm tay vào bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt/ Những Nẻo Đường Tiếng Việt để nghe sự rung động trong hồn mình.

Ta cũng noi gương tác giả cong lưng vì chữ, mang bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, nặng 5 kí  và cuốn sách Những Nẻo Đường Tiếng Việt về nhà làm quà cho chính mình “A gift for soul”

Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt và Những Nẻo Đường Tiếng Việt là món quà lạ lùng và tuyệt vời cho những người ta quý mến.

Món quà ta tặng mà không phải chọn ngày đặc biệt nào cả, vì khi người nhận được sách sẽ tự thấy mình đặc biệt biết bao!


Trần Mộng Tú,
Ngày 6 tháng 7 năm 2014
Source: http://nvnorthwest.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.